Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Nghệ thuật kể hạnh trong tác phẩm Thiền tông bản hạnh của Thiền sư Chân Nguyên

Nghệ thuật kể hạnh trong tác phẩm Thiền tông bản hạnh của Thiền sư Chân Nguyên

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Mở đầu:

Góp phần tạo nên sự đa dạng trong kho tàng văn học Việt Nam là những đóng góp của các tác phẩm văn học Phật giáo, xuất phát điểm từ mục đích dĩ văn tải đạo, mượn văn chương với nhiều hình thức thể loại văn học để diễn bày nỗi niềm hay sự thực chứng trong tâm cảm. Các tác phẩm của chư vị tiền bối thiền sư trước tác đã và đang mang lại rất nhiều giá trị trong nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Thiền sư Chân Nguyên, một nhà tư tưởng lớn thuộc cuối thế kỉ XVII, đầu thế kỉ XVIII, bằng ngôn ngữ và tài năng của mình đã trước tác rất nhiều tác phẩm, có lẽ nổi bật hơn hết là Thiền tông bản hạnh với thể loại kể hạnh, lại vận dụng thể thơ lục bát đã tạo nên giá trị đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm.

Tag: Thiền sư Chân Nguyên, thiền tông bản hạnh, tác phẩm, văn học Phật giáo,…

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2021 Nghe thuat ke hanh thien su Chan Nguyen 2

SƠ LƯỢC VỀ TÁC GIẢ

Thiền sư Chân Nguyên sinh năm 1647, mất năm 1726, Sư họ Nguyễn, tên Nghiêm, quê ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Đứng trước nhiều phân vân có nên lựa chọn học Nho làm quan, hay đứng lên chống đối chính quyền hoặc là đi vào cửa Phật, may thay khi đọc đến sự tích của tam tổ Huyền Quang trong quyển Tam tổ thực lục, như một chiếc phao cứu sinh dẫn dắt cậu học trò tên Nghiêm ngộ ra mà nói rằng: “Cổ nhân ngày xưa dọc ngang lừng lẫy mà còn chán
sự công danh, nữa mình là một anh học trò” (1). Ngài bén duyên với Phật pháp và phát nguyện xuất gia học đạo lúc 16 tuổi, sau này được truyền thừa y bát Trúc Lâm, kế thừa làm trụ trì hai ngôi chùa lớn nhất của thiền phái Trúc Lâm là chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm. Thiền sư Chân Nguyên là một trong những Thiền sư có công rất lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo thế kỉ XVII, XVIII và là một trong những Thiền sư đầu tiên có công phục dựng lại tinh thần thiền phái Trúc Lâm nhà Trần, qua những trước tác và việc trùng khắc một số tác phẩm thời Lý-Trần mà tác giả Nguyễn Lang trong tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận đã khẳng định: “Ngài lại là người khôi phục thiền phái Trúc Lâm Đàng ngoài”(2). Suốt quá trình hành đạo của mình, Thiền sư đã cảm hóa rất nhiều thân tộc, quan lại trong triều đình, trong đó có cả chúa Trịnh.

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM VÀ NGHỆ THUẬT KỂ HẠNH

Thiền tông bản hạnh ra đời năm 1704-1705(3), tức là vào thời vua Lê Hy Tông, là một tác phẩm mang thể tài diễn ca lịch sử, có giá trị về nhiều mặt, được thiền sư Chân Nguyên dựa trên sách Tam tổ thực lục, Thánh đăng lục và Khóa hư lục viết ra. Tác phẩm ra đời tạo nên một làn sóng phục hưng tinh thần của thiền phái Trúc Lâm, đặc biệt là phương diện lịch sử Phật giáo Trúc Lâm đời Trần vốn gần như bị lãng quên vì sự độc tôn của Nho giáo và một số nguyên nhân khác. Và thể loại kể hạnh đã góp phần tạo nên sự thành công cho mục đích phục hưng tinh thần Thiền phái Trúc Lâm nhà Trần thế kỉ XVII-XVIII. Nên tác giả Nguyễn Lang đã nhận định về tác phẩm Thiền tông bản hạnh của thiền sư Chân Nguyên: “tài liệu này nếu học thuộc lòng thì kể hạnh và hát kệ mới không còn thiếu sót” (4), chứng tỏ thể loại này của tác phẩm có giá trị rất lớn.

Đất nước Đại Việt của những năm 1705 là khoảng thời gian im ắng sau các cuộc chiến tranh nội chiến giữa hai nhà họ Trịnh và họ Nguyễn, tuy nhiên thế nước vẫn bị chia cắt bởi con sông Gianh, hoàn toàn chưa thống nhất, cách giải quyết của Thiền sư là quay trở lại lịch sử vẻ vang của nhà Trần, lúc ấy nhân dân yên ổn, đất nước phát triển. Bằng cách kể lại công hạnh những bậc minh quân, vừa mong phục hưng thiền phái Trúc Lâm, lại hy vọng triều đình, quan lại sẽ nhớ lại thời đại này cải đổi xây dựng Đất nước.

Trong tác phẩm Thiền tông bản hạnh, thiền sư Chân Nguyên đã vận dụng hình thức nghệ thuật này để kể về lịch sử của các vị vua nhà Trần từng vang bóng một thời, và cái đẹp của nghệ thuật kể hạnh trong tác phẩm là trình bày lịch sử cuộc đời, con người, việc làm, suy nghĩ của các vị vua vừa có tâm vừa có tầm, tài đức vẹn toàn, lại có công gầy dựng một Đại Việt hưng thịnh và yên bình. Thiền sư Chân Nguyên đã viết:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2021 Nghe thuat ke hanh thien su Chan Nguyen 5

“Lòng trẫm thấy của màng chi,
Thân người ảo hóa được thì bao lâu
Lại lo phụ mẫu trước sau,
Ân thâm đức hậu lấy gì báo ơn” (5)

Thế nên thông qua tác phẩm Thiền tông bản hạnh, lịch sử công hạnh và sự nghiệp tu học của năm vị vua được diễn bày, cũng là các tổ truyền đèn Thiền Phật pháp ở nước ta, như Thiền sư đã viết:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2021 Nghe thuat ke hanh thien su Chan Nguyen 6

“Chư Tổ truyền đèn nước ta,
Thiền tông ý chỉ chép ra lời này” (6)

Lần lượt lịch sử các vị vua từ vua Trần Thái Tông cho đến vua Trần Nhân Tông được phục dựng lại sau bao nhiêu thăng trầm thay đổi. Hơn nữa, như tác giả Trần Văn giáp có nhận xét: “Sách Phật đối với chúng ta, tuy không phải là chính nhưng trong số sách Phật ở ta, thế nào cũng có một số sách liên quan đến sử, văn, ngữ, ngôn, nghệ thuật,… Riêng tôi từng nghiên cứu sử Việt Nam hay văn học Việt Nam theo nghĩa rộng, mà không để ý đến sách Phật thì chắc sẽ bị
thiếu sót”(7), quá khứ vàng son còn để lại vầng hào quang sáng bởi lịch sử vẻ vang của các vị vua nhà Trần và để nghiên cứu lịch sử thời đại nhà Trần thì các tác phẩm Phật giáo như Thiền tông bản hạnh, đặc biệt là nghệ thuật kể hạnh trong tác phẩm là điều không thể bỏ qua.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2021 Nghe thuat ke hanh thien su Chan Nguyen 3

Xuất hiện ở đời Trần, kể hạnh là một thể loại văn học dân gian của người Việt, thường có mặt ở những dịp lễ của Phật giáo, trong đó, kể là kể chuyện, là kể lại, còn hạnh là hành trạng các vị Bồ tát, chư vị Tổ sư. Kể hạnh cũng là một loại văn học truyền miệng lưu lại những câu chuyện lịch sử, có thật về các vị Tổ sư Phật giáo, vì là một loại hình diễn xướng nghi lễ với hình thức ngâm đọc và có phụ họa, nên có âm điệu dễ nghe tạo cảm giác ưa thích, dễ nhớ, dễ thuộc, nên hiệu ứng của thể loại này được trao truyền từ nhiều thế hệ khác nhau rất cao, nên tác giả Lê Văn Siêu có nhắc đến: “Kể từ cuối Trần, ta đã thấy có trong Thiền tông bản hạnh ca, những câu văn vần theo thể lục bát để các vãi kể những hạnh tu của các vị Tổ,…đọc cho người nghe học thuộc và sau học lại” (8). Thể loại này được áp dụng trong tác phẩm với mục đích dẫn dắt mọi người đi theo con đường đạo đức, trí tuệ, biết tri ân, báo ân, biết kính trên, nhường dưới trong cuộc sống.

Khi tìm hiểu Thiền tông bản hạnh, người đọc sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn, dễ hiểu hơn về các vị vua nhà Trần, tiêu biểu là vua Trần Thái Tông và vua Trần Nhân Tông, những vị anh hùng đã làm nên một lịch sử dân tộc Đại Việt vang danh khắp thế giới. Và yếu tố tạo nên sự hưng thịnh, tồn tại lâu dài của một đất nước nhờ vào những bậc vua anh minh, không chỉ có tài đức mà còn có cả tâm đức, luôn lo cho sự ấm no, yên bình của dân chúng, bởi:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2021 Nghe thuat ke hanh thien su Chan Nguyen 7

“Thiên hạ đói rách thương thay,
Thấy no phú quý Trẫm nay mừng lòng” (9)

Trong tâm trí những vị vua tài đức lúc nào cũng lo nghĩ khi dân chúng đói rét nhưng cũng vui mừng khi mọi người được ấm no.

Các vị vua nhà Trần có một điểm nổi bật, họ là bậc Đế Vương nhưng cũng là một thiền sư Phật giáo, với những thực chứng tâm linh giác ngộ vô cùng đặc biệt không khác gì Đức Thế Tôn. Cũng có vợ đẹp con xinh, cũng có giang sơn rộng lớn nhưng vì chí cầu đạo vượt thoát thế sự đầy những khổ ách, chỉ có một điều khác biệt là các vị vua nhà Trần vừa tham gia chính trị, vừa tu đạo, với vua Trần Thái Tông thì:

“Khi thì ngồi ngự ngai vàng,
Khi thì tọa định thiền sàng bóng cây”

Còn vua Trần Thánh Tông thì:

“Trị vì nhị thập nhị xuân,
Lại toan học đạo tu thân phát lòng”

Đối với vua Trần Nhân Tông cũng không khác:

“Niệm Bụt Di Đà chẳng khuy
Ngày thì xem trị, đêm thì tụng kinh”

Khi ngồi trên ngai vàng, họ vẫn luôn tu tập, nghiên cứu chân lý, áp dụng chính pháp vào cai trị đất nước, nhưng không vì tham gia chính sự mà cản trở chỗ sở đắc, vua Trần Thái Tông nhờ đọc Kinh Kim Cang đến chỗ “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” ngộ đạo:

“Mới hỏi kinh giáo trước sau,
Kim Cang thường tụng lẽ mầu tinh thông,
Liễu đạt tám chữ làm song,
Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (10)

Còn vua Trần Thánh Tông học đạo từ Quốc sư Đại Đăng ngộ đạo mà thốt lên rằng:

“Tiền đăng lại điểm hậu đăng,
Mộng Bồ Đề nở nhưng lòng ông cha”

Nói về vua Trần Nhân Tông, với “hơn 14 năm làm vua(1278-1293), cũng là suốt cả thời trai trẻ, Trần Nhân Tông đã dành hầu hết tâm sức cho chỉ hai mục tiêu liên thông chặt chẽ với nhau: cơ đồ xã tắc vững bền và nhân tâm an lạc” (11) nên lịch sử và sở ngộ của ngài vô cùng sâu sắc và đáng để lưu tâm, đắc đạo nhờ vào lời dạy về diệu dụng của Tâm từ Tuệ Trung thượng sĩ và làm sơ Tổ của thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông, thực hành hạnh đầu đà và chu du khắp nơi tuyên dương chính pháp. Theo đó, giác ngộ tự tính vạn pháp, nhận ra bản lai diện mục, nhờ vậy cảm hóa dân chúng, ai ai cũng học đạo và thấm nhuần pháp Phật, vì vậy:

“Dù ai tính đã bạo hung,
Lại hồi chính thiện, ra lòng đi tu
Vạn dân Kích nhưỡng Khang cù,
Nhà nhà thờ Bụt Nam mô Di Đà” (12)

Lê Quý Đôn trong Vân đài loại ngữ, có dẫn lời của Thân Công: “làm chính trị không ở chỗ nói nhiều mà cốt ở chỗ ra sức thực hành. Đường lối nuôi dân quý ở chỗ dân được an dưỡng nghỉ ngơi, nhưng khi nghe được nỗi khổ của dân nhà cầm quyền phải lập tức giải trù, khi thấy được việc oan uổng của dân, nhà cầm
quyền phải lập tức làm cho dân được yên lành thoát khổ”(13), và sự cộng hưởng của Phật giáo trên phương diện đạo đức con người đã có tác động đến ý thức tự giác thay đổi mọi suy nghĩ, mọi hành động để con người hoàn thiện bản thân, thánh hóa tự thân tin vào sự giải thoát bằng khả năng giác ngộ của chính mình.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2021 Nghe thuat ke hanh thien su Chan Nguyen 4

Kể hạnh là một thể loại văn học truyền miệng, nên tác phẩm mang trong mình đặc tính của loại văn học có yếu tố tập thể cao, lại thêm thuộc thể loại văn học dân gian nên lời văn rất đơn giản, dễ hiểu. Quan trọng hơn thể loại này rất ít chuyên chở những thông điệp cao siêu hay những thiền ngữ thâm sâu, mặc dù trong Thiền tông bản hạnh, thiền sư Chân Nguyên có đề cập đến một số quan điểm riêng về Thiền nhưng không đáng kể, nên thành phần nào cũng có thể hiểu và nắm bắt toàn bộ nội dung tác phẩm vì thiền sư Chân Nguyên dùng hình thức kể hạnh không ngoài mục đích hy vọng duy trì lịch sử các Tổ và tinh thần Phật giáo Trúc Lâm một cách phổ cập hơn.

Mặt khác, lễ nhạc Phật giáo và âm nhạc dân tộc phát triển từ thời vua Lê Thánh Tông, về sau lại càng phát triển đa dạng hơn, khi tìm hiểu một số tác phẩm của thiền sư Chân Nguyên, có các tác phẩm liên quan đến nghi lễ và lễ nhạc Phật giáo như Nghênh sư duyệt định khoa là một tác phẩm viết về các buổi lễ rước thầy đi cúng trong Phật giáo vào thời đại của Thiền sư. Thiền tông bản hạnh được viết theo thể loại kể hạnh, cho thấy sự ra đời của tác phẩm này có lẽ mang thêm một mục đích khác chính là phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt lễ nhạc Phật giáo khi ấy.

Những điểm người viết phân tích ở trên, có thể nhận xét nghệ thuật kể hạnh đóng vai trò vừa là văn học, cũng là văn hóa dân tộc. Gọi là văn học vì đó là một tác phẩm, bày tỏ quan điểm, thái độ của tác giả trước cuộc sống, dùng để cảm hóa người khác theo tinh thần “dĩ văn tải đạo”. Gọi là văn hóa vì loại hình nghệ thuật này được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, là sản phẩm của nhân dân, được nhân dân sáng tác và đón nhận, vì vậy là nét văn hóa có một không hai có sức sống mãnh liệt vượt thời gian vẫn hiện hữu, len lỏi trong tâm thức người Việt. Thế nên, nghệ thuật này là một trong những điểm nổi bật hình
thành nên giá trị tác phẩm Thiền tông bản hạnh như hiện nay.

Mặc dù không đề cập đến những tác phẩm nổi bật của các vị vua nhà Trần nhưng so ra thiền sư Chân Nguyên cũng đã có công tóm lược lịch sử về công hạnh, hành trạng một cách khá đầy đủ thông qua thể loại kể hạnh và dấu ấn tác phẩm mang lại nhiều mặt tích cực, nên cố trưởng lão hòa thượng Thích Đức Nghiệp trong mục Kinh điển Phật giáo Việt Nam đã đặt tên riêng cho tác phẩm Thiền tông bản hạnh là “Kinh Phật đời Trần” (14), cùng với với số tác phẩm nổi tiếng như Cư trần lạc đạo (Kinh Ở đời vui đạo), Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca (Kinh Thành đạo), hay Giáo tử phú của Mạc Đĩnh Chi (Kinh Hồi hương nhân quả), vì gọi là Kinh nên độ thông dụng và giá trị tác phẩm vô cùng quý giá đối với Phật giáo Việt Nam.

KẾT LUẬN

Tóm lại, nghệ thuật kể hạnh trong tác phẩm Thiền tông bản hạnh là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, và cũng sẽ là sợi dây liên kết giữa hiện tại với tương lai, giúp cho người đời sau hiểu rõ về công lao của bậc tiền bối đi trước, tiêu biểu là các vị vua anh hùng của dân tộc, một phần lấy đó làm niềm tự hào dân tộc, một phần học hỏi kinh nghiệm, tinh thần, tư tưởng làm tư lương trong cuộc sống vốn nhiều ngã rẽ và muôn ngàn những thử thách chông gai. Thế cho nên, dù là một nét văn hóa mang màu sắc Phật giáo nhưng lại bắt nguồn từ một hình thức sinh hoạt văn hóa trong dân gian nên đến nay hình thức này vẫn được lưu truyền, được diễn ra tại các đình, chùa với nhiều lối kể hạnh, kể về bà chúa Ba, Quan Âm Thị Kính… có cả chèo đò kể hạnh nên Kể hạnh đã, đang và sẽ làm sống lại quá khứ và cổ vũ cho tương lai tương sáng, yên bình.

Thích Nữ Phước Bảo – Học viên Cao học Phật học khóa II Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2021

——————-

CHÚ THÍCH:
(1) Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 1, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.14
(2) Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Nxb Phương Đông, Tp.HCM, tr.441
(3) Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 2, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.750-751
(4) Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Nxb Phương Đông, Tp.HCM, tr. 413
(5) Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 2, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.785
(6) Sđd, tr. 780
(7) Trần Văn Giáp (1984), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (nguồn tư liệu văn học, sử học Việt Nam), tập 1, Nxb Văn hóa, Hà Nội, tr. 29
(8) Lê Văn Siêu (2006), Việt Nam văn minh sử, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 819
(9) Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 2, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.782
(10) Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 2, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.787
(11) Nguyễn Huệ Chi và Trần Thị Băng Thanh (2010), Trần Nhân Tông và tầm vóc một thời, Văn hóa Phật giáo Việt Nam, Nxb Tổng hợp Tp.HCM, tr. 18
(12) Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 2, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.788
(13) Lê Quý Đôn (1995), Vân đài loại ngữ, quyển 8, tập 3, Nxb Văn hóa-thông tin, Hà Nội, tr. 92
(14) Thích Đức Nghiệp (1995), Đạo Phật Việt Nam, Thành hội Phật giáo Tp. HCM, tr. 549

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lại Nguyên Ân biên soạn (2018), Từ điển Văn học Việt Nam (từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX), Nxb Văn học, Hà Nội.
2. Thích Đức Nghiệp (1995), Đạo Phật Việt Nam, Thành hội Phật giáo Tp. HCM.
3. Nguyễn Huệ Chi và Trần Thị Băng Thanh (2010), Trần Nhân Tông và tầm vóc một thời, Văn hóa Phật giáo Việt Nam, Nxb Tổng hợp Tp.HCM.
4. Lê Quý Đôn (1995), Vân đài loại ngữ, quyển 8, tập 3, Nxb Văn hóa-thông tin, Hà Nội.
5. Trần Văn Giáp (1984), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (nguồn tư liệu văn học, sử học Việt Nam), tập 1, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
6. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Nxb Phương Đông, Tp.HCM.
7. Lê Văn Siêu (2006), Việt Nam văn minh sử, Nxb Văn học, Hà Nội.
8. Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 1, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
9. Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 2, Nxb Hồng Đức, Hà Nội

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường