Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Sự thật tư thế ngồi chôm hổm – UKKUṬIKA – trong Phật giáo

Sự thật tư thế ngồi chôm hổm – UKKUṬIKA – trong Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Mục lục bài viết

MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU

Cứ mỗi lần thấy các nhà sư Nam tông vùng Đông Nam Á tiến hành sám hối, hành tăng sự… đang ngồi yên lành thì bổng nhiên đổi tư thế sang “ngồi chồm hổm”, làm mọi người thấy lạ, rồi xì xào bàn tán. Hồi ấy cũng chỉ giải nghi qua loa cho mọi người rằng “phong tục Nam tông là vậy”! Cũng chỉ biết trả lời vậy thôi chứ có ai nghiên cứu ngọn ngành đâu mà biết. Đó là chưa kể những lúc các vị sư trẻ mới xuất gia, chưa đủ chính niệm thu thúc cho gọn gàng y áo, mặc váy xà rông, mà bên trong không che đậy, đôi khi ngồi dậy một phát là y như rằng lộ hết cả thế giới!

Để giải nghi, không gì bằng là tự mình đi tìm hiểu nghiên cứu. Đầu tiên, để hiểu khái quát thì xem sơ qua định nghĩa trong từ điển. Xáo ngược về nguồn gốc của từ ngữ đó trong các văn bản là gì? Ta có được từ gốc của “ngồi chồm hổm” là ukkuṭika. Ngoài quyển của hội PTS The Pali Text Society ra thì hầu hết cũng chỉ giải thích từ ngữ ngắn gọn như ngồi xổm, ngồi chồm hổm, hồ quỳ, trường quỳ… Các bản dịch kinh điển tiếng Việt từ trước đến nay vẫn dùng theo từ điển định nghĩa là ngồi chồm hổm.

Hiện tại, Đông Nam Á vẫn dùng ngồi chồm hổm, Thái Lan phần nhiều là quỳ gối ngồi gót. Tại sao Bắc tông nói chung và các hệ phái khác không thấy sử dụng tư thế đó? Ấn Độ xưa và nay sử dụng thế nào? Hay nguồn gốc là một tư thế nào đó đặc thù riêng biệt và hiện tại sai khác chỉ là các biến tướng của nó? Chẳng hạn như: ngồi nhón gót, quỳ một gối, quỳ hai gối, quỳ gối, quỳ đứng, trường quỳ, hồ quỳ, lạc đà quỳ?

Vậy sự thật tư thế UKKUṬIKA là gì? Qua nghiên cứu tất cả các dữ liệu cấp 1 là Tam tạng Pāli, các bản Luật và Kinh cổ của các trường phái khác; dữ liệu cấp 2 là Chú giải; dữ liệu cấp 3 là các sách cổ, ghi chép, khảo cổ; và so sánh một số phong tục tập quán từ xưa cho đến hiện tại; câu trả lời là: Gọi là tư thế NGỒI NHÓN GÓT.

Tiểu luận nghiên cứu này không dựa vào quyển từ điển nào hay phong tục nào làm tiêu chuẩn cả. Mà tiến hành phân tích từ ngữ rồi tìm kiếm toàn bộ dữ liệu trong cả 3 cấp độ để hiểu từng ngữ cảnh. Sau đó, kết hợp so sánh, phân tích, rồi sắp xếp dữ liệu theo thứ tự nghĩa chính, nghĩa phụ, biến tướng theo thời gian, không gian văn hoá.

Để tiện cho việc tra cứu bản gốc và bản dịch qua các ngôn ngữ khác, các chú thích trích dẫn nguồn gốc dữ liệu dựa vào hệ thống phân cấp của Tam Tạng Pāli kèm theo số đoạn có chứa nội dung đó mà không cần phải ghi phiên bản nào, tác giả hay dịch giả là ai cả. Với dữ liệu cấp 2, cấp 3 là kinh sách ngoài tiêu chuẩn, ghi chép, sử ký… thì tuỳ trường hợp. Tên bài kinh, chương phẩm… đã được ghi được ghi trong phần nội dung. Ví dụ:

Dī/Ma/[247] &Att. = Trường bộ/Đại phẩm/[247] &Chú giải.

PHÂN TÍCH VÀ THỐNG KÊ TỪ “UKKUṬIKA”

Ngồi chồm hổm, ngồi xổm, ngồi nhón gót, quỳ gót, quỳ đứng, hồ quỳ, nhón chân… là một tư thế thể hiện sự thành kính, kính cẩn, thành tâm trong chuỗi các hành động Hành lễ của tín đồ Phật giáo, nhất là các vị xuất gia sử dụng khi cần tác bạch, sám hối, xin ý kiến, xuất gia…

Trong bản dịch qua các ngôn ngữ khác thường có gốc từ Pāli là Ukkuṭika. Hoặc Sanskrit là Utkuṭuka / Utkuṭika / Utkutika … phiên Hán văn là Ốt quật trúc ca/Ôn khuất trúc ca…

1. Điểm qua một số Từ điển

– Từ điển Pāli-Việt (ngài Bửu Chơn, Tịnh Sự):

* Ukkuṭika : [a] ngồi chồm hổm, –kaṃ [ad] cách ngồi chồm hổm. Hạnh ngồi chồm hổm.

– Từ điển Việt-Việt:

* Ngồi chồm hổm/hỗm: xem từ ngồi xổm.

* Ngồi xổm: – Cg. Ngồi chồm hỗm. Ngồi gập chân lại, đùi áp vào bụng và ngực, mông không chấm chỗ. – nđg. Ngồi gập hai chân lại, mông không chấm chỗ.

– Từ điển Việt-Anh:

* Squatting. Ví dụ: hố xí kiểu ngồi xổm: squatting closet.

– Từ điển Pāli-Thái (Viện Hàn Lâm – พจนานุกรมฉบับราชบัณฑิตยสถาน):

* อุกฺกุฏิโก นั่งคุกเข่าเอาปลายเท้าตั้งลงที่พื้น ส้นเท้าทั้ง ๒ รับก้นเรียกว่า นั่งกระหย่ง เช่น อุกฺกุฏิกํ นิสีทิตฺวา นั่งแล้ว กระหย่ง อุกฺกุฏิกํ นิสีทิ นั่งแล้ว กระหย่ง

* Ukkuṭiko : ngồi quỳ gối, cho mũi chân đặt trên nền, hai gót chân nâng đỡ mông gọi là ngồi quỳ gối. Ví dụ: Ukkuṭikaṃ nisīditvā – sau khi ngồi rồi quỳ gối. Ukkuṭikaṃ nisīdi – đã ngồi quỳ gối.

– Từ điển Pāli-Trung (漢譯パーリ語辭典 黃秉榮譯):

* Ukkuṭika:a.[BSk.utkuṭuka] 蹲踞,已跪坐的,已胡跪的,已曲膝蹲下的.

* Ukkuṭika: Túc cứ, là quật toạ, là hồ quỳ, là khúc tất tôn hạ.

– Từ điển Pāli-Anh (PTS The Pali Text Society):

* Ukkuṭika : a special manner of squatting. The soles of the feet are firmly on the ground, the man sinks down, the heels slightly rising as he does so, until the thighs rest on the calves, and the hams are about six inches or more from the ground. Then with elbows on knees he balances himself. Few Europeans can adopt this posture, & none (save miners) can maintain it with comfort, as the calf muscles upset the balance. Indians find it easy, & when the palms of the hands are also held together upwards, it indicates submission.

* Ukkuṭika : một thế ngồi xổm đặc biệt. Hai lòng bàn chân đặt chắc trên mặt đất, người ấy hạ mình xuống, trong khi đó gót chân hơi nâng lên, cho đến khi hai đùi yên vị trên hai bắp chân và cơ đùi cách mặt đất khoảng 6 inch trở lên. Sau đó, với khuỷu tay trên đầu gối, người ấy tự giữ thăng bằng. Rất ít người châu Âu có thể áp dụng tư thế này và không ai có thể duy trì nó một cách thoải mái, vì các cơ bắp chân làm mất cân bằng. Người Ấn Độ cảm thấy điều đó thật dễ dàng và khi hai lòng bàn tay úp vào nhau, điều đó thể hiện cung kính.

Qua việc đối chiếu từ điển, chúng ta thấy rằng từ điển nào cũng sao chép diễn tả tương tự nhau, làm chúng ta liên tưởng đến tư thế ngồi xổm, ngồi chồm hổm như lúc đi vệ sinh kiểu xưa, kiểu bàn vệ sinh sát nền! Nếu không xem qua từ điển Pāli-Anh ở phần giải thích thêm, có lẽ chúng ta không thấy sự khác biệt nào thêm ngoài tư thế mà mọi người đều liên tưởng: đi vệ sinh hoặc ngồi bán cá!

2. Phân tích ngữ căn Pāli

Ukkuṭika, phân tích căn từ như sau:

u : Tiền tố, nghĩa là lên, ngoài…

kuṭ : Căn, nghĩa là gấp, cong, co…

+kk : Nhân đôi phụ âm giữa tiền tố và căn.

+ka : Hậu tố hoặc

+ika : Hậu tố, thêm +i (āgama) trước căn.

=> u + k + kuṭ = ukkuṭa + ika = ukkuṭika : sự co lên, nhón lên, cong lên.

3. Thống kê dữ liệu

Tư thế Ukkuṭika, nghĩa là “Ngồi nhón gót” mà hiện tại thường thấy trong các bản dịch là ngồi chồm hổm, xuất hiện trong Luật tạng Pāli 110 lần; với nghĩa “Đi hoặc đứng nhón gót” chủ yếu xuất hiện trong Kinh tạng 29 lần, như sau:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 1

Lưu ý: các con số mang tính thống kê trên mặt chữ hiện có. Một số đoạn văn Pāli bị lượt bỏ vì lặp lại nội dung nên con số có thể nhiều hơn! Riêng các từ thể hiện biến tướng và hình thức tương đồng sẽ được trình bày trong từng mục liên quan.

PHẦN I : UKKUṬIKA – NGỒI NHÓN GÓT

Ukkuṭika xuất hiện khoảng 110 lần chủ yếu trong Luật tạng, chỉ có 1 lần tìm thấy trong Kinh tạng, với nghĩa là Ngồi nhón gót. Sự giống và khác trong các trường hợp sử dụng sẽ được giới thiệu dần qua các chứng cứ dữ liệu bên dưới.

1. Nghi thức xuất gia

Các trình tự cơ bản trong nghi thức xuất gia (cả Sadi và Tỳ khưu) được đức Phật đề cập đến tư thế “ngồi nhón gót” này. Chuyện xảy ra đầu tiên là việc cho Rāhula (La hầu la) xuất gia Sa di bằng cách phát nguyện Tam quy. Cụ thể:

* Trước tiên, bảo cạo bỏ râu tóc, bảo mặc y áo màu cà sa (hoại sắc), bảo đắp thượng y một bên vai, bảo đảnh lễ ở chân các vị Tỳ khưu, bảo ngồi nhón gót, bảo chắp tay cung kính, và nên bảo rằng “ngươi hãy nói như vầy:”…

* Paṭhamaṃ kesamassuṃ ohārāpetvā kāsāyāni vatthāni acchādāpetvā ekaṃsaṃ uttarāsaṅgaṃ kārāpetvā bhikkhūnaṃ pāde vandāpetvā ukkuṭikaṃ nisīdāpetvā añjaliṃ paggaṇhāpetvā evaṃ vadehīti vattabbo.[1]

Đối với những người từng là ngoại đạo, muốn xuất gia trong Phật giáo thì trước hết phải hành Giới tử biệt trú (titthiyaparivāsa) ít nhất 4 tháng hoặc lâu hơn cho tới khi chư Tăng hài lòng. Sau đó, tiến hành theo trình tự như trên. Những người này nếu hoàn tục, trở về lại với ngoại đạo thì sẽ không được chấp nhận cho xuất gia trở lại.[2]

2. Nghi thức Sám hối

2.1. Sám hối đối bạch

Khi một người xuất gia phạm tội theo Luật Phật chế định, mà tội ấy có thể sửa chữa bằng cách sám hối hay thú nhận, bày tỏ với một vị khác gọi cách sám hối ấy là “sám hối đối bạch”, thì có thể thực hiện trong tư thế “ngồi nhón gót”. Cụ thể:

* Nầy các Tỳ khưu, trường hợp vị Tỳ khưu bị phạm tội vào ngày lễ Bố Tát. Này các Tỳ khưu, vị Tỳ khưu ấy sau khi đến gặp một vị Tỳ khưu (khác), đắp thượng y một bên vai, ngồi nhón gót, chắp tay cung kính, và nói như vầy: “Bạch ngài, tôi đã phạm tội (tên như vầy), tôi xin thú nhận tội ấy”.

* Idha pana bhikkhave bhikkhu tadahuposathe āpattiṃ āpanno hoti. Tena bhikkhave bhikkhunā ekaṃ bhikkhuṃ upasaṅkamitvā ekaṃsaṃ uttarāsaṅgaṃ karitvā ukkuṭikaṃ nisīditvā añjaliṃ paggahetvā evamassa vacanīyo “ahaṃ āvuso itthannāmaṃ āpattiṃ āpanno, taṃ paṭidesemīti”.[3]

Mẫu nghi thức này có thể gọi là thực hiện kiểu cá nhân, chưa phải thể loại họp bàn, ý kiến chung. Nên nó còn sử dụng cho cả các trường hợp tương tự như: Xả bỏ Y cụ thừa.[4] Xả bỏ tiền bạc đến Tăng.[5] Xin phép làm đệ tử với thầy Tế độ.[6] Xin phép nương tựa với Y chỉ sư.[7] Gởi Thuận vắng.[8]

2.2. Sám hối Tự tứ

Tự tứ (pavāraṇā) là hình thức Sám hối đặc biệt vào ngày mãn Hạ của tu sĩ sau ba tháng mùa mưa. Mặc dù Tăng sự này chỉ cần Thông báo quyết định rồi cử hành nghi thức Sám hối nhưng có tầm quan trọng ngang bằng một Tăng sự Bố tát, tức hôm đó không cần tụng giới bổn Pāṭimokkha, chỉ cần Tự tứ. Điểm đặc biệt của nghi thức này là mở cơ hội cho tất cả mọi người bộc bạch, chỉ trích mà không ngại hạ lạp cao thấp. Và bắt nguồn từ đây mà Phật chế định hình thức “ngồi nhón gót” trong lúc Sám hối Tự tứ.

Nguyên nhân sự việc là trong lúc các vị Trưởng lão đang ngồi nhón gót thực hiện nghi thức Tự tứ mà nhóm Tỳ khưu Lục sư vẫn cứ ngồi yên trên toạ cụ, như vậy là bất kính. Sự việc đến tai Phật, nên ngài chế định tư thế này trong lễ Tự Tứ. Một thời gian sau, có vị trưởng lão đã già, khuyết tật, ngồi nhón gót, cho đến khi mọi người Tự tứ xong thì bị ngất xỉu ngã xuống, nên Phật quy định bổ sung. Các bộ phái đều ghi chép sự việc và luật định giống nhau, tuy lời văn có khác.

* Này chư Tỳ khưu, không nên ngồi yên trên chỗ ngồi trong khi chư Tỳ khưu trưởng lão đang ngồi nhón gót trong lúc Tự tứ; vị nào ngồi (yên trên chỗ ngồi) phạm Tác ác.

Này chư Tỳ khưu, Ta cho phép ngồi nhón gót trong thời gian đến lượt Tự tứ và sau khi Tứ tự xong thì được ngồi xuống chỗ ngồi.

* Na bhikkhave theresu bhikkhūsu ukkuṭikaṃ nisinnesu pavārayamānesu āsanesu

acchitabbaṃ yo accheyya āpatti dukkaṭassa.

Anujānāmi bhikkhave tadanantarā ukkuṭikaṃ nisīdituṃ yāva pavāreti pavāretvā āsane nisīditunti. [9]

Từ đây chúng ta nhận thấy một điều rằng, tư thế “ngồi nhón gót” là một việc làm khó khăn để bày tỏ sự cung kính, chỉ sử dụng trong một khoảng thời gian ngắn khi Tự tứ. Sẽ hơi lâu một chút mới đến lượt mình nếu hội chúng đông đúc, nhưng điều đó đã được giải quyết theo sự cho phép của Phật là ai Tự tứ xong trước thì được ngồi xuống chỗ ngồi trước.

2.3. Sám hối với bậc Thánh

Chú giải Luật tạng (Vinaya), Đại diễn giải (Mahāniddesa) và Phân tích đạo (Paṭisambhidāmagga) trình bày cách Sám hối tội lỗi khi lỡ sai phạm vì chửi mắng, bất kính, xem thường bậc Thánh nhân. Nếu không thực hiện thì nghiệp nặng này sẽ ngăn cản cả thiên đạo lẫn đạo quả trong tương lai:

* Do vậy, người nào bất kính với bậc thánh, người đó nên đi, Nếu mình lớn hạ hơn, nên ngồi nhón gót, rồi sám hối rằng “tôi đã nói thế này thế này với đại đức, xin đại đức thứ lỗi ấy cho tôi”; Còn nếu mình nhỏ hạ hơn, nên đảnh lễ, ngối nhón gót, chắp tay cung kính, rồi sám hối rằng “con đã nói thế này thế này với ngài, xin ngài thứ lỗi ấy cho con”.

* Tasmā yo ariyaṃ upavadati, tena gantvā sace attanā vuḍḍhataro hoti, ukkuṭikaṃ nisīditvā “ahaṃ āyasmantaṃ idañcidañca avacaṃ, tamme khamāhī”ti khamāpetabbo. Sace pana navakataro hoti, vanditvā ukkuṭikaṃ nisīditvā añjaliṃ paggahetvā “ahaṃ bhante tumhe idañcidañca avacaṃ, tamme khamathā”ti khamāpetabbo.[10]

Không chỉ vậy, trong nội dung còn căn dặn thêm rằng: Trường hợp không gặp được vị thánh ấy, có thể tự mình hoặc nhờ đệ tử đến gặp trực tiếp hoặc gặp các vị thân quen của bậc thánh ấy, hoặc ngài đã viên tịch thì đến nơi giường ngủ của ngài mà chân thành sám hối.

2.4. Sám hối cho người thường, ngoại đạo

Không chỉ có người tu mà ngoại đạo, người đời cũng sám hối trong tư thế ngồi nhón gót này. Như bài kinh Pāṭikasutta, nói về chuyện Sunakkhatta – công tử của một vương tộc dòng Licchavī, sám hối đạo sĩ loã thể Kaḷāramajjha:

* Sau khi nghĩ vậy, ngồi nhón gót, sám hối “Bạch ngài, xin ngài tha thứ lỗi đó cho tôi”.

* Evañca pana cintetvā ukkuṭikaṃ nisīditvā “khamatha me bhante”ti taṃ khamāpesi.[11]

Như vậy hình thức ngồi nhón gót trong nghi thức sám hối là một hình thức phổ thông, sử dụng rộng rãi, thông dụng. Có thể nói là ai cũng biết, cũng hiểu, cả trong Phật giáo cũng như ngoài xã hội thường nhật.

3. Nghi thức thỉnh bạch

Thỉnh bạch gồm trình tăng hay tác bạch, cung thỉnh, xin phép, trình bày ý kiến, nguyện vọng gì đó trước chư tăng (gồm các vị tỳ khưu hiện diện từ 4 vị trở lên). Hình thức này sử dụng tư thế “ngồi nhón gót” là một trong những tư thế theo thứ tự, trong toàn bộ tiến trình mà chủ thể hành lễ. Giống nhau cho cả tăng và ni nên một số điều chỉ trích dẫn một phía là bên tăng hoặc ni, điều này cũng ám chỉ giống nhau cho cả hai phía. Chẳng hạn như:

– Xin phép tự làm cốc liêu để ở thì phải đúng cỡ 7×12 gang tay (Dĩ nhiên, nếu thí chủ dâng cúng thì không giới hạn).[12]

– Xin phép rời Y cụ vì lý do bất khả kháng.[13]

– Xin phép thọ học giới ni 2 năm của Sa di ni và thọ Tỳ khưu ni.[14]

– Xin phép làm thầy thế độ phía ni.[15]

– Xin phép hành Giới tử biệt trú (titthiyaparivāsa).[16]

– Hành Thanh tịnh Bố tát (parisuddhi uposatha) khi chỉ có 2-3 vị.[17]

4. Điều Luật về ăn uống, tắm rửa

4.1. Điều học liên quan đến ăn uống

Chú giải học giới Ưng đối trị (pācittiya) thứ 5 giảng rằng: Khi đang độ thực, ăn uống trong tư thế oai nghi nào thì bắt buộc duy trì oai nghi đó trong suốt thời gian độ thực cho đến khi xong, nhất là những vị thọ hạnh đầu đà liên quan đến đột thực. Ví dụ như đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm, đang trên xe, đang qua cầu… và ngay cả trong oai nghi đang “ngồi nhón gót:

* Tỳ khưu ngăn thực (ăn) trong khi ngồi nhón gót, thì nên ăn trong chính tư thế ngồi nhón gót đó. Tuy nhiên, nên cho tấm nệm rơm hoặc tấm lót ngồi gì đó ở bên dưới đến vị ấy.

* Yo ukkuṭiko nisīditvā pavāreti tena ukkuṭikeneva bhuñjitabbaṃ. Tassa pana heṭṭhā palāsapīṭhaṃ vā kiñci vā nisīdanakaṃ dātabbaṃ.[18]

4.2. Điều học liên quan đến việc đi tắm

Tư thế cởi hạ y để tắm là một trong những tiểu tiết thuộc về oai nghi tế hạnh trong việc tắm gội của vị Tỳ khưu. Trong đó có tư thế ngồi nhón gót. Chú giải Tương Ưng bộ, kinh Samiddhisutta, miêu tả trình tự tắm nước nóng của ngài Samiddhi:

* Nếu không có khăn tắm, thì hãy ngồi nhón gót bên mép nước, rồi cởi hạ y ra… lúc kết thúc việc tắm, thì hãy ngồi nhón gót bên mép nước, rồi quấn che hạ y vào, khi đã đứng lên mới mặc hạ y gọn gàng ngay ngắn.

* Sace udakasāṭikā natthi, udakante ukkuṭikaṃ nisīditvā nivāsanaṃ mocetvā… nhānapariyosāne udakante ukkuṭikena nisīditvā nivāsanaṃ parikkhipitvā uṭṭhāya suparimaṇḍalaṃ nivāsetvā…[19]

Trong số chúng ta, có lẽ rất nhiều người từng trải qua chuyện tắm giếng, tắm sông. Khi đọc qua những dòng chữ chân thực trên sẽ thấy dễ hiểu vô cùng, rất thực tế. Nếu là chị em phụ nữ nữa thì điều này càng rõ ràng.

5. Thể hiện sự cung kính, tôn trọng

5.1. Thời quá khứ tiền kiếp

– Ngài Tiṇasanthāradāyaka kể về tiền kiếp của mình thời gian làm đạo sĩ sống trong núi tuyết. Khi đức Phật Tissa quán xét thấy suy nghĩ của đạo sĩ nên đã bay đến tận nơi ở để tế độ. Câu chuyện có nói đến tư thế hạ mình xuống và “ngồi nhón gót”:

* Ta làm tâm tín thành, đã kính lễ Thế tôn;

Hạ mình ngồi nhón gót, nhìn chằm bậc Đại trí.

* Sakaṃ cittaṃ pasādetvā, avandiṃ lokanāyakaṃ;

Ukkuṭiko avasakkhi, nijjhāyanto mahāmuniṃ. [20]

Ở đây cần chú ý một điều là “ava” trong từ avasakkhi giữ chức năng là Tiền tố (upasagga) nên mang nghĩa là “xuống, thấp, hạ”. Còn nếu ở chức năng Bất biến từ thì nó sẽ có nghĩa là “trên, bên trên!

– Chuyện ngài Raṃsisaññka còn nói rõ hơn về quả phước từ việc tỏ lòng tôn kính nơi hào quang của đức Phật Vipassī bằng cách hạ mình ngồi nhón gót ở kiếp 91 trong quá khứ. Nhân cớ ấy đã tạo duyên lành chứng quả trong kiếp hiện tại:

* Ta làm tâm thành kính, nơi hào quang của Phật;

Ngồi nhón gót, chắp tay, cung kính trên đỉnh đầu.

* Raṃse cittaṃ pasādetvā, vipassissa mahesino;

Paggayha añjaliṃ vandiṃ, sirasā ukkuṭiko ahaṃ.[21]

5.2. Thọ trì học giới trước Phật ra đời

Không chỉ có người dân mà chính hoàng hậu Māyā, thân mẫu của Phật, cũng thể hiện sự kính trọng các bậc chân tu tương tự như dân thường. Trong bài kinh Mahāpadānasutta ghi rằng:

* Nghe rằng, khi đức Phật chưa xuất hiện, con người đã kính lễ, ngồi nhón gót, thọ trì học giới nơi các đạo sĩ loã thể. Cả mẹ của đức Bồ tát chúng ta cũng thọ trì học giới nơi đạo sĩ Kāladevila. Nhưng khi đức Bồ tát đầu thai trong bụng mẹ, ai ai khác cũng không thể ngồi lên hai bàn chân được; ngay cả thọ trì giới mà ngồi trên chỗ ngồi ngang hàng (việc ấy) cũng cho là coi thường. Do vậy, mới nói rằng, lúc đó bà tự thọ trì giới.

* Anuppanne kira buddhe manussā tāpasaparibbājakānaṃ santike vanditvā ukkuṭikaṃ nisīditvā sīlaṃ gaṇhanti. Amhākaṃ bodhisattassa mātāpi kāladevilassa isino santike sīlaṃ gaṇhāti. Bodhisatte pana kucchigate aññassa pādamūle nisīdituṃ nāma na sakkā, samānāsane nisīditvā gahitasīlaṃpi avamaññakaraṇamattaṃ hoti. Tasmā sayameva sīlaṃ aggahesīti vuttaṃ.[22]

5.3. Trong thời Phật tại thế

– Vua trời Đế Thích (sakka) bảo vợ là Thiên hậu Sujātā – con gái của chúa Phi nhân, đến kính lễ ngài Mahāsīva để xin làm thị giả rửa chân cho ngài. Ngài là người sau 30 năm chuyên tâm tu tập không hề quan tâm đến chuyện rửa chân. Trong đoạn Chú giải kinh Sakkapañhasutta, phần Mahāsīvattheravatthuvaṇṇanā ghi rằng:

* Thiên chủ bảo Sujātā, con gái chúa Phi nhân, đi đến trước rồi xin phép rằng “Thưa các ngài, hãy ưu tiên nữ giới”; rồi đến gần trưởng lão, đảnh lễ, ngồi nhón gót phía trước, nói rằng “Bạch ngài, tôi sẽ rửa chân cúng dường ngài”.

* So sujātaṃ asurakaññaṃ purato katvā “apetha bhante mātugāmo”ti okāsaṃ kāretvā theraṃ upasaṅkamitvā vanditvā purato ukkuṭiko nisīditvā “pāde dhovissāmi bhante”ti āha.[23]

Như vậy, quá khứ cũng như hiện tại, tư thế ngồi nhón gót là một hình thức lễ bái, kính trọng của phần đa trong xã hội, từ vua chúa đến quần thần, dân chúng. Hình thức này dùng được cho cả nam lẫn nữ, kín đáo thanh lịch.

6. Các hình thức liên quan

6.1. Phạm thiên trốn ở gốc cây

Trong bài kinh Brahmanimantanikasutta, thuộc Trung bộ kinh, được Chú giải ghi rằng: Phạm thiên Bakabrahma thách đố với Phật là mình sẽ dùng thần lực, tìm cách lẩn trốn để Phật không thể tìm thấy. Dùng hết mọi phương pháp nhưng cũng không thể làm trốn khỏi tuệ nhãn của Phật được, bèn trốn dưới gốc cây:

* Khi không thể trốn trong toà tháp, nên nấp ở gốc cây Kiếp thọ, ngồi nhón gót.

* So asakkonto vimāne nilīyati, kapparukkhe nilīyati, ukkuṭiko nisīdati.[24]

6.2. Lết đi trên đường gồ ghề

Chú giải Tăng chi bộ kinh, phần hạnh trạng của ngài Revata diễn tả một hoàn cảnh là có nhóm các tỳ khưu la mắng ngài Revatathera. Cho nên lúc đi khất thực, trên đường trở về, Phật dùng thần thông làm cho các vị đó không nhớ những thứ làm dấu đường để đi; nên phải đi lạc vào đường trắc trở, gồ ghề. Câu chuyện này còn được nhắc lại trong hạnh trạng của ngài Sīvalī, ở phần Ký sự của Tiểu bộ kinh:

* Nhưng ngày hôm đó, họ lại đi bằng đường gồ ghề, phải ngồi nhón gót (lết đi), phải đi bằng đầu gối ở những nơi đó.

* Taṃ divasaṃ pana visamamaggena gacchantā tasmiṃ tasmiṃ ṭhāne ukkuṭikaṃ nisīdanti, jaṇṇukena gacchanti.[25]

Qua miêu tả ở trên chúng ta có thể thấy hành động ngồi lên gót rồi lết đi, trong khi đầu gối không chạm đất và hảnh động tiếp theo là đi bằng đầu gối hay lết gối trong tư thế quỳ. Cả hai hành động này chúng ta vẫn rất dễ gặp trong đời sống hiện tại, nhất là trong những nơi, hoàn cảnh làm việc chật hẹp.

6.3. Lết đi dưới nước

Chú giải Bổn sinh Mahosathajātakaṃ, chương Bảy vấn đề của đứa trẻ (Sattadārakapañha), có đoạn diễn tả một nam nhân cao to đẹp trai (Dīghapiṭṭhi), tình nguyện cõng đưa người vợ (Dīghatāhalā) của người đàn ông đen lùn (Goḷakāḷa) qua sông. Sự thật thì sông không sâu lắm, có thể lội qua được nhưng Dīghapiṭṭhi muốn lừa Goḷakāḷa rằng nước rất sâu, không nên lội theo, nên khi vừa xuống sông một đoạn mới giả vờ hạ gối xuống, ngồi nhón gót lết đi dưới nước. Việc lừa giạt này vốn mục đích là muốn cướp vợ của Goḷakāḷa. Goḷakāḷa thấy nước cao đến cổ như vậy nên không dám lội theo, nhưng sau vì sợ mất vợ, uổng công 7 năm ròng làm việc mới cưới được. Thế là vội chạy xuống nước rượt theo, không nề hà tính mạng:

* Ông ấy nhận lời sādhu, rồi cho cô ấy ngồi lên cổ, cầm hành lý và đồ đạc, lội qua sông, đi một đoạn, ngồi nhón gót (lết đi dưới nước), rồi bỏ đi.

* So sādhūti taṃ khandhe katvā sabbaṃ pātheyayañca paṇṇākārañca gahetvā nadiṃ otaritvā thokaṃ gantvā ukkuṭikaṃ nisīditvā pakkāmi.[26]

Ai từng tắm sông tắm hồ, chắc chắn sẽ rất dễ hiểu hành động làm thế nào mà có thể ngồi dưới nước, chỉ cho phần đầu nổi trên bề mặt, trong lúc vẫn di chuyển được.

6.4. Vua A Xà Thế nhảy cao 18 cùi chỏ

Vua A Xà Thế (Ajātasattu) muốn tịch thu gia sản của phú hộ Jotikaseṭṭhī, bèn mang quân binh đến cướp mà không thể làm được gì. Mặc dù vua có sức mạnh phi thường như nói bên dưới, cũng không thể cởi được chiếc nhẫn đang đeo trên ngón tay của phú hộ vì ông ta không đồng ý. Nên Chú giải Pháp cú Jotikattheravatthu trình bày rằng:

* Đức vua ấy, lúc ngồi nhón gót trên mặt đất, khi nhảy lên, nhảy cao đến 18 cùi chỏ; lúc đứng, khi nhảy lên, nhảy cao đến 80 cùi chỏ.

* So pana rājā bhūmiyaṃ ukkuṭikaṃ nisīditvā ullaṅghanto aṭṭhārasahatthaṃ ṭhānaṃ abhiruhati, ṭhatvā ullaṅghanto asītihatthaṃ ṭhānaṃ abhiruhati.[27]

6.5. Đứng lên ngồi xuống tìm tòi

Trong Chú giải Tiểu Bộ, Kinh tập, kinh Uragasuttavaṇṇanā, diễn tả hành động loay hoay, đứng lên ngồi xuống của Bà la môn, người cha đi tìm một loại hoa hiếm chưa ai biết dùng, để kết tràng hoa cho con gái nhân ngày cưới. Đó chính là hoa sung. Nhưng thực tế là không có hoa sung như người đời nghĩ, vì quả của nó chính là đài hoa bọc nhuỵ bên trong:

* Ông ấy, sau khi đến gần nơi đó, không quan tâm, lúc thì ngồi, lúc thì ngồi nhón gót, lúc thì đứng dậy; mệt mõi tìm hoa ấy giữa các tán cây cành lá.

* So tattha upasaṅkamitvā amanasikaritvā sakiṃ nisīditvā sakiṃ ukkuṭiko hutvā sakiṃ ṭhatvā taṃ rukkhaṃ sabbasākhāviṭapapattantaresu vicinanto kilamati.[28]

6.6. Paṭācārā vội quỳ sụp xuống

Trong trường hợp Chú giải Ni kệ của Paṭācārā thuộc Tiểu bộ kinh, thì tình huống như thể là vội vàng ngồi sụp xuống khi đứng trước hai cử chỉ ngồi:

* Ngay lập tức, cô ấy – sau khi thức tỉnh bởi oai lực của Phật, biết mình rằng áo quần rơi hết, sinh hỗ thẹn, liền ngồi sụp xuống nhón gót, xong đã ngồi (ngay ngắn).

* Sā tāvadeva buddhānubhāvena satiṃ paṭilabhitvā nivatthavatthassa patitabhāvaṃ sallakkhetvā hirottappaṃ paccupaṭṭhapetvā ukkuṭikaṃ upanisajjāya nisīdi.[29]

Mô tả này tương đối giống với trường hợp điều học liên quan đến việc đi tắm đã nói ở trên. Trong khi nam nữ không có áo quần che thân thì ngồi chồm hổm như đi vệ sinh là không đẹp, lộ liễu. Chỉ có tư thế ngồi nhón gót là kín đáo, bớt hỗ thẹn nhất.

6.7. Thai nhi trong bụng mẹ

Thời xưa chưa có mát siêu âm chụp hình nhưng hình thù thai nhi trong bụng mẹ đã được miêu tả chuẩn xác một cách khó tưởng. Sự khác nhau giữa thai nhi thường và Bồ Tát khi ở trong bụng mẹ được Chú giải kinh Mahāpadānasutta diễn tả như sau:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 9

* Như vậy, các bé khác khi ở trong bào thai, bóp bụng, treo bao tử, quay lưng phía bụng, quay mặt phía cột sống, đặt cằm cúi xuống trên hai nắm tay, ngồi nhón gót như con khỉ dưới tán cây lúc trời mưa vậy. Còn đức Bồ tát không như thế. Bồ Tát làm lưng tựa cột sống, ngồi thế kiết già, quay mặt ra phía trước, giống như pháp sư ngồi trên pháp toà.

* Yathā hi aññe antokucchigatā pakkāsayaṃ avattharitvā āmāsayaṃ ukkhipitvā udarapaṭalaṃ piṭṭhito katvā piṭṭhikaṇṭakaṃ nissāya ukkuṭikaṃ dvīsu muṭṭhīsu hanukaṃ ṭhapetvā deve vassante rukkhasusire makkaṭā viya nisīdanti, na evaṃ bodhisatto, bodhisatto pana piṭṭhikaṇṭakaṃ piṭṭhito katvā dhammāsane dhammakathiko viya pallaṅkaṃ ābhujjitvā puratthābhimukho nisīdati.[30]

Nội dung Pāli này cũng tương tự với phiên bản Sanskrit phần Mahāvastu (Lịch sử Dīpaṅkara) trong Luật tạng của phái Lokottaravāda:

* Nghe rằng Bồ tát trước kia, này Mahāmoggallāna, khi giáng sinh vào bụng mẹ, không ở thế quá thấp, không ở thế quá cao, không ở thế úp mặt hay ngửa mặt, không ở bên hông trái, và không ngồi nhón gót. Mà nghe rằng, ngồi kiết già phía bên hông phải của mẹ.

* Bodhisatvo khalu punar mahāmaudgalyāyana mātuḥ kukṣigato na cātinīcaṁ tiṣṭhati na ca ati-uccaṁ tiṣṭhati na ca avakubjako na uttānako na vāmapārśve tiṣṭhati na utkuṭiko. Atha khalu mātur dakṣiṇe pārśve paryaṅkam ābhuṁjitvā tiṣṭhati.[31]

Luật Ma Ha Tăng Kỳ (Mahāsaṅghika vinaya), phần các Oai nghi, Vấn đề sử dụng Bát, khuyên rằng nên dùng tư thế Ngồi nhón gót hoặc Quỳ gối khi rửa và cất đặt:

* Rửa bát nên ngồi nhón gót hay hồ quỳ cách đất chừng một gang tay. Nên rửa bát Hòa thượng, A Xà Lê trước rồi mới rửa bát mình sau.

《 洗鉢應踞坐。若胡跪離地一搩手。應 先洗和上阿闍梨鉢然後自洗。》[32]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 10

Vấn đề Cách thức ngồi, khuyên không nên dùng thế ngồi như con Lạc đà, nên ngồi thế Kiết già (phu toạ) mà thôi. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ nhóm Lục sư:

* Từ nay về sau không được ngồi theo kiểu lạc đà ngồi mà nên ngồi kiết già. Nếu ngồi lâu mỏi mệt thì nên duỗi từng chân một ra để thư giãn, chứ không được duỗi cả hai chân cùng một lúc, hoặc là đứng dậy đi kinh hành.

《 從今日後。不得作駱駝坐。應加 趺坐。若坐久寄極者。當互舒一脚。不得頓 舒兩脚。若起經行。》[33]

Như vậy, các hình thức liên quan đến ngồi nhón gót trong đời sống cũng rất phong phú. Nhưng tất cả đều hướng đến một hình ảnh, hình thức thực hiện giống nhau. Đó là ngối xuống với hai gót phải nhón lên, hai đùi áp lên hai ống chân chứ không áp lên bụng và ngực. Tất cả sức nặng đổ lên mũi chân. Phần tiếp theo sẽ trích dân căn nguyên cội nguồn về sự nhón gót, nhón chân này. Tuy nhiên, các tông phái Phật giáo về sau đã bắt đầu dùng các hình thức khác thay thế.

PHẦN II : UKKUṬIKA – ĐI/ĐỨNG NHÓN GÓT

Ukkuṭika nghĩa thứ hai là Đi/Đứng nhón gót xuất hiện 29 lần, chủ yếu là trong Kinh tạng, đề cập đến pháp tu khổ hạnh của ngoại đạo. Tuy nhiên, Luật tạng có 12 lần nói về hình thức này.

1. Tư thế, Oai nghi không nên làm

1.1. Phái Thượng Toạ bộ – Theravāda

Một trong các tư thế thuộc về oai nghi tế hạnh không nên có, không nên làm mà Tạng Pāli đề cập trong Ưng học pháp điều 25, đó là vấn đề “đứng nhón chân, đi nhón chân”. Duyên sự xảy ra là do nhóm Lục sư (Chabbaggīya) đi trong xóm làng với sự nhón chân. Chuyện đến tai Phật nên đức ngài chế định như sau:

* (Phật định:) “Ta sẽ không nên đi ở nơi xóm nhà (nhà hoặc khu dân cư) với sự nhón chân” là học giới nên được thực hành.

(Phân tích:) Không nên đi ở nơi xóm nhà với sự nhón chân. Vị nào đi ở nơi xóm nhà với sự nhón chân do không có sự tôn trọng (học giới) thì phạm tội Tác ác (dukkaṭa).

(Vô tội:) Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, vị đã vào đến nơi trú ngụ, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

* “Na ukkuṭikāya antaraghare gamissāmīti” sikkhā karaṇīyāti.

Na ukkuṭikāya antaraghare gantabbaṃ . yo anādariyaṃ paṭicca ukkuṭikāya antaraghare gacchati āpatti dukkaṭassa.

Anāpatti asañcicca asatiyā ajānantassa gilānassa vāsūpagatassa āpadāsu ummattakassa ādikammikassāti.[34]

Điều này được nhắc lại trong Luật Tiểu phẩm (Cullavagga), nhân nói về các oai nghi tế hạnh trong việc thỉnh mời đi Trai Tăng, ăn uống, độ thực; lúc đi khất thực; các vị ở rừng[35]… Phần Tạp sự (Parivāra) tổng kết các học giới bằng cách hỏi đáp thêm hai lần nữa về điều học này[36].

Để thấy rõ hơn, chúng ta cùng xem cơ sở dữ liệu cấp 2 là Chú giải Luật tạng (Vinaya Atthakathā hay Samantapāsādikā) và cấp 3 là một phiên bản Sớ giải Luật tạng (Kaṅkhāvitaraṇī ṭīkā) giải thích gì thêm về học giới này. Cả hai đều tương tựa rằng Ukkuṭikāya (thể sử dụng cách) chính là Ukkuṭikā và có nội dung giải thích như nhau:

* Trong học giới điều 25, gọi là nhón chân bao gồm việc đi có hình tướng nhón gót chân lên và chỉ có mũi chân chạm mặt đất; hoặc nhón mũi chân lên và chỉ có gót chân chạm mặt đất.

* Pañcavīse ukkuṭikā vuccati paṇhiyo ukkhipitvā aggapādeheva, aggapāde vā ukkhipitvā paṇhīhiyeva bhūmiyaṃ phusantassa gamanaṃ, karaṇavacanaṃ panettha vuttalakkhaṇameva.[37]

Như vậy, văn bản Pāli thì học giới này chỉ cấm trong tư thế đi hoặc đứng mà không hề đề cập đến tư thế ngồi như các học giới khác. Từ đây chúng ta có thể khẳng định chắc chắn một điều rằng: cho đến thời mà chú giải, sớ giải, kinh luật mới được viết thì văn hoá phong tục trong tư thế “nhón gót” mà đại chúng hiểu và hành đều như nhau, không sai biệt.

Sau đây sẽ trích lục văn bản của các trường phái Phật giáo khác để so sánh khái niệm “nhón gót, nhón chân” trong Ưng học pháp với trường phái Pāli về điều học 25 ở trên:

1.2. Phái Nhất thiết Hữu bộ – Sarvāstivāda

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 2

Như vậy, Phái Nhất thiết hữu bộ cấm luôn cả 2 tư thế “ngồi nhón gót và đứng nhón gót”.

1.3. Phái Pháp Tạng bộ – Dharmaguptaka

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 3

Phần phân tích học giới nói rõ: “Ngồi nhón gót là ngồi trên đất hoặc trên giường mà mông không chạm mặt nền.” Điều này không diễn tả được rằng tư thế ngồi này có hình dáng gót chân như thế nào cả, nó chuyển đạt cho chúng ta thấy gần với hình ảnh “ngồi chồm hổm” hơn!

Phần nói về Vô tội lại chỉ rõ các trường hợp mà tạng Pāli sử dụng, tức hàm ý tư thế giống nhau: “Vô tội là đau ốm bệnh tật, hoặc có vết thương ở mông, hoặc đưa dâng vật phẩm, hoặc hành Tăng sự, Sám hối, thọ trì giới đều không phạm tội.”《 不犯者。或時有如是病。或尻邊生瘡。若有所與。若禮若懺悔若受教誡無犯 》

Như vậy, Phái này mặc dầu văn bản gốc Sanskrit đã mất gốc, chỉ còn bản Hán văn, trong đó lại cấm tư thế “ngồi nhón gót hoặc ngồi chồm hổm” và có ngoại lệ.

1.4. Phái Đại Chúng bộ – Mahāsaṅghikavāda

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 4

Phái này ngoài điểm có nội dung giống với tạng Pāli còn có thêm ví dụ so sánh làm rõ nghĩa hơn nữa trong hình ảnh cấm “đi nhón gót” đó là đi giống kẻ ngoại tình vụng trộm, giống tên cướp đi rón rén.

2. Pháp khổ hạnh của ngoại đạo

Trong tất cả các bộ Kinh, thế đứng nhón gót, nhón chân được đề cập là một trong những phương pháp thực hành tinh tấn nhẫn nại của ngoại đạo, còn gọi là tu khổ hạnh ép xác… với tên gọi là hạnh đứng nhón chân – ukkuṭikappadhāna. Đức Phật không hoàn toàn chê bai từ chối, cũng không công nhận tất cả các hình thức khổ hạnh, như: tinh tấn khổ hạnh trong ăn uống; tinh tấn khổ hạnh trong y phục ăn mặc; đại khái là kiểu ăn chay nằm đất…

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 5

Kinh Đại Sư Tử Hống (Mahāsīhanādasutta), khi đức Phật ngự tại vườn Kaṇṇakathala, thành phố Ujuññā. Phần nói về việc thanh lọc, tiêu trừ, xa lánh tội lỗi bằng tinh tấn khổ hạnh của ngoại đạo loã thể (acelaka) tên Bà la môn Kassapa, trong đó có “hạnh đứng nhón chân”, như sau:

* Người có hạnh nhổ râu và tóc là chuyên tâm trong chuyện nhổ râu và tóc. Người có hạnh đứng là tránh xa chỗ nằm ngồi. Người có hạnh đứng nhón là chuyên tâm trong chuyện đứng nhón chân. Người có hạnh nằm gai là thành tựu việc nằm ở trên chông, gai…

* Kesamassulocakopi hoti kesamassulocanānuyogamanuyutto ubbhaṭṭhakopi hoti āsanapaṭikkhitto ukkuṭikopi hoti ukkuṭikappadhānamanuyutto kaṇṭakapassayikopi hoti kaṇṭakapassaye seyyaṃ kappeti…[43]

Bàn về phương pháp tinh tấn khổ hạnh của ngoại đạo thời bấy giờ, không chỉ có trong mỗi bài kinh trên, mà hàng loạt các phương pháp ấy được nhắc đi nhắc lại khoảng 30 lần trong Kinh tạng, xin liệt kê ra đây một số bài kinh khác để tiện nghiên cứu so sánh thêm: Udumbarikasutta (Dī/Pā/[23]); Mahāsīhanādasutta (Ma/Mū/[178]); Cūḷadhammasamādānasutta (Ma/Mū/[517]); Kandarakasutta (Ma/Ma/[08]); Sandakasutta (Ma/Ma/[296] chỉ nhắc sơ qua); Ghoṭamukhasutta (Ma/Ma/[634])…

3. Lối tu thiêu đốt

Trong Tăng Chi Bộ kinh, Phẩm Ba chi và Phẩm Bốn chi, đức Phật chỉ ra rằng “hạnh đứng nhón chân” bị xếp vào thể loại lối tu thiêu đốt (nijjhāmā paṭipadā) – tức khổ hạnh, mạnh dạn, cả gan hại mình; vẫn tốt hơn so với lối tu đắm phiền (āgāḷhā paṭipadā) – tức lợi dưỡng, bị các dục bủa vây vì cho rằng chúng không có hại; và dĩ nhiên, không có lối tu nào cao thượng bằng lối tu trung đạo (majjhimā paṭipadā). Lối tu nhón chân này còn gọi là “làm mình đau khổ, tinh tấn làm khổ mình”.

* …Người có hạnh đứng nhón là chuyên tâm trong chuyện đứng nhón chân… Người ấy ở trong tình trạng cố gắng làm cho thân thể thương tổn bằng rất nhiều phương pháp như đã nói. Nầy chư tỳ khưu, đây gọi là lối tu thiêu đốt.

* … Ukkuṭikopi hoti ukkuṭikappadhānamanuyutto… iti evarūpaṃ anekavihitaṃ kāyassa ātāpanaparitāpanānuyogamanuyutto viharati ayaṃ vuccati bhikkhave nijjhāmā paṭipadā.[44]

4. Lối tu vô ích

Nhân nói đến các vị tỳ khưu sở hữu, tích trữ quá nhiều vật dụng, nhiều tài sản… đức Phật liệt kê ra danh sách các lối tu, phương pháp vô ích, không thanh lọc được cho kẻ còn hoài nghi, một trong số đó là “lối tu nhón chân”, ở Pháp Cú kinh như sau:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 6

5. Lối tu lừa gạt người

Trong Bổn sinh truyện Bodhijātaka chỉ trích rằng “lối tu nhón chân” là lừa gạt người, oai nghi thô thiển, trơ lì, giống như chim đại bàng có hình thù giống cừu, lẻn trà trộn vào trong đàn cừu, giết thịt ăn rồi bỏ đi:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 7

Chú giải còn diễn tả thêm rằng, người tu hạnh đứng nhón chân này, dù lúc đang ăn cũng đứng nhón như vậy hoặc vừa ăn vừa nhảy nhón nhón đi như loài khỉ. Những người thực hành hạnh này đem lại khổ đau, được so sánh như người bị mũi tên là tà kiến đã đâm trúng, đã đâm vào, dính chặc, găm sâu trên người nên cứ chạy vạy, loay hoay, xoay vần tái sinh mãi.

…ukkuṭikopi hoti ukkuṭikappadhānamanuyutto… Evampi diṭṭhisallena otiṇṇo viddho phuṭṭho pareto samohito samannāgato dhāvati vidhāvati sandhāvati saṃsarati.[47]

Như vậy, “ngồi nhót gót” có nguồn gốc từ xưa, từ rất lâu, bắt nguồn từ một trong các hạnh tu khổ hạnh ép xác tên là “hạnh tu đứng nhón chân”. Phật không cho phép đứng nhón chân nhưng lại áp dụng một phần của việc nhón chân đó trong tư thế thể hiện sự cung kính, kính trọng. Vì tất cả các pháp khổ hạnh là pháp khó làm, pháp hy sinh; càng khó khăn thì lúc làm càng thể hiện sự tôn trọng. Điều này có lẽ đã là một phần của văn hoá kính lễ trong xã hội trước, trong và sau đức Phật ra đời một thời gian đáng kể, một số tập tục vẫn còn duy trì cho đến thời nay. Phần tiếp theo sẽ trình bày rõ hơn về hình tướng đặc tính ứng dụng của nó.

PHẦN III : UKKUṬIKA – CÁC BIẾN TƯỚNG VÀ THAY THẾ

Phần này sẽ nói đến ý nghĩa thứ 3 của Ukkuṭika là cong, lỏm, vòm. Đồng thời, trình bày các hình thức được sử dụng do hiểu sai từ Ngồi nhón gót hoặc áp dụng tư thế khác, tư thế mới, thay tư thế nguyên thuỷ, biến tướng đổi khác theo thời gian, không gian, văn hoá.

1. Ukkuṭika với nghĩa cong, lõm, vòm

1.1. Tướng dấu chân

Chú giải Pháp cú kể chuyện Bà la môn Māgandiya ở thành Kuru, tìm người xứng đáng để gả con gái của mình làm vợ. Khi gặp Phật liền tỏ ý này rồi chạy về nhà dẫn vợ và con gái đến ra mắt. Tuy nhiên, Phật đến để độ ông ấy nên đã để lại dấu chân, rồi tiếp tục đi khất thực. Vợ của Bà la môn này giỏi môn tướng số, nhìn thấy dấu chân liền nói rằng đây không phải là người hưởng dục được, là người không còn phiền não, rồi nói bài kệ:

* Người tham đắm sắc dục, lòng bàn chân lõm cong;

Người sân: chân nặng gót; Chân nhấn mũi: người si;

Người giải thoát lậu hoặc: dấu chân phẳng thế này.

* Rattassa hi ukkuṭikaṃ padaṃ bhave, duṭṭhassa hoti sahasānupīḷitaṃ;

Muḷhassa hoti avakaḍḍhitaṃ padaṃ, vivaṭacchadassa idamīdisaṃ padanti.[48]

1.2. Tướng chân đi

Chú giải Kinh Lakkhaṇasutta, phần Āyatapaṇhitāditilakkhaṇavaṇṇanā, mô tả về nghiệp tướng của kẻ nhiều nghiệp sát rằng, những người khi ra tay sát hại, đi chạm đất bằng mũi chân vì sợ gây tiếng chân đi, cho nên muốn biết nghiệp của họ thì quan sát như sau:

* Từ đó, người ta nghĩ rằng, để biết nghiệp sát của họ thì nhìn những tướng sau: người có chân lỏm bên trong, hoặc chân lỏm bên ngoài, chân nhón gót, chân cụt mũi, chân cụt gót.

* Atha te iminā kāraṇena tesaṃ taṃ kammaṃ jano jānātūti antovaṅkapādā vā bahivaṅkapādā vā ukkuṭikapādā vā aggakoṇḍā vā pañhikoṇḍā vā bhavanti.[49]

Ngoài ra, còn hai nhóm tướng khác cũng là biểu hiện của quả nghiệp sát sinh nữa: 1) Lưng còng, thấp lùn, bại liệt. 2) Ngón tay chân ngắn, cong queo. Riêng sống thọ được gọi là lợi ích có được của việc tránh nghiệp sát.

1.3. Tướng ống chân

Chú giải Kinh Lakkhaṇasutta, phần Eṇijaṅghalakkhaṇavaṇṇanā, giải thích về tướng tốt “ống chân thon” như chân nai của Phật rằng, đó là kết quả của việc truyền dạy môn nghệ một cách kính trọng cho học trò trong quá khứ. Mà không phải kiểu này (tức Phật không làm như thế này):

* Không dạy môn nghệ một cách kính trọng kiểu này: Bắt học trò khổ sở bằng cách ngồi nhón gót và bắt chân chẳng hạn; như thể bắp chân của người đó bị rạch cho rơi xuống.

* Yo evaṃ sakkaccaṃ sippaṃ avācento antevāsike ukkuṭikāsanajaṅghapesanikādīhi kilameti, tassa jaṅghamaṃsaṃ likhitvā pātitaṃ viya hoti.[50]

Ở điểm này chúng ta cần so sánh ý nghĩa của ukkuṭikāsana với văn hoá Bà la môn, Hindu, có thể là quỳ gối và gác chân, như hình ảnh của các vị thần trong tôn giáo này. (xem mục Văn hoá Bà la môn, Hindu)

2. Quỳ gối một bên

Quỳ gối một bên (dakkhiṇajāṇumaṇḍalaṃ) đưa vào bàn ở đây là vì nhiều tông phái Phật giáo đời sau đã sử dụng nó như một cách thay thế oai nghi “ngồi nhón gót” thời nguyên thuỷ. Tạng Pāli phái Thượng toạ bộ có nói đến tư thế này nhưng hoàn toàn không dùng với mục đích thay thế. Trước tiên chúng ta xem các trường hợp nguyên thuỷ sử dụng nó.

2.1. Phái Thượng toạ bộ – Theravāda

– Phạm thiên thỉnh Phật thuyết pháp:

Không chỉ có Phạm thiên Sahampati trong thời Phật Thích Ca Cồ Đàm hiện tại, được nói đến trong Luật tạng, Đại phẩm và Tương ưng bộ kinh, Hữu kệ. Mà phong tục này cũng xảy ra tương tự trong quá khứ thời Phật Vipassī, cũng có một vị Đại phạm thiên thỉnh Phật thuyết pháp, được đề cập trong Trường bộ, Đại phẩm, kinh Mahānidānasutta:

* Sau đó, Phạm thiên Sahampati mặc y một bên vai, quỳ gối bên phải trên mặt đất, kính lễ chắp tay hướng về đức Thế Tôn, xong đã bạch Thế Tôn rằng…

* Athakho brahmā sahampati ekaṃsaṃ uttarāsaṅgaṃ karitvā dakkhiṇajāṇumaṇḍalaṃ paṭhaviyaṃ nihantvā yena bhagavā tenañjaliṃ paṇāmetvā bhagavantaṃ etadavoca…[51]

– Vua trời Đế Thích thu phục Dạ Xoa:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 11

Chuyện từng xảy ra cõi trời Đao Lợi, là một bài học quý cho chúng ta về xử sự với người xấu xí đứng trước mặt và xử lý tâm sân hận của chính mình. Tương ưng bộ, phẩm Hữu kệ, kinh Dubbaṇṇiyasutta kể rằng: Khi vua trời đi vắng, chúng chư thiên Đao Lợi đến điện Đế Thích mà không gặp, lại thấy một Dạ Xoa tên Sân thực (Kodhabhakkho) – thân hình lùn tịt, bụng phì, đen đui xấu xí – ngồi chẻm chẹ trên bảo toạ thay. Chúng chư thiên càng chê bai chửi mắng thì Dạ Xoa ấy lại càng đẹp lên. Việc đến tai Đế Thích, thiên chủ đến bảo điện, không chê bai gì mà còn quỳ xuống kính lễ xưng danh, Dạ Xoa liền trở lại hình thù xấu xí như cũ, rồi xấu hơn, nên bỏ đi ngay.

* Lúc ấy, nầy chư Tỳ khưu, Thiên chủ Đế Thích đến tìm Dạ Xoa Sân Thực tận nơi, mặc y một bên vai, quỳ gối bên phải trên mặt đất, kính lễ chắp tay hướng về phía Dạ Xoa Sân Thực, rồi tự xưng danh 3 lần rằng “Thưa bậc vô khổ, Ta là Thiên chủ Đế Thích”.

* Atha kho bhikkhave sakko devānamindo yena so kodhabhakkho yakkho tenupasaṅkami upasaṅkamitvā ekaṃsaṃ uttarāsaṅgaṃ karitvā dakkhiṇajānumaṇḍalaṃ paṭhaviyaṃ nihatvā yena so kodhabhakkho yakkho tenañjaliṃ paṇāmetvā tikkhattuṃ nāmaṃ sāveti sakvāhaṃ mārisa devānamindo.[52]

– Vua Pasenadi Kosala kính lễ các ngoại đạo:

Không chỉ có Phạm thiên, Chư thiên, sử dụng để kính lễ đức Phật; mà vua chúa cõi người, các Bà la môn, ngoại đạo tôn giáo khác cũng sử dụng, như một phong tục tỏ lòng thành kính tương đối phổ thông. Các ngoại đạo này được miêu tả là người có lông nách, lông và móng rất dài:

* Lúc ấy vua Ba Tư Nặc (Pasenadikosala) đứng dậy từ chỗ ngồi, mặc y một bên vai, quỳ gối bên phải trên mặt đất, kính lễ chắp tay hướng về phía 7 vị Jaṭila, 7 vị Nigantha, 7 vị Acelaka, 7 vị Nigantha mặc một miếng vải, 7 vị Paribājaka, rồi tự xưng danh 3 lần rằng “Thưa chư vị, Ta là vua tên Pasenadikosala”.

* Atha kho rājā pasenadikosalo uṭṭhāyāsanā ekaṃsaṃ uttarāsaṅgaṃ karitvā dakkhiṇajānumaṇḍalaṃ paṭhaviyaṃ nihanto yena te satta ca jaṭilā satta ca niganthā satta ca acelā satta ca ekasāṭakā satta ca paribbājakā tenañjaliṃ paṇāmetvā tikkhattuṃ nāmaṃ sāvesi rājāhaṃ bhante pasenadikosalo…[53]

– Bà la môn kính lễ Phật:

Một lần nọ, Bà la môn Ārāmadaṇḍa gặp ngài Mahākaccāna bên sông Kaddamadaha, thành Varaṇā, rồi hỏi về nguyên nhân gì khiến các Sa môn bất hoà nhau? Ngài trả lời là do dính mắc trong tham kiến. Bà la môn hỏi thêm, vậy hiện tại thế gian có loại người giải thoát khỏi thứ đó không? Ngài trả lời: ở hướng đông có thủ đô Sāvatthi, nơi ấy có đức Phật. Nghe xong Bà la môn quy y Tam Bảo, khen ngợi, rồi quay người về hướng đông kính lễ Phật. Một lần khác, Bà la môn Kāraṇapālī cũng làm tương tự như vậy trước mặt nữ Bà la môn Piṅgiyānī:

* Khi nghe như vậy, Bà la môn Ārāmadaṇḍa từ chỗ ngồi đứng dậy, mặc y một bên vai, quỳ gối bên phải trên mặt đất, kính lễ chắp tay hướng về phía đức Thế Tôn, thốt lên 3 lần rằng “Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A la hán hánh đẳng giác”.

* Evaṃ vutte ārāmadaṇḍo brāhmaṇo uṭṭhāyāsanā ekaṃsaṃ uttarāsaṅgaṃ karitvā dakkhiṇajānumaṇḍalaṃ paṭhaviyaṃ nihantvā yena bhagavā tenañjaliṃ paṇāmetvā tikkhattuṃ udānaṃ udānesi “namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa”.[54]

– Sư cụ Subhadda đặt bát cháo sữa:

Ngoài những dữ liệu trích dẫn ở trên, chuyện Quỳ gối một bên không thấy phổ biến trong sinh hoạt của Tăng chúng xuất gia. Duy chỉ có một trường hợp được đề cập trong Chú giải kinh Đại Bát Niết Bàn, phần Mahākassapatheravatthuvaṇṇanā, đó chính là chuyện sư cụ Subhadda vuḍḍhapabbajita quỳ gối một bên cúng dường cháo sữa đến Phật và chư Tăng nhưng không được chấp nhận; không những thế, còn bị chế định thêm 2 điều học vì chuyện này! Nguyên do là vị này xuất gia lúc đã già, chưa hiểu và hành đúng giới luật bậc Thánh, tự ý sai hai con trai kêu gọi mọi người chuẩn bị thực phẩm để đặt bát. Sau này, khi nghe tin Phật Niết bàn liền phát ngôn ngông cuồng, coi thường Giới Luật, dẫn đến việc Kết tập Tam Tạng lần đầu trong Phật giáo:

* Tỳ khưu Subhadda đó, choàng nguyên tấm y màu đen (như tạp dề làm bếp) như vậy, một tay cầm vá và gáo, quỳ gối bên phải trên mặt đất như thể Phạm thiên, kính lễ, rồi nói rằng “Kính bạch đức Thế Tôn, cầu xin ngài nhận cháo sữa của con”.

* So yathānivatthapāruteheva tehi kāḷakakāsāvehi ekena hatthena dabbiñca kaṭacchuñca gahetvā brahmā viya dakkhiṇajānumaṇḍalaṃ bhūmiyaṃ patiṭṭhapetvā vanditvā “paṭiggaṇhatu me bhante bhagavā yāgun”ti āha.[55]

Chi tiết so sánh tư thế Quỳ gối một bên phải trên mặt đất của Tỳ khưu Subhadda được ví như tư thế của Phạm thiên, cùng với các dữ liệu trích dẫn ở trên đã làm sáng tỏ vấn đề cho chúng ta rằng: tư thế này chỉ có Phạm thiên, chư thiên, vua chúa hay Bà la môn sử dụng, gọi chung là chỉ người đời dùng mà thôi! Không dùng trong giới luật của người xuất gia.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 8

Các dữ liệu phía Bắc Phạn Sanskrit cũng sử dụng cụm từ tương tự, với cùng ý nghĩa lẫn hình thức “dakṣiṇaṃ jānumaṇḍalaṃ pratiṣṭhāpya / दक्षिणं जानुमण्डलं प्रतिष्ठाप्य. Tuy nhiên cách thực hành và lưu truyền thì bị sai khác khi bản gốc Sanskrit bị mất, chủ yếu chỉ còn lại bản Hán văn, hoặc bị chi phối bởi văn hoá vùng miền địa lý, nhất là văn hoá Hindu và Tây Vực. Điển hình có các bộ phái dưới đây.

2.2. Phái Pháp tạng bộ – Dhammagupta

Trong Tứ phần Luật của phái Pháp Tạng bộ – Dhammagupta, tuy không còn bản gốc Sanskrit, chỉ còn bản Hán văn, lại áp dụng hình thức Quỳ gối một bên phải cho cả hàng Tăng sĩ như nghi thức xuất gia, nghi thức thỉnh thầy Thế độ, thầy Y chỉ, nghi thức thưa thỉnh trình bạch, Bố Tát…:

* Phật dạy: Từ nay về sau, Ta cho phép các ngươi trực tiếp làm lễ xuất gia. Nên dạy cho người có chí nguyện xuất gia như vầy: Bảo cạo bỏ râu róc, mặc áo màu cà sa, cởi bỏ giày dép, quỳ gối bên phải chấm đất, chắp tay, nói theo thế này…

《 佛言。自今已去聽汝等即與出家受具足戒欲受具足戒者。應作如是教令。剃鬚髮著袈裟脫革屣右膝著地合掌。教作如是語。》[56]

Như vậy, Pháp Tạng bộ, một là đã hiểu nhầm từ ngồi nhón gót trở thành quỳ gối một bên; hai là đã trực tiếp áp dụng hình thức “quỳ gối một bên” của người đời từ rất sớm để thay thế “ngồi nhón gót” trong nghi thức nguyên thuỷ.

2.3. Phái Căn bản Nhất thiết Hữu bộ – Mūlasarvāsativāda

Tư thế utkuṭika vẫn còn được nhắc đến như thể muốn kèm chút nguồn gốc nhưng lại biến nó trở thành oai nghi lựa chọn mà thôi!

– Luật tạng, phần Bodhisattva prātimokṣa sūtram:

* …sau khi tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ ân đức của các ngài, thanh tịnh tâm ý tựa dãi mây, quỳ một gối xuống thấp hoặc tư thế utkuṭuka, dâng lễ, cúng dường, thành kính trước tượng của đức Như lai. Một đoạn khác: …đắp thượng y một bên vai… sau khi tỏ lòng thành kính, quỳ gối bên phải trên mặt đất hoặc tư thế utkuṭuka, rồi nói như vầy…

* …sāmīcīṃ kṛttvā teṣāṃ guṇānāmukhīkṛtya ghanarasaṃ cetaḥprasādaṃ saṃjanayya nīcairjānumaṇḍalenotkuṭukena vā sthitvā tathāgatapratimāṃ purataḥ saṃsthāpya saṃpūjya puraskṛtyaivaṃ syādvacanīyaḥ. Một đoạn khác: …ekāṃsamuttarāsaṅgaṃ kṛtvā … sāmīcīṃ kṛtvā dakṣiṇaṃ jānumaṇḍalaṃ pṛthivyāṃ pratiṣṭhāpya utkuṭukena vā idam syādvacanīyam…[57]

– Kinh tạng, phẩm Sveṣṭadevatā, phần Ādikarmapradīpa:

* …đứng nhón hoặc quỳ gối hướng phía trước, cung thỉnh Tam Bảo như vầy…

* …purato jānumaṇḍalena utkuṭukena vā sthitvā trir evam adhyeṣitavyam…[58]

– Truyền thuyết, Ký sự:

Còn có các văn bản thể loại Truyền thuyết, Chuyện kể, Ký sự – Divyāvadāna khoảng 38 bản, có nguồn gốc độ tuổi từ thời của bộ phái này tồn tại. Trong đó xuất hiện rất nhiều chi tiết diễn tả tư thế Quỳ gối bên phải chạm đất “dakṣiṇaṁ jānumaṇḍalaṁ pṛthivyāṁ pratiṣṭhāpya”. Điều này cho thấy việc sử dụng quỳ gối một bên là do ảnh hưởng của phong tục Bà la môn Hindu sâu đậm, nhiều hơn là lý do sử dụng biến tướng. Điển hình như trong các tập Ký sự: Koṭikarṇāvadānam, Pūrṇāvadānam, Supiryāvadāna, Prātihāryasūtram, Kuṇālāvadānam…[59]

2.4. Phái Đại chúng bộ – Mahāsaṅghika

– Luật tạng, phần Tạp sự, phần nói về Bố Tát:

* Khi đức Phật và chư Tăng ngồi lâu mà không hành Tự tứ, ngài A Nan Đa đứng dậy từ chỗ ngồi, đắp y chừa vai phải, hồ quỳ, chắp tay bạch rằng “Bạch Thế tôn, canh nhất đã qua, Tăng ngồi lâu mệt mỏi rồi, kính xin đức Thế tôn thuyết Giới bổn hành Bố Tát cho chư Tăng ạ”.

《 佛住王舍城。爾時阿闍貰王。耆闍崛山作布 薩堂。種種嚴飾作金蓮葉鍱。僧坐後世尊 已坐。諸比丘悉入欲作布薩。有金華鍱墮 地。有惡比丘盜心取挾腋下。佛比丘僧坐久 不作布薩。時尊者阿難從坐起偏袒右肩胡跪合掌。白佛言。初夜已過僧坐疲久。 唯願世尊。為諸比丘說波羅提木叉作布薩。》[60]

Phái Đại Chúng bộ cũng đã sử dụng hồ quỳ thay cho “ngồi nhón gót” nguyên thuỷ. Vì bản gốc Sanskrit đã không còn nên chỉ nhận định theo mẫu số chung của các bộ phái đương thời là quỳ gối một bên hoặc quỳ gối hai bên như các dữ liệu ngoài tiêu chuẩn kinh Phật chú thích.

2.5. Dữ liệu ngoài tiêu chuẩn Kinh Phật

– Khoảng năm 658 DL, ngài Đạo Tuyên (道宣) phái Luật tông, là người từng tham gia phiên dịch với ngài Huyền Trang, sau đó soạn bộ sách Thích Môn Quy Kính Nghi (釋門歸敬儀), trong đó ghi rằng:

* Gọi Hồ quỳ là hình thức thể hiện cung kính của người dân Hồ, không có ở bản địa, nguồn gốc có từ xưa của người Hồ.

《 言胡跪者,胡人敬相,此方所無。存其本緣,故云胡也。》

* Gọi Hỗ quỳ là gối trái phải hai bên áp trên nền, dùng trong thưa thỉnh, sám hối. Phật giáo hay dùng bên phải chính là đưa gối phải lên khỏi nền, cao hơn thắt lưng; gối trái sát nền, không cho quá thắt lưng hay eo. Thân cử động 3 bộ phận (đoạn), vững chãi, thành tâm, dùng trong sám hối khắp tứ phương.

《 言互跪者,左右兩膝交互跪地。此謂有所啟請,悔過授受之儀也。佛法順右,即以右膝 [(扣-口)*主] 地右 [骨委] 在空,右指 [(扣-口)*主] 地。又左膝上戴,左指 [(扣-口)*主] 地,使三處翹翹曲身前就,故得心有專至,請悔方極。》[61]

– Khoảng năm 783-807 DL, trong bộ sách Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa (一切經音義), tập 36, ngài Huệ Lâm giải thích ngược lại với cách quỳ của ngài Đạo Tuyên, nhưng lại giống với Thượng toạ bộ miêu tả:

* Hồ quỳ là tư thế quỳ gối bên phải dính nền, gối trái thẳng đứng.

《 胡跪,右膝著地,豎左膝危坐,或雲互跪也。》 [62]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 12

Như vậy Phật giáo Bắc phương và Tây vực ban đầu sử dụng Hồ quỳ thay cho Ngồi nhón gót. Tiếp theo, từ thế kỷ thứ 5-6 trở đi, hiểu Hồ quỳ là Quỳ gối một bên hoặc Quỳ gối hai bên. Và sau đó thì tư thế Ngồi nhón gót đã đi vào quên lãng. Thay vào đó, trực tiếp áp dụng Quỳ gối một bên cho hàng Tu sĩ xuất gia lẫn tại gia. Đôi khi xuất hiện kiểu cho lựa chọn giữa Quỳ gối một bên và Đứng nhón gót. Nói chung việc áp dụng thay thế này cho thấy sự nhuốm màu ảnh hưởng của văn hoá Bà la môn Hindu một cách sâu đậm, không những trong văn bản mà cả trong nghệ thuật, điêu khắc.

2.6. Một số khảo cổ điêu khắc

Các bản điêu khắc bằng đá đã chứng minh rằng, văn hoá Bà la môn Hindu và phong tục bản địa đã nhuốm màu trong hàng tu sĩ Phật giáo qua việc áp dụng tư thế Quỳ gối một bên – vốn là của người đời. Các bức điêu khắc sau thể hiện các vị xuất gia, cũng như Bồ Tát quỳ gối một bên phải, chắp tay cung kính.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 13

Quỳ gối bên phải, tiếng Pāli dùng dakkhiṇa, Sanskrit là dakṣiṇa, hay Hindi दक्षिणं, các ngôn ngữ cùng dòng này cũng viết tương tự, như Greece là δεξιός (dexiós), Latin cổ là dexter. Chúng dùng để chỉ phương Nam hay bên phải. Lý do là khi con người hướng về phía mặt trời, tức hướng Đông thì bên phải của chúng ta chính là hướng Nam. Vì vậy mà các văn hoá Trung Đông, Trung Ấn hay chính Bà la môn Ấn Độ cũng có chung cách suy nghĩ và cách dùng. Xin dẫn một số văn hoá phong tục sử dụng tư thế Quỳ gối một bên, nhất là trụ chân bên phải để dễ thấy mối liên hệ.

2.7. Văn hoá Ai Cập (Egypt)

Các hình ảnh dưới đây rõ ràng là người Ai Cập đã sử dụng Quỳ gối một bên từ lâu, không chỉ có trong văn hoá Phật giáo hay Bà la môn ở Ấn Độ:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 14

– Ảnh Thần Iris: Hình ảnh vẽ tường của thần Isis, với thế “quỳ gối một bên” niên đại khoảng -1,360 BCE.

– Đóng tàu: Phù điêu cảnh đóng tàu bằng đá vôi sơn từ Thebes, Egypt, niên đại khoảng -664–634 BCE; hiện tại ở Brooklyn Museum, New York. Kích cỡ: 19.4 × 27 cm.

– Book of Dead: Chi tiết trong “Book of the Dead” của Tayesnakht từ Thebes, niên đại Ptolemaic Period, -332-30 BCE. (Egyptian Museum, Turin) thể hiện đây là tư thế tỏ lòng thành kính.

2.8. Văn hoá Hindu

Bà la môn, mà chính xác là hậu thân của nó, tức đạo Hindu, dùng từ này đi chung với chữ chỗ ngồi (āsana), và có 3 định nghĩa chính sau:

– Elements of Hindu iconography, định nghĩa: Utkuṭikāsana (उत्कुटिकासन) là một tư thế đặc biệt, mà người đó ngồi với gót chân chạm mông và lưng chồm phía trước, xem hình Kevala Nārasiṃha.

– The significance of the mūla-beras (śilpa), định nghĩa: Utkuṭikāsana nói đến thế ngồi trong nghệ thuật. Một chân trụ thẳng trên bề mặt, còn một chân khác thả treo xuống, như tượng Ayyanār.[63]

– The Religion and Philosophy of Tevaram: Yoga Dakshinamurti là hình thức thứ hai, chân phải thả xuống, trong khi chân trái gấp cong như thế utkuṭikāsana. Yogapatta bao quanh cơ thể và chân trái. Cánh tay trái duỗi ra phía trước đặt bằng khuỷu tay trên đầu gối của chân trái uốn cong.[64]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 15

Như vậy, tư thế utkuṭika từ phong tục Bà la môn thời đức Phật còn tại thế đến thời Hindu sau này đã thay đổi cách hiểu thành ngồi trên chỗ ngồi, thả một chân xuống, còn chân kia co ở trạng thái dựng thẳng hoặc song song với chỗ ngồi, tiếng Việt gọi ngồi tréo quảy hay tréo mảy.

Văn hoá Hindu và cách hiểu này đã ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến Phật giáo thời đó. Thiết nghĩ là do nhiều tín đồ Hindu xuất gia vào trong hàng ngũ Tu sĩ Phật giáo hoặc đạo Hindu phát triển mạnh đã làm biến dạng Phật giáo qua nhiều mặt. Nhất là Trung Ấn, Bắc Ấn, đến Tây Vực rồi đến Trung Hoa. Đến mức các tượng Phật, Thánh và Bồ Tát được đúc tạc, điêu khắc đều mang các tư thế của Bà la môn và các tư thế quái dị khác. Không ngừng lại tại đó, nó còn ảnh hưởng cho đến thời nay. Ví dụ:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 16

2.9. Phong tục Cầu hôn, Xin lỗi, Tấu trình…

Phong tục quỳ một gối để cầu hôn được sử dụng thịnh hành trên toàn thế giới. Nó cũng một phần nói lên tính truyền thừa và ứng dụng của các hình thức tỏ lòng kính trọng, thể hiện sự chân thành, nguyện vọng của người nam đối với người mình yêu.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 17

Ngoài ra, trong những lúc quân lính tấu trình lên vua quan thời xưa hoặc việc xin lỗi, bị xử phạt… thời nay cũng thường hay thấy áp dụng.

3. Quỳ gối hai bên

Đã nói đến quỳ gối một bên thì cũng phải bản đến quỳ gối hai bên xem chúng có mối liên hệ gì đáng quan tâm. Dĩ nhiên là không xem xét ngoài chuyện chúng có được dùng thay thế hay biến tướng từ oai nghi ngồi nhón gót hay không.

3.1. Phái Thượng toạ bộ – Theravāda

Chú giải Bổn sinh Mahosathajātakaṃ, chương Vấn đề con đom đóm (Khajjopanakapañho), diễn tả tư thế của một người ngu tưởng con đom đóm có lửa nên bắt nó để đánh mồi lửa thì làm sao mà có lửa được:

* Từ Abhimatthanti nghĩa là chà bằng tay, là người thế nào? Là rải phân bò khô làm mồi với cỏ, quỳ hai gối trên nền, dù cố gắng vì nghĩ sai rằng, ta sẽ dùng miệng thổi cho lửa cháy thì cũng không thể cháy được.

* Abhimatthanti hatthehi ghaṃsitvā ākīranto jaṇṇukehi bhūmiyaṃ patiṭṭhāya mukhena dhamanto jālessāmi nanti viparītāya saññāya vāyamantopi sañjāletuṃ nāsakkhi ko nāmeso.[65]

Kết quả khảo sát cho thấy, ngay cả Quỳ gối hai bên cũng không thấy sử dụng trong hàng Tu sĩ Phật giáo thời nguyên thuỷ. Duy chỉ có một trường hợp nêu bên trên khẳng định là quỳ hai gối vì chữ “đầu gối” ở vị trí Sử dụng cách số nhiều. Dù vậy, nó lại chỉ là hình ảnh sinh hoạt của người dân trong cơ sở dữ liệu cấp 2 là Chú giải! Cũng không liên hệ gì đến Tu sĩ.

Tuy nhiên, một điều phải công nhận là việc quỳ gối hai bên, hay quỳ ngồi lên gót được sử dụng rất phổ biến trong tất cả các tông phái Phật giáo hiện tại và cả các tôn giáo khác trên thế giới.

Đặc biệt, Phật giáo Nam tông Thái Lan hiện đại, hầu hết đã sử dụng quỳ hai gối để thay thế hình thức ngồi nhón gót cho hàng tu sĩ khi thực hiện các nghi lễ, luật nghi như đã trình bày. Với xu hướng nhận thức chung thì việc thay thế này nhìn chung cũng là cách làm tốt đẹp, gọn gàng, cung kính hơn. Tuy nhiên, điều này phần nào thể hiện rõ là hội đồng Tăng lữ đã có tác động mạnh mẽ đến Viện hàn lâm, khiến Từ điển cũng được định nghĩa theo như mục đích áp dụng. (xem lại mục Lướt qua một số từ điển.)

Ngoài Ngồi nhón gót, quỳ gối một bên, quỳ gối hai bên, thì hình thức Cúi mình, Quỳ lạy tay chân chạm đất, Quỳ lạy ngũ thể đầu địa lễ…cũng tương đối hiếm gặp trong Tam tạng Pāli. Chỉ một vài trường hợp thưa thớt sau:

Nói về Cúi mình, khom mình. Nó là một công đoạn diễn ra trước khi đến tư thế ngồi nhón gót nên có chữ paṭi- ở đằng trước. Cơ sở dữ liệu cấp 1 là Tam tạng Pāli sử dụng từ paṭikuṭiko. Ba trường hợp sau đây xuất hiện ở Tiểu Bộ kinh, trong Ký sự của ngài Pabhaṅkaratthera, Girimānandatthera, Tīṇuppalamāliyatthera… dĩ nhiên là kể chuyện trong quá khứ của cư sĩ từ thời rất xưa. Như vậy, Cúi mình cũng rất hiếm thấy trong Phật giáo:

* Sau khi kính lễ Bảo tháp 8 lần, Tôi đã cúi mình rời đi.

Cetiye vanditvā aṭṭha vārāni paṭikuṭiko agacchahaṃ.

* Khi tôi đang cúi mình đi với tâm thanh tịnh hoan hỷ.

Gacchanto paṭikuṭiko vippasannena cetasā.

* Khi kính lễ tứ phương xong, tôi cúi mình rời đi.

Catuddisā namassanto paṭikuṭiko agañchahaṃ.[66]

Nói về Quỳ lạy tay chân đều chạm đất, tức giống hình thức quỳ lạy như hiện nay ta thấy, có một nơi xuất hiện miêu tả này. Tuy nhiên, nó lại giống con bò quỳ uống nước hoặc như đứa trẻ bò trên nền khi chưa biết đi mà thôi, hình thức này dùng từ catukuṇṭhiko – quỳ tứ chi. Bài kinh Āghātavinaya thứ hai, trong Tăng Chi bộ kinh, miêu tả việc quỳ lạy như con bò quỳ xuống nước, với 2 gối và 2 tay trên nền:

* Vị ấy quỳ sấp xuống uống như con bò rồi ra đi.

* So catukuṇṭhiko nipatitvā gopītakaṃ pivitvā pakkameyya.[67]

Nói về Quỳ lạy ngũ thể đầu địa lễ, cũng hiếm, Chú giải Bhaddākuṇḍalakesātherī giải thích về tư thế quỳ lạy với 5 bộ phận đặt trên nền:

* “Sau khi quỳ gối xuống, đảnh lễ” nghĩa là quỳ hai gối trên mặt đất, cho vững chãi với năm bộ phận.

* Nihacca jāṇuṃ vanditvāti jāṇudvayaṃ paṭhaviyaṃ nihantvā patiṭṭhapetvā pañcapatiṭṭhitena.[68]

Như vậy ngay cả Quỳ gối hai bên (jānumaṇḍale / जानुमण्डले पृथिव्यां प्रतिष्ठाप्य / jānumaṇḍale pṛthivyāṃ pratiṣṭhāpya) là có từ ngữ riêng của nó nhưng cũng không thấy sử dụng trong hàng Tu sĩ của Phật giáo thời nguyên thuỷ. Chủ yếu xuất hiện trong các trường phái Phật giáo phương bắc tức Bắc Ấn Độ, và các nước Trung Á, Đông Á và hầu hết các tông phái Phật giáo trong thời hiện đại.

3.2. Phái Căn bản Nhất thiết Hữu bộ – Mūlasarvāsativāda

Kinh Luật của bộ phái này dùng động từ đứng – sthitvā chứ không phải ngồi – nisīditvā như thường gặp nên rất gần với nghĩa “quỳ đứng nhón gót, quỳ thẳng người nhón gót, quỳ bình thân, hồ quỳ”. Những nơi khác lại sử dụng động từ mơ hồ hơn là làm, thực hiện – kṛtvā nên việc hiểu và áp dụng tư thế tương đối khó hình dung. Ví dụ:

– Luật tạng, phần Nghi thức xuất gia (Upasampadā jñaptiḥ):

* … kính lễ chân chính xong, rồi đứng nhón gót phía trước, tự nói như vầy…

* … sāmīcīṁ kṛtvā purataḥ utkuṭukena sthitvā idaṁ syādvacanīyam…[69]

Tuy nhiên, phiên bản Hán văn, ngài Nghĩa Tịnh (Yijing 義淨) dịch là 蹲踞 là ngồi xổm, ngồi chồm hổm. Phiên bản Tây tạng (Tibet) dùng ཙོག་ཙོག་པོར་འདུག (tsog tsog por “dug) dịch sang tiếng Anh thì dùng Quỳ gối (kneels):

* The postulant first prostrates to the Teacher, then prostrates to and kneels before the instructor, presses his palms together, and says…[70]

– Luật tạng, phần Śayanāsanavastu:

* Nếu đang đứng mà có người đến, là tân tỳ khưu, tỳ khưu đó nên kính lễ, hỏi thăm sức khoẻ, rồi làm tư thế utkuṭuka, ngồi thấp hơn hoặc trên toạ cụ, có tâm chân chính, thành kính, thì học uddesa…

* Sa cet tiṣṭhata āgacchati navakaś ca bhavati tena sāmīcīṁ kṛtvā dhātusāmyaṁ pṛṣṭvā utkuṭukena kṛtvā nīcatarake vā āsane niṣadya ṛjukacittena sagauraveṇoddeśo grahītavyaḥ… [71]

Chúng ta không thể xác định được thời điểm ra đời của các bộ kinh luật để biết sự chuyển biến áp dụng các tư thế. Tuy nhiên, tư thế ngồi nhón gót sẽ trở thành “ngồi xổm, ngồi chồm hổm” trong các bản dịch vì chắc chắn có sự ảnh hưởng của văn hoá Đông Nam Á theo như bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh. Hoặc biến tướng sang “hồ quỳ” nếu theo bản dịch xuất xứ từ Tây Vực.

3.3. Phái Nhất thiết Hữu bộ – Sarvāsativāda

Thời kỳ Nhất thiết hữu bộ, trong kinh luật, hình thức ngồi nhón gót đã biến tướng thành trường quỳ, quỳ đất hay quỳ đứng nhón gót, quỳ bình thân. Ví dụ:

– Luật tạng, phần Nghi thức xuất gia:

* Nếu không có vị trưởng lão, cũng nên mặc y cho, bảo trường quỳ, chắp tay…

《 若無和尚應與衣著。教長跪合掌。戒師應教。》[72]

– Luật tạng, phần nghi thức Tự Tứ:

* Mọi người bắt đầu ngồi dậy, quỳ gối trên nền theo thứ tự. Nếu người hành Tự tứ là trưởng lão, nên đứng dậy từ chỗ ngồi, đắp y chừa vai phải, nói với vị thứ hai rằng “Đại đức, hôm nay là ngày Tự tứ”; sau đó vị thứ hai đứng dậy từ chỗ ngồi, đắp y chừa vai phải, quỳ gối, chắp tay. Vị trưởng lão nói rằng “Đại đức nên biết, hôm nay là ngày Tự tứ của Tăng. Tôi tên này, xin Tự tứ với Đại đức và với Tăng; nếu thấy, nghe hoặc nghi ngờ sai phạm nào hãy nói cho tôi với lòng bi mẫn, nếu tôi nhận ra lỗi lầm sẽ sửa chữa đúng pháp.

《 一切從坐起[跳-兆+互]跪地。若作自恣人是上座。應從坐起偏袒著衣曲身。應語第二上座。長老。今日自恣來。是時第二上座。從坐起偏袒著衣[跳-兆+互]跪兩手捉上座足應如是語。長老憶念。今僧自恣日。我某甲比丘長老僧自恣語。若見聞疑罪語我。憐愍故。我若見罪。當如法除。》[73]

3.4. Phái Pháp tạng bộ – Dhammagupta

Với Pháp Tạng bộ, hình thức ngồi nhón gót đã biến tướng thành hồ quỳ một cách rõ ràng, không có hình thức lựa chọn khác. Ví dụ:

– Luật tạng, phần nghi thức Tự Tứ:

* Lúc đó, vị trưởng lão đứng dậy từ chỗ ngồi để Tự tứ, trong khi Tăng vẫn ngồi trên toạ cụ để Tự tứ. Phật định: Nếu vị trưởng lão đứng dậy từ chỗ ngồi, hồ quỳ, thì Tăng cũng phải đứng dậy từ chỗ ngồi và hồ quỳ. Sau này, vị trưởng lão Tự tứ xong mà vẫn hồ quỳ cho đến khi tất cả Tăng Tự tứ xong, trưởng lão mệt ngất, chư tỳ khưu bạch Phật. Phật định: Tự tứ xong, cho phép ngồi xuống.

《 時上座離座自恣。一切僧故在座自恣。佛言。若上座離座胡跪。一切僧亦應離座胡跪。時上座自恣竟胡跪。乃至一切僧自恣竟。上座疲極。諸比丘以此事白佛。佛言。聽隨自恣竟復坐。時六群比丘念言。我曹竊語自恣。彼比丘或能為我作羯磨若遮我自恣。》[74]

3.5. Phái Đại chúng bộ – Mahāsaṅghika

Tương tự với các bộ phái kia, hình thức ngồi nhón gót trong Đại Chúng bộ cũng đã biến tướng thành hồ quỳ. Ví dụ:

– Luật tạng, phần Tạp sự, phần nói về Bố Tát:

* Tăng cử hành Bốt Tát, tỳ khưu bệnh gởi Thuận vắng với bạn phòng kế nhưng tỳ khưu bạn không nhận, vị ấy bèn đến tìm vị trưởng lão, cởi bỏ giày dép, hồ quỳ, chắp tay, bạch rằng “Con tên là, con trong sạch, xin ngài nhận biết cho con”, nói vậy 3 lần rồi lui ra.

《 比丘不受。即往至上座前。脫革屣胡跪合 掌作如是言。我某甲清淨僧憶念持。如是三 說已便去。諸比丘心生疑惑以是因緣具白 世尊。得爾不。佛言。善已如法作竟。但不受欲 者。越毘尼罪。[75]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 18

3.6. Quỳ gối hai bên kèm với Đứng lên ngồi xuống

Chủ đề này đáng được bàn đến trong bài nghiên cứu. Ngài Nghĩa Tịnh (Yijing 義淨) ghi chép lại trong quyển Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện, chương 25, nói về Đạo thầy trò, miêu tả tư thế quỳ lạy thông dụng là Quỳ gối hai bên và một kiểu lạy không ở đâu có ngoài Trung Hoa là vừa lạy vừa đứng lên ngồi xuống. Nguyên văn như sau:

* Quy cách kính lễ, phàm thể hiện sự kính trọng với người lớn, khi cung kính xin phép, trước vắt y vai trái, kẹp lề y dưới nách trái cho sát thân hình, tay phải áp sát theo cho kín đáo. Khi y nội dài quá nên kéo lên phía gối, phủ hai gối không để lộ; kéo tà y phía sau lưng vào cho gọn, không để tuột trên nền; (khi quỳ) hai gót chân dựng thẳng, cổ ngay ngắn; (khi lạy) mười ngón tay rải xuống nền rồi mới khấu đầu. Tuy nhiên, không được lót thứ gì dưới gối, lại chắp tay, lại khấu đầu; làm như vậy 3 lần ân cần kính lễ. Bình thường, chỉ làm liên tục một lễ là xong, không đứng dậy giữa các giai đoạn. Dân Tây Trúc thấy lạy mà đứng lên ngồi xuống liên tục 3 lần đều kỳ quái (thấy lạ)!

*《 制底畔睇。凡禮拜者。意在敬上自卑之義也。欲致敬時及有請白。先整法衣搭左肩上。擪衣左腋令使著身。即將左手向下。掩攝衣之左畔。右手隨所掩之衣。裾既至下邊。卷衣向膝。兩膝俱掩勿令身現。背後衣緣急使近身。掩攝衣裳莫遣垂地。足跟雙竪脊項平直。十指布地方始叩頭。然其膝下逈無衣物。復還合掌復還叩頭。慇懃致敬如是至三。必也尋常一禮便罷。中間更無起義。西國見為三拜。人皆怪也。》 [76]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 19

Như vậy, việc quỳ lạy với hai gối sát đất đã rất thông dụng ở vùng Đông Nam Á vào thế kỷ thứ 7. Cách thực hiện vẫn còn y nguyên cho đến bây giờ theo truyền thống Phật giáo Nam tông hay Thượng toạ bộ. Việc ăn mặc y áo của người xuất gia thời ấy cho thấy vùng này chủ yếu theo truyền thống mặc y hở vai bên phải, kín vai trái. Ngoài ra, còn cho thấy cả hình ảnh kẹp y dưới nách nữa, điều này dễ thấy ở Thái, Miến, Lào, Cambodia…

Đặc biệt, hình thức lễ lạy của người Trung Hoa là quá xa với nguồn gốc, không tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu: chính là tư thế đứng lên ngồi xuống liên tục giữa lúc lạy. Không chỉ xảy ra ở Trung Hoa mà còn lan truyền sai lệch đến các nước cùng chung hệ Đại thừa ở Đông Á và Việt Nam về sau, và cho đến hiện tại vẫn còn sử dụng. Như hình minh hoạ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 20

Riêng hình thức nằm lạy toàn thân sát đất kiểu Tây Tạng (Tibet) thì không liên quan đến Ngồi nhón gót nên xin gác qua một bên, không bàn đến. Mặc dù thế lạy này cũng đã được nhắc đến từ thời nhà Đường khi ngài Huyền Trang sang Ấn Độ.

4. Ngồi chồm hổm và Hồ quỳ

Không thấy xuất hiện trong khảo cổ điêu khắc cũng như trong ghi chép của các nhà chiêm bái và du học Ấn Độ qua các thời kỳ. Ví dụ như Đại Đường Tây Vực Ký (大唐西域記), quyển 2 của ngài Huyển Trang, kể ra 9 cách thể hiện sự kính trọng, tôn trọng được sử dụng vào thời đó, cũng không thấy đề cập đến ngồi chồm hổm:

* Thể hiện sự kính trọng có 9 cấp độ: 1. Hỏi thăm sức khoẻ 2. Cúi đầu kính chào 3. Đưa tay cao chào 4. Chắp tay cung kính 5. Quỳ một gối (khuất tất) 6. Quỳ hai gối (trường cứ) 7. Lạy với tay và gối trên nền 8. Lạy ngũ thể đầu địa lễ 9. Lạy toàn thân sát đất. Phàm chín việc này đều phải cung kính. Đây là cái đức cao cả, tận lực cung kính tán thán. Về phía xa hơn nữa thì phải cúi đầu chấp tay. Về phía gần thì chân phải quỳ gối.

《 致敬之式,其儀九等:一發言慰問,二俯首示敬,三舉手高揖,四合掌平拱,五屈膝,六長踞,七手膝踞地,八五輪俱屈,九五體投地。凡斯九等,極唯一拜。跪而讚德,謂之盡敬。遠則稽顙拜手,近則嗚足摩踵。凡其致辭受命,褰裳長跪。》[77]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 21

Thế ngồi nhón gót đã biến tướng thành ngồi xổm, chồm hổm (Ôn quật trúc ca / tồn cứ) và có thể đổi thành thế Hồ quỳ (trường quỵ – còn gọi là Quỳ đứng, Quỳ bình thân). Biến tướng này được sử dụng rộng rãi ở vùng Đông Nam Á vào thế kỷ thứ 7, có thể là xuất hiện sớm hơn trước đó. Thời ấy, nơi này chủ yếu Phật giáo theo truyền thống Căn bản Nhất thiết hữu bộ – Mūlasarvāsativāda, tại Malayu thì có một vài nhóm Đại thừa.

Ngài Nghĩa Tịnh (Yijing 義淨) ghi chép lại trong quyển Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện, chương 9 và 25, miêu tả thế Ngồi chồm hổm và Hồ quỳ giống như hiện tại ta thấy. Tuy nhiên, thế ngồi xổm, ngồi chồm hổm thịnh hành tại Đông Nam Á này lại hoàn toàn không giống thế Ngồi nhón gót mà các dữ liệu cấp 1 và cấp 2 đã trình bày ở các chương trước. Mặc dù nó cùng dịch từ chữ Ukkuṭika mà ra. Xem các trích dẫn sau đây:

Chương 25 nói về Đạo thầy trò:

* Trong Luật nói rằng: trước tiên làm thế Ôn quật trúc ca – nghĩa là ngồi xổm, hai bàn chân đạp đất, hai đầu gối hướng thẳng lên, vun vén y áo không để rơi xuống đất… đây là tư thế thường dùng trong nhận y, tịnh thực, hoặc sám hối đối bạch, kính lễ trước Tăng, sám nguyện, nghi thức xuất gia… đều giống như thế. Hoặc có thể hai gối chấm đất, bình thân lưng thẳng, chắp tay…đây là tư thế chiêm ngưỡng, vọng bái, tán dương. Nhưng kính lễ thực hiện trên sàng toạ, các nước không có, hoặc trải nệm chiếu cũng không thấy có (ngoài Trung Hoa).

《 律云應先嗢屈竹迦。譯為蹲踞。雙足履地兩膝皆竪。攝斂衣服勿令垂地。即是持衣說淨常途軌式。或對別人而說罪。或向大眾而申敬。或被責而請忍。或受具而禮僧。皆同斯也。或可雙膝著地平身合掌。乃是香臺瞻仰讚歎之容矣。然於床上禮拜。諸國所無。或敷氈席亦不見有。》[78]

Chương 9 nói về cách thỉnh mời chư Tăng đến nhà thọ trai:

* Hoặc thí chủ có thể thỉnh mời như đã nói, trong nhà tự thiết trí tượng Phật, đến giờ ngọ hành lễ, (chư Tăng) ngồi xổm chắp tay với tâm thanh tịnh, hành lễ xong rồi độ ngọ như trước. Hoặc có thể bảo một người đến trước tôn tượng, trường quỳ, chắp tay tán dương Phật (nói Quỳ đứng chắp tay nghĩa là hai gối chấm đất, hai chân dựng đứng, thân thẳng, xưa nói hồ quỳ là sai, nhưng ở Ngũ Thiên đều vậy, đâu chỉ riêng Hồ đạo).

《或可施主延請同前。於其宅中形像預設。午時既至普就尊儀。蹲踞合掌各自心念。禮敬既訖食乃同前。或可別令一人在尊像前長跪合掌大聲讚佛 ( 言長跪者。謂是雙膝踞地。竪兩足以支身。舊云胡跪者。非也。五天皆爾。何獨道胡 ) 》[79]

Bản dịch Hán văn của chính ngài Nghĩa Tịnh về Luật tạng Mūlasarvāsativāda, chương nói về các phận sự chiếu thuận theo Luật, đáng lưu ý là có lẽ bị ảnh hưởng bởi phong tục của Đông Nam Á nên dùng từ Ngồi xổm:

* Nên đến chỗ tỳ khưu bệnh, ngồi xổm, chắp tay, rồi hành Bố Tát, nhận Thuận vắng.

《 應到病苾芻邊蹲踞合掌具威儀已如長淨法與其欲。》[80]

Qua các ghi chép và bản dịch trên, chúng ta có thể nhận định chắc chắn rằng, trong phong tục Phật giáo thời ấy có hai tư thế được sử dụng với mục đích nghi lễ khác nhau:

+ Ngồi chồm hổm, ngồi xổm với hai bàn chân sát đất, hai đầu gối hướng lên, áp sát mình chỉ có ở Đông Nam Á.

+ Quỳ bình thân, Trường quỳ hay Hồ Quỳ chính là Quỳ gối một bên hoặc Quỳ gối hai bên được dùng rộng khắp trên 5 miền Ấn Độ, Tây Vực không riêng xứ Hồ, và cả Đông Nam Á, Trung Hoa trong thế kỷ thứ 7. Riêng Hồ quỳ mà thực hiện trên sàng toạ, nệm chiếu lại chỉ có ở Trung Hoa! Ở cuối chương 25 còn chỉ trích rằng: Trung Hoa quen giường cao chiếu rộng mới ngồi, tuy là tuỳ thời lập nghi nhưng nguồn gốc thì cần phải biết!

KẾT LUẬN

1. Ngồi chồm hổm

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 22

– Là oai nghi xấu

Thế ngồi chồm hổm như hiện tại chúng ta thấy là không nên dùng. Lý do là thế ngồi này xấu, nó giống với thế ngồi của người nghèo đói bần hàn bên lề đường, người bán cá giữa chợ, người đi vệ sinh… Nó còn tương tự với tư thế “ngồi ôm gối” mà Phật cấm trong Ưng học pháp điều 26 (Phẩm Khambhakata, điều 6), như sau:

* Phật định: “Ta sẽ không ngồi ở nơi xóm nhà với sự ôm đầu gối” là học giới nên được thực hành.

Phân tích: Không nên ngồi ở nơi xóm nhà với sự ôm đầu gối. Vị nào ngồi ở nơi xóm nhà với sự ôm đầu gối bằng tay hoặc ôm đầu gối bằng miếng vải do không có sự tôn trọng (học giới) thì phạm tội Tác ác (dukkaṭa).

* “Na pallatthikāya antaraghare nisīdissāmīti” sikkhā karaṇīyāti.

Na pallatthikāya antaraghare nisīditabbaṃ. Yo anādariyaṃ paṭicca hatthapallatthikāya vā dussapallatthikāya vā antaraghare nisīdati, āpatti dukkaṭassa.[81]

– Là thói quen của vùng Đông Nam Á

Theo chứng cứ lịch sử và ghi chép của ngài Nghĩa Tịnh, từ thế kỷ thứ 7, tư thế Ngồi chồm hổm với kiểu hai bàn chân sát đất, hai đầu gối hướng lên, đùi sát ngực chỉ có ở Đông Nam Á. Khác xa với định nghĩa của Ukkuṭika trong Tam Tạng Pāli và Chú giải (xem lại định nghĩa về Ngồi nhón gót ở phần II, mục 1). Không hề tìm thấy các công trình nghệ thuật điêu khắc và chứng tích khảo cổ nào thể hiện thế ngồi ấy. (xem lại mục Khảo cổ chứng minh).

– Không có trong văn bản tiêu chuẩn

Không tìm thấy định nghĩa hay giải thích nào phù hợp với tư thế ngồi chồm hổm trong Tam tạng Pāli, Sanskrit hay Hán văn. Có thể xem Ngồi chồm hổm là một biến tướng gần giống với Ngồi nhón gót, tuy vẫn khác hai điểm quan trọng là gót không nhón và đùi không song song mặt đất.

2. Ngồi nhón gót

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 23

Ngồi nhón gót là thế ngồi được thực hiện như sau: Người ấy trong tư thế đứng, hạ mình xuống đồng thời hai gót chân nhón dần lên, cho đến khi hai đùi chạm hai bắp chân, hai cùi chỏ đặt trên hai đầu gối, giữ thăng bằng và chắp tay.

Là oai nghi nguyên thuỷ; là tư thế phổ biến trong cộng đồng người xuất gia; là hình thức phù hợp với mọi môi trường xung quanh dù nền dơ hay sạch; là tư thế rất gọn gàng ngăn nắp… Tuy nhiên, vì là một trong những tư thế tương đối khó khăn để chứng tỏ sự hy sinh cung kính nên không thể ngồi nhón gót như vậy trong thời gian lâu được. Điều này khiến các tông phái Phật giáo đời sau tránh né và dùng các tư thế khác thay, hoặc dùng các biến tướng khác do ảnh hưởng theo thời gian và văn hoá vùng miền. Có thể phát hoạ sự thay thế và sử dụng biến tướng của tư thế Ngồi nhón gót như sau:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu the ngoi chom hom 24

3. Góp ý xây dựng

Không nên sử dụng tư thế “ngồi chồm hổm” như cách hiểu và dùng của người xuất gia hiện nay. Chỉnh sửa về lại tư thế gốc của nó là “ngồi nhón gót”. Đồng thời, các bản dịch tiếng Việt hay Từ điển cũng nên đính chính và sử dụng cụm từ “ngồi nhón gót” cho từ gốc là Ukkuṭika. Việc làm này sẽ có lợi ích thiết thực và làm cho người đọc không bị hiểu nhầm sang các ý nghĩa không đẹp mắt; mặt khác lại giúp giữ nguyên ý nghĩa, gần với bản gốc nguyên thuỷ.

Không nên sử dụng tư thế “quỳ gối một bên” vì tư thế này không hề thấy sử dụng trong Tăng chúng thời nguyên thuỷ, nó chỉ sử dụng với người đời. Cũng không nên sử dụng biến tướng của nó là Hồ quỳ (quỳ gối một bên đồng thời ngồi lên gót) vì nó biểu hiện quá rõ ảnh hưởng của đạo Bà la môn – Hindu.

Cũng không nên quá lạm dụng “quỳ gối hai bên, quỳ gối ngồi gót, hay quỳ lạc đà” hay quỳ lạy kèm với đứng lên ngồi xuống liên hồi trong cộng đồng tu sĩ và Phật tử, như ngài Nghĩa Tịnh đã phê bình. Để rồi quên đi tư thế gốc Phật định.

Đệ tử Phật là Ariyaka – noi gương bậc Thánh – là đại diện của sự văn minh, thanh lịch và cả tự do giải thoát trong tất cả oai nghi đi đứng ngồi nằm. Một đời sống ngay thẳng, tự giác, vượt ra ngoài cầu khấn van xin nên cũng không cần phải sáng tạo ra thêm tư thế khác để thể hiện sự hối cãi, xin xỏ thần linh nào cả. Cũng không cần thể hiện mình nhỏ bé yếu ớt qua cách quỳ lạy trước các sức mạnh tha lực huyền bí.

Minh Kiến – Dhammaghosa, Visākha, Bangkok 2021

———————————-

CHÚ THÍCH

[1] Vi/Ma.1/[118; 139]. Luật tạng/Đại phẩm.1/[118; 139]
[2] Vi/Ma.1/[100]. Luật tạng/Đại phẩm.1/[100]
[3] Vi/Ma.1/[186]. Luật tạng/Đại phẩm.1/[186]
[4] Vi/Bhik.2/[4-6; 12; 121]. Luật tạng/Phân tích tỳ khưu.2/[4-6; 12; 121]
[5] Vi/Bhik.2/[106]. Luật tạng/Phân tích tỳ khưu.2/[106]
[6] Vi/Ma.1/[80]. Luật tạng/Đại phẩm.1/[80]
[7] Vi/Ma.1/[92]. Luật tạng/Đại phẩm.1/[92]
[8] Vi/Ma.1/[181; 182; 229]. Thuận vắng – Chandaparisuddhi: xin vắng mặt và đồng thuận với quyết định của Tăng (nếu có) trong Tăng sự và Bố tát, Tự tứ.
[9] Vi/Ma.1/[227]. Luật tạng/Đại phẩm.1/[227]
[10] Vi/Bhik.1/Verañ/[13] &Att. Khu/Ma/[699] &Att/[Tuvaṭakasutta]. Khu/Pa/[257] &Att/[Dibbacakkhu].
[11] Dī/Pā/[5] &Att/[12]. Trường bộ/Phẩm Ba lê/[5] &Chú giải/[12]
[12] Vi/Bhik.1/[502]. Luật tạng/Phân tích tỳ khưu.1/[502]
[13] Vi/Bhik.2/[11; 87; 132]. Luật tạng/Phân tích tỳ khưu.2/[11; 87; 132]
[14] Vi/BhiNi/[372-6]. Luật tạng/Phân tích tỳ khưu ni/[372-6]
[15] Vi/BhiNi/[416]. Luật tạng/Phân tích tỳ khưu ni/[416]
[16] Vi/Ma.1/[100]. Luật tạng/Đại phẩm 1/[100]
[17] Vi/Ma.1/[185]. Luật tạng/Đại phẩm 1/[185]
[18] Vi/Ma.2/[499] &Att. Luật tạng/ Đại phẩm 2/[499] &Chú giải.
[19] Saṃ/Sa/[44] &Att/[20]. Tương ưng/Hữu kệ/[44] &Chú giải/[20].
[20] Khu/Apa/[78#26]. Tiểu bộ/Ký sự/[78#26].
[21] Khu/Apa/[87#32]. Tiểu bộ/Ký sự/[87#32]
[22] Dī/Ma/[20] &Att. Trường bộ/Đại phẩm/[20] &Chú giải.
[23] Dī/Ma/[247] &Att. Trường bộ/Đại phẩm/[247] &Chú giải.
[24] Ma/Mū/[554] &Att/[504]. Trung bộ/Căn bản/[554] &Chú giải/[504].
[25] Aṅ/Eka/[147] &Att/[203]. Khu/Apa/[543] &Att/[123]. Tăng chi/Một chi/[147] &Chú giải/[203]. Tiểu bộ/Ký sự/[543] &Chú giải/[123].
[26] Khu/Jā/[600] &Att. Tiểu bộ/Bổn sinh/[600] &Chú giải.
[27] Khu/Dha/[36#383] &Att/[33]. Tiểu bộ/Pháp cú/[36#383] &Chú giải/[33].
[28] Khu/Su/[294] &Att/[5]. Tiểu bộ/Kinh tập/[294]. &Chú giải/[5].
[29] Khu/Theri/[448#10] &Att. Tiểu bộ/Ni kệ/[448#10] &Chú giải. Từ gạch chân, có thể là paṭinisajjāya / sampatinipajja.
[30] Dī/Ma/[23] &Att. Trường bộ/Đại phẩm/[23] &Chú giải.
[31] Lo Mvu 20/i 193–215: Ed. By Émile Senart, 3 vols., Paris 1882–1897. https://suttacentral.net/san-lo-mvu20/san/senart
[32] 摩訶僧祇律 威儀法 https://suttacentral.net/lzh-mg-asc3/lzh/taisho
[33] 摩訶僧祇律 威儀法 https://suttacentral.net/lzh-mg-asc3/lzh/taisho
[34] Vi/Bhik.2/[824]. Luật tạng/Phân tích tỳ khưu.2/[824]
[35] Vi/Cu.2/[425; 427; 429]. Luật tạng/Tiểu phẩm 2/[425; 427; 429].
[36] Vi/Pari/[191; 411]. Luật tạng/Tạp sự/[191; 411].
[37] Vi/Bhik.2/[824] &Att. Luật tạng/Phân tích Tỳ khưu.2/[824] &Chú giải.
[38] San Sarv Bu Pm Tf11 Sk28
[39] Lzh Sarv Bu Vb Sk28: https://suttacentral.net/lzh-sarv-bu-vb-sk28/lzh/taisho
[40] Lzh Dg Bu Vb Sk11: https://suttacentral.net/lzh-dg-bu-vb-sk11/lzh/taisho
[41] San Mg Bu Pm Sk9: http://www.dsbcproject.org/canon-text/content/90/744
[42] Lzh Mg Bu Vb Sk9: https://suttacentral.net/lzh-mg-bu-vb-sk9/lzh/taisho
[43] Dī/Sī/[266]. Trường bộ/Giới phẩm/[266].
[44] Aṅ/Tika/[596#157]. Tăng chi/Ba chi//[596#157].
[45] Khu/Dha/Daṇḍa/[141]. Tiểu bộ/Pháp cú/Phẩm hình phạt/[141]
[46] Khu/Jā/[65]. Tiểu bộ/Bổn sinh/[65].
[47] Khu/Nid.1/[810]. Tiểu bộ/Đại diễn giải/[810]
[48] Khu/Dha/Bud/[24#179]&Att. Tiểu bộ/Pháp cú/Phẩm Phật/[24#179] &Chú giải.
[49] Dī/Pā/[136] &Att[206]. Trường bộ/Phẩm Ba lê/[136] &Chú giải/[206].
[50] Dī/Pā/[145] &Att[214]. Trường bộ/Phẩm Ba lê/[145] &Chú giải/[214].
[51] Vi/Ma.1/[08]. Saṃ/Sa/[356]. Aṅ/Catu/[21]. Dī/Ma/[44]. Luật tạng/Đại phẩm1/[08]. Tương ưng/Hữu kệ/[356]. Tăng chi/Bốn chi/21]. Trường bộ/Đại phẩm/[44].
[52] Saṃ/Sa/[948]. Tương ưng/Hữu kệ/[948]
[53] Saṃ/Sa/[355]. Tương ưng/Hữu kệ/[355]
[54] Aṅ/Duka/[282#38]. Aṅ/Pañ/[194]. Tăng chi/Hai chi/[282#38]. Tăng chi/Năm chi/[194].
[55] Dī/Ma/[231] &Att/[231]. Trường bộ/Đại phẩm/[231] &Chú giải/[231].
[56] 《四分律》受戒揵度一 https://suttacentral.net/lzh-dg-kd1/lzh/taisho
[57] http://www.dsbcproject.org/canon-text/content/89/743
[58] https://dsbcproject.org/canon-text/content/782/2910
[59] Xem thêm: https://suttacentral.net/divy
[60] 《 摩訶僧祇律》比丘跋渠 – 布薩
https://suttacentral.net/lzh-mg-bu-pn4/lzh/taisho
[61] 《 釋門歸敬儀》
[62] Xem thêm: https://m.liaotuo.com/foxue/changshi/160348.html
[63] https://www.wisdomlib.org/definition/utkutikasana
[64] M. A. Dorai Rangaswamy. The Religion and Philosophy of Tevaram (Thevaram). 1958.
[65] Khu/Jā/Ma/[600] &Att. Tiểu bộ/Bổn sinh/[600] &Chú giải.
[66] Khu/Apa/[338#59; 344#15; 440#444]. Tiểu bộ/Ký sự/[…]
[67] Aṅ/Pa/[162] &Att. Tăng chi/Năm chi/[162] &Chú giải.
[68] Khu/Theri/[447] &Att/[111]. Tiểu bộ/Ni kệ/[447] &Chú giải/[111].
[69] http://www.dsbcproject.org/canon-text/content/825/2954
[70] https://read.84000.co/translation/toh1-1.html
[71] http://www.dsbcproject.org/canon-text/content/725/2853
[72] 《十誦律》受具足戒法 https://suttacentral.net/lzh-sarv-kd1/lzh/taisho
[73] 《十誦律》自恣法 https://suttacentral.net/lzh-sarv-kd3/lzh/taisho
[74] 《四分律》自恣揵度 https://suttacentral.net/lzh-dg-kd4/lzh/taisho
[75] 《 摩訶僧祇律》比丘跋渠 – 布薩
https://suttacentral.net/lzh-mg-bu-pn4/lzh/taisho
[76] 《南海寄歸内法傳》二十五師資之道
[77] 《 大唐西域記》 卷第二 https://cbetaonline.dila.edu.tw/zh/T2087_002
[78] 《南海寄歸内法傳》二十五師資之道. Ôn khuất trúc ca là phiên âm của Ukkuṭika.
[79] 《南海寄歸内法傳》九受齋軌則. Ngũ Thiên là 5 miền Ấn Độ. Hồ đạo ám chỉ người xứ Hồ Điền hay Vu Điền ở Tây vực.
[80] 《根本説一切有部》毘奈耶隨意事
https://www2.hf.uio.no/polyglotta/index.php?page=fulltext
[81] Vi/Bhik.2/[825]. Luật tạng/Phân tích Tỳ khưu.2/[825].

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường