Trang chủ Bạn đọc Xuân Mậu Tuất là mùa xuân an lạc

Xuân Mậu Tuất là mùa xuân an lạc

Đăng bởi: Tâm Đạt
ISSN: 2734-9195

Năm Đinh Dậu đã qua với tinh thần từ bi hỷ xả, chúc mọi người bình an hạnh phúc.

Xuân Mậu Tuất lại về cầu cho đất nước luôn vươn lên, sánh vai cùng cường quốc năm châu.

Cửa Phật luôn rộng mở đón khách mười phương, rước phúc lộc, cả nhà cùng an vui hạnh phúc.

Xuân thiền hương thơm ngát tỏa khắp nhân gian, rèn đạo đức, tin nhân quả chuyển hóa si mê.

Tất cả chúng con thành tâm đốt nén tâm hương, kính cẩn quỳ trước Phật đài đồng nguyện cầu chúc mừng năm mới. Cúi mong Tam bảo thường ở mười phương, quang giáng đạo tràng chứng minh cho lòng thành của chúng con. Nguyện cho chính pháp được lan truyền khắp chốn, lời Phật dạy được phổ biến muôn nơi, người người từ bỏ tham giận si mê, tưới tẩm từ bi hạnh phúc, thương yêu bình đẳng giúp đỡ lẫn nhau, làm lành lánh dữ, thế giới dứt nghiệp binh đao, muôn loài sống an vui, giải thoát.

Cây có cội nước có nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây, chúng con luôn biết ơn cha mẹ, ơn giáo dưỡng của thầy Tổ, ơn đất nước và ơn tất cả chúng sinh. Hôm nay chúng con vô cùng biết ơn, cung kính đảnh lễ chư liệt vị tiền nhân đã đi trước trao cho con gia tài tâm linh, nhờ vậy chúng con biết cách chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ, để chúng con có cơ hội đi vào đời cùng chia vui sớt khổ, bằng trái tim vô ngã, vị tha.

xuan mau tuat la mua xuan an lac 01

Năm mới, chúng con cũng thành tâm nguyện cầu cho tất cả mỗi người đều là một Bồ tát Quán Thế Âm trong hiện tại và mai sau, để cùng đồng hành, cùng gánh vác, cùng thương yêu, cùng hiểu biết, cùng chia vui sớt khổ, bằng tình người trong cuộc sống.
Khởi đầu một năm mới, nhìn lại những năm tháng đã qua đi trong cuộc đời, ta thấy mình và người, ai cũng đón nhận biết bao cảnh vui buồn, tốt xấu, đúng sai, phải quấy, thành công hay thất bại. Gặp điều như ý ta vui vẻ phấn khởi tự hào, nhưng khi gặp chướng duyên ta lại than phiền trách móc, có khi lại oán trời trách đất đổ thừa cho gia đình người thân. Người biết tu không mong cầu những điều như ý muốn mà cũng không sợ khó khăn trở ngại, chỉ biết rằng mình tin sâu nhân quả và kiên trì bền bỉ dứt ác làm lành, giữ tâm ý thanh tịnh.

Bồ tát Di Lặc là tượng trưng cho hạnh phúc tràn đầy nên có nụ cười tươi tắn, dù có bị sáu tên giặc bủa vây với công hạnh hỷ và xả. Hỷ ở đây không phải là cười đùa trêu giỡn như lẽ thường của thế gian, mà là sự vui vẻ hạnh phúc bởi nội tâm thanh tịnh trong sáng. Xả ở đây không phải là lãnh đạm quay lưng trước những mảnh đời bất hạnh, mà là hết lòng giúp người, cứu vật khi có nhân duyên. Hình tượng Bồ tát Di Lặc mập tròn, bụng to, khuôn mặt đầy đặn phúc hậu, nụ cười thật thoải mái với những đứa trẻ vây quanh, biểu hiện một niềm hạnh phúc tràn đầy.

Thời gian trôi nhanh không bao giờ dừng nghỉ, chúng ta đừng nên đánh mất tuổi trẻ và sức khỏe, mới ngày nào đang độ tuổi thanh xuân căng tràn sức sống mà nay đã gối mỏi lưng. Con quỷ vô thường sẽ sẵn sàng chờ đón ta trong từng phút giây?
Nói đến mùa xuân, hầu như ai cũng nghĩ đến sự tốt đẹp, an vui, mới mẻ. Mùa xuân cũng khiến lòng ta dịu lại, trải rộng ra, hòa nhập với đất trời và đồng cảm với mọi người cùng muôn loài vật. Hoàn cảnh gia đình không ai giống ai, nhưng người nào cũng muốn nhà mình sạch sẽ hơn, tươm tất và mới mẻ tốt đẹp hơn ngày thường. Người lớn với những trang phục chỉnh tề, trẻ nhỏ ít nhiều cũng có những bộ quần áo mới và nhận được tiền lì xì từ gia đình người thân. Cách nói năng đối xử với nhau cũng có phần lịch sự hơn, biểu hiện sự vui vẻ để chuẩn bị đón nhận một mùa xuân mới tràn đầy hạnh phúc.

Đối với người phật tử, mùa xuân là lúc thích hợp để họ hành hương, chiêm bái các chùa chiền tự viện khắp trên mọi miền đất nước. Một số người còn nặng về tín ngưỡng nhân gian đến chùa để xin phước lộc đầu năm, cầu mong chư Phật, Bồ tát ban cho sức khỏe, hạnh phúc và mọi điều may mắn trong cuộc sống. Họ nghĩ đức Phật như một đấng thần linh, có quyền ban phước giáng họa cho mọi người.

Những ngày đầu năm mới, chúng ta có dịp đến thăm ông bà cha mẹ, bà con, bạn bè, cùng nhau chúc tụng những lời tốt đẹp, cùng uống với tách trà, ly nước.

Như vậy, hạnh phúc thật sự của con người không phải từ bên ngoài đến, mà từ sự buông xả ở ngay nội tâm mình. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta xả bỏ những tranh chấp hơn thua, phải quấy, tốt xấu, đúng sai xem đó như là gió thoảng mây bay, nên ta cảm nhận niềm phúc lạc vô biên.

Nhưng chúng ta ý thức cuộc đời là vô thường không phải để buồn chán bi quan, phó mặc dòng đời đưa đẩy, mà ta càng phải sống tốt hơn nữa để được kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống bằng trái tim vị tha. Những gì thế gian cho là lạc thú, nhưng có ai giữ mãi nó được đâu nên kèm theo là sự đau khổ vì mất mát chia lìa, kẻ ở người đi trong thương tiếc ngậm ngùi? Hoa phù dung sớm nở tối tàn, người trẻ đẹp rồi cũng tàn úa theo thời gian.

Hạnh phúc thế gian chỉ là tạm bợ thoáng qua mau, tiền tài, sắc đẹp, quyền cao chức trọng, ăn sung mặc sướng, ngủ nghỉ quá nhiều để rồi tiếc nuối trong mơ màng.

Một số người suy nghĩ chưa tới nên đã lãng phí thời gian, sức khỏe vào những đam mê say đắm ảo, khi lớn tuổi mới hối hận ăn năn nhưng đã quá muộn.

Chính vì vậy mà người xưa nói:

“Chớ đợi đến già mới tu học,

Mồ hoang lắm kẻ tuổi xuân xanh”.

Vì không thỏa mãn với những gì mình đang có, nên ta cứ mãi chịu khổ đau trong vô vọng để đi tìm hạnh phúc ở đâu đâu mà không biết quay lại chính mình? Người biết bằng lòng những gì đang có trong hiện tại, không mong cầu sự bình an, hạnh phúc từ bên ngoài nên cảm nhận được niềm vui trọn vẹn ngay tại đây và bây giờ.

xuan mau tuat la mua xuan an lac 02

Trong giờ phút thiêng liêng cao cả này, cùng nhau đón nhận lời Phật dạy để được sống hạnh phúc trong giờ phút hiện tại.

– Chúng con luôn sống yêu thương và lạc quan yêu đời để mình và người có cơ hội mỉm cười mà san sẻ giúp đỡ cho nhau.

– Chúng con không bao giờ để cuộc đời của mình trôi qua một cách vô ích, khi tiếc nuối về quá khứ hay quá mơ mộng về tương lai mà đánh mất những gì đang có trong giờ phút hiện tại.

– Chúng con luôn quyết chí, vươn lên bằng nhịp đập của trái tim và mọi thứ chỉ chấm dứt khi ta không còn hy vọng và cố gắng nữa.

– Chúng con thật sự hạnh phúc vì cuộc đời đã ban tặng cho mình một cơ thể lành lặn, khỏe mạnh và sáng suốt. Nhờ thế ta có đôi chân mạnh mẽ hay nâng đỡ thân thể của ta, để làm những việc có ích và ta có thể đi bất cứ nơi nào mình mong muốn.

– Chúng con có đôi mắt sáng để có thể ngắm nhìn tất cả mọi hình ảnh sự vật, những gì tốt đẹp nhất từ người thân yêu, ta nhìn cuộc sống chung quanh ta luôn tốt tươi và đẹp mãi theo thời gian.

– Chúng con có đôi tai rộng mở để lắng nghe tình yêu thương nhân loại bằng những âm thanh vi diệu, nhiệm mầu phát xuất từ trái tim có hiểu biết.

– Chúng con có đôi môi luôn mở ra chân trời sáng bằng nụ cười rạng rỡ, khi được tiếp xúc với mọi người bằng tình yêu thương chân thật.

– Chúng con thật sự hạnh phúc khi được chia vui, sớt khổ cùng tất cả mọi người với những gì mình đang có.

– Chúng con có thể cho đi mà không cần nhận lại, khi tấm lòng của mình đã rộng mở. Đó là món quà vô giá mà cuộc đời đã ban tặng cho ta.

Thế cho nên, chúng ta đừng nên tưới tẩm những buồn thương giận ghét bằng lời nói và ý nghĩ của người khác về mình, đừng ôm lòng thù hận mà giết chết cuộc đời. Chúng ta hãy sống làm sao để mỗi ngày thêm lớn yêu thương, để ta và người luôn được tràn đầy hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Khi cuộc sống chúng ta được sung túc đầy đủ, điều quan trọng nhất là chúng ta biết cách sắp xếp hài hòa. Khi nghe lời khen chê chúng ta chớ vội mừng vui hay buồn phiền, nếu ai vui buồn theo khen chê thì khó làm chủ bản thân.

Chúng ta hãy nhớ rằng người hạnh phúc nhất không phải là người nhận được nhiều thứ mà là biết cho đi trong niềm hỷ lạc. Chỉ khi nào chúng ta nhận thức được mình, sửa đổi mình, hàng phục chính mình và hiểu biết chính mình thì mới có thể làm chủ được cuộc sống.

Một kiếp người dù trải qua những thăng trầm của cuộc sống, tốt xấu, nên hư, thành bại, hạnh phúc hay khổ đau đều do ta tạo lấy. Khi chúng ta tin sâu nhân quả và có công phu tu tập sẽ vững lòng tin hơn trước sự biến động của cuộc đời mà vẫn an nhiên, tự tại. Tâm ta không xao động thì thế giới bình yên trong lòng mọi người.

Nhân năm mới đang đến, ta đón nhận một mùa xuân tràn đầy hạnh phúc mà cùng nhau kết nối yêu thương bằng trái tim vô ngã, vị tha. Niềm vui ấy mới là tuyệt đối, là vĩnh cửu, mới là mục đích cao tột của mọi người.

Tác giả: Thích Đạt Ma Phổ Giác

Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 1/2018


 

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường