Trang chủ Chuyên đề Văn hóa Tết của người con Phật

Văn hóa Tết của người con Phật

Đăng bởi: Tâm Đạt
ISSN: 2734-9195

Tiễn năm cũ đi, sống từ bi, thể hiện chân thiện mỹ

Đón năm mới về, tập hỷ xả, tỏa sáng đức tài tâm.

van hoa tet cua nguoi con phat 01

Ảnh: Minh An

Trong những ngày này, mọi người trên khắp cả nước đang nô nức hòa chung không khí đón Tết Cổ truyền. Với những người con Phật thì cách đón Tết rất đơn giản nhưng vẫn mang lại sự an lạc và hạnh phúc.

Đơn giản mọi thứ: Người phật tử mua sắm, sửa soạn cho gia đình vào dịp Tết những thứ đơn giản, vừa đủ đó là thực hành lời dạy “thiểu dục tri túc” trong đạo Phật, điều này giúp gia đình không tốn kém tiền bạc vào những thứ xa hoa, lãng phí.

Thiểu dục là muốn ít; Tri túc là biết đủ. Muốn ít là đối với cái chưa có, mà vì nhu cầu, mong cho có. Như muốn có cái nhà ở vừa sạch, vừa che kín nắng mưa; cần đi cho mau, muốn có một phương tiện giao thông gì cho tiện lợi, chỉ cốt đỡ mỏi chân, đỡ tốn thì giờ là được, chứ không muốn một chiếc xe hơi lộng lẫy, quá sức tài chính của mình. Biết đủ, gặp hoàn cảnh nào cũng đều an phận tùy duyên. Đối với việc ăn, mặc và ở, tự thấy mình có đủ dùng rồi, không tham cầu nhiều hơn nữa, khỏi phải khổ sở về tinh thần. (Trích “Phật học phổ thông” – Hòa thượng Thích Thiện Hoa).

Hoạt động từ thiện: Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về nhiều chùa, đạo tràng trên cả nước tổ chức trao quà từ thiện, hỗ trợ tịnh tài, tịnh vật cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách và người già neo đơn trên địa bàn, với mong muốn các hộ gia đình có thêm điều kiện đón Tết đầy đủ, ấm cúng hơn và kết duyên cho các phật tử bố thí, cúng dường nhân dịp cuối năm.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhiều nhóm phật tử tổ chức trao quà Tết cho người vô gia cư trên các đường phố, công viên, chợ, thậm chí ở chân cầu. Vào dịp Tết hình ảnh đó lại được tái hiện rõ nét hơn, trên những đường phố vắng bóng người qua lại, hình ảnh thân thương đó đã thể hiện tấm lòng từ bi cứu khổ của người con Phật và tinh thần tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.

Tụng kinh: Sau những mâm cơm cúng Tổ tiên, ông bà là những lời kinh, tiếng kệ được gia chủ thành tâm dâng lên cúng dường thể hiện lòng thành kính, mong cho cha mẹ yên lòng, vãng sinh miền cực lạc. Thường các gia đình phật tử sẽ tụng kinh vào thời khắc Giao thừa – thời khắc tiếp nối giữa năm cũ và năm mới, các bài kinh thường được gia chủ tụng vào thời khắc Giao thừa như: Kinh Cầu An, kinh Phước Đức, kinh Sám Hối, kinh A Di Đà, kinh Địa Tạng, kinh Dược Sư…hay tụng 108 biến Chú Đại Bi, 108 câu danh hiệu Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm, cũng có người thì chọn cách ngồi thiền tùy theo quan niệm và phương pháp tu học của từng gia chủ.

Theo quan niệm dân gian, thời khắc ban đầu của một năm rất quan trọng, mọi điều tốt xấu của một năm mới có liên quan rất lớn đến mọi tâm niệm và hành vi của chúng ta vào dịp Giao thừa. Trong lòng mọi người đều muốn những phiền lụy, bất như ý của năm cũ được trôi qua, mọi điều hạnh phúc, tốt đẹp sẽ theo năm mới đến. Vì vậy ngoài việc tụng kinh thì người Việt Nam còn có thói quen đi chùa lễ Phật vào thời khắc Giao thừa, thành tâm gửi ý nguyện cho một năm mới vạn sự bình an và không quên hái lộc mang về nhà, để nơi trang trọng, xem như đã mang tài lộc về tận nhà vào năm mới.

Cỗ chay: Trong những ngày đầu năm mới, các gia đình phật tử sửa soạn cơm chay dâng lên cúng dường chư Phật, Tổ tiên, ông bà. Những món chay bày tỏ lòng thành kính, tri ân của người con dâng lên đấng sinh thành, giáo dưỡng.

Cũng nhân dịp Tết Nguyên đán, một số chùa đã tổ chức “Tết Chay” rất thành công, như chùa Tứ Kỳ, Hà Nội. Với mong muốn lan tỏa văn hóa ăn chay để bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ mạng sống của muôn loài, tạo sự bình yên, an lạc. Mong rằng Tết này nhiều gia đình sẽ có cỗ chay và ăn Tết chay.

van hoa tet cua nguoi con phat 02

Một số phật tử sống chung trong gia đình chưa hiểu sâu đạo Phật, nên khó tránh khỏi việc sát sinh trong dịp Tết. Nhiều gia đình trong đó có thói quen sửa soạn các món ăn ngon, vật lạ để cúng Tổ tiên, ông bà, sau đó mở tiệc ăn mừng năm mới. Tuy nhiên, người phật tử thường được nghe giảng rằng trong những buổi lễ Tết, ngày chạp, ngày giỗ, không nên bày tiệc mặn linh đình bởi sẽ gây nghiệp sát rất lớn không chỉ cho người sống mà cho cả những người đã khuất. Vì vậy, trong những ngày Tết, khi làm mâm cơm cúng Tổ tiên, ông bà chỉ nên làm đơn giản để thể hiện tấm lòng của mình, hạn chế gây thêm nghiệp sát sinh.

Đức Phật dạy “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”, mọi chúng sinh đều bình đẳng. Không tự mình hại mạng chúng sinh, không xúi người hại mạng chúng sinh, không ăn thịt chúng sinh là từ bi, là con đường đưa chúng ta đến niềm hỷ lạc.

Đi chùa lễ Phật: Đây là một nét đẹp văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những ngày tháng vất vả mưu sinh, mong tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ.

Người dân Việt đi chùa với nhiều mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, cầu sức khỏe cho bản thân và người trong gia đình. Cũng có những người đi chùa chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Nhưng nói chung, khi đi chùa mọi người đều mang theo tấm lòng thành kính, từ đó họ tìm được đến với đức tin, sự thanh thản, bình an trong tâm hồn, hòa mình trong chốn thiền môn thanh tịnh.

“Đi đến cửa chùa đem lòng hỷ xả.

Bước vào cảnh Phật giữ dạ từ bi”

Đối với người con Phật, việc đi lễ chùa vào dịp Tết còn có ý nghĩa đặc biệt. Nhiều phật tử nhân dịp này học hỏi thêm rất nhiều kiến thức mới, ý nghĩa của cuộc sống, mở mang trí tuệ, tâm từ bi. Thông qua những lời kinh, bài giảng đạo lý, triết lý sống ở chốn thiền môn họ tự rút ra cho mình những bài học quý giá trên con đường hoàn thiện cốt cách đạo đức con người.

Xin chữ đầu Xuân: Từ xưa, người Việt đã có thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày đầu năm mới, đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa truyền thống, thể hiện đạo lý “tôn sư trọng đạo”, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và mong cho năm mới may mắn, bình an, một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.

van hoa tet cua nguoi con phat 03

Tại một số chùa – vị trụ trì lại đóng vai trò “ông Đồ” trong những ngày này và trao tặng “lộc Chữ” cho các phật tử, trong đó phải kể đến một số chùa như: chùa Lá, Tp.Hồ Chí Minh; chùa Hương, Hà Nội; chùa Giám, Nghệ An.v.v…Hoạt động xin chữ trở nên nhộn nhịp và thu hút du khách chơi xuân, do vậy đã hình thành không khí vui xuân lành mạnh, thắm tình đạo vị, gắn kết giữa Đạo và Đời, xây dựng niềm tin nơi phật tử.

Hành hương thập tự: Đây là phong tục mang tính văn hóa dân gian được các phật tử hưởng ứng trong những năm gần đây. Qua ngày mùng Một Tết, một số chùa bắt đầu tổ chức cho các phật tử đi thăm viếng, lễ Phật và cúng dường các chùa. Mục đích là nhằm tạo cơ hội cho phật tử gieo duyên, làm phước đầu năm.

Vậy vì sao lại là “hành hương thập tự” (đi lễ 10 ngôi chùa)? Có thể coi con số 10 viên mãn còn có ý nghĩa 10 tâm trưởng dưỡng, 10 tâm Kim Cương, đó là những mảnh đất tâm tốt đẹp để nảy sinh mọi công đức, quả lành trong hành trình tự độ, độ tha, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Số 10 còn biểu hiện Thập Thiện Nghiệp Đạo nơi thân khẩu ý trọn lành của hành giả trong năm mới. Hành giả tu tập để đạt được 10 sức mạnh và Thập Lực, đầy đủ phương tiện nhập thế độ sinh. Số 10 đó còn có ý nghĩa 10 phương chư Phật trong khắp pháp giới.

Tác giả: Tâm Đạt

Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 1/2018

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường