Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Quan điểm của Âu Dương Tu về đạo Phật trong Hộ Pháp Luận

Quan điểm của Âu Dương Tu về đạo Phật trong Hộ Pháp Luận

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Mở đề

Từ khi đạo Phật ra đời đến nay đã hơn 25 thế kỷ, trải qua bao cuộc biến thiên, thăng trầm của lịch sử, Phật giáo vẫn hùng dũng hiên ngang như một minh chứng hùng hồn cho một nền minh triết cao siêu của nhân loại. Nền minh triết của Phật là một nền giáo dục mà qua đó con người có thể nương theo thực hành để từ phàm thành thánh, từ xấu thành tốt, từ bất thiện thành thiện lương… tu dưỡng chính mình và lợi lạc cho tha nhân.

Mặc dù vậy, thế gian muôn màu này vẫn luôn tồn tại hai mặt tốt và xấu; thô và thế; đen và trắng… khi cái thiện luôn được tôn vinh và sùng bái thì cái ác vẫn luôn đâu đó tồn tại, rình rập nơi mỗi “góc đườn” đợi thời cơ mà hạ bệ, Phật giáo cũng chính là một mục tiêu như vậy.

Phật giáo ra đời vào thế kỷ thứ 6 trước tây lịch tại Ấn Độ nhưng đến thế kỷ XIII thì lụi tàn bởi Hồi giáo. Khi truyền sang Trung Quốc vào thời Hậu Hán, sau đạo Khổng và Lão khoảng 5 thế kỷ đến nay gần một nghìn chín trăm năm, cũng trải qua không biết bao nhiêu hưng, suy thăng trầm với vô vàn những pháp nạn nhưng nặng nhất có lẽ là: Pháp nạn Thái Vũ Đế triều Bắc Ngụy (438); Pháp nạn Vũ Đế triều Bắc Chu (566); Pháp nạn Hội xương đời Đường Vũ Tông (842); Pháp nạn Thế Tông đời Hậu Chu (951).

Tuy nhiên, mặc lẽ thịnh suy như một quy luật của cuộc đời, sau tất cả Phật giáo vẫn tồn tại và phát triển theo một cách riêng của nó, bởi giáo lý phát xuất từ đức Phật ấy siêu suất không gian và thời gian, khi cái thiện trong mỗi chúng sinh chớm nở thì cũng chính là lúc Phật giáo được trọng vọng và tôn thờ. Trong trường hợp này thật giống với Trương Thương Anh, ông sống vào thời Bắc Tống ban đầu không tin theo Phật, sau nhờ đọc qua kinh Duy Ma mà có sở ngộ, rốt sau dành những năm cuối đời để bảo hộ Phật giáo.

Tag: Phật giáo, Âu Dương Tu, kinh Duy Ma, lịch sử Ấn Độ, lịch sử Trung Quốc, thời Hậu Hán, Bắc Tống, Hộ Pháp Luận…

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Mot so phuong phap tam ly tri lieu Phat giao 2222222222

Nội dung

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm

1.1. Tác giả Trương Thương Anh

Tống thừa tướng Trương Thương Anh (1043-1121) người huyện Tân Tân, Thục Châu, thời Bắc Tống, tự là Thiên Giác, hiệu là Vô Tận cư sĩ, sinh năm Khánh Lịch thứ 3 đời vua Tống Nhân Tông (1043). Ông thi đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Gia Hựu thứ 6 (1061), làm thừa tướng thời Tống Huy Tông (1101) và mất vào khoảng tháng 11 năm Tuyên Hòa thứ 3 (1121), thọ 78 tuổi, tên thụy là Văn Trung. Năm Tuyên Hóa thứ 6 ông được truy tặng là Thái Bảo.

Từ thuở thiếu thời, ông đã có khí phách khác thường, đọc nhiều kinh sách, nhưng khi ra làm quan ông không có mấy thiện cảm với Phật giáo, định viết luận vô Phật để phản bác Phật giáo, may nhờ có phu nhân của ông là một người Phật tử đã hỏi câu: “Đã không có Phật thì còn luận gì nữa mà làm”, ông thấy có lý nên đã thôi viết.

Về sau khi đến chùa đọc được một câu kinh trong Duy Ma Cật: “Tòng si hữu ái, tắc ngã bệnh sinh” ông liền có tỉnh. Sau đó tham bái các bậc danh tăng để học hỏi, khiến ông ngày càng uyên bác Phật pháp, đặc biệt sau khi được Thiền sư Chiếu Giác đem chỗ uyên áo của đạo mầu chỉ điểm và hòa thượng Đâu Xuất đem bảy trăm công án chỉ bày khiến tâm ông thấm nhuần diệu đạo, chỗ biện bác vô cùng uyên thâm. Cũng chính chỗ uyên áo nơi Phật pháp mà ngữ ngôn ông phát ra như thanh gươm báu chặt phá các cội rễ vô minh tà kiến đương thời mà Hộ Pháp Luận là một minh chứng.

Về sau lại làm bài thơ phát nguyện về Tây phương rằng:

“Ngẫm thân thế lòng càng man mác
Giặc trần ô bạo ác hãi hùng
Đã không đạo lực chống cùng
Lại không biết giặc ở lòng mà ra
Tính bản giác xóa nhòa mất cả
Tâm chân như bi bả mê hồn
Đạo không biết đến gốc nguồn
Hỏi đường thoát khổ nay còn tìm đâu
Tuân Phật dạy pháp mầu tịnh độ
Niệm Di Đà cứu khổ mới xong
Ngày đêm nên dốc một lòng
Thờ trai, kính giới đốt vàng tâm hương
Mong khi phá mộng trường thoát xác
Có Di Đà đón rước hồn luôn
Khác nào thuận gió xuôi buồm
Quê nhà thẳng tới chẳng còn nhọc lo”[1].

1.2. Hoàn cảnh ra đời Hộ Pháp Luận

Như đã trình bày, tác giả là một người trọng Nho khinh Phật, sau khi xem được kinh Duy Ma mà thay đổi cách nhìn, về sau thâm hiểu Phật pháp mới dốc lòng hộ trì bảo vệ chính pháp. Ông làm ra Luận Hộ Pháp, có lẽ việc đầu tiên là lòng thành sám hối của ông đối với tam bảo do những suy nghĩ sai lầm trước kia của ông.

Lý do thứ hai có lẽ là do bọn chấp Nho rồi buông lời khinh miệt nên tác giả mới dùng lại những ngôn từ để phá chấp trừ mê, cho nên trong lời tựa đầu tiên của tác phẩm có đoạn:

“Ông buồn vì cái học của thế tục còn mờ tối, chẳng hiểu được chân tính của mình, trong khi sinh hoạt hằng ngày, lại điên đảo nghĩ lầm, không biết đường vào, rồi mang lòng ghen tức sâu cay, khua môi múa lưỡi, trổ tài bài Phật, tự ví mình như ngài Mạnh Tử có công lao chống lại Dương – Chu, Mặc – Địch, để cho dời sau khen ngợi mình và tự cho mình là đồ đệ xứng đáng của Thánh Khổng! thực ra, họ là kẻ mù điếc, tự dối lòng mình, tức là dối cả lẽ trời, thế thì luận Hộ pháp nầy đâu có thể im lặng được” [2].

Một lý do nữa có lẽ là do chính trong nội tại Phật giáo, Phật giáo sở dĩ bị các thế lực dèm pha chê cười có lẽ cũng bắt đầu nơi Phật giáo đang suy yếu, một trong những điều làm nên sự suy yếu đó chính là nơi tăng già không còn bao nhiêu bậc cao đức, kiến thức uyên thâm. Như những lần đứng trước sự tỵ hiềm ép chế của các thế lực, Phật giáo luôn có những bậc danh tăng tài đức ra gánh vác như: Thời Đông Tấn có ngài Huệ Viễn soạn Sa Môn Luận để phản đối việc Sa-môn phải hành lễ trước vua. Lý Hoặc Luận của Mâu Tử để trả lời các quan điểm sai lầm của bọn Nho – Lão,… nhưng trong giai đoạn này Hộ Pháp Luận lại được đánh giá cao chứng tỏ những bậc danh tăng uyên bác, đặc biệt về Nho học dường như đã không còn. Chính vì lẽ đó, đứng trước tình hình đó tác giả vì muốn bảo vệ Phật giáo nên đã làm ra luận này, với các ý tứ sâu sắc dùng “Nho trị Nho” thật thâm thúy.

1.3. Khái niệm Hộ pháp

Theo Phật Học Tinh Uyển “Hộ Pháp” có nghĩa là bảo hộ, hộ trì chính pháp. Nói một cách rõ hơn, hộ pháp phải đúng theo ba phương diện; một là giữ gìn chính pháp; hai là phát triển Phật pháp và ba là đứng ra chống lại các thế lực phá hoại Phật giáo.

Lịch sử Phật giáo thường có các vua bảo hộ Phật giáo như Bimbisāra, Suddhodana, Ajatashatru… trong kinh điển thường có các vua trời như Đế Thích, Tứ Đại Thiên Vương, Thiên Long Bát Bộ… giữ gìn những lời Phật dạy mà sau này được kiết tập gọi là kinh điển.

2. Giá trị đích thực của Phật giáo

2.1. “Khổ” theo quan điểm Phật giáo

Quan điểm Phật giáo mọi hiện hữu trong cuộc đời này không có khởi đầu và kết thúc mà đi theo một tiến trình Duyên khởi, hỗ tương cho nhau mà tồn tại “Nếu cái này có, cái kia có, do cái này sinh, cái kia sinh, nếu cái này không có, cái kia không có, do cái này diệt, cái kia diệt”[3]. Cái khổ trên cuộc đời này cũng thế, không phải tự nhiên mà có, cũng chẳng phải có do ông trời sắp đặt như thuyết Nho thường nghĩ “Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên” (Sống chết có số phận, giàu sang là do ông trời)[4] hay “Đạo chi tương hành giã dư, mạng giã, đạo chi tương phế giã dư, mạng giã. Công Bá Liêu kỳ như mạng hà!” [5](Đạo của ta được lưu hành hay vong phế đều do trời, ngươi Công Bá Liêu sao cải được được mệnh trời).

Chính vì lẽ đó, đạo Phật thừa nhận cái khổ trước mắt, nhìn nhận nó như thật chứ không hề trốn tránh, nhưng hoàn toàn không đổ thừa cho số mệnh. “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”[6]. Hay trong kinh Pháp cú: “Ý dẫn đầu các pháp/Ý làm chủ, ý tạo/Nếu với ý ô nhiễm/Nói lên hay hành động/Khổ não bước theo sau/Như xe chân vật kéo/Ý dẫn đầu các pháp Ý làm chủ, ý tạo /Nếu với ý thanh tịnh / Nói lên hay hành động/An lạc bước theo sau / Như bóng không rời hình”[7].

Phật giáo không dừng lại với cái khổ trước mắt mà nhìn xa hơn, đằng sau cái khổ ấy là gì? Và đó là lý do có Tập đế (nguyên nhân của khổ) ra đời, để chỉ bày cho chúng ta thấy rằng, cái khổ trước mắt bắt nguồn từ đâu và muốn dứt khổ phải đoạn trừ nó như thế nào (Đạo đế), phải đoạn trừ cái gốc thay vì chạy theo cái ngọn, đó chính là quan điểm giải quyết bài toán khổ tận gốc trên cuộc đời này.

Nhìn lại vấn đề mà Âu Dương Tu phê phán Phật giáo “Đức Phật hay làm những việc không có thực nghiệm”[8], chúng ta chưa có cơ hội đọc những lời này căn cứ vào đâu mà Âu Dương Tu lại nói như vậy, nhưng qua cách trả lời của tác giả Trương Thương Anh chúng ta cũng có thể hiểu cái gọi là “thực nghiệm” theo Âu Dương Tu là gì: “Nếu thực vì sự đời rét mà chu cấp, chỉ khỏi được hoạn nạn… chẳng phải lấy sự đói rét làm cấn cấp, cũng không phải để tránh sự hoạn nạn”[9]. Qua câu trả lời này, có thể suy ra cái mà Âu Dương Tu cho là “thực nghiệm” chính là những cái như cơm ăn, áo mặc, đói rét, cơ hàn…cái mà ông lo lắng hoang mang cũng chỉ quẩn quanh như thế.

Trong Hộ Pháp Luận, tác giả cũng đã nói như sau: “Tôi từng đọc sách của ông Âu Dương Tu, chỉ thấy ông luôn luôn lo buồn vì cái già, bệnh, nung nấu. Tuy ở chốn giàu sang mà lòng buồn rầu không lúc nào có dáng vui tươi. Xem nguyên ấy đủ biết là chân tình vậy. Bởi vì ông không thông nghiệm rõ được lý tính của nó, cho nên mới phải suy tư”[10]. Vậy cái mà khiến ông phê phán Phật giáo chính là do ông “không thông nghiệm được lý tính của nó”.

Như đã trình bày từ ban đầu, những hiện tượng mà Âu Dương Tu “lo buồn” chỉ là mặt nổi của một chuỗi duyên nghiệp từ quá khứ. Nó là bề nổi của một tảng băng chìm khổng lồ mà ông không thấy được. Nếu chê trách cái thấy của ông thì cũng không phải vì đó là lẽ thường của người chưa tu đạo. Nhưng cái đáng trách của ông chính là chấp vào cái thấy của mình mà phê phán người khác, nên tác giả đã có nói đoạn như vầy: “Những kẻ muốn bài xích tôn giáo ấy, hãy nên đọc hết các kinh sách của đạo ấy, tìm hiểu sâu vào lý của nó, rồi xét xem chõ nào không hợp với đạo Nho của ta, cùng với kiến thức của người học phật, phân tích chỗ nghi, biện minh chỗ hoặc, rồi sau bài xích, thì mới nên vậy”[11] lời lẽ thật giản đơn, mà sắc bén vô cùng.

Khái niệm khổ của thế gian khác với khái niệm khổ của Phật, khái niệm khổ của thế gian là những thiếu thốn về vật chất, là lòng ham muốn vô tận không được đáp ứng, là những lo toan của cơm áo gạo tiền, công danh sự nghiêp. Còn cái khổ qua con mắt của Phật là những khát ái trong tâm, ngọn lửa tham dục trong lòng, là tham, sân, si đang ngấm ngầm chờ chực. Xuất phát từ những quan điểm khác nhau nên khi muốn giải quyết đương nhiên là cũng khác nhau. Nhưng quan điểm nào đúng mới la quan trọng!

Những cái thấy của Âu Dương Tu là thực trạng muôn đời, từ xưa đến nay đã có ai giải quyết được nó, Khổng Tử làm được không? Nếu được thì Âu Dương Tu đâu còn thấy những hiện tượng đó nữa, để rồi gán ghép cho đạo Phật không làm những điều mà ông cho là cần thiết. Bản thân của mình mình không làm được lại cho người khác không làm, thật phi lý làm sao!

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao nhap the qua tinh than Tu Vo Luong Tam 2

Ảnh: St

2.2. Mục đích đức Phật ra đời

Trong Hộ Pháp Luận tác giả có dẫn lời của Mạnh Tử “Tụng lời vua Nghiêu, làm hạnh vua Nghiêu tức là vua Nghiêu vậy!”[12], còn tác giả thì nói rằng “Đọc tụng lời Phật, làm theo hạnh Phật tức là Phật”[13]. Vậy học theo Phật thì học cái gì và được cái gì ? Theo tác giả, học theo Phật là học Giới, Định, Tuệ và đạt được giải thoát sinh tử: “Nếu ai hay trì giới thì quyết định chẳng sa vào ba đường; nếu ai hay Định lực được, thì quyết định thành công, vượt ra ngoài sáu cõi; nếu ai hay Định và Tuệ được tròn sáng thì đến chỗ thấy biết của chư Phật vào ngôi Đại thừa”[14]. Vậy nếu học theo lời Phật phải chăng sẽ giải quyết được mối lo của ông Âu Dương Tu?

Nếu chúng ta nhìn sâu xa hơn một chút thì sẽ dễ nhận ra các thứ ham muốn của chúng ta nếu không phải là tâm thánh thì đều là dục vọng cho bản thân, vun bồi cho tự ngã cả. Các ham muốn đó vô bờ bến, không có hạn dừng, hỏi có mấy ai là tỷ phú mà thấy thỏa mãn đâu, khi có cái này lại muốn thêm cái khác. Còn những người nghèo khổ, vốn dĩ là những kết quả tự mình gieo, mà giúp họ qua cơn ngặt nghèo thì “tâm nghèo” vẫn còn nguyên vẹn.

Đạo Phật ra đời vốn dĩ không phải không quan tâm đến cái nghèo khổ thế gian, nhưng đó không phải là mục đích cứu cách mà đức Phật hướng đến. Bản thân đức Phật vốn là một vị vua sẽ kế thừa, nếu vì lo nghĩ đến cơm áo chúng sinh thì làm vua chẳng phải dễ giải quyết hơn sao? Sao phải bỏ đi tu trể thành một người khất sĩ trên mình không một chút vật chất thì lấy gì cho tha nhân! Nhân hạnh đó phải cao cả hơn nhiều và cái nhìn thấy của Phật cũng xa hơn những người tầm thường quanh năm chỉ nghĩ đến cơm áo.

Đức Phật ra đời chính là “bậc đại y vương” chữa lành mọi gốc bệnh khổ của thế gian: “Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác là bậc đại y vương đã thành tựu bốn đức chữa lành bệnh chúng sinh… như lai biết thật đây là Khổ Thánh đế… Khổ tập Thánh đế… Khổ diệt Thánh đế… Khổ diệt đạo tích Thánh đế”[15]. Là bậc đạo sư dẫn đường cho mọi chúng sinh ra khỏi tam đồ mà tác giả Hộ Pháp Luận cũng đã nói: “Đức Phật cần phải cầu gì ở đời? Ngài chỉ đem lòng từ bi rộng lớn, nguyện lực sâu dày và thương hết thảy chúng sinh đi lại vòng quanh nơi sáu ngã, chịu biết bao nỗi khổ não, không giờ phút nào ngừng nghỉ”[16]. Nếu không phải những điều như thế thì “đức Phật lìa bỏ ngôi rất cao quý, giàu sang, vì đạo quên mình”[17] để mà làm gì chứ!

3. Trách nhiệm Hộ pháp thời hiện đại

Chúng ta thường nghe câu “Phật pháp xương minh do tăng già hoằng hóa, thiền môn hưng thịnh nhờ đàn việt phát tâm”, thực vậy việc hộ pháp phải bao gồm cả tứ chúng, chứ không phải riêng hàng tu sĩ. Và việc hộ pháp phải gồm đủ ba phương diện: giữ pháp, hoằng pháp và hộ pháp. Giữ pháp chính là làm cho lời Phật dạy còn mãi, không bị biến chất mà muốn làm được như vậy bắt buộc phải hành trì, vì khi hành trì thì mới lại kết quả, khi có kết quả mới biết nó có còn đem lại hạnh phúc, an lạc hay không, và như thế mới thực xác nhận nó còn đúng với các giá trị mà Phật đã trao dạy.

Hoằng pháp chính là đã qua một quá trình thực hành có kết quả rồi mới đem những giá trị ấy truyền dạy cho người khác được an lạc theo. Tuy nhiên, hoằng pháp thì đa phần là những thành phần thích đạo, hoặc không thích, hoặc một phần nhỏ những người chống đối. Còn hộ pháp chính là chống lại toàn những thành phần chống đối và dùng mọi cách để phá đạo. Đây không phải là công việc dễ dàng, càng không phải là công việc cho những người hèn nhát. Nhất là trong bối cảnh xã hội hiện tại, vô cùng phức tạp và nhạy cảm.

Chính vì lẽ đó mà trong bối cảnh hiện tại, tăng, ni và phật tử nói riêng Việt Nam năm 2020 phải hết sức tỉnh táo và có những việc làm cụ thể, nếu không Phật giáo thực sự sẽ bước tới một giai đoạn vô cùng suy thoái sau mấy thập kỷ vực dậy.

3.1. Trách nhiệm của tăng, ni

3.1.1. Củng cố niềm tin nơi phật tử

Với sự phát triển như vũ bão của truyền thông, chưa bao giờ con người có thể tiếp cận thông tin dễ như ngày hôm nay, bên cạnh những cái lợi, thì cái hại của nó cũng vô kể! Đặc biệt là thông tin giả, thông tin rác, thông tin độc hại, vô bổ, thông tin xuyên tạc… mà ngày nay vẫn chưa có một cơ chế kiểm thúc việc này.

Hình ảnh tu sĩ luôn là một hình ảnh trang nghiêm, thiêng liêng và đặc biệt. Có thể nói trên đất nước Việt Nam này dù là ai, có đạo hay không đạo chỉ cần nhìn hình ảnh tu sĩ đều biết đó là “thầy chùa”. Chính vì thế, việc giữ hình ảnh trang nghiêm chưa bao giờ cần thiết như lúc này, bởi lẽ chỉ cần một hành động nhỏ không đẹp, lọt vào ống kính của một chiếc điện thoại, mà ngày nay một đứa con nít cũng có thì coi như xong! Sẽ không có một lý lẽ nào để có thể biện minh cho điều đó, vì có ai quan tâm chuyện đằng sau bức ảnh là gì, cái họ thấy và biết chỉ dừng lại tấm ảnh! Đây là một vấn nạn kinh khủng ngày nay. Chính vì lẽ đó, việc giữ gìn oai nghi tế hạnh là việc vô cùng quan trọng của Tăng ni ngày nay.

Một vấn đề nguy hiểm ngày nay, công nghệ chính là mối quan hệ lung tung trên mạng, những người cứ ngỡ rất thân nhưng chưa hề biết mặt. Tăng, ni phải hết sức cẩn trọng với những mối quan hệ như vậy, vì chỉ cần những lời lẽ không được đoan chính, hay đùa cợt vô tình bị phát tán, cũng coi như xong! Đoàn kết, hòa hợp tăng đoàn, một vấn đề tưởng không nên đề cập bởi lẽ bản thể của tăng là thanh tịnh, còn không thanh tịnh sao gọi là tăng được! Tuy nhiên, ngày nay với hệ thống giáo hội có phân quyền, phân cấp rõ ràng thì việc dục lậu phát sinh cũng là điều dễ hiểu, nhưng thật sự việc để phát sinh những cái tâm như vậy là một thất bại lớn cho đoàn thể tăng đoàn.

Đó là chưa nói đến những thoái hóa biến chất của một vài bộ phận mượn đạo tạo đời, đi tu không vì lý tưởng mà chỉ vì manh áo chén cơm, nên khi có được sự cung phụng cúng dường thì tâm càng xa hoa thoái đọa, hơn thua, ghanh ghét, đâm chọc lẫn nhau, hạ bệ người này, đạp đổ người kia… làm cho nội bộ rối ren dần dần trở nên nghi kỵ, mất đoàn kết. Để rồi đánh mất đi hình ảnh đẹp của Tăng bảo, đánh mất lòng tin nơi tín đồ và bị xem thường bởi quần chúng.

3.1.2. Đào tạo tăng tài

Việc đào tạo tăng tài trong bất kỳ giai đoạn nào chưa bao giờ là đủ cả và trong giai đoạn hiện nay lại vô cùng cấp thiết. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, sự hòa nhập, giao thoa văn hóa trên toàn cầu, nếu chúng ta không bắt kịp với nhịp sống đó đồng nghĩa chúng ta tự bị tụt hậu.

Ngày nay, ngoài vấn đề nội điển phải thông hiểu, thì ngoại điển cũng vô cùng quan trọng. Thứ nhất, chúng ta cần chuyển ngữ kinh điển sang ngôn ngữ hiện đại để dễ phổ cập đại đa số quần chúng mà điều này không phải người có học thức nông cạn có thể làm được. Thứ hai, chúng ta cần phải giáo hóa các tầng lớp trong xã hội đặc biệt giới tri thức, nếu chúng ta không có cái nhìn đa diện và các kiến thức xã hội thì khó có thể hóa họ.

Đào tạo Tăng tài cũng có nghĩa là thấy các lỗ hổng trong Phật giáo và đào tạo là để lấp đầy những chỗ đó. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta chưa thực sự có một kế hoạch rõ ràng cho một nền giáo dục, hàng năm chúng ta có hàng ngàn Tăng ni sinh ra trường nhưng làm gì và ở đâu thì dường như chúng ta mù tịt. Nhân tài không phải tự nhiên mà có, mà đã có mà không xài thì đó là lỗi lớn của chúng ta. Chính vì lẽ đó, chúng ta cần phải có một kế hoạch đào tạo tăng tài để hàng tăng, ni trẻ tài năng không trở thành những viên ngọc bị quên lãng.

Ngoài ra mảng Phật giáo nhập thế cũng là vấn đề mà Phật giáo phải lưu tâm, cần phải có kế hoạch lâu dài để làm các chương trình thiện nguyện, tránh trường hợp đem tiền đổ biển, thật không mang lại lợi ích nhiều. Bên cạnh đó, các tăng, ni cần mạnh dạn dấn thân vào các việc công ích để hình ảnh thân thương, gần gũi để lại trong lòng quần chúng một hình ảnh đẹp. Từ đó, dẫn dắt họ vào con đường hướng thiện quy y theo Phật giáo.

3.2. Vai trò của cư sĩ phật tử

Người Phật tử hộ pháp việc đầu tiên chính là giữ gìn năm giới một cách trọn vẹn. Qua việc trọ trì giới đó biến mình thành một hình mẫu cao đẹp trong gia đình mình và xã hội. Sau đó, hướng dẫn gia đình, người thân và những người xung quanh hướng về Phật. Như đức Phật dạy: “Ai sát hại sinh linh/Và nói láo ở đời/Lấy của cải không cho/Ði đến vợ người khác/Và người mãi đắm say/Uống rượu men, rượu nấu, Không đoạn năm hận thù/Ðược gọi là ác giới/Mạng chung, sinh ác tuệ, Bị rơi vào địa ngụcAi không hại sinh linh/Không nói láo ở đời/Không lấy của không cho/Không đi đến vợ người/Người nào không đắm say/Rượu men và rượu nấu/Ðoạn tận năm hận thù/Ðược gọi là có giới/Mạng chung, sinh trí tuệ/Ðược sinh lên cõi lành”[18].

Việc thứ hai chính là niềm tin trọn vẹn nơi Tam bảo, đặc biệt là Pháp bảo và Tăng bảo. Khi niềm tin vào Pháp kiên cố chúng ta sẽ không bị tà đạo dẫn dụ, tà thuyết làm lung lay. Khi niềm tin vào tăng được vững chãi thì dù có một vài cá nhân trong tăng không như pháp vẫn không sinh lòng thối thất và hủy báng.

Người Phật tử còn có trách nhiệm chu cấp cho cuộc sống thường nhật của chư tăng, xây dựng chùa, các đạo tràng để có không gian tu tập. Ngoài ra còn phải thành lập một đội ngũ bảo vệ Phật pháp khi có các thế lực bên ngoài phá Phật giáo, xuyên tạc, chia rẽ trong nội bộ Tăng đoàn và đức Phật dạy trong kinh Tăng Chi:

“Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử hộ trì chúng Tỳ kheo, hộ trì chúng Tỳ kheo với y, hộ trì chúng Tỳ kheo với đồ ăn khất thực, hộ trì chúng Tỳ kheo với sàng tọa, hộ trì chúng Tỳ kheo với dược phẩm trị bệnh”[19].

Người Phật tử nên tham gia vào các cơ quan tổ chức nhà nước, các tổ chức lớn có tầm ảnh hưởng. Một mặt mở rộng phạm vi ảnh hưởng Phật giáo, mặt khác có vị trí tầm nhìn xa rộng để bảo vệ Phật pháp khi các thế lực âm mưu chống phá Phật giáo.

Kết luận

Phật giáo đã trải qua bao nhiêu thăng trầm trước các sóng gió của thời cuộc. Đến hôm nay và mai sau nữa các sóng gió ấy vẫn không bao giờ mất đi hay giảm bớt, chính vì lẽ đó việc hộ pháp, giữ gìn không phải một đời, một thế hệ mà là xuyên suốt thời gian không có hạn.

Là một người con Phật, đi theo bước chân của Ngài hướng đến một cuộc sống hạnh phúc, bình an thì trách nhiệm giữ gìn những chân lý ấy, phổ biến và tránh khỏi các thế lực chống phá là một việc làm thiêng liêng và quan trọng.

Ngày nay cần ý thức cao độ việc hộ pháp, bởi lẽ trong thời điểm hiện tại có quá nhiều vấn đề nhạy cảm đang diễn ra, thậm chí ngày càng tăng và phức tạp. Chúng ta cần phải có những kế hoạch rõ ràng và nhanh chóng để ngăn ngừa ngay chính trong nội bộ Phật giáo đang suy thoái, đồng thời có những chiến lược truyền bá Phật pháp trong tương lai mang tính lâu dài và hệ thống.

Hộ Pháp Luận dù đã ra đời từ rất lâu, trải qua bao nhiêu năm tháng nhưng giá trị nó mang lại vẫn nguyên vẹn. Tinh thần bảo vệ Phật pháp, sẵn sàng đứng ra trước hòn tên mũi đạn, bão táp phong ba của các thế lực chống phá Phật pháp luôn cần những con người tài ba và trí tuệ như vậy. Chúng ta cần nêu cao tinh thần bảo vệ Phật pháp như một việc làm hằng ngày trong đời sống tu tập của mình, để luôn đề cao cảnh giác cho việc tồn vong của đạo Phật.

Thích Tâm Ý

———————

CHÚ THÍCH

[1] Cực lạc quê nhà, Phật học tùng thư, XB:Trường Thiền học trung ương Bắc Kỳ Phật giáo, 1939, tr.30.
[2] Thích Đức Nghiệp, Luận Hộ Pháp và Phật Giáo Với Khoa Học, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2007, tr.5.
[3] Thích Minh Châu dịch, “Trung Bộ II”, kinh Đa Giới, Nxb. Tôn Giáo, 2012, tr.389.
[4] Đoàn Trung Còn dịch, Tứ Thư, Luận Ngữ, Nxb.Thuận Hóa, 2011, tr.182.
[5] Sđd, tr.232.
[6] Thích Minh Châu dịch, kinh Tăng Chi Bộ 2, Chương V, Phẩm Triền Cái, VNCPHVN, Tp. Hồ Chí Minh, 1996, tr.422.
[7] Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú, kệ số 1,2, Nxb. Hồng Đức, 2013, tr.7.
[8] Thích Tuệ Hải dịch, Hộ Pháp Luận, Nxb. Hương Quang, 1962, tr16.
[9] Sđd, tr17.
[10] Sđd, tr49.
[11] Sđd, tr16.
[12] Sđd, tr18.
[13] Sđd, tr18.
[14] Sđd, tr18.
[15] Thích Đức Thắng dịch, Kinh Tạp A Hàm I, Kinh 388 Lương Y, Nxb Phương Đông, 2015, tr.735.
[16] Thích Tuệ Hải dịch, Hộ Pháp Luận, Nxb. Hương Quang, 1962, tr.15.
[17] Sđd, tr17.
[18] Thích Minh Châu, “Kinh Tăng Chi I”, Phẩm Nam Cư Sĩ, Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr.788.
[19] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tăng Chi Bộ 1”, Chương Bốn Pháp, Phẩm Nguồn Sinh Phước, Viện NCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr. 675.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Tuệ Hải dịch, Hộ Pháp Luận, Nxb.Hương Quang, 1962.
2. Thích Đức Nghiệp, Luận Hộ Pháp và Phật Giáo Với Khoa Học, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2007.
3. Cực lạc quê nhà, Phật học tùng thư, XB:Trường Thiền học trung ương Bắc Kỳ Phật giáo, 1939.
4. Thích Minh Châu dịch, “Trung Bộ II”,Nxb. Tôn Giáo, 2012.
5. Đoàn Trung Còn dịch, Tứ Thư, Luận Ngữ, Nxb.Thuận Hóa, 2011.
6. Thích Minh Châu dịch, “Kinh Pháp Cú”, Nxb. Hồng Đức, 2013
7. Thích Đức Thắng dịch, “Kinh Tạp A Hàm I”, Nxb.Phương Đông, 2015.
8. Thích Minh Châu, “Kinh Tăng Chi I”, Nxb..Tôn Giáo, Hà Nội, 2015.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường