Trang chủ Chuyên đề Từ Tạp chí Đuốc Tuệ của Hội Phật giáo Bắc Kỳ (1935-1945) suy nghĩ về một số định hướng đối với Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Từ Tạp chí Đuốc Tuệ của Hội Phật giáo Bắc Kỳ (1935-1945) suy nghĩ về một số định hướng đối với Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tóm tắt: Tạp chí Đuốc Tuệ và Tạp chí Nghiên cứu Phật học, hai tờ tạp chí Phật học, mặc dù ra đời và phát triển ở hai thời điểm cách xa nhau hơn nửa thế kỷ nhưng lại có nhiều điểm tương đồng. Cả hai Tạp chí đều có trụ sở tại chùa Quán Sứ, hướng tới cả hai đối tượng chư tăng ni và tín đồ, cùng mục đích nghiên cứu và xiển dương Phật pháp. Vì vậy tìm hiểu “bí quyết thành công” của Tạp chí Đuốc Tuệ có thể mở ra một số gợi ý mang tính định hướng đối với Tạp chí Nghiên cứu Phật học, với mong muốn Tạp chí Nghiên cứu Phật học ngày càng phát triển và thịnh vượng.

Từ khóa: Đuốc Tuệ, Phật học, Tạp chí

I. MỞ ĐẦU

Tạp chí Đuốc Tuệ, cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo Bắc kỳ, là một trong số các tạp chí Phật học ra đời và tồn tại trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Trụ sở tạp chí đặt tại chùa Quán Sứ, chủ nhiệm là ông Nguyễn Năng Quốc, chánh hội trưởng Hội Phật giáo, ông Cung Đình Bính làm quản lý, chánh chủ bút là sư cụ Phan Trung Thứ (chùa Bằng Sở), phó chủ bút là sư cụ Dương Văn Hiển (chùa Tế Cát). Số đầu tiên ra mắt ngày 10 tháng 12 năm 1935, các số cuối, 257-258 ra ngày mùng 1 và 15 tháng 8 năm 1945.

Tồn tại trong 10 năm (từ năm 1935 đến năm 1945) Đuốc Tuệ không những thông tin tới độc giả các công việc của hội mà còn góp phần vào việc giải thích và phổ biến giáo lý của Đức Phật tới đông đảo quần chúng nhân dân. Đặc biệt, Nguyễn Lang đánh giá rất cao những đóng góp của Đuốc Tuệ và Hội Phật giáo Bắc kỳ về phương diện văn hóa dân tộc xét về phương diện văn hóa dân tộc[1].

II. NHỮNG THÀNH CÔNG CỦA TẠP CHÍ ĐUỐC TUỆ

Trước hết, chúng ta hãy cùng khái lược về đội ngũ biên soạn của tạp chí, sau đó sẽ giới thiệu nội dung cùng những điểm đặc sắc của Đuốc Tuệ để tìm hiểu “bí quyết” thành công của tờ Tạp chí này.

1. Đội ngũ biên soạn

Tham gia viết bài cho Tạp chí Đuốc Tuệ, chúng ta thấy có cả tăng sĩ lẫn cư sĩ, trong đó hai cây bút chủ lực của Tạp chí thuộc về cư sĩ Nguyễn Hữu Kha và Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật. Về phía sư tăng có thể kể tới các vị Trí Hải, Tố Liên, Thái Hòa,…; về cư sĩ có các ông Nguyễn Hữu Kha, Trần Văn Đại, Nguyễn Thiện Chính, Nguyễn Huy Xương, Nguyễn Thượng Cần,… Đặc biệt là sự góp mặt của các vị trí thức, cả cựu học lẫn tân học. Họ bao gồm nhà văn, nhà báo, nhà giáo dục, các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đỗ Mục, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc, Trần Văn Giáp, Trần Duy Vôn, Trần Thúc Cáp, Đinh Chí Nghiêm, Nguyễn Can Mộng, Nguyễn Văn Ngọc…Trong số đó có những gương mặt trí thức lớn tiêu biểu của thủ đô Hà Nội thời bấy giờ, đó là các ông Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim[2]. Chính họ đã dày công nghiên cứu kinh điển đạo Phật, làm thành những bài khảo cứu và diễn giảng giúp độc giả và hội viên Hội Phật giáo hiểu được những nghĩa lý căn bản của đạo Phật như “nghĩa chữ Phật”, “lục độ”, “ngũ giới”, “bình đẳng”, “từ bi”, “dũng mãnh, tinh tiến”,…Từ đó góp phần gieo đạo mầu vào trong dân chúng.

2. Nội dung Tạp chí Đuốc Tuệ

Ngoài nội dung chính, mỗi số Đuốc Tuệ cung cấp nhiều thông tin, được in trên 4 trang bìa: mục lục[3], các thông tin liên quan đến báo Đuốc Tuệ và độc giả của báo (cách thức đặt mua báo, tình trạng báo, địa chỉ gửi ngân phiếu để trả tiền báo), hội viên quá cố, thỉnh thoảng là những tin quảng cáo (nhưng rất ít), hay cũng có khi là những thông báo về chương trình trong các ngày lễ Phật. Trang bìa cũng được sử dụng để ghi tên những người đóng tiền vào quỹ xây chùa, đóng tiền ủng hộ nhà in, quỹ của trường Phật học, hay là ủng hộ các nạn dân (lũ lụt, hỏa hoạn).

Nội dung chính của báo thường bắt đầu từ trang 3. Mỗi số thường bao gồm các bài diễn giảng của các cư sĩ và tăng sĩ, các bài khảo cứu liên quan đến Phật giáo Việt Nam, các truyện Phật giáo (trích trong kinh Phật) do các tăng sĩ phiên dịch, các thông tin về hoạt động của hội, cũng như tin tức trong nước và thế giới. Khác với Từ bi âm và Viên Âm, Đuốc Tuệ không có các mục cố định. Mục lục Đuốc Tuệ số 2 cho chúng ta ý tưởng về nội dung của báo.

bai duoc tue
Mục
Công việc tiến hành của Hội Phật giáo chỉ duy trì trong vài số đầu tiên với mục đích thông báo về việc thành lập các chi hội địa phương: thời gian, chánh đại biểu tăng – cư sĩ, hội quán. Nhưng sau đó để truyền tải tin tức liên quan đến hoạt động của hội, nhất là các chi hội, Đuốc Tuệ bên cạnh các tin vắn, còn sử dụng các bài viết theo thể loại phóng sự hoặc du ký, là các thể loại mang tính báo chí nhiều hơn. Đây cũng là một cải tiến giúp Đuốc Tuệ thu hút và hấp dẫn độc giả hơn.Đuốc Tuệ số 2 gồm 2 bài diễn giảng (một bài của Phan Đình Hòe và bài còn lại của Bùi Kỷ), một bài thuyết pháp (của Thái Hòa), thông tin về hoạt động của hội. Ngoài ra còn có hai truyện nhà Phật, có mục Phật học danh từ, một bài phú (của Trần Văn Đại) cùng với tin tức trong nước và thế giới.

Phatgiao org vn Nguyen Trong Thuat va chu truong Nhan gian Phat giao

Từ số 2 đến số 7, Đuốc Tuệ có mục Phật học danh từ để giải nghĩa những danh từ căn bản, thường dùng trong đạo Phật như Phật, Bồ tát, pháp, tăng già, tam bảo, Chính pháp, Nát bàn,…Từ số 8 Phật học danh từ chuyển thành Phật học từ điển tập yếu, trong khoảng 2-3 trang.Mục này xuất hiện đều đặn đến số 50, sau đó thỉnh thoảng mới xuất hiện (số 58, số 64, 65, 66, 68).

Đuốc Tuệ dành từ 2-3 trang thông báo các sự kiện trong đời sống chính trị, xã hội thế giới và trong nước. Lúc đầu có tên gọi là Việc thế giới, việc trong nước; đến số 54 đổi tên thành Thời sự. Mục này biên chép các sự kiện liên quan đến đời sống hàng ngày như đám cướp trên xe lửa, bệnh dịch, lụt lội, buôn người…cho đến những tin về chủ quyền biển đảo của người Việt Nam. Chẳng hạn như Đuốc Tuệ số 90 đề cập đến vấn đề chủ quyền đảo Hoàng Sa (Paracels) thuộc vương quốc Đại Nam nhà Nguyễn[4]. Tiếp đó, Đuốc Tuệ số 91 còn chỉ ra tài liệu “vừa lâu vừa có giá trị hơn cả”, khẳng định chủ quyền của người Nam ở đảo Hoàng Sa, đó là sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn”[5].

Từ số 54 báo mở thêm mục Phật học vấn đáp, dùng để giải đáp những vấn đề liên quan đến đạo Phật. Chúng ta tìm thấy ở đó những câu trả lời thiết thực đối với người theo đạo Phật. Chẳng hạn như: để trị “tâm hay cáu kỉnh”, Đuốc Tuệ khuyên, “tu theo phép nhẫn nhục”, hay đối với người ít học Phật, chỉ làm được những việc “tụng kinh niệm Phật, lễ bái xám hối”, dùng cách nào để có thể bổ sung thêm, Đuốc Tuệ trả lời rằng “Tụng kinh niệm Phật lễ bái xám hối mà làm cho đúng phép cũng có thể trừ được phiền não, mở mang trí tuệ”. Do vậy, chỉ cần làm các việc ấy một cách “thành kính” và “đúng phép”[6].

Ngoài ra Tạp chí cũng có các mục khác, mặc dù xuất hiện không đều đặn. Văn uyển gồm những bài thơ của cả tăng sĩ và cư sĩ. Mục Phật học ngụ ngôn, mục đích “khảo cứu về các chuyện ngụ ngôn trong nhà Phật… ngụ ý khuyên răn đời, đúng với giáo lý của đạo Phật đều đăng vào mục này”[7]. Mục Trang học tăng bắt đầu từ số 101, mục đích để “các học sinh tăng luyện tập văn chương, làm cái tài liệu hoằng pháp lợi sinh sau này”[8]. Mục này thường đăng các bài văn quốc ngữ ngôn từ mộc mạc, nội dung giản dị, ý nghĩa sâu sa. Chẳng hạn như bài Quyển Thủy Xám than thân của tăng sinh tiểu học Thích Thanh Diệm. Đó là câu chuyện về sư bác Đãi lười học, trong một giấc mơ, nghe thấy tiếng than khóc của cuốn Thủy Xám, khuyên sư bác bỏ tính lười biếng. Nghe tiếng than khóc của cuốn Thủy Xám, sư bác Đãi dưỡng như tỉnh ngộ mà chăm chỉ học hành.

Các bài phiên dịch từ tiếng Hán là một mục xuất hiện khá đều đặn. Các bài biên dịch này phần lớn là các bài trên các Tạp chí Hải Triều Âm, các bài giảng của Thái Hư, lãnh tụ phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc cũng như của Đường Đại Viên. Chủ đề các bài này thường rất đa dạng, đi từ tình hình “Phật giáo ở Châu Âu”, “Phương pháp tại gia học Phật” cho đến “Khuyên các học sinh học Phật” và “Trách nhiệm của người tại gia cư sĩ đối với Phật pháp”[9].

3. Điểm độc đáo của Tạp chí Đuốc Tuệ

So với các tạp chí Phật học cùng thời như Từ Bi Âm, Viên Âm, Đuốc Tuệ có một điểm khác biệt độc đáo: sử dụng linh hoạt nhiều thể loại văn học để giới thiệu về đạo Phật và giải thích giáo lý đạo Phật một cách dễ hiểu đến độc giả bình dân. Đây là một hình thức hoàn toàn mới trong Phật giáo. Trước hết là tiểu thuyết, những tác phẩm quan trọng nhất thuộc về các tác phẩm Nguyễn Trọng Thuật, cây bút chủ lực của Tạp chí. Một thể loại văn học khác là du ký, lần đầu tiên xuất hiện trên Tạp chí Nam Phong và rất được độc giả yêu thích. Trên Đuốc Tuệ có khoảng hơn 10 bài du ký của cả cư sĩ và tăng sĩ. Bằng cách kể lại các chuyến hành trình của mình, các tác giả đã giới thiệu tới độc giả những danh thắng nổi tiếng của nước Việt một cách sinh động, hấp dẫn đồng thời cung cấp những hiểu biết về tình hình Phật giáo các nước láng giềng như Lào, Xiêm La, Campuchia và Trung Quốc. Sư Trí Hải là tác giả đã viết nhiều du ký nhất, như: “Mấy ngày đi Huế”[10], “Nhật ký đi Trung Quốc du học”[11], “Sau khi qua Ai Lao và Xiêm La”[12]… Trong đó “Nhật ký đi Trung Quốc du học” là tác phẩm du ký dài nhất, đăng trên Đuốc Tuệ các số 63, 67, 68. Thơ, phú được sử dụng nhiều. Trước hết nhằm mục đích giới thiệu và cổ động đọc báo Đuốc Tuệ cũng như chấn hưng Phật giáo. Thơ còn được dùng để giới thiệu sự tích Phật tổ, giải nghĩa chữ A-Di-Đà, ca ngợi ba vị Trúc Lâm Tam tổ, giảng kinh cũng như tuyên truyền những đạo đức tốt đẹp của Phật tổ. Có thể kể ra đây những bài tiêu biểu như:

Kinh lễ sáu phương bằng thơ.Với tổng sổ 254 câu thơ, mỗi câu 3 chữ, tổng cộng 762 từ, bài thơ đã nêu đủ những lời Phật dạy về luân lý cá nhân và luân lý xã hội.Đối với bản thân phải giữ mình và sửa mình cho thành người tốt như bỏ bốn tính xấu (tham, tức giận, nhát sợ, mê muội), 6 nghiệp xấu (nghiện rượu, cờ bạc, phóng đãng, lười biếng,..). Luân lý xã hội, đó là đạo lý cha – con, thầy -trò, chồng – vợ, họ hàng, chủ – tớ. “Cuốn kinh này, từ đầu chí cuối chỉ dạy người ta những điều thiết thực, khuyên người ta làm những điều từ bi bác ái, siêng năng cần mẫn và điều độ tiết kiệm”[13]. Bài thơ ngắn gọn, êm tai, dễ nhớ và dễ thuộc.

Bài học thuộc lòng của Trần Văn Đại, gồm 20 khổ thơ, mỗi khổ là một nội dung trong giáo lý của đạo Phật như về tám giới (giới sát, giới đạo, giới dâm, giới vọng ngữ, giới ẩm tửu, giới tham, giới sân, giới si), về nhân quả, luân hồi, về tứ ân, … dạy đủ những điều đạo đức tốt đẹp trong xã hội. Thể thơ 6/8 dễ nhớ, dễ thuộc, ca từ giản dị, dễ hiểu.

Nhàn Vân Đình tham thiền thi thảo của Trần Duy Vôn, gồm 25 bài thơ, giới thiệu những cảnh chùa, các danh thắng cùng cảm xúc của ông khi đến vãn cảnh các động, chùa ở miền Bắc.

Việc sử dụng đa dạng, linh hoạt các thể loại văn học là một thành tố giải thích sức ảnh hưởng và thành công của Đuốc Tuệ đối với độc giả.

III. MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG ĐỐI VỚI TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Tạp chí Nghiên cứu Phật học, ấn phẩm báo chí của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời tính đến nay đã tròn 30 năm. Trong 30 năm hoạt động Tạp chí đã có nhiều đóng góp trên nhiều phương diện. Với các chuyên trang như: Giáo lý, Lịch sử và Triết học, Trao đổi… các quý tăng ni, học giả nghiên cứu đã cùng nhau trao đổi và phổ biến tri thức Phật pháp. Bên cạnh đó, những trang mục Phật giáo với đời sống, Văn hóa nghệ thuật Phật giáo, Suy ngẫm, Pháp thoại… quý phật tử có thể tìm thấy những thông tin về Phật học ứng dụng, những giá trị đạo đức Phật giáo để ứng dụng ngay trong cuộc sống thường ngày.

Trên cơ sở tìm hiểu “bí quyết” thành công của Tạp chí Đuốc Tuệ chúng tôi xin mạnh dạn nêu một số suy nghĩ với nguyện vọng đóng góp đôi chút ý kiến để Tạp chí Nghiên cứu Phật học ngày một phát triển và thịnh vượng.

Thứ nhất, Tạp chí có bổ sung thêm các mục như “Thời sự”, “Phật học từ điển”, phiên dịch các bài viết về Phật giáo bằng tiếng nước ngoài, … Mục “Thời sự” cần điểm những tin chính về các hoạt động của Trung ương Giáo hội cũng như Viện Nghiên cứu Phật học. Mục “Phật học từ điển” để giải thích những danh từ, thuật ngữ căn bản trong Phật học, giúp độc giả, quý phật tử và những người bước đầu học Phật có thể hiểu đạo một cách dễ dàng hơn. Phiên dịch và giới thiệu các bài viết về Phật giáo bằng tiếng nước ngoài hoặc các bài hội thảo quốc tế, các bài nghiên cứu về Phật giáo Việt Nam được công bố ở nước ngoài. Đó là một hình thức kết nối giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo thế giới và khu vực. Trên cơ sở đó có thể nâng cấp thành mục “Điểm sách” nhằm giới thiệu những cuốn sách hay, những kết quả nghiên cứu mới về Phật giáo Việt Nam.

Thứ hai, Tạp chí có thể sử dụng đa dạng nhiều thể loại văn học, báo chí vào việc giải thích các khái niệm, triết lý đạo Phật. Chẳng hạn như khi cần truyền tải một tin tức hay một hoạt động quan trọng nào đó của Giáo hội có thể sử dụng thể loại du ký, “vừa đi vừa viết”. Một tác phẩm du ký thường được viết với những miêu tả cụ thể, chi tiết, chính xác, sinh động, đi kèm với những cảm nhận của người viết, vì vậy du ký không chỉ có tác dụng trong việc thu hút độc giả mà còn là một nguồn tài liệu quan trọng để thế hệ sau nghiên cứu về đạo Phật.

Thứ ba, Tạp chí nên mở mục “Trang học tăng” để tăng sinh thực hành giảng giải kinh điển đạo Phật, tập viết các bài nghiên cứu. Mục này góp phần tăng cường sự kết nối giữa hoạt động đào tạo tăng ni sinh với hoạt động nghiên cứu, từ đó tạo ra nền tảng để tăng sinh có thể tiếp tục phát huy ở những bậc học cao hơn./.

TS. Ninh Thị Sinh
Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học sư Phạm Hà Nội 2
HỘI THẢO KHOA HỌC: “30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội & Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Thành tựu và Định hướng”

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đuốc Tuệ, số 20, 28/4/1936.
2. Đuốc Tuệ, số 17, 7/4/1936.
3.Đuốc Tuệ, số 27, 16/6/1936.
4.Đuốc Tuệ, số 32, 21/7/1936.
5.Đuốc Tuệ, số 54, 1/2/1937.
6.Đuốc Tuệ, số 63, 15/6/1937.
7.Đuốc Tuệ, số 67, 15/8/1937.
8.Đuốc Tuệ, số 68, 1/9/1937.
9. Đuốc Tuệ, số 91, 15/8/ 1938.
10.Đuốc Tuệ, số 98, 1/12/1938.
11.Đuốc Tuệ, số 99, 15/12/1938.
12. Đuốc Tuệ, số 101, 15/1/1939.
13.Đuốc Tuệ, số 215-216, 1 và 15/11/1943.
14.Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận (3 tập), Nxb Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, 2012.
15.Phật giáo hội, Thiện Sinh Kinh, nhà in Đông Kinh ấn quán, Hà Nội, 1935.
16. Trịnh Văn Thảo, Vietnam du confucianism au communisme, L’Harmattan, Paris, 2007, tr. 264.

CHÚ THÍCH
[1]Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận (3 tập), Nxb Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, 2012.
[2]Trịnh Văn Thảo, Vietnam du confucianism au communisme, L’Harmattan, Paris, 2007, tr. 264.
[3]Xuất hiện từ số 55, mục lục được in trên trang bìa số 2 hoặc số 3, giúp độc giả dễ dàng theo dõi nội dung nhưng không thường xuyên.
[4]Quần đảo Hoàng Sa là một quần đảo gồm các đảo san hô nhỏ, nằm ở Biển Đông. Chúng nằm ở giữa Cộng hòa nhân dâm Trung Hoa và Việt Nam, cách thành phố ven biển Đà Nẵng và đảo Hải Nam, Trung Quốc khoảng 170 hải lý. Trong những năm gần đây, quần đảo này là đối tượng tranh chấp giữa Trung Hoa và Việt Nam.
[5]Thời sự, Đuốc Tuệ, số 91, 15/8/ 1938, tr.41.
[6]Phật học vấn đáp, Đuốc Tuệ, số 54, 1/2/1937, tr.10.
[7]Phật học ngụ ngôn, Đuốc Tuệ, số 99, 15/12/1938, tr.28
[8]Trang học tăng, Đuốc Tuệ, số 101, 15/1/1939, tr. 28.
[9]Hải Triều Âm, Phật giáo ở Âu Châu, Đuốc Tuệ, số20, 28/4/1936, tr. 12-13 ; Thái Hư, Phương pháp tại gia học Phật, Đuốc Tuệ, số 27, 16/6/1936, tr. 9-11 ; Thái Hư, Khuyên các học sinh học Phật, Đuốc Tuệ, số 32, 21/7/1936, tr.
[10] Trí Hải, Mấy ngày đi Huế, Đuốc Tuệ, số 17, 7/4/1936, tr. 8-15
[11] Trí Hải, Nhật ký đi Trung Quốc du học, Đuốc Tuệ, số 63, 15/6/1937, tr. 19-29 ; Đuốc Tuệ, số 67, 15/8/1937, tr. 28-34 ; Đuốc Tuệ, số 68, 1/9/1937, tr. 25-41.
[12] Trí Hải, Sau khi qua Ai Lao, Xiêm La, Đuốc Tuệ, số 98, 1/12/1938, tr. 17-26.
[13]Phật giáo hội, Thiện Sinh Kinh, nhà in Đông Kinh ấn quán, Hà Nội, 1935, tr.3

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường