Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Phật giáo và kinh tế xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa

Phật giáo và kinh tế xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Nữ Chơn Ngọc
Học viên Cao học khóa III Học Viện PGVN tại Tp.HCM

DẪN NHẬP

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay có rất nhiều nhân tố tác động một cách mạnh mẽ gây nên nhiều sóng gió, khó khăn thử thách và kiềm hãm sự phát triển nền kinh tế toàn cầu. Sự tác động nặng nề nhất chính là trận đại dịch Covid-19 xuất hiện vào năm 2020 kéo dài đến nay. Phật giáo với sứ mạng nhập thế vào từng ngõ ngách của cuộc đời đầy dẫy sự khổ đau của con người đã và đang hành động tích cực trên các phương diện xã hội và kinh tế là khía cạnh được Phật giáo quan tâm, tích cực thực hiện vai trò và sứ mạng của mình đối với quá trình phát triển nền kinh tế toàn cầu.

Nhiều người vẫn còn nghi ngờ với vai trò này của Phật giáo, họ thường đặt ra nhiều câu hỏi cho Phật giáo bằng phương thức nào có thể tác động được đến nền kinh tế vì tôn giáo này bản chất chỉ chú trọng đế sự giải thoát. Nhiều nhà nghiên cứu vẫn xem thường đạo Phật và chỉ chú trọng nhấn mạnh đến Nho giáo mới xứng tầm với các giá trị kinh tế.

Tag: giải thoát, phật giáo, covid 19, kinh tế học phật giáo, vai trò của phật giáo, đời sống, khủng hoảng kinh tế, giải pháp Phật giáo,…

1. Khái niệm về kinh tế

Theo quan điểm Adam Smith khai sinh ra môn kinh tế, đã định nghĩa “kinh tế” trong cuốn sách nổi tiếng “Sự giàu có của các quốc gia” (Wealth of Nations) của ông là khoa học học gắn liền với những quy luật về sản xuất, phân phối và trao đổi. Tiếp đến cho rằng “sự giàu có chỉ xuất hiện khi con người có thể sản xuất nhiều hơn với nguồn lực lượng lao động và tài nguyên sẵn có”. Về định nghĩa từ kinh tế, xét theo bản chất, làm kinh tế là con người cố gắng thực hiện những công việc để sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có của mình như: tiền, sức khỏe, tài năng thiên bẩm và nhiều tài nguyên khác, để tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu nhân loại. Từ đó tạo ra của cải vật chất cho chính mình.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao voi kinh te xa hoi toan cau hoa 1

Kinh tế theo tự điển Hán – Việt với ý nghĩa “Kinh bang tế thế” bốn từ này ghép lại mang một ý nghĩa bao hàm việc làm đối với một vị vua “kinh bang” tức trị nước, tế thế có nghĩa cứu đời. Ngoài ra còn được hiểu với nghĩa Kinh tế học (tiếng Anh “economy”): để chỉ mọi hoạt động sản xuất, phân phối, tiêu thụ… các thứ tiền bạc và hóa vật, nhằm thỏa mãn những nhu cầu trong xã hội. Thông thường chỉ quan hệ sản xuất của toàn dân một nước. Hoặc chỉ trạng huống thu chi (thu nhập và chi tiêu) của cá nhân hoặc quốc gia.

Tuy nhiên trong “Tạp chí Tia Sáng”, GS.Hồ Tú Bảo với bài viết nói về “Kinh tế tri thức ở Việt Nam” nhận định “Theo một định nghĩa được thừa nhận rộng rãi, kinh tế là toàn bộ các hoạt động sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của một cộng đồng hay một quốc gia”. Nhưng chưa có một sự thống nhất về sự nhìn kinh tế và thước đo chuẩn mực đối với xã hội hiện nay về kinh tế. Thông thường sự hiểu cơ bản, dễ hiểu nhất “Kinh tế là tổng hòa các mối quan hệ tương tác lẫn nhau của con người và xã hội liên quan trực tiếp đến việc sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng các loại sản phẩm hàng hóa và dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của con người trong một xã hội với một nguồn lực có hạn.”[1]

2. Kinh tế Phật giáo

Khi nói đến một tôn giáo con người thường nghĩ về các giá trị tâm linh về tinh thần mang lại, đồng thời dựa trên quan điểm tư tưởng như thế đã cho rằng Phật giáo không liên quan đến khía cạnh kinh tế sự nhận định này rất nông cạn. Bởi lẽ xét theo tinh thần Phật giáo con người là sự hợp thành của năm uẩn được chia làm hai phần rất rõ rệt vật chất và tinh thần hay nói cách khác chính là danh và sắc. Đối với chúng hữu tình muốn tồn tại cần có sự kết hợp hài hòa giữa hai thành tố quan trọng này, “Phật giáo không bài trừ vấn đề kinh tế nhưng nói sự phát triển tinh thần mà không chấp nhận điều kiện vật chất thì không phải là chủ trương và cái nhìn của Phật giáo. Phật giáo nhấn mạnh sự phát triển toàn diện của con người cần hội đủ những vấn đề về phát triển tinh thần, sự tráng kiện của thân tâm cùng sự bảo đảm về điều kiện kinh tế.”[2]

Tuyên ngôn kinh tế Phật giáo của E.F. Schumacher[3] một nhà kinh tế học người Anh đã viết trong tác phẩm “Small is Beautifull” được xuất bản 1966 có khái niệm “Right Livelihood is one of the requirements of the Buddha’s Noble Eightfold Path. It is clear, therefore, that there must be such a thing as Buddhist economics”[4] có nghĩa là “Các nguyên tắc của đức Phật về kinh tế học tập trung vào Chánh mạng trong Bát Chánh Đạo. Trong khi đó, kinh tế học chủ yếu tập trung vào sự tăng trưởng và tạo ra của cải”[5].

Đồng thời tại Sri Lanka Giám Đốc Trung Tâm nghiên cứu về kinh tế Ngân hàng trung ương Karunatilake tác giả trong tác phẩm “The Confused Society” năm 1976 đã đưa ra các quan điểm hệ thống lại kinh tế trong thời hiện đại khế hợp với lời dạy của đức Phật, xem nguyên tắc kinh tế đối với Phật giáo mẫu mực nhất chính là thời kỳ vua Asoka ở Ấn Độ còn có các công trình quy mô đối với nền văn minh cổ của Tích Lan.

Như thế Kinh tế học Phật giáo (tiếng Anh: Buddhist economics) là một cách tiếp cận của Phật giáo đối với kinh tế. Kinh tế học Phật giáo khảo sát đặc điểm tâm lý của trí óc con người, và những ưu tư, khát vọng, và cảm xúc vốn thúc đẩy hoạt động kinh tế. Cách hiểu về kinh tế học của Phật giáo nhắm đến việc làm rõ những gì là có hại và những gì là có ích trong những hoạt động của con người liên quan đến sản xuất và tiêu thụ, và nhất là cố gắng làm cho con người trưởng thành về mặt đạo đức.

Kinh tế học Phật giáo cho rằng những quyết định duy lý thực sự chỉ có thể có được khi chúng ta hiểu điều gì đã tạo nên sự bất duy lý. Khi hiểu điều gì tạo ra ham muốn, con người nhận ra rằng tất cả của cải trên thế gian này cũng không thể thỏa mãn được ham muốn đó. Khi con người hiểu được tính phổ quát của sợ hãi, họ trở nên có lòng trắc ẩn hơn với mọi sinh linh. Như vậy cách tiếp cận đối với kinh tế học này không dựa trên lý thuyết và mô hình mà dựa trên sức mạnh của sự cảm quan, sự thấu hiểu, và sự kiềm chế.

3. Thực trạng kinh tế xã hội hiện nay

Nền kinh tế năm 2020 gặp phải những cơn “ác mộng” và có các dấu hiệu xuống dốc một cách trầm trọng vì luôn trong tư thế ứng phó với đại dịch Covid-19, sự phong tỏa được thực hiện ở khắp các quốc gia trên thế giới. Điều này khiến cho hàng triệu việc làm đang dần mất đi và thay thế vào đó các khoản nợ vô cùng to lớn. Tuy nhiên, trải qua các biến cố khó khăn cùng cực con người biết tạo cho chính bản thân mình ý chí vươn lên, vượt qua số phận năm 2020 đi qua đến năm 2021 mang theo nhiều sự hy vọng cho một tương lai phía trước với mong muốn tất cả sẽ được vựt dậy, hồi sinh. Tia hy vọng thắp lên dựa trên quá trình thực tế Vaccine Covid-19 được các nhà nghiên cứu tìm ra và áp dụng đối với các nước trên Thế giới, do đó đại dịch đã và đang trong quá trình kiểm soát.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao voi kinh te xa hoi toan cau hoa 3

4. Quan điểm Phật giáo cho sự thích ứng với nền kinh tế xã hội

Người có sự nhận định đối với tầm quan trọng của Tôn giáo đối với sự thay đổi của xã hội là Max Weber qua cuộc chấn hưng Tin Lành. Ngoài ra còn có Iannaccone cho rằng: “Tôn giáo thường có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với nguồn lực xã hội, trong một xã hội và sự ảnh hưởng này có thể trở thành một nhân tố then chốt dễ lý giải kết hợp nguồn nhân lực và tài lực quyết định sự tăng trưởng kinh tế quốc gia”[6]. Như vậy Tôn giáo nói chung trong đó có Phật giáo đều là nhân tố tác động đến sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia.

Khi ứng dụng các đường hướng nhằm phát triển kinh tế các nhà hoạt động tu sĩ Phật giáo đã thực hiện tinh thần của tổ Bách Trượng: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” nhằm làm phương tiện phát triển các kỹ năng làm việc hay kinh doanh dựa trên quan điểm “Lục hòa Phật giáo”. Điều này sẽ giúp mọi người có được trách nhiệm vai trò với hình thức phát triển nhân cách và tinh thần đồng đội. Nhiều người luôn cho rằng công việc sẽ là một gánh nặng cho cuộc sống cũng như luôn tìm mọi thủ đoạn để đoạt lợi ích cá nhân, Phật giáo đi ngược lại với điều này “đạo Phật xem việc làm, nghĩ ngơi và sự lao động giải trí là một quá trình không thể thiếu của đời sống, có ăn có làm có chơi. Lao động ý nghĩa và khắng khít hơn làm kiếm tiền sinh sống hay chỉ là chi phí cần giảm thiểu tới mức tối đa”[7]. Đối với Đông Phương các triết gia lớn như Mạnh Tử và Khổng Tử đều mang cho mình “bản tính thiện”. Đối với Phật giáo quan điểm con người ai cũng có Phật tánh chính vì điều này nên trong mọi hành động việc làm đều mang các giá trị thiện lành.

Nhiều nhà kinh tế như Weber, Keynes, Samuelson luôn tin rằng “nếu được hưởng đầy đủ tiện nghi vật chất, con người sẽ hiền lương hơn và thế giới không còn tranh chấp quyền lợi và tranh đoạt tài nguyên nữa. Nó là con đường phát triển tiến tới hòa bình”[8]. Có thể nói rằng lý do các nhà Phương Tây tiếp nhận được Phật giáo vì hai yếu tố xem rằng lực hấp dẫn đến với giới tri thức là “thuyết duyên khởi và hòa bình” có sự tác động đến nền kinh tế toàn cầu đây là một trong những sự đóng góp quan trọng đối với Phật giáo.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bị khủng hoảng với hậu quả để lại sau trận đại dịch Covid-19 các học giả Tây Phương dần thực hiện theo tinh thần của Thái Hư Đại Sư với tinh thần đạo Phật không phải là một tôn giáo địa phương, Phật không có Đông, Tây, Nam, Bắc nếu bóc trần các lớp vỏ văn hóa bên ngoài, phần cốt lõi có thể áp dụng như một đạo lý toàn cầu. Thay vì cuộn tròn trong vỏ bọc của sự tà kiến, mê tín đạo Phật mang nhiều yếu tố trí tuệ nhằm chế tạo và sản xuất ra các vị “Bồ Tát kinh tế và Anh quân chính trị” và Stephen Batchelor gọi là “Buddhism Without Beliefs”.

Đạo Phật luôn hướng đến chủ thể là con người chính vì vậy trong lao động về kinh kế Phật giáo mang đến ba tác dụng quan trọng chính đối với con người đó là “giúp con người có cơ hội sử dụng và phát triển khả năng của mình, lao động giúp con người vượt qua tinh thần chấp ngã để hợp tác với người khác trong công việc chung, cuối cùng sản xuất hàng hóa và dịch vụ cần thiết cho sự sống của mọi người”[9]. Điểm bắt đầu cho một nền kinh tế Phật giáo là tạo ra được công ăn việc làm cho tất cả mọi người, đặc biệt chú trọng đến những người đang cần có một công việc nhằm ổn định đời sống hằng ngày, không chủ trương tăng gia sản xuất để tăng số lượng sản phẩm. Quan điểm này của Phật giáo phần nào cho sự cân bằng giữa giàu và nghèo hướng đến sự phát triển cân bằng của con người cho nền kinh tế bền vững, vì khi tất cả mọi người có công việc ổn định các tệ đoan sẽ không còn chiều hướng gia tăng từ đây đất nước có thể hài hòa phát triển kinh tế trong sự hòa bình thịnh trị.

Con người khi hướng đến chủ nghĩa vật chất họ chỉ quan tâm đến hàng hóa, cũng như sự lợi nhuận. Tuy nhiên đối với một số người làm kinh tế theo quan điểm Phật giáo thì luôn quan tâm đến sự giải thoát, lợi ích đối với tập thể mang tinh thần hướng thiện. Tài sản là thứ quý giá để thái độ bám víu của con người lên ngôi, bản thân tài sản không có các hành động ngăn cản con người theo hướng giải thoát. Vì vậy thái độ sống và hưởng thụ một cách vô độ chính là lòng tham đem con người gần hơn với các thú vui trần thế. Điểm trọng tâm của nền kinh tế Phật giáo nằm hai khía cạnh quan trọng là “sự giản dị” “bất bạo động”. Kinh tế học Phật giáo được định nghĩa “như một hệ thống nghiên cứu quy mô để tìm ra những phương cách thỏa mãn những mục đích mong muốn bằng những phương tiện tối thiểu”[10].

E.F. Schumacher lập luận trong tác phẩm Small is Beatifull để đạt được một đường lối phát triển đúng đắn, điều quan trọng và cần thiết nhất là trung dung giữa hai việc xem thường vật chất và thái độ thụ động. Quan điểm ông có sự liên hệ trực tiếp đến tư tưởng của Phật giáo như trong kinh “Khởi Thế Nhân Bổn” sự suy vi đối với một xã hội nguyên nhân chính là do sự tích trữ sản phẩm và tài nguyên thiên nhiên dư thừa. Hơn thế trong đời sống con người luôn mang trên mình tám mối lo toan được phân theo bốn cặp phạm trù chính và chi phối mọi hoạt động luôn sống với hai cảm thọ mong ước và lo sợ:

“Mong ước được lợi lộc (labha) – lo sợ bị thua thiệt (alabha)
Mong ước được lạc thú (sukha) – lo sợ khổ đau (duhkha)
Mong ước được lừng danh, vinh quang (yasa) – lo sợ bị thất sủng, gét bỏ (ayasa)
Mong ước được ngợi khen (prasamsa) – lo sợ bị quở phạt (ninda)”[11]

Kinh tế Phật giáo luôn được đặt trong bối cảnh cần phát triển một cách toàn diện về nhân cách và có được sự hạnh phúc toàn diện, không còn những mối lo toan được như vậy lối sống con người có sự an lạc trọn vẹn và mang ý nghĩa cao đẹp. Đạo Phật nhận ra rõ cốt tủy của nền văn minh hiện đại, không những thế mà còn gây ra những nỗi mong ước và lo sợ tất cả đều vì ham muốn và dục vọng. Kinh tế học theo quan điểm này không giống quan điểm về kinh tế của “Chủ nghĩa tư bản và Chủ nghĩa xã hội”, sự phát triển kinh tế luôn được đặt trong hai tiêu chí chính là phát triển nhân cách và hạnh phúc.

5. Đạo đức kinh tế theo quan điểm của Phật giáo

Đức Phật không phải nhà kinh tế, lời dạy của Ngài không phải là môn kinh tế học nhưng các đề cập của đức Phật trong kinh từ góc độ đạo đức, pháp lý và xã hội theo đó kinh tế được diễn ra là điều mà chúng ta không thể nào phủ định được. Các chỉ dẫn của đức Phật về kinh tế dưới góc độ đạo đức và luật pháp đã tạo ra các cơ sở dữ liệu rất có ý nghĩa nhằm giúp cho chúng ta hiểu thấu đáo về đạo đức kinh tế được áp dụng như thế nào trong xã hội. Mahatma Gandhi một nhà lãnh đạo anh hùng của dân tộc Ấn Độ cũng đã nói rằng: “Học thuyết kinh tế nào làm hại đến nền đạo đức của một cá nhân hay một quốc gia nào đó là một học thuyết vô đạo đức và do đó là một tội ác”.[12] Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các sự xung đột xảy đến chính là do “bản chất của Chủ nghĩa tư bản tự do” điều này làm tăng trưởng lòng tham và những dục vọng thái quá của con người hậu quả là sự gây ra khổ đau theo Tứ Diệu Đế đây chính là nguyên nhân của khổ đau. Do đó Kinh Pháp Cú 203 phẩm An Lạc đức Phật dạy:

“Không bệnh, lợi tối thượng,
Biết đủ, tiền tối thượng,
Thành tín đối với nhau,
Là bà con tối thượng.
Niết Bàn, lạc tối thượng.”[13]

Đạo đức kinh tế Phật giáo bao trùm nhiều lãnh vực từ lao động, hoạt động kinh doanh, cách thức trong kinh doanh đồng thời cách sử dụng và tiêu thụ tài sản được áp dụng đến trong các mối quan hệ với cư sĩ, chính quyền và tăng đoàn đức Phật. Tuy nhiên động cơ tiềm ẩn luôn chạy theo guồng máy kinh tế của con người đó chính là lòng tham muốn. Theo Phật giáo có hai loại “Tanha” là nhân tố liên hệ đến các cảm giác khoái lạc đây chính là hạt mầm do “vô minh” nuôi dưỡng đối lập lại chính là “Chanda” được đặt trên nền tảng của sự phản tỉnh nhằm hướng đến lợi ích chung mang tính tích cực. Chính vì thế, sự mưu sinh chân chính là giá trị thước đo đầu tiên cho một nền kinh tế bền vững.

“Theo đức Phật, để củng cố cơ sở kinh tế, trước hết phải lựa chọn nghề nghiệp mưu sinh chính đáng, nếu không, vì lòng tham muốn làm tiền quá độ sẽ đưa đến những hành động phạm tội, điều này, trong kinh Thiện Sinh. Đây hiển nhiên là nguyên tắc kinh tế gia đình mà Phật thường chỉ dạy cho tín chúng. Điều đáng ngăn ngừa nhất trong vấn đề kinh tế gia đình là việc chi tiêu quá độ. Phật thường đưa ra những nguyên nhân làm tiêu hao tiền của để cảnh giới mọi người, đặc biệt Phật nhấn mạnh về sự lười biếng và phóng đãng”[14]. Đối với giai đoạn xã hội thời đức Phật chưa được phát triển hiên đại chính vì thế chỉ có một vài quan điểm được đưa ra về ngành nghề mưu sinh bất chính nhằm ngăn chặn chúng đệ tử nên tránh như:

“Say sưa rượu chè (surà-meraya-majja pamàdatthànà-nuyoga)
Chơi bời (vikàla-visikhà cariyà-nuyoga = lang thang ngoài đường phố những lúc không thích hợp)
Ham mê ca kỹ (samajjàbhicarapa)
Mê cờ bạc (jutappamàda tthanànuyoga)
Giao du với bạn xấu (àpamittanuyoga)
Lười biếng (okàlassanuyoga)”[15]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao voi kinh te xa hoi toan cau hoa 2

Đối với E.F. Schumacher luôn khuyến khích các nhà kinh tế theo các nguyên tắc của Phật giáo là “Trung Đạo và Chánh Mạng” và con đường Chánh Mạng xuất phát từ lòng từ bi để từ bỏ tất cả danh vọng không cần dựa trên uy quyền tối cao áp bức của một nền kinh tế hiện đại nhằm loại bỏ được sự bất bạo động, áp bức chính trị. Do đây nên ông đã đưa ra ba khái niệm quan trọng tác động do Phật giáo mang lại: “Quan điểm về thế giới, bao gồm tất cả chúng sinh phụ thuộc lẫn nhau và liên quan đến nhau và nhấn mạnh đến lòng từ ái và từ bi đối với tất cả. Phương diện thứ năm của Bát Chánh Đạo liên quan đến Chánh Mạng. Trung Đạo nói đến việc tránh sự xa hoa thái quá cũng như khổ hạnh thái quá”[16]. Mỗi người có được giá trị nhân cách cao quý, thì sẽ biết cách sử dụng sản phẩm vật chất có mục đích và mang lại hiệu quả cao quý dựa trên các tiêu chí:

“Tín tài (Saddhādhana) – tài sản niềm tin.
Giới tài (Sīladhana) – tài sản đạo đức.
Tàm tài (Hiridhana) – tài sản hổ thẹn cá nhân.
Quý tài (Ottappadhana) – tài sản hổ thẹn xã hội.
Văn tài (Sutadhana) – tài sản kiến thức, học rộng Phật pháp.
Thí tài (Cāgadhana) – tài sản buông xả, tâm rộng lượng, lòng vị tha, bỏ bỏn xẻn, thích bố thí.
Tuệ tài (Paññādhana) – tài sản trí tuệ, hiểu nhân quả, hiểu điều thiện ác, chánh kiến”[17]

6. Giải pháp Phật giáo đối với khủng hoảng kinh tế

Một nền kinh tế muốn phát triển được bền vững và lâu dài, theo quan điểm của Phật giáo là người làm kinh tế cần phát huy trí tuệ để nhìn nhận bản chất của mọi sự vật hiện tượng theo nguyên lý duyên sinh vô ngã từ đó không bị lòng tham và sự mê mờ dẫn dắt đi vào con đường sai lạc, mê lầm. Hơn thế nữa cần có một đức tánh trung thực thể hiện con người có đạo đức tạo được lòng tin tạo được sự hợp tác lâu dài.

Phật giáo đã đưa ra năm nguyên tắc không được khai thác và sử dụng được đưa vào nền kinh tế giúp cho sự phát triển bền vững đó là không được sản xuất và buôn bán vũ khí, không được sản xuất chất độc, không được bán rượu cũng như các chất nguy hiểm, sự làm thịt động vật nhằm phục vị nhu yếu cho con người cuối cùng buôn bán các loại thịt động vật. Hơn thế nữa, kinh tế học Phật giáo luôn chú trọng đến con người cùng với sự hoạt động kinh tế hướng đến lợi ích chung: “Hoạt động kinh tế đó không lợi dụng, bóc lột những người khác, không làm tăng dục vọng của chính người đó trong lúc tước đoạt những nhu cầu cơ bản của người khác, không thuộc năm loại hoạt động bất chính về kinh tế, không dẫn đến không lãng phí quá đáng hoặc tạo ra sự mất cân bằng về sinh thái”[18]

KẾT LUẬN

Đạo Phật đi vào đời để giúp chúng sinh xoa diệu được những nỗi khổ, niềm đau xây dựng cuộc sống an lạc hạnh phúc trong kiếp nhân sinh. Phật giáo với lý tưởng giải thoát nên dưới nhãn quan của con người về tiếp cận của Phật giáo với vấn đề kinh tế hoàn toàn không có khái niệm. Tuy nhiên, mấy ai hiểu rằng chính lời dạy về giá trị đạo đức và nguyên lý sống của Phật giáo hoàn toàn có sự khế hợp nhằm giúp cho nền kinh tế phát triển đồng thời đây chính là nguồn mạch tâm linh tươi mát giúp cho các doanh nhân, người làm sản xuất tìm về với đạo Phật để khai sáng trí tuệ, củng cố được niềm tin có được năng lượng an lành vượt qua sự bộn bề lo toan trong công việc đem lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế.

Thích Nữ Chơn Ngọc – Học viên Cao học khóa III Học Viện PGVN tại Tp.HCM

———————-

CHÚ THÍCH

[1] Khái niệm kinh tế là gì, http://www.dankinhte.vn/khai-niem-kinh-te-la-gi/, truy cập ngày 7/3/2021.
[2] Tham khảo Tôn giáo và tư tưởng, Nhiều tác giả, Phật giáo và kinh tế, Chương 6: Kinh tế học Phật giáo-Lời dẫn.
[3] E.F. Schumacher: sinh ở Đức, qua Anh 1930 theo học ngành kinh tế tại New College Oxford, dạy kinh tế học tại đại học Columbia, New York khi ông chỉ mới 22 tuổi.
[4] E.F. Schumacher, Small is Beatifull, Economics as If People Mattered, 1973 London: Blond & Briggs, tr.35.
[5] Thích Phước Đạt, Phật giáo và các vấn đề xã hội, Lưu hành nội bộ, Tp.HCM, tr.2.
[6] Iannaccone. L. (1998), Introduction to the Economics of Religion, pp. 1465-1496.
[7] Quán Như Phạm Văn Minh, Kinh tế Phật giáo, Nxb Văn hóa-Văn nghệ, 2012, tr.17.
[8] Sđd, tr.23.
[9] Quán Như Phạm Văn Minh, Kinh tế Phật giáo, Nxb Văn hóa-Văn nghệ, 2012, tr.42.
[10] Sđd, tr.46.
[11] Hoàng Phong biên soạn, Phật giáo trong thế giới tân tiến ngày nay, Nxb Tôn Giáo, 2012, tr.54.
[12] Lloyd Field, Kinh doanh và đức Phật, Nxb Tôn Giáo, 2010, tr. 77.
[13] Kinh Pháp Cú, https://loiphatday.org/kinh-phap-cu-15-pham-an-lac/, truy cập ngày 11/3/2021.
[14] Thích Quảng Độ, Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.302.
[15] Sđd, tr.303.
[16] Thích Phước Đạt, Phật giáo và các vấn đề xã hội, Lưu hành nội bộ, Tp.HCM, tr.11.
[17] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ III, VNCPHVN, 1991, tr. 163-267.
[18] Thích Phước Đạt, Phật giáo và các vấn đề xã hội, Lưu hành nội bộ, Tp.HCM, tr.8.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ 1, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1996.
2. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
3. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ III, VNCPHVN, 1991.
4. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Kinh Trung A-Hàm Số 2, Kinh Thiện Sinh, Taiwan, 2000.
5. Thích Phước Đạt, Phật giáo và các vấn đề xã hội, Lưu hành nội bộ, Tp.HCM
6. Thích Quảng Độ, Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
7. Hoàng Phong biên soạn, Phật giáo trong thế giới tân tiến ngày nay, Nxb Tôn Giáo, 2012.
8. Thích Tâm Quang, Những hạt ngọc trí tuệ Phật giáo, Nxb Tôn Giáo, 2006.
9. LIoyd Field, Kinh doanh và đức Phật, Nxb Tôn giáo, 2010.
10. Thích Nhật Từ – TS. Thích Đức Thiên, Giáo Dục Phật Giáo Và Chương Trình Đại Học, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2014.
11. Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, Tư Tưởng Số 3, Đức Phật & Vấn Đề Cải Tiến Xã Hội, 1971.
12. Trần Hồng Liên, Tìm hiểu chức năng của xã hội Phật giáo Việt Nam, Nxb Tổng hợp Tp.HCM, 2010.
13. Quán Như Phạm Văn Minh, Kinh tế Phật giáo, Nxb Văn hóa-Văn nghệ, 2012.
14. Iannaccone. L, Introduction to the Economics of Religion, 1998.
15. E.F. Schumacher, Small is Beatifull, Economics as If People Mattered, 1973 London: Blond & Briggs.
16. Khái niệm kinh tế là gì, http://www.dankinhte.vn/khai-niem-kinh-te-la-gi/, truy cập ngày 7/3/2021.
17. Kinh Pháp Cú, https://loiphatday.org/kinh-phap-cu-15-pham-an-lac/, truy cập ngày 11/3/2021.

Phát triển nền kinh tế thị trường từ góc nhìn đạo Phật

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường