Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Một số vấn đề Phật giáo Việt Nam hiện nay (Phần 2)

Một số vấn đề Phật giáo Việt Nam hiện nay (Phần 2)

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Mở đầu: Trong phần trình bày trước, tác giả đã đề cập đến một số tiêu cực còn tồn tại về “một số vấn đề Phật giáo ở Phật giáo Việt Nam hiện nay”. Trong sự phát triển tất yếu, cái thái quá và bất cập dường như đi song song để tạo thành những màu sắc của mọi tổ chức ở cả mặt tích cực và tiêu cực song hành. Sự đối lập giữa hai mặt sáng và tối của tiến trình phát triển là hệ quả sự phát triển. Bằng phương pháp khảo sát, quan sát thực tiễn, trong phần tiếp theo – tác giả tìm hiểu thêm các vấn đề, hiện tượng Phật giáo hiện nay.

Từ khóa: vấn đề Phật giáo; Phật giáo Việt Nam; nghiên cứu Phật giáo, tiến trình phát triển, tiêu cực, tích cực…

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Mot so van de ve Phat giao VN hien nay 4

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: St

Vấn đề tìm hiểu, nghiên cứu Phật giáo Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, các nghiên cứu Phật giáo chưa “song song với tu tập Phật giáo”, chúng ta đang áp dụng lý thuyết Phật giáo, phát triển tri thức trên những cái có sẵn – lý thuyết và thực nghiệm chưa song hành theo kiểu “y giáo trong nền tảng giới luật; và tính nghiêm minh của thiết chế hành chính của tổ chức”.

Nghiên cứu lý thuyết nên ở mức độ nào đó, vì dung hợp Tam giáo với tín ngưỡng văn hóa Việt Nam[2] dẫn tới sự đồng bộ, vay mượn hoặc lấy phương pháp của tôn giáo và tín ngưỡng tích hợp đã vừa có điểm mạnh nhưng trong giai đoạn này bộc lộ rõ những bất cập chậm được điều chỉnh.

Mỗi thời kỳ Phật giáo Việt Nam luôn có sự bổ sung lý luận và phương pháp – đây là tính năng động của lý thuyết. Nhưng hạn chế là mỗi trường phái có cách nhìn khác nhau cùng một vấn đề, và phụ thuộc vào vị đứng đầu nên chủ yếu mang kinh nghiệm cá nhân. Ở khía cạnh khác lý thuyết Phật giáo chỉ là “phần ngọn”, mà phần gốc nằm ở sự chăm chỉ, cần cù trong tu hành, hay nói cách khác từ quá trình tu tập cần quán chiếu kết quả, xem xét, nghiên cứu quan điểm lý thuyết Phật giáo, kiểm chứng được chính xác nhất.

Cái hay của nghiên cứu lý thuyết là sử dụng tính mềm dẻo, năng động để ứng dụng vào cuộc sống, tu tập cho phù hợp nhất. Cái đọng lại là những triết lý, phương pháp ứng dụng, châm ngôn, bài học của Phật giáo để răn dạy, truyền bá tư tưởng tốt đẹp cho con người.

Thứ hai, nghiên cứu Phật giáo đang bị lạm dụng ở nhiều mục đích khác nhau, nhất là việc bị “thương mại hóa”[3], vẫn còn có tình trạng lợi dụng để trục lợi cá nhân trong các hoạt động mang danh tôn giáo.

Thứ ba, Phật giáo tự đa dạng hóa hay chúng ta đa dạng hóa Phật giáo một cách tùy tiện[4], khía cạnh Phật giáo đa dạng hóa ở Việt Nam với nhiều tông phái, mỗi địa phương, dân tộc biến đổi cho phù hợp trong các hoàn cảnh lịch sử, đó là Phật giáo tự đa dạng hóa kết hợp yếu tố “Con người – Phật giáo” luôn đi đôi với nhau. Tuy nhiên việc đa dạng hóa mà thiếu định hướng kiểm soát, tạo nên những hiện tượng đi ngược lại giáo lý, nguyên tắc, biến tướng theo nhiều chiều hướng khác nhau. Sự hình thành tự phát các trường phái, tông phái nhưng hướng đi, mục đích chính lại là lôi kéo, đa dạng hóa để dễ thương mại hóa, thần bí, thần thánh hóa. Hoặc tự quảng bá “thương hiệu Phật giáo” nhằm lôi kéo người khác theo, điển hình là việc Pháp luân công[5] mang danh nghĩa Phật giáo đã lôi kéo người khác tham gia và làm những việc trái với kinh điển, giáo lý Phật giáo, hoặc những nhóm, đạo tràng, cơ sở thờ tự có cách đi na ná Phật giáo…..

Đối với các tu sĩ Phật giáo chân chính thì vốn dĩ Phật giáo không cần phải “khoe khoang” hay “quảng cáo” chính mình, vì “quảng cáo” chỉ dành cho “hàng hóa” mà thôi. Thực trạng đa dạng hóa lại khiến Phật giáo bị thoái hóa ở khía cạnh tiêu cực, nảy sinh vấn nạn trong đời sống tôn giáo ở nước ta hiện nay.

Thứ tư, chúng ta đang sử dụng ngôn ngữ hàn lâm, chuyên ngành, hay nặng kinh sách Phật giáo, làm cho một số khái niệm, quan điểm mang tính khó hiểu, nặng tôn giáo giáo truyền, thần bí hóa, rất khó gần với người đọc, tìm hiểu Phật giáo trong bước đầu.[6] Tất nhiên, việc nghiên cứu bắt buộc sử dụng ngôn ngữ đúng chuẩn, nhưng sai lầm khi cho rằng: càng sử dụng ngôn ngữ “đao to búa lớn” là chứng tỏ ta đây am hiểu Phật học, hơn người hoặc có họ Phật để cho “oai”,…của người truyền tải, nghiên cứu Phật giáo, theo Phật giáo đã làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển tự nhiên và lành mạnh của Phật giáo. Vì vậy, cần phải đơn giản hóa ngôn ngữ Phật giáo để trở nên dễ hiểu, tiếp thu, học tập Phật pháp của người dân trở nên dễ dàng hơn.

Các vấn đề liên quan tu hành Phật giáo Việt Nam hiện nay

Tu hành là con đường duy nhất để đạt được sự giải thoát – mục tiêu cuối cùng và chính đáng nhất của tu sĩ Phật giáo. Tuy nhiên tu tập Phật giáo ở Việt Nam hiện nay đang bị phân hóa rõ, ít nhất là biểu hiện trên các kênh thông tin truyền thông và trên mạng xã hội, dẫn đến có khi hình thành những tư tưởng cực đoan hóa tôn giáo.

Thứ nhất, chưa hiểu và áp dụng đúng các khái niệm cơ bản trong tu hành Phật giáo vào cuộc sống và tu tập. Tình trạng mông lung, ăn theo, nói theo người khác các khái niệm, tình trạng được mất của việc học và áp dụng trong thực tế là rất xa vời. Đó là những khái niệm như: vô thường, vô ngã, Niết bàn, Bát Nhã,…và rất nhiều khái niệm khác.

Đầu tiên, vô thường như phương pháp tâm lý và là một con đường – hướng tu hành ráo riết, có thể xem như một pháp môn Phật giáo. Tu sĩ đối diện “vô thường” như đứng trước một sự chia ly của người thân thì lại buồn phiền; sự ra đi của người “thầy” lại tương tự là khóc than, một đồ vật hỏng hóc đau khổ không kém; trước các mất mát cuộc sống tu sĩ bị “sốc tâm lý” dẫn đến các bệnh tinh thần. Vì cố gạt bỏ không chấp nhận sự thật, tạo nên bệnh “tính đổ thừa” và “nói một đằng làm một nẻo”, “đổ lỗi cho hoàn cảnh”, đổ thừa cho chính mình hoặc người khác. Tu sĩ chưa áp dụng vô thường vào thực tiễn và tu tập để nhìn nhận các sự việc, hiện tượng bình thản hơn, không còn nỗi sợ hãi, cú sốc tinh thần nữa. Tóm lại, khi coi vô thường là những điều “bình thường”, dung dị nhất trong cuộc sống, dù muốn hay không vẫn phải nhìn thẳng và đối diện các vấn đề.

Tiếp theo, Vô ngã – một phạm trù tạo nên sự ảo tưởng rất lớn của giới tu sĩ, cái khó hiểu nhất, không giải thích dễ dàng bằng ngôn ngữ được. Phạm trù có thể so sánh với “tham dục”, khi cố gắng dồn nén nó lại – ngủ ngầm và sẵn sàng bùng nổ với năng lượng mạnh mẽ hơn lúc đầu, cái gốc rễ khó bứt nhất. Cái “ngã” hay cái “ta”, cái “tôi” rất lớn đang bị nhầm lẫn giữa chốn thanh tịnh cửa Chùa, cửa Thiền là đã hết “ngã”. Việc “đánh tráo khái niệm” nên dẫn tới những hệ lụy, tu sĩ càng tu càng xuất hiện cái tôi rất lớn, ta đây là đã tu hành hơn người, và cái tôi là quá tôn sùng chữ “thầy” vẫn được nhắc gọi và xưng hô không ngượng ngùng. Vô ngã sẽ trở thành hiện thực khi ta thực hiện nghiêm khắc giới luật, nghiêm túc tu hành, nhưng một bộ phận tu sĩ hiện nay chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài vì họ “khoác áo tu sĩ nhưng không làm việc tu sĩ”.

Từ đó xuất hiện “nghề tu sĩ”[7] lạm dụng thân phận, danh nghĩa để hưởng lợi cá nhân, tạo các nguồn thu tiền bất chính của tín đồ dưới danh nghĩa cúng dường, hoạt động từ thiện…., để ăn chơi hưởng lạc ngay chính nơi thanh tịnh để đáp ứng những cái “ngã” riêng theo kiểu của mình.

Thứ hai, vấn đề liên quan cúng dường và “sống nghèo” của giới tu sĩ thì việc chấp nhận nghèo là tất nhiên, sẵn sàng nghèo – vật chất để giàu về phước báu. Nhưng một bộ phận tu sĩ hiện nay mắc bệnh giả nghèo, ăn mặc giản dị nhưng vẫn thực hiện các nghi lễ cúng bái, kiếm tiền hoặc thu lợi từ thiện hay cúng dường,+ bây giờ, một số ít “bần tăng” chỉ là hình thức, mà nội dung của họ trở thành “phú tăng” rồi. Ở một góc nhỏ có hiện tượng cúng dường một cách lố bịch, thái quá do thật sự không hiểu được ý nghĩa của nó, hệ quả là hư cả trò (người cúng dường) lẫn hư cả thầy, sư phụ (người nhận). Với nguồn lợi (tự nhiên) thì lòng Tham con người sẽ trỗi dậy kéo theo các tật khác như Sân, Si là các mắt xích đi cùng nhau, một số tu sĩ sẽ bỏ việc tu hành vất vả, nghèo, thoái hóa sang việc thoái hóa con đường tu. Sự mù quáng của người cúng dường và sự “đồng ý thầm” của tu sĩ là nguyên nhân dẫn đến thương mại hóa trong một số hoạt động của tu sĩ nói chung. Cúng dường sẽ là đúng đắn cho những tu sĩ thực sự và đúng nhu cầu của người đó, về thực chất thì do sự thiếu hiểu biết gây ra nhiều hiện tượng tiêu cực.

Thứ ba, thuyết Pháp đang bị lạm dụng

Thuyết pháp là một hình thức diễn giải hoặc đơn giản hóa các vấn đề nào đó của Phật giáo đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, song song tích cực mà nó đạt được phải xét đến mặt tiêu cực khi nó bị lạm dụng quá nhiều. Trước hết là xét việc thuyết pháp này có nên hay không; có bị lặp lại nội dung hay nội dung quá cũ, cái cần truyền đạt là gì; những phát hiện mới; đối tượng có phù hợp để thuyết pháp hoặc thời điểm này là phù hợp để thuyết giảng Phật pháp hay chưa, và muôn vàn tình huống cần phải xem xét thật kỹ càng trước khi thuyết pháp. Nếu không bị rơi vào tình trạng “thuyết pháp không đúng thời” nó còn nguy hiểm hơn là không thuyết gì.

Thuyết pháp có thể bị lợi dụng để xuyên tạc Phật pháp, tức tình trạng “bắt kinh nói theo ý mình hoặc bắt Phật nói theo ý mình”, là không hiểu được kinh sách mà thuyết hoặc ai hiểu sao thì hiểu, hoặc mang tính giải trí vì lạm dụng nó để nói việc đời, giao lưu các nội dung nằm ngoài chương trình cần thiết. Đáng nói là về trình độ người thuyết pháp không có đủ nên không thể kiểm chứng được nội dung mình thuyết pháp đúng hay sai; người nghe có hiểu không; nó sát với nhu cầu thực tiễn hay không; hay chỉ là một việc cần làm để đánh bóng danh tiếng, quảng bá cá nhân, hoặc trụ xứ riêng.

Dù không nhiều, chưa phải là phổ biến nhưng có tình trạng thuyết pháp bị lạm dụng, có cá nhân, đơn vị trực thuộc sử dụng cho việc mưu cầu bất chính nhằm hướng tới tư lợi cá nhân, mang vỏ bọc của truyền bá Phật pháp nhưng nội dung chính lại là việc khác. Hiện tượng này cũng khó kiểm soát được vì ự tự nguyện của người tìm hiểu, học Phật pháp. Điển hình là những hình thức “tự thuyết” của Pháp luân công hay một số môn phái Phật giáo chưa được pháp luật công nhận trong xã hội[8].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Trach nhiem ho phap cua tang ni thoi hien dai 2

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: St

Thứ tư, tu tập Phật giáo một cách máy móc, hình thức và chưa củng cố được sức mạnh tu tập thành những giáo án thống nhất. Điển hình nhất của Phật giáo là Thiền, chính pháp và người học Thiền bị trở ngại là không biết tập phương pháp thiền nào, tình trạng rối loạn pháp môn, bị tung hỏa mù xảy ra. Nhiều tu sĩ giảng thiền nhưng có lẽ bản thân họ không thể truyền đạt lại cho người đi sau phương pháp thiền nào là đúng hướng và họ đã đạt được thành tựu gì để giảng giải như những lý thuyết gia?.

Vì chưa thống nhất dưới dạng nguyên tắc của tổ chức nên sức mạnh tu hành giảm sút, không tạo thành liên kết về tâm linh, tinh thần Phật giáo, vẫn còn mang tính đơn lẻ, cá nhân hơn là mang tính tổ chức.

Sức mạnh tu tập bị giảm sút còn do giới luật bị xem thường, không chú trọng giới – định – huệ, tệ hại hơn khi tu sĩ thoái hóa biến chất có lối sống chạy theo, đua đòi của thời đại, và giới luật là cái quyết định một người là tu sĩ hay chỉ là những kẻ chợ búa. Vì vậy, vấn đề giới luật chưa được các hệ phái, tổ chức Giáo hội quan tâm đúng mực, đúng mức. Khi, giới luật bị lung lay, tu sĩ sẽ bị vấp ngã trên đường tu tập.

Từ nguyên nhân nhỏ này đã làm xuất hiện câu chuyện tu tập mà không được gì, hoặc mang hình thức tu tập để đánh trống thổi còi cho vui[9].

Thứ năm, Phật giáo Việt Nam hiện đang xuất hiện sự phân hóa, chưa có nguyên tắc bình đẳng trong tìm hiểu, nghiên cứu và trong tu hành. Tức câu chuyện “bình đẳng các pháp” dừng lại ở mức hình thức truyền miệng, xa rời thực tế, Phật giáo nước ta vẫn mang tính giai cấp. Đó là tu sĩ Phật giáo tự phong là “bề trên” được người ta tôn sùng, vẫn nặng “cái tôi” trong xưng hô, thói khinh thường người khác – hơn người; hỏi pháp thì vẫn có sự phân biệt trên – dưới, cùng nhiều hiện tượng phân biệt của giới tu sĩ, cư sĩ, tăng, ni hay phật tử Phật giáo hiện nay. Vì vậy, ngoài sự đơn giản hóa thì cần áp dụng thực tế hơn những nguyên tắc bình đẳng các pháp từ thời Ngài Thích Ca để lại cho chúng ta.

Cuối cùng, cần phải nói thêm tuy chỉ một mảng nhỏ đang bị thương mại hóa, nhưng nó lại để lại hệ lụy lớn cho tổ chức, cá nhân cố tình xuyên tạc, cổ xúy những cái tiêu cực, không dám lên án các hành vi lạm dụng Phật giáo để mưu đồ lợi ích nào đó. Tôn giáo – Phật giáo đã được sử dụng cho những vấn đề ngoài tôn giáo, trong đó có việc thiếu hiểu biết, sùng bái một cách mù quáng, cực đoan, tôn giáo – Phật giáo không có lỗi, lỗi ở chúng ta thiếu hiểu biết[10].

Kết luận

Việc nghiên cứu và tìm hiểu Phật giáo Việt Nam hiện nay cần phải kỹ càng, tự thân, tích cực hơn nữa để không rơi vào những thái cực của sự biến đổi, chạy theo lợi ích riêng. Để rồi vô tình đưa Phật giáo thành vấn nạn thương mại hóa các mặt đến những mưa đồ bất chính của sự sùng bái hư ảo trong cuộc sống hiện nay.

Phật giáo hiện đại có thể bị tàn phá bởi sự thiếu hiểu biết hoặc do mâu thuẫn và cực đoan hóa tôn giáo trong tiến trình phát triển. Việc cấp thiết của chúng ta là phải nghiêm túc hơn trong các vấn đề liên quan đến Phật giáo vì nó có ảnh hưởng đến nền tảng đạo đức tôn giáo, niềm tin và sự kính ngưỡng của hàng chục triệu tín đồ.

Th.s Hoàng Văn Thuận[1]

Chú thích: Bài viết thể hiện góc nhìn, cách lập luận và văn phong riêng của tác giả.

————————–

CHÚ THÍCH

[1] NNC Phật giáo.
[2] Phạm Thị Thu Hương (2013), Sự dung hợp tôn giáo và tín ngưỡng trong thần tích một số nhân vật được thờ trong ngôi chùa Việt, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, só 4 – tháng 6.
[3] https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/thuong-mai-hoa-ton-giao-la-moi-nguy-hai-cua-dat-nuoc-1193395.html.
[4] https://thuvienhoasen.org/a22455/duc-phat-co-day-84-000-phap-mon-khong.
[6] Tư liệu khảo sát cá nhân.
[7] https://nld.com.vn/thoi-su/cho-nha-su-bi-to-ga-tinh-nu-phong-vien-hoan-tuc-xem-xet-viec-giu-lai-tai-san-ca-nhan-20191007102610835.htm.
[8] Tư liệu khảo sát cá nhân.
[9] Tư liệu khảo sát cá nhân.
[10] Tư liệu khảo sát cá nhân.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Thị Thu Hương (2013), Sự dung hợp tôn giáo và tín ngưỡng trong thần tích một số nhân vật được thờ trong ngôi chùa Việt, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, só 4 – tháng 6.
2. Nguyễn Thành Vinh – Trịnh Thị Hoa (2017), Pháp luân công đánh tráo khái niệm,cải tạo tín đồ Phật tử, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số tháng 5.
3. https://phatgiao.org.vn/phat-giao-nhap-the-va-cac-van-de-xa-hoi-duong-dai-o-viet-nam-d38168.html.
4. https://tuoitre.vn/se-xac-minh-nguon-goc-tai-san-cua-dai-duc-thich-thanh-toan-20191007091126582.htm.
5. https://nld.com.vn/thoi-su/cho-nha-su-bi-to-ga-tinh-nu-phong-vien-hoan-tuc-xem-xet-viec-giu-lai-tai-san-ca-nhan-20191007102610835.htm.
6. http://tapchinghiencuuphathoc.vn/phep-mau-nao-giup-toi-thoat-khoi-phap-luan-cong.html.
7. https://thuvienhoasen.org/a22455/duc-phat-co-day-84-000-phap-mon-khong.
8. http://tapchinghiencuuphathoc.vn/tu-viec-huan-luyen-ngua-trong-kinh-tang-chi-nghi-ve-tinh-khe-co-trong-giao-duc-phat-giao.html.
9. https://thuvienhoasen.org/a12721/28-vo-thuong-vo-nga.
10. https://phatgiao.org.vn/vo-nga-trong-tu-tuong-phat-giao-d36501.html.
11. https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/thuong-mai-hoa-ton-giao-la-moi-nguy-hai-cua-dat-nuoc-1193395.html.
12. https://thuvienhoasen.org/a22455/duc-phat-co-day-84-000-phap-mon-khong.
13. Các diễn đàn online về tôn giáo – tâm linh.
14. Tư liệu khảo sát cá nhân.

Một số vấn đề Phật giáo Việt Nam hiện nay

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường