Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Xây dựng đời sống hôn nhân gia đình

Xây dựng đời sống hôn nhân gia đình

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 11.2020 Xay dung doi song hon nhan gia dinh 1

Hôn nhân là một vấn đề thường tình trong sự phát triển tự nhiên của xã hội loài người. “Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng” là câu nói cửa miệng muôn đời nay vẫn vậy. Tuy nhiên, trong cuộc sống để tìm được người “bạn trăm năm” không phải là điều dễ dàng. Tục ngữ có câu: “Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu ngàn năm mới chung chăn gối”. Ý muốn diễn tả những người có thể ngồi chung trên một chuyến thuyền đều là người hữu duyên, và có thể kết thành vợ chồng thì giữa họ mối duyên nợ với nhau càng sâu đậm hơn rất nhiều. Trong Kinh Đại Bảo Tích, đức Phật cũng dạy: “Nếu một người đàn ông có thể tìm được một người vợ, người phụ nữ thích hợp và hiểu biết; người phụ nữ có thể tìm được một người chồng, người đàn ông thích hợp và hiểu biết, cả hai thực sự may mắn”(1).

Đến được với nhau đã là khó, xây dựng được đời sống hôn nhân gia đình hạnh phúc, bền vững lại càng khó hơn. Chính vì thế, hôn nhân và những vấn đề liên quan đến xây dựng hạnh phúc gia đình luôn là đối tượng “tốn” nhiều giấy mực của các nhà khoa học thuộc lĩnh vực xã hội – nhân văn từ trước đến nay. Riêng về Phật giáo, bài viết trích dẫn những lời vàng ngọc từ kinh điển Phật giáo, chúng ta cùng bàn về cách thức xây dựng gia đình hạnh phúc thông qua vai trò người vợ, người chồng trong đời sống hôn nhân.

“Thắp sáng” ngọn lửa hôn nhân gia đình

Trong tiếng Việt, hôn nhân được tạo thành bởi hai từ Hán – Việt: hôn và nhân. Hôn (婚) là bố mẹ cô dâu, nhân (姻) là bố mẹ chú rể. Hôn nhân là việc cha mẹ đôi bên lấy vợ gả chồng cho con(2). Sở dĩ hôn nhân liên quan trực tiếp đến cha mẹ hai bên bởi trong xã hội truyền thống, quyền quyết định hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ thuộc về cha mẹ. Tuy nhiên, khoảng vài chục năm trở lại đây quyền quyết định ấy của cha mẹ đã nhường bước trước quyền tự do lựa chọn bạn đời của thế hệ trẻ với sự bảo vệ của pháp luật và sự ủng hộ của xã hội. Vì thế hôn nhân trong xã hội hiện đại được hiểu là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn(3). Nghĩa là, hôn nhân được xác lập sau khi nam nữ đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Tuy có quyền quyết định với sự tự nguyện giữa hai người nhưng không phải tự do muốn làm gì thì làm mà phải có sự tham khảo ý kiến của cha mẹ, đôi khi phải thuyết phục cha mẹ nhất trí với sự lựa chọn của mình, đồng thời phải lắng nghe lời dạy bảo của cha mẹ về sự lựa chọn đó. Điều này sẽ giúp tránh được những mâu thuẫn, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình về sau, cũng như giúp con cái tìm được người bạn đời phù hợp nhất.

Xuất phát từ giá trị tinh thần và tính pháp lý, tùy thuộc vào điều kiện xã hội ở từng quốc gia, từng vùng miền, từng dân tộc mà hôn nhân mang những đặc tính khác nhau về văn hóa – xã hội – kinh tế. Nhưng nhìn chung, dưới góc độ tâm lý học có thể liệt kê một số chức năng cơ bản sau: 1) Chức năng sinh sản, duy trì nòi giống: tái sản xuất ra chính bản thân con người để duy trì và phát triển nòi giống. 2) Chức năng kinh tế: các thành viên tùy theo năng lực, sức khỏe và trình độ mà tham gia vào quá trình tạo ra của cải, vật chất nhằm bảo đảm sự tồn tại và phát triển của gia đình. 3) Chức năng nuôi dưỡng: Nuôi dưỡng là một nghĩa vụ, một trách nhiệm đồng thời còn là một quyền lợi thiêng liêng của gia đình của các thành viên gia đình đối với nhau, đặc biệt là giữa cha mẹ đối với con trẻ. Theo nhà giáo dục học Macarenco: “Những gì mà bố mẹ đã làm được cho con trước lúc 5 tuổi, đó là 90% kết quả của tất cả quá trình giáo dục”(4). Như vậy, hôn nhân gia đình đảm đương trọng trách giáo dục thế hệ trẻ về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình cũng như với những người xung quanh. 4) Chức năng thỏa mãn, hòa hợp các nhu cầu tâm lý, tình cảm của con người: Hôn nhân gia đình được xem là “tổ ấm”, nơi cả vợ lẫn chồng được thỏa mãn tối đa những nhu cầu vật chất và tinh thần; nơi đây cảm giác an toàn được đảm bảo; và chính nơi đây là không gian thộc quyền sở hữu riêng của họ. 5) Chức năng tôn giáo, tín ngưỡng với các hành vi, nghi lễ trong đời sống: Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những hoạt động mà gia đình thường xuyên và liên tục thực hành để chăm lo cho đời sống tinh thần và tâm linh của mỗi con người, cũng như là điểm tựa tinh thần cho họ mỗi khi gặp khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Vì vậy, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo là hiện tượng khá phổ biến trong đời sống hôn nhân gia đình.

“Giữ lửa” tình yêu hôn nhân gia đình

Để đi đến một cuộc hôn nhân người ta bắt đầu bằng tình yêu, nhưng để duy trì và giữ gìn hạnh phúc ấy bền vững là cả một chặng đường dài của sự kiên trì vun đắp và thấu hiểu.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 11.2020 Xay dung doi song hon nhan gia dinh 2

Sau khi kết hôn, việc tổ chức cuộc sống gia đình như thế nào là rất quan trọng. Nó bao gồm: sự phân công công việc gia đình một cách hợp lý; việc quyết định những công việc lớn của gia đình phải có sự nhất trí giữa các thành viên; việc sử dụng tiền bạc một cách phù hợp và có kế hoạch; việc nuôi dạy con cái,… Giải quyết hợp lý các vấn đề này có tác động rất lớn đến sự êm ấm của đôi vợ chồng và mối quan hệ hài hòa, tốt đẹp giữa đôi bên gia đình nội ngoại. Từ đó, tình yêu thương giữa đôi vợ chồng được củng cố bền chặt hơn, là nền tảng cho một gia đình hạnh phúc về sau. Thực tế, có không ít những đôi vợ chồng ban đầu sống với nhau rất hạnh phúc, họ thật sự thương yêu nhau, đến với nhau bằng cả tấm chân tình. Tuy nhiên, sau đó do chưa có sự hiểu biết thấu đấu về đời sống hôn nhân, do nhân cách đạo đức chưa được hoàn thiện, người này lại không biết cảm thông, chia sẻ với người kia, hay thiếu sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau đã dẫn đến những bất hòa, đổ vỡ hạnh phúc trong gia đình.

Những năm gần đây, tình trạng ly hôn ngày một gia tăng, năm sau cao hơn năm trước, trong đó phần lớn là những người còn trẻ. Theo báo cáo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ đăng trên báo điện tử Giadinh.net.vn (ngày 26/5/2018), “Năm 2017, nước ta có tới trên 65.000 vụ ly hôn (tăng 24.000 vụ so với năm 2000), chiếm 30% tổng số cặp vợ chồng. Trong đó, 70% số vụ ly hôn là các gia đình trẻ (18-30 tuổi), bạo lực gia đình cũng đáng lưu tâm, cùng với đó là vấn đề sức khoẻ sinh sản, vô sinh…”

Qua tìm hiểu chúng tôi nhân thấy nguyên nhân phần lớn và sâu xa dẫn tới tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt với các cặp vợ chồng trẻ là do họ thiếu kỹ năng sống, thiếu sự chuẩn bị tâm lý cho một đời sống hôn nhân. Họ bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi đời còn trẻ, nhận thức về cuộc sống gia đình, ý nghĩa của hôn nhân và tình yêu còn hời hợt. Bên cạnh đó, họ quá đề cao cái tôi của bản thân xem mình là trung tâm để quyết định mọi vấn đề, ít quan tâm đến cảm xúc bạn đời, thiếu sự tinh thế trong giao tiếp với người lớn, các thành viên trong gia đình. Điều này khiến phần lớn các cặp vợ chồng trẻ nảy sinh mâu thuẫn ngay từ những tháng năm đầu của cuộc hôn nhân và hậu quả là bạo lực gia đình, thậm chí phải ra tòa ly hôn.

Thật tuyệt vời, bằng trí tuệ và lòng từ bi của một bậc giác ngộ, cách đây hơn 25 thế kỷ, đức Phật đã có những lời dạy về cách thức tổ chức cuộc sống hôn nhân gia đình và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trước hết ngài đề cập đến năm giới làm chuẩn mực cho tín đồ, tức năm nguyên tắc đạo đức mà một người phật tử phải có trách nhiệm giữ gìn và thực hành (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không sử dụng các chất gây say nghiện). Trong năm nguyên tắc đạo đức đó, nguyên tắc thứ ba đã nhấn mạnh việc từ bỏ quan hệ tình cảm phi pháp và bất chính, tôn trọng vào bảo vệ hạnh phúc của người khác nhằm ngăn chặn sự nguy hại đến hạnh phúc trong gia đình mình. Tiếp theo, đi kèm với năm giới là năm bổn phận người chồng đối với vợ và ngược lại người vợ đối với chồng được đề cập trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt (còn gọi là kinh Thiện Sinh) là những điều cần thiết mà mỗi người phải hiểu để xây dựng đời sống lứa đôi ngày một bền vững, tốt đẹp hơn. Kinh này đã thể hiện những mẫu mực căn bản, những khía cạnh thiết yếu của cuộc sống đôi lứa trong mối quan hệ vợ chồng, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, ở đây tác giả chỉ tập trung chủ yếu vào mối quan hệ vợ chồng.

Dưới lăng kính Phật giáo, sự phân biệt nam nữ là phân biệt về giới tính, về sinh lý chứ không có sự phân biệt nam nữ trên bình diện vai trò và các hoạt động xã hội. Phật giáo cũng không đồng tình việc xem người vợ như một phần của người chồng, là tài sản hay thuộc sở hữu của người chồng. Phật giáo vượt lên trên quan niệm trọng nam khinh nữ cố hữu trong xã hội và giải phóng phụ nữ thoát khỏi tình trạng vật sở hữu để tồn tại một cách độc lập trong xã hội. Qua kinh Thiện Sinh chúng ta cũng nhận thấy đức Phật dạy một người vợ hiền, mẫu mức phải đối đãi chồng với năm bổn phận thì ngược lại một người chồng lý tưởng cũng phải tôn trọng vợ với năm bổn phận tương ứng.

Năm bổn phận của chồng đối với vợ: 1. Thương yêu; 2. Chung thủy; 3. Săn sóc đời sống vật chất; 4. Trao cho vợ quyền quản lý trong gia đình; 5. Kính trọng gia đình vợ. Năm bổn phận của người vợ: 1. Kính trọng chồng; 2. Chung thủy với chồng; 3. Quản lý gia đình tốt; 4. Siêng năng làm việc; 5. Đối đãi thân thiện với gia đình chồng(5). Rõ ràng, các bổn phận này thể hiện mối quan hệ hai chiều bình đẳng giữa vợ và chồng một cách tương hỗ. Hiện nay, dẫu chúng ta đang sống trong thời đại văn minh nhưng nhiều người vẫn biến đời sống hôn nhân của mình thành địa ngục vì thiếu sự cảm thông, thiếu sự tương kính. Nếu mỗi người đều nhận thức và làm tròn nghĩa vụ như lời Phật dạy họ sẽ có được hạnh phúc, an lạc cho chính bản thân và gia đình.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 11.2020 Xay dung doi song hon nhan gia dinh 3

Ở một bản kinh khác, kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật đã giáo hóa Sujātā, một cô vợ kiêu ngạo, ỷ mình có sắc đẹp và dòng dõi xuất thân thượng lưu nên khinh thường chồng và gia đình bên chồng. Ngài đưa ra 7 loại vợ thường thấy ở đời: vợ như kẻ sát nhân, như người chủ nhân, như em gái, như người mẹ, như kẻ cướp, như người bạn và như người phục vụ(6). Trong 7 loại vợ đó, đức Phật dạy người vợ như kẻ sát nhân, như kẻ cướp, như người chủ nhân là những người bất hảo, khi chết đi họ sẽ bị đọa vào cõi địa ngục sâu thẳm và tăm tối. Nhưng ngược lại, bốn loại vợ: như người mẹ, người em gái, người bạn, người phục vụ vì luôn sống vững vàng, trong đạo đức nên rất đáng tôn trọng, tán dương, học hỏi, khi chết sẽ được tái sinh vào cõi trời. Sau khi giải thích tỉ mỉ các hạng người như thế, đức Phật hỏi cô ấy chọn cách làm vợ nào? Cô ấy đã chọn xem mình như là người phục vụ (đầy tớ) của chồng. Tuy nhiên, đức Phật không khuyến khích vai trò này và Ngài dạy rằng, người vợ nên có đầy đủ bốn đức tính tốt để trở thành người thân thiết nhất của chồng.

Dựa trên tinh thần giáo dục đó, chúng ta có thể quy ra bảy loại người chồng tương ứng với bảy loại người vợ, đó là: chồng như kẻ sát nhân, chồng như kẻ cướp, chồng như chủ nhân, chồng như người cha, chồng như người anh trai, chồng như người bạn, và chồng như phục vụ. Và dĩ nhiên, bốn loại chồng như: người cha, người anh trai, người bạn, người phục vụ cần được học hỏi và áp dụng vào đời sống hôn nhân; ngược lại, ba loại chồng kia mang tính tiêu cực nên cần phải sửa đổi, khắc phục.

Vì sao vợ chồng không nên như kẻ sát nhân? Kẻ sát nhân là người có tâm địa độc ác, nham hiểm, cử chỉ man rợ, sống hai lòng, dễ phản bội, coi thường người khác. Do đó, là vợ chồng thì không nên có suy nghĩ, hành vi, lời nói, đối xử nhau như vậy.

Vì sao vợ chồng không nên như kẻ cướp? Kẻ cướp là biểu tượng cho lối sống ích kỷ, phá hoại, hoang phí. Vợ chồng như kẻ cướp là người không biết vun đắp hạnh phúc cho gia đình cả về vật chất lẫn tinh thần; ngược lại còn sống ỷ lại, lười biếng, tiêu xài hoang phí, làm tổn hại thanh danh, thời gian và tài sảm của nhau.

Vì sao vợ chồng không nên như chủ nhân? Chủ nhân ở đây là biểu tượng của sự lấn lướt, thô tháo, gia trưởng, quyền uy, dọa nạt, luôn tạo ra áp lực cho đối phương. Do đó, vợ chồng nên có lời từ ái, nhu hòa với nhau; không nên phát ngôn thô tháo, lấn lướt như một người chủ nhân.

Vì sao vợ chồng nên như cha mẹ? Cha mẹ là biểu tượng của sự hy sinh, yêu thương, hiểu biết, tôn trọng, bảo vệ một cách vô điều kiện và không bao giờ từ bỏ con cái vì những khuyết điểm của con. Cũng vậy, bất cứ vợ hay chồng đều nên một lòng hướng về nhau và cầu chúc những điều tốt đẹp cho nhau. Không mang ý niệm ngoại tình. Trân trọng phẩm chất đạo đức của người bạn đời, không nên chỉ nhằm vào những khiếm khuyết mà trách móc, chê bai. Cần sự thống nhất trên đại thể, chấp nhận sự khác nhau nhỏ nhặt. Trách cứ nhau chỉ dẫn đến đối kháng, không giải quyết vấn đề gì, chỉ làm cho tình cảm vợ chồng bị tổn thương. Vợ chồng nên đối xử với nhau như cha mẹ đối với con cái là nghĩa đó.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 11.2020 Xay dung doi song hon nhan gia dinh 4

Vì sao vợ chồng nên như anh trai em gái? Vì anh em là biểu tượng của sự kính trọng, thuận hòa, nhường nhịn, khiêm tốn, chiều chuộng, luôn luôn quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau.

Vì sao vợ chồng nên như những người bạn? Bạn bè là biểu tượng của sự bình đẳng, tôn trọng, tương trợ, thân thiết và sẵn sàng chia buồn góp vui trong cuộc sống. Tại sao chúng ta có thể thoải mái tặng quà, nói lời cảm ơn, xin lỗi hay khéo léo tán dương bạn mà với bạn đời lại không? Tại sao khi có sự bất đồng quan điểm, chúng ta nói với bạn: “Mỗi người một quan điểm, bạn cứ thoải mái nói ra để chúng ta cùng nhau thống nhất”. Nhưng lại tự cho bản thân quyền lớn tiếng: “Anh (em) đừng nói nữa, nghe trái tai lắm” với chồng, với vợ của mình?

Vì sao vợ chồng nên như người phục vụ? Người phục vụ là biểu tượng của sự trung thành, tha thứ, chăm chỉ, không giận hờn, không oán trách, nhẫn nhịn, chịu đựng, biết cách chiều chuộng. Nhường nhịn và tha thứ vốn là những phẩm chất không kém phần quan trọng trong cuộc sống vợ chồng. Tuy vậy, nhường nhịn và tha thứ nhau lại là điều không mấy dễ dàng. Vợ chồng phải học cách mềm mỏng, không nóng tánh, không sân hận, không giận dỗi dù đôi khi bị bạn đời đối xử không tốt nhưng vẫn nhường nhịn, không tỏ thái độ lỗ mãng, lớn tiếng, bạo hành gia đình; trái lại còn phải biết khoan dung, tuỳ thuận, hiền hòa khuyên răn. Đây là ý nghĩa vợ chồng nên đối xử với nhau như người phục vụ là thế.

Để đi đến hôn nhân, đôi bạn trẻ đã trải qua nhiều cảm xúc yêu đương nóng bỏng, buồn rồi vui, tin tưởng, nghi ngờ, giận hờn, bực dọc,… Ngoài ra, còn trải qua nhiều mối quan hệ, nhiều lần lựa chọn, có người ngay mối tình đầu đã đi đến hôn nhân, nhưng cũng không ít người trải qua nhiều lần yêu đương mới kết hôn được. Người ta gọi đó là “Vị đắng của tình yêu”. Thế nhưng, không ít cặp vợ chồng sau khi kết hôn vì không có kiến thức nuôi dưỡng tổ ấm, không có kỹ năng yêu thương, thiếu sự hiểu biết về vai trò, bổn phận, trách nhiệm của mình trong gia đình hoặc có quan niệm “chắc chắn” có được nhau nên mất đi thói quen quan tâm, mất đi sự ngọt ngào thuở ban đầu dẫn đến hôn nhân trở nên nhàm chán, thậm chí đổ vỡ.

Nền tảng của một gia đình hạnh phúc là mối quan hệ tốt đẹp, hiểu biết, thông cảm và thương yêu nhau giữa vợ và chồng. Gia đình hạnh phúc cũng đồng nghĩa với xã hội thịnh vượng, phát triển. Phật giáo với những phương tiện của mình đã đi vào xã hội, đến với tín đồ phật tử, hướng dẫn họ vào mục đích sống tốt hơn, sống hướng thượng, sống đúng pháp luật, làm tròn bổn phận cá nhân từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Từ thực tiễn cuộc sống, chúng ta nhận thấy mặc dù xã hội đang ngày một hiện đại, tiên tiến, văn minh, nhưng những lời dạy của đức Phật về năm giới, về bổn phận vợ chồng, về nghệ thuật cư xử sao cho trọn đạo vợ chồng trong đời sống hôn nhân vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị tích cực. Đồng thời, những lời dạy này đã được vận dụng trở thành nền tảng tâm linh gắn kết hạnh phúc lứa đôi thông qua lễ nghi tôn giáo. Đó là lễ Hằng Thuận kết nạp lương duyên cho nam nữ Phật tử ngày nay. Tạo nền tảng vững chắc để xây dựng hạnh phúc, nuôi dạy các con nên người, trở thành những tấm gương mẫu mực trong xã hội, những gia đình phật tử thuần thành trong đạo pháp.

Tác giả: Đại đức TS Thích Không Tú
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 11/2020

——————-

CHÚ THÍCH:
(1) Tuệ Nguyên, Quan điểm của đạo Phật về hôn nhân, trong Nội san: Kính mừng Vu Lan, Chùa Kim Tiên, [tài liệu lưu hành nội bộ], 2006, tr.68.
(2) Đoàn Văn Chúc, Văn hóa học, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2004, tr 185-186.
(3) Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13
(4) Ngô Công Hoàn, Tâm lý học gia đình, Nxb Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 1993, tr.17.
(5) Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt trong Kinh Trường Bộ, Nxb Tôn giáo, 2013, tr.621.
(6) Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Kinh Tăng Chi Bộ, Chương 7, Phẩm Không tuyên bố, Nxb Tôn giáo, 2013, tr.244.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Thích Không Tú, Ý nghĩa giáo dục Phật giáo qua lễ Hằng thuận, Văn hóa Phật giáo, số 335, 2019.
2. Đoàn Văn Chúc, Văn hóa học, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2004.
3. Ngô Công Hoàn, Tâm lý học gia đình, Nxb Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 1993.
4. Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13.
5. Tuệ Nguyên, Quan điểm của đạo Phật về hôn nhân, trong Nội san: Kính mừng Vu Lan, Chùa Kim Tiên, [tài liệu lưu hành nội bộ], 2006.
6. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt trong Kinh Trường Bộ, Nxb Tôn giáo, 2013.
7. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Kinh Tăng Chi Bộ, Chương 7, Phẩm Không tuyên bố, Nxb Tôn giáo, 2015.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường