Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Sa môn Thích Trí Hải – bậc danh tăng lớn của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX

Sa môn Thích Trí Hải – bậc danh tăng lớn của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, bao nghịch duyên từ trong ra ngoài nhưng với giới đức tinh nghiêm, đạo hạnh thanh tịnh và thệ nguyện sâu rộng, Sa môn Trí Hải đã luôn dấn thân trọn vẹn với lý tưởng nhập thế, đem đạo vào đời, với tinh thần tùy duyên bất biến, trụ vào nơi vô trụ. Ngài quả thật là một tấm gương sáng, một bậc chân tu sáng ngời đạo hạnh.

Chúng ta thực lòng kính quý Sa môn Trí Hải. Ngài là một trong những bậc cao tăng thạc đức của Phật giáo Việt nam. Ngài dành cả cuộc đời tu hành phục vụ Đạo pháp và Nhân sinh. Ngài sống trong bản tâm thanh tịnh, không nhân ngã, bỉ thử, hơn thua. Chỉ chừng đó thôi, là hàng hậu học chúng con xin kính nguyện, học trọn cả một đời tu hành!

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2019 Sa mon Tri Hai 1

Nhớ về Sa môn Trí Hải là nhớ về công cuộc Chấn hưng Phật giáo ở thể kỷ XX

Ngay lúc còn là Sa di (Sư bác), dù tuổi đời còn trẻ – 19 tuổi,

khi thấy thực trạng xuống cấp của Phật giáo, Sa môn Trí Hải đã khát nguyện hoài bão chấn hưng Phật giáo.

Chấn hưng? Hành trình đầy gian khó, được xây dựng từ hình ảnh “cũng như con cá dưới sông, càng bị ngược dòng nước càng cố tiến lên, việc khó mới là việc của những người có chí lớn”.

Sa môn đã cùng với các cộng sự là những cư sĩ đạo hạnh, tâm nguyện, tài đức đoàn kết chặt chẽ với các tăng sĩ để thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ vào cuối năm 1934. Từ đó, công cuộc chấn hưng Phật giáo trên khắp ba miền đất nước được khởi động và tỏa hương chính pháp.

Năm 1951, Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập tại Huế, Sa môn Trí Hải được suy bầu làm Phó Hội chủ.

Năm 1952, Giáo hội Tăng già Việt Nam được thành lập, Sa môn Trí Hải là Trị sự trưởng. Khi đó, Ngài mới 46 tuổi. Không chỉ thành tâm giúp ích cho đạo mà Sa môn Trí Hải còn nhiệt thành đóng góp cho công tác từ thiện như nuôi trẻ mồ côi, cứu đói năm 1945 – nạn đói kinh khủng nhất trong lịch sử Việt Nam. Khi Chính phủ Lâm thời thành lập, Ngài được mời làm Cố vấn cho ông Nguyễn Văn Tố – Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1954, đất nước bị chia hai theo Hiệp định Genève, Sa môn Thích Trí Hải quyết tâm ở lại miền Bắc với những người đồng đạo, đồng bào của mình, xây dựng ngôi chùa Phật giáo tại Hải Phòng. Đó cũng là một nhân duyên ấn định, Ngài đã có sự gắn bó với Phật giáo Hải Phòng đến những ngày cuối cùng của cuộc đời tu hành.

>> Đọc thêm bài: Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám (1897 – 1969) Tấm gương sáng phục vụ Đạo pháp và xã hội

Đóng góp trên các lĩnh vực văn hóa, mỹ thuật, hội họa, thơ ca

Trong những năm tháng tu học tại Tổ đình Tế Xuyên, Sa môn Trí Hải đã chuyển tải giáo lý Phật qua thơ lục bát để dạy cho nhân dân phật tử trong làng học mỗi khi họ ra chùa lễ Phật. Vì thế, ngày nay nhân dân vẫn còn nhớ rất nhiều bài thơ do Sa môn Trí Hải làm để dạy phật tử qua cách truyền khẩu, dễ nhớ, dễ thuộc. Thích Trí Hải rất có năng khiếu hội họa. Theo Hòa thượng Thích Tâm An thì bức ảnh truyền thần thủy mặc Tổ Phổ Tụ đang tôn thờ tại Tổ đình Tế Xuyên chính do Sa môn Trí Hải trực tiếp vẽ chân dung Tổ với sự khen ngợi chính xác của nhiều người đương thời. Sa môn Trí Hải còn là một người giỏi về kiến trúc mỹ thuật, ngôi Đại hùng bảo điện chùa Quán Sứ ngày nay chính do Ngài vẽ mẫu để các kiến trúc sư thực hiện.

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2019 To dinh Te Xuyen Ha Nam

Sa môn Trí Hải có hơn 200 bài báo đăng trên các báo Đuốc Tuệ, Tinh Tiến, Phương Tiện và hơn 40 tác phẩm và dịch phẩm như thơ lục bát, song thất lục bát v.v…, Sa môn diễn giải một cách tài tình giáo lý của đức Phật, đạo đức Phật giáo như Tâm chúng sinh, Truyện Phật Thích Ca, Phật học ngụ ngôn, Gia đình giáo dục… làm cho người đọc dễ hiểu, dễ tiếp thu và tự nguyện làm theo. Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam của Sa môn Trí Hải là một cuốn Hồi ký lịch sử quý giá duy nhất trong thư tịch Phật giáo Việt Nam, giúp cho đàn hậu tấn hiểu rõ hơn về công cuộc chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc qua ngòi bút chân thực của một chứng nhân lịch sử. Phật giáo nhân gian đại cương, Phật giáo Việt Nam, Phật giáo vấn đáp là những tác phẩm thể hiện tâm huyết xây dựng một nền Phật giáo nhập thế của Sa môn Trí Hải.

Trong số đó, có những bản Sa môn dịch theo đề nghị của Viện Triết học cách nay 40-45 năm như: Khóa hư lục, Phật giáo triết học, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là những tài liệu quý đối với những người nghiên cứu triết học Phật giáo.

Bản dịch Khoá Hư Lục: Đây là tác phẩm của Thái Tông Hoàng Đế gồm quyển Thượng 84 trang và quyển Hạ 34 trang đánh máy chữ nhỏ, khổ sách 19x27cm và hoàn thành ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Tý (1972).

Bản dịch Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh: Đây là tác phẩm của Ngô Thì Nhậm (1746-1803) viết vào khoảng cuối đời của mình. Sa môn Trí Hải đã biên dịch và chú giải như đã dịch và chú giải tác phẩm Khoá Hư Lục. Đến năm 1978, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành, phổ biến. Từ đó, chúng ta có bản in tiếng Việt TRÚC LÂM TÔNG CHỈ NGUYÊN THANH.

Bản dịch Phật giáo Triết học: Đây là tác phẩm của tác giả Nhật Bản Tiểu Dã Thanh Tú. Bản dịch này dày đến 180 trang đánh máy chữ nhỏ do Sa môn Trí Hải thực hiện. Nguyên văn chữ Hán do Thương vụ ấn thư Thượng Hải xuất bản tháng 12- 1925 và tái bản tháng 7-1928.Tác phẩm này, Sa môn Trí Hải dịch xong trong năm 1971.

Gắn bó với Tùng Lâm Quán Sứ

Một trong những lần về Hà Nội để lo việc in ấn kinh sách, tới thăm chùa Quán Sứ, Sa môn Thích Trí Hải được nhà sư trụ trì, Ni sư Nguyễn Thị Đoan, cho biết Đốc lý thành phố Hà Nội muốn biến khu vực chùa Quán Sứ thành một vườn hoa công cộng. Sư trụ trì và dân làng An Tập (nơi tọa lạc chùa Quán Sứ) sẵn sàng cúng chùa cho Phật Học Tùng Thư để có nơi làm việc trên đất Hà Thành nếu nhóm có cách nào đó giữ lại chùa Quán Sứ.

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2019 Tung Lam Quan Su Ha Noi

Năm 1934, Sa môn tiếp nhận chùa Quán Sứ, và từng bước sau đó Sa môn đã đứng ra tái thiết lại toàn bộ ngôi chùa Quán Sứ với qui mô và kiến trúc mới. Từ một ngôi chùa nhỏ, Quán Sứ đã trở thành ngôi chùa có đủ cả nhà in, trường học, xuất bản được kinh sách báo chí…

Phật Học Tùng Thư đem việc giữ chùa Quán Sứ bàn với một số tăng sĩ, cư sĩ và nhà Phật học nhiệt tâm với công cuộc chấn hưng Phật giáo. Mọi người đều nhất trí tán thành việc nhận lại và tái thiết chùa Quán Sứ. Nhờ sự giúp đỡ của Lê Toại, tháng 3 năm 1934, mọi giấy tờ nhượng chùa đã làm xong. Nội dung giấy nhượng chùa ghi rõ: ủy quyền cho Lê Dư làm quản lý chùa Quán Sứ; mời sư Trí Hải làm trụ trì trông coi mọi việc chùa Quán Sứ để mở mang Phật giáo; kỳ hạn của việc trông coi là 6 năm; nếu hết kỳ hạn 6 năm mà không làm thành việc gì thì phải trả lại chùa.

Vào ngày lễ Phật Đản mùng 8 tháng 4 năm Giáp Tuất (1934), Thích Trí Hải chính thức làm lễ nhập tự, cũng là ngày Phật Học Tùng Thư chuyển về chùa Quán Sứ, Hà Nội. Từ đây, hằng tuần, nhất là vào buổi tối và ngày nghỉ, chùa Quán Sứ là nơi tụ hội của các tăng sĩ, cư sĩ, các nhà Phật học bàn việc thành lập Hội Phật giáo.

Khi thời cơ đã chín muồi, ngày 15 tháng 7 năm Giáp Tuất, nhân tổ chức lễ Trung Nguyên, Phật Học Tùng Thư mời các nhà Phật học, cư sĩ nổi tiếng như Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Trọng Thuật,… cùng các danh tăng có tư tưởng chấn hưng Phật giáo như Tổ Trung Hậu (Hoà thượng Thanh Ất), Tổ Tế Cát (Hoà thượng Phổ Hài) đến chùa Quán Sứ họp thông qua bản Dự thảo Điều lệ, Nội quy,… Cuộc họp cũng bầu Ban Trị sự Lâm thời và bàn thảo việc mời người làm Hội trưởng. Sau nhiều thảo luận, hội nghị tán thành mời Tổng đốc trí sĩ Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng. Sau khi nhận lời làm Hội trưởng, ông Nguyễn Năng Quốc thay mặt làm đơn xin phép thành lập Hội Phật giáo gửi lên chính quyền.

Ngày 16 tháng 11 năm 1934, với sự kiện Thống sứ Bắc Kỳ Auguste Tholance ký Nghị định số 4283 cho phép thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ, hội quán đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, là niên điểm chấm dứt 10 năm khởi xướng và vận động chấn hưng Phật giáo do Sa môn Thích Trí Hải và những nhà sư chí nguyện đã kiên trì vượt qua nhiều gian khó thực hiện và đã đạt được thành công bước đầu như mong muốn.

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2019 Moc ban chua Quan Su

Lời kết

40 năm, Sa môn Trí Hải đã “đi xa” về cõi Niết bàn, nhưng như vẫn còn đây, trong chúng ta hình ảnh một vị chân tu, đạo hạnh, giàu đức độ, từ bi, hỉ xả.

Sa môn Trí Hải đã đóng góp cho Phật giáo nước nhà nhiều lĩnh vực, phương diện: Từ mỹ thuật, hội họa, thơ ca Phật giáo đến trước thuật, biên dịch các tác phẩm văn vần, văn xuôi, kinh sách dịch và một số tài liệu quý báu khác. Đặc biệt, là những đóng góp cho công cuộc chấn hưng Phật giáo.

Sa môn Thích Trí Hải đã ôm ấp hoài bão chấn hưng Phật giáo, làm sao cho Phật giáo Việt Nam trở thành một tôn giáo chính tín, đem lại lợi ích thiết thực cho quần sinh. Cả một đời dấn thân tu hành vì đạo pháp, Sa môn là bậc danh tăng lớn của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX.

Tác giả: Hòa thượng Ts Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội

Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 7/2019

————————————

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
– Lời Giới thiệu cuốn Kỷ yếu Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải, tái bản lần thứ nhất của Thành hội Phật giáo Hải Phòng, NXB. Tôn Giáo, tháng 6 năm 2009. (2) Thích Bảo Nghiêm: Tham luận tại Hội thảo về Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải tại Hải Phòng, xem sách đã dẫn. (3) Xem Lời Giới thiệu và tham luận của Nguyễn Đại Đồng, sách đã dẫn. (4) Xem Lời Giới thiệu sách đã dẫn. (5) Xem Phật học ngụ ngôn và Gia đình giáo dục của Sa môn Trí Hải, NXB. Tôn Giáo, 2009. (6) Xem “Hoài cảm”, của Sa môn Trí Hải trong sách Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha của Nguyễn Đại Đồng, NXB. Tôn Giáo năm 2008. (7) Xem Tham luận của Đinh Thế Hinh, sách Kỷ yếu – – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải, NXB. Tôn Giáo, tái bản lần thứ nhất, tháng 6 năm 2009. (8) Xem sách đã dẫn.
– Nguyễn Lang. ViệtNam Phật giáo sử luận. Tập III. Nxb Văn học. Hà Nội 1994.
– Thích Đồng Bổn (chủ biên). Tiểu sử Danh tăng Việt Nam thế kỷ XX. Tập 1. Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. 1995.
– Trần Thái Tông (Đào Duy Anh giới thiệu, phiên dịch và chú giải). Khoá Hư Lục. Phụ: Thơ Tuệ Trung thượng sĩ. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội 1974, tr. 11.
– Ban Hán Nôm. Thơ văn Ngô Thì Nhậm. Tập I: Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1978. tr 10. Tiểu sử Danh tăng Việt Nam. Sđd, tr. 595
Pgs.Ts. Chương Thâu, Viện Sử Học

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường