Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Phép màu nào giúp tôi thoát khỏi Pháp Luân Công!

Phép màu nào giúp tôi thoát khỏi Pháp Luân Công!

Đăng bởi: Tâm Đạt
ISSN: 2734-9195

Sớm nay thức dậy, những hình ảnh, ký ức về một giai đoạn tôi tu luyện Pháp Luân Công cứ ám ảnh tâm trí tôi. Tôi lặng lẽ ngồi yên suy nghĩ lại quãng thời gian ấy, bỗng nhiên tôi cảm thấy cần viết lên những tâm sự của mình về việc tôi dừng tu luyện Pháp Luân Công.

phep mau nao giup toi thoat khoi phap luan cong 01

Lời ngỏ

Thưa các bạn đọc, ban đầu tôi viết bài này là để gửi tới những người bạn đã từng theo tôi tập Pháp Luân Công và những người bạn biết tôi từng tập Pháp Luân Công để họ biết tôi không còn tu luyện Pháp Luân Công nữa. Vì ngày trước khi tu luyện Pháp Luân Công tôi có rủ bạn bè và chia sẻ rất nhiều về Pháp Luân Công. Tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm thông báo cho họ biết.

Tuy nhiên khi đọc những bài viết nói về Pháp Luân Công và đạo Phật của những học viên Pháp Luân Công (chưa hiểu đạo Phật chân chính) và những phật tử (chưa từng tu luyện Pháp Luân Công) tôi thấy mình cần chia sẻ bài viết này. Với hơn 2 năm say mê tu luyện Pháp Luân Công và gần 3 năm quay về với sự tỉnh thức của đạo Phật, tôi muốn chia sẻ trải nghiệm của bản thân mình với các bạn.

Trước khi nói lên lý do vì sao kết thúc thì tôi muốn chia sẻ về những nguyên nhân cho sự bắt đầu. Cách đây 5 năm về trước, năm 2012 tôi tốt nghiệp đại học. Lúc ấy tôi chưa biết gì về con đường tâm linh và sự tu tập nào cả, trong tôi là những suy nghĩ của một người Cộng Sản hăm hở, tích cực muốn cống hiến cho đời. Tôi được thầy giáo giới thiệu vào làm việc tại một cơ quan nhà nước. Tôi rất hãnh diện về điều đó và thầm hứa với thầy là sẽ cố gắng làm việc thật tốt để không phụ ơn thầy dìu dắt.

Nhưng khoảng thời gian hào hứng đó không kéo dài. Vào làm việc một thời gian tôi nhận ra thực tế vốn rất phũ phàng không như những lý tưởng mà tôi được học, tôi cảm thấy bi quan và mất niềm tin vào những gì tôi đang theo đuổi. Thời gian đó mỗi khi đi làm về tôi thường hay lang thang trên những con phố Hà Nội đến tận tối muộn và câu hỏi thường trực trong đầu tôi là “Mục đích đời tôi là gì? Điều gì đáng để tôi tin theo?”. Một hôm tôi lang thang trên mạng và vô tình tôi xem được một video nói về việc tiên tri sẽ có một đức Phật giáng trần đem Chân – Thiện – Nhẫn để cứu độ chúng sinh, vậy là tôi biết đến Pháp Luân Công như thế.

Ba chữ Chân – Thiện – Nhẫn như cứu cánh cho tôi trong giai đoạn đó. Tôi vốn yêu cái thiện nên khi mới gặp Pháp Luân Công tôi rất thích thú, tôi hiểu vẫn có nhiều điều chân thiện ở trên đời để mình tin theo (lúc ấy tôi vẫn chưa biết đến Phật giáo chân chính). Tôi say sưa đọc sách Chuyển Pháp Luân và tập 5 bài Công Pháp. Thời điểm đó là cuối năm 2012.

phep mau nao giup toi thoat khoi phap luan cong 02

Hình ảnh có tính chất minh họa – Ảnh: St

Sau một thời gian tu luyện, tôi thấy tinh thần tôi phấn chấn, sức khỏe tôi ổn định, không còn mệt mỏi hay ốm vặt như ngày xưa nữa. Tôi tìm thêm những trang web của Pháp Luân Công và say mê đọc, tôi biết được về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc, tôi cảm thấy ghê tởm với những việc làm tội ác và thương xót vô cùng với những người bị đàn áp. Dần dần tôi cũng tìm gặp những người bạn đồng tu tại Hà Nội (tại Công viên Cầu Giấy), thỉnh thoảng qua đó luyện công cùng họ, vào nhà một bạn đồng tu học pháp chung, quyên góp tiền cho đại pháp, xin tài liệu và chia sẻ với mọi người về vụ đàn áp.

Thời gian dần trôi, càng ngày tôi càng dành rất nhiều thời gian cho Pháp Luân Công (tập 5 bài công pháp, đọc sách, đọc mạng, chia sẻ, cầm đơn thỉnh nguyện đi xin chữ ký, ngồi phát chính niệm v.v…) với sự say mê không thể nào diễn tả được. Tôi chia sẻ với bạn bè tôi về việc tôi tu tập Pháp Luân Công và cũng rủ vài người bạn cùng tu. Tôi phản biện tất cả những ai nói về Pháp Luân Công như một tà giáo hay sự mê tín. Niềm tin của tôi lúc ấy là vô cùng vững chắc.

Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn tôi luôn có một tiếng nói thì thầm “Sao sư phụ Lý Hồng Chí lại lên án Phật giáo nhiều như vậy?”, sao sư phụ lại khuyên không nên đọc sách của những chủ thuyết khác?

Tại sao phải coi những người Cộng sản Trung Quốc như những tà linh cần tiêu diệt?

Có tà linh đứng sau sai khiến họ chăng?

Tu tâm tính theo Chân Thiện Nhẫn thì chỉ cần tập trung vào việc tu thôi chứ tại sao cứ phải chê bai coi thường các pháp tu khác? Mà sư phụ là giáo chủ của một pháp môn sao lại sử dụng ngôn từ khiếm nhã nhiều như vậy? Sao sư phụ giảng nhiều về các vấn đề siêu hình (các chiều không gian, văn hóa tiền sử…) nó có ích gì cho vấn đề tu tâm theo Chân Thiện Nhẫn?…Tôi đem những băn khoăn đó hỏi các bạn đồng tu thì nhận được những câu trả lời là:

“Đây là cửa quan (thử thách tín tâm) mà sư phụ đặt ra cần phải vượt qua;

Hãy về đọc thật kỹ sách của sư phụ sẽ thấy câu trả lời;

Sư phụ nói ra sự thật, sự thật thì mất lòng (cũng giống như ngày xưa Phật Thích Ca bài xích Bà La Môn giáo vậy);

Nếu đọc hay chất chứa các loại sách khác thì pháp thân của sư phụ sẽ rời đi. Đọc một quyển sách đạo khác thì dễ bị tà linh sau quyển sách đó xâm nhập;

Bất nhị pháp môn…”

Tôi vẫn băn khoăn và lại về nhà tiếp tục đọc, tiếp tục tu, tiếp tục thực hiện những hoạt động của đại pháp, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn tôi vẫn có điều gì đó không an. Từ lúc ấy trở đi, trong các sách, tài liệu của sư phụ Lý Hồng Chí và học trò biên soạn (tôi xin phép không kể tên) tôi chỉ thích đọc những đoạn sư phụ viết về Chân – Thiện – Nhẫn, viết về sự nhường nhịn, nhẫn nhục của của con người, những bài học về nhân quả, những câu chuyện đời xưa của những bậc thánh nhân giác giả.

Còn những đoạn đả kích đạo Phật, lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc hay nói về sự hình thành vũ trụ, các chiều không gian, những thế lực siêu hình, tôi không còn hào hứng nữa. Có lúc tôi nghĩ Pháp Luân Công mình tu cứ hay lên án Chủ nghĩa Cộng sản đã áp đặt hệ tư tưởng, viết sách vạch trần Đảng Cộng sản Trung Quốc là một tôn giáo, nhưng tôi cảm thấy mình cũng đang tu với một pháp môn áp đặt sao sao ấy.

Tôi vốn rất yêu thích sách và có nhiều sách, tôi còn sáng lập ra các câu lạc bộ sách nhưng từ khi tu luyện Pháp Luân Công tôi chỉ đọc sách của sư phụ Lý Hồng Chí và các website của Pháp Luân Công. Tôi không dám đọc các quyển sách khác nữa vì sợ sẽ có những tà linh nhập và điều khiển mình. Sự mâu thuẫn từ đó cứ thỉnh thoảng lại trỗi dậy trong tôi. Nhưng tôi lại tự an ủi mình rằng, mình chọn con đường này sư phụ đã an bài cho mình hết rồi, cứ theo Pháp Luân Công mà tu thôi, có gì sư phụ bảo hộ.

Đến tháng 8 năm 2013 tôi gặp vợ tôi bây giờ. Lúc ấy tôi vẫn tu Pháp Luân Công, còn vợ tôi thì là một phật tử hết sức trong sáng thuần hòa. Tôi đã mến em ngay từ lần đầu gặp gỡ trong một khóa học về tâm hồn. (Việc đăng ký đi học khóa học ấy, tôi cũng phải suy nghĩ rất nhiều, vì sợ đây là việc làm không cần thiết, trái với ý chỉ bất nhị pháp môn của đại pháp. Tuy nhiên tôi lại nghĩ, khóa học này dạy về sống tích cực sẽ bổ trợ thêm cho Chân Thiện Nhẫn nên tôi đã đăng ký).

Sau khi quen và yêu em, tôi giới thiệu với em về Pháp Luân Công, tôi muốn em cũng tu luyện Pháp Luân Công giống tôi vì lúc ấy tôi biết đạo Phật là thời mạt Pháp còn Pháp Luân Công đang thời chính Pháp. Sư phụ sẽ gia hộ cho những người cùng tu Pháp Luân Công có thể lấy nhau để cùng nhau tu luyện. Tôi cũng đã thấy rất nhiều cặp đôi yêu nhau và lấy nhau đều là học viên Pháp Luân Công.

Tôi ra sức khuyên can em đừng tu đạo Phật nữa, rằng đã vào thời mạt pháp, sư trong chùa còn không tự độ được huống hồ là phật tử tại gia, rồi tôi nói lên rất nhiều vấn đề của Phật giáo, nào là cúng bái lấy tiền, nào là tà linh sau tượng Phật, nào là Pháp của Phật Thích Ca không cao bằng pháp của sư phụ Lý Hồng Chí…tôi nói như những gì tôi đọc trong sách của sư phụ và nghe những bạn đồng tu Pháp Luân Công chia sẻ. Nhưng em đối đãi lại tôi hết sức bình thản và từ hòa.

Em nói: “Em không biết những điều anh nói, nhưng em biết đạo Phật là đạo của trí tuệ và từ bi, em đến thiền viện được các thầy giảng pháp nói cho mình sáng những cái mê lầm, vô minh, bỏ ác làm thiện, không tức giận, chỉ trích người khác…sau đó các thầy dạy ngồi thiền, em có thể học cách tĩnh tâm và làm chủ được cảm xúc của mình tốt hơn. Em không biết là tu pháp nào cao, pháp nào thấp, có thể thể thành Bồ tát hay thành Phật nhưng trước mắt em thấy em có nhiều thay đổi tích cực trong mình. Em hạnh phúc khi là một phật tử.”

phep mau nao giup toi thoat khoi phap luan cong 03

Hình ảnh có tính chất minh họa – Ảnh: St

Tôi thấy em trả lời tôi rất hồn nhiên, không một chút trách cứ tôi đã nói xấu đạo Phật, em như một đóa sen thơm mát nở nụ cười hiền hậu nhìn tôi. Tôi có tặng em quyển sách Chuyển Pháp Luân và bảo em nhớ đọc sẽ hiểu. Em nhận và nói khi nào rảnh em sẽ đọc. Em có tặng tôi quyển “Đi tìm hạnh phúc”, đó là tập hợp những bài viết hay của các vị thầy lớn như Thượng tọa Thích Thanh Từ; Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Thời gian dần trôi, tôi thì bỏ quyển sách em tặng một chỗ mà không đọc, vì tôi sợ tà linh sau quyển sách đó sẽ nhập tôi. Còn em thì cẩn thận đọc quyển sách Chuyển Pháp Luân tôi tặng. Sau khi đọc xong em nói với tôi, có những chỗ tác giả viết giống Phật giáo nhưng có những chỗ siêu hình huyễn hoặc em không tin. Tôi thì luôn tìm cách để hướng em bỏ đạo Phật ngược lại em lại rất tôn trọng tín ngưỡng của tôi. Câu chuyện bỏ đấy, tôi vẫn tu Pháp Luân Công còn em vẫn tu Phật.

Mỗi lần gặp em tôi đều thấy em toát ra vẻ gì đó từ hòa dễ mến, tâm em không có tranh đấu giận hờn mà lúc nào cũng nở nụ cười. Còn trong tôi không biết từ bao giờ tâm tranh đấu lớn mạnh, hình thành trong tôi tính cách vạch lá tìm sâu các pháp tu khác, bất kể ai động chạm đến pháp Pháp Luân Công là tôi lại xù lông lên, tôi sẽ phân tích từng câu từng chữ họ nói họ viết để chỉ cho họ thấy họ sai lầm và minh chứng là Pháp Luân Công đúng. Tâm tôi lúc nào cũng căng thẳng nhưng khuôn mặt vẫn cố tỏ ra vui vẻ. Những mâu thuẫn nối tiếp mâu thuẫn giữa việc tu tiếp hay bỏ Pháp Luân Công.

Tu tiếp thì thấy bế tắc, bỏ thì sợ không ai gia hộ và sự trừng phạt của các thế lực ngoại đạo… Em động viên tôi: “Anh đừng quá suy nghĩ. Sự việc gì xảy đến với mình đều có lý do của nó. Chân lý thì mãi là chân lý. Đủ duyên thì sẽ đến thôi.”

Mãi cho đến đầu năm 2015 khi đỉnh điểm của những vấn đề xảy đến với tôi (tôi xin phép giữ kín). Tôi suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần. Lần này còn kinh khủng hơn nhiều lần trước (lúc tôi mới ra trường đi làm). Lúc này, em vẫn bên tôi, ân cần và từ hòa như một vị Bồ tát động viên tôi vượt qua giai đoạn khó khăn đó.

Lúc này tôi mới lôi quyển sách “Đi tìm hạnh phúc” mà em tặng ra đọc và sau đó em còn giới thiệu cho tôi quyển “Bước đầu học Phật” của thầy Thích Thanh Từ. Khi đọc hai quyển sách đó tôi mới thực sự hiểu bản chất của đạo Phật, không phải như những điều tiêu cực tôi nhìn qua lăng kính của Pháp Luân Công.

Từ đó tôi quyết định dừng tu luyện Pháp Luân Công và cùng em cứ mỗi cuối tuần lại đi Thiền viện Sùng Phúc để nghe các sư thầy giảng pháp và học ngồi thiền.

Do nhân duyên may mắn tôi mới gặp được vợ tôi, em giới thiệu cho tôi về đạo Phật chân chính và tôi lại có cơ duyên biết đến những vị thầy chân tu lớn như Thiền sư Thích Nhất Hạnh (người sáng lập tăng thân Làng Mai); Thiền sư Thích Thanh Từ (người làm sống dậy Thiền tông Trúc Lâm Việt Nam). Hòa Thượng Viên Minh (người sáng lập Huyền Không Sơn Thượng). Sau gần 3 năm nghiên cứu Phật Pháp và tu tập thiền chính niệm Vipassana tôi đã có một số cái thấy làm sáng tỏ những gì mê mờ mà tôi nhìn qua lăng kính của Pháp Luân Công.

Tôi hiểu đạo Phật là đạo của giác ngộ chứ không phải đạo chủ trương mê tín, siêu hình hay thần thánh hóa vấn đề. Đức Phật chỉ ra con đường (cách thức) để diệt trừ những mê lầm, khổ đau trong tâm người. Chuyển Pháp Luân tức là đức Phật quay bánh xe pháp đi chỉ dạy cho con người. Trong giai đoạn lúc Ngài còn tại thế có nhiều vị đạo sư ngoại đạo đến tìm Ngài để hỏi về những vấn đề siêu hình (sống, chết, luân hồi, vũ trụ, thời không, thần thông…) Ngài đều tránh không trả lời và không tiếp.

Ngài dặn các đệ tử là những gì Ngài biết thì nhiều như lá cây trong rừng còn những gì Ngài dạy thì chỉ như nắm lá cây trên tay Ngài thôi. Ngài chỉ dạy những điều gì có ích cho sự tu tập (Tứ diệu đế; Bát Chính Đạo; Tứ Niệm Xứ…). Còn những điều siêu hình không giúp ích gì cho việc tu tập cả mà chỉ làm tăng thêm sự chấp trước và dính mắc.

Mặt khác, đức Phật cũng khuyên các đệ tử của mình không nên ôm chấp, mắc kẹt vào lời Pháp của Ngài. Học Phật đúng là phải theo 3 bước (tam học) đó là Văn – Tư – Tu. Nghe và đọc kinh văn rồi thì phải tư duy và suy nghĩ về những lời dạy đó có phù hợp và đúng đắn không. Thấy đúng đắn rồi thì mới thực hành tu theo. Như vậy mới là người tỉnh thức, không dễ bị xa vào những đường tà.

Ngài còn nói, Pháp Phật là ngón tay chỉ mặt trăng chứ không phải mặt trăng, Pháp Phật là chiếc bè đưa người qua sông, qua sông rồi là phải bỏ chiếc bè đi chứ không nên đội nó lên đầu mang theo. Đức Phật dạy các đệ tử phải tự thắp đuốc lên mà đi bằng chính đôi chân của mình, đừng mong chờ từ một ai khác ngoài bản thân mình. Không thể cầu viện trợ từ một vị thầy ngoài ta cấp cho ta pháp luân, khí cơ, hay giải trừ bệnh nghiệp để ta an tâm tu luyện, không ai có quyền ban phước hay giáng họa cho ta cả. Tất cả là ở ta và do ta mà ra thôi.

Ngài còn lấy một ví dụ hết sức thực tiễn về việc này. Có một người muốn đi từ bờ bên này sang bờ bên kia của một con sông, chỉ có 3 cách, thứ nhất là đi qua cầu (nếu có), thứ hai là đi bằng thuyền (nếu có), thứ ba là bơi hoặc lội qua sông. Ta không thể ngồi khấn thần linh hay xin vị thầy của ta cho ta bay qua sông hay làm phép cho 2 bờ sông khép lại để ta bước qua được. Nếu ta bảo được, thì người đời họ sẽ bảo ta là điên mất nhỉ. Hoặc nó chỉ đúng trong trí tưởng tượng, tự kỷ ám thị của ta mà thôi.

Từ đó tôi không đi tìm kiếm những yếu tố siêu hình như ngày trước mà quay về với hiện tại để giải quyết những vấn đề thuộc thân và tâm mình. Tính cách của tôi cũng dần dần thay đổi, tâm tranh đấu và muốn chứng tỏ ngày xưa trong tôi dần giảm xuống. Tôi học theo hạnh từ bi của Bồ tát, không bới lông tìm vết người khác nữa, tập nhìn vào điểm tích cực của họ. Mở rộng lòng hơn để dung chứa lỗi lầm của người khác. Ngày trước Pháp Luân Công dạy tôi Chân – Thiện – Nhẫn nhưng không dạy tôi Từ – Bi – Hỷ – Xả nên tôi không có được khả năng lắng nghe để bỏ qua lỗi lầm của người khác. Khi tôi đọc bài thơ “Dặn Dò” của sư ông Làng Mai tôi đã bật khóc, bài thơ viết:

DẶN DÒ

Xin hứa với tôi hôm nay

Trên đầu chúng ta có mặt trời

Và buổi trưa đứng bóng

Rằng không bao giờ em thù hận con người

Dù con người

Có đổ chụp trên đầu em

Cả ngọn núi hận thù

Tàn bạo,

Dù con người

Giết em,

Dù con người

Dẫm lên mạng sống em

Như là dẫm lên giun dế,

Dù con người móc mật moi gan em

Đầy ải em vào hang sâu tủi nhục,

Em vẫn phải nhớ lời tôi căn dặn:

Kẻ thù chúng ta không phải con người.

Oán hờn lên tiếng

Đối đáp được

Sự tàn bạo con người.

Có thể ngày mai

Trước khuôn mặt bạo tàn

Một mình em đối diện.

Hãy rót cái nhìn dịu hiền

Từ đôi mắt

Hãy can đảm

Dù không ai hay biết

Và nụ cười em

Hãy để nở

Trong cô đơn

Trong đau thương thống thiết

Những người yêu em

Dù lênh đênh

Qua ngàn trùng sinh diệt

Vẫn sẽ nhìn thấy em.

Tôi sẽ đi một mình

Đầu tôi cúi xuống

Tình yêu thương

Bỗng trở nên bất diệt

Đường xa

Và gập ghềnh muôn dặm

Nhưng hai vầng nhật nguyệt

Sẽ vẫn còn

Để soi bước cho tôi.

phep mau nao giup toi thoat khoi phap luan cong 04

Hình ảnh có tính chất minh họa – Ảnh: St

Tôi ước ao các học viên Pháp Luân Công có thể đọc bài thơ này để họ có thể bước qua ranh giới của sự hận thù. Thay vì hàng ngày phát Chính niệm “tiêu diệt tà đảng” thì hãy niệm Tâm Từ (Từ Bi Quán). Hãy thay chữ “tiêu diệt” bằng chữ “mong sao cho kẻ thù của tôi được an lạc” (khi họ có an lạc, bình an và sự hiểu biết thì họ sẽ không làm hại ta nữa).

Ngày nào cũng niệm “tiêu diệt” và “trừ khử” chỉ càng làm tăng thêm lòng oán giận và sự hận thù. Đức Phật dạy chỉ có lòng Từ Bi mới cảm hóa được sự hận thù. Nếu ai học Phật sẽ biết đến câu chuyện của Ưng Quật Ma La vào thời đức Phật tại thế. Vì nghe theo lời sai trái của một vị thầy mà anh ta đi giết người hàng loạt và chặt lấy ngón tay xâu thành vòng treo vào cổ, phải giết đủ 1000 người anh ta mới thành Đạo. Và đức Phật là người thứ 1000 đó. Ai cũng kinh sợ anh ta ngay cả đến quân lính của nhà vua. Nhưng đức Phật vẫn nhìn ra điểm tốt của anh ấy. Bằng tâm Từ Bi đức Phật đã độ được anh ấy buông lưỡi đao xuống và dừng lại sự hận thù. Và sau đó anh ấy đã quy y theo tăng đoàn của đức Phật.

Vậy nên:

“Em vẫn phải nhớ lời tôi căn dặn:

Kẻ thù chúng ta không phải con người.

Xứng đáng chỉ có tình xót thương

Vì tôi xin em đừng đòi điều kiện

Bởi không bao giờ

Oán hờn lên tiếng

Đối đáp được

Sự tàn bạo con người…”

Tôi thiết nghĩ, nếu Pháp Luân Công không nói xấu, hạ thấp các pháp tu khác, không bài xích Chủ nghĩa Cộng sản và Thuyết tiến hóa… mà chỉ tập trung vào tu tâm theo Chân Thiện Nhẫn và luyện thân bằng tập 5 bài công pháp thôi thì tốt biết bao. Có thể thảm cảnh các học viên Pháp Luân Công bị đàn áp ở Trung Quốc sẽ không bị diễn ra và thế giới này sẽ có thêm nhiều lợi lạc vì có thêm một pháp tu tốt.

phep mau nao giup toi thoat khoi phap luan cong 05

Hình ảnh có tính chất minh họa – Ảnh: St

Hiện tại tôi và em đã nên duyên vợ chồng được hơn một năm rồi. Vợ chồng tôi cùng nhau tu tập theo pháp môn thiền Chính niệm và đọc sách của Sư Ông Trúc Lâm, Sư Ông Làng Mai. Vẫn biết con đường phía trước còn nhiều gian nan nhưng lòng tôi đã thanh thản, tập sống trọn vẹn, tỉnh thức, vui vẻ từng phút giây ở hiện tại. Tôi xin cảm ơn Pháp Luân Công, nhờ có Pháp Luân Công mà từ một người vô thần tôi đã biết đến có con đường tâm linh. Pháp Luân Công là một thử thách, một bài học lớn để tôi trưởng thành. Như đức Phật nói, khổ đau là chất liệu của Bồ Đề. Tôi xin cảm ơn Em! Vợ của tôi, em là vị Bồ tát xuất hiện đúng lúc để dang tay cứu vớt tôi, tưới tẩm cho tôi những giọt cam lồ làm dịu mát tâm can tôi và chỉ tôi về nẻo giác…

Tác giả: Đức An Quốc

Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 1/2018


TÔI XIN CÓ MỘT VÀI GHI CHÚ NHỎ:

1. Bài viết trên chỉ là suy nghĩ của riêng tôi và đúng với tôi.
2. Có thể, trong con mắt của những người tu Pháp Luân Công thì họ cho tôi là người “chưa đắc được Pháp” hay “rớt tu”…cũng không sao cả. Tôi chỉ nói lên sự thật đúng với riêng tôi.
3. Sự thật thì mãi là sự thật. Ngôn ngữ không phải là tất cả, dễ gây hiểu lầm nên tôi sẽ không trả lời bất kỳ một bình luận nào (nếu có).

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

5 bình luận

Ngô Trí Cai 11/02/2024 - 18:42

Hay

Trả lời
Nguyễn Văn Hiệu 30/07/2021 - 08:36

Bài viết rất tuyệt vời ạ! Nhà báo có thể cho biết thông tin của tác giả bài viết này được không ạ? Trân Trọng cảm ơn!

Trả lời
Hoàng Văn Thuận 26/01/2020 - 21:40

Bài viết rất hữu ích cho mọi người

Trả lời
chau 25/11/2020 - 14:54

Bạn đã không vượt được quan sắc dục mà phản tu

Trả lời
chau 25/11/2020 - 14:56

Bạn đã không vượt được quan sắc dục mà phản tu; pháp lý vũ trụ cao bạn không ngộ được

Trả lời

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường