Trang chủ Chuyên đề Vai trò của Thiền sư Vạn Hạnh trong thời kỳ đầu xây dựng đất nước Đại Việt

Vai trò của Thiền sư Vạn Hạnh trong thời kỳ đầu xây dựng đất nước Đại Việt

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2018 Vai tro thien su Van Hanh 2

Phật giáo Việt Nam cùng với vận mệnh đất nước đã trải qua biết bao hưng suy thăng trầm, biến thiên của thời cuộc. Lịch sử dân tộc thời nào cũng có những vị anh hùng xả thân cứu nước, Phật giáo giai đoạn nào cũng có những bậc danh tăng dựng đạo giúp đời.

Phật giáo thời Lý – Trần với tinh thần cư trần lạc đạo, nhập thế hành đạo đã gắn liền với tên tuổi của những vị thiền sư nổi tiếng như Khuông Việt Đại sư, Vạn Hạnh Thiền sư… là những người có vai trò quan trọng trong việc tham mưu xây dựng quốc gia Đại Cồ Việt. Đặc biệt từ khi nhà Lý mới dựng nghiệp, Thiền sư Vạn Hạnh là người đã có những đóng góp quan trọng trong thời kỳ đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ của dân tộc.

Ôn cố tri tân là một nét đẹp văn hóa của hàng hậu học, bởi hiểu biết lịch sử của bậc cao tăng tiền bối chính là cách để bảo tồn bản sắc văn hóa Phật giáo trong dòng chảy của lịch sử dân tộc: “Một hiện tại khôn ngoan bao giờ cũng biết dùng tinh hoa của quá khứ, nâng bước đi hôm nay vươn tới ngày mai”.

Kỷ niệm 1000 năm Thiền sư Vạn Hạnh viên tịch (1018-2018), chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử và nhận thức rõ ràng hơn vị trí lớn lao, vĩ đại của “Thiền sư Vạn Hạnh với thời kỳ đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ”.

Thời cuộc và hành trạng của Thiền sư Vạn Hạnh

Thiền sư Vạn Hạnh (chữ Hán: 萬行) (938-1018) là người làng Cổ Pháp, phủ Thiên Đức (nay là làng Đại Đình, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Năm 21 tuổi, ngài xuất gia ở chùa Lục Tổ cùng với Sư Định Huệ theo Thiền Ông đạo giả. Từ tuổi tráng niên cho đến tuổi trung niên, ngài đã được Thiền Ông trao truyền cho những yếu chỉ của Thiền tông và chính trong thời gian này, ngài chuyên tâm trau dồi kiến thức, ngày đêm khổ luyện học tập kinh kệ, tham khảo sử sách.

Năm 979, Thiền Ông viên tịch, Sư Vạn Hạnh đã được thầy truyền cho tâm ấn trụ trì, chuyên tâm tập phép Tổng trì tam ma địa. Sau hơn 20 năm thụ giáo với Thiền Ông, Vạn Hạnh Thiền sư đã thâu được những điều huyền vi của giáo lý. Mỗi câu nói đều lạ thường, người đời đều cho đó là những câu sấm. Sư Vạn Hạnh là thế hệ thứ 12 của Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

Niên hiệu Thuận Thiên thứ chín (1018), Sư không bệnh mà gọi đồ chúng đến nói bài kệ:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô,

Nhậm vận thạnh suy vô bố úy

Thạnh suy như lộ thảo đầu phô

(Thân như bóng chớp có rồi không,

Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng,

Mặc cuộc thạnh suy không sợ hãi,

Thạnh suy như cỏ hạt sương đông)

Nói xong, Sư lại bảo chúng: “Các ngươi cần trụ chỗ nào? Ta chẳng lấy chỗ trụ mà trụ, chẳng y không trụ mà trụ” rồi thị tịch. Vua Lý Thái Tổ và tất cả triều thần nhà Lý đến làm lễ Trà tỳ, thỉnh Xá lợi của ngài về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh).

Ngài là một trong những bậc anh tài trí thức Phật giáo làm cố vấn cho vua Lê Đại Hành, đồng thời là người thầy của vua Lý Công Uẩn, đã hướng dẫn cho vị vua này một thời gian dài trước và sau khi triều Lý được thành lập. Thiền sư được xem là người có tài tiên đoán, đã vận dụng khả năng và uy tín của cá nhân để hộ trì cho Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra triều Lý – triều đại có lịch sử trị vì anh minh và tài tình trong lịch sử dân tộc.

Tư tưởng, triết lý – nội lực tâm linh của Thiền sư Vạn Hạnh

Thiền sư Vạn Hạnh thấm nhuần cả ba luồng tư tưởng của Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo. Ngài tu theo pháp “Tổng trì tam muội”, chuyên nghiên cứu sâu về tư tưởng Bồ Tát Long Thọ với tinh thần của “Trung Luận”. Pháp môn “Tổng trì tam ma địa” đỉnh cao đạt đến tam muội (chánh định), đi đến đắc đạo.

Thiền sư Vạn Hạnh thừa kế dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, dòng thiền này chủ yếu lấy tinh thần kinh “Tượng đầu tăng xá” làm yếu chỉ nghiên cứu và tu tập theo tinh thần “trụ nơi vô trụ”. Tư tưởng này giống tinh thần của Ngài Lục Tổ Huệ Năng trong kinh Pháp Bảo Đàn, với tinh thần “vô niệm làm tâm, vô tướng làm thể, vô trụ làm gốc”.

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2018 Vai tro thien su Van Hanh 3

Không những vậy, Thiền sư còn áp dụng triết lý “Duyên sinh vô ngã” của đạo Phật, tùy thời, tùy căn cơ, trình độ của chúng sinh mà có những phương thức, kỹ năng trao truyền giáo pháp thích ứng. Như lời vua Lý Nhân Tông đã từng nói với Thiền sư Mãn Giác rằng: “Bậc chí nhân hiện thân ở cõi đời tất phải làm việc để cứu chúng sinh, không hạnh nào là không cần có đủ, không việc gì không phải chăm lo, chẳng những đắc lực về thiền định và trí tuệ mà cũng có công giúp ích cho nhà nước”.

Khi nước nhà giành được độc lập, ý thức tự chủ của dân tộc càng được phát huy cao độ thì Phật giáo càng có điều kiện phát triển và ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Đất nước được phục hưng, việc nước cần chấn chỉnh, triều chính cần ổn định, việc bang giao cần người giúp đỡ, ai sẽ là người đảm nhận trọng trách này nếu không phải là những trí thức, mà những trí thức hồi ấy phần lớn là tăng lữ. Do đó, những vị thiền sư thời này không chỉ bó hẹp hoạt động của mình trong khuôn viên nhà chùa, lo truyền đạo, chăm sóc cho đời sống tinh thần của người dân mà còn đóng góp nhiều công sức trong công cuộc kiến thiết đất nước.

Hay nói cách khác, đối với Thiền sư Vạn Hạnh, tu không phải là chỉ nhìn vào vách để an tâm mình, cũng chẳng phải rút vào rừng núi xa nhân gian. Cái “chúng sinh” cụ thể phải “cứu độ” chính là quần chúng dân tộc đang đói rách vì loạn lạc, đang ngày đêm sống trong sợ hãi vì bị bắt lính, cướp bóc,…

Trong sách “Vạn Hạnh, kẻ đi qua cầu lịch sử” (bản in năm 1997, California, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ xuất bản), Hòa thượng Thích Mãn Giác (1929-2006) đã viết: “Con đường Vạn Hạnh đi không phải là con đường lên núi làm một nhà tu cô đơn khổ hạnh, cũng không phải con đường đưa sư đến chỗ ngồi nhìn vách quay lưng lại cuộc đời mà tu. Con đường sư đi là con đường hành động với con tim vô tư, vô cầu, với quyết ý dốc cả tâm can phò trợ những người khoan dung được lòng dân có hoài bão làm cho dân, cho nước thịnh trị”… (trang 28)

Vị trí và vai trò của Thiền sư Vạn Hạnh trong thời kỳ đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ

Bên cạnh việc nghiên cứu, thâm nhập kinh điển Phật giáo, truyền bá tư tưởng cho các môn đệ nhằm đào tạo ra một lớp người am hiểu, tinh thông Phật pháp; những vị tu sĩ còn là những vị cố vấn đắc lực cho triều đình. Họ vừa tham gia đối nội, vừa tham gia đối ngoại, góp phần bảo vệ nền độc lập của nước nhà.

Mặc dù là người tu hành, nhưng mỗi khi cần, Sư Vạn Hạnh đều có cao kiến giúp cho triều đình.

Vua Lê Đại Hành rất tôn kính ngài. Mùa thu năm Canh Thìn 980, tướng Tống là Hầu Nhân Bảo mang quân sang đóng ở gò Tử Cương, núi Giáp Lãnh, định xâm chiếm nước Đại Cồ Việt. Vua Lê Đại Hành triệu ngài vào hỏi chuyện thắng bại ra sao. Ngài đáp: “Chỉ trong 3, 7 ngày giặc tất phải lui…” Lời nói này về sau đã ứng nghiệm.

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2018 Vai tro thien su Van Hanh 1

Đến khi vua muốn đánh Chiêm Thành, việc bàn định chưa dứt khoát, Sư tâu: “Xin mau cất binh, nếu không, ắt mất cơ hội”. Sau đánh quả nhiên thắng trận.

Từ giai đoạn đầu trợ giúp quốc gia bằng tài trí đối ngoại trong bang giao, các vị vua đã áp dụng việc trị nước trên tinh thần Phật giáo. Đạo Phật nói chung và giới tăng sĩ nói riêng luôn đóng vai trò quan trọng ở mọi mặt, tại mỗi giai đoạn lịch sử vàng son nhất của dân tộc.

Năm Tân Tị 981, Thiền sư Vạn Hạnh được gửi gắm người con nuôi lúc đó mới 7 tuổi là Lý Công Uẩn. Thiền sư sớm nhìn ra trong đứa trẻ phi thường này cốt cách của một bậc vĩ nhân, sau này đã trở thành vị vua anh minh, làm tròn sứ mạng cao cả cho dân tộc.

Sau khi vua Lê Đại Hành mất, Lê Ngọa Triều (Lê Long Đĩnh) lên ngôi. Một vị vua chỉ biết ăn chơi, không lo cho dân, cho xã tắc, khiến đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn, khổ đau ngập tràn, bên trong thì nội loạn, bên ngoài thì nạn ngoại xâm đe dọa. Trước những thảm trạng đen tối u ám và đầy rẫy những thống hận đó, Thiền sư Vạn Hạnh biết sức mạnh của lòng dân nên đã đưa ra nhiều câu sấm truyền, vận động quần thần trong triều suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua.

Hành động này của Thiền sư được coi là “lạ” trong bối cảnh lịch sử khi ấy, bởi hầu hết mọi người đều tuân theo nguyên tắc “chỉ trung thành và phò tá với một vị vua”, nhưng với trí tuệ trác tuyệt và tầm nhìn bao quát, Thiền sư Vạn Hạnh đã nhận ra: khi đất nước độc lập kể từ sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử vào năm 939, sau các triều đại Đinh, Lê đến triều đại Lý – Trần, Phật giáo đứng trước một vận hội mới đầy thách thức khi nước nhà bước sang một kỷ nguyên độc lập, tự chủ. Hướng đi Phật giáo ắt hẳn phải thay đổi cụ thể mới đáp ứng nhu cầu lịch sử dân tộc đặt ra.

Từ một nền Phật giáo chức năng theo xu hướng hội nhập thời đại, dần dần đã chuyển sang một nền Phật giáo thế sự. Các thiền sư đã sát cánh bên các vị vua và quan lại triều đình để hoạch định chính sách quốc gia với hai nhiệm vụ chiến lược: tái thiết đất nước và đối phó với các cuộc chiến tranh xâm lược. Phật giáo lúc này chủ động đứng trên vũ đài chính trị, mục đích là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong thời kỳ đầu đất nước mới độc lập. Vận nước ngắn dài tùy thuộc vào lòng dân. Người lãnh đạo phải biết nắm lấy lòng dân, biết đoàn kết với dân thì vận mệnh của triều đình sẽ dài lâu.

Có thể thấy, dưới triều Tiền Lê, Thiền sư Vạn Hạnh hết lòng phò tá vua Lê Đại Hành, giúp vua trị vì đất nước và bảo vệ biên cương lãnh thổ. Tuy nhiên, đến đời vua Lê Ngọa Triều hoang dâm vô độ, bỏ bê việc nước thì Sư Vạn Hạnh sẵn sàng đưa Lý Công Uẩn đang giữ chức Thần vệ, lập ra triều đại nhà Lý. Rõ ràng, trong trường hợp vị vua triều đại nào đi ngược lòng dân, thì các thiền sư cũng sẵn sàng “thay ngựa giữa dòng” để lập triều đại mới, lãnh đạo đất nước, giữ vững nền độc lập.

Trong sách “Văn học đời Lý” (bản in năm 1957, Sài Gòn, nhà xuất bản Hướng Dương), tác giả Lê Văn Siêu viết: “Cuộc đảo chính năm 1010 của Vạn Hạnh, sau cuộc đảo chính năm 980 của Lê Hoàn, không mất một giọt máu, không gây một oan cừu, dù muốn dù không cũng đã là một tác phẩm nghệ thuật” (trang 107)”… “Sư Vạn Hạnh khi thành công đã không chịu nhận một chức tước gì trong triều của ông vua vốn là học trò của mình, mà ngai vàng lại đã do chính tay mình đem đến, tư cách ấy nào khác gì với tư cách của Phù Đổng Thiên Vương” (trang 111).

Không những vậy, Thiền sư Vạn Hạnh là một trong những người có công thuyết phục vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La, khai sinh ra kinh thành Thăng Long, vùng đất thịnh vượng để tính kế muôn đời cho con cháu. Suốt cả một đời, ngài tận tụy với sự nghiệp “hộ quốc an dân” và từng được xưng tán là “chống gậy thiền trấn giữ kinh vua” một thời!… Ngài có công lớn gây dựng nên vương triều nhà Lý, là tiền đề cho các triều đại sau phát triển rực rỡ, nhất là triều đại nhà Trần.

Nhờ sự giúp đỡ của Sư Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn đã huân tập được tinh thần từ bi, trí tuệ trong Phật giáo, đặt sự tồn tại của dân tộc lên trên, xây dựng một xã hội nhân bản, hưng thịnh, an lạc. Sử gia Hoàng Xuân Hãn đã viết: “Triều đại nhà Lý là triều đại thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó là nhờ ảnh hưởng của Phật giáo”. Điều này cũng đủ cho ta thấy rằng đóng góp của Sư Vạn Hạnh vô cùng vĩ đại, sự nghiệp phi thường này hàng hậu học không bao giờ dám lãng quên.

Sau tất cả những đóng góp lịch sử to lớn ấy, Thiền sư xứng đáng nhận được sự trọng vọng của nhân dân và sự sùng mộ của vua Lý Thái Tổ khi phong ngài làm Quốc sư. Tuy nhiên, Thiền sư Vạn Hạnh coi thường công danh, phú quý lợi lộc nên không bao giờ tranh giành quyền lợi. Sư chỉ đứng trên cương vị cố vấn tham dự vào chính sự, chứ không dính đến chính quyền, coi mái chùa chốn thiền môn là nơi cư trú, cơm rau đạm bạc bình dị qua ngày.

Ngài đâu cần thiên hạ tung hô, đi vào cuộc đời, tham dự chính sự trên cương vị xuất thế, không muốn hòa mình trong vòng ràng buộc danh lợi, hành nhưng vô hành. Cái ung dung thanh thoát của những con người không hề vướng bận, làm thì có làm, vì chúng sinh nên phải dấn thân, nhưng không vì thế hoen ố được tâm đạo của mình.

Bên cạnh đó, phát huy và kế thừa tư tưởng của các vị thiền sư trước đó, chính là tinh thần hòa hợp, nhập thế và lý tưởng Bồ Tát, bằng tất cả tâm huyết và đạo hạnh của mình, Thiền sư Đạo Hạnh đã khẳng định được vai trò của mình trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Đại Việt với những trang sử chói lọi trong lịch sử dân tộc.

Điều này thể hiện ở chủ trương của Phật giáo thời Lý – Trần trước sau như một, đặt sự tồn vong của chính mình trong sự tồn vong của dân tộc Đại Việt. Hiển nhiên sự tồn vong của dân tộc, của Phật giáo có tính liên hệ hữu cơ, liên quan đến từng cá thể làm nên dân tộc và Phật giáo.

Thế nên, Phật giáo dù có đề ra mục đích tối hậu của mình là giải thoát khổ đau, chứng ngộ Niết bàn, tức là mỗi cá nhân phải đạt đến giác ngộ giải thoát trong đời sống đạo, thì mục tiêu đó chỉ thành tựu khi cá thể đó tự đặt mình trong tương quan, tương duyên với từng cá thể khác nhau cùng tồn tại trong một cộng đồng.

Kết quả, Phật giáo thời Lý – Trần đã hiện thực hóa hào khí Đông A, làm nên lịch sử huy hoàng cho cả dân tộc. Điều đó chứng tỏ tính năng động của Phật giáo dựa trên nguyên lý tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên được cụ thể hóa để giải quyết các vấn đề thách thức trong quá trình hội nhập trước vận hội mới của đất nước.

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2018 Vai tro thien su Van Hanh 4

Có thể khẳng định, Thiền sư Vạn Hạnh đã đưa dân tộc thoát ra khỏi một khúc quanh vĩ đại. Sự có mặt của ngài đã làm sống lại sinh mệnh của dân tộc và tiếp nối để đạt được thành công, những hoài bão của bậc Thiền sư trước chưa thực hiện được. Ngài đã tổng hợp và thắp sáng ngọn đuốc bùng tỏa ánh lửa soi sáng cho non sông trong suốt quá trình lịch sử. Dù rằng ngài đã viên tịch, nhưng đâu đó vẫn còn những lời nhắn nhủ chứa đựng trong hư không, âm ỉ trong lòng người, khát khao bảo vệ và xây dựng cuộc sống ấm no cho nhân dân bá tính.

Với Thiền sư Vạn Hạnh, có lẽ: Ngày lên ngôi của Lý Công Uẩn chính là ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời sau bao nhiêu năm đấu tranh. Nó thỏa mãn được nguyện vọng của Sư cũng như của biết bao nhiêu vị Thiền sư tiền bối khi đất nước được độc lập, vua ta làm chủ nước ta, Phật giáo cũng được phát triển và hưng thịnh cùng đất nước. Phật giáo không thể phát triển bên ngoài dân tộc và càng không thể hưng thịnh khi dân tộc mất chủ quyền. Nói như Thiền sư Lê Mạnh Thát: “Việc Vạn Hạnh phấn đấu để yểm trợ và tạo điều kiện cho Lý Công Uẩn làm chủ đất nước thể hiện quan điểm chính trị (nêu ở trên) là rất tiến bộ. Quan điểm chính trị này có thể nói đã chi phối 300 năm phát triển lịch sử tư tưởng và văn học Việt Nam…”

Như vậy, từ thực tế đã nêu, không thể phủ nhận vai trò của Thiền sư Vạn Hạnh nói riêng và các vị Thiền sư nói chung đối với “vận nước” buổi đầu tự chủ. Chính những vị Thiền sư ấy đã góp tiếng nói đáng kể trong chính sách đối nội lẫn đối ngoại, giúp nước nhà tránh được những cuộc binh đao, chém giết, tàn sát lẫn nhau. Hay nói cách khác, Phật giáo đã trở thành một thực thể không thể tách rời, làm nên một bản sắc riêng trong truyền thống rất đỗi hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử sau 1000 năm

Nhân kỷ niệm 1000 năm Thiền sư Vạn Hạnh viên tịch (1018-2018), để tôn vinh một vị cao tăng đã có nhiều đóng góp với đạo pháp và dân tộc, Ban Thường trực HĐTS GHPGVN và BTS GHPGVN tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức tọa đàm khoa học “Thiền sư Vạn Hạnh với thời kỳ đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ”.

Đây là dịp để tăng ni, phật tử, các bậc thiện tri thức, các nhà khoa học cùng nhau nghiên cứu, thảo luận, đánh giá về hành trạng, tư tưởng, vai trò của Thiền sư Vạn Hạnh đối với Phật giáo nói riêng và đối với dân tộc nói chung, đặt trong bối cảnh thời kỳ đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ của đất nước. Qua đó ghi nhận, tôn vinh những đóng góp to lớn của Thiền sư, đồng thời tìm kiếm từ cuộc đời và sự nghiệp của ngài, gợi mở hữu ích cho ngày nay.

Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, bao nghịch duyên từ trong ra ngoài nhưng với giới đức tinh nghiêm, đạo hạnh thanh tịnh và thệ nguyện sâu rộng, Thiền sư Vạn Hạnh đã luôn dấn thân trọn vẹn với lý tưởng nhập thế, đem đạo vào đời, với tinh thần tùy duyên bất biến, trụ vào nơi vô trụ. Ngài quả thật là tấm gương sáng, một bậc chân tu sáng ngời đạo hạnh trong lòng tăng ni, phật tử thời kỳ đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ nói riêng và tăng ni phật tử Việt Nam trong thời bình nói chung. Công đức thâm sâu của ngài sẽ còn mãi trong đáy sâu tâm thức của những người kế thừa, đã từng có phước duyên thọ nhận và công hạnh ấy sẽ còn mãi trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Hòa thượng Tiến sĩ Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 7/2018

———————————-

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/thien-su-van-hanh-va-su-menh-lich-su.html http://www.hoalinhthoai.com/news/detail/news-2522/Vai-tro-cua-thien-su-Van-Hanh-trong-viec-kien-lap-va-xay-dung-vuong- trieu-nha-Ly.html
http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1877&Catid=789
https://thuvienhoasen.org/p58a11768/6/van-hanh-thien-su-con-nguoi-doc-di-cua-ngan-nam-truoc-va-sau-nhu-hung https://thuvienhoasen.org/a14625/vai-tro-chinh-tri-cua-tang-si-phat-giao-thoi-ly-tran

 

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường