Trang chủ Văn hóa Ngày xuân tìm về Tứ động tâm và Thập nhất tự hình đồ chim phượng hoàng

Ngày xuân tìm về Tứ động tâm và Thập nhất tự hình đồ chim phượng hoàng

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Đối với mỗi người phật tử trên khắp thế giới, việc hành hương, chiêm bái và đảnh lễ tại “Bốn thánh tích thiêng liêng của Phật giáo” (Tứ động tâm) ở Ấn Độ được xem như có nhiều duyên lành và phước báu. Thế nhưng không chỉ riêng Ấn Độ mới có những địa điểm giúp tăng trưởng niềm tin, gia tăng phước huệ và sự tinh tấn như Tứ động tâm, mà tại Việt Nam, một quốc gia có nhiều người theo đạo Phật cũng tồn tại những địa điểm mang giá trị sâu sắc về tâm linh và văn hóa Phật giáo, điển hình như 11 ngôi chùa tạo nên kết nối mang dáng dấp của chim Phượng hoàng, một trong những tiền thân của đức Như Lai.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 3.2016 Ngay xuan tim ve Tu Dong Tam 1

Vài nét về Tứ động tâm, cội nguồn của Phật giáo

Tứ động tâm là bốn thánh địa gắn bó chặt chẽ với những cột mốc quan trọng của đức Phật Thích Ca, bao gồm: Lâm Tì Ni (Lumbini) nơi Phật ra đời, Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) nơi Phật thành đạo (giác ngộ), Lộc Uyển (Sarnath) nơi Phật thuyết pháp lần đầu và Câu Thi Na (Kusinara) nơi Phật nhập Niết-bàn.

Trước tiên phải nói đến Lâm Tì Ni. Tương truyền, sau khi tu tập đắc 10 Ba-la-mật, đức Phật đã thọ thai vào bụng của hoàng hậu Maya Devi, vợ đức vua Suddhodana của Vương quốc Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavattsu). Vào một đêm trăng tròn năm 623 trước Công nguyên, khi đi ngang qua khu vườn Lâm Tì Ni, hoàng hậu đã bất ngờ hạ sinh thái tử. Đúng lúc ấy, một luồng đại hào quang tỏa sáng như báo tin lành về sự đản sinh của vị Phật tương lai, trong khi thái tử đi 7 bước chân về phía Bắc và tuyên bố về lần tái sinh cuối cùng của mình.

Kế đó là Bồ Đề Đạo Tràng, một nơi luôn đi liền với hình ảnh của cây Bồ Đề mà thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm đã ngồi nhập định, chuyên sâu thiền quán và giác ngộ tối thượng sau 49 ngày đêm ngồi xếp chéo chân hoa sen, mặt quay về hướng Đông. Trong đêm cuối cùng, vào canh một, Ngài chứng được “Túc Mạng Minh”, tức là biết rõ tất cả hằng hà sa số các kiếp trong quá khứ của mình. Vào canh hai (nửa đêm), Ngài chứng được “Thiên Nhãn Minh”, nghĩa là thấy được xuyên suốt bản thể vũ trụ trong mối quan hệ chằng chịt của các hiện tượng, cũng như quá khứ, hiện tại và tương lai của vạn vật. Đến canh ba, Ngài chứng đạt “Lậu Tận Minh”, đồng nghĩa với việc thấu rõ tường tận nguyên nhân khổ hạnh và con đường kết thúc sinh tử.

Tiếp nữa là khu vườn Lộc Uyển, nơi đức Phật dừng chân sau khi đắc đạo để khai giảng bài thuyết pháp đầu tiên là Kinh Chuyển Pháp Luân cho 5 người anh em đã từng cùng Ngài thực hành pháp tu khổ hạnh (tu hành xác) trong 6 năm ròng rã ở một hang động vắng vẻ trên đồi Dhongra. Chính tại nơi đây, sau khi nghe Phật thuyết giảng Kinh Vô Ngã Lượng Tướng, họ đều thành tựu với chứng quả vị A-la-hán.

Sau hết, không thể bỏ qua Câu Thi Na, địa danh nằm trong ngôi làng Kasia và gắn liền với sự kiện đức Phật từ giã trần gian, hay nói cách khác là nhập Niết-bàn. Khi trút hơi thở cuối cùng, thân xác của Đức Phật được ngài Ma-ha-ca-diếp, một trong mười đệ tử quan trọng nhất của đức Phật (thập đại đệ tử) đảnh lễ rồi thực hiện nghi thức hỏa thiêu (lễ trà tỳ) và kết quả là 84.000 viên Xá Lợi (phần kết tinh của nhục cốt, nhìn giống như viên đá quý) đủ màu sắc xuất hiện, bao gồm Xá- lợi não, máu, xương,…

Viếng thập nhất tự, hành trình vừa quen nhưng cũng vừa lạ

Ở Việt Nam, rất đông phật tử thường có thói quen viếng thập cảnh tự (viếng thăm 10 chùa trong một chuyến đi duy nhất) vào mùa xuân (sau tết Nguyên đán), lễ Phật-đản hoặc lễ Vu-lan để mong thân tâm được an lạc, hoan hỷ và nhận được trợ duyên, gia hộ từ chư Phật. Tuy nhiên, khác với cách viếng thập cảnh tự như hiện nay (các chùa đều tập trung trên một khu vực địa lý nhất định, ví dụ như tỉnh Lâm Đồng, Huế, hoặc Bà Rịa-Vũng Tàu); Hành trình đi đến 11 ngôi chùa được đề cập ở bài viết này lại trải dài từ Bắc đến Nam với 10 tỉnh – thành khác nhau, và chứa đựng nhiều giá trị rất riêng, ví dụ như giá trị trở về nguồn cội Phật giáo Việt Nam, giá trị gắn với những bậc chân tu nổi tiếng nhất Việt Nam…

– Chùa Tam Thanh (Lạng Sơn): nằm bên trong hang động tĩnh mịch và đẹp kỳ thú với vô số nhũ đá do thiên nhiên tạo tác. Chùa có một di sản nổi tiếng là bức tượng A Di Đà, tạc nổi vào vách đá từ thế kỷ 15.

– Chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc): ngôi chùa cổ nhất thuộc đại danh lam thắng cảnh Tây Thiên và là nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam. Chùa nằm bên sườn Thạch Bàn, một trong ba ngọn núi của dãy Tam Đảo kỳ vĩ và nhô cao trên biển mây.

– Chùa Hoa Yên (Quảng Ninh): có quy mô lớn nhất và đẹp nhất trong những chùa trên núi Yên Tử nên còn gọi là chùa Cả, đồng thời nằm ngay vị trí đắc địa (giao giữa trục linh và trục tú).

Chính tại đây, đức Phật-hoàng Trần Nhân Tông đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm.

– Chùa Phật Tích (Bắc Ninh): được xây dựng từ năm 1507 và còn có tên chùa Vạn Phước. Trong chùa có một bảo vật quốc gia là tượng A Di Đà bằng đá xanh từ thời Lý. Chùa nhận được nhiều sự quan tâm tu tạo của các vua thời Lý, Trần, Lê như Lý Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Lê Hy Tông,…

– Chùa Côn Sơn (Hải Dương): được mang danh là Thiên Tư Phúc Tự (chùa được Trời ban phước lành) do nằm ngay dưới núi Kỳ Lân và tiếp giáp với núi Phượng Hoàng, Quy và Ngũ nhạc. Chùa có giếng Ngọc trong vắt và không lúc nào vơi, được xem như báu vật.

– Chùa Non Nước (Hà Nội): với hơn 1000 năm tuổi, đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Vị thế của chùa rất độc đáo khi nằm ở vị trí chính giữa của dãy núi hình vòng cung gồm 9 ngọn núi châu vào.

– Chùa Viên Đình (Hà Nội): ở gian chánh điện là hơn 30 bảo tháp chứa Xá-lợi Phật và chư vị cao tăng, do các trung tâm Phật giáo lớn trên thế giới như Thái Lan, Myanma, Ấn Độ, Nepal, Srylanka hiến cúng. Số lượng Xá-lợi Phật ở chùa Viên Đình là nhiều nhất ở Việt Nam.

– Chùa Bái Đính (Ninh Bình): một loạt kỷ lục về Phật giáo ở Đông Nam Á và châu Á đang do chùa nắm giữ như tượng Phật Thích Ca bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, hành lang La-hán dài nhất châu Á… đã khiến chùa trở thành nơi thu hút rất đông khách thập phương.

– Chùa Linh Ứng (Đà Nẵng): chùa có bức tượng Bồ-tát Quán Thế Âm cao nhất Việt Nam. Người ta từng ghi nhận và chụp được những bức ảnh về hiện tượng vòng tròn tỏa hào quang xuất hiện trên bầu trời, ngay vị trí của bức tượng vào năm 2008, 2009.

– Thiền viện Trúc Lâm (Lâm Đồng): thiền viện lớn nhất Việt Nam với những đường nét chạm khắc tinh xảo. Ngay trước thiền viện là hồ Tuyền Lâm, vốn được ví như hồ ngọc giữa rừng thông.

– Chùa Giác Lâm (Tp.HCM): một trong những ngôi chùa cổ nhất ở đất Sài Gòn – Gia Định, và là trung tâm đào tạo về kinh điển, giới luật cho chư Tăng đầu tiên tại xứ Nam Bộ. Hiện chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như 113 pho tượng cổ.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 3.2016 Ngay xuan tim ve Tu Dong Tam 2

Sự tôn quý về giá trị tâm linh của “Thập nhất tự Việt Nam”

Nghe có vẻ như kỳ lạ, nhưng sự thật, khi phân tích, chúng ta sẽ nhận ra một số giá trị tâm linh cao quý đồng cốt lõi giữa một bên là Tứ động tâm tại Ấn Độ, và một bên là Thập nhất tự ở Việt Nam.

Thứ nhất, đó là sự “tập hợp những vùng đất mang phước lành/linh thiêng”. Quả vậy, nhìn vào lịch sử, không khó để nhận ra những nơi mà đức Phật Thích Ca được sinh ra, giác ngộ, truyền bá đạo pháp và diệt độ đều rất tình cờ. Thế nhưng, về bản chất, sự “hữu duyên” ấy chắc chắn không phải không có nguyên nhân, mà ắt hẳn phải hàm chứa một duyên lành lớn nào đấy, cũng tức là các thánh tích trên tự thân đã có linh khí, nhờ vậy mới trở thành nơi đức Phật chào đời, tu thành Đạo, thuyết giảng và nhập cõi Niết-bàn. Trong khi ấy, những nơi tọa lạc của hầu hết các chùa trong Thập nhất tự lại Việt Nam gắn với các hình đồ phong thủy đẹp, một yếu tố vô cùng quan trọng của văn hóa Á Đông (nơi nào phong thủy đắc cách, nơi ấy được xem như tụ khí thiêng cuồn cuộn). Có thể kể đến những hình đồ phong thủy quý hiếm như Long Giáng Hổ Thăng (chùa Hoa Yên), Mãnh Hỗ Trục Quần Dương (thiền viện Trúc Lâm), Long Mã Lưu Tích (chùa Phật Tích), Tiên Lâm Đằng Long (chùa Linh Ứng), Hoàng Long Ngự Thủy (chùa Tam Thanh), Thanh Long Bãi Vĩ (chùa Bái Đính), Quần Long Hội Ẩm (chùa Tây Thiên),…

Thứ hai, đó là sự “tập hợp những giá trị đặc sắc, hiếm có về tâm linh và văn hóa Phật giáo”. Nếu như quá trình viếng thăm Tứ-động-tâm đem đến các trải nghiệm thú vị với rất nhiều di tích gồm đền thờ, bảo tháp,… thì hành trình thăm viếng Thập nhất tự cũng gợi mở và đem lại cho người Phật tử nhiều hiểu biết và cảm xúc đặc biệt thông qua những bức tượng, cảnh trí và di chỉ cổ có niên đại từ hàng trăm đến hàng ngàn năm.

Thứ ba, đó là sự “tập hợp có tính hệ thống về sự kết nối mang hình tượng của đức Như Lai”. Thực vậy, chuyến hành hương đến Tứ-động-tâm là sự tìm về những vùng đất nổi bật nhất, đồng hành cùng cuộc sống của đức Phật, theo đúng chu trình của một con người (chào đời, lớn lên phát triển sự nghiệp vĩ đại và chết). Nói cách khác, hình tượng của Tứ-động-tâm là “bức tranh tổng thể về một người cao quý nhất thế gian và không còn chịu cảnh tái sinh” (trích phát biểu của đức Phật ngay khi vừa được sinh hạ). Trong lúc đó, toàn thể vị trí (khi thể hiện trên bản đồ tọa độ) 11 ngôi chùa của Thập nhất tự lại cấu thành hình tượng chim Phượng Hoàng/Phụng Hoàng, một loài chim cao quý nhất giữa Trời Đất (vua của các loài chim) và được xếp vào Tứ linh trong văn hóa phương Đông (Long – Lân – Quy – Phụng), với đầu chim là chùa Tam Thanh, hai cánh gồm chùa Tây Thiên, Non Nước, Hoa Yên, Côn Sơn, thân chim gồm chùa Phật Tích, Viên Đình, Bái Đính, còn đuôi chim tỏa dài qua chùa Linh Ứng, Trúc Lâm và Giác Lâm. Mặt khác, Phượng Hoàng chính là một trong những tiền kiếp của đức Như Lai như đã từng được đề cập trong tích truyện về chuyện tiền thân của đức Phật Thích Câu Mâu Ni do ngài tôn giả A Nan kể lại.

Thay lời kết

Hành hương đến những nơi linh thiêng của Phật giáo là một tâm nguyện chính đáng của tất cả phật tử. Nếu như về miền đất Phật (chiêm bái Tứ-động-tâm) giúp người phật tử thỏa mãn khát vọng được về thăm và đảnh lễ ở những nơi quan trọng nhất trong cuộc đời đức Phật, thì chuyến đi qua Thập nhất tự (hành trình chim Phượng Hoàng) lại kết tinh được vô số giá trị của Phật giáo Việt Nam và thu nhận năng lượng tâm linh dào dạt từ chư Phật. Như sự hội đủ duyên lành, khi xếp các chữ đầu tiên của các chùa trong Thập nhất tự, ta sẽ nhận được một “câu thơ” vô cùng ý nghĩa:

Non Linh Tam Bái Phật,
Tây Trúc Côn Hoa Viên.
GIÁC!*

* Câu thơ trên được diễn ý như sau: lên núi cao linh thiêng để 3 lần bái Phật, rồi nghĩ đến núi, vườn hoa ở Tây Trúc (đất Phật) mà mong được giác ngộ.

Tác giả: Đức Hạnh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2016

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường