Trang chủ Chuyên đề Tổ sư Nguyên Thiều và quá trình hình thành tổ đình Quốc Ân Kim Cang (P.2)

Tổ sư Nguyên Thiều và quá trình hình thành tổ đình Quốc Ân Kim Cang (P.2)

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

2.2. Quá trình truyền thừa

Từ khi thành lập Tổ đình Quốc Ân Kim Cang (TĐ.QAKC) (1695-1698) Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch đã hoằng truyền chính pháp tại đây trong suốt một thời gian dài. Tổ đã hóa độ được nhiều pháp tử, pháp tôn làm rạng danh dòng thiền Lâm Tế tại Đồng Nai và khắp Nam Kỳ, lục tỉnh. Sau khi Tổ Nguyên Thiều viên tịch, người kế vị Tổ Nguyên Thiều hoằng truyền chính pháp tại chùa Kim Cang là Tổ Minh Vật Nhất Tri.

2.2.1. Tiểu sử và hành trạng của Tổ Minh Vật Nhất Tri

Theo tài liệu từ văn phòng BTS PG tỉnh Đồng Nai cung cấp thì Tổ Minh Vật Nhất Tri sinh vào khoảng năm 1671[26] và mất năm 1786, đời pháp thứ 34, tông Lâm Tế, theo Tổ Nguyên Thiều qua Việt Nam từ lúc Ngài còn nhỏ[27]. Theo yêu cầu của chúa Nguyễn, năm 1691 ngài Nguyên Thiều trở về Trung Quốc thỉnh thêm một số danh tăng khác sang Việt Nam để mở Đại Giới Đàn truyền trao giới pháp cho chư tăng Việt Nam thọ giới. Trong số người thọ giới Tỳ kheo có chú Sa di Thành Đạt lúc ấy vừa đúng 20 tuổi, đã xuất gia theo Tổ học đạo nhiều năm. Thấy chú càng ngày càng tỏ rạng trí tuệ, thông minh sáng suốt, trí nhớ tuyệt vời, học đâu nhớ đó, nghe Tổ thuyết pháp một lần là nhớ mãi không quên, nhìn vật gì là biết ngay bản thể của vật đó, khi làm phật sự chú nhận định sự việc rất chính xác. Thầy có huệ nhãn rất kỳ diệu, nên khi vừa thọ giới cụ túc xong, Tổ sư đặt cho thầy pháp hiệu là Minh Vật Nhất Tri.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 3.2020 To su Nguyen Thieu va qua trinh hinh thanh to dinh Quoc An Kim Cang 1

Khi Tổ Nguyên Thiều vào miền Nam lập chùa Kim Cang ở Đồng Nai thì thầy cũng được theo làm thị giả và là một cánh tay trợ lý rất đắc lực cho Tổ Nguyên Thiều. Tổ Minh Vật Nhất Tri đặc biệt là một người trước sau như một, theo hầu sư phụ hàng ngày cho đến khi Tổ sư viên tịch (khoảng 37 năm). Ngài được Tổ Nguyên Thiều truyền y bát và kế tục trụ trì Tổ đình Quốc Ân Kim Cang. Sau một thời gian dài (58 năm) thì Tổ Minh Vật Nhất Tri cũng viên tịch và được an táng tại khuôn viên Tổ đình. Nhưng đến lễ đại tường thì linh cốt của Ngài được các đệ tử cải táng đưa về Trung Quốc nhập tháp. Từ đó về sau không ai còn biết tin tức gì của Ngài nữa. Hiện nay, Long vị của Ngài vẫn còn được tôn trí tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang.

Hòa Thượng Minh Vật Nhất Tri thuộc phái thiền Lâm Tế đời pháp thứ 34, là bậc cao tăng tài đức đúng theo ý nghĩa pháp danh của Ngài. Từ khi được Tổ Nguyên Thiều truyền trao Y Bát tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, Ngài đã dốc hết tâm huyết hoằng truyền chính pháp khắp Nam Kỳ lục tỉnh và đặc biệt là tại tỉnh Đồng Nai. Các đệ tử và pháp tôn của Hòa Thượng Minh Vật Nhất Tri hoằng hóa ở nhiều nơi, là những vị nổi danh như sau:

1. Hòa Thượng Liên Hoa, tức thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt, là Tăng cang chùa Thiên Mụ (đồ thành Phú Xuân), sau trụ trì chùa Sắc Tứ Từ Ân (ở Gia Định). Hòa Thượng Liên Hoa có các đệ tử cũng là Tăng cang chùa Thiên Mụ là Tế Chính Bổn Giác, Tế Bổn Viên Tường, …

2. Thiền sư Thiệt Thoại Tính Tường khai sơn chùa Hoa Nghiêm (Thủ Đức, Gia Định) và chùa Long Thọ (xã Phú Cường, Thủ Dầu Một), có các đệ tử nổi danh là Tế Giác Quảng Châu trụ trì chùa Giác Lâm (Gia Định), Tế Vĩnh Quảng Nhân và Tế Lý Quảng Đức trụ trì chùa Hoa Nghiêm (Huê Nghiêm) ở Thủ Đức.

3. Thiền sư Phật Chí Đức Hạnh khai sơn chùa Long Nhiễu (Thủ Đức, Gia Định). Năm 2013, tức năm Quý Tỵ, BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ Đại Giới đàn, lấy pháp hiệu của Tổ sư Minh Vật Nhất Tri làm danh hiệu của Đại Giới đàn, để cho các giới tử tìm hiểu tiểu sử và công trạng của Ngài, để nhớ ơn Tổ và lấy đó làm tấm gương sáng cho sự nghiệp tu hành của mình. Hằng năm vào ngày mùng 10/10, Tổ đình Quốc Ân Kim Cang tổ chức lễ húy kỵ, cúng dường giác linh Tổ sư để tưởng niệm công ơn cao dày của Ngài đã nhiều năm hành đạo hoằng pháp nơi Tổ đình này[28]

2.2.2. Di sản còn lại

Di sản còn lại thời Tổ sư Minh Vật Nhất Tri sau khi bị giặc Pháp thiêu hủy, hiện tại chỉ còn được một cái long vị bằng đá. Theo tài liệu lưu trữ của BTS Phật giáo tỉnh Đồng Nai Long vị tổ Minh Vật Nhất Tri làm bằng đá cẩm thạch, xanh dợt, chạm trổ hoa văn và chữ khắc đẹp, sắc xảo.

– Tổng diện toàn Long vị khi nhìn vào là khối đá hình chữ nhật. Chiều cao từ chân đế đến đỉnh Long vị là 600 mm.
– Chất liệu: Làm bằng đá, mặt trước có khắc chữ, phun sơn màu vàng. Mặt sau vẫn giữ nguyên màu xanh của đá cẩm thạch. Long vị có hai phần; Đế Long vị và phần thân.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 3.2020 To su Nguyen Thieu va qua trinh hinh thanh to dinh Quoc An Kim Cang 2

Đế long vị: Chiều cao chân đế Long Vị: 160 mm. Chiều ngang chân đế Long vị: 300 mm. Chiều ngang hai bên (hông) của chân đế Long vị 195 mm. Đế long vị là khối đá hình chữ nhật, bốn mặt có chạm hoa văn hình chữ S nối liền nhau. Chân đế khắc kiểu chân quỳ. Phía mặt sau Long vị có khắc các hàng chữ :

十月,初十日圓寂–歲次丁
未年,重春月,吉日,謹造

Phiên âm:

Thập ngoạt, sơ thập nhựt viên tịch – Tuế thứ
Đinh Mùi niên, trọng xuân ngoạt, cát nhật, cẩn tạo.

Phần thân: Chiều cao của Long vị là 440 mm. Chiều ngang Long vị 185 mm. Độ dày Long vị 20 mm. Bốn góc xung quanh Long vị là hoa văn hình lá cây uốn lượn, phía trên đỉnh Long vị là hình hoa văn lưỡng long tranh châu. Ở giữa Long vị khắc dòng chữ:

今剛堂上,三十四世,諱明
物一知和尚覺靈之位

Phiên âm:

“Kim Cang đường thượng, tam thập tứ thế, Húy
Minh Vật Nhất Tri Hòa thượng giác linh chi vị”

Qua hai dòng chữ Hán trên, cho chúng ta được biết thông tin về Hòa Thượng Minh Vật – Nhất Tri, trụ trì Tổ đình Quốc Ân Kim Cang. Ngài viên tịch vào ngày 10 tháng 10 năm Bính Ngọ (1786). Long vị của Ngài thì được khắc (sau hơn 3 tháng kể từ khi Ngài viên tịch) vào ngày tốt tháng hai, năm Đinh Mùi (1787).

Long Vị của Tổ Sư Minh Vật Nhất Tri cũng được tôn thờ ở chùa Quốc Ân (bên núi Ngự Bình, Huế). Long vị của Ngài đề là: Lâm tế chính tông đường thượng tam thập tứ thế, húy Minh Vật thượng Nhất hạ Tri lão Hòa Thượng chi giác linh.

2.3. Tổ đình Quốc Ân Kim cang bị thiêu hủy trong kháng chiến

Tổ đình Quốc Ân Kim Cang (hay gọi Chùa Kim Cang, Kim Cang Tự, Chùa Tháp) đã bị thiêu hủy trong cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1946[29].

Theo tài liệu từ văn phòng BTS Phật giáo tỉnh Đồng Nai viết rằng, song song với việc Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch kiến lập ngôi tổ đình Kim Cang thì cũng có một số người Hoa trong đoàn Trần Thượng Xuyên cũng lập nên một ngôi đền Thanh Long (Chùa Tàu) để thờ ông Quan Đế, gọi là chùa Ông, cả hai trong cùng một ấp. Ngôi tổ đình Kim Cang và đền Thanh Long được trùng tu nhiều lần nên được tồn tại cho đến năm 1946. Khi quân đội Pháp mở rộng địa bàn hoạt động về thôn quê (cuối 1946), ngôi Tổ đình Kim Cang đã bị chiến tranh thiêu hủy hoàn toàn, kể cả tượng Phật, Bồ Tát, những pháp khí thờ tự cho đến phổ hệ tông phả, chỉ còn lại duy nhất một bức long vị của tổ Minh Vật Nhất Tri bằng sa thạch (loại đá ở núi Non nước). Một Hồng Chung và một quyển pháp bảo. Ngôi đền Thanh Long cùng chung số phận, cả hai di tích cùng được kiến tạo một thời thì cũng bị thiêu hủy một lúc.

Đại đức Thích Thiện Thuận Trưởng BTS Phật giáo huyện Vĩnh Cửu cũng kể lại quá trình TĐ.QAKC bị thiêu hủy trong kháng chiến chống Pháp năm 1946: Tổ đình Quốc Ân Kim Cang bấy giờ vào thời chiến tranh kháng chiến chống Pháp năm 1946 bị giặc Pháp đốt trụi hết. Thì thời đó những pho tượng, đại hồng chung, vân vân, đều được gửi tại chùa Thanh Long. Chùa Thanh Long thời đó thì thờ đức Quan Thánh Đế Quân, là chùa Tàu, cách chùa Kim Cang khoảng trên một cây số. Sau một thời gian dài chùa Kim Cang chưa hoạt động trở lại được, thì chùa Thanh Long từ Chùa Tàu chuyển thành chùa Phật và lấy danh hiệu là Kim Long Cổ Tự. Kim Long là hậu duệ của Kim Cang và Thanh Long hợp lại[30]

Mãi đến năm 1968, tín đồ Phật giáo và hương chức trong địa phương mới đứng ra xây dựng lại một cảnh chùa đơn sơ nhỏ hẹp để có nơi thờ phụng Tam Bảo cũng như ông Quan Đế (họ đã bán một số cây gỗ giáng hương trên phần đất của tổ đình Kim Cang và những huê lợi thu được từ những thửa ruộng, vườn hương hỏa của hai di tích để làm chi phí tái thiết). Chùa được tái lập trên nền cũ của đền Thanh Long vì trong thời kỳ đó (1968), thửa đất Tổ đình Kim Cang cũng còn nằm trong vùng bất an không được xây cất. Cho nên chùa được ghép tên của hai di tích cổ lại thành Kim Long Cổ Tự (Kim tức chữ đầu của tổ đình
Kim Cang, Long tức chữ đuôi của đền Thanh Long).

2.4. Quá trình phục hưng Tổ đình Quốc Ân Kim Cang

2.4.1. Nhân duyên phát hiện và công trình phục hưng

Vào ngày 18/11 năm Mậu Thìn (26.12.1988), Hòa thượng Thích Minh Lượng và tăng chúng phát quang dọn dẹp các dây leo, thấy đây là tháp thờ Tổ sư, nhưng chưa rõ là tháp Tổ sư nào? có phải danh tăng trong lịch sử Phật giáo không? …Hòa Thượng Minh Lượng cho người cạo bỏ những phần đất ổ mối xung quanh tháp, cạo sạch rong rêu đất cát trên từng nét chữ… tôn trí lại cho trang nghiêm. Trên bia tháp của Tổ Sư có ghi rõ: Quốc Ân Kim Cang đường thượng tam thập tam thế húy Siêu Bạch hiệu Hoán Bích Hòa thượng Tổ sư chi tháp[31]

Những dòng chữ kế bên là ghi hiệu của sáu ngôi chùa đứng ra trùng tu tháp Tổ trước đây (đã nêu rõ phần trên). Sau này HT.Thích Minh Lượng phát hiện thêm một ngôi tháp thứ hai được xây dựng phía bên phải của nền chùa Kim Cang. Ngôi tháp này chỉ còn bốn tấm vách gạch xây ụp xuống dụm lại với nhau, không còn thấy chữ gì cả.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 3.2020 To su Nguyen Thieu va qua trinh hinh thanh to dinh Quoc An Kim Cang 3

Sau có nhà sử học Nguyễn Hiền Đức tìm đến nghiên cứu và tìm hiểu sự việc trên. Và ông đã xâu chuỗi từng chi tiết lại, để viết về Chùa Kim Cang trong Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, được xuất bản năm 1995.

Ngày 11/12 năm Kỷ Tỵ. HT.Thích Minh Lượng xin phép chính quyền địa phương, thương lượng với người dân cho sửa nền tháp và xây vòng rào bảo vệ. Sau đó HT.Minh Lượng báo về Tỉnh Hội và thỉnh Hòa thượng Thích Huệ Thành nguyện hương, chứng minh cho cuộc trùng tu tháp Tổ. Kể từ đó về sau, mỗi năm đến ngày (19-10 ÂL) HT.Minh Lượng đều long trọng tổ chức húy kỵ Tổ Nguyên Thiều, với sự tham dự của rất nhiều tăng, ni và phật tử trong, ngoài tỉnh.

Từ khi HT.Thích Minh Lượng tìm được tháp Tổ Nguyên Thiều (1988) mãi cho đến 20 năm sau, HT.Thích Minh Chánh, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, trụ trì chùa Giác Minh mới được túc duyên xây dựng và đại trùng tu ngôi Tổ đình. Hai phật tử Tâm Lộc và Diệu Hương đã phát tâm cúng dường tịnh tài (số tiền hơn 1,1 tỷ đồng) để đền bù giải tỏa cho khuôn viên chùa có được 4.609m². Phật tử Tâm Lộc và Diệu Hương là hai tín chủ thuần thành, là đại hộ pháp trong việc trùng hưng TĐ.QAKC cũng như tháp Tổ sư Nguyên Thiều bằng cả tâm huyết và tấm lòng thành kính. Ngày 21 tháng 06 năm Mậu Tý HT.Thích Minh Chánh tổ chức Đại trai đàn chẩn tế tại Tổ đình Kim Cang và tháp Tổ Nguyên Thiều, để chuẩn bị cho công tác phục dựng.

Ngày 19-10 Mậu Tý (16-11-2008), tại bảo tháp Tổ sư và trên nền chùa xưa, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai hân hoan cung đón chư vị tôn đức giáo phẩm và chính quyền địa phương cùng đông đảo tăng, ni, phật tử trong vùng đến dự lễ Húy kỵ Tổ sư khai sơn và lễ đặt đá trùng tu Tổ đình Quốc Ân Kim Cang…

Người đọc lại văn bia và viết lịch sử Tổ sư Nguyên Thiều là Nguyễn Hiền Đức (tác giả quyển Lịch sử Phật giáo Đàng Trong). Từ sau ngày đặt đá trùng hưng
chùa Kim Cang và tháp Tổ sư (năm 2008), Hòa thượng Thích Minh Chánh đề cử hai vị đệ tử là Thầy Thích Tâm Bảo và Thầy Thích Kiến Tịnh về để làm phật sự, giữ gìn chăm sóc dâng hương tụng kinh tại chùa và tháp cho đến ngày nay.

2.4.2.Thân thế và sự nghiệp của Hòa thượng Thích Minh Chánh

Hòa thượng Thích Minh Chánh thế danh là Trương Đức Tài, pháp hiệu là Nguyên Đức, sinh năm 1926 (Đinh Mão) tại phường Tân Vạn, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Thân phụ là ông Trương Khôn Sơn, thân mẫu là bà Trịnh Thị Long. Hai ông bà xuất thân là nghệ nhân gốm gia truyền, sống phúc đức, thuần hậu tin Phật.

Năm 1960 (34 tuổi) Hòa thượng được bổn sư cho thọ giới Tỳ kheo tại chùa Tuyền Lâm. Năm 2007, Hòa thượng được Đại hội Phật giáo tỉnh khóa VI bầu làm Trưởng Ban Trị Sự kiêm Trưởng ban Tăng sự. Đến năm 2008, Hòa thượng phục hồi lại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang.

Đầu tháng 3/2011, Đại giới đàn Nguyên Thiều – Siêu Bạch được tổ chức do Hòa thượng làm Chủ Hương đàn đầu, truyền giới cho gần 2.000 giới tử. Đây là giới đàn có đông giới tử nhất trong cả nước và có kỷ luật nghiêm chỉnh nhất từ trước tới nay.

Đến đầu tháng 11/2011, Ban Trị Sự tổ chức đại lễ “Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập GHPG Việt Nam (1981-2011) tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang với sự tham dự của gần 5.000 tăng, ni, phật tử. Tổ đình này do Hòa thượng vừa mới phục hưng. Tháng 12/2011, Hòa thượng được Giáo hội bổ nhiệm làm Trụ trì Tổ đình Quốc Ân Kim Cang.

Tháng 5/2013 (17-20/4 Âm lịch), lần đầu tiên Đại giới đàn được tổ chức tại Trụ sở chùa Tỉnh Hội đó là Đại giới đàn Minh Vật- Nhất Tri, kéo dài suốt 4 ngày 3 đêm. Giới đàn đã truyền trao giới pháp cho hơn 1.700 giới tử tăng, ni, ngoài ra còn có hơn 500 phật tử xin thọ giới Thập thiện và Bồ tát giới. Ngày 03/6/2017 Hòa thượng được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức lễ mừng thọ 92 tuổi tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang. Hiện nay Hòa thượng làm chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, viện chủ TĐ.QAKC và chùa Giác Minh, ở tuổi đại thọ 97 năm nhưng tinh thần của Ngài luôn minh tuệ và thông thái.

2.5. Trụ trì hiện nay

Đại đức Thích Kiến Tịnh tên thật là Bùi Văn Thủ, sinh năm 1977. Nguyên quán ở Tiền Giang. Thầy xuất thân trong gia đình nghề làm nông, thân sinh là ông Bùi Văn Diên. Thân mẫu là bà Trần Thị Hài.

Năm 1999 lúc 22 tuổi, Thầy được xuất gia tu học với Đại lão Hòa thượng thượng Minh hạ Chánh tại chùa Giác Minh. Sau khi xuất gia, thầy được Hòa thượng cho đi học sơ cấp. Từ năm 2000-2004 thầy theo học lớp Trung cấp Phật học khóa IV tại Long Phước Thọ, cây số 67 huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Từ năm 2010 – 2013 thầy học lớp Cao đẳng Phật học chuyên khoa – khóa l, tại tỉnh Đồng Nai. Đến năm 2008 thầy được Hòa thượng cho lên trông coi công trình đại trùng hưng Tổ đình Quốc Ân Kim Cang. Năm 2017 Thầy được Hòa thượng bổn sư và BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai bổ nhiệm trụ trì Tổ đình Quốc Ân Kim Cang đến nay.

(Tiếp theo P.1 Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 160)
Tác giả: Thích Nữ Hạnh Hiếu – Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2020

———————

CHÚ THÍCH:
[26] Năm 1691 Tổ Nguyên Thiều đi Trung Quốc thỉnh cao tăng về, trong đó có chú Thành Đạt (Tổ Minh Vật Nhất Tri) là đệ tử xuất gia với tổ Nguyên Thiều tròn 20 tuổi. Từ đó có thể suy luận Tổ Minh Vật Nhất Tri sinh năm 1671, mất năm 1786 thọ 115 tuổi.
[27]Ngài Nguyên Thiều (1648 – 1728), Lâm Tế chính tông đời thứ 33 là một danh Tăng ở tỉnh Quảng Đông, về đây truyền bá đạo Phật cho nhân dân. Lúc đi sang Việt Nam, Ngài Nguyên Thiều có dẫn theo một đệ tử Sa Di làm thị giả có pháp danh là Thành Đạt.
Khi vào Huế được một thời gian thì Ngài Nguyên Thiều xin chúa Nguyễn cho lập đạo tràng để tiếp độ người xuất gia tu hành.

[28] Tài liệu đánh máy (2011), Sơ lược Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, ấp Bình Thảo, Xã tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Văn phòng Chùa Thanh Long, phường Trung Dũng, Tp. Biên Hòa, tr 9.
[29] Theo lời kể của đệ tử hiện nay đang ở chùa Cửu Thiên, Thủ Đức thì ngôi chùa Kim Cang này bị giặc Pháp đốt cháy từ năm
1946, nhưng trước nền Chùa cũ vẫn còn hai ngôi Tháp Cổ trải qua hai thời kháng chiến, nơi đó rất hoang vắng, ít người lai vãng nên bị lu mờ.
[30] Trích phụ lục phỏng vấn Đại đức Thích Thiện Thuận, Trưởng BTS PG huyện Vĩnh Cửu (số 11)
[31] Phụ lục phỏng vấn Thượng tọa Thích Hải Thành “…Khi đó Hòa thượng Thích Minh Lượng mới đi lên đó để phát quang bụi rậm rồi mới rửa cái bia tháp ra – thì mới đọc được cái chữ bằng chữ nho có ghi là Nguyên Thiều – Siêu Bạch, Quốc Ân Kim Cang đường thượng tam thập tam thế – huý Siêu Bạch Hoán Bích – Hòa thượng tổ sư chi Tháp. Đó thì trên cái bia tháp có ghi như vậy, rồi thầy mới về thầy cùng sư ông tra ở trong sách sử sách sử, thầy mới biết tổ sư Nguyên Thiều là vị tổ rất nổi tiếng thời chúa Nguyễn”…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tài liệu tiếng việt
1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai (1998), Những tư liệu lịch sử Biên Hòa – Đồng Nai 300 hình thành và phát triển, Thư viện tỉnh Đồng Nai.
2. Thích Thanh Đạt (2018) “Thiền sư Nguyên Thiều với Phật giáo đàng Trong”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Phật giáo và Văn học Bình Định tập I,Phật giáo và Danh Tăng Bình Định – Danh Lam Cổ Tự và di sản Hán Nôm Bình Định, chủ biên Thích Nguyên Phước, Thích Đồng Tịnh, Thích Đồng Thành, Nguyễn Công Lý, Đoàn Lê Giang, Lê Quang Trường Nxb Khoa Học Xã Hội, tr 128-136.
3. Thích Đồng Bổn -ThS. Vu Gia (2018), “Sơ Tổ Phật giáo xứ Đàng Trong”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Phật giáo và Văn học Bình Định tập I,Phật giáo và Danh Tăng Bình Định – Danh Lam Cổ Tự và di sản Hán Nôm Bình Định, chủ biên Thích Nguyên Phước, Thích Đồng Tịnh, Thích Đồng Thành, Nguyễn Công Lý, Đoàn Lê Giang, Lê Quang Trường, Nxb Khoa Học Xã Hội, 145-156.
4. Lê Trí Dũng chủ biên (2015), “Di tích Long Thiền tự”, Sở văn hóa, thể thao & Du lịch Đồng Nai, Ban quản lý Di tích và danh thắng.
5. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb Tp.HCM.
6. guyễn Hiền Đức (2002), “Ảnh hưởng của Tổ sư Nguyên Thiều đối với Phật giáo Đồng Nai – Gia Định”, Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tp.Hcm.
7. Trương Văn Giới – Lê Khắc Kiều Lục (bảng in 2011), Từ điển Việt Hán hiện đại (现代越汉词典), Nxb Khoa học xã hội.
8. Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tp.Hcm.
9. Thích Viên Kiên (2004), Chùa Thập Tháp Di Đà và Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch, sách ấn tống lần thứ hai có bổ sung và sửa chữa.
10. Kỷ yếu lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập GHPGVN (01-02/11/2011-(6-7/10/Tân Mão)”, Văn phòng: chùa Thanh Long, phường Trung Dũng, Tp Biên Hòa.
11. Phan Khoang (1967), Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558-1777 (cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), nhà sách Khai Trí, 62 đại lộ Lê Lợi Sài Gòn.
12. Trần Hồng Liên (1991), “Đôi điều suy nghĩ về ngôi tháp của Tổ sư Nguyên Thiều ở Đồng Nai”. Giác Ngộ số 358.
13. Trần Hồng Liên (2018) “Những đóng góp của Tổ sư Nguyên Thiều trong việc truyền thừa và hoằng pháp ở Đàng Trong”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Phật giáo và Văn học Bình Định tập I,Phật giáo và Danh Tăng Bình Định – Danh Lam Cổ Tự và di sản Hán Nôm Bình Định, chủ biên Thích Nguyên Phước, Thích Đồng Tịnh, Thích Đồng Thành, Nguyễn Công Lý, Đoàn Lê Giang, Lê Quang Trường, Nxb Khoa Học Xã Hội, tr 157-168..
14. Võ Trọng Lễ (2017), “Lâm Tế gia phổ và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc trong tiến trình phát triển của lịch sử Phật giáo Việt Nam”, khóa luận tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, tr 49-59.
15. Lương Văn Lựu (1972), Biên Hòa sử lược toàn biên quyển thứ I, Trấn Biên cổ kính, tác giả tự xuất bản, in tại Thiên Tứ ấn quán, Biên Hòa.
16. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận tập 2, Nxb Văn Học Hà Nội.
17. Hoàng văn Lễ (2018) “Nguyên Thiều vị đại sư vì nghĩa”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Phật giáo và Văn học Bình Định tập I,Phật giáo và Danh Tăng Bình Định – Danh Lam Cổ Tự và di sản Hán Nôm Bình Định, chủ biên Thích Nguyên Phước, Thích Đồng Tịnh, Thích Đồng Thành, Nguyễn Công Lý, Đoàn Lê Giang, Lê Quang Trường, Nxb Khoa Học Xã Hội, 138-144.
18. Tài liệu đánh máy (2000), Tiểu sử cố Hòa thượng thượng Minh hạ Lượng viện chủ Kim Long cổ tự, lưu hành nội bộ, PL.2544 – Canh Thìn.
19. Thích Thiện Nhơn (2018), Những đóa hoa Phật giáo Việt Nam,Nxb Hồng Đức.
20.Quốc sử quán triều Nguyễn, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu (2012), Đại Nam thực lục Tiền biên đệ lục kỷ phụ biên, Nxb Văn Hóa Nghệ Thuật.
21. Thích Giác Quang (2008), Tiểu sử về bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch & quá trình vận động trùng tu xây dựng ngôi chùa cổ:“Tổ Đình Quốc Ân Kim Cang”, Tủ sách Non Bồng.
22.Thích Đại Sán (2016), tái bản theo bản in 1963, Hải ngoại kỷ sự, sử liệu nước Đại Việt thế kỷ XVII, Ủy Ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.
23. Nguyễn Quảng Tuân (1990), Thiền sư Nguyên Thiều, “Tập văn Thành Đạo ngày 16-07-1990”, Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN xuất bản và phát hành.
24.Tu Trai Nguyễn Tạo dịch (1973), Văn hóa tùng thư số 53, Đại Nam nhất thống chí lục tỉnh Nam Việt, tập thượng Biên Hòa – Gia Định, Nhà Văn hóa Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hóa tái bản.
25.Kim Cương Tử chủ biên (1992), Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học, từ điển Phật học Hán Việt (漢越 佛學辭典), chủ nhiệm kiêm thư kí Thích Thanh Ninh, Nxb Khoa học xã hội.
II. Tài liệu mạng internet
50. Pháp tuệ (2008), “Bảo tháp tổ sư Nguyên Thiều-Siêu Bạch&Tổ đình Quốc Ân Kim Cang ở Đồng Nai”, Giác Ngộ › vn › lichsu › 2008/11/14, truy cập ngày 07/09/2019.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường