Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Theo Phật xuất gia truyền thừa Phật pháp

Theo Phật xuất gia truyền thừa Phật pháp

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

I. Ngược dòng lịch sử:

Vào năm 623 trước Công nguyên, tại vườn Lâm Tỳ Ni gần thành Ca Tỳ La Vệ, hiện nay là vùng biên giới giữa Nepan và Ấn Độ, đức Phật Thích Ca đã Giáng sinh có tên là Tất Đạt Đa, là một vị Thái tử con vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da đang trị vì một vương quốc nhỏ của bộ tộc Thích Ca.

Năm lên mười tuổi, nhân ngày lễ Tịch điền, Thái tử theo vua cha Tịnh Phạn ra đồng xem dân chúng cày cấy. Cảnh xuân, mới nhìn qua, thật là đẹp mắt, nhưng tâm hồn của Thái tử không phải là một tâm hồn hời hợt, xét đoán nông nổi. Trái lại, Ngài nhìn sâu vào trong cảnh vật và đau đớn nhận thấy rằng cõi đời không đẹp để an vui như khi mới nhìn qua. Ngài thấy người nông phu và trâu bò phải làm việc cực nhọc dưới ánh nắng thiêu đốt, để đổi lấy bát cơm, nắm cỏ. Chim chóc tranh nhau ăn tươi, nuốt sống côn trùng đang giãy giụa trên những luống đất mới cày. Cũng trong lúc ấy, trong bụi rậm người thợ săn đang nhắm bắn những con chim, trong khu rừng gần đó, những con hổ báo đang rình bắt người thợ săn. Thật là một cảnh tương tàn tương sát, không phút giây nào ngừng! Chỉ vì miếng ăn để sống mà người và vật dùng đủ mọi phương kế để giết hại lẫn nhau không biết gớm. Ngài nhận thức rõ ràng rằng sự sống là khổ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 3.2020 Theo Phat xuat gia truyen thua Phat phap 1
Một lần khác, Ngài xin phép vua cha đi dạo ngoài bốn cửa thành để được tiếp xúc với thần dân. Ra đến cửa Ðông, Ngài gặp một ông già tóc bạc, răng rụng, mắt mờ, tai điếc, lưng còng, nương theo cây gậy lần từng bước ngập ngừng như sắp ngã. Ðến cửa Nam, Ngài thấy một người ốm nằm trên cỏ, đang khóc than rên siết, đau đớn vô cùng. Ðến cửa Tây, Ngài trông thấy một cái xác chết nằm giữa đường, ruồi nhặng bu bám, trương phình lên, trông rất ghê tởm. Ba cảnh khổ già, bệnh, chết, cộng thêm cảnh tượng tương tàn trong cuộc sống mà Thái tử đã chứng kiến hôm lễ Tịch điền, khiến Ngài đau buồn, thương xót chúng sinh vô cùng. Rồi Ngài ra cửa Bắc, gặp một vị tu sĩ tướng mạo nghiêm trang, điềm tĩnh thản nhiên như người vô sự đi ngang qua đường. Thái tử trong lòng nảy sinh một niềm cảm mến đối với vị tu sĩ. Ngài vội vã đến chào và hỏi về ích lợi của sự tu hành. Vị Sa môn đáp: “Tôi tu hành là quyết dứt bỏ mọi sự ràng buộc của cuộc đời, cầu thoát khổ, viên thành chính giác để phổ độ chúng sinh đều được giải thoát.” Lời đáp đúng với hoài bão mà Thái tử đang ấp ủ bấy lâu, nên Ngài vui mừng khôn xiết. Ngài liền trở về hoàng cung xin vua cha cho mình xuất gia. Vua Tịnh Phạn không đồng ý. Thái tử bèn yêu cầu vua cha 4 điều, nếu vua giải quyết được thì Ngài hoãn việc đi tu, để trở lại lo chăm dân, trị nước. Bốn điều đó là:

1. Làm sao cho con trẻ mãi không già;
2. Làm sao cho con khoẻ mãi không bệnh;
3. Làm sao cho con sống mãi không chết;
4. Làm sao cho mọi người hết khổ.

Vua cha vô cùng bối rối, không giải quyết được điều nào cả và khi biết được ý định xuất gia của Thái tử, Vua Tịnh Phạn lại càng lo sợ, lại tìm hết cách để ngăn cản, ràng buộc Ngài trong “cung vui”. Nhưng một khi Thái tử đã quyết thì không có sức mạnh gì ngăn trở được Ngài. Thái tử nuôi dưỡng quyết tâm từ bỏ gia đình, xuất gia cầu đạo.

II. Chí nguyện xuất gia cầu giải thoát

Khi chúng ta quyết định đi tu rời bỏ cõi hồng trần, cạo bỏ râu tóc là một sự chuyển đổi từ một người phàm tục trở thành người tu hành, xuất gia theo đạo Phật.

Khi một người phát tâm xuất gia, không đơn thuần là ra khỏi ngôi nhà thế tục, mà là xuất cái phiền não ra khỏi cơ thể của mình. Râu, tóc là tượng trưng cho sự phiền não của con người. Khi người ta thức đêm, suy nghĩ thì râu tóc hay mọc dài ra. Vì vậy, khi xuất gia, cạo đi râu tóc là chúng ta gạt bỏ phiền não, cao hơn nữa là ra khỏi ngôi nhà của tam giới, đạt được liễu sinh thoát tử. Cho nên trong kinh Phật dạy: “Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không nhà cửa”. Đây là giai đoạn thứ 1 trên con đường tu tập của đạo Phật. Vì vậy trong Luật Tỳ Ni Nhật dụng Thiết Yếu có nói bài kệ cạo râu tóc:

Phiên âm
Thế trừ tu phát
Đương nguyện chúng sinh,
Viễn ly phiền não,
Cứu cánh tịch diệt.

Dịch âm
Cạo bỏ râu tóc trên thân,
Cầu cho tất cả chúng sinh,
Xa lìa các loại phiền não,
Đạt được niết bàn bình an.

Qua lời dạy trong đoạn kinh này: “Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa”. Đây là lời dạy dứt bỏ cuộc sống thế tục để cắt các duyên bên ngoài, không trang điểm làm đẹp, phải làm cho mình xấu xí, ăn mặc thì không được chải chuốt, mặc phải bằng những vải thô xấu, hình ảnh bên ngoài phải phá và dẹp bỏ cái đẹp đẽ của trần gian khiến cho mọi người không còn để ý đến mình thì mới dễ dàng tu hành.

Người xuất gia phải tự mình tháo gỡ ràng buộc, dần dần thoát ly biển khổ, xả bỏ lợi danh cám dỗ, chỉ có một lòng tầm cầu chân lý giải thoát tối thượng. Xuất gia là việc làm siêu trần thoát tục, luôn phải tỉnh thức nội tâm, tham học cầu tiến, giải trừ cho được cái khổ sinh già bệnh chết, tiêu trừ cho được mê hoặc, thăng cao quả vị chứng đắc. Làm được như vậy thì việc xuất gia mới tích cực đối diện với cuộc đời. Vì vậy, Phật dạy người xuất gia chẳng để râu tóc, dưỡng hạnh đầu đà, vì riêng biệt tướng tăng, tục, như tướng tăng chẳng thành thì đồng người tục. Tăng tục đã riêng, thì chỗ làm tự chẳng đồng với thế tục. Nên phải nguyện cùng tất cả người cạo râu tóc, đồng nguyện đồng hành, “xa lìa phiền não” đến “rốt ráo vắng lặng” vậy.

Cho nên những vị tu sĩ Phật giáo nào chấp nhận giới hạnh này thì mới trở thành người tu sĩ Phật giáo, còn không chấp nhận giới hạnh này thì không thể nào thành Thánh Tăng, Thánh Ni được. Cho nên tăng đều phải cạo bỏ râu tóc, còn ni chỉ cạo bỏ tóc mà thôi.

III. Giới hạnh xa lìa trần cấu

Người xuất gia cần lấy Phật pháp, đạo đức làm vệ sĩ, để có thể chống được sự tấn công của chủ nghĩa hưởng thụ, của các cám dỗ và cạm bẫy trong đời. Thực tập chính niệm sẽ giúp cho chúng ta đạt được sự niết bàn tức là niềm an vui cao nhất. Tu đủ giới đức, thực tập thiền định, phát triển trí tuệ thì sự giác ngộ sẽ có mặt, Niết bàn sẽ được chứng đắc. Đó là sự thật chắc chắn.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 3.2020 Theo Phat xuat gia truyen thua Phat phap 2

Chúng ta phát tâm đi tu và đã nguyện giải thoát những trói buộc của thế tục hay thế gian, nên đi tu là xuất thế, là thoát tục chứ không phải việc tầm thường dễ làm. Nếu không vì ý nguyện xuất thế thì chúng ta đã sống ngoài đời, chính sự phát nguyện đó nên mới vào đạo, tập cuộc sống thoát khỏi những tập khí trói buộc của thế gian.

Xuất gia không có nghĩa là sự trốn chạy cuộc đời, không có nghĩa là từ bỏ cuộc sống hiện tại và lẩn trốn mọi ràng buộc. Mà xuất gia cũng có nghĩa là bắt đầu cho một chặng đường mới càng nhiều thử thách và khó khăn hơn. Cho nên trên bước đường tu, sơ tâm nhập đạo, phải làm cho tâm đứng yên, đừng cho tâm khởi theo vọng trần. Nói cách khác, chúng ta tu thiền định trước và tu quán sau.

Cái khó khăn của người xuất gia chúng ta là đối duyên xúc cảnh, những thói quen, những cảm xúc hay những trạng thái tình cảm khi còn tại gia lại nổi dậy. Điều đó được đức Phật nói rõ trong kinh Catuma (Trung Bộ kinh): “Người đi ra biển có bốn sự sợ hãi, đó là sợ sóng, cá sấu, nước xoáy và cá dữ”. Cũng vậy, người xuất gia có 4 điều phải đối mặt đó là: phẫn nộ, tham ăn, năm dục, sắc đẹp của người khác giới.

Sống trong một thế giới đầy nhiễm ô, chúng ta mãi bận rộn chạy theo những khát vọng, ham muốn lợi danh, mãi đắm chìm trong cái vòng luẩn quẩn của khổ đau, buồn vui rồi sợ hãi,… Để rồi có một ngày, trong giây phút tĩnh lặng hiếm hoi của nội tâm, phút giây chính niệm tỉnh giác, chúng ta mới chợt nhận ra rằng:
Vậy mỹ nữ là hòm chôn tuấn kiệt Dĩa dầu hôi là mả chúng thiêu thân Bã vinh hoa là ngục nhốt tinh thần Mồi phú quý là mồ trang sĩ hoạn.

Trong Kinh Pháp Hoa, Phật đã nói: “Tam giới vô an, du như hỏa trạch”, nghĩa là ba cõi đều không an ổn, giống như ngôi nhà lửa thôi. Khi nhận định sâu sắc lời dạy này, chúng ta cảm thấy nhàm chán, muốn xuất ly ra khỏi những khổ đau đó. Như một người lữ khách quay về với cố hương, về bên chân Phật, chúng ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Phát nguyện đem hết tâm trí của mình cống hiến cho chúng sinh để bù đắp những lỗi lầm, những tháng ngày vô ích; trả hết những món nợ ân tình mà ta đã vay mượn của cuộc đời. Tưởng rằng chúng ta sẽ thực hiện cái tâm nguyện đó một cách trọn vẹn và đầy đủ, nhưng thực tế đường tu học Phật pháp cũng lắm gian nan. Chính đức Phật cũng từng nói: “Vui hạnh xuất gia khó”.

Cho nên Ngài quyết chí vào khổ hạnh lâm tu theo hạnh đầu đà sáu năm. Tuy cả hai, Xả Phú và Xả Thân đã kinh qua mười một năm cần mẫn nhưng cũng chỉ đủ công năng khai phá nghĩa mầu Trung Đạo qua tiếng đàn của kỹ nữ giang hồ. Kết tọa cụ bằng cỏ dưới gốc cây bồ đề, nhìn xuống dòng Ni Liên Thuyền, sau khi tắm rửa mát mẻ, uống bát sữa của nàng Tu Xà Đề dâng cúng, Thái tử đã ném chiếc bình bát xuống dòng sông Ni Liên Thuyền lập nguyện. “Nay ngồi đây truy tìm đạo lý, nếu không chứng vô thượng chính đẳng giác, quyết không đứng lên, nguyện này thành bình bát kia phải trôi ngược dòng sông”. Bình bát này đã trôi nghịch dòng, ngài thấy và không nhặt lên, (Thầy trò Đường Tăng còn giữ bình bát vàng của vua Đường trao như là một kỷ vật nên đã đến đất Phật nhận được kinh cũng như không, vì không có chữ, đến khi dâng hiến tất cả mọi công đức và những gì mình có được, làm vốn liếng cho tất cả chúng sinh gieo duyên cùng Tam Bảo mới nên ngôi Chính giác). Và đức Phật dạy trong Kinh Hoa Nghiêm rằng: “nhất thiết duy tâm tạo”. Tâm tạo nên Phật, Bồ tát, Thánh Hiền và cũng tạo nên ma quỷ. Chúng ta cần hiểu ý này để ứng dụng trong cuộc sống.

Để tìm được môi trường lý tưởng, biết bao người đã luống công vô ích. Vì vậy chúng ta cần phải biết sống tùy duyên với thực tại, cố gắng đem hết tâm huyết để xây dựng hội chúng hiện hữu, giữ tâm luôn thư thái để vững bước trên đạo lộ tối thắng an tịnh mà chúng ta đã chọn.

Chúng ta ngày nay là chọn được cho mình một môi trường, một vị thầy sáng và một Tăng thân có chung lý tưởng, đồng hướng đến đời sống phạm hạnh. Môi trường thích hợp cho người xuất gia không phải là rừng núi thiên nhiên đẹp đẽ, hay đầy đủ tiện nghi vật chất mà là một môi trường giống như được miêu tả trong bài kinh Khu Rừng Sừng Bò (Trung Bộ Kinh), tương đối hội đủ các điều kiện thuận lợi đưa đến sự thăng tiến, thành công về phương diện tu tập tâm linh. Và một hội chúng mà chúng ta có thể tin tưởng không một chút nghi ngờ, đó là một hội chúng gồm đủ 6 yếu tố hay còn gọi là lục hòa, đó là: Sự hòa hợp về chỗ ở (thân hòa đồng trú), sự hòa hợp về lời nói (khẩu hòa vô tránh), sự hòa hợp về suy nghĩ (ý hòa đồng duyệt), sự hòa hợp về giới (giới hòa đồng tu), sự hòa hợp về tri thức (kiến hòa đồng giải), sự hòa hợp về tứ sự (lợi hòa đồng quân). Và với một rừng kinh sách, pháp môn, biết đâu là những điều căn bản để tưới tẩm, dưỡng nuôi tâm bồ đề của người sơ tâm học đạo? Có bậc tôn túc trong những thập kỷ trước đã thấy khó và từng thốt lên rằng:

Kinh văn rối rắm lạ thường
Như là đêm tối không tường nông sâu.

Chính vì thế, người thầy đóng vai trò rất quan trọng. Đức Tổ sư từng dạy: “Làm người xuất gia trước phải lựa thầy cho chân chính đặng ở cho lâu, không đặng thay đổi hay lìa thầy sớm…”. Nhưng khổ thay, chúng ta chưa đủ trí để nhận biết đâu là minh sư để chúng ta chọn.

Nhiều người đã xuất gia nhưng không lo tu học mà chỉ biết lo ăn uống, lo bảo trì cái huyễn thân giả tạm này của mình, ít nghĩ đến người khác. Vì thế khi có ai cản trở hay góp ý về việc ăn uống, thì người này liền phẫn nộ và bất mãn, đường tu tập luôn bị đình trệ, khó phát triển về mặt tâm linh và dễ dàng rơi vào những lỗi lầm khi phải sống chung với hội chúng. Cho nên trong kinh đức Phật thường dạy các đệ tử của Ngài: “phải biết tiết độ trong ăn uống” là vậy. Nhưng hàng ngày chúng ta chẳng khác nào như một con chim bị nhốt lâu ngày trong lồng, sống quá phụ thuộc vào thức ăn, nước uống do người nuôi đem lại, khi được thả ra thì không bao giờ bay đi đến phương trời cao rộng, sống một cuộc sống hạc nội mây ngàn mà chỉ quanh quẩn bên chiếc lồng, không từ bỏ được. Cũng như thế, một người đã xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình, là những người tự nguyện, là những kẻ luôn đề cao đời sống giải thoát trong thanh bần hơn sự trói buộc trong phú quý, suốt đời mơ những giấc mộng tuyệt vời, luôn khinh bỉ tất cả những cái gì mà thế tục đề cao, thế mà lại dính mắc vào việc ăn uống thì thật là hổ thẹn vô cùng, rốt cuộc thì cũng giống như con chim kia cả đời không bao giờ tận hưởng được hương vị của tự do bay lượn trong bầu trời bao la. Và một trong những khó khăn của người xuất gia là đối mặt với năm dục (tài, sắc, danh, thực, thùy).

Để tiến tu trên con đường đạo nghiệp, đạt đến sự giải thoát hoàn toàn, chúng ta phải dè chừng với năm dục. Và ngược lại chúng ta thực hành năm đức tính của một người xuất gia: “một là phát tâm xuất gia, vì cảm bội Phật pháp; hai là hủy bỏ hình đẹp, vì thích ứng pháp y; ba là cắt ái từ thân, vì không còn thân sơ; bốn là không kể thân mạng, vì tôn sùng Phật pháp; năm là chí cầu đại thừa, vì hóa độ mọi người”.

IV. Hoằng truyền chính pháp

Phật giáo được lưu truyền trong thế gian là nhờ hàng ngũ tăng sĩ, thêm một người xuất gia chân chính thì thêm một sức mạnh hoằng pháp, làm cho Phật pháp ngày thêm hưng thịnh. Phật pháp được hoằng truyền rộng rãi cùng là nhờ sức mạnh của Tăng Bảo. Kinh Tán dương Công đức Tăng bảo cho thấy người xuất gia có nhiệm vụ gìn giữ mạng mạch của Tam bảo, tiếp tục ngọn đèn trí tuệ của chư Phật; Trong kinh có dạy: “Người đệ tử xuất gia là người có thể đảm trách và kế tục Chính pháp của Như Lai ở đời sau”.

Trình độ dân trí ngày nay, kiến thức đa dạng, nhu cầu sống cũng phức tạp, đòi hỏi việc hoằng pháp ngoài nội lực tu tập, còn cần kiến thức thế học (không nhất thiết phải cần bằng cấp), cần phân biệt căn cơ đối tượng để áp dụng tâm lý truyền đạt, trong Kinh Pháp Hoa phẩm Dược Thảo dụ có nói: “Giáo pháp của Ngài như trận mưa lớn, tất cả các loại cỏ cây đều được thấm nhuần”. Một hoằng pháp viên cũng thế, áp dụng giáo lý thế nào để mọi căn cơ thính chúng có thể thẩm thấu. Trong kinh Tăng Chi, tập II, chương 5, phẩm Diệu Pháp, đức Phật nói về năm đức của vị pháp sư: “Này Ananda, thật không dễ gì thuyết pháp cho người khác. Để thuyết pháp cho người khác này Ananda, sau khi nội tâm an trú được năm pháp, mới nên thuyết pháp cho người khác. Thế nào là năm? Ta sẽ thuyết pháp tuần tự; ta sẽ thuyết pháp với mắt nhìn vào pháp môn; ta thuyết pháp với lòng từ mẫn; ta sẽ thuyết pháp không phải vì tài vật; ta sẽ thuyết pháp không làm tổn thương cho mình cho người. Này Ananda, khi thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy”. Đó là năm đức tính cao đẹp của một giảng sư. Sở dĩ đức Phật không đề cập đến nội lực, vì chư Tăng đương thời đa phần là Thánh Tăng. Nếu Ban Hoằng pháp hàng năm tổ chức những khóa tu bồi dưỡng đạo lực song song bồi dưỡng nghiệp vụ thì việc truyền giảng sẽ có nhiều kết quả hơn. Thân giáo, khẩu giáo và ý giáo toát hiện một nội tâm thanh tịnh qua phong cách diễn đạt, cho dù không cần phải hài hước cũng làm cho thính chúng hoan hỷ tươi vui, thấm nhuần đạo vị.

Cho nên, chúng ta muốn trở thành một vị Thánh Tăng và Thánh Ni thì phải có một hình tướng của một bậc Thánh, nhờ hình tướng ấy khiến cho vua chúa và những người có quyền thế nhìn thấy đều phải cúi đầu đảnh lễ. Hiện giờ, tăng, ni không được mọi người tôn trọng cung kính là vì sống không đúng Phạm hạnh, thường vi phạm các giới luật, sống không có oai nghi tế hạnh của một bậc Thánh.

Tổ Quy Sơn đã dạy: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”. Ngài Địa Tạng nguyện “địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận phương chứng Bồ đề”. Ngài A Nan cũng từng tuyên thệ với đức Phật:
“Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập Như nhất chúng sinh vị thành Phật Chung bất ư thử thủ nê hoàn…”

Đó là tinh thần “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” của một bậc Ứng Cúng, bố ma, phá ác gọi là Tỳ kheo.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 3.2020 Theo Phat xuat gia truyen thua Phat phap 3

Trong lời tựa Hợp chú sách Thiền Lâm Bảo Huấn, Tịnh Tuệ cư sĩ có dẫn một câu nói của cổ đức: “Xuất gia nãi đại trượng phu chi sự, phi tướng chi sở năng vi”. Nghĩa là: “Xuất gia là việc làm của bậc đại trượng phu, chẳng phải là việc mà hàng quan tướng (văn võ trong triều) có thể làm được”. Điều này cho thấy, xuất gia là việc làm vô cùng trọng đại. Và, không thể xem thường người hảo tâm xuất gia, người tự nguyện bắt tay vào việc làm trọng đại. Chúng ta hãy xem, có văn quan nơi triều nội, nhiều người tinh tường “thiên kinh vạn điển”, thông thạo “chước quỷ mưu thần” nhưng đã có được mấy ai chịu khó quán sát thực tướng vạn pháp, cứu xét nguồn cội tự tâm để được “siêu phàm nhập thánh”. Võ tướng ngoài trận mạc, lắm vị xông xáo giữa rừng gươm biển giáo, phá lũy đoạt thành nhưng dễ gì tìm được người hùng lực: dập tắt lửa dữ sân hận, chặn đứng nước lũ dục tham, phá vỡ hảo luỹ vọng chấp để vào thành trì Niết Bàn. Cho nên Tổ đức đã không ngớt lời tán thán:

“Thiện tai! Đại trượng phu
Năng liễu thế vô thường
Xả tục thú Nê hoàn
Công đức nan tư nghì”
(Lành thay! Đại trượng phu
Rõ được đời vô thường,
Bỏ tục hướng Niết Bàn,
Công đức khôn suy lường)

Ôi! Việc xuất gia đã được xem là việc làm trọng đại như vậy thì người hảo tâm xuất gia, người được xưng tán là bậc Đại trượng phu, phải là người có lối hành xử cao thượng tuyệt vời. Từ vị thế đó, chúng ta phải nỗ lực để hoàn thành sứ mạng cao cả, cũng chính là tâm nguyện tự giác, giác tha, trước là hoàn thiện nhân cách giải thoát tự thân sau là hoằng dương chính pháp, vì rằng ta không thể cho cái mà ta không hề có. Tâm luôn hoan hỷ, chính niệm tỉnh giác, nghiêm trì giới luật. Đó là trách nhiệm lớn của người xuất gia, và là kim chỉ nam cho các nhà hoằng pháp khi dấn thân vào đời. Đồng thời, đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trong phương thức hướng dẫn phật tử. Định hướng pháp môn tu tập phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp xã hội và xiển dương đạo đức học Phật giáo góp phần xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội. Tinh thần hoằng pháp của Phật giáo dưới mọi hình thức, chỉ cần biết hy sinh lăn xả với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ và thích hợp với thời cơ.

Hoằng pháp từ thời đức Phật và thời đại công nghệ hiện nay, đức Phật sau khi thành đạo, Ngài thành lập Tăng đoàn cũng không ngoài chủ đích là hoằng pháp. Trước khi chư tăng lên đường hoằng pháp, trong Tương Ưng V, Tiên Đại Phẩm 19, 20, Ngài nhắn nhủ: “Hãy ra đi, các Tỳ kheo, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người. Vì lòng từ bi hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư Tiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả. Này hỡi các Tỳ kheo, hãy hoằng dương giáo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo cả hai, nghĩa lý và văn tự”. Hãy tuyên bố về cuộc sống toàn thiện và thanh tịnh… chính Như Lai cũng đi, Như Lai cũng sẽ đi về hướng Uruvela (Ưu Lâu Tần Loa) ở Sanànigàna để hoằng dương Chính pháp. “Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác; được vậy, là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ”. Đức Phật đã cảm hóa rất nhiều các thành phần căn cơ trong xã hội khi đối diện với Ngài. Và Ngài hướng họ đến cùng một chân lý giác ngộ giải thoát ngay trong đời sống của họ. Trong kinh điển ghi lại những lời tán thán về Ngài của các đối tượng đến nghe pháp từ giai cấp nô lệ cho đến giai cấp Bà La Môn và vua chúa.

Còn thế giới ngày nay đang trong xu thế toàn cầu hóa, nguyên lý nhị khế (Khế cơ – khế lý) lại càng tạo nên một sức mạnh trong việc truyền bá giáo lý đạo Phật đi vào cuộc đời. Nếu người Đông Phương xem đạo Phật như một tôn giáo thuần túy thì người Phương Tâyxem đạo Phật như một nghệ thuật sống, một phương thức làm cho con người thăng bằng về tâm thức, nó giải quyết những bế tắc của đời sống dư thừa về vật chất nhưng hoàn toàn thiếu vắng về tinh thần. Đạo Phật đến như một phương thuốc làm cho con người đang chạy đua với vật chất dừng lại nhằm ổn định, cân bằng trong cuộc sống hàng ngày của chính mình. Với nhịp sống hiện đại thời nay, các nhà hoằng pháp chúng ta hãy tùy duyên vận dụng những phương tiện, tiện ích của thời hiện đại để trợ duyên cho công tác hoằng pháp và điều cốt lõi của công tác hoằng pháp vẫn luôn lệ thuộc vào oai nghi tư cách, giới hạnh đạo đức, năng lực chuyên môn, tâm huyết độ sinh của nhà hoằng pháp và nhất là sự chân tu thật học. Nếu một vị giảng sư toát lên được sự thảnh thơi, thanh thoát, ung dung và an lạc, thì chính vị ấy cũng đang thực hiện thành công việc hoằng pháp của mình.

Tác giả: TT.Thích Thiện Hạnh Phó Viện Trưởng PVNCPHVN tại Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2020

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường