Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Ứng dụng Tứ Nhiếp Pháp vào công tác xã hội Phật giáo

Ứng dụng Tứ Nhiếp Pháp vào công tác xã hội Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Ngộ Trí Viên
Học viên Học viện PGVN tại Tp.HCM

Đặt vấn đề:

Tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp thu phục lòng người, dẫn dắt con người đến với Phật Pháp. Bốn pháp này bao gồm: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.

Bốn phương pháp này có trong kinh tạng và luận tạng của Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa, như: Trung A Hàm 33 Thiện Sinh kinh, Tạp A Hàm 26, Tăng Nhất A Hàm 22 và Thành thật luận … và kinh luận Đại thừa như Đại Tập kinh 29, Đại phẩm Bát Nhã kinh 24, Phạm Võng kinh, quyển thượng, A Tỳ Đạt Ma Tập dị môn túc luận 9, Đại Trí Độ luận 66, 88, Đại thừa nghĩa chương… Giữa các văn điển có sự khác nhau trong chi tiết, nhưng tổng thể ý nghĩa đều như nhau[1]. Trong giáo lý A La Hán của Phật giáo Nguyên thủy giới hạn trong quả phước để hoàn thiện hạnh lành cho bản thân và tha nhân, thì giáo lý Bồ-tát của Phật giáo Đại thừa thì hướng đến sự thành tựu các pháp Ba la mật (S. Pāramitā).

Tag: Tứ nhiếp pháp, xã hội Phật giáo, Phật giáo, đức Phật, xã hội, ứng dụng, Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Nguyên thủy,…

  1. Tứ nhiếp pháp và công tác xã hội Phật giáo
    • Tứ nhiếp pháp

Bố thí nhiếp tức dùng bố thí, ban tặng, chia sẻ phước báu để thu phục, bao gồm cả tùy thuộc vào phương tiện bố thí và phương tiện tuệ thí để chia sẻ giáo pháp Phật đà (pháp thí), trao tặng tịnh tài, tịnh vật (tài thí)[2] để nhiếp phục. Ngoài ra, bố thí nhiếp còn có một phương tiện khác, đó là vô úy thí, tức trao tặng cho con người và những loài hữu duyên sự không sợ hãi.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2021 Ung dung tu nhiep phap 1

Ái ngữ nhiếp là dùng lời nói từ ái để thu phục. Ái ngữ, ái ngôn là phương tiện để nhiếp phục, dựa vào hoàn cảnh và tính cách của con người mà dùng lời nói từ ái để giúp cho họ phát tâm đến với đạo. Ngoài lời nói từ ái tốt đẹp để vừa lòng nhau, để thu phục người vào đạo, cần phải tránh xa những phương diện của giới vọng ngữ trong năm điều đạo đức căn bản của phật tử tại gia, bao gồm: nói lời hư vọng, nói lời thêu dệt, nói lời đâm chọc, nói lời ác độc. Sự ái ngữ nhiếp, vừa có cả bề ngoại dùng lời từ ái, vừa có cả bề trong phù hợp đạo đức sẽ cảm phục lòng người để đưa về Chính pháp hiệu quả.

Lợi hành nhiếp tức những việc làm lợi mình lợi người mà thu phục, tạo phương tiện khiến người hữu duyên đến với đạo Phật, tạo phương tiện chuyển hóa khổ đau, mang lại an vui, hạnh phúc. Những việc lợi cho mình và người bao gồm những phương diện khuyến tấn mọi người tu tập theo chính hạnh, hay bản thân mình hoàn thiện để làm gương sáng[3].

Một cách hiểu đơn giản, đồng sự là sự đồng hành với người khác trong công việc, đồng hành trong các hoạt động, công tác xã hội, tôn giáo và văn hóa, để giúp đỡ họ và chính mình cũng có thân – khẩu – tâm thiện lành. Từ đó mà họ nể mình để đến với mình, tìm hiểu và biết đến Phật giáo.

  • Công tác xã hội Phật giáo

Về khái niệm công tác xã hội: Theo Từ điển Công tác xã hội[4], Công tác xã hội là hoạt động nghề nghiệp được trả lương nhằm hỗ trợ mọi người vượt qua những khó khăn nghiêm trọng trong cuộc sống bằng cách cung cấp dịch vụ chăm sóc, bảo vệ hoặc tư vấn hoặc thông qua hỗ trợ xã hội, vận động và phát triển cộng đồng.

Các chuyên viên, tổ chức công tác xã hội xuất hiện ở những nơi có khó khăn. Hoạt động nghề nghiệp của công tác xã hội hướng đến hai mục đích: (i). Nâng cao năng lực cho các nhóm đối tượng như cá nhân, gia đình, cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn; (ii). Khôi phục, cải thiện môi trường xã hội để hỗ trợ các cá nhân, gia đình và cộng đồng thực hiện các chức năng, vai trò của họ một cách hiệu quả.

Những người có thể thực hiện chức năng của chuyên ngành công tác xã hội: bác sĩ tâm lý, chức sắc tôn giáo, nhân viên công tác xã hội, nhân viên bảo trợ & an sinh xã hội[5].

Về khái niệm Phật giáo, trước tiên cần làm rõ danh từ Phật. “Phật” (Buddha) tức là người đã thức tỉnh[6], trải qua quá trình tu tập để chứng đạt chân lý, đi đến Niết bàn (nibbāna) – sự chấm dứt khổ đau và không bao giờ tái sinh. Tiến đến khái niệm về “Phật giáo”, HT.Thích Minh Châu, Minh Chi[7] định nghĩa Phật giáo (The way of the Buddha) rằng: “con đường của Phật đi qua, dẫn tới giác ngộ và giải thoát hoàn toàn.” P.D. Mehta[8], trong quyển “Early Indian Religious Thought”, viết về Phật giáo rằng: “Tôn giáo được đức Phật đề xuất rất độc đáo, nó khác biệt một cách sửng sốt với tất cả các tôn giác lớn khác. Chính pháp, mà không phải là một con người thần thánh hay tuyệt đối, là suối nguồn. Mục đích là vô ngã, sự chấm dứt khổ đau, và sự chứng ngộ bất tử, Niết bàn…” Như vậy, Phật giáo là con đường dẫn đến sự giác ngộ tuyệt đối và giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau, người thực tập Phật Pháp (hay người học Phật) là hướng về thực tập tâm[9].

Từ những khái niệm trên, tác giả nhận định rằng “Công tác xã hội Phật giáo” là sự chuyển hóa, trị liệu và phát triển tâm lý của con người bằng các hoạt động, dịch vụ, dựa trên nền tảng các lý thuyết công tác xã hội (hành vi con người, hệ thống xã hội) hòa hợp với giáo lý Phật giáo (Tứ Thánh Đế, Ngũ uẩn, Vô thường…), hướng đến đối tượng là con người để hỗ trợ tâm lý cho họ vượt qua những khó khăn trong đời sống và tương tác với môi trường.

  • Khía cạnh công tác xã hội cá nhân đối với Phật giáo

Công tác xã hội tác động đến các thành phần trong xã hội, từ đơn vị nhỏ nhất là cá nhân, sau đó đến nhóm (gia đình, tăng đoàn/ni chúng, nhóm học tập, lớp học, hội thân hữu, nhóm tăng, ni sinh…) và nhóm xã hội (dân tộc, giai cấp…)[10]. Cá nhân chính là một tế bào trong một cộng đồng, và cộng đồng xã hội cũng từ những cá nhân mà hợp thành. Chính vì vậy, công tác xã hội cá nhân là phương pháp công tác xã hội căn bản, mà Phật giáo với những giáo lý siêu việt sẽ giúp ích rất nhiều để tác động đến từng cá nhân.

  1. Ứng dụng Tứ nhiếp pháp trong công tác xã hội Phật giáo
    • Ứng dụng bố thí trong công tác xã hội Phật giáo

Trong hướng công tác xã hội Phật giáo, bố thí, mà hiệu quả nhất, nhiều người tiếp cận nhất chính là pháp thí. Pháp thí chính là giáo dục đạo đức Phật giáo (chính mạng, chính ngữ, chính nghiệp; năm giới của người phật tử tại gia…) và văn hóa. Sự bố thí pháp đối với người tu sĩ Phật giáo có nhiều phương diện như: thuyết giảng Phật Pháp cho thanh thiếu niên, thuyết giảng trong trường học, tổ chức các hoạt động “Phật hóa gia đình” liên kết với các vị mạnh thường quân tại chùa/huynh trưởng Gia đình Phật tử/lãnh đạo đạo tràng để từ đó mở rộng ra xã hội. Hiện nay, mô hình Phật hóa gia đình đang được thực hiện tại một số chùa trong cả nước, ở Tp.HCM có chùa Vạn Đức – Thủ Đức thực hiện khá tốt.

Ngoài ra, pháp thí trong công tác xã hội Phật giáo cũng có thể tác động đến lĩnh vực người khuyết tật, chẳng hạn như tổ chức khóa tu, buổi thuyết giảng – trao quà thiện nguyện cho người khiếm thị, khuyết tật vận động… Chùa Thiên Quang (Bình Dương) là một cơ sở tự viện tiêu biểu cho hướng bố thí trong công tác xã hội Phật giáo dành cho đối tượng người khuyết tật.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2021 Ung dung tu nhiep phap 2

Khía cạnh thứ 2 của bố thí là tài thí. Trong tài thí thì có bố thí nội tại và bố thí ngoại tài. Về bố thí nội tại, tác giả đề cập đến mô hình hiến máu nhân đạo (thứ Bảy đầu tiên hằng tháng), hiến mô – tạng cho y học và hiến xác cho khoa học tại chùa Giác Ngộ (Q.10, Tp.HCM), và các lĩnh vực thiện nguyện mà tổ chức từ thiện Quỹ Đạo Phật Ngày Nay (Buddhism Today Foundation) trực thuộc chùa Giác Ngộ hướng đến, bao gồm[11]:

  • Xây dựng cơ sở vật chất (người dân ở những địa phương thiếu thốn cơ sở vật chất, trẻ em ở những địa phương thiếu thốn cơ sở học tập, những ngôi chùa thiếu kinh phí xây dựng)
  • Cứu trợ thiên tai (những ngôi chùa bị tàn phá bởi thiên tai, những gia đình, quý vị tăng, ni bị ảnh hưởng)
  • Từ thiện (hỗ trợ những mảnh đời neo đơn bất hạnh, những hộ dân nghèo khó ở vùng sâu vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trại viên cai nghiện, phạm nhân các trung tâm bảo trợ xã hội, người khuyết tật, người khiếm thị).

Vô úy thí – phương diện thứ 3 của bố thí, chính là việc giải phóng con người khỏi những nỗi sợ hãi, nhận thức được sự vô minh, tà kiến do môi trường sống, phong tục tập quán từ các thế hệ ông cha tác động đến. Đó có thể là thuyết giảng Phật Pháp bằng ngôn ngữ của thời đại dành cho con người ngày nay, hoặc tham vấn cá nhân để giúp người khác hiểu ra nhận thức sai lệch trước đây của bản thân bằng các kỹ năng, công cụ. Điều quan trọng khi ứng dụng công tác xã hội cá nhân trong vô úy thí là phải dựa vào căn tính của cá nhân sẽ tác động đến như thế nào, từ đó lựa chọn giải pháp phù hợp.

Đức Phật cũng chia sẻ cho hàng đệ tử của Ngài tám lý do để bố thí, để từ đó thính chúng hiểu được giá trị của sự bố thí mà phát khởi thiện tâm: “Này các Tỳ kheo, có tám lý do để bố thí. Thế nào là tám? Chúng sinh có thể bố thí vì tình thương; hay trong lúc tâm sân hận; hay vì ngu ngốc; hay vì sợ hãi; hay với ý nghĩ: “Trước kia ông cha ta đã bố thí, trước đây các người đã làm; vì thế ta sẽ không xứng đáng nếu ta từ bỏ truyền thống gia đình này” hay với ý nghĩ: “Bằng cách bố thí này, ta sẻ được tái sinh vào cõi tốt đẹp, vào Thiên giới, sau khi chết” hay với ý nghĩ: “Khi bố thí như thế này, tâm ta sẽ an vui, hạnh phúc, và hỷ lạc sẽ khởi sinh trong ta;” hay người ta bố thí vì việc này làm tâm cao thượng, làm tâm trang nghiêm.”[12] (Tăng Chi Bộ Kinh, chương Tám pháp, phẩm Bố thí thứ 4). Qua lời Phật dạy về tám lý do bố thí, người thực hành pháp bố thí, dù là ở khía cạnh nào cũng đều đầy đủ tự lợi và lợi tha, tức giúp cho chính mình được an vui, hoan hỷ, và mang đến lợi ích thiết thực cho các cá nhân, các nhóm nhỏ và nhóm xã hội. Phước đức mà người hành pháp sẽ là “bảo hiểm” cho họ trong các tình huống bất ngờ có thể xảy ra mà không lường trước được.

  • Ứng dụng ái ngữ trong công tác xã hội Phật giáo

Ái ngữ trong lĩnh vực công tác xã hội Phật giáo có thể được nhìn nhận như: tham vấn cho thân chủ (tham vấn cá nhân, tham vấn nhóm), chăm sóc người bệnh thông qua các biểu đạt truyền cảm, xây dựng kỹ năng sống cho thanh thiếu niên[13] và những hình thức khác.

Ái ngữ là một trong những phương tiện vô cùng hữu ích và dễ sử dụng để đem đạo vào đời, từ đó giáo lý Phật giáo tiếp cận quần chúng xã hội. Các hình thức của ái ngữ trong công tác xã hội Phật giáo cũng sinh động và phong phú, và nó không chỉ dừng lại ở các hình thức vừa nêu. Căn cứ vào mục đích của ái ngữ và hoàn cảnh thực tế mà tăng, ni có thể chọn thời điểm phù hợp để vận dụng ái ngữ. Có năm yếu tố mà đức Phật đã dạy trong Tăng Chi Bộ kinh, chương Năm pháp để một người có thể mang chính ngữ (mà ái ngữ chính là một phần trong chính ngữ) đến với tha nhân: “Này các Tỳ kheo, khi lời nói có được năm yếu tố này, thì lời nói được xem là thiện lành khéo léo, không phải là lời xấu ác, và không bị người trí chỉ trích và chê trách. Thế nào là năm? Lời nói đúng thời điểm, nói những gì đúng sự thật, nói lời dịu dàng, nói những gì lợi ích, nói với tâm từ. Khi lời nói có được năm yếu tố này, thì lời nói ấy được xem là thiện lành khéo léo, không phải lời xấu ác, và không bị người trí chỉ trích và chê trách.[14]

  • Ứng dụng lợi hành và đồng sự trong công tác xã hội Phật giáo

Lợi hành trong công tác xã hội Phật giáo chính là làm lợi ích cho mình và cho người. Đây là một phương diện khá rộng trong Phật giáo, liên quan rất nhiều công tác phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành, và hoạt động tại các tự viện, đạo tràng, tổ chức từ thiện thuộc Phật giáo. Trong lợi hành cũng có đồng sự và trong đồng sự cũng bao hàm lợi hành. Hầu như các hoạt động nhập thể của Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại đều có cả hai ý nghĩa lợi hành và đồng sự.

Trong bài viết này, tác giả liệt kê một số hướng ứng dụng lợi hành trong công tác xã hội Phật giáo mà các tự viện trên toàn quốc đã và đang làm, cũng như gợi ý những hướng ứng dụng trong tương lai:

  • Tư vấn công việc, nghề nghiệp, định hướng cuộc sống: Quan tâm đến đời sống và định hướng nghề nghiệp cho các đối tượng trong xã hội, đặc biệt là đến tuổi trẻ. Một số ngôi chùa tổ chức các lớp học ngoại ngữ, dạy võ, mời các chuyên gia, các giáo sư nổi tiếng các trường đại học đến nói chuyện với các em học sinh, sinh viên về lựa chọn ngành học, định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực sở trường, tư vấn mùa thi, giúp các em vững bước vào đời trên cơ sở lựa chọn đúng nghề nghiệp phù hợp với học lực và năng khiếu.
  • Hoạt động từ thiện: Các hoạt động từ thiện, gây quỹ ủng hộ và giúp đỡ các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội được các cấp Giáo hội đặc biệt coi trọng. Hàng năm, có đến hàng trăm ngôi chùa quan tâm kêu gọi sự ủng hộ của xã hội đến trẻ em mồ côi, người gặp tai nạn, thiên tai…
  • Nhiều chùa trên cơ sở thực tế đời sống tại địa phương đã cung cấp bữa ăn miễn phí thường xuyên cho người nghèo, người vô gia cư, trẻ lang thang đường phố, người già không nơi nương tựa, người gặp hoạn nạn bất ngờ, người gặp thiên tai hay những bệnh nhân và người nhà chăm sóc người ốm trong bệnh viện.
  • Nhận nuôi và chăm sóc những người cao tuổi, người khuyết tật và các bệnh hiểm nghèo hoặc bị kỳ thị cao, ví dụ như ung thư, HIV/AIDS, bệnh phong… vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp để làm quỹ nuôi dưỡng, tổ chức khám và chữa bệnh định kỳ cho các cụ mỗi tháng 2 lần.
  • Các vấn đề về công tác xã hội và hôn nhân gia đình: Đồng hành cùng các tổ chức xã hội, các đoàn thể trong các kế hoạch, chương trình hành động về bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống nông thôn mới, “Phật hóa gia đình”, tổ chức lễ hằng thuận cho các bạn trẻ kết hôn theo nghi thức Phật giáo,
  • Các ngôi chùa ở Việt Nam có thể hỗ trợ những người có vấn đề về sức khoẻ tâm thần ở dạng nhẹ như các rối nhiễu tâm lý liên quan đến xung đột gia đình, bệnh tật, các vấn nạn như nạn tự tử, đau khổ, lo lắng, stress…
  • Một số chùa hỗ trợ các gia đình liên quan tới phúc lợi trẻ em: bạo hành, ngược đãi, bỏ bê trẻ em; trẻ bỏ học; thanh thiếu niên phạm pháp… Một số chùa hỗ trợ phu nữ bị bạo hành, ly hôn, xung đột thế hệ, ngoại tình…
  • Chăm sóc thai sản và dinh dưỡng bà mẹ – trẻ em ở vùng nông thôn, miền núi, nơi sức khoẻ bà mẹ trẻ em không được quan tâm đúng mức.
  1. Phật giáo có nên công tác xã hội?

Hiện nay, luồng ý kiến cho rằng quý tăng, ni không nên xuất thế, hoạt động xã hội mà nên chuyên tâm tu tập tại tự viện với quan điểm “tu sĩ thì ra hình dáng tu sĩ”. Tuy nhiên, quan niệm cho rằng tu sĩ Phật giáo chỉ nên ở chùa chuyên tu là một điều không đúng. Ở những khu vực, địa phương trên đất nước Việt Nam không phải nơi nào cũng có điều kiện kinh tế phát triển để người dân có thời gian đến chùa tu học Phật Pháp, có những nơi người dân cần cơm áo gạo tiền, có nơi cần sự tu tập, có nơi cần làm việc về đêm, có nơi cần làm việc ban ngày… vì thế Phật giáo cần phải uyển chuyển trong hướng tiếp cận nhân dân. Nhà hoằng pháp Phật giáo nên biết đối tượng mình hướng đến và nhu cầu của họ là gì để có phương tiện độ sinh, dẫn dắt vào đạo qua nhiều bước.

Nhắc đến công tác xã hội trong Phật giáo trong thời điểm hiện nay, có luồng dư luận cho rằng đó là làm từ thiện. Nhưng làm từ thiện như thế nào để không bị hiểu sai và thật sự là ứng dụng công tác xã hội Phật giáo vào cuộc sống! Nếu cho rằng công tác xã hội Phật giáo là chỉ quanh năm suốt tháng đi từ thiện thì thật phiến diễn trong cách nhìn. Thiện nguyện là một trong nhiều hình thức của công tác xã hội, nhưng người tu sĩ cần phải tổ chức các hoạt động thiện nguyện một cách có phương pháp, căn cứ vào thực tế của người phật tử mà đáp ứng phù hợp. Ngoài thuyết giảng Phật Pháp, Phật giáo Việt Nam cũng có những hướng làm việc để mang đạo Phật vào đời, chẳng hạn như trước tác sách báo, dịch thuật kinh điển – tài liệu – giáo trình, tổ chức các hoạt động văn hóa, học thuật, ca nhạc Phật giáo… và công tác xã hội cũng là một trong những phương pháp này. Chính trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có cơ cấu các Ban như Ban Giáo dục Phật giáo, Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Thông tin Truyền thông, Ban Từ thiện Xã hội, Ban Phật giáo quốc tế[15]… Mỗi Ban đều có nhiệm vụ khác nhau, nhưng mục đích chung vẫn là hoằng pháp lợi sinh, với phương châm: “Đạo pháp dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Đức Phật từng nói với vua A Tu La Pahàràda: “Ví như, này Pahàràda, biển lớn chỉ có một vị mặn. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật cũng chỉ có một vị là vị giải thoát. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ sáu mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỳ kheo thích thú trong Pháp và Luật này.[16] Qua câu nói của đức Thế Tôn, tư duy về các Ban trong cơ cấu Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mỗi một hướng hoạt động Phật giáo đều nhằm mục đích truyền tải thông điệp Pháp (Dhamma) đến với xã hội, để giúp những cá nhân và nhóm chuyển hóa các vấn đề trong cuộc sống thường nhật, học tập và làm việc.

Đức Phật thời tại thế, sau khi tiếp độ 60 Tỳ kheo A La Hán, Ngài đã khuyến tấn mỗi một người giúp người khai tỏ trí tuệ bằng những gì thực chứng, và mỗi người có sở chứng khác nhau cho nên không nhất thiết phải trùng hướng nhau: “Này các Tỳ kheo!… hãy lên đường, vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả, truyền bá Chính pháp… Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác; được vậy, là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ.[17]

Vì những lý do và quan điểm nêu trên, tác giả cho rằng Phật giáo nên tích cực phát huy công tác xã hội.

KẾT LUẬN

Tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp mà đức Thế Tôn đã hướng dẫn tứ chúng đệ tử, từ các quý Thầy (Bhikkhu) cho đến quý Sư cô (Bhikkhuni), và hàng cận sự nam (Upāsaka), cận sự nữ (Upāsikā), trong mỗi chức năng của mình mà theo đó tự lợi và lợi tha trong việc chuyển vận bánh xe Chính pháp đi vào cuộc đời, giúp người đến với đạo, chuyển hóa khổ đau thành an lạc, từ tà kiến sai lầm trở về chính kiến.

Mặc dù Phật giáo đã đi trước ngành công tác xã hội hơn 2.300 năm, có nhiều điều Phật giáo biết mà công tác xã hội chưa biết và ngược lại, công tác xã hội có những công cụ, kỹ năng để hỗ trợ giải quyết vấn đề mà Phật giáo và quý tăng, ni khi thực hiện công tác xã hội cần tham khảo. Do đó, phải dung hòa, biết dùng Phật giáo để hỗ trợ công tác xã hội và dùng công tác xã hội để hiểu rõ hơn Phật giáo, nhằm giúp cho người phật tử và những người có lòng quý mến đạo Phật, những người hữu duyên, tôn giáo bạn… tiếp cận giáo pháp của đức Phật, và mang lại lợi lạc cho quần sinh.

Tác giả: Thích Ngộ Trí Viên, Học viên, Học viện PGVN tại Tp.HCM

————————————

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bhikkhu Bodhi. Nguyên Nhật Trần Như Mai (dịch). (2019). Hợp tuyển lời Phật dạy từ kinh tạng Pāḷi. Hà Nội: NXB Hồng Đức.
  2. Bhikkhu Bodhi. Nguyên Nhật Trần Như Mai (dịch). (2018). Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội: Hợp tuyển từ kinh tạng Pāḷi. Hà Nội: NXB Hồng Đức.
  3. Đại Tạng Kinh Việt Nam. Kinh Tăng Chi Bộ III, chương Tám pháp, phẩm Lớn. Tp. HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1993.
  4. Conze. Buddhist Thought in India. London, 1962.
  5. Conze. Thirty Years of Buddhist Studies. London: Spottiswoode, Ballantyne, 1967
  6. Gethin Rupert (2003). The Buddhist Path to Awakening. Oxford: Oneworld Publications,
  7. Grace Matthew. Lê Chí An (dịch). (1999). Nhập môn công tác xã hội cá nhân. Đại học Mở Bán Công Tp. HCM.
  8. Hạnh Cơ (2009). Lược giải những pháp số căn bản. Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Min.
  9. Hoàng Tâm Xuyên (chủ biên). (1999). Mười tôn giáo lớn trên thế giới, tập 1. Hà Nội: NXB Chính Trị Quốc Gia.
  10. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018). Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tu chỉnh lần thứ VI). Hà Nội: NXB Tôn Giáo.
  11. John Pierson, Matin Thomas. (2010). Dictionary of Social Work. United Kingdom: Open University Press.
  12. R. Carter, Dhamma: Western Academic and Sinhalese Buddhist Interpretations: A study of a Religious Concept. Tokyo, 1978.
  13. W. de Jong. ‘The Study of Buddhism: Problems and Perspectives’ (Studies in Indo-Asian Art and Culture, vol. 4 (1974). Acharya Raghu Vira Commemoration Volume, p. 13-26) reprinted in J.W. de Jong, Buddhist Studies, ed. G. Schopen, Berkeley, 1979).
  14. Lê Chí An (2006). Tài liệu hướng dẫn học tập Công tác xã hội nhập môn. Nhà Xuất Bản Đại học Mở Bán công Tp. Hồ Chí Minh.
  15. Lê Hải Thanh (chủ biên). (2011). Công tác xã hội đại cương. Tp. Hồ Chí Minh: NXB Đại học Quốc gia.
  16. Mahāvagga (Đại phẩm). Luật tạng, chương Trọng yếu, tụng phẩm thứ 2, đoạn 32. Đọc bản dịch của Indacanda Nguyệt Thiên, https://www.budsas.org/uni/u-luat-daipham/dp-00.htm
  17. Nguyễn Thị Kim Hoa, Nguyễn Thị Thái Lan, Phạm Nhật Vũ. Vai trò của Phật giáo Việt Nam trong công tác xã hội hiện nay. Tạp chí nghiên cứu Phật học, 05/2017.
  18. D. Mehta (1956). Early Indian Religious Thought. London: Lusac and Company Limited.
  19. Program of Conference of the National Association of Social Workers of USA, 1970.
  20. Robert E. Buswell (2004). Encyclopedia of Buddhism, Vol. 1. Macmillan Reference.
  21. Thích Không Tú (2019). Gia đình hòa hợp và xã hội bền vững. Những đóng góp của Phật giáo Việt Nam vào tiến trình phát triển bền vững ở Việt Nam. Hội thảo quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019. Tp. HCM: NXB Tôn Giáo.
  22. Thích Minh Châu, Minh Chi (1931). Từ điển Phật học Việt Nam. Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội.
  23. Thích Nữ Giác Hạnh Nguyện (2021). Bài giảng Tứ nhiếp pháp và Công tác xã hội Phật giáo. Ngày 31 tháng 03 năm 2021. Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (cơ sở 2).
  24. Thích Thiện Hoa (2016). Phật học phổ thông, quyển 1. Tp. Hồ Chí Minh: NXB Tôn Giáo.
  25. Toseland R.W and Rivas R.F. (1998). An introduction to Group Work Practice (3rd edition). Boston, USA: Allyn & Bacon
  26. Trần Quốc Thành, Nguyễn Đức Sơn (2015). Tâm lý học xã hội. Hà Nội: NXB Đại học Sư Phạm.

Web

  1. Tâm Chiếu, Võ Văn Lộc (2019). Người hoằng pháp viên cư sĩ vận dụng tứ nhiếp pháp trong công việc hoằng pháp, Cơ sở dữ liệu số Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Truy cập 17/04/2021. [https://vbgh.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=hoi-thao-hoang-phap-tai-lam-dong-2019/nguoi-hoang-phap-vien-cu-si-van-dung-tu-nhiep-phap-trong-cong-viec-hoang-phap-800.html]
  2. Thích Đức Thắng. Ngày 31 tháng 01 năm 2011. Tứ nhiếp pháp (Catvāri saṃgraha-vastūni). Thư Viện Hoa Sen. Truy cập ngày 17/04/2021. [https://thuvienhoasen.org/a9210/tu-nhiep-phap]

[1] TT. Thích Đức Thắng. Ngày 31 tháng 01 năm 2011. Tứ nhiếp pháp (Catvāri saṃgraha-vastūni). Thư Viện Hoa Sen. Truy cập ngày 17/04/2021. [https://thuvienhoasen.org/a9210/tu-nhiep-phap]

[2] Tài thí có 2 dạng, nội tài và ngoại tài. Nội tài tức dùng những bộ phận sẵn có trên thân thể của mình để tặng biếu, cho đi, ví dụ: Hiến máu nhân đạo. Ngoài tài là dùng những tài sản mà mình tạo ra để biếu tặng người.

[3] Thích Thiện Hoa (2016). Phật học phổ thông, quyển 1. Tp. Hồ Chí Minh: NXB Tôn Giáo, tr. 336-337.

[4] John Pierson, Matin Thomas. (2010). Dictionary of Social Work. United Kingdom: Open University Press, p. 493. “Social work: the paid professional activity that aims to assist people in overcoming serious difficulties in their lives by providing care, protection or counselling or through social support, advocacy and community development work.”

[5] Thích Nữ Giác Hạnh Nguyện (2021). Bài giảng Tứ nhiếp pháp và Công tác xã hội Phật giáo. Ngày 31 tháng 03 năm 2021. Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (cơ sở 2).

[6] Robert E. Buswell (2004). Encyclopedia of Buddhism, Vol. 1. Macmillan Reference, p. 71.

[7] Thích Minh Châu, Minh Chi (1931). Từ điển Phật học Việt Nam. Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, tr. 528.

[8] P.D. Mehta (1956). Early Indian Religious Thought. London: Lusac and Company Limited, p. 186-187. “But Religion as pronounced by the Buddha is so orginal that it is startling differenet from all the other great religious. The Dhamma, and not a Divine Person or Absolute, is the fountain head. The goal is selflessness, the cessation from being a source of suffering and evil, and the realization of the Deathlessness or Nirvàna…”

[9] Gethin Rupert (2003). The Buddhist Path to Awakening. Oxford: Oneworld Publications, p. 4. J.W. de Jong, ‘The Study of Buddhism: Problems and Perspectives’ (Studies in Indo-Asian Art and Culture, vol. 4 (1974), Acharya Raghu Vira Commemoration Volume, p. 13-26) reprinted in J.W. de Jong, Buddhist Studies, ed. G. Schopen, Berkeley, 1979, pp. 15-28 @. 28). Cf. E. Conze, Buddhist Thought in India, London, 1962, pp. 17-30; Thirty Years of Buddhist Studies, Oxford, 1967, pp. 2-3; J.R. Carter, Dhamma: Western Academic and Sinhalese Buddhist Interpretations: A study of a Religious Concept, Tokyo, 1978, p. 57, 171

[10] Trần Quốc Thành, Nguyễn Đức Sơn (2015). Tâm lý học xã hội. Hà Nội: NXB Đại học Sư Phạm, tr. 44-45.

[11] https://quydaophatngaynay.org/linh-vuc-hoat-dong/

[12] Bhikkhu Bodhi. Nguyên Nhật Trần Như Mai (dịch). (2019). Hợp tuyển lời Phật dạy từ kinh tạng Pāḷi. Hà Nội: NXB Hồng Đức, tr. 221.

[13] Tác giả cho rằng, việc xây dựng kỹ năng sống của thanh thiếu niên cũng phải cần đến những lời nói thiện lành để giúp cho những người trong độ tuổi này mở lòng, phát khởi động lực. Vd: Quý thầy chia sẻ kỹ năng chăm sóc cha mẹ cho các cháu trong thanh, thiếu nhi Khóa tu mùa hè 2019 tại chùa Từ Đàm, Tp. Huế thì Ban tổ chức phải lựa chọn người có khả năng khơi dậy lòng hiếu thảo với cha mẹ từ nội tâm các em.

[14] Bhikkhu Bodhi. Nguyên Nhật Trần Như Mai (dịch). (2018). Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội: Hợp tuyển từ kinh tạng Pāḷi. Hà Nội: NXB Hồng Đức, tr. 129

[15] Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018). Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tu chỉnh lần thứ VI), chương 7, điều 40. Hà Nội: NXB Tôn Giáo

[16] Đại Tạng Kinh Việt Nam. Kinh Tăng Chi Bộ III, chương Tám pháp, phẩm Lớn. Tp. HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1993.

[17] Mahāvagga (Đại phẩm). Luật tạng, chương Trọng yếu, tụng phẩm thứ 2, đoạn 32. Đọc bản dịch của Indacanda Nguyệt Thiên, https://www.budsas.org/uni/u-luat-daipham/dp-00.htm

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường