Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Quan niệm về nhân quả trong triết học Phật giáo

Quan niệm về nhân quả trong triết học Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

PGS TS Triết học Nguyễn Đức Diện
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/20121

Tóm tắt:
Người Việt thường trong đời sống thường đề cập đến nhân quả, “giới”, (theo quan niệm của đạo Phật) như một xu hướng, một triết lý sống. Tuy nhiên, để hiểu đầy đủ ý nghĩa của vấn đề này thì không phải ai cũng thấu hiểu. Phật giáo vào nước ta đã trải qua nhiều chuyển biến, thăng trầm: từ ngoại lai đến bản địa, từ một vùng đến nhiều vùng, từ ít người tin theo đến đa số người tin kính, ngưỡng mộ, từ thô sơ đơn giản đến sâu sắc, bề thế. Quá trình đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo đã để lại nhiều dấu ấn trong đời sống xã hội, có thể nhận thấy từ tín ngưỡng đến văn hoá, từ thế giới quan đến nhân sinh quan, từ tư tưởng đến tình cảm. Văn hóa Phật giáo đã thấm đẫm trong đạo đức, trong lối sống của người Việt. Tương tác giữa tư tưởng của Phật giáo với văn hóa dân tộc ngày càng in đậm trong các sinh hoạt xã hội. Những tư tưởng về quan hệ nhân quả của Phật giáo có giá trị tích cực về thế giới và nhân sinh. Để hiểu rõ về triết lý nhân quả, tác giả làm sáng tỏ Quan niệm về nhân quả trong triết học Phật giáo và ý nghĩa.
Từ khóa: Nhân quả, Tuệ Trung, giác ngộ, Phật giáo,
Phân loại ngành: Triết học

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2021 Quan niem ve nhan qua trong triet hoc Phat giao 1

1. Quan niệm của Phật giáo về nhân quả

Phật giáo là trường phái triết học – tôn giáo điển hình thuộc phái không chính thống và có ảnh hưởng rộng rãi, lâu dài trên phạm vi thế giới. Đặc biệt với sự xuất hiện của Đại thừa giáo, Phật giáo có bước phát triển mới, vượt ra khỏi biên giới Ấn Độ rồi có mặt ở nước ta. Nguyên nhân của hiện tượng trên là do Phật giáo du nhập vào các quốc gia một cách hòa bình và bình đẳng, văn hóa Phật giáo không phân biệt đẳng cấp, chủng tộc, dân tộc. Khác với Phật giáo, tôn giáo Bà la môn, chịu ảnh hưởng sâu đậm tính đẳng cấp và giai cấp, thành kiến chủng tộc (người Bà la môn gọi những người không thuộc chủng tộc Aryan là mọi đen!). Sự có mặt của Phật giáo đã ảnh hưởng sâu rộng đến phong tục, tập quán và hoàn cảnh lịch sử – chính trị của dân tộc Việt Nam. Một trong những ảnh hưởng tích cực có giá trị về nhận thức và thực tiễn là quan niệm về mối quan hệ giữa nhân với quả. Vậy, quan hệ nhân quả là gì?

Theo quan niệm của nhà Phật, thuật ngữ “nhân quả” được hiểu: “Nhân là cái năng sinh, quả là cái sở sinh. Có nhân ắt có quả, có quả ắt có nhân. Đó là lý nhân quả. Phật giáo coi lý này thông suốt cả ba đời (quá khứ, hiện tại, tương lai) mà thuyết về sự báo ứng của thiện ác” [1, tr.972]. Theo Kinh Quán Vô Lượng Thọ, chỉ quán, q.5: “Chuốc quả là nhân, Thu được là quả” [2, tr.972]. Quan niệm về mối quan hệ nhân quả là một trong những giáo lý cơ bản của Phật giáo. Giữa nhân và quả có quan hệ chặt chẽ với nhau, khiến cho không nhân nào lại không có quả, không quả nào lại không bắt nguồn từ nhân. Phật giáo cho rằng, mọi sự vật trong thế giới đều dựa vào nhân quả mà sinh diệt vô thường. Nguyên nhân dẫn đến khổ của con người là do ý thức (do nhận thức) chứ không phải do điều kiện vật chất, mà trước hết bắt đầu từ: 1, ái dục (ham muốn) -> 2, vô minh (không sáng suốt) -> 3, tham, sân, si (lòng tham, sự giận dữ, sự ngu dốt) thúc đẩy tạo thành vọng -> 4, dục vọng -> 5, vọng tạo thành nghiệp (dục vọng biểu hiện thành hành động gọi là nghiệp), nghiệp xấu -> 6, khiến con người phải nhận lấy hậu quả của nó (qủa khổ). Theo luật nhân quả, nghiệp báo cứ luẩn quẩn trong vòng luân hồi không thoát ra được. Vậy làm thế nào để thoát khổ? Xuất phát từ quan niệm bản thể Không, Phật giáo chỉ ra phương pháp diệt khổ (giải thoát những đau khổ tinh thần nơi trần thế cho con người), đó là thực hành Tam học (giới, định, tuệ). Giữa giới, định, tuệ có quan hệ biện chứng với nhau khiến cho quá trình giác ngộ không thể bỏ qua bất cứ một “bước” nào, trong đó định (thiền định) đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Con người sinh ra trong thế giới vô thường lại hay gặp những điều không vừa ý nên sinh ra khổ não. Tất cả khổ não ấy không phải ngẫu nhiên, trước hết dựa vào vô minh (nhận thức, sự kém sáng suốt), từ vô minh sinh ra chấp trước, vì chấp sinh ra dục vọng tạo thành các ác về thân, khẩu, ý.

Nhận thức sâu sắc vai trò của ý thức, của nhận thức, cho nên toàn bộ giáo lý nhà Phật đều hướng đến giải thoát con người khỏi u mê (đưa chúng sinh từ bờ mê đến bến giác). Bởi vậy, khi còn tại thế đức Phật thường nói: “Tất cả chúng sinh đều có tính Phật” (Nhất thiết chúng sinh câu hữu Phật tính), nghĩa là Phật và chúng sinh có cùng tính Phật, có cùng bản thể, đều có khả năng thành Phật. Phật còn ví: Phật và chúng sinh như hai trái hồng chát và ngọt, cùng là trái hồng cả, nhưng chỉ khác nhau một chát (mê) một ngọt (ngộ) mà thôi. Kinh viết: “Người là kẻ đang thành Phật, còn ta là kẻ đã thành Phật” (Nhữ thị đương thành Phật, ngã thị dĩ thành Phật). Tôn chỉ của Phật giáo là giúp con người đạt đến trạng thái hết mê. Người mê giống như đám mây vô minh che khuất mặt trăng, khi đám mây ấy không còn thì tự nhiên mặt trăng trở nên sáng tỏ. Điều đó cho thấy, nguyên nhân cơ bản trong quan hệ này là do con người: mê hay ngộ mà thôi. Vì thế, Phật giáo chỉ ra rằng: “Nhân lành chẳng chạy hào ly, Muôn việc tóm lại đều quy ở người” [3, tr.471].

Quan niệm trên của Phật giáo có giá trị rất lớn về nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn của con người. Nghĩa là, mọi hoạt động của con người đều tác động trực tiếp đến thế giới mà chúng ta đang sống. Con người sinh ra từ giới tự nhiên, bị chi phối bởi các quy luật của tự nhiên, song lại tìm cách thống trị thiên nhiên. Con người tự ý thức mình có sức mạnh thống trị thiên nhiên dẫn đến tàn phá, hủy hoại, làm biến đổi thiên nhiên. Thực tiễn cho thấy, tác động của con người đến môi trường đã làm biến đổi tất cả từ môi sinh, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên. Việc thay đổi môi trường để phù hợp với nhu cầu của xã hội đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số hoạt động của con người gây thiệt hại (trực tiếp hoặc gián tiếp) cho môi trường trên phạm vi toàn cầu bao gồm khai thác quá mức, ô nhiễm và phá rừng. Một số vấn đề, như sự nóng lên toàn cầu và mất đa dạng sinh học có nguồn gốc từ con người.

Chúng ta đều biết, mỗi cách ứng xử của con người đều có mặt hay mặt dở riêng của nó. Tôn trọng thiên nhiên có cái hay là giữ gìn được môi trường sống tự nhiên, nhưng có cái dở là khiến con người trở nên rụt rè, e ngại. Coi thường thiên có cái hay là khuyến khích con người dung cảm đối mặt với thiên nhiên, khuyến khích khoa học phát triển, nhưng có cái dở là hủy hoại môi trường. Chỉ trong vài thế kỷ gần đây, sự phát triển công nghiệp của chủ nghĩa tư bản đã làm mất đi gần 50% diện tích rừng mặt nhiệt đới (từ 13, 6 triệu km2 xuống còn 7, 8 triệu km2). Thảm thực vật bị phá hủy khiến nó không hấp thụ hết thán khí (C02) mà các nước công nghiệp phương Tây thải ra ngày càng nhiều, tạo nên “hiệu ứng nhà kính” khiến cho trái đất đang nóng dần lên cùng vô vàn những hậu quả tàn khốc không thể lường hết được.

Từ lâu, F. Engels trong cuốn Phép biện chứng của tự nhiên đã cảnh cáo rằng “Chúng ta không nên quá tự hào về những thắng lợi của mình đối với giới tự nhiên. Bởi vì, cứ mỗi lần, giới tự nhiên lại trả thù chúng ta”. Và ông kêu gọi: “Vấn đề của con người không phải là chiến thắng thiên nhiên mà là sống trong một sự hòa hợp có ý thức và tế nhị với thiên nhiên!” [4, tr.40].

Nhà triết học nổi tiếng V.V. Nalimov cũng nhận xét: “Tham vọng làm chủ tự nhiên vô hạn độ đã đẻ ra một loạt hiện tượng tiêu cực ngày càng tăng: môi trường bị ô nhiễm, thổ nhưỡng bị phá hủy, khí quyển bị thay đổi, các bệnh tâm thần và mức độ sinh đẻ các trẻ khuyết tật gia tăng. Những vấn đề xã hội – kinh tế của quá khứ hàng thế kỷ nay tác động đến thế giới phương Tây, đã bắt đầu nhường chỗ cho những vấn đề sinh tồn… Đó là sự từ bỏ khát vọng chiếm lĩnh tự nhiên. Là việc đi tìm những con đường mở ra khả năng tồn tại của con người trong sự hòa hợp với tự nhiên” [5, tr.40].

Những năm gần đây còn xuất hiện thuật ngữ anthropogen để chỉ một hiệu ứng hoặc đối tượng do hoạt động của con người. Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng theo nghĩa kỹ thuật của nhà địa chất người Nga Alexey Pavlov, và nó được sử dụng lần đầu tiên bằng tiếng Anh do nhà sinh thái học người Anh Arthur Tansley để chỉ ảnh hưởng của con người đến các cộng đồng thực vật cao. Nhà khoa học khí quyển Paul Crutzen đã giới thiệu thuật ngữ “Anthropocene” vào giữa những năm 1970. Thuật ngữ này đôi khi được sử dụng trong bối cảnh phát thải ô nhiễm được tạo ra từ hoạt động của con người kể từ khi bắt đầu Cách mạng Nông nghiệp, nhưng cũng được áp dụng rộng rãi cho tất cả các tác động lớn của con người đối với môi trường. Nhiều hành động được thực hiện bởi con người góp phần vào môi trường nóng lên được bắt nguồn từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch từ nhiều nguồn khác nhau như: điện, ô tô, máy bay, sưởi ấm không gian, sản xuất hoặc phá hủy rừng. David Attenborough (sinh năm 1926) là một nhà tự nhiên học người Anh đã mô tả mức độ dân số của con người trên hành tinh là một bội số của tất cả các vấn đề môi trường khác. Năm 2013, ông mô tả loài người là “một bệnh dịch trên trái đất” cần được kiểm soát bằng cách hạn chế sự gia tăng dân số. Linkola (sinh năm 1932) là nhà sinh thái học sâu sắc và là nhà chính trị học đã coi dân số quá mức là mối đe dọa đối với toàn bộ sinh quyển. Năm 2017, hơn 15.000 nhà khoa học trên thế giới đã đưa ra cảnh báo thứ hai cho nhân loại, khẳng định rằng sự gia tăng dân số nhanh chóng của con người là “động lực chính đằng sau nhiều mối đe dọa sinh thái và thậm chí xã hội”. Theo Thanh Niên (ngày 20/7/2021), thời tiết cực đoan đang trở nên phổ biến, gia tăng mức độ tàn phá trên toàn cầu (Hỏa hoạn tại Mỹ, Canada, vỡ đập tại Trung Quốc, lũ lụt ở châu Âu) khiến nhiều người thiệt mạng. Các trận hỏa hoạn tại Bờ Tây nước Mỹ diễn ra sau đợt nắng nóng kỷ lục tại khu vực này và phía Tây Canada, trong khi nhiều nơi tại châu Á và châu Âu đang oằn mình vì mua lũ và lở đất. Tại châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel vô cùng kinh hoàng khi đến thăm và chứng kiến thiệt hại tại miền Tây trong đợt mưa lũ khiến hơn 190 người thiệt mạng tại Đức và Bỉ. Trong bối cảnh ấy, chúng ta cần nhìn lại, tiếp nhận và thực hành giáo lý “nhân quả” của nhà Phật một cách có hiệu quả, qua đó có thái độ ứng xử với thiên một cách “tế nhị” hơn, hài hòa hơn.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2021 Quan niem ve nhan qua trong triet hoc Phat giao 4

2. Quan niệm của một số nhà Thiền học Việt Nam về nhân quả

Tiếp thu và thực hành giáo lý “nhân quả” của nhà Phật, các thiền sư nước ta đã có những đóng góp tích cực làm phong phú tư tưởng triết học Phật giáo. Một trong số đại biểu xuất sắc ấy là Tuệ Trung Thượng Sỹ (1230-1291). Căn cứ vào các công trình nghiên cứu hiện có cho biết, Tuệ Trung là học trò xuất sắc nhất của thiền sư Tiêu Dao – một nhân vật nổi tiếng cuối thời Lý. Thơ văn Lý – Trần viết: “Tuệ Trung tu Phật mà không hề xuất gia, không giữ đúng các phép “tam Quy”, “ngũ Giới”, và có phần chắc vẫn có gia đình như mọi vương hầu khác. Bằng trí xét đoán sắc sảo của mình, Tuệ Trung đã trở thành nhà Thiền học có bản lĩnh, có lý trí, không câu nệ ở giáo điều sách vở, biết đập vỡ thái độ khư khư bám víu vào khái niệm có sẵn, biết “hòa quang đồng trần”. Tuệ Trung được Trần Thánh Tông (1240 – 1290) rất kính trọng, tôn làm sư huynh, và vua Trần Nhân Tông tôn làm thầy” [6, tr.223]. Tác giả Lịch sử Phật giáo Việt Nam viết: “Tuệ Trung là học trò của thiền sư Tiêu Dao và là thầy của Trần Nhân Tông” [7, tr.232]. Cũng như các công trình trên, tác giả Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam cho rằng: “Từ nhỏ Tuệ Trung đã tỏ ra có bản chất thanh cao, tính tình thuần hậu, hiểu sâu biết rõ nhiều điều. Lớn lên ông theo học thiền sư Tiêu Dao – người đã kết hợp nhánh thiền Vô Ngôn Thông Thăng Long với nhánh thiền Vô Ngôn Thông Yên Tử vào cuối thời Lý đầu thời Trần. Mặc dù, không xuất gia, nhưng ông là một nhà Thiền học có bản lĩnh, thông minh sắc sảo, một ngôi sao sáng, nếu không muốn nói là sáng nhất trong vườn Thiền Việt Nam. Tuệ Trung được vua Trần Thánh Tông tôn làm sư huynh và gọi là cái tên cao quý – Thượng Sĩ. Điều Ngự Giác Hoàng thì ngợi ca Tuệ Trung là người có khí lượng thâm trầm, phong thần nhàn nhã” [8, tr.85-86]. Tuệ Trung không những là bậc thầy trong đạo, mà còn là một minh sư xuất sắc, lỗi lạc. Những lời dạy, những câu thiền của Tuệ Trung đã được Trần Nhân Tông cho khắc, in lại để truyền cho hậu thế. Không những thế, vua Trần Nhân Tông còn cho vẽ chân dung Tuệ Trung để thờ phụng.

Kế thừa tư tưởng “nhân quả” của Thiền tông, Tuệ Trung cho rằng, giữa nhân và quả có quan hệ chặt chẽ với nhau. Biểu hiện cụ thể của quan hệ nhân quả được Tuệ Trung đề cập đến thông qua mối quan hệ giữa mê và ngộ (nhận thức). Ông nói: “Một ý nghĩ nổi lên thì mọi tâm nổi lên, Một tâm quên đi, thì mọi ý nghĩ quên đi” (Niệm khởi, tâm tâm khởi, Tâm vong, niệm niệm vong) [9, tr.245]. Theo Tuệ Trung, mọi hành động của con người đều bắt đầu từ tâm (ý nghĩ, nhận thức), do đó, nhận thức đúng để hình thành kế hoạch hành động đóng vai trò quyết định. Quan niệm này đã được triết học Mác đề cập đến khi nói về tầm quan trọng của nhận thức. Theo C.Mác, chính đây là điểm khác nhau giữa con người với con ong, cái kiến. Tuy nhiên, trong triết học Phật giáo, tâm được đề cao (mọi việc đều từ tâm), nhưng tâm lại có nhiều loại (sáu loại tâm). Do đó, cứ một ý nghĩ (thiện hay ác, tốt hay xấu) nổi lên, thì lập tức mọi tâm (sáu tâm) sẽ nổi lên. Tất cảkhổ não ấy không phải ngẫu nhiên mà là kết quả tất yếu của vô minh (nhận thức). Người tu hành do vô minh: nhận tâm vọng làm tâm chân nên nảy sinh tội lỗi. “Mê vọng nổi dậy thì ba đường nổi dậy, Chân thông suốt thì năm mắt đều thông suốt” (Vọng khởi tam đồ khởi, Chân thông ngũ nhãn thông) [10, tr.288].

Mê vọng (là cái tâm không chân thực, tối tăm, không phân biệt được đúng hay sai) nổi dậy thì ba đường (chỉ ba cõi: địa ngục, ngã quỷ, súc sinh để phạt những kẻ gây nghiệp ác) cũng nổi dậy. Kết quả của ba đường ấy bắt nguồn từ mê vọng (nguyên nhân), từ đó sinh ra sắc, không, mê, ngộ. Như vậy, mê vọng là nguyên nhân trực tiếp còn quả là lẫn lộn thật, giả, đúng, sai. Khi khai tâm tỉnh ngộ thì lập tức năm con mắt (nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn) trở nên thông suốt. Giữa nhân và quả có quan hệ chặt chẽ với nhau như hình với bóng. Nghĩa là, quả tốt hay xấu đều có nguồn gốc từ nhân (con người). Ông nói: “Lúc mê sinh ra “không” và “sắc”, Khi ngộ không còn “sắc” với “không”, Những điều gọi là sắc, không, mê, ngộ, Xưa nay vẫn chung nhau ở một lẽ” (Mê khứ sinh không sắc, Ngộ lai vô sắc không, Sắc không mê ngộ giả, Nhất lý cổ kim đồng) [11, tr.288].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2021 Quan niem ve nhan qua trong triet hoc Phat giao 2

Người tu hành nếu lấy tâm vọng làm tâm chân thì sinh ra phân biệt không và có, mê và ngộ, khi ngộ rồi thì không còn sắc và không. Giữa sắc và không, mê và ngộ cũng có quan hệ chặt chẽ với nhau, cái này làm tiền đề cho cái kia, cứ như vậy nhân lên không ngừng.

Thông qua ngôn ngữ nhà Phật, Tuệ Trung chỉ cho người học biết, nhân quả không chỉ phản ánh mối quan hệ giữa mê và ngộ, giữa phàm và thánh, nó còn phản ánh quan hệ phổ biến của con người trong xã hội, trong hoạt động thực tiễn. Trong bài Trì giới và nhẫn nhục (Trì giới kiêm nhẫn nhục), Tuệ Trung đã chỉ
ra mối quan hệ qua lại giữa nhận thức và hành động của con người. Ông nói: “Khi “Tâm” đã ngờ thì “tội” liền sinh ra” (Tâm nghi tội tiện sinh) [12, tr.289-290]. Khi tâm (ý thức, suy nghĩ) con người nảy sinh nghi ngờ thì tội lỗi xuất hiện. Ở đây, tội lỗi là quả, còn nhân là nhận tâm vọng, không thật làm tâm chân. Quan hệ nhân quả còn được Tuệ Trung đề cập đến thông qua quan hệ giữa tri và hành. Tựu trung lại, nguyên nhân dẫn đến tội lỗi là do nhận thức sai lệch. Khi thân và tâm không trong sạch thì sẽ xảy ra hành động ác. Kết quả tất yếu của tâm vọng là “rơi vào bụng ngựa”. Ông nói: “Xóm Bắc nhởn nhơ rơi vào bụng ngựa, Nhà Đông tản mạn rúc vào thai lừa” (Bắc Lý ưu du đầu mã phúc, Đông gia tàn đản nhập lư thai) [13, tr.247].

Hình ảnh mà Tuệ Trung nói ở trên để chỉ người tu hành, một khi nhận tâm vọng làm tâm chân của mình tất yếu “rơi vào bụng ngựa, rúc vào thai lừa”, tức không phân biệt được đúng hay sai. Ngoài mối quan hệ nhân quả trong xã hội, Tuệ Trung còn đề cập đến mối quan hệ trong tự nhiên. Ông nói: “Khi nước gặp gió thì sóng bỗng nổi dậy, Nơi củi gặp lửa thì sự cháy bùng lên” (Phong thủy đáo thì ba hốt động, Hoả tân giao sứ diệm tài sinh) [14, tr.229].

Nước, lửa, gió là những yếu tố tạo nên con người và thế giới, mà thế giới lại tác động lẫn nhau theo luật nhân quả. Chẳng hạn, khi nước gặp gió (nhân) thì sóng nổi dậy (quả), củi gặp lửa thì sự cháy bùng lên. Điều đó chứng tỏ, trong thiền học Tuệ Trung (cả tự nhiên lẫn xã hội) mọi sự vật, hiện tượng tác động lẫn nhau, bị chi phối lẫn nhau bởi một chuỗi quan hệ nhân quả.

Quan niệm về nhân quả của Tuệ Trung cũng giống với quan niệm của Trần Thái Tông (1218 – 1277) – người đặt nền móng cho phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Trần Thái Tông cho rằng, không thể có sự tập trung của tâm cao độ nếu thân tâm không trong sạch. Một khi đầu óc còn cháy bỏng bởi những khát vọng, ham muốn, ích kỷ, khi tâm tính mịt mờ bởi sắc đẹp, tình yêu và dục vọng, thì không thể có một quan niệm đúng đắn khách quan về sự vật hiện tượng. Theo Trần Thái Tông, tam thế chư Phật sở dĩ thành đạo đều không thể không qua thụ giới. “Giới như đất bằng, mọi điều thiện từ đó sinh ra. Giới như thầy thuốc giỏi chữa được các bệnh. Giới như hạt minh châu, phá vỡ mọi tăm tối. Giới như thuyền bè vượt qua bể khổ. Giới là phương tiện tất yếu để đạt đến giải thoát. Ai đã vượt qua được bể khổ, ai đã giải thoát thì họ không còn cần giới nữa…” [15, tr.63-64]. Phân tích quan niệm của Trần Thái Tông về quá trình thực hành “giới” để nhận thức và hành động đúng, Tác giả Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam viết: “Phân tích mỗi hành động của con người ta thường thấy có ba giai đoạn: 1, Sự chuẩn bị: ý tưởng, ý đồ, ý định, suy nghĩ, kế hoạch trong đầu. 2, Hành động: sự thực hiện về mặt vật chất những ý đồ trên. 3, Kết quả hành động kéo theo tâm trạng hài lòng, không hài lòng, nuối tiếc hay hối hận” [16, tr.64]. Như vậy, để hành động đúng, con người cần phải được nhận thức về đối tượng (chuẩn bị: ý tưởng, ý đồ, ý định, suy nghĩ, kế hoạch trong đầu). Đây là yếu tố có vai trò quyết định. Quan niệm nhân quả trong triết học Tuệ Trung không chỉ được đề cập trong phạm vi giáo lý mà còn cả trong hoạt động của người trần tục. Tuy nhiên, quan hệ nhân quả diễn ra như thế nào lại do tâm con người (khi tâm đã ngờ thì tội liền sinh ra), chứ không phải do biến đổi của thế giới khách quan. Trong thế giới khách quan mối liên hệ nhân quả tồn tại bên ngoài, độc lập với ý thức con người. Mọi sự vật và hiện tượng tác động lẫn nhau, không có sự vật, hiện tượng nào không có nguyên nhân. Không thể tìm nguyên nhân của các sự vật và hiện tượng ở ngoài các sự vật hiện tượng đó. Mỗi hiện tượng đều có cơ sở phát sinh ở ngay trong bản thân nó, trong mối liên hệ với một hiện tượng khác. Mặt khác, thế giới khách quan không chỉ bị chi phối bởi quan hệ nhân quả, nó còn có nhiều quan hệ khác như mối quan hệ giữa tất nhiên và ngẫu nhiên, giữa khả năng và hiện thực. Tư tưởng cho rằng, mọi tội lỗi đều bắt nguồn từ tâm, do tâm, thì khi đó Tuệ Trung đã có những đóng góp tích cực giúp vua Trần ổn định trật tự xã hội. Vì vậy, từ thế kỷ thứ X đến nửa đầu thế kỷ XIV, Phật giáo đã trở thành một yếu tố quan trọng trong kiến trúc thượng tầng ở Việt Nam. Và, giai cấp phong kiến Việt Nam đã sử dụng Phật giáo để củng cố địa vị của mình, để thu phục nhân dân và ổn định trật tự xã hội. Những quan niệm trên đã có tác dụng tích cực trong giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh nhân loại đang phải đối mặt với những thảm họa về môi trường mà ta đã nói ở trên.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2021 Quan niem ve nhan qua trong triet hoc Phat giao 3

Mặc dù, triết lý về nhân quả trong triết học Phật giáo là để giác ngộ, song quá trình ấy lại hướng đến cái đích là xây dựng một thế giới hạnh phúc cho con người. Bởi vậy, gần 2000 năm đi qua, khi bàn đến quan hệ giữa Phật giáo và cách mạng, chúng ta không thể quên lời của Mâu Tử (tín đồ Phật giáo ở Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ thứ II sau Công nguyên) ở buổi đầu của Phật giáo Việt Nam: “Xe và thuyền không đi cùng một lối, nhưng đều đưa người tới chốn”…” vàng và ngọc không gây tỳ vết cho nhau, bích ngọc và mã não để chung nhau cũng không sao cả”. Cũng có tác giả viết: “Sự nghiệp giải phóng con người không dừng lại sau khi giải phóng dân tộc, mà còn phải tiếp tục giải thoát con người khỏi những niềm đau, nỗi khổ khác của cuộc đời, cắt đứt cái nguồn gốc của các niềm đau khổ ấy. Và, hạnh phúc của con người không ở quyền uy, phú quý” [17, tr.27]. Theo quan niệm trên, mục đích của người tu hành là giác ngộ, giải thoát, còn những người vô thần thì “hạnh phúc của con người không ở quyền uy, phú quý, mà còn phải tiếp tục giải thoát con người khỏi những niềm đau, nỗi khổ khác của cuộc đời, cắt đứt cái nguồn gốc của các niềm đau khổ ấy”. Nghĩa là, cách mạng và Phật giáo, mỗi bên có thể có những phương pháp khác nhau, những cách suy nghĩ, nhìn nhận không giống nhau, nhưng đều có một cái đích là xây dựng một thế giới hạnh phúc. Vì vậy, phải chăng Cứu khổ cứu nạn cũng là công việc của cách mạng. Do đó, ý nghĩa lớn nhất của triết lý nhân quả không phải ở tính pháp lý mà ở giá trị nhận thức. Bởi vì, con người phải được nhận thức, có ý thức, chuẩn bị về tư tưởng trước khi thực hiện kế hoạch.

3. Kết luận

Khởi nguồn từ nguyên lý “cứu khổ, cứu nạn” của Phật giáo và thực tiễn thăng trầm của lịch sử cho thấy, Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó với lợi ích dân tộc. Nếu trước kia, Phật giáo đã tham gia cuộc cách mạng dân tộc dân chủ thì giờ đây, các tăng, ni, phật tử đang tích cực tham gia cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Phật giáo nước ta có vai trò tích cực. Bên cạnh lực lượng y bác sĩ, sinh viên, thanh niên tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch, có 612 tăng, ni, phật tử và 430 tu sĩ tại Tp.HCM đã hăng hái đăng ký tình nguyện phục vụ tại các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19. Khi bệnh dịch bùng phát, Ban Trị sự GHPGVN Tp.HCM đề nghị sử dụng Việt Nam Quốc Tự (số 242-244 đường 3/2, P.12, Q.10) và chùa Phổ Quang (số 21 Huỳnh Lan Khanh, P.2, Q.Tân Bình) làm bệnh viện dã chiến. Đó là những đóng góp thiết thực và có trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo dân tộc… Tuy nhiên, trong quá trình ấy, không tránh khỏi những nhân vật phản dân, phản đạo. Điều này đã được Mâu Tử phê phán như: “thích uống rượu ngon, biết cất giữ tiền bạc, của quý, lại chuyên môn lừa đảo”. Mặc dù, vẫn có tệ đoan, nhưng không vì thế mà đánh giá thấp, nhìn nhận sai lệch về vai trò của Phật giáo đối với dân tộc. Chúng tôi cho rằng, sự phân hóa người tốt, người xấu là một sự bình thường, thời nào cũng có. Cũng như trong hàng ngũ những người cách mạng, những người cộng sản, đã xuất hiện những kẻ cơ hội, tham nhũng, thoái hóa biến chất. Và, để kết thúc bài viết, tác giả dẫn câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đạo Phật: “Đức Phật là đại từ bi cứu khổ cứu nạn. Muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma”.

PGS TS Triết học Nguyễn Đức Diện
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/20121

———————————-

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1, 2, 4]. Kim Cương Tử (1992), Từ điển Phật học Hán-Việt, Tập 1, Giáo hội Phật giáo Việt Nam. [3]. Thích Minh Châu, Minh Chi (1991), Từ điển Phật học Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[4, 5] Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, In lần thứ ba, sửa chữa và bổ sung. Nxb Tp. Hồ Chí Minh. [6]. Nguyễn Huệ Chi (1988), Thơ văn Lý – Trần, Tập 2, quyển Thượng, Nxb Khoa học xã hội, HN.
[7]. Nguyễn Tài Thư (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[8,15,16]. Nguyễn Hùng Hậu (1997), Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [9,10,11,12,13,14]. Nguyễn Huệ Chi (1988), Thơ văn Lý – Trần, Tập 2, quyển Thượng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[17, tr.27]. Lê Sĩ Thắng (1994), Vấn đề giải phóng và giải thoát con người trong tư tưởng hai vua Trần. Tạp chí Triết học, số 1.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường