Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Lý Triều Quốc Sư Nguyễn Minh Không với hệ tư tưởng và tín ngưỡng thời Lý

Lý Triều Quốc Sư Nguyễn Minh Không với hệ tư tưởng và tín ngưỡng thời Lý

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Phần 2. Quốc sư Minh Không với Đạo Giáo – vị Đại Pháp sư của dân tộc

Hoa Đàm Thiền Sư đức Thánh truyện có chép lại việc Thiền sư Nguyễn Minh Không dựng tháp Báo Thiên và An Nam tứ đại khí:

“Sư đà được của bắc nhân
Đúc nên tứ khí chẳng nài phiền ai
Báo Thiên xây tháp ngất trời
Minh đỉnh vạc ấy trăm người khôn khênh
Quỳnh Lâm Phật tượng tốt lành
Chuông chùa Phả Lại tiếng kình vang âm”

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 3.2021 Ly Trieu Quoc Su Nguyen Minh Khong 1

Về ý nghĩa của tứ đại khí(1), chúng tôi có tham khảo thêm một số tư liệu trong quá trình điền dã.

Cuốn Việt Nam Tam Tổ chân kinh chép:

Tiên chú Quỳnh Lâm Tượng
Trấn Đông Hải môn thành,
Hậu chú Phổ Minh đỉnh
Phù đại đế Nam kinh.
Chú Hồng chung Phả Lại
Trấn Bắc khuyết Thiên đình,
Lập vi Báo Thiên tháp
Phù Tây hướng Đế kinh.

Như vậy, đây là những bảo vật trấn yểm bốn hướng, tương đương với các phía Đông – Nam – Tây – Bắc để giữ yên bờ cõi. Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không chính là người đã tạo nên An Nam tứ đại khí, quốc bảo linh thiêng của dân tộc. Điều này thể hiện rõ, Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không là một vị đại pháp sư giỏi về thuật trấn yểm. Không chỉ tạo tứ đại khí để trấn yểm, quốc sư Minh Không còn là một trong 4 vị thần tứ trấn của kinh đô Hoa Lư xưa. Khái niệm tứ trấn dùng cho hai khu vực được gọi là kinh đô xưa là Hoa Lư và Thăng Long. Như vậy, trấn ở đây là để bảo hộ cho kinh thành. Các vị có khả năng trấn trạch phải là những pháp sư tinh thông địa lý, phong thủy, giỏi việc trừ yêu diệt quỷ.

Ngoài ra, các tư liệu về quốc sư cũng chỉ rõ, ngài có nhiều tài phép. Câu đối ở Đền Thánh Nguyễn (Đàm Xá, Gia Viễn, Ninh Bình):

Dữ thập bát tử hữu nhân quả hồ, trác nhiên ư hậu ư tiền, y hổ dực long lưỡng triều vĩ tích
Thị nhị xã dân sở thi chúc giả, thần hoặc vi phân vi hợp, quan đăng vọng tỉnh vạn cổ tường quang.

Dịch nghĩa:

Cùng vua họ Lý nhân quả sao! vời vợi trước sau, chữa hổ giáng rồng, hai triều tích lớn

Ấy dân hai xã khấn tế vậy! khi lúc chia hợp, xem đèn trông giếng, vạn năm sáng lành.

Chữa hổ giáng rồng chính là tài hàng long phục hổ. Câu chuyện chữa bệnh cho hậu kiếp của thánh Từ Đạo Hạnh theo lời ký thác và trừ mộc tinh (tắc kè) thời vua Lý Nhân Tông chính là biểu hiện phép thuật của vị đại Pháp sư Minh Không. Lĩnh Nam chích quái, Truyện Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải chép:

Thời Lý Nhân Tông, sư thường cùng sư Thông Huyền được triệu vào ngồi hầu trên ghế đá mát lạnh ở cung Liên Mộng. Bỗng một hôm có đôi tắc kè đang gáy, nhức tai điếc óc. Vua truyền Thông Huyền dùng phép để ngăn nó lại, Huyền lặng nhẩm thần chú, một con rơi xuống trước. Vua cười bảo với Giác Hải rằng: “Hãy còn một con xin để nhường nhà sư”. Sư liền đọc thần chú, trong nháy mắt con còn lại cũng rơi xuống đất. Vua kinh lạ, làm thơ rằng:

Giác Hải lòng như biển
Thông Huyền đạo cũng huyền
Thần thông cùng biến hoá
Một Phật một thần tiên

Từ đó, sư vang danh trong thiên hạ, sư nào cũng đều ngưỡng vọng. Vua thường lấy lễ thầy trò mà đãi sư, mỗi khi hạ giá tới hành cung ở Hải Thanh, đều đến thăm chùa trước.

Trong Thánh Tổ bản hạnh, Lĩnh Nam chích quái, Không Lộ còn có “cựu danh” là Thông Huyền. Vua Lý Nhân Tông làm thơ ca tụng “Nhất Phật nhất Thần Tiên”. Thần tiên trong câu này để chỉ cho Thông Huyền. Đây là một cái tên thuộc Đạo Giáo.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 3.2021 Ly Trieu Quoc Su Nguyen Minh Khong 2

Thánh Minh Không từng dùng đạo hiệu Không Lộ, như vậy là vị tu tiên, và ông đã dùng phép tắc biến hóa trong đạo giáo để thi thi triển các quyền năng của mình. Tinh thông Đạo Giáo, được suy tôn là đại pháp sư, bản kệ Thánh tổ thực lục diễn âm chép như sau:

Lũy triều hoa cổn quán phong: “Đại Thánh, Đại từ, Đại bi, Đại nguyện, Chí tôn, Chí thượng, Chí chính, Chí công. Nam thiên Thánh tổ, đại pháp thiền sư húy Chí Thành, hiệu Không Lộ, biệt hiệu Minh Không, sắc phong Đại Giác Thông tuệ Viên tĩnh Đoan túc Dực bảo Trung hưng phúc thần.” Quốc sư Nguyễn Minh Không được tôn xưng là thánh tổ, pháp tổ, đại pháp thiền sư của dân tộc. Tại vùng đất Ninh Bình nơi quê hương của ngài còn truyền câu: “Đại Hữu sinh Vương, Điềm Dương sinh Thánh”. Cho tới ngày nay, quốc sư Minh Không giữ một vai trò đặc biệt quan trọng, ngài là một trong tam vị thánh tổ được thỉnh chỉ sau Đạt Ma sư tổ và lục tổ Huệ Năng trong các khoa thỉnh chư vị tổ sư tại các ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc bộ.

Quốc sư Minh Không và sự tổng hòa giữa các thiền phái Phật giáo đương thời

Thời kỳ nhà Lý, các hệ phái tu tập cũng được phát triển và định hình một cách mạnh mẽ. Trong đó có một số dòng phái tiêu biểu như: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông (mang đậm dấu ấn Mật giáo) và Thảo Đường (Thiền học trí thức). Ở Quốc sư Minh Không, ta thấy có một sự dung hợp và tổng hòa giữa tất cả các thiền phái đương thời.

Dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi

Tỳ Ni Đa Lưu Chi – Pháp Vân xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ thứ VI. Theo lịch sử tổ truyền thừa của phái, tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi vốn xuất thân là người Ấn, thuộc dòng dõi Bà La Môn. Sư sang Việt Nam khoảng những năm 580 và cư trú tại chùa Pháp Vân. Đặc điểm nổi bật của hệ phái này là yếu tố Mật giáo rõ nét. Ngay bộ kinh mà tổ Tì Ni Đa Lưu Chi dịch tại chùa Pháp Vân (Kinh Đại Thừa phương quảng tổng trì) cũng là một bộ kinh căn bản của Mật giáo. Theo TUTA, các thiền sư nổi bật của phải Tỳ Ni Đa Lưu Chi bao gồm cả những người xuất thân từ dòng dõi quý tộc (Viên Thông, Pháp Dung, Trí Nhan, Thiền Nham, Bản Tịch, cháu nội Lý Thái Tông, Minh Không, Vạn Hạnh) và bình dân. Các thiền sư của hệ phái này thường trì chú Đà La Ni và tinh thông phong thủy, sấm vĩ, cầu đảo. Đây chính là yếu tố giúp thiền phái này có khuynh hướng nhập thế và gần gũi với đời sống dân gian người Việt thời bấy giờ. Nguyễn Minh Không, Từ Đạo Hạnh được Thiền uyển tập anh xếp vào thế hệ thứ 12 và 13 và được xem là những đại diện tiêu biểu, tinh anh và nổi bật nhất của thiền phái này.

Phái Vô Ngôn Thông

Thiền phái Vô Ngôn Thông được truyền thừa từ thiền sư Vô Ngôn Thông sau khi Tỳ Ni Đa Lưu Chi được truyền vào nước ta hơn hai thế kỷ. Khác với Tỳ Ni Đa Lưu Chi mang đến một đạo Phật thuần túy từ Ấn Độ và gần với Bà La Môn giáo. Vô Ngôn Thông là một thiền sư người Trung Quốc, là hậu bối kế tục dòng thiền từ Nam Tông của Lục Tổ Huệ Năng. Năm 820, thiền sư đến Việt Nam và trụ trì tại chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng. Năm 826, thiền sư tịch. Từ đây, phải Kiến Sơ (Quan Bích) được hình thành với người học trò của thiền sư tên Cảm Thành. Nhấn mạnh thuyết đốn ngộ chủ trương con người có thể, trong một giây lát, đạt được quả vị giác ngộ, khỏi cần đi qua nhiều giai đoạn tiệm tiến(2). Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Lang (Tác giả cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận), dòng thiền này “đã sử dụng rất nhiều các kinh điển khác như kinh Viên Giác, Pháp Hoa, họ nhấn mạnh đến chủ trương đốn ngộ và vô đắc vốn rất gần gũi với giáo lý thiền phái Nam Phương ở Trung Hoa.” Tuy nhiên, “đã rất gần gũi với đời sống xã hội, tham dự vào đời sống nhập thế trong khi vẫn duy trì được sinh hoạt tâm linh độc lập của mình.”(3)

Có một điểm cần lưu ý, Lĩnh Nam chích quái chép: “Hải Thanh, Nghiêm quang tự, Không Lộ Thiền sư. Tánh Dương Thị, nãi Hải Thanh nhân giả, thế nghiệp điếu ngư, Sư xả kỳ ngư nghiệp nhi tăng yên, cư thường niệm gia trì đà la ni môn kinh. Chương Thánh Gia Khánh niên gian, dự Giác Hải vi đạo hữu, tiềm chí Hà trạch tự thê thân yên, thảo y mộc thực đãi vong kỳ thân, ngoại tuyệt tha cầu, nội tu thiền định, tâm thần nhĩ mục, nhật giác sảng nhiên.”

Thiền uyển tập anh, mục Thiền sư Giác Hải chép: “Chùa Diên Phúc, Hải Thanh, người Hải Thanh, họ Nguyễn. Nhỏ thích đánh cá đi câu, thường dùng một chiếc thuyền con làm nhà, sống lênh đênh khắp sông biển. Năm 25 tuổi, Sư bỏ nghề, xuống tóc làm Tăng. Ban đầu, Sư và Không Lộ cùng thờ Hà Trạch. Sau Sư lại kế thừa dòng pháp của Không Lộ. Đời vua Lý Nhân Tông, Sư thường cùng Thông Huyền chân nhân, bị triệu vào nhà hóng mát Liên manh hầu hạ, bỗng có tiếng cắc kè kêu nhau chối tai, đáng ghét. Vua khiến Huyền làm cho nó đừng kêu. Huyền bèn lâm râm niệm chú, làm rơi trước một con. Huyền cười Sư, Sư bảo “Đang còn một con, để đó cho Sa Môn”. Sư chú mục nhìn, trong giây lát, nó cũng rơi theo. Vua lấy làm lạ, làm một bài thơ khen:

“Giác Hải tâm như hải
Thông Huyền đạo lại huyền
Thần thông cùng biến hóa
Một Phật, một thần tiên”

Từ đó, tiếng tăm Sư vang khắp thiên hạ, Tăng tục ngưỡng chuộng. Vua thường đối đãi Sư như bậc thầy” Mỗi lần ra chơi hành cung Hải Thanh, vua tất đến chùa Sư trước. Một hôm, vua hỏi Sư: “Phép ứng chân thần túc, có thể được nghe chăng? Sư bèn làm tám phép thần biến rồi vung thân lên hư không, cách đất vài trượng rồi lại hạ xuống. Vua và các quan đều vỗ tay khen ngợi. Do đó, vua ban cho Sư một kiệu vai, để ra vào cửa khuyết.”

Như vậy, thiền sư Không Lộ cùng Giác Hải đều thờ thầy Hà Trạch và thuộc đời thứ 10 của dòng Vô Ngôn Thông. Theo phả thiền sư lưu tại đền thánh Nguyễn, quốc sư Nguyễn Minh Không cũng từng dùng đạo hiệu Không Lộ.

Phái Thảo Đường

Thiền phái Thảo Đường là một thiền phái mới, hình thành vào thời Lý. Đây là một thiền phái có nhiều dấu ấn riêng và khá chọn lọc. Các thiền sư thuộc phái Thảo đường chủ yếu là tầng lớp trí thức, quý tộc, những người trực tiếp gánh vác các trọng trách của quốc gia. Ngoài ba vị hoàng đế: Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông còn có các vị quan đầu triều như: Thái úy Đỗ Anh Vũ, thái phó Đỗ Thường… Chính vì hội tụ được những tinh hoa của dân tộc, tư tưởng của thiền phái này cũng mang nội dung đi sâu vào thiền và triết học Phật giáo. “Chống gậy thiền để giữ quốc gia” chính là một đặc điểm của các thiền sư phái Thảo Đường. Bên cạnh đó, sau khi xuất hiện, tư tưởng của hệ phải này, với sự tham gia từ các thiền sư thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông và Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tiêu biểu như Minh Không (Không Lộ), Giác Hải (tức Định Giác), Từ Đạo Hạnh hệ tư tưởng mới với xuất phát từ nền tảng được dung hợp của các dòng phái cũ đã bắt đầu được hình thành.

Sự truyền thừa của thiền phái Thảo Đường cũng biểu lộ một phức hợp đáng lưu ý. Sau Không Lộ và Định Giác (tức Giác Hải), (đều là những thiền sư được cho là tiêu biểu của phái Kiến Sơ), Lý Anh Tông và Đỗ Đô được cho là đệ tử của hai vị này cũng thuộc Kiến sơ. Đồng thời, thiền sư Tịnh Giới (học trò của Giác Hải), thuộc thế hệ thứ 4 của thiền phái Thảo Đường cũng thuộc thế hệ thứ 10 (cùng với Tịnh Không và Tịnh Lực) của thiền phái Vô Ngôn Thông.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 3.2021 Ly Trieu Quoc Su Nguyen Minh Khong 3

Trong Thiền uyển tập anh, thiền sư Không Lộ và Giác Hải, cũng thuộc thế hệ thứ 2, kế thừa cư sĩ Ngộ Xá của thiền phải Thảo Đường và theo Nam tông đồ, họ được đặt vào thiền phái Kiến Sơ(4). Đồng thời, thiền sư Minh Không cũng thuộc thế hệ thứ 13 của hệ phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

Chúng tôi chưa khẳng định, Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không là người nối pháp của Không Lộ(5) và Từ Đạo Hạnh(6), hay chính là Không Lộ Thiền sư(7). Tuy nhiên theo những tư liệu khảo chứng, rõ ràng ở quốc sư Minh Không có sự tương giao giữa tất cả các tông phái đương thời. Ngài được truyền tụng với những tích truyện và các bài hát kể hạnh với hình ảnh của một đại pháp thiền sư đắc lục thông và thường trì tụng đà la ni. Ngài dựng chùa khắp mọi nơi và xiển dương pháp môn Tịnh độ với giáo chủ là đức Phật A Di Đà. Quốc sư Minh Không đã đúc chuông, tạc tượng, tạo tứ khí và tham gia gánh vác những trọng trách triều đình với vai trò là quốc sư, phò vua giúp nước. Xong việc, ngài lại “cùng người Đàm Xá cầm hạc thanh phong chu du bốn biển, hoặc đàn địch ca vũ, hoặc thi thư đối liễn.”(8). Trong phần tiếp theo của bài viết này, chúng tôi xin phép trích dẫn những di chỉ thờ phụng và các vùng miền tôn xưng quốc sư Minh Không là tổ nghề, là thần thành hoàng làng… Đây là nét đặc biệt trong tinh thần nhập thế sâu sắc sẽ trở thành tư tưởng căn bản như: “cư trần lạc đạo”, “chống gậy thiền để giữ quốc gia” của các vị thiền sư trong việc hình thành thiền phái Trúc Lâm sau này.

Theo sư thầy Thích Tâm Hiệp, khi khảo cứu ngôi chùa thờ mẹ Không Lộ của dòng họ Vũ ở Hành Thiện, thầy đã phát hiện: “các thế hệ sư tăng ở đây là “Thiền tăng” nhưng có “thê” (vợ) được ghi rõ ràng trong gia phả tộc Vũ chùa Đĩnh Lan. Đặc biệt, các thế hệ này về sau nối tiếp Không Lộ tu dòng Huyền Pháp (Đại Pháp) nhưng lại theo phái Trúc Lâm. Khoa cúng tổ và lễ sám riêng của chùa Đĩnh Lan tự xưng mình thuộc dòng Trúc Lâm. Vậy, phái Trúc Lâm nhưng thuộc dòng Đại Pháp, hay nói cách khác, Thiền phái Trúc Lâm với yếu chỉ căn bản là tư tưởng nhập thế “cư trần lạc đạo”, chính là dòng thiền có khởi nguồn từ dòng
pháp Không Lộ. Trong bài vị tại hậu cung chùa La Vân (Trù Thủ tự), Không Lộ còn được tôn xưng: Trúc Lâm Đại Tôn Giả. (Nguyên văn bài vị ghi: SắcTổ Phật Tứ Tử Đại Đại Sa Môn Viên Chứng Quốc Sư Phù Vân Hiển Ứng Thần Diệu Linh Hựu An Tế Trúc Lâm Đại Tôn Giả)”.

“Huyền Quang được thờ nơi hậu tổ chùa Đĩnh Lan”. Về sau qua quá trình khảo cứu nhiều nơi liên quan đến Huyền Quang mới hiểu được vị Huyền Quang được thờ nơi các chùa vùng Sơn Nam. Trong một bản gia phả của tộc Vũ vùng này, chúng tôi thấy, sau khi ghi “thiền tăng…” có tên hiệu bắt đầu bằng chữ “Huyền”, người chua thêm: “tu theo đạo Huyền Quang”. Vậy rõ ràng, tư tưởng nhập thế với sự kết hợp các yếu tố của tín ngưỡng bản địa của Huyền Quang vùng trấn Sơn Nam có sự tiếp nối hay nói cách khác là được khởi nguồn từ dòng Trúc Lâm Đại Pháp của Không Lộ/Minh Không (Phù Vân Quốc Sư)(9), và con cháu về sau của các ngôi chùa này thờ Huyền Quang như vị Tổ của họ. Tác phẩm Hành trì bí điển của Huyền Quang ghi lại những nghi lễ thực hành cúng bái của đạo Phật nhưng mang đậm màu sắc của đạo Giáo đồng thời có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố mật cùng Bà La Môn giáo. Tác phẩm được mô tả là gồm các nghi lễ trong đạo Phật cùng các bài văn, các đạo bùa dùng trong lúc làm đàn chay, giải oan, phá ngục… Có thể thấy yếu tố bùa chú, đàn tràng, cúng giải oan, phá ngục chính là của đạo Giáo được đưa vào Phật giáo thời Trần bởi Tam tổ Huyền Quang. Cho đến ngày nay, các thầy cúng và trong dân gian, từ phật tử cho đến người dân thường vẫn còn truyền tụng, thực hành những nghi lễ này.

Không chỉ có mối liên hệ mật thiết với đạo Giáo, thiền phải Trúc Lâm với Lục thời sám hối khoa nghi nổi tiếng của thiền sư – vua Trần Thái Tông cũng được cho là một kế thừa của hạnh 6 thời sám hối trong kinh Đại thừa phương quảng tổng trì.(10)

Phái Kiến Sơ (hay còn gọi Vô Ngôn Thông) theo thiền sư Lê Mạnh Thát, là khởi nguyên của dòng thiền Trúc Lâm sau này. Thực ra, dòng thiền Trúc Lâm chính là sự tiếp nối từ mối quan hệ tổng hòa giữa thiền phái Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và Tỳ Ni Đa Lưu Chi cùng tinh thần nhập thế tích cực của đạo Giáo. Xét về hành trạng và cuộc đời tu đạo của thiền sư Minh Không nói riêng và trong tương quan quan hệ của tam vị thánh tổ thời Lý: Minh Không/Không Lộ – Đạo Hạnh – Giác Hải, có thể thấy đây chính là những đại diện cho hình ảnh nhân vật đương thời tiêu biểu của giai đoạn lịch sử này.

Như vậy, quốc sư Minh Không chính là một trong những vị thiền sư lớn đã đặt nền tảng vững chắc cho trào lưu của Tịnh độ trở nên phổ biến và bám rễ sâu trong đời sống dân tộc. Bên cạnh đó, với các tín ngưỡng bản địa như đạo Lão, đạo Phật với ảnh hưởng sâu đậm của Hindu, đạo Phật với sự phát triển mạnh mẽ của các thiền phái, các vị đã dung hợp, tiếp nối và có vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng mở đường cho một hệ tư tưởng mới – thiền nhập thế, mà
cụ thể là thiền phái Trúc Lâm sau này.

(Tiếp theo Tạp chí NCPH số 166 và hết)

Phương Bối
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2021

—————–

CHÚ THÍCH:
(1) Theo bản lưu tại Đình Ngũ Xã, Tây Hồ, đây là đình thờ tổ nghề đúc đồng: Quốc sư Nguyễn Minh Không tại Hà Nội. (Tư liệu khảo cứu do thầy Thích Tâm Hiệp cung cấp)
(2) Nguyễn Lang – VNPGSL, tr.128
(3) Nguyễn Lang – VNPGSL, tr.147
(4) Thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông.
(5) Các bản khoa cúng thánh lưu tại những ngôi chùa thờ ba vị Không Lộ – Giác Hải – Đạo Hạnh đều ghi Minh Không Không Lộ.
Bia chùa Viên quang khi chép về thiền sư Giác Hải cũng dùng chữ “thê trì” tức là nối pháp của Không Lộ.
(6) Theo truyện Từ Đạo Hạnh – Thiền uyển tập anh tr.116
(7) “Từ đó, thiền sư lại đổi tên là Không Lộ thiền sư”
(8) Theo Lý triều quốc sư Ngọc phả lục – bản lưu tại Đền Nguyễn
(9) Bài viết đã dẫn, Phù Vân Quốc sư là mỹ tự được nhắc tới trong sắc phong sắc thời Lê, Nguyễn tại La Vân. Theo tư liệu khảo cứu của thầy Thích Tâm Hiệp, trong bài vị tại hậu cung chùa La Vân (Trù Thủ tự), Không Lộ được tôn xưng: Trúc Lâm Đại Tôn Giả. (Nguyên văn bài vị ghi: Sắc Tổ Phật Tứ Tử Đại Đại Sa Môn Viên Chứng Quốc Sư Phù Vân Hiển Ứng Thần Diệu Linh Hựu An Tế Trúc Lâm Đại Tôn Giả.)
(10) Bộ kinh căn bản của Mật giáo thuộc do tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi dịch – Phần ngày đêm 6 thời sám hối các trọng tội do nghiệp thân miệng ý gây ra (tờ 383a1-2) kinh xác định đây là phương pháp sám hối do đức thế tôn thực hiện (Theo LSPGVN – Thiền sư Lê Mạnh Thát)

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường