Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Một số nét về tư tưởng mỹ học Phật giáo

Một số nét về tư tưởng mỹ học Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Mở đầu

Nghiên cứu tư tưởng Phật giáo rất rộng lớn trong nhiều khía cạnh, là đối tượng nghiên cứu của nhiều khoa học như khoa học xã hội, triết học, vũ trụ và cả toán học. Ở khía cạnh Triết học cho ta biết về thế giới quan và nhân sinh quan Phật giáo. Ở khía cạnh tôn giáo học xem với tư cách là một tôn giáo với các yếu tố cấu thành như giáo chủ; giáo lý và giáo luật cùng các yếu tố thần thánh, tín ngưỡng, siêu nhiên của Thượng Đế hoặc một thiêng liêng siêu hình nào đó, ở Phật giáo điển hình là hình tượng Phật, Bồ Tát.

Tóm lại, với mỗi bộ môn khoa học khi nghiên cứu Phật giáo đều khai thác những yếu tố, khía cạnh nhất định nào đó. Vì vậy, bằng phương pháp nghiên cứu khác nhau sẽ cho ra những kết luận khác nhau hoặc bổ sung cho nhau, đều là yếu tố cần thiết để xây dựng nên một Phật giáo hoàn chỉnh hơn với những chiều nhận thức riêng đó.

Về nghệ thuật hay cái đẹp Phật giáo nghiên cứu trên phương diện Chân – Thiện – Mỹ đã phần nào chỉ ra được yếu tố thẩm mỹ học Phật giáo. Tuy nhiên, còn mang tính riêng lẻ, chưa hệ thống, khái quát được đầy đủ các yếu tố, những phạm trù, đặc trưng cơ bản tạo thành Mỹ học Phật giáo.

Vì vậy chúng ta cùng điểm lại, tóm gọn những yếu tố mỹ học Phật giáo và vấn đề giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ hiện nay.

Từ khóa: mỹ học; mỹ học Phật giáo; thẩm mỹ Phật giáo; giáo dục thẩm mỹ

Nội dung

1. Khái quát mỹ học Phật giáo

Phật giáo được sáng lập bởi ngài Thích Ca Mâu Ni (624 – 544 TCN) ở Ấn Độ, ông không những là một thiên tài sáng tạo mà còn là một bậc thầy về triết học trong đó có mỹ học. Những tư tưởng giải thoát mà ông đã phát kiến ra cách đây hơn 2500 năm đang chờ đợi chúng ta khám phá trên các phương diện khác nhau.

Những giá trị đó về mỹ học được gắn liền với những tư tưởng triết học Phật giáo ở những phạm trù thuộc bản thể luận lẫn nhận thức luận. Do đó, lịch sử mỹ học Phật giáo cũng chính là lịch sử của Phật giáo từ khi ra đời cho đến nay.

Mặc dù là một phần của triết học Phật giáo, nhưng vẫn đầy đủ những phạm trù thể hiện trạng thái, hình thức những cái thẩm mỹ của Phật giáo trong đời sống và tu tập. Mỹ học Phật giáo mang hình thức của chủ nghĩa duy tâm khách quan khi cho rằng cái đẹp tuyệt đối chính là Niết Bàn – chân lý giải thoát duy nhất mà con người luôn luôn hướng đến. Ngoài ra Phật giáo mang những mầm mống biện chứng sâu sắc trong tư tưởng mỹ học của mình trong sự sinh diệt các phạm trù “thẩm mỹ” cùng với sự phát triển qua các hình thức của nó. Ví dụ: sự sinh diệt của sự vật, hiện tượng “vô thường”,…

Mỹ học Phật giáo mang tính chất xã hội – lịch sử vì được hình thành trong tiến trình lịch sử xã hội có giai cấp nên một phần những tư tưởng thẩm mỹ chỉ phù hợp với một số tầng lớp xã hội nhất định lúc đó. Mỹ học Phật giáo là hệ tư tưởng mỹ học gần như hoàn hảo nhất của chủ nghĩa duy tâm khi đầy đủ các yếu tố từ tôn giáo – tâm linh cho đến khía cạnh khoa học của nó.

Mỹ học Phật giáo vừa mang 2 hình thức cảm tính và lý tính: cảm tính – thông qua các “uẩn” hoặc tình cảm mà có thể cảm nhận được những hình thức, bề ngoài khách thể thẩm mỹ trong quan hệ với chủ thể thẩm mỹ. Lý tính – những biểu hiện, tri thức thẩm mỹ chỉ được cảm nhận thông qua sự tu hành và chứng đắc riêng của mỗi người nên sẽ xảy ra sự không đồng bộ hiểu biết về thẩm mỹ giữa người tu hành và người thường. Nhưng dù là cảm tính hay lý tính thì thẩm mỹ Phật giáo chỉ có một con đường, một đối tượng duy nhất đó là “Niết bàn”.

Với những tư tưởng mang tính thời đại ở cả triết học lẫn mỹ học, Phật giáo xứng đáng là một tôn giáo mang tầm vóc lớn lao, là ngọn cờ luôn được giữ gìn và phát triển nhất trong lịch sử loài người.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Bat chinh dao 2

2. Những phạm trù mỹ học Phật giáo

a. Cái đẹp của mỹ học Phật giáo

Phạm trù cái đẹp đã được nêu ra trong các quan điểm của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm trong lịch sử triết học. Ở chủ nghĩa duy tâm nói chung, cái đẹp phụ thuộc vào cảm nhận của cái “tôi” của Kant hoặc của tinh thần – Ý niệm tuyệt đối của Hegel(1). Còn chủ nghĩa duy vật nói chung cho cái đẹp nằm ở chính sự tồn tại khách quan của sự vật, hiện tượng và là một đặc tính cố hữu của vật chất (quan điểm ngoài Mác – xít), quan điểm Mác – xít cho rằng cái đẹp là một phạm trù của mỹ học phản ánh những giá trị thẩm mỹ tích cực ở các sự vật hiện tượng mang lại cảm giác vô tư, trong sáng của con người. Trên đây là sự khái quát chung các quan điểm về cái đẹp, tùy thuộc vào lăng kính của các trường phái triết học trong lịch sử sẽ có những quan điểm riêng về cái đẹp.

Trên phương diện triết học Phật giáo là một trường phái chủ nghĩa duy tâm – chủ nghĩa duy tâm biện chứng, thì cái đẹp được hội tụ lại trong một phạm trù duy nhất đó là Niết Bàn – thể hiện tuyệt đối cái đẹp giải thoát. Về cái đẹp Phật giáo nên chia ra ở những khía cạnh như: cái đẹp phàm tục; cái đẹp thoát tục hay cái đẹp giữa hình thức và nội dung,… Nhìn chung cái đẹp trong Phật giáo khá là rộng, với nhiều phạm trù và các biểu hiện khác nhau về hình thức lẫn nội dung. Sau đây chúng ta cùng xem xét qua một số cái đẹp trong Phật giáo.

– Cái đẹp hình thức bên ngoài của con người: thị hiếu thẩm mỹ Phật giáo khá chú trọng về vẻ đẹp hình thức bên ngoài, như kinh sách đã mô tả là “32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp” của đức Phật – cũng là tiêu chuẩn vẽ các tranh ảnh, đắp, tạc tượng để thờ với vẻ đẹp đó. Dần dần cái đẹp này trở thành thị hiếu của người theo Phật giáo hoặc đam mê cái đẹp thân thể bên ngoài, thị hiếu này có tính chất đặc biệt là không bị lạc hậu luôn phù hợp với thời đại hiện nay. Ở nước ta nhiều người tự hào khi bản thân hoặc người thân của họ có các vẻ đẹp nào đó như Phật, ví dụ: có tai Phật,… Có thể nói rằng đây là thị hiếu, tiêu chuẩn con người – vẻ đẹp của đức Phật là cái đẹp hoàn mỹ về hình thức.

– Cái đẹp đạo vị: tuy có chuộng hình thức nhưng trong con mắt nhà nghề Phật giáo còn có một vẻ đẹp nữa là vẻ đẹp “đạo vị” hoặc “đẹp có thần, có hồn” đã được các nghệ nhận Phật giáo phác họa và thể hiện lên đó. Giả sử nếu nhìn bằng mắt thường tượng Phật Di Lặc được một người khắc tượng tạo ra ta thấy rất đẹp, nhưng với nhà nghề họ lại không thấy đẹp vì không có hồn, đạo vị ở bức tượng nên lại thành không đẹp. Dân nhà nghề bằng chính thực lực của mình mà tạo nên những tác phẩm thẩm mỹ để đời vừa mang vẻ đẹp dung dị vừa đẹp trong đạo quả.

– Vẻ đẹp đạo đức con người Phật giáo – một cái đẹp phổ biến không chỉ ở Phật giáo mà ở cả các tôn giáo khác, đó là “có hiếu”“không nói dối”. Phật giáo rất chú trọng yếu tố hiếu đạo của con người, nhất là những người tu tập Phật giáo. Bằng cách tạo nên câu chuyện về Báo hiếu trong Kinh Vu Lan hoặc các chuyện nhân – quả,… để thức tỉnh, khuyến khích, khơi dậy cái đức tính vốn có – thuần thiện con người đớ là đức “hiếu”. Trên quan điểm Phật giáo cái đẹp của Hiếu là cái đẹp cao cả chỉ có ở con người.

– Vẻ đẹp trong tu tập: ở khía cạnh tu tập mọi vẻ đẹp Phật giáo sẽ được hội tụ lại cả trong lẫn ngoài.

Thứ nhất là tu sĩ Phật giáo có một vẻ đẹp tinh thần – sảng khoái, yêu đời, chan đầy hạnh phúc và đỉnh cao nhất là khi chứng đắc các quả vị và nếm mùi giải thoát hoặc một nụ cười đầy đạo vị như của ngài Ca Diếp, có thể là nụ cười của những người đã nếm mùi giải thoát, dễ thấy như vẻ đẹp trong nụ cười của Phật Di Lặc.

Thứ hai, tu sĩ sẽ dần dần loại bỏ được các tật xấu, tham – sân – si; tính cách hiền lành, thuần thiện,… giữ và bám lấy giới luật để trở thành một tu sĩ Phật giáo đúng nghĩa. Đây cũng là hình tượng, khuôn mẫu điển hình mà bất kỳ ai tu hành đều mong muốn đạt được cái chuẩn – đẹp này.

Thứ ba, cái đẹp trong lý tưởng – Bồ Tát; tâm tương đồng với Phật, Bồ Tát và làm các công việc như họ để giúp mình giúp đời với cái đẹp của “từ bi”. Tóm lại, ở người tu sĩ Phật giáo thật sự là một minh chứng cho vẻ đẹp trong Phật giáo bởi tôn giáo không thể tự làm nó đẹp nếu thiếu đi con người tôn giáo.

– Vẻ đẹp nghệ thuật Phật giáo:

+ Vẻ đẹp trong hình tượng như hoa sen, chữ Vạn, lá cờ Phật giáo: cái đẹp còn thể hiện ở các ký hiệu, biểu tượng của Phật giáo, điển hình là “hoa sen” biểu thị cho sự thuần khiết(2), sinh sôi; hoa sen là điển hình của “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”(3), ngoài ra hoa sen còn biểu hiện Phật tính, ngộ đạo hoặc mùa sen là mùa Phật ra đời; hoa sen cũng là Phương tiện của Phật và Bồ Tát,… Hoa sen trong Phật giáo mang vẻ đẹp thuần khiết và đặc biệt trong muôn vàn ý nghĩa về cái đẹp của nó. Ở chữ Vạn (chiều thuận kim đồng hồ) thì nó toát lên vẻ đẹp của “chân lý”, vẻ đẹp của thánh nhân (từ Tu đà hờn đến A la hán). Cờ Phật giáo cũng thể hiện vẻ đẹp hào quang của đức Phật và thể hiện các yếu tố ngũ căn, lực của con người. Ngoài ra còn nhiều biểu tượng khác như bánh xe pháp, cây Bồ đề… đều thể hiện cái đẹp của Phật giáo ở cả khía cạnh hình thức lẫn cái đẹp nội dung mà nó thể hiện.

+ Nghệ thuật điều tâm mang vẻ đẹp trong tu hành tâm linh Phật giáo thể hiện trong tranh “chăn trâu” hay là “chăn voi” của Thiền Tông. Thông qua tranh chăn trâu vừa thấy được nghệ thuật phác họa tranh và thể hiện được nét đẹp tâm linh trong đó. Mỗi giai đoạn của tranh thể hiện những giai đoạn mà người tu “thiền” phải trải qua, mang ý nghĩa sâu sắc triết lí Phật giáo là “nghệ thuật điều tâm”, một bức tranh mang vẻ đẹp cả nội dụng lẫn hình thức

– Vẻ đẹp trong tâm linh Phật giáo:

+ Vẻ đep trong con số tâm linh Phật giáo được gắn liền với những số như: số 1 là nhất Tâm;…; số 3 tượng trưng cho Tam pháp ấn, Tam bảo,…; số 4 là Tứ diệu đế; số 5 tượng trưng cho Ngũ Uẩn,.. ; số 8 tượng trưng cho Bát chánh đạo; số 9 là Cửu phẩm liên hoa; …; số 12 đại diện cho Thập Nhị nhân duyên hoặc con số tràng hạt từ 14; 18; 21; 28; 108; 54;… cũng là các loại “tâm”(5). Các số kể trên đều là những con số đẹp tượng trưng cho cái viên mãn nào đó trong Phật giáo vừa mang tính chuẩn mực vừa mang đầy triết lý về nhân sinh quan lẫn thế giới quan triết học và mỹ học trong đó.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Mot so net tu tuong my hoc Phat giao 2

+ Cái đẹp của thế giới tâm linh Phật giáo: Thế giới Tây Phương cực lạc, trú xứ của Ngài A Di Đà Phật là một thế giới mang vẻ đẹp tuyệt mỹ, hoàn hảo trong tâm linh Phật giáo. Là thế giới “Về nội tâm, đó là nơi mà tâm của ta không còn mảy may của khổ đau, buồn phiền và sợ hãi. Khái niệm về “khổ” và “con đường của khổ” hoàn toàn vắng mặt. Khi tâm ta sống trong an lạc và thảnh thơi, thì thế giới Cực Lạc có mặt. Nói đến Cực Lạc chính là nói đến trạng thái tâm thanh tịnh và vô nhiễm này.Về vật chất, thế giới Cực Lạc được biết đến như là mô hình điển mẫu về kiến trúc hạ tầng cơ sở và môi trường thiên nhiên. Bảy báu (vàng, bạc, lưu ly, pha lê, mã não, trân châu và xà cừ) có mặt ở đất đai, thành quách, cung điện, núi non và sông biển. Cư dân sống trong môi trường an lành và thanh tịnh. Dọc theo lề đường có nhiều cây xanh quý báu, hàng hàng lớp lớp thẳng tắp, không có ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn. Hoa sen trong hồ có nhiều màu sắc đặc biệt: “sen xanh ánh biếc, sen trắng ánh tuyết, sen vàng ánh rực, sen đỏ ánh hồng và sen trắng ánh tuyết,” tạo nên một môi trường sinh thái và tâm linh lý tưởng”(6), Tây Phương cực lạc là một thế giới của những người tu pháp môn Tịnh Độ – Sử dụng câu niệm “A Di Đà Phật” mọi lúc, mọi nơi để được vãng sinh Tịnh Độ vì “Di Đà có thệ một lời/Mở ra cõi ấy tiếp người vãng sinh/Mười phương ai phát lòng thành/Nhất tâm mà niệm hồng danh của Ngài”(7). Tu sĩ Tịnh Độ sẽ tu tập để đạt đến các trình độ của Cửu Phẩm Liên Hoa từ Hạ Phẩm Hạ Sinh đến Thượng Phẩm Thượng Sinh để đi độ các chúng hữu tình đến Nhất Sinh Bổn Xứ cũng bằng câu niệm quen thuộc “A Di Đà Phật”. Tóm lại, thế giới Tây phương cực lạc mang vẻ đẹp lý tưởng, một đích đến cho tu sĩ tu hành pháp môn Tịnh Độ.

Ngoài ra, thế giới tâm linh không chỉ đẹp ở Tây phương cực lạc mà còn ở các cõi, thế giới tâm linh khác của Phật giáo, bao gồm vẻ đẹp của địa ngục. Trong vẻ đẹp tâm linh của mình, Phật giáo còn thể hiện cái đẹp trong những “linh ảnh, pháp thân” của các vị Phật, Bồ Tát mà tu sĩ gặp trong quá trình tu tập của mình bằng những pháp môn khác nhau của Phật giáo.

Ngoài ra, cái đẹp Phật giáo còn được thể hiện thông qua âm nhạc, văn chương, nghệ thuật, nghi lễ khác trong đời sống hàng ngày và tu tập. Như vậy, qua những yếu tố ở trên ta thấy được cái đẹp ở chính con người mới chính là vẻ đẹp chúng ta cần phải chăm sóc, cải tạo và phát huy để phát triển, giữ gìn vẻ đẹp của tôn giáo – Phật giáo. Suy cho cùng mọi cái đẹp đều là vì con người và phục vụ con người và tự mình tạo nên những cái đẹp. Và cái đẹp của Phật giáo là cái đẹp đưa đến sự hoàn hảo trên mọi phương diện hiện nay từ trong đạo đức tới triết học hoặc vấn đề tâm linh.

Cái đẹp của Phật giáo là một cái đẹp dung dị đời thường nhất qua những hình ảnh chiếc áo cà sa, áo nâu vải bố, ăn chay – niệm Phật, từ bỏ thế tục để tìm đến chốn thanh tịnh nơi chùa chiền.

Như vậy, nói về cái đẹp của Phật giáo rất rộng lớn, phong phú biểu hiện ở những khía cạnh khác nhau, vừa là hình thức vừa là nội dung của nhau một cách rất biện chứng trong tư tưởng mỹ học về cái đẹp.

b. Cái bi của Phật giáo

Từ hoàn cảnh ra đời của Phật giáo trên đất Ấn Độ, ta thấy được sự phân chia, phân biệt đẳng cấp xã hội khắc nghiệt do Bà La Môn đứng đầu. Ngoài ra Ấn Độ là một xã hội phân biệt giới tính nhất là đối với phụ nữ nên phụ nữ không có quyền tự do, bình đẳng so với nam giới.

Phật giáo do Ngài Thích Ca sáng lập đã trở thành hệ tư tưởng đấu tranh giai cấp chống lại những bất công xã hội do Bà La Môn tạo ra(8), sự phân biệt giai cấp được xóa bỏ, không còn sự phân biệt giới tính. Tức là với tư tưởng học thuyết của mình, Phật giáo đã xóa nhòa ranh giới của mọi sự phân biệt đối xử, của những bất công và ai cũng có quyền bình đẳng ngang nhau trong đời sống và tu tập giáo pháp. Như vậy trước sự bất công của xã hội thời kỳ đó Phật giáo được ra đời để phản ánh, đấu tranh chống lại những bất công và trở thành tiếng nói của tầng lớp dân nghèo và phụ nữ Ấn Độ bất giờ.

Ngoài ra, con đường giải thoát rốt ráo đức Phật Thích Ca tạo ra không phải là bằng con đường khổ hạnh, dục vọng,.. như những tăng sĩ Bà La Môn mà phải bằng con đường “trung đạo” tức không thiên lệch về bên nào – trí tuệ Phật giáo. Việc tìm ra con đường giải thoát đến Niết Bàn chính là câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa thời kỳ đó, chứng tỏ rằng các tôn giáo khác không phải là ưu việt tuyệt đối mà chỉ có tư tưởng Phật giáo mới giúp con người thoát khỏi khổ đau để đến cõi cực lạc, đó cũng là những mong muốn của xã hội con người Ấn Độ thể ký VI TCN.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Bo De Dao trang An Do 1

Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ. Ảnh: St

Vẻ đẹp lý tưởng về xã hội là con người hướng đến cái thiện – là cái đẹp chân chính nhất của xã hội con người nhằm đẩy lui cái ác. Cùng với lý tưởng con người hết khổ đau đi đến hạnh phúc nơi Tây Phương cực lạc,.. là những lý tưởng xã hội Phật giáo.

Không chỉ dừng lại ở con người nói riêng mà rộng sang tất cả chúng sinh đều bình đẳng, tính ngang hàng này nằm ở cái chung là “Phật tính”. Như vậy, đây là phần nhân sinh quan sâu sắc của Phật giáo khi khẳng mọi chúng sinh đều là Phật. Vì là như nhau về phương diện “Phật tính” nên không chỉ có sự bình đẳng giữa con người với nhau mà còn giữa các chúng sinh khác với con người một cách biện chứng sâu sắc trong mối liên hệ này.

Về tính bình đẳng, ngang nhau còn có sự bình đẳng các pháp được Ngài Thích Ca tuyên bố rằng: “Ví như nước biển chỉ có một vị là vị mặn, cũng vậy, này Pahàrada, Pháp và Luật của Ta chỉ có một vị là vị giải thoát”(9) như vậy tư tưởng giải thoát của Phật giáo là như nhau ở mọi người, đức Phật cũng từng nói: con người thì ai cũng sẽ tu được và “Ta là Phật đã thành, các ngươi (chúng sinh) là Phật sẽ thành”(10) như vậy ta thấy “mọi chúng sinh đều là Phật” là tính bình dẳng của Phật giáo.

Phật giáo khơi dậy cho chúng ta sự đấu tranh không chỉ là những hình thức giai cấp, tầng lớp xã hội, mà còn ở sự đấu tranh trong chính bản thân con người. Theo triết học đó là những mâu thuẫn bên trong con người, với phương pháp tu hành và giữ nghiêm giới luật, con người dần thay đổi tính cách, đạo đức cho “thiện” và tốt đẹp hơn cho xã hội. Chiến thắng được bản thân mình “thắng mình mới thật là xuất chúng”(11) mới là “việc thiện” lớn nhất của Phật giáo.

Tóm lại, cái bi trong Phật giáo là những tư tưởng đấu tranh xã hội để đem lại sự công bằng, bình đằng nhất mà còn là sự đấu tranh trong chính Tâm con người trong công cuộc tu hành Phật pháp.

c. Cái cao cả của Phật giáo

Cao cả là một phạm trù trong mỹ học, là những cái vượt khỏi đặc tính tầm thường,cái cao cả thường gắn liền với một con người là vĩ nhân trong lĩnh vực nào đó. Ở Phật giáo cái cao cả thể hiện ở phạm vi khá rộng và biểu hiện phong phú.

Cái cao cả Phật giáo không nằm đâu xa từ việc Ngài Thích Ca bỏ cung điện, cuộc sống nhung lua xa hoa để đi tìm chân lý, con đường giải thoát khổ đau cho con người tự bản thân hành động này đã là vĩ đại, cao cả của một vĩ nhân có thật trong lịch sử. Như vậy, sự cao đã mang trong hình thái đầu tiên ở hành động của vị giáo chủ đáng kính. Ngài Thích Ca không chỉ vĩ đại ở hành động mà ở cả tư tưởng khi là người sáng lập ra Phật giáo cách đây hơn 2500 năm.

Tiếp đến, ta thấy được tư tưởng “từ bi” của ngài Quan Thế Âm là một lý tưởng của một Bồ Tát đặc biệt. Ngài đã phát 12 đại nguyện của mình giúp chúng sinh đang đau khổ, Ngài có thể hiện thân ở bất cứ đâu và hoàn cảnh nào để dộ chúng sinh, có thể biến thành một Tiêu Diệm Vương để đẩy chúng sinh đến vùng ánh sáng hoặc các hình dạng 11 đầu hoặc 9 đầu và 1 nghìn cánh tay để thực hiện việc độ tử nhanh hơn. Tóm lại, lòng từ bi của Quan Thế Âm là không thể nghĩ bàn và “nơi nào có cánh cửa là nơi đó có tôi thuyết pháp” của Ngài.

Ngài A Di Đà thể hiện lòng từ bi và ý chí của mình bằng “48 lời Đại nguyện” của mình nhưng so với Đại nguyện của Địa Tạng Vương Bồ Tát thì đại nguyện Ngài A Di Đà chỉ nằm trong lòng bàn tay và hướng về Địa Tạng Vương Bồ Tát. Ông Địa Tạng là một Cổ Phật vì chúng sinh mà phát nguyện thành Bồ Tát và guyện của ông là vô cùng lớn “địa ngục vị không, thệ bất thành Phật/Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ đề”“Từ nay đến tột số chẳng thể kể xiết ở đời sau, tôi vì những chúng sinh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng đó được giải thoát hết cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật đạo”(12). Như vậy, đại nguyện của ông đại diện là “dũng” vì chi có đủ dũng mới dám làm công việc độ chúng sinh ở chốn địa ngục.

Trong Phật giáo, tất cả những “đại nguyện” của các vị Phật, Bồ Tát đều là những cái cao cả nhất, họ vì chúng sinh mà tình nguyện làm những công việc khác nhau của mình.

Hiện nay, trong tu tập Phật giáo sau khi trải qua con đường Mật Tông thì tu sĩ bắt đầu phát nguyện, các vị tu sĩ này là những người mang lý tưởng Bồ Tát để phổ độ chúng sinh. Đây cũng là hành dộng và mục đích trong công cuộc tu hành và quay lại giúp đỡ mọi người.

Con người Phật giáo là minh chứng cho sự “chiến thắng chính mình” – cũng là một sự cao cả trong đạo đức. Tu sĩ là những người đã thấy rõ được những nhân – quả của cuộc sống, họ là những người “đi ngược” lại thực tiễn(13) bằng việc sửa đổi tính cách và áp dụng nghiêm túc giới luật để tu hành.

3. Giáo dục thẩm mỹ Phật giáo ở Việt Nam hiện nay

Giáo dục con người là vấn đề cực kỳ quan trọng, bởi là phương thức chúng ta tiếp cận kiến thức một cách chủ động và được giải đáp kỹ càng các sự vật, hiện tượng còn đang thắc mắc. Tư tưởng Phật giáo là tư tưởng để giáo dục, dạy bảo con người trở nên tốt đẹp hơn, vì vậy được coi là giáo dục đạo đức tôn giáo được chú trọng hàng đầu ở Việt Nam. Những nghiên cứu ứng dụng các khía cạnh từ giáo lý đến phương pháp tu tập đã được trình bày và trang bị cho các thế hệ (lứa tuổi) khác nhau, đây cũng là cái đích mới cho việc phát triển Phật giáo nước ta.

Gắn liền với tinh thần đó, giáo dục thẩm mỹ là một công việc nên làm để tiếp thu cái thẩm mỹ xung quanh cuộc sống hàng ngày và tôn giáo bằng ánh mắt Phật giáo. Vì vậy, ứng dụng giáo dục thẩm mỹ Phật giáo cho thế hệ trẻ hiện nay chúng ta cần phải có những chương trình được chọn lọc kỹ càng vì đây cũng đồng thời là một phương cách thuyết giảng, truyền bá Phật pháp.

Thị hiếu thẩm mỹ là yếu tố cần phải được chú trọng trong thời đại hiện nay, để giáo dục thẩm mỹ Phật giáo cần phải nắm bắt được xu hướng giới trẻ hiện nay để đón đầu và đổi mới các phương pháp tiếp cận. Sử dụng phương pháp khảo sát, đánh giá,…để nhận định và thay đổi phù hợp.

Cốt lõi của nó là hoàn thiện và dựa trên yếu tố căn bản nhất là Chân – Thiện – Mỹ(14) của Phật giáo. Có thể xem là nền tảng, khuôn mẫu để dẫn dắt tư tưởng con người trong việc giáo dục thẩm mỹ Phật giáo. Bằng các cách và phương pháp khác nhau, hiện nay vấn đề Chân – Thiện – Mỹ được nghiên cứu rất rộng rãi và tính ứng dụng của nó rất lớn, tuy một phần chỉ dừng lại ở những giá trị viễn cảnh tương lai mà thực tiễn chưa đúng.

Vì vậy để việc giáo dục thẩm mỹ Phật giáo trở nên thực tiễn hơn chúng ta cần phải ứng dụng luôn trong lao động và sản xuất. Cụ thể hơn, ta áp dụng công việc giáo dục ở các khóa, biểu, buổi thực tế của các đơn vị Phật giáo như chùa; chiền; đạo tràng;… Bằng cách kết hợp việc thuyết pháp, kết hợp kể chuyện hoặc một cách dẫn dắt mà tạo được một giá trị kiến thức cho người học các phạm trù thuộc mỹ học Phật giáo.

Ngoài ra, chúng ta nên thông qua những điển hình – tấm gương phù hợp làm một chuẩn mực của thẩm mỹ Phật giáo. Ví dụ như: hành động từ bỏ tất cả để đi tìm con đường giải thoát khỏi khổ đau cho con người, đó là đức Phật Thích Ca hoặc hình ảnh các vị Bồ Tát xả thân giúp đỡ chúng sinh,…hoặc thực tiễn Việt Nam như Bồ Tát Thích Quảng Đức – một ngọn đuốc sống mãi, đã thể hiện nét đẹp của tu sĩ, sự bi tráng của một người đấu tranh chống lại cái bất công xã hội và sự cao cả trong việc hi sinh thân mình để nêu cao tinh thần bất khuất và sự sống mãi ngọn cờ Phật giáo nước ta. Ngoài ra còn nhiều tấm gương thời đại mới để hình thành một tấm gương – cái đẹp mà người khác sẽ noi theo. Đây cũng là một phương pháp dựa trên tiêu chuẩn của tư tưởng Chân – Thiện – Mỹ.

Thông qua nghệ thuật Phật giáo như âm nhạc, điêu khắc, tranh ảnh; tượng Phật,.. đây là phương pháp giáo dục dựa trên “trực quan sinh động”(15) về các hình tượng, tiêu chuẩn cùng ý nghĩa cái đẹp dễ tiếp thu hơn bằng quan sát và trực tiếp tác động đến các giác quan con người. Phương pháp giáo dục thẩm mỹ này rất phù hợp với thế hệ trẻ hiện nay, bởi tính chất trực tiếp tác động vào giác quan để kích thích sự tò mò về những hình ảnh thẩm mỹ được khắc họa trong tư tưởng.

Bằng con đường văn chương, kinh sách có thể xây dựng những hình ảnh thể hiện các phạm trù mỹ học, là phương tiện hữu ích để truyền tải nội dung Phật giáo. Dựa trên tư duy về cái đẹp, thị hiếu mà những sáng tác âm nhạc là một thiên hướng phù hợp với mọi người, nhất là những người tu tập đạo Phật. Âm nhạc Phật giáo thể hiện tư tưởng, sự thanh tịnh, thuần khiết,… mang đến cảm giác bình an, hạnh phúc cho con người. Là yếu tố thuộc cảm xúc thẩm mỹ nên đây là một trong cách thức giáo dục thẩm mỹ Phật giáo cần được áp dụng một cách nghiêm túc.

Bằng thực tiễn nhiều công trình nghiên cứu về Phật giáo về “cái đẹp” là một cách để tuyên truyền cũng như giáo dục thẩm mỹ Phật giáo . Điều đó chứng tỏ càng ngày con người lại bắt đầu tìm hiểu về tôn giáo – Phật giáo để đạt được các mong muốn tinh thần – tâm linh nào đó. Giới trẻ hiện nay cũng chú trọng việc tu hành và những tư tưởng mỹ học Phật giáo cũng được khai thác một cách triệt để trong việc tiếp cận.

Trên đây là một số cách thức giáo dục thẩm mỹ Phật giáo đạt hiệu quả, mà phương hướng phổ biến là giáo dục Chân – Thiện – Mỹ. Phương pháp giáo mang tính bị động, còn con người giáo dục – con người Phật giáo mang tính năng động, vì vậy vấn đề giáo dục con người không được máy móc,cứng nhắc mà nên có sự năng động, linh hoạt để phù hợp tình huống giáo dục.

Công cuộc xây dựng và truyền bá tư tưởng Phật giáo ở Việt Nam là chặng đường dài và gian nan. Vì vậy, giáo dục thẩm mỹ Phật giáo nước ta nói chung phải áp dụng một cách linh hoạt, hiệu quả nhất. Bởi giáo dục ở Việt Nam nói chung còn nhiều hạn chế về phương pháp giảng dạy như nặng tính truyền thống nhưng chúng ta nên có niềm tin lớn vào sự thay đổi nền giáo dục nước nhà và ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Kết luận

Tư tưởng mỹ học gắn với triết học, mang tính biện chứng sâu sắc, không những là một tôn giáo mà còn là một khoa học tôn giáo, tâm linh bởi những tư tưởng Phật giáo mang tính dự báo tương lai của thế giới vật chất và tinh thần.

Mỹ học Phật giáo gồm các phạm trù cơ bản như: cái đẹp; cái bi; cái cao cả, thể hiện được mối quan hệ giữa chủ thể thẩm mỹ và khách thể thẩm mỹ, và có phương pháp giáo dục thẩm mỹ Phật giáo trong thực tiễn nước ta.

Mỹ học Phật giáo Việt Nam không rõ nét vì đan xen với nhiều tư tưởng, yếu tố đồng thời là tư tưởng triết học. Với sự đan xen dung hợp tín ngưỡng dân tộc và tư tưởng Nho – Lão – Phật tạo nên sự đa dạng trong tư tưởng mỹ học Việt Nam nói chung và của Phật giáo nói riêng.

Hiện nay thị hiếu thẩm mỹ đã thay đổi và nâng cao hơn nhưng cái đẹp tâm linh Phật giáo vẫn giữ vị trí quan trọng và lại được phát triển hơn trong xu thế tâm linh – tôn giáo nước ta.

Giáo dục thẩm mỹ là tiền đề quan trọng cho mọi người về những tư tưởng mỹ học đã có cũng như đang được giữ gìn và phát triển. Việc truyền bá, nâng cao giá trị thẩm mỹ Phật giáo Việt Nam cũng là cách mà chúng ta phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Th.S Hoàng Văn Thuận

Chú thích: Bài viết thể hiện tư duy, cách lập luận và văn phong riêng của tác giả.

—————–

CHÚ THÍCH

1. Lê Văn Dương, Lê Đình Lục, Lê Hồng Vân (2003), Mỹ học đại cương, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
2. https://thuvienhoasen.org/a12452/hoa-sen-trong-phat-giao.
3. Ca dao Việt Nam.
4. Thích Nữ Hằng Huyền (2021), Chân tâm qua Thập mục Ngưu đồ, Tạp chí NC Phật học, Bài đăng online.
5. Tường Nhân Sư (2015), Vi diệu Pháp toát yếu, Phật giáo Nam tông Theravada, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
6. Thích Nhật Từ (2017), Kinh A – Di – Đà, Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM.
7. https://www.chuabuuchau.com.vn/chuong/sam-tan-di-da-8-bai_1537.html.
8. https://phatgiao.org.vn/tinh-than-binh-dang-trong-phat-giao-d46196.html.
9. Thích Minh Châu (2003), Kinh Tăng Chi Bộ (dịch) tập III, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
10. https://giacngo.vn/ta-la-phat-da-thanh-chung-sinh-la-phat-se-thanh-trich-tu-kinh-nao-post55571.html.
11. Hộ Tông (1974), Phật ngôn, Phật giáo nguyên thủy Theravada, Hiếu – Minh Ấn quán.
12. Thích Trí Tịnh (tái bản 2021), Kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
13. Ý là những việc đời, thời đại, đã thoát tục trong sự lựa chọn giữa đời và đạo.
14. http://www.daophatngaynay.com/vn/van-hoa/xuan/16942-y-nghia-chan-thien-my-theo-dao-phat.html.
15. Bộ GD và ĐT (2021), Giáo trình Triết học Mác – Lênin(Dùng cho bậc đại học hệ chuyên lý luận chính trị), Nxb. Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.
16. Tham khảo các nghiên cứu trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Minh Châu (2003), Kinh Tăng Chi Bộ (dịch) tập III, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
2. Phạm Văn Chung (2011), Giáo trình Lịch sử triết học, Nxb. ĐH QG Hà Nội, Hà Nội.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác – Lênin (dùng cho bậc đại học hệ chuyên lý luận chính trị), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
4. Lê Văn Dương, Lê Đình Lục, Lê Hồng Vân (2003), Mỹ học đại cương, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
5. Nguyễn Duy Hinh (2006), Triết học Phật giáo Việt Nam, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
6. Lê Kim Kha (2012), Giáo trình Phật học (dịch), Nxb. Phương Đông, Tp. HCM.
7. Đỗ Văn Khang (2002), Mỹ học đại cương, Nxb. ĐH QG Hà Nội, Hà Nội.
8. Phạm Kim Khánh (2019), Đức Phật và Phật Pháp (dịch), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
9. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận tập 1,2,3, Nxb. Văn học, Hà Nội.
10. Tường Nhân Sư (2015), Vi diệu Pháp toát yếu, Phật giáo Nam tông Theravada, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
11. Thích Trí Tịnh (tái bản 2021), Kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
12. Hộ Tông (1974), Phật ngôn, Phật giáo nguyên thủy Theravada, Hiếu Minh Ấn Quán.
13. Thích Nhật Từ (2010), Thế giới cực lạc (Phân tích ứng dụng Kinh A Di Đà), Nxb. Văn hóa Sài Gòn, Tp. HCM.
14. Thích Nhật Từ (2017), Kinh A – Di – Đà, Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM
15. Thượng Tọa Mật Thể (1942), Việt Nam phật giáo sử luận, Nxb. Minh Đức, Đà Nẵng.
16. Tư tưởng triết học Việt Nam (tư liệu cá nhân).
17. Một số tài liệu cá nhân – nội bộ liên quan.
18. https://tapchinghiencuuphathoc.com.
19. https://vi.wikipedia.org.
20. https://thuvienhoasen.org/a12452/hoa-sen-trong-phat-giao.
21. https://www.chuabuuchau.com.vn/chuong/sam-tan-di-da-8-bai_1537.html.
22. http://www.daophatngaynay.com/vn/van-hoa/xuan/16942-y-nghia-chan-thien-my-theo-dao-phat.html.
23. https://thuvienhoasen.org/a21798/cai-dep-theo-tinh-than-phat-hoc.
24. https://phatgiao.org.vn/thap-cuu-pham-lien-hoa-va-tu-tuong-phat-giao-viet-nam-d9258.html.
25. https://phatgiao.org.vn/12-dai-nguyen-cua-bo-tat-quan-the-am-d32659.html.
26. https://phatgiao.org.vn/tinh-than-binh-dang-trong-phat-giao-d46196.html.
27. https://giacngo.vn/ta-la-phat-da-thanh-chung-sinh-la-phat-se-thanh-trich-tu-kinh-nao-post55571.html.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường