Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Tìm hiểu về bộ tượng ngũ vị chùa Phụng Sơn

Tìm hiểu về bộ tượng ngũ vị chùa Phụng Sơn

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

MỞ ĐỀ

Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ I trước Công nguyên, Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc Đại Việt qua các thời kỳ đấu tranh bảo vệ quyền tự do, độc lập cho dân tộc và đất nước. Không những thế, Phật giáo là nơi tâm linh để con người nương tựa trau dồi, hoàn thiện nhân cách làm người, cũng là chỗ dựa tinh thần cho dân tộc được thể hiện dưới hình thức mái chùa được thể hiện qua câu nói của Hòa thượng Mãn Giác: “Mái chùa che chở hồn dân tộc; Nếp sống muôn đời của Tổ tông”. Thật vậy, cho đến ngày nay chùa vẫn là một biểu tượng thiêng liêng, thấm sâu vào lòng dân tộc Việt từ ngàn xưa, dù trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử thì hình ảnh ngôi chùa vẫn mãi hiện hữu trong lòng mỗi người.

Ngoài việc đáp ứng được những nhu cầu về mặt tín ngưỡng, thờ phụng, lễ bái,… thì chùa cũng là nơi mang nhiều những dấu tích lịch sử có giá trị nghiên cứu về mặt tư tưởng, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật của dân tộc. Trải qua thời gian dài của lịch sử, nhiều ngồi chùa đã trở thành những di tích lịch sử quốc gia và trong số đó thì chùa Phụng Sơn hay còn gọi chùa Gò (Tp.HCM) cũng không ngoại lệ.

Tag: Phật giáo Việt Nam, Đại Việt, Hòa thượng Mãn Giác, chùa Phụng Sơn, chùa Gò,…

NỘI DUNG

1. Sơ lược sự hình thành và phát triển chùa Phụng Sơn

Trải qua gần 200 năm lịch sử, chùa Phụng Sơn (chùa Gò) là một trong những ngôi chùa cổ ở Nam bộ với đầy đủ sắc thái đặc thù, từ kiến trúc ngoại cảnh cho đến lịch sử và nghệ thuật, nên đã thu hút sự quan tâm của một số nhà nghiên cứu và học giả, do đó chùa đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều bài viết và các công trình nghiên cứu. Cho nên, sự hình thành và phát triển của chùa Phụng Sơn (chùa Gò), người viết xin điểm qua những thông tin, dữ liệu quan trọng của chùa, để tránh lặp đi lặp lại những thông tin cơ bản mà các nhà nghiên cứu, học giả đi trước đã làm.

Qua các tư liệu lưu trữ và nghiên cứu, chùa Phụng Sơn (chùa Gò) được thành lập từ đầu thế kỷ XIX, từ đời vua Gia Long (1802-1819), trên một vùng đất có dấu ấn của hai lớp văn hóa: đền thần Bà La Môn giáo và sau này là ngôi chùa Khmer cổ kính. Đây là địa điểm duy nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh còn lại vết tích của nền văn hóa Óc Eo, cách chúng ta ngày nay hơn 1.500 năm.[1]

Chùa Phụng Sơn, còn có tên gọi khác dân gian khác là chùa Gò, xưa tọa lạc trên đường Trần Quốc Toản, nay là số 1408 đường 3 tháng 2, phường 2, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Khi xưa, vùng đất Cây Mai, Cây Gõ còn nằm trong vùng đất Thủy Chân Lạp, tại vùng đất này có một ngôi chùa Miên được xây cất trên nền đất cao[2] và lúc này chùa Phụng Sơn chỉ là một cái am nhỏ.[3] Người thành lập chùa là Thiền sư Liễu Thông, pháp danh Thích Chơn Giác, thế danh Huỳnh Đậu (1753-1840), là người gốc Thanh Hóa, trên đường vân du hành đạo từ Trung vào Nam, Thiền sư đã đến vùng đất Gia Định và dựng lên một thảo am trên một gò đất cao dân gian thường gọi là chùa Gò, nay là chùa Phụng Sơn.

Theo tài liệu còn lưu trữ ghi chép về chùa và đặc biệt qua 2 cuộc đào thám sát của các nhà khảo cổ học vào năm 1988 và 1991, các hiện vật thu nhận được như: mặt người bằng đất nung, gạch Óc Eo, gốm Óc Eo… đã chứng tỏ dưới nền chùa là một đền thần Bà La Môn giáo thời văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam[4]. Sự xuất hiện của ngôi miếu nhỏ thờ ông Tà (Neak Tà) trong vườn chùa đã chứng tỏ sự dung hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian Khmer. Với sự hình thành gần 200 năm, chùa Phụng Sơn thuộc hệ phái Bắc tông, tông Lâm Tế, dòng Đạo Bổn Nguyên và đã trải qua 10 thế hệ trụ trì.

Vị Sơ tổ khai sơn là Thiền sư Liễu Thông, thế danh Huỳnh Đậu, người Thanh Hóa. Năm 1840 (Canh Tý) Ngài viên tịch và bảo tháp được tôn trí tại chùa ở phía Tây, bảo tháp đã được trùng tu 3 lần. Khi Tổ viên tịch, để có người coi ngó, chăm sóc ngôi Tam bảo thì bổn đạo cung thỉnh thầy Hải Linh về làm trụ trì và Ngài trụ trì được 56 năm thì viên tịch, trong thời gian trụ trì thì Ngài đã tạo dựng lại ngôi chính điện từ bàn thờ Phật được lập bằng những viên gạch chồng lên nhau thành lợp lá, vách ván. Kế tiếp đời trụ trì thứ ba là Đại sư Thanh Sơn, với thời gian chưa được một năm thì Ngài viên tịch. Các đời trụ trì kế tiếp là thầy Thiện Định, thầy Huệ Minh, thầy Huệ Thành, thầy Phước Quang, Thượng tọa Minh Phát, Hòa thượng Trí Định và trụ trì hiện nay là thầy Quảng Trí. Qua 10 đời trụ trì thì có thể thấy thầy Phước Quang (đời trụ trì thứ 7) đã tạo dấu ấn lớn tại chùa Phụng Sơn đó là mở lớp học tăng, khai Trường Hương 3 lần (1923, 1965 và 1966) kết quả đều mỹ mãn.

Cho đến nay, chùa Phụng Sơn đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, hai lần lớn nhất là năm 1904-1915 và 1960, lần trùng tu mới nhất là năm 2016, 2017. Tuy nhiên, chùa vẫn giữ được cấu trúc ban đầu của một ngôi chùa cổ ở Nam bộ. Vào tháng 11 năm 1988, chùa Phụng Sơn đã được xếp hạng là “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia”.

Qua vài trang giấy, vài dòng chữ không thể nói hết được những công lao của các vị trụ trì, không thể lột tả hết được sự hình thành và phát triển của chùa Phụng Sơn, nên chúng ta chỉ biết sơ lược những điểm chính và nổi bật của chùa mà người viết đã đề cập ở trên.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tim hieu bo tuong ngu vi chua Phung Son 1

Chính điện chùa Phụng Sơn

2. Khái niệm và thuật ngữ bộ ngũ vị

2.1. Khái niệm

Bộ tượng 5 vị này gồm: Thích Ca Mâu Ni, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù Sư Lợi và Bồ Tát Phổ Hiền[5]. Trong bộ tượng này, tượng Thích Ca ở giữa ở những ngôi chùa khác thường khó phân biệt với Phật Di Đà vì thường tạc tượng ngồi với tư thế thiền định (như bộ tượng chùa Giác Lâm) nên khó mà phân biệt được là Thích Ca hay Di Đà. Tuy nhiên, ở bộ tượng 5 vị chùa Phụng Sơn với tư thế tượng ngồi trên kỳ thú tay bắt ấn Chuyển pháp luân thì tượng này chắc chắn là Thích Ca chứ không có sự nhầm lẫn là Di Đà như ở những bộ tượng khác.(Vì tượng Di Đà thường được tạc tượng ngồi trong tư thế thiền định, cũng có khi tượng ngồi với tư thế xúc địa, ngày nay để dễ phân biệt người ta để trên lòng bàn tay trong tư thế nhập định một đóa hoa sen đang nở để ám chỉ là tòa sen tiếp dẫn người vãng sinh để phân biệt với Phật Thích Ca hay Dược Sư và các Phật khác).

Mỗi vị có một hạnh nguyện và ý nghĩa riêng, đương nhiên việc thờ cúng là do tín ngưỡng của nhân gian mà có, việc tạo hình tượng là phản ánh lòng khát ngưỡng, niềm tin và mong muốn của quần chúng, điều đó thể hiện qua những khác nhau theo vùng miền, tông phái, tín ngưỡng… nên có nơi thờ thế này, có nơi lại thế khác, có nơi có tượng này hình dáng như vậy, có nơi cũng tượng như vậy nhưng hình dáng khác… tất cả đều không đồng nhau cả hình thức bên ngoài và ý nghĩa bên trong, mặc dù hình tượng phật, bồ tát thì thường có một ý nghĩa chung là cứu khổ ban vui.

Thích Ca Mâu Ni (P: Shakyamuni; H: 釋迦牟尼): theo tư liệu lịch sử thì chúng ta biết rằng trước khi xuất gia Ngài là một vương tử hoàng tộc Gautama, sau khi xuất gia trải qua những trông gai, thử thách gian nan để tìm ra con đường giác ngộ, cuối cùng Ngài đã trở thành bậc đạo sư giác ngộ viên mãn, là bậc Anuttara Samma Sambodhi, là người sáng lập ra Phật giáo, nhân duyên của Ngài thị hiện nơi đời là “Khai thị chúng sinh, ngộ nhập Phật tri kiến” và Ngài hạnh nguyện của Ngài đối với chúng sinh là chỉ ra nguyên nhân của ‘Khổ’ (Dukkha) và con đường ‘Diệt khổ’ (Nirodha Dukkha) không ngoài mục đích đưa chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi, đạt đến Niết bàn vô thượng Bồ đề.

Quán Thế Âm Bồ Tát (P: Avalokiteśvara; H: 觀世音菩薩): là vị Bồ tát xuất hiện nhiều nhất trong hệ thống kinh điển Bắc truyền và luôn chiếm vị trí quan trọng trong triết lý Phật giáo Đại thừa. Ngày nay, Quán Thế Âm được biết đến là vị Bồ tát với tấm lòng Đại từ đại bi, cứu khổ ban vui cho chúng sinh, với hình thức đứng hoặc ngồi trên hoa sen. Trước khi phát nguyện Ngài là Thái tử Bất Huyền, là con của Chuyển luân vương Vô Tránh Niệm, vì nguyện lực đại bi, vì muốn làm duyên phát khởi cho tất cả các hàng Bồ tát, vì muốn an vui thành thục cho chúng sinh, ngài mới hiện thân làm Bồ tát, danh hiệu là Quán Thế Âm, thường trụ thế giới Ta bà tay cầm bình nước cam lồ và nhành dương liễu, đồng thời cũng là thị giả trợ tuyên chính pháp cho đức Phật A Di Đà ở Tây phương Cực Lạc.

Đại Thế Chí Bồ Tát (P: Mahāsthāmaprāpta; H: 大勢至菩薩): là một vị đại Bồ tát thể hiện ánh sáng trí tuệ trong Phật giáo Đại Thừa, là bậc đại sĩ trợ tuyên chính pháp cho đức Phật A Di Đà ở Tây phương Cực Lạc với hình ảnh đứng tay cầm nhành sen. Ngài là vị Bồ tát thường dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, khiến chúng sinh mười phương thế giới thoát khổ đau, thành tựu đạo quả Bồ đề, Ngài có hạnh nguyện đại hùng đại lực đại từ bi, dùng hạnh nguyện này để trụ trong Ta bà thế giới, điều phục và tiếp độ chúng sinh cang cường.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (P: Mañjughoṣa; H: 文殊師利菩薩): là nhân vật thân cận nhất với đức Phật Thích Ca. Ngài là vị Bồ tát tiêu biểu cho trí tuệ, tay phải dương cao cầm lưỡi gươm đang bốc lửa tượng trưng cho lưỡi gươm chặt đứt lửa phiền não và ngồi trên lưng thanh sư. Tiền thân của Ngài là thái tử Vương Chúng con của vua Vô Trách Nhiệm, Ngài cúng dường Phật Bảo Tạng và phát nguyện độ sinh nên được hiệu là Văn Thù Sư Lợi và hạnh nguyện của Ngài là tuyên dương diệu pháp.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tim hieu bo tuong ngu vi chua Phung Son 2

Tượng Bổn Sư ngồi kiết già trên lưng kỳ thú, tay bắt thủ ấn

Phổ Hiền Bồ Tát (P: Samntabhadra ; H: 普賢菩薩): là vị Bồ tát được sánh đôi với Ngài Văn Thù, là vị thân cận với đức Thích Ca. Ngài là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sinh mà hiện thân hóa độ. Phổ Hiền được xem là người hộ vệ của những ai tuyên giảng đạo pháp và đại diện cho “Bình đẳng tính trí” tức là trí huệ thấu hiểu cái nhất thể của sự đồng nhất và khác biệt. Ngày nay, chúng ta thường thấy Ngài với hình dáng cưỡi trên voi tráng sáu ngà, tay cầm ngọc như ý và hoa sen. Ngài là vị Bồ tát với 10 hạnh nguyện vĩ đại đại diện cho phương tiện (lý, định và hành).

2.2. Thuật ngữ “ngũ vị”

Trong tác phẩm nghiên cứu Chùa Giác Lâm di tích lịch sử – văn hóa PGS.TS Trần Hồng Liên cho rằng bộ tượng 5 vị này ở chùa Giác Lâm cũng như chùa Phụng Sơn nên gọi là bộ “ngũ vị” thay vì bộ “ngũ hiền” như trước đó đã được định tên[6]. Ngoài hai tên này ra thì chưa thấy một tên gọi khác. Vậy bộ tượng 5 vị này tên gọi nào mới thật sự hợp lý?

Thứ nhất nói về tên gọi “ngũ vị” mà PGS.TS Trần Hồng Liên chủ xướng và cho rằng: “Tên gọi Ngũ Hiền phù hợp và thường được dùng để nói đến các bậc Thánh hiền. Và như vậy, một phần nào đó đã hạ thấp vị trí và vai trò của Phật và Bồ Tát. Năm tượng này gọi là 5 vị vì trong Phật giáo, khái niệm ‘các vị’ bao gồm các vị Bồ Tát trong mười phương”[7]. Chúng ta thấy tác giả đã đưa ra hai căn cứ để không đồng tình với tên “ngũ hiền” và chủ xướng tên gọi “ngũ vị”, một là “ngũ hiền” thường dùng để nói đến các bậc thánh hiền và hai là chữ “vị” đã có khái niệm “các vị” để gọi tên các vị Phật và bồ tát.

Ở đây, người viết xin trình bày quan điểm của mình: Thứ nhất, quan điểm “ngũ hiền” thường để nói đến các vị Thánh hiền, điều này không sai, danh xưng này ảnh hưởng hay đúng hơn xuất phát từ Nho giáo, khi các vị như Khổng Tử được xem là Thánh, các vị như Nhan Hồi, Tăng Sâm, Mạnh Tử… được phong là Thánh hay là Đại hiền. Sách, lời dạy của các vị này để lại gọi là sách Thánh hiền hay lời dạy Thánh hiền. “Thánh hiền” ở đây được hiểu là “Những người đạo cao đức trọng được coi là bậc thầy của mọi người trong đất nước, xã hội. Thánh là người được coi như đã đạt đến đỉnh cao về đạo đức xã hội và học thuật. Hiền là những người có đức có tài nổi bật lên trong giới sĩ”[8]. Ở Việt Nam, đặc biệt ngoài Bắc có các vị thánh như thánh Trần, thánh Gióng, thánh Tản, thánh Cô, thánh Cậu… Có lẽ từ những quan điểm “thánh hiền” này mà tác giả đã cho rằng “cách gọi trên chưa được thỏa đáng”.[9]

Tuy nhiên, ở quan điểm “thánh” và “hiền” trong Phật giáo cũng có nhưng hoàn toàn khác ý nghĩa so với những quan điểm như trên đã trình bày. Trong Phật giáo thuật ngữ “tam hiền thập thánh”, để chỉ cho lộ trình tu tập trong 50 ngôi vị Bồ tát gồm: Thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng và thập địa[10]. Trong đó “tam hiền” gồm 30 giai vị từ thập trụ đến thập hồi hướng, “thập thánh” gồm 10 giai vị trong thập địa.

Như vậy, rõ ràng nếu căn cứ vào Phật giáo thì danh xưng “Ngũ hiền” hoàn toàn có cơ sở để thiết lập, vì trong Phật giáo có thuật ngữ này, có học thuyết và nội dung ý nghĩa, chứ không hẳn vay mượn như tác giả đề cập.

Tuy nhiên, người viết cũng không đồng tình với danh xưng “ngũ hiền” nhưng ở một lý do khác! Lý do người viết không đồng tình là bộ tượng 5 vị này gồm Phật Thích Ca và 4 vị Bồ tát, 4 vị Bồ tát này đều thuộc hàng Đẳng giác sắp thành Phật nghĩa là trên cả Thập Địa, nếu chiếu theo “Tam hiền thập thánh” thì các ngài phải thuộc hàng “thánh” chứ không thể nào ở hàng “hiền”, vì vậy khi dùng danh xưng “Ngũ hiền” là không hợp lý.

Vấn đề danh xưng “ngũ vị” thì sao? Theo lập luận của tác giả Trần Hồng Liên thì khái niệm “các vị” đã có để chỉ cho các vị Phật và Bồ tát, điều này không thật sự thuyết phục cho lắm. Vốn dĩ “các vị” chỉ là một “từ” để chỉ một đối tượng nào đó đáng kính trọng, thậm chí từ này trong ngôn ngữ nói hằng ngày đã sử dụng một cách bình thường để giao tiếp. Ví dụ: Mời các vị vào trong; vị đó là một người tốt; vị kia đâu rồi,… Nếu như chữ “vị” là một chữ rất đỗi bình thường, được dùng thông dụng, hoàn toàn không mang một ý nghĩa riêng, cá biệt, thì sao có thể dùng để đặt tên một thuật ngữ rất riêng cho một cá thể được?

Ở một phương diện khác, nếu bộ tượng 5 vị này không phải là Thích Ca, Quan Âm, Thế Chí, Phổ Hiền, Văn Thù mà là 5 vị Phật hay 5 vị Bồ Tát nào đó thì không lẽ cũng gọi là “ngũ vị” sao? 4 vị nào đó thì gọi là “tứ vị”; 3 vị nào đó thì gọi là “tam vị”… chính vì lẽ đó người viết cho rằng đặt tên bộ tượng 5 vị này là “ngũ vị” là quá vội vã.

Vậy nếu cả “ngũ hiền” và “ngũ vị” đều có những bất ổn vậy thì nên lấy danh xưng nào. Chúng ta 2 bộ Tam Thánh: Một là Tây Phương Tam Thánh gồm Di Đà, Quan Âm và Thế Chí; hai là Hoa Nghiêm Tam Thánh gồm Thích Ca Văn Thù và Phổ Hiền. Chúng ta thấy có một mối liên hệ ở đây là 4 vị Bồ Tát này là 4 vị Bồ Tát trong bộ 5 vị, tượng Phật ở giữa thường đóng cả hai vai trò là Phật Thích Ca và A Di Đà. Chữ “thánh” trong “tam thánh” chúng ta không có ý kiến, đã được mặc định, vậy nếu xếp các tượng này lại thì có thể gọi là “ngũ thánh” không? Lại như phân tích ở trên 4 vị Bồ tát này thuộc hàng Đẳng giác nên chữ “thánh” cũng là hợp lý. Vì vậy nếu có thể thì bộ này nên lấy tên là bộ “ngũ thánh”.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tim hieu bo tuong ngu vi chua Phung Son 3

Tượng Thế Chí (phía bên phải tượng Bổn Sư) ngồi trên lưng kỳ thú có cánh tay bắt thủ ấn

3. Nguồn gốc, đặc điểm và ý nghĩa bộ tượng ngũ vị chùa Phụng Sơn

Về nguồn gốc bộ tượng, trong một tác phẩm nghiên cứu gần nhất Chùa Phụng Sơn lịch sử và văn hóa của hai tác giả Đặng Hoàng Lan và Hầu Hải Tài xuất bản năm 2021 trong phần mô tả bộ tượng 5 vị[11] cũng hoàn toàn không nhắc gì đến xuất xứ và niên đại bộ tượng. Tuy nhiên, nhìn qua lịch sử hình thành chùa, hình dáng bộ tượng và cách chạm khắc có thể ước đoán bộ tượng này phải có từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX:

Thứ nhất, chùa được khai sơn bởi Thiền sư Liễu Thông (1753-1840) nên sự xuất hiện của Thiền sư ở chùa Phụng Sơn có thể vào những năm cuối thế kỷ 18. Từ khi khai sơn chùa đến vị kế thế thứ 2 là Ngài Hải Linh, rồi đến Ngài Thanh Sơn (chỉ được một năm thì tịch), Ngài Thiện Định về coi ngó và giao lại cho Huệ Minh. Trước khi được ngài Huệ Minh cho trùng tu vào năm 1904 thì trước đó chùa chỉ là một mái am tranh đơn sơ.

Ở đây chúng ta nhìn vào các mốc thời gian, chúng ta thấy, tượng được tạc vào những năm Ngài Huệ Minh cho trùng tu thì bộ tượng này đã vào thế kỷ 20. Điều này không mấy hợp lý bởi bộ tượng này rất nhỏ trong khi: “Thầy lên tận rừng bên Lào để chọn gỗ. Tại đây, thầy gặp vợ một kiểm lâm mộ đạo, bà đã giúp thầy tận tình. Vì vậy, gỗ đem về chùa toàn là những gỗ quý”[12] điều này chứng tỏ trong đợt trùng tu lần đầu chùa rất khang trang “năm quý hơi (1923), nhà sư Huệ Minh khai kiết hạ an cư (trường hương)… có trên 100 chư tăng về tu học đạo”[13] nên lần trùng tu này chùa rất lớn, rộng rãi trong khi bộ tượng này rất nhỏ chỉ khoảng 6 tấc. Hơn nữa nếu tạc bộ tượng trong giai đoạn này, bộ tượng sẽ phần nào giảm bớt ý nghĩa vốn có mà “hình dáng” của tượng đang có. Từ đây chúng ta có thể suy ra, bộ tượng phải có mặt trước khi Ngài Huệ Minh về đây.

Một điều đặc biệt hơn, khi so sánh kiểu chạm khắc lớp áo mặc của bộ tượng 5 vị này với một số tượng A La Hán chùa Giác Lâm ở thế kỷ XVIII có những nét tương đồng, đó là áo tràng suông, ít hoa văn trên áo, bụng nhô ra, gương mặt vui tươi. Trong khi các tượng A La Hán ở thế kỷ 19 thì các lớp áo hoàn toàn không có áo tràng, kiểu áo có dây buộc bụng,… Từ những nét tương đồng này có thể phần nào khẳng định, giữa hai bộ tượng này về niên đại xuất hiện có thể là tương đối nhau.

Về đặc điểm bộ tượng:

Chất liệu được làm bằng gỗ (chưa xác định gỗ gì), cao 60 cm.

Về tư thế ngồi, ngoài tượng Thích Ca ngồi giữa với tư thế kiết già hai bàn chân khóa vào nhau, các tượng còn lại ngồi với tư thế giống nhau, ngồi một bên kỳ thú hai chân thả lỏng tự nhiên, tà áo che luôn tới chân, không thấy ống quần, chân mang giày.

Trang phục: các tượng đều mặt áo tràng giống nhau, áo tràng nơi tượng Thích Ca tạc có nhiều nếp hơn (có thể ở tư thế ngồi xếp bằng), 4 tượng còn lại giống nhau hoàn toàn, các tượng không đắp y.

Hình dáng: các tượng với thân hình nhỏ gọn, bụng hơi nhô ra cộng với lớp vải mỏng tạo nên nét uyển chuyện nhẹ nhàng, thư thái cho tượng.

Khuông mặt: khuôn mặt được tạo với nét trẻ trung, vui vẻ, hiền hòa, toát lên vẻ từ bi an lạc cho tượng.

Trên tay không cầm những pháp khí hay hoa sen, bảo bối… thường thấy mà thay vào đó là những thủ ấn. Mỗi vị đều có những thủ ấn khác nhau được thể hiện qua những hạnh nguyện và công hạnh của mỗi Ngài.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tim hieu bo tuong ngu vi chua Phung Son 4

Tượng Phổ Hiền ngồi trên lưng Bạch tượng 9 ngà, tay bắt thủ ấn

Về thú cưỡi: ngoài tượng Phổ Hiền cưỡi Bạch tượng 9 ngà và Thanh sư 9 lỗ tai của Văn Thù cưỡi, thì 3 con vật còn lại thật khó để phân biệt như thế nào. Bởi lẽ nếu như đều là kỳ lân (hay sư tử) thì tại sao 3 con vật được tạc hình dáng hoàn toàn khác nhau (đồng ý Kỳ lân hay Sư tử có thể tạc nhiều hình dáng khác nhau, nhưng ở những nơi khác nhau thì được, còn tạc ngồi chung mà lại tạc khác nhau phải chăng đây là một câu hỏi khó), thú cưỡi của Phật Thích Ca có hình dáng mắt lồi, mũi to, miệng rộng, thân hình to lớn, săn chắc, mạnh mẽ như Kỳ lân. Thú cưỡi Bồ tát Quan Âm bên tay trái đức Phật có hình dạng về tổng thể cũng như vậy, nhưng mặt mũi thon gọn hơn, có phần hiền lành hơn, đặc biệt toàn thân có vảy, trong khi thú cưỡi của Phật thì không. Trong khi thú cưỡi Bồ tát Thế Chí, khuôn mặt lại không giống lân nhưng có phần giống Sư tử cái (Sư tử cái ngày nay chúng ta thường thấy) cũng có nét hao hao giống mèo, nhưng điều đặc biệt là con thú này có đôi cánh, lông dài mượt, phần đuôi không xòe to ra mà nhỏ gọn như đuôi mèo, dựng thẳng lên.

Từ các miêu tả trên, vậy 3 con thú cưỡi này thật ra là linh thú gì thì chưa dám xác định. Tuy nhiên, cũng từ đây mà cho chúng ta một nhận định rằng: điều đặc biệt trong bộ tượng, cũng như giá trị nghệ thuật của bộ tượng này. Bản chất đã là một linh thú đương nhiên mang trong mình những yếu tố đặc biệt như Kỳ Lân nửa rồng nửa thú, Long Mã đầu rồng mình ngựa, Si Vẫn nửa rồng nửa cá,… thì các linh vật này biết đâu là những sáng tạo của các nghệ nhân và nếu nó thật sự không giống những linh vật nào trước đó, thì rất có thể đây là linh vật rất riêng của bộ tượng này nói riêng và Phật giáo Nam bộ nói chung.

Một điểm nữa của những linh thú này là trong tư thế đi chứ không phủ phục như các bộ tượng thường thấy, mỗi linh thú có một cái chuông treo ở cổ, điều này muốn nói lên tính nhập thế đi vào đời của đạo Phật “dường như là biểu hiện của sự gấp gáp cứu độ”[14] tiếng chuông như tiếng gọi con người phản tỉnh trong đêm tối vô minh, lặn hụp nơi trần lao khổ ải, vì mưu sinh, vì danh lợi bạc tiền mà đôi khi phải làm những điều tội lỗi, mau tỉnh ngộ để trở về với bánh lương thiện cố xưa của mỗi người.

Hai là, điểm khác biệt nhất của bộ tượng này chính là hình tượng các vị Bồ tát được tạc theo hình dáng người xuất gia và thân nam tướng, đây là một điều rất đặc biệt, bởi lẽ từ xưa đến nay đặc biệt là ở Việt Nam ngoài Bồ tát Địa Tạng ra, tất cả Bồ tát đều là hiện thân của cư sĩ, và Bồ tát Quán Âm thường là nữ thân. Nhưng ở đây được tạc là tu sĩ và nam thân.

Về nguồn gốc, các vị Bồ tát này đều là nam nhân và đương nhiên để trở thành những bậc xuất trần thượng sĩ, đạt đến quả vị Phật thì phải là những người xuất gia. Nhưng trong quá trình hoằng pháp độ sinh việc hình tướng không phải là nhất định với các Ngài, tùy hoàn cảnh mà bày phương tiện, hóa hiện các thân hình để độ thoát khác nhau.

Tuy nhiên, để phá vỡ những nguyên tắc mặc định trong văn hóa nhận thức, đặc biệt như tượng thờ thì không phải là công việc mà người có nhận thức bình thường dám thay đổi. Ở đây như bộ tượng 5 vị chùa Giác Lâm vẫn giữ hình tượng xưa, nay là các vị Bồ tát là cư sĩ, từ đó cho thấy người chủ trương tạc bộ tượng này chắc hẳn phải là người uyên thâm Phật pháp và dám mạnh dạn đổi mới nhận thức trong thời điểm đó.

Từ hình dáng tu sĩ đó, cũng có thể phản ánh phần nào công tác hoằng pháp trong giai đoạn này hoàn toàn phụ thuộc chủ yếu dựa vào Tăng sĩ. Điều này cũng dễ hiểu, vì trong giai đoạn khai hoang lập ấp thế này, đối với cư sĩ dẫu là những người mộ đạo, thâm hiểu Phật pháp để truyền đạo là một điều khó có thể, bởi còn phải lo cơm áo, chóng chọi với rừng thiêng nước độc, ác thú côn trùng… thì lấy đâu tâm trí và thời gian để lo công việc học và truyền bá Phật pháp, và nếu có cũng rất ít nên hình ảnh truyền đạo chỉ có thể là những Tăng sĩ đi theo những lưu dân làm chốn tựa nương tâm linh trong những tháng năm lao khổ.

Ở phương diện người viết, thì bộ tượng 5 vị chùa Phụng Sơn này đặc biệt hơn nhiều so với các bộ tượng khác, và nếu niên đại của nó sớm hơn các bộ tượng khác thì sự thật đây là bộ tượng có giá trị chẳng những tính lịch sử, mà còn cả giá trị nghệ thuật tạo tượng lúc bấy giời, thâm thúy và hiện thực.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tim hieu bo tuong ngu vi chua Phung Son 5

Tượng Quan Âm ngồi trên lưng kỳ thú, tay bắt thủ ấn

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tim hieu bo tuong ngu vi chua Phung Son 6

Tượng Văn Thù cưỡi trên thanh sư 9 lỗ tai, tay bắt thủ ấn

4. Giá trị bộ tượng ngũ vị chùa Phụng Sơn

Theo tư liệu của tác giả Đặng Hoàng Lan và Hầu Hải Tài nghiên cứu về Lịch sử và văn hóa chùa Phụng Sơn, khi đề cập về bộ tượng ngũ vị thì không có đề cập đến niên đại xuất hiện của bộ tượng này và chỉ giới thiệu sơ qua. Theo tư liệu nghiên cứu thì chùa Phụng Sơn được xây dựng dưới đời vua Gia Long triều Nguyễn (1802-1819), có thể trước thời gian này bộ tượng Ngũ vị đã xuất hiện (cuối TK XVIII đầu TK XIX). PGS.TS.Trần Hồng Liên cho rằng: “Sự xuất hiện của 5 vị vào giai đoạn này chứng tỏ đời sống của cư dân tại đây đã tương đối sung túc, người dân lập chùa, tạc nhiều tượng và bên cạnh những phong cách cổ xưa vốn chịu ảnh hưởng từ miền Trung và niềm Bắc, Nam bộ đã sáng tạo thêm những nét riêng biệt, độc đáo qua hình tượng 5 vị này. Mặc dù đường nét thần linh vẫn còn phảng phất qua phong cách tô tạc, nhưng phải thừa nhận rằng bộ tượng đã thể hiện được tính thực tiễn rất cao qua việc kết hợp và thể hiện ý nghĩa của bộ tượng: đó là tinh thần một đạo Phật nhập thế, đi vào cuộc đời”[15].

Bộ tượng 5 vị tại chùa Phụng Sơn có điểm khác biệt với chùa Giác Lâm, Giác Viên và các chùa cổ khác là tượng được tác trên lưng các con kỳ thú mà tất cả các con vật đều đứng, Phật Thích Ca (hoặc Di Đà) và các vị Bồ tát tay đều bắt ấn, bộ tượng 5 vị này tại các chùa khác thì các con vật đều phủ phục và tay các vị đều cầm bảo bối. Đặc biệt, tượng Phổ Hiền cưỡi trên con voi trắng 9 ngà và tượng Văn Thù cưỡi trên thanh sư 9 lỗ tai, ngoài ra tượng Đại Thế Chí cưỡi trên kỳ thú có cánh. Đây là một đặc điểm nổi bật nhất của bộ tượng 5 vị của chùa Phụng Sơn so với các chùa cổ khác, “Thích Ca (hoặc Di Đà) và 4 vị Bồ tát tay đều đang bắt ấn quyết và cưỡi các con vật đang trong tư thế đứng, như là biểu hiện của sự gấp gáp cứu độ”[16]. Các vị Bồ tát này thì được tạc dưới hình thức Tu sĩ thể hiện sự phát triển của Tăng đoàn lúc bấy giờ, đồng thời thể hiện sự tiếp nối hoằng truyền giáo lý, chính pháp của đức Như Lai là hàng Tăng già, là cầu nối giữa đức Phật với quần chúng nhân dân.

Với hình ảnh Phật Thích Ca (hay Di Đà) và 4 vị Bồ tát là biểu tượng của lòng từ bi, tha lực trở thành hình ảnh chủ yếu mà người dân có tín ngưỡng ở Nam bộ cần đến. Qua bộ tượng 5 vị đã góp phần tạo nên sự sinh động trong văn hóa Phật giáo thời Nguyễn ở Nam bộ, qua những đường nét sáng tạo độc đáo mà bộ tượng thể hiện thì chúng ta thấy được tinh thần nhập thế và tính chất dân gian của Phật giáo ở Nam bộ.

KẾT LUẬN

Chùa Phụng Sơn chứa đựng những giá trị đặc biệt về văn hóa-giáo dục, được thể hiện ở sự tồn tại của di tích, qua những nhân vật lịch sử, những cổ vật gắn liền với sự tồn tại của nó. Qua bộ tượng ngũ vị ta thấy được tài nghệ kiến trúc tạc tượng của cha ông ta ngày xưa, thể hiện sự thăng hoa của những người thợ bình dân, mỗi mảng điêu khắc mang hơi thở, nhịp sống lịch sử, được tái hiện một cách sinh động và ý nghĩa.

Qua đó, chúng ta thấy được trình độ điêu khắc của những nghệ nhân không có dập khuôn, mà sáng tạo dựa trên cảm hứng cuộc sống, được phối hợp giữa tài nghệ và ý nghĩa của từng đường nét chạm khắc, chứa đựng mọi hương thơm của quê hương và tổ quốc. Với trình độ điêu khắc qua các bộ tượng nói chung và bộ ngũ vị nói riêng đã được các nhà nghiên cứu đánh giá cao và khẳng định đây là những công trình tiêu biểu của vùng đất Sài Gòn-Gia Định ở thế kỷ XIX.

Bộ tượng ngũ vị đã thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo trong giai đoạn này, với những hình ảnh rất thân thuộc được thể hiện qua bộ tượng này. Không những thế, bộ tượng ngũ vị đã thể hiện được tín ngưỡng dân gian của vùng dân Nam bộ lúc bấy giờ.

Thích Nữ Huệ Đàm
Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

——————————–

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đặng Hoàng Lan, Hầu Hải Tài, Chùa Phụng Sơn lịch sử và văn hóa, Nxb.Khoa học xã hội, 2020.
2. Thích Phước Quang, Lược sử Phụng Sơn tự, Nxb.Sài Gòn, 1969.
3. Sở văn hóa Thông tin Tp.Hồ Chí Minh, Di tích Lịch sử-Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, 1998.
4. Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên, Những ngôi chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
5. TS Trần Hồng Liên, Chùa Giác Lâm di tích lịch sử- văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2019.
6. Trần Hồng Liên, Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004.
7. https://cuocsong.online/library/thanh-hien.html. Truy cập ngày 21/4/2021.

CHÚ THÍCH

[1] Đặng Hoàng Lan, Hầu Hải Tài, Chùa Phụng Sơn lịch sử và văn hóa, Nxb.Khoa học xã hội, 2020, tr.7.
[2] Thích Phước Quang, Lược sử Phụng Sơn tự, Nxb.Sài Gòn, 1969, tr.3.
[3] Sở văn hóa Thông tin TP.Hồ Chí Minh, Di tích Lịch sử-Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.3.
[4] Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên, Những ngôi chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.55.
[5] PGS.TS Trần Hồng Liên, Chùa Giác Lâm di tích lịch sử- văn hóa, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 2019, tr.87.
[6] PGS.TS Trần Hồng Liên, Chùa Giác Lâm di tích lịch sử- văn hóa, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 2019, tr.87.
[7] PGS.TS Trần Hồng Liên, Chùa Giác Lâm di tích lịch sử- văn hóa, Sđd, tr.87.
[8] https://cuocsong.online/library/thanh-hien.html. Truy cập ngày 21/4/2021.
[9] PGS.TS Trần Hồng Liên, Chùa Giác Lâm di tích lịch sử- văn hóa, Sđd, tr.87.
[10] Thập tín: 1/Tín tâm. 2/ Niệm tâm. 3/ Tinh tiến tâm. 4/ Định tâm. 5/ Huệ tâm. 6/ Giới tâm. 7/ Hồi hướng tâm. 8/ Hộ pháp tâm. 9/ Xả tâm. 10/ Nguyện tâm. Thập trụ: 1/Sơ phát tâm trú. 2/ Trì địa trú. 3/ Sinh quý trú. 4/ Phương tiện cụ túc trú. 5/ Chính tâm trú. 7/ Bất thối trú. 8/ Đồng chân trú. 9/ Pháp vương tử trú. 10/ Quán đảnh trú. Thập hạnh: 1/ Hạnh hoan hỷ. 2/ Nhiêu ích hạnh. 3/ Hạnh vô sân hận. 4/ Vô tận hạnh. 5/ Lìa sinh loạn hạnh. 6/ Thiện hiện hạnh. 7/ Vô chấp hạnh. 8/ Tôn trọng hạnh. 9/ Thiện pháp hạnh. 10/ Chân thật hạnh. Thập hồi hướng: 1/ Cứu hộ hồi hướng. 2/ Bất hoại hồi hướng 3/ Làm Phật sự trong 3 đời, chẳng lìa Bồ đề. 4/ Hồi hướng khắp nơi. 5/ Vô tận công đức tạng hồi hướng. 6/ Tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng. 7/ Tùy thuận đẳng quán hồi hướng. 8/ Như tướng hồi hướng. 9/ Vô phược vô trước hồi hướng. 10/ Pháp giới vô lượng hồi hướng. Thập địa: 1/Hoan hỷ địa. 2/Ly cấu địa.3/Phát quang địa. 4/Diễm huệ địa. 5/Nan thắng địa. 6/Hiện tiền địa. 7/Viễn hành địa. 8/Bất động địa. 9/Thiện huệ địa. 10/Pháp vân địa.
[11] Đặng Hoàng Lan và Hầu Hải Tài, Chùa Phụng Sơn lịch sử và văn hóa, Nxb.Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2021, tr.94-97.
[12] Đặng Hoàng Lan và Hầu Hải Tài, Chùa Phụng Sơn lịch sử và văn hóa, Sđd, tr.22.
[13] Đặng Hoàng Lan và Hầu Hải Tài, Chùa Phụng Sơn lịch sử và văn hóa, Sđd, tr.23.
[14] Trần Hồng Liên, Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.177.
[15] PGS.TS.Trần Hồng Liên, Chùa Giác Lâm Di tích lịch sử-văn hóa, Nxb.Khoa học xã hội, TP.HCM, 2019, tr.99.
[16] Trần Hồng Liên, Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.177.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường