Trang chủ Chuyên đề Phỏng vấn Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam về Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII

Phỏng vấn Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam về Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Phỏng vấn Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội VIII

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 11.2017 Phong van Chu ton duc lanh dao GHPGVN 1

Hỏi: Kính bạch Hòa thượng, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII diễn ra trong bối cảnh đất nước đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế đã và đang đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, đời sống nhân dân ngày một tốt đẹp, vậy kính mong Hòa thượng cho biết những thành tựu nổi bật của GHPGVN đã đạt được trong Nhiệm kỳ qua?

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 11.2017 Phong van Chu ton duc lanh dao GHPGVN 2

Đáp: Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm và tinh thần trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng Trị sự, 13 Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN các cấp cùng tăng, ni, phật tử trong và ngoài nước tích cực hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ nên Giáo hội đã đạt được những thành quả tốt đẹp trong chương trình hoạt động phật sự của Nhiệm kỳ VII từ xây dựng, củng cố cơ sở Trung ương, địa phương cho đến các hoạt động chuyên ngành, đã khẳng định vị thế của GHPGVN đối với dân tộc, tạo được uy tín, niềm tin đối với tăng ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước cũng như cộng đồng Phật giáo thế giới trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Trong Nhiệm kỳ VII (2012-2017) Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua một Nhiệm kỳ được coi như là Nhiệm kỳ bản lề bởi có 03 Ban được thành lập mới, những thành tựu nổi bật phải kể đến như:

Một là, không ngừng hoàn thiện hệ thống tổ chức Giáo hội, xây dựng và củng cố các cấp Giáo hội địa phương như đã thành lập Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Tổ chức Giáo hội đã hoạt động tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; nhiều Ban Trị sự địa phương cấp huyện tại các tỉnh được thành lập, tăng cường các hoạt động phật sự.

Hai là, phổ biến và hướng dẫn thi hành Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi lần thứ V. Hoàn thành công tác khắc, đổi con dấu theo hệ thống chuẩn quy định của quản lý hành chính quốc gia cho các Ban, Viện Trung ương; Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố và Ban Trị sự GHPGVN cấp địa phương quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường. Tăng cường công tác quản lý tăng, ni, tự viện trong cả nước.

Thứ ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động phật sự, phát huy tính chủ động sáng tạo trong công tác phật sự của các Ban, Viện Trung ương, nhất là các Ban mới thành lập trong nhiệm kỳ VII.

Thứ tư, tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội Phật giáo trọng đại với nội dung hoằng pháp: Đại lễ kỷ niệm 50 năm Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân và Hội thảo khoa học: 50 năm phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam (1963 – 2013); Đại lễ Tưởng niệm 705 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn; khánh thành, an vị Thánh tượng Phật hoàng tại Non thiêng Yên Tử và Hội thảo khoa học: Phật giáo Trúc lâm Yên Tử và công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Yên Tử hiện nay; Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: Phật giáo Châu Á và Việt Nam trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc, tại Tp.Hạ Long tỉnh Quảng Ninh 11/2013.

Tiếp đến là tổ chức thành công Đại lễ Vesak LHQ diễn ra từ ngày 7 – 11/5/2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”. Đại lễ Vesak LHQ do GHPGVN đăng cai tổ chức lần thứ hai đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp đối với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, với sự tham dự của gần 1.500 đại biểu khách quốc tế đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS GHPGVN, tăng ni, cùng hàng vạn tín đồ phật tử trong và ngoài nước, là cơ hội để giới thiệu về một đất nước Việt Nam hòa bình, hợp tác, hữu nghị và một GHPGVN đoàn kết, hòa hợp, phát triển và hội nhập.

Thứ năm, hoàn thành công trình xây dựng trụ sở Trung ương Giáo hội và nhiều công trình chùa có ý nghĩa: tại Trụ sở T.Ư Giáo hội chùa Quán Sứ đã hoàn thành tòa nhà gồm: hội trường lớn, phòng họp Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Phân viện Nghiên cứu Phật học, tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu Phật học Việt Nam; tại Cơ sở Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hạng mục C dãy nhà Tây lang.

Khánh thành quần thể chùa tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa: các chùa ở đảo Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh. Tiếp tục cử chư tăng ra trụ trì các chùa tại các đảo Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn; cử nhiều đoàn gồm Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và tăng ni, phật tử ra thăm quân và dân ta ở quần đảo Trường Sa; Khánh thành chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc 2014, chùa Trúc Lâm Tà Lùng 2015, tỉnh Cao Bằng được coi như cột mốc tâm linh quốc gia.

Khánh thành công trình chùa Việt Nam Quốc tự và cơ sở mới Học viện Phật giáo Việt Nam tại Lê Minh Xuân; khánh thành giai đoạn 1 cơ sở mới Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; đồng thời chính thức khởi công xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ là những công trình có ý nghĩa trong sự nghiệp phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ngoài ra, Giáo hội còn tổ chức nhiều đoàn đi dự các hội nghị, hội thảo quốc tế. Các đoàn đi hoằng pháp phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài các Hội Phật tử Việt Nam tại các nước châu Âu đã thành lập, trong nhiệm kỳ vừa qua tiếp tục thành lập các Hội Phật tử Việt Nam tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, tại các nước châu Phi như Angola, Mozambique. Củng cố Hội Phật tử tại Lào và Campuchia tiến tới đề nghị nước sở tại công nhận. Đã kết nối và mời về thăm Việt Nam các chư tăng của hệ phái Phật giáo Việt tông đang trụ trì 21 ngôi chùa Việt Nam tại Thái Lan.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 11.2017 Phong van Chu ton duc lanh dao GHPGVN 3

Hỏi: Phương hướng hoạt động của GHPGVN Nhiệm kỳ VIII (2017-2022) như thế nào, xin Hòa thượng cho biết?

Đáp: Với chính sách đổi mới, mở rộng giao lưu, đa dạng hóa đa phương hóa trong quan hệ Quốc tế của Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng nhận được sự đồng tình, hợp tác của nhiều tổ chức, hội đoàn, cơ sở Phật giáo tại nhiều nước trên thế giới, thu hút được sự ủng hộ của đa số tăng, ni, phật tử người Việt Nam ở hải ngoại để cùng chung lo cho Đạo pháp và Dân tộc trong những thập niên đầu thế kỷ 21, thế kỷ của hòa bình, hợp tác, phát triển và hội nhập.

Với chủ đề của Đại hội VIII “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, căn cứ tình hình thực tế và báo cáo tổng kết hoạt động phật sự nhiệm kỳ VII (2012 – 2017), những ý kiến, tham luận tại hội thảo kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội, hội nghị sinh hoạt Giáo hội, những góp ý gửi về Văn phòng Trung ương Giáo hội và đăng tải trên các phương tiện truyền thông Phật giáo, những ý kiến phát biểu tham luận của Chư tôn đức, đồng bào, phật tử, chương trình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) được hoạch định những điểm chính như sau:

+ Phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế, kiên định lý tưởng: Đạo pháp, Dân tộc.

+ Đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trong phương thức hướng dẫn phật tử. Định hướng pháp môn tu tập phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội và xiển dương đạo đức học Phật giáo góp phần xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội.

+ Nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học tại các cơ sở đào tạo tăng, ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

+ Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam đảm bảo có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế.

+ Mở rộng hoạt động đối ngoại đa phương theo định hướng ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới. Kết nối chặt chẽ với các Hội phật tử Việt Nam ở nước ngoài.

+ Đẩy mạnh công tác nghiên cứu Phật học và nâng cao chất lượng học thuật Phật giáo. Tập trung nghiên cứu có định hướng, khẳng định và làm nổi bật tinh hoa, bản sắc của Phật giáo Việt Nam.

+ Tăng cường công tác giám sát, kiểm soát các hoạt động phật sự, quản lý tự viện, sinh hoạt của tăng, ni theo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước.

+ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của tăng, ni, phật tử, của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam.

+ Định hướng tự chủ tài chính trong các hoạt động phật sự của Giáo hội qua việc xây dựng mô hình kinh tế Phật giáo ở những lĩnh vực hợp lý. Khuyến khích phát triển kinh tế tự túc của các cơ sở tự viện. Kêu gọi tăng, ni, phật tử tích cực tham gia công tác từ thiện, hưởng ứng phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm lo công tác an sinh xã hội cho cộng đồng.

Trân trọng cảm ơn Hòa thượng!

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 11.2017 Phong van Chu ton duc lanh dao GHPGVN 5

Phỏng vấn Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Tổ chức Đại hội VIII:

Hỏi: Kính bạch Hòa thượng, Đại hội VIII sẽ được tổ chức về quy mô, tính chất…như thế nào so với kỳ Đại hội trước?

Đáp: Với chủ đề: “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII được tổ chức từ ngày 19 đến 22 tháng 11 năm 2017 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, thủ đô Hà Nội để tổng kết công tác phật sự nhiệm kỳ VII (2012 – 2017); thảo luận thông qua chương trình hoạt động phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 -2022) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; suy tôn, bổ sung Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN; suy cử Hội đồng Trị sự GHPGVN; thông qua danh sách Tấn phong Giáo phẩm và một số công tác khác.

Dự Đại hội có 1111 Đại biểu chính thức từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng mời Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước các Ban, Bộ ngành Trung ương; Đại sứ quán các nước tại Hà Nội, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga, Ba Lan, Pháp, Zech, Hungary, ucraina, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia, indonesia, Singapore, Philippines, Malaysia, Brunei, Ấn Độ, Srilanka, Hàn Quốc, Myanmar, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc – Đài Loan (Trung Quốc) …; Đoàn Phật giáo Quốc tế: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan (Việt Tông), Nhật Bản, Myanmar …; Hội Phật tử nước ngoài: Pháp, Zech, Ba Lan, Hungary, Đức, ucraina, Nga, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc tham dự Đại hội với tư cách là Đại biểu khách quý.

Hỏi: Chủ đề của Đại hội lần này là “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển” có ý nghĩa như thế nào, kính bạch Hòa thương?

Đáp: Tại Hội nghị kỳ 5 khóa VII, HĐTS GHPGVN đã thông qua đề án tổ chức Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII: “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”. Đây là chủ đề có tầm chiến lược phát triển bền vững của GHPGVN trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng.

Nhìn lại quá trình hình thành, ổn định và phát triển của GHPGVN trong suốt 7 Nhiệm kỳ qua, trên tinh thần hòa hợp, đoàn kết, vận dụng trí tuệ tập thể, chúng ta dễ dàng nhận thấy GHPGVN đã thực sự lớn mạnh trên nhiều phương diện, đạt được nhiều kết quả khả quan trong các lĩnh vực. Có thể nói đây là kỳ Đại hội quan trọng, bởi Phật giáo nước nhà đang đứng trước yêu cầu phát triển bền vững với nhiều thách thức khó khăn, từ hoàn cảnh khách quan của thời hội nhập, cũng như những giới hạn do chủ quan mang tới.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 11.2017 Phong van Chu ton duc lanh dao GHPGVN 6

Điều cốt lõi của vấn đề là GHPGVN cần phải có một chiến lược phát triển lâu dài, bền vững và nó phải được thực thi bởi một nguyên lý vận hành có cơ sở lý luận, có mục tiêu phấn đấu, luôn ở thế chủ động và mang tính khả thi, chứ không đơn thuần là đến cuối Nhiệm kỳ thì rút kinh nghiệm và đưa một số giải pháp khắc phục mang tính tượng trưng, nếu cứ tiếp tục phương hướng hoạt động theo đường mòn truyền thống bấy lâu nay và luôn ở trong thế thụ động, thì mục tiêu phát triển bền vững vẫn sẽ dễ mất phương hướng và là một khái niệm xa rời thực tế. Do vậy ở Nhiệm kỳ VIII, Giáo hội lấy thước đo hoạt động phật sự và những đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển của các đơn vị Phật giáo trực thuộc làm tiêu chí đánh giá hiệu quả và hoạt động.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 11.2017 Phong van Chu ton duc lanh dao GHPGVN 7

Phỏng vấn Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Thông tin, Báo chí Đại hội VIII:

Hỏi: Kính bạch Hòa thượng, Tiểu ban Thông tin, Báo chí đã có những kế hoạch cụ thể như thế nào để phục vụ công tác thông tin truyền thông tại Đại hội VIII?

Đáp: Được sự phân công của Ban Thường trực HĐTS, Ban Tổ chức Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, Ban Thông tin Truyền thông (TTTT) Trung ương đã có kế hoạch cụ thể, nội dung chi tiết các hạng mục về truyền thông tại Đại hội Viii Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ban TTTT T.Ư đã chuẩn bị chu đáo, lập phương án chi tiết, cụ thể nhằm truyền thông hình ảnh Phật giáo Việt Nam với bề dày hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc; truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) kế thừa truyền thống lịch sử vẻ vang của Phật giáo Việt Nam đã có đóng góp tích cực vào việc xây dựng dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; truyền thông quá trình phát triển của GHPGVN trong 36 năm qua, đặc biệt là sự đồng hành cùng dân tộc theo tinh thần “Đạo pháp – Dân tộc”; truyền thông hình ảnh tốt đẹp về sự đoàn kết gắn bó giữa các hệ phái trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Truyền thông những thành tựu trong nhiệm kỳ 2012 – 2017 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; truyền thông kết quả Đại hội Phật giáo cấp tỉnh nhiệm kỳ 2017-2022 trong cả nước; Giới thiệu hoạt động, kết quả nhân sự và những nghị quyết quan trọng của Đại hội VIII.

Trong kế hoạch thực hiện công tác truyền thông, Ban TTTT T.Ư sẽ bám sát chủ đề của Đại hội VIII đó là “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, ghi nhận và truyền tải những ý kiến đóng góp của tăng, ni, phật tử về Đại hội và kỳ vọng vào sự phát triển của GHPGVN.

Về kế hoạch truyền thông gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 15/03/2017 đến ngày 18/11/2017, Chủ đề truyền thông trong giai đoạn này chủ yếu là: Truyền thông kết quả Đại hội Phật giáo các tỉnh, thành trong cả nước. Đây là giai đoạn bản lề trước khi công tác truyền thông tại Đại hội Phật giáo toàn quốc chính thức diễn ra.

Ban TTTT T.Ư chỉ đạo các đơn vị phối hợp, tổ chức những công việc cụ thể như đối với trang tin điện tử Phatgiao.org.vn: Mở chuyên mục chào mừng Đại hội VIII; Đăng banner chào mừng Đại hội VIII; Viết bài theo chủ đề truyền thông Đại hội VIII; Phỏng vấn tăng, ni, cư sĩ phật tử về các thành tựu của Phật giáo Việt Nam, những đóng góp xây dựng và phát triển của Phật giáo và truyền thông kết quả Đại hội Phật giáo cấp tỉnh nhiệm kỳ 2017-2022 trong cả nước.

Đối với kênh An Viên: Sản xuất phim tài liệu các kỳ Đại hội; Sản xuất trailer chào mừng Đại hội VIII; Phát phim tư liệu, tài liệu các kỳ Đại hội tại Đại hội VIII và cử phóng viên đưa tin trước, trong, sau khi Đại hội VIII diễn ra.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 11.2017 Phong van Chu ton duc lanh dao GHPGVN 8

Để chủ động trong công tác thông tin truyền thông, Ban TTTT T.Ư gửi công văn, email đề nghị các trang online Phật giáo treo banner chào mừng Đại hội VIII: đề nghị các trang website Phật giáo dẫn đường link, treo banner về chuyên mục chào mừng Đại hội Phật giáo các cấp và Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII.

Ngày 13/11/2017, tại chùa Quán Sứ, BTC tổ chức buổi họp báo để thông tin các công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội tới các cơ quan thông tấn báo chí; đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí hợp tác thông tin và đưa tin kịp thời về Đại hội.

Đặc biệt từ ngày 18/11/2017 đến ngày 22/11/2017. Đây là giai đoạn diễn ra Đại hội VIII, trên trang Phatgiao.org.vn cập nhật tin tức liên tục, thường xuyên các ngày diễn ra Đại hội; cử phóng viên thường trực đưa tin tức sự kiện tại Đại hội; cung cấp cho báo chí các thông tin về Đại hội và viết bài theo chủ đề truyền thông Đại hội.

Kênh An Viên sẽ thực hiện việc truyền tín hiệu phiên khai mạc/bế mạc Đại hội VIII từ Hội trường ra Trung tâm báo chí Đại hội.

Bên cạnh đó, BTC cũng sẽ thành lập Trung tâm Báo chí tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô là nơi cung cấp tài liệu, thông cáo báo chí các ngày diễn ra Đại hội VIII; Cung cấp thông tin về các hoạt động Đại hội phục vụ hoạt động nghiệp vụ của phóng viên; Cung cấp tư liệu hình ảnh, video cho các cơ quan báo chí. Kết nối phóng viên báo chí phỏng vấn Chư tôn đức.

Sau Đại hội, Ban TTTT T.Ư sẽ truyền thông kết quả và các nghị quyết quan trọng Đại hội VIII.

Trên đây là những điểm chính mà Ban TTTT T.Ư và các nhân sự đang thực hiện, thể hiện tư thế sẵn sàng, quyết tâm cao độ phục vụ và hoàn thành trọng trách được giao phó trong kỳ Đại hội lần này.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 11.2017 Phong van Chu ton duc lanh dao GHPGVN 9

Phỏng vấn Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS, Trưởng ban Nội dung Đại hội VIII:

Hỏi: Kính bạch Thượng tọa, việc tu chỉnh Hiến chương GHPGVN lần này có những điểm gì mới?

Đáp: Phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam, với đường hướng “Đạo pháp – Dân tộc”, trong những năm qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước củng cố, phát triển và lớn mạnh về mọi mặt hoạt động, thể hiện ý chí hoà hợp, đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Phật giáo và tiếp tục phát huy tinh thần gắn bó với dân tộc. Trong mọi hoàn cảnh của đất nước, Phật giáo Việt Nam đã làm tốt vai trò, khẳng định được vị trí của mình đồng hành cùng dân tộc”.

Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII Nhiệm kỳ (2017-2022), một trong những điểm đáng chú ý, quan trọng đó là các Đại biểu sẽ đóng góp bản tu chỉnh Hiến chương GHPGVN lần thứ VII vẫn gồm 13 Chương và 71 điều. Có 57 điểm đề nghị sửa đổi, điều chỉnh một số từ sẽ được lấy ý kiến các Đại biểu của Đại hội.

Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự kế thừa tính ưu việt, truyền thống của các tổ chức, Hệ phái thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời là sự tập đại thành tư tưởng, trí huệ của chư Tôn đức tiền bối các Tổ chức, Hệ phái Phật giáo trong cả nước đã được Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo thông qua ngày 07/11/1981 và đã được Hội đồng Bộ trưởng chuẩn y bằng quyết định số 83/HĐBT ngày 29/12/1981, gồm 11 chương, 45 điều. Hiến chương Giáo hội đã được tu chỉnh 5 lần:

– Lần thứ nhất: Năm 1987 đã được tu chỉnh và thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II ngày 29/10/1987. Nội dung gồm: 11 chương, 46 điều

– Lần thứ hai: Năm 1992 đã được tu chỉnh và thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III ngày 04/11/1992. Nội dung gồm: 11 chương, 47 điều.

– Lần thứ ba: Năm 1997 đã được tu chỉnh và thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV ngày 23/11/1997. Nội dung gồm: 11 chương, 48 điều.

– Lần thứ tư: Năm 2007 đã được tu chỉnh và thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI ngày 14/12/2007. Nội dung gồm 12 chương 52 điều.

– Lần thứ năm: Năm 2012 đã được tu chỉnh và thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII ngày 24/11/2012. Nội dung gồm 13 Chương và 71 điều.

Để phù hợp với tình hình thực tế của xã hội, nhất là nhu cầu phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng đa dạng và phát triển toàn diện trong thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo.

Việc điều chỉnh đầu tiên trong Lời nói đầu, cụm từ “tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo” được đề nghị đổi thành “tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội, và các Hệ phái Phật giáo”; hoặc cách gọi “tỉnh, thành” được sửa thành: “tỉnh, thành phố”… để làm rõ nghĩa hơn trong một số trường hợp.

Về danh xưng, thay đổi đầu tiên đó là đối với các ban, ngành Trung ương, Ban Giáo dục Tăng Ni được đề nghị đổi thành Ban Giáo dục Phật giáo, thêm một ban ngành mới là Ủy ban Phật giáo châu Á vì Hòa bình Việt Nam. Nếu điều này được thông qua tại Đại hội thì số lượng các ban, viện Trung ương sẽ tăng lên 14 (12 Ban, 1 Viện và 1 Ủy ban).

Bên cạnh đó, việc sửa đổi liên quan tới lãnh đạo cao cấp của Giáo hội là việc điều chỉnh số lượng Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự từ 03 vị xuống còn 02 vị tại Điều 22 của Chương V. Thành lập thêm Ban Chứng minh ở Phật giáo cấp Tỉnh, Thành phố và cấp huyện, thị, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; “Khi được suy tôn vào hàng Chứng minh thì không tham gia Ban Trị sự” được bổ sung tại Điều 31 Chương VI.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 11.2017 Phong van Chu ton duc lanh dao GHPGVN 10

Cũng về danh xưng, Trưởng ban Trị sự cấp tỉnh, thành phố và cấp huyện, thị xã thuộc hệ thống hành chính của Giáo hội hiện nay được đề nghị đổi thành “Chủ tịch Ban Trị sự…”, và các cấp Phó Trưởng ban Trị sự được đổi thành: Phó Chủ tịch Ban Trị sự…

Ngoài ra, tại Điều 26 Chương V, cấp trực thuộc các Ban, Viện trung ương hiện nay được gọi là “Phân ban” được đề nghị đổi thành “Vụ”.

Trên đây là gần 60 đề nghị đã được trình bày tại các cuộc họp, tuy nhiên, việc sửa đổi trong Hiến chương còn phải trình tại Đại hội, xin ý kiến của các Đại biểu với tinh thần mà Đại hội VIII chọn là chủ đề chính là “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”.

Hỏi: Vậy, Thượng tọa cho biết lý do của việc thay đổi một số từ, danh xưng trong Hiến chương?

Đáp: Đối với GHPGVN, việc sửa đổi, tu chỉnh Hiến chương lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm chuẩn bị đón đầu những cơ hội và thách thức của tương lai, trên cơ sở đó, thay đổi để làm rõ thêm bản chất và chức năng của Giáo hội, làm chắc thêm cấu trúc và vận hành của Giáo hội đi đúng hướng và thêm hiệu quả.

Những đề xuất góp ý tu chỉnh Hiến chương GHPGVN trình bày ở đây tập trung vào việc sửa đổi một số chi tiết cụ thể, sao cho Hiến chương tu chỉnh trở thành một văn bản có tính chất nền tảng ngày càng hoàn thiện, để xây dựng một Giáo hội mạnh, có tổ chức chặt chẽ, vững chắc, hoạt động hiệu quả, thích ứng với những điều kiện mới, trong tình hình mới, đáp ứng lòng mong mỏi của tăng, ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.

Những nội dung góp ý tu chỉnh Hiến chương phải nhằm vào mục tiêu khắc phục những: khuyết điểm, nhược điểm, cũng như những điểm không còn phù hợp với tình hình thực tiễn của xã hội. Thể hiện các quan điểm mới, trong việc tu chỉnh Hiến chương, không có nghĩa là xem thường những gì các bậc cao tăng tiền bối đã dày công gầy dựng mà chính là để tiếp nối và phát huy những giá trị quý báu, hiệu quả trong công tác điều hành hệ thống tổ chức Giáo hội, không ngừng hoàn thiện, để kiện toàn tổ chức Giáo hội đáp ứng các nhu cầu phật sự trong thời hội nhập và phát triển đất nước.

Trong hoàn cảnh hiện nay của Giáo hội và thế kỷ tiếp theo, việc tu chỉnh Hiến chương đặc biệt chú ý đến việc nâng cao hiệu năng hoạt động của bộ máy Trung ương Giáo hội, các Ban, Viện Trung ương, các Tỉnh, Thành hội Phật giáo và cấp cơ sở. Chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm trong từng thành viên lãnh đạo Trung ương và các Ban ngành, Ban Trị sự địa phương và cấp cơ sở. Việc góp ý tu chỉnh Hiến chương lần thứ 6 được thể hiện trên tinh thần tôn trọng những tôn chỉ, mục đích, đường lối cơ bản của các bậc Tiền bối đã xây dựng, nhất là mang tính xây dựng trên cơ sở tôn trọng và kế thừa những ưu việt về nguyên tắc pháp lý, pháp nhân của Hiến chương hiện hành.

Tác giả: Nhật Minh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 11/2017

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường