Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Hình ảnh “chuyển luân thánh Vương” trong Kinh Nikaya

Hình ảnh “chuyển luân thánh Vương” trong Kinh Nikaya

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Bản chất của người phương Tây là chính trị đi kèm với tôn giáo, các tôn giáo lớn trên thế giới luôn núp bóng hay lợi dụng chính trị để làm lợi cho giáo phái của mình, còn các nhà chính trị lấy tôn giáo để giương cao uy quyền của họ. Khi xâm chiếm, đô hộ các nước thuộc địa, người phương Tây luôn truyền đạo một cách khắt khe và tàn bạo, họ dùng phương thức thuyết phục và đàn áp như Bồ Đào Nha truyền Thiên Chúa giáo, Hà Lan truyền đạo Tin Lành, Anh quốc theo giáo lý Cơ Đốc và ngay cả người Aryan khi định cư nơi nào, họ đều mang theo Bà La Môn giáo… Bên cạnh đó, các nhà truyền giáo là những nhà tham mưu chính trị, có quyền can thiệp vào nội chính, cải cách xã hội,… Khác với những tôn giáo ấy, giáo lý đạo Phật được xây dựng trên nền tảng đạo đức của xã hội, tồn tại độc lập và phát huy sức sống để vượt ngoài vòng xoáy của chính trị, không hình thành ý thức hệ chính trị hay cải cách xã hội mà đứng trên chính trị, trên xã hội để hướng đến sứ mệnh cải tạo tâm, kêu gọi thực hành đời sống đạo đức.

Nhiều người dựa vào các bản kinh “chuyển luân thánh vương” trong Trường bộ cho rằng, đức Phật đã nói về vấn đề chính trị, dạy cách cai trị đất nước, làm một vị vua tốt. Để hiểu rõ ý nghĩa sâu xa khi đức Phật thuyết giảng các kinh này, người viết muốn tìm hiểu, phân tích, so sánh, dùng nguồn tư liệu kinh điển Nikàya để làm sáng tỏ, giúp người đọc có thể nắm bắt và hiểu một cách rõ ràng. Do vậy, Người viết chọn đề tài: “Ý nghĩa kinh chuyển luân thánh vương trong tạng Nikàya” để nghiên cứu.

1. Hình ảnh “chuyển luân thánh vương” trong kinh tạng Nikàya

Trong Trường Bộ, kinh Đại Bổn có ghi: “khi xem tướng hoàng tử Vipassì xong, các vị Bà La Môn đoán tướng tâu với vua Bandhumà: “…Tâu Đại vương, hoàng tử này có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại nhân. Ai có đủ ba mươi hai tướng tốt này sẽ chọn hai con đường này thôi, không có con đường nào khác. Nếu sống tại gia đình, vị này sẽ trở thành vua chuyển luân thánh vương, dùng chính pháp trị nước, bình định bốn phương, đem lại an toàn cho quốc độ, đầy đủ bảy món báu…Nếu vị này từ bỏ gia đình, xuất gia sống không gia đình, vị này sẽ thành bậc A La Hán, Chánh đẳng giác, vén lui màn vô minh che đời.””[1] Hoặc vua Suddhodana (Tịnh Phạn) mời đạo sĩ Asista (A-tư-đà) xem tướng cho thái tử Siddhartha (Tất-đạt-đa) cũng đoán như vậy. Trong kinh khẳng định, bậc Đại nhân chính là hoàng tử Vipassì hay thái tử Siddhartha. Chư vị ấy có đủ ba mươi hai tướng tốt, chắc chắn sẽ đi một trong hai con đường. Đó là vua của các vị vua khi sống đời thế tục hoặc làm bậc thầy tối thượng giúp con người thấy và đoạn khổ đau, tham ái… đạt được sự an lạc, giải thoát.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hinh anh chuyen luan Thanh vuong trong kinh Nykaya 2

Theo đoạn trích trên, ta thấy “chuyển luân thánh vương” (cakkavavattin) là bậc vua lý tưởng, có quyền lực tối cao trên trái đất, là một vị Thánh vương hoặc là vị Phật ra đời với mục đích: “Một người, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác.”[2] Bậc Đại nhân ra đời không theo nghiệp lực mà do nguyện lực vì thương tưởng chúng sinh, muốn đem lại lợi ích, sự an lạc, hạnh phúc cho chư Thiên và loài người. Trong “phát bồ đề tâm văn”, ngài Thật Hiền dạy môn đồ tại sao phải nhớ nghĩ ân nặng của đức Phật: “…vị ngã đẳng cố, hành Bồ Tát đạo, kinh vô lượng kiếp, bị thọ chư khổ. Ngã tạo nghiệp thời, Phật tắc ai lân, phương tiện giáo hóa, nhi ngã ngu si, bất tri tín thọ. Ngã đọa địa ngục, Phật phục bi thống, dục đại ngã khổ, nhi ngã nghiệp trọng, bất năng cứu bạt. Ngã sinh đạo nhân, Phật dĩ phương tiện, linh chủng thiện căn. Thế thế sinh sinh, tùy trục ư ngã, tâm vô tạm xã…”[3] Qua đoạn trích trên cho thấy, đức Phật vì chúng ta đã trải qua vô lượng kiếp, chịu đủ thứ cực khổ, Ngài luôn theo sát, dùng nhiều phương tiện để giáo hóa, dù chúng ta có ngu si, tạo muôn ngàn tội lỗi nhưng Ngài vẫn từ bi thương xót, cứu vớt. Đó là nguyên nhân mà bậc Đại nhân xuất hiện ở đời, là sứ mệnh của bậc chuyển luân thánh vương xuất hiện để đem lại sự an lạc cho người dân trong một quốc độ thái bình, thịnh vượng với Pháp trị, đức trị.

“Chuyển luân” là người luân chuyển xã hội loài người từ cũ, điên cuồng sang một xã hội mới, tốt đẹp có đầy đủ phước báu, đem lại sự an bình cho đất nước, con người. Cho nên, người được gọi là chuyển luân thánh vương thì người ấy có nhiệm vụ bình định sự xáo trộn, tàn rụi của thế giới khi loài người vào đời mạt pháp rồi đưa đến thời kỳ thánh đức. Đó là thời kỳ của cái thiện, của sự thịnh vượng, đầy đạo đức không có sự chết chóc do chiến tranh, thiên tai, bệnh tật…giống như thời kỳ mà ngài Di Lặc chuẩn bị ra đời theo tiên ký của đức Phật Thích Ca trong kinh Nikàya “… khi tuổi thọ loài người chỉ có 10 năm thì ác tâm, sân tâm, dục tâm rất mãnh liệt, và loài người tàn hại nhau hết sức khủng khiếp. Những người sống sót mới hồi tâm, làm các thiện sự trở lại và như vậy tuổi thọ tăng dần cho đến 80.000 năm. Khi ấy chuyển luân thánh vương Sankha và đức Phật Metteyya (Di Lặc) ra đời. Một vị lấy chính pháp trị nước, một vị lấy chính pháp độ sinh”.[4] hoặc trong Trường A Hàm 6, kinh “Chuyển luân vương tu hành” cũng nói rõ việc tiên ký ấy. Lại nữa, chuyển luân thánh vương là người tự khai sinh ra một triều đại mới, một triều đại với mô hình chính trị lý tưởng phải đảm bảo về kinh tế và công bằng xã hội, hoàn hảo về đời sống đạo đức của cá nhân và xã hội. Đó là mô hình kết hợp những tinh hoa của ba thể chế: Dân chủ, Quân chủ và Pháp quyền, được thực thi theo năm triết lý chính trị mà Thượng tọa Tiến sĩ Thích Nhật Từ đã đề cập trong “Đại cương triết học Phật giáo” gồm: Chủ quyền đồng thuận, quản trị bầu cử, nhà vua thông thái, chủ quyền chính pháp, quản trị chức năng.

Kinh Trường Bộ ghi rất rõ những việc làm để trở thành một vị chuyển luân thánh vương: “Tâu Ðại vương, thế nào là Thánh vương Chính pháp? Này thái tử thân yêu, con y cứ vào Pháp, kính trọng Pháp, cung kính Pháp, đảnh lễ Pháp, cúng dường Pháp, tôn trọng Pháp, tự con trở thành Pháp tràng, Pháp kỳ, xem Pháp là thầy, tự trở thành người bảo vệ hợp pháp cho thứ dân, cho quân đội, cho Sát đế lỵ, cho quần thần, cho Bà la môn, cho gia chủ, cho thị dân, thôn dân, cho Sa môn, Bà la môn, cho các loài thú và loài chim. Chớ có làm gì phi pháp trong quốc độ của con. Này con thân yêu, nếu trong quốc độ của con, có những Sa môn, Bà La Môn từ bỏ dục vọng, không phóng dật, thực thành nhẫn nhục từ ái, nhiếp phục tự kỷ, an chỉ tự kỷ, giải thoát tự kỷ, thỉnh thoảng sẽ đến với con và hỏi con: “Này Tôn giả, thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, thế nào là có tội, thế nào là không có tội, như thế nào nên thực hành, như thế nào không nên thực hành, hành động như thế nào đem lại bất lợi và đau khổ cho tôi lâu ngày, hành động như thế nào đem lại lợi ích và hạnh phúc cho tôi lâu ngày?” Con hãy nghe họ và ngăn chận họ khỏi sự bất thiện và khuyến khích họ làm điều thiện. Này con thân yêu, như vậy là Thánh vương Chính pháp.” [5] Vậy “thánh vương” là vị vua chân chính lấy chính pháp để cai trị đất nước, dựa vào pháp, tôn thờ pháp, tôn kính pháp, ngưỡng vọng pháp, lấy pháp làm tiêu chuẩn, tiêu chí, xem pháp là chúa của mình và chăm sóc bảo vệ thần dân bằng pháp. Từ đó ta thấy, vai trò chủ yếu của chuyển luân thánh vương là:

* Tôn trọng và bảo vệ chủ quyền: mang lại sự hòa bình, ổn định chính trị, thiết lập nền tảng thống nhất, hòa hợp, tôn trọng chủ quyền trong và ngoài nước, cai trị đất nước không bằng bạo lực, trừng phạt mà bằng giáo hóa, khích lệ.

* Bảo vệ sự sống: trông coi, bảo vệ thần dân, quân đội, giới quý tộc, giới tu sĩ, giới gia chủ, cư dân, chim thú; không đem một sự đau khổ, bất lạc nào bằng sát hại, cưỡng bức mà cai trị muôn dân một cách bình đẳng.

* Bảo vệ tự do tôn giáo: bảo hộ sự tu tập của Sa môn, Bà La Môn; tạo điều kiện giúp đỡ, khích lệ; đảm bảo tự do tôn giáo, hành đạo, truyền đạo; duy trì sự hòa hợp và rộng lượng tôn giáo.

* Tham vấn các lãnh tụ tôn giáo: tham vấn về thiện, ác, đáng khen, đáng trách, đáng theo, nên tránh, nên làm, không nên làm, phúc lợi và hạnh phúc.

2. Bảy báu sở hữu của chuyển luân thánh vương

Hình ảnh Chuyển luân Thánh vương là mô hình quản trị lý tưởng, ngoài một nhà vua, nhà lãnh đạo có đạo đức, trí tuệ và tài năng là một vị vua thông thái thì còn là người vận chuyển bánh xe chính pháp, lấy chính pháp mà cai trị khắp thế gian. Với một hình ảnh lý tưởng như vậy ngoài hội đủ 32 tướng tốt của một bậc Đại nhân thì chuyển luân thánh vương còn sở hữu bảy món báu trên thế gian cùng với bốn như ý đức. Trong kinh Trường Bộ có đề cập điều này: “Thuở xưa, này các Tỳ kheo, có Vua Chuyển luân Thánh vương tên là Dalhanemi (Kiên-cố-niệm), là vị pháp vương, lấy Chính pháp trị nước, chinh phục bốn thiên hạ, thống trị các quốc độ và đầy đủ bảy món báu. Vị ấy có đầy đủ báy món báu, tức là xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, gia chủ báu và thứ bảy là tướng quân báu”.[6] Khi mô tả về đô thị Kusinàrà là kinh đô của vua Đại Thiện Kiến tên là Kusàvatì (Câu-xá-bà-đề), đức Phật đã kể rõ về phước báu của chuyển luân thánh vương Đại Thiện Kiến này: “Này Ànanda, vua Đại Thiện Kiến có đầy đủ bảy món báu và bốn như ý đức.”[7]

Thế bảy món báu sở hữu của bậc chuyển luân thánh vương là những gì?

2.1. Luân báu: Trong kinh “Đại Thiện Kiến Vương” diễn tả rất rõ về sự luân chuyển của xe báu; thánh vương cai trị đất đai rộng lớn từ bắc tới nam, đông sang tây và uy quyền, đức độ của Ngài làm các nước nhỏ thuần phục: “…“Này xe báu, hãy lăn khắp; này xe báu, hãy chinh phục!” Và này Ànanda, xe báu lăn về hướng đông và vua Đại Thiện Kiến cùng với bốn loại binh chủng đi theo sau. Và này Ànanda, chỗ nào xe báu dừng lại, chố ấy vua Đại Thiện Kiến an trú với bốn loại binh chủng. Này Ànanda, các địch vương ở phương đông đến yết kiến vua Đại Thiện Kiến và nói: “Hãy đến đây, Đại Vương! Hoan nghênh, đón mừng Đại vương! Tâu Đại vương, tất cả đều thuộc của Ngài. Đại vương hãy giáo huấn cho chúng tôi!”… rồi xe báu lăn xuống biển lớn ở phương đông… về phương nam…về phương tây…về phương bắc…”[8]. Qua đoạn dẫn trên, người viết cho rằng “Luân báu” chỉ cho bánh xe quyền lực hay khoa học kỹ thuật. Bánh xe là một hình tròn, nó có thể lăn tự do vô hạn trên đường băng nếu không có vật cản. Cũng vậy, một vị Chuyển luân Thánh vương nắm trong tay quyền lực tối hậu và có đủ tài – đức không sợ mọi khó khăn ngăn cản nên đến chỗ nào, lên tiếng thì mọi người đều khiếp sợ và phục tùng. Khi bánh xe luân chuyển đến đâu, nơi ấy trở thành thuộc địa cai trị của Thánh vương; tức nói thánh vương đặt chân đến nước nào, nước ấy vui mừng làm chư hầu, chịu sự cai trị bằng chính pháp của Ngài, không cần sự chiến tranh, chết chóc mà các nước nhỏ ấy sẵn sàng khuất phục theo. Hoặc nói, chuyển luân thánh vương cai trị một vương quốc rộng lớn, cả toàn trái đất, từ đất liền đến tận hải biên.

2.2. Tượng báu: “Lại nữa, này Ànanda, voi báu xuất hiện…, thuần trắng, bảy xứ kiên cường, có thần lực, phi hành trên hư không,… Thấy voi báu, vua Đại Thiện Kiến sinh tâm hoan hỉ và nghĩ: “lành thay được cỡi con voi này nếu nó chịu sự điều ngự!”Và này Ànanda, như một con hiền tượng quý phái chịu sự điều ngự lâu ngày, con voi ấy tự đến để chịu sự điều ngự…” [9] Voi là loài biểu tượng cho sức mạnh giống như vua cần hai bộ quan lại văn và võ, đó là sức mạnh chỉ hai cánh tay đắc lực của vua. Vậy “tượng báu” chỉ cho các bộ quan văn, quan võ tài giỏi, có các chiến lược kế sách để phò vua giúp nước. Một nhà vua thông thái, tuy có tài trị nước nhưng nếu không có sự trợ giúp của quan văn và võ thì khó có thể biết tất cả việc nước, việc dân và không thể xây dựng một đất nước hùng mạnh, an bình. Hoặc trong một nước, các bộ quan lại không thanh liêm, bất tài, chỉ dựa vào dòng tộc, tiền của mà kiếm tước, luôn dối vua hiếp dân khiến cho đất nước trì trệ trên đà suy thói thì đó không gọi là sức mạnh mà nhà vua cần. Nếu nói tượng báu là sở hữu của thánh vương thì tượng báu hay các nhân tài lãnh đạo giữ các chức vụ trong mỗi lĩnh vực phải một lòng trung thành, cống hiến hết khả năng của mình, chịu sự điều khiển của nhà vua, đó mới gọi đúng nghĩa là “sức mạnh của sự thuần phục” giống như: “một con hiền tượng quý phái chịu sự điều ngự lâu ngày, con voi ấy tự đến để chịu sự điều ngự”. Trong triều đại của một quốc gia nào vào thời kỳ hưng thịnh, đặc biệt thời lập quốc đều có quan văn, quan võ tài năng xuất hiện một lòng phò tá minh quân. Chẳng hạn, tại Việt Nam thời kỳ Hậu Lê, vào buổi đầu lập quốc, Lê Lợi nhờ có nhiều nhân tài trợ giúp đã đánh đuổi quân Minh như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Lê Lai, Lê Sát,…

2.3. Mã báu: Trong kinh ghi: “Lại nữa, này Ànanda, ngựa báu xuất hiện…, thuần trắng, đầu đen như quạ, bờm ngựa màu đen, có thần lực, phi hành trên hư không,… Thấy ngựa báu, vua Đại Thiện Kiến sinh tâm hoan hỉ và nghĩ: “tốt đẹp thay được cỡi con ngựa này nếu nó chịu sự điều ngự! ”Và này Ànanda, như một con hiền mã quý phái chịu sự điều ngự lâu ngày, con ngựa ấy tự đến để chịu sự điều ngự…”[10] Ngựa là động vật có sức mạnh, dẻo dai, nhanh nhẹn, trung thành, chạy nhanh được sử dụng nhiều nhất trong các cuộc chiến đặc biệt thời cổ đại, nên nó ví cho hình ảnh của dũng sĩ trên chiến trường. Vì thế, “mã báu” chỉ cho cận vệ, binh lính, quân đội tinh nhuệ một lòng hi sinh bảo vệ nhà vua, hoàng thất, triều đình, đất nước,… Chuyển luân thánh vương sở hữu “mã báu” tức nói nhà vua có một quân đội hùng mạnh, chiến đấu bất bại, vó ngựa đến đâu liền san bằng nơi ấy, làm cho quân thù chưa đánh đã thua, chưa thấy chỉ nghe đã sợ. Lại nữa, chiến sĩ của chuyển luân thánh vương là chiến sĩ hùng dũng, chiến đấu có mục đích và kỷ cương giống như con ngựa chịu sự điều ngự của thánh vương không phải tham cuồng chiến đấu gây tang tóc cho kẻ khác. Theo người viết, một quân đội hùng dũng như vậy xét thấy trong lịch sử chưa từng tồn tại. Trong lịch sử chiến đấu, nếu nói về một quân đội hùng mạnh phải kể về chiến sĩ Mông Cổ dười thời đại của Thành Cát tư Hãn: “…vị Khả Hãn trẻ tuổi thành lập được một đạo quân thường trực tinh nhuệ tinh nhuệ sẵn sàng chiến đấu và trung thành tuyệt đối.”[11] với một đội quân như vậy Thành Cát Tư Hãn đã lần lược chinh phạt các nước như: Tây Hạ, Kim, Tây Liêu… đánh qua Âu châu, thắng cả nước Nga. Mặc dù, Thành Cát Tư Hãn đã xây dựng một quân đội hùng mạnh, tinh nhuệ như vậy, nhưng chiến đấu vẫn có trận thất bại và bị quân địch chống trả.

2.4. Ngọc báu: Trong kinh diễn tả rất rõ về món báu này: “Lại nữa, này Ànanda, châu báu lại xuất hiện… Châu báu ấy là lưu ly châu, sáng suốt, thuần chất, có tám mặt, khó giũa, khó mài, thanh tịnh, trong suốt, hoàn hảo mọi phương diện. Này Ànanda, hào quang châu báu này chiếu sáng cùng khắp một do-tuần…”[12] Vậy “ngọc báu” là chỉ cho tài sản, quốc khố, nguồn nhân lực dồi dào của quốc gia, tài sản này thuộc quyền sở hữu của nhà vua, nó không bị một nạn nào có thể cướp, trôi hay cháy mất. Một đất nước muốn giàu mạnh thì kinh tế phải phát triển, tức nói đất nước phải có nhiều ngành nghề với một nguồn nhân lực đông đúc, lành nghề giúp bổ sung ngân khố chi trả cho nhiều hoạt động quốc gia như quân đội, cứu tế, lương bổng quan lại, kiến thiết,…

2.5. Nữ báu: Trong Nikàya diễn tả vẻ đẹp mỹ miều và sự trung thành, giúp vua thư thản, cam tâm làm đẹp lòng vua, xoa dịu sự mệt mỏi, khó chịu, vất vả nơi triều chính của nữ báu không có đàn ông thế tục nào mà không muốn sở hữu: “Lại nữa, này Ànanda, nữ báu lại xuất hiện cho vua Đại Thiện Kiến, mỹ miều, khả ái, cử chỉ đoan trang, màu da tuyệt mỹ, không quá cao, không quá thấp, không béo, không gầy, không quá đen, không quá trắng, vượt trên dung sắc loài Người, sánh đến dung sắc chư Thiên. Này Ànanda, khi trời lạnh, chân tay nữ báu này trở thành ấp ấm; khi trời nóng, trở thành lạnh mát. Này Ànanda, thân nữ báu tỏa mùi thơm chiên đàn, miệng tỏa mùi thơm hoa sen. Này Ànanda, nữ báu này dậy trước và đi ngủ sau vua Đại Thiện Kiến, mọi hàng động làm vua thỏa thích, yên lành khả ái. Này Ànanda, nữ báu này không có một tư tưởng nào bất tín đối với vua Đại Thiện Kiến, huống nữa là về thân thể.”[13] Qua đoạn trên, ta thấy “nữ báu” là chốn bình yên, thoải mái, hạnh phúc, an lạc nhất của bậc thánh vương khác với niềm vui ham muốn dục lạc của kẻ phàm phu, đó là lạc mà không đắm, dục mà không tục. Có câu danh ngôn: “Đằng sau người đàn ông thành công là bóng hình của một người phụ nữ…” Đúng vậy, một người đàn ông ra ngoài xã hội có tài giỏi bao nhiêu thì nơi hậu cần luôn cần một người phụ nữ trợ giúp, ủng hộ, quan tâm, chia sẻ. Cũng thế, một vị vua khi an trị đất nước thì nơi hậu cung cần có một người phụ nữ tài sắc quản lý, giúp vua an tâm lo cho muôn dân. Vợ của chuyển luân thánh vương không chỉ là tri kỷ, tri âm làm đủ bổn phận của một người vợ mà còn là người hỗ trợ nhiếp chính từ phía sau, có sự tin tưởng tuyệt đối của nhà vua, cùng vua chăm lo việc nước, việc dân. Xét thấy, lịch sử chưa có một phụ nữ nào xuất hiện như được diễn tả trong đoạn kinh trên, nếu có thì chỉ giống như thời Lý, Nguyên phi Ỷ Lan, vợ của Thánh Tông, bà không chỉ quản tốt nơi hậu cung mà còn giúp vua nhiếp chính giải quyết chuyện triều đình khi vua chinh chiến: “…Mùa xuân, tháng 2, vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành…, vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa vui vẻ…, vua nói: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông thì được việc gì!”. Lần đi đánh nữa, lần này đánh được.”[14] vua Thánh Tông không chỉ xem bà là người vợ yêu mà còn là người cộng sự uyên bác, nên việc trị nước hay an ninh quốc gia nhà vua điều hỏi bà, cùng đưa ra kế sách.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hinh anh chuyen luan Thanh vuong trong kinh Nykaya 1

2.6. Gia chủ báu: “Lại nữa, này Ànanda, gia chủ báu lại xuất hiện cho vua Đại Thiện Kiến, chứng được thiên nhãn, do nghiệp do tục sinh, và nhờ thiên nhãn này, có thể thấy châu báu chôn cất có chủ hay không có chủ. Gia chủ báu này đến vua Đại Thiện Kiến và nói: “Tâu Đại vương, Đại vương chứ có lo âu, thần sẽ xử lý thích nghi tài sản Đại vương”[15]. “Gia chủ báu” là người có quản trị giỏi, hiểu được ý muốn của vua, có thể thay vua điều hành, quản lý, quyết định mọi việc về tài sản, vật chất. “Chứng được thiên nhãn” tức người này có tài kế toán giỏi, nắm bắt tất cả những sản vật, ngân khố mà nhà vua có hay dùng vào việc gì không cần sợ mất mát, thiếu hụt, nhầm lẫn,… Nếu nhà vua có một quốc khố đầy đủ, dồi dào nhưng không có người tài biết cách quản lý thì tiêu sài cũng có ngày trống rỗng, như câu tục ngữ: “Nghệ thuật không nằm ở việc kiếm tiền, mà là ở việc giữ tiền.” Một quốc gia nếu không có đầy ngân khố thì không trở thành một đất nước hùng mạnh.

2.7. Tướng quân báu: “Lại nữa, này Ànanda, tướng quân báu xuất hiện cho vua Đại Thiện Kiến, có học thức, thông minh, sáng suốt, có khả năng khuyến cáo vua Đại Thiện Kiến khi đáng tiến thì tiến, khi đáng lui thì lui, khi đáng dừng thì dừng lại”.[16] “Tướng quân báu” là người cận sự trung thành và tài giỏi, quản lý tất cả các binh tướng, có tài chiến lược, dụng binh pháp, như vị tổng tư lệnh quân đội, nguyên soái. Tại triều đình lệnh của vua là tối cao, nhưng nơi chiến đấu lời của đại nguyên soái là hiệu lệnh quyết định, dẫn đến thắng hay bại. Nếu dưới nhà vua có nhiều tướng soái dũng mãnh, mưu lược thì sợ gì chiến tranh, giặc cướp,.. Trong triều đại nhà Trần ba lần chiến thắng quân Mông-Nguyên, để đạt được chiến thắng vẻ vang ấy, ngoài nhà vua anh minh, biết dùng người thì là sự trợ giúp của các tướng lĩnh tài ba, thao lược đặc biệt là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, để xây dựng quân đội tinh nhuệ, “ông chọn binh pháp các nhà, soạn thành một quyển, gọi là Binh thư yếu lược”[17] hoặc trong “Lâm chung di chúc” Ông còn chỉ rõ cách dùng quân như thế nào khi giặc dùng lối đánh gì. Việc xây dựng binh pháp, kỹ thuật quân sự như vậy nhà Trần đã có lực lượng quân đội vững mạnh, đông về số lượng, cao về chất lượng.

Qua phước báu của Chuyển Luân Thánh Vương được diễn tả trong kinh tạng Nikàya ngoài sự thông thái, đạo đức cần có trong tay quyền lực – tướng mạnh – binh hùng – tri kỷ – tài sản – người quản trị – cận sự tài giỏi. Những món báu này chỉ là tượng trưng cho sức mạnh quyền lực của chuyển luân thánh vương, thật sự chưa xuất hiện trong lịch sử, nếu có thì vị vua ấy chỉ sở hữu một phần nhỏ trong một báu thuộc bảy món báu ấy.

3. Ý nghĩa kinh chuyển luân thánh vương trong tạng Nikàya

Trong kinh điển Nikàya, đức Phật có đề cập đến nhiều bậc chuyển luân thánh vương như: vua Đại Thiện Kiến, chuyển luân thánh vương Sankha, Dalhanemi (Kiên-cố-niệm),… hoặc những bậc có thể làm chuyển luân thánh vương như: hoàng tử Vipassì hay thái tử Siddhartha, Metteyya (Di Lặc),… Tại sao đức Phật lại đề cập đến những bậc chuyển luân thánh vương này, nhưng vốn dĩ chúng ta chưa từng thấy hay có sự tồn tại trong chiều dài lịch sử toàn thế giới. Thái tử Siddhartha là nhân vật được các khảo cổ gia, sử gia xác định có thật trong lịch sử nhưng Ngài không trở thành bậc chuyển luân thánh vương mà xuất gia thành bậc A La Hán, Chánh đẳng giác, vén lui màn vô minh che đời. Vậy khẳng định rằng, bậc chuyển luân thánh vương chưa từng được xuất hiện trên đời, nếu có chỉ là vương hay đế trong chư hầu và bảy món báu cũng chưa có sự hiện hữu như trong kinh diễn tả. Cho nên, theo người viết, Bậc chuyển luân thánh vương và các món báu sở hữu chỉ là hình mẫu lý tưởng hóa sức mạnh uy quyền của Đại vương hoặc là ý tưởng cai trị đất nước bằng đạo đức, bằng giáo lý Phật Đà của các nước lấy Phật giáo làm quốc giáo. Thật sự, một quốc gia nào cũng yêu đất nước, bảo vệ chủ quyền dân tộc, muốn độc lập tự chủ nên khó có thể thuần phục một nước khác dễ dàng, nếu có xâm chiếm thì các nước đều phải trả giá bằng chiến tranh, chết chóc. Hoặc ví như nói, chuyển luân thánh vương cai trị một đất nước vô cùng rộng lớn thì xét trong lịch sử không có một vương quốc nào có lãnh thổ rộng đến biển, nếu thế gian “luân báu” xuất hiện thì chỉ cho nhà vua được sở hữu những người tài giỏi chế tạo ra vũ khí sắc bén, hiện đại sử dụng cho việc chiến tranh mở mang bờ cõi một cách thuận lợi như Hồ Nguyên Trừng – một nhà kỹ thuật quân sự tài ba, ông đã sáng chế và chỉ đạo tác chế súng thần cơ (hỏa pháo cải tiến) và thuyền cổ lâu (thuyền chiến lớn có hai tầng).

Trong lịch sử thế giới, xuất hiện nhiều vị vua anh minh, tài giỏi có đức độ, lấy đạo đức hay chính pháp cai trị con dân của mình trong sự thái bình, an cư lạc nghiệp.

Vào khoảng thế kỷ III trước công nguyên, Ấn Độ dưới vương triều Maurya hùng mạnh với sự trị vì của Đại đế Asoka đã xây dựng một đất nước hòa bình, bất bạo động trên một lãnh thổ rộng lớn theo tinh thần Phật giáo: Từ bi – trí tuệ – bình đẳng. Ông là sứ giả mang lại sự an bình cho các nước qua các cuộc giao hảo và tổ chức các đoàn truyền giáo. Ngoài ra, vua Asoka còn từng bước hoàn thiện con người cá nhân và góp phần hình thành đời sống đạo đức xã hội ngày càng an thịnh, phát triển. Trong bia ký tại Girnar có ghi: “…các con cái và cháu chắt của đức Thánh thượng sẽ thúc đẩy sự thực hành đạo đức cho đến muôn đời, sẽ sống trong chính pháp và sẽ truyền dạy chính pháp…”[18] Trong quyển “The outline of history” (Đại Cương lịch sử) của học giả người Anh H.G.Well, ông đưa ra năm nhân vật vĩ đại trong lịch sử đã đóng góp nhiều cho nhân loại, có vua Asoka – một trong hai nhân vật vĩ đại Ấn Độ. Ông ghi rằng: “Trong lịch sử của thế giới có hàng ngàn vị vua và hoàng đế tự xưng là ‘ngôi cao’, ‘hoàng đế’, ‘quốc vương’, v.v… Họ chỉ sáng bừng trong chốc lát rồi tàn lụi nhanh chóng. Nhưng Asoka tỏa sáng và vẫn tỏa sáng như một ngôi sao sáng, cho đến tận ngày hôm nay.” Với những cống hiến vĩ đại của vua Asoka đối với nhân loại thì Ông có thể được xem là vua của các vị vua nhỏ, nắm trọn và chi phối tất cả quyền lực, ảnh hưởng mạnh đến các nước xung quanh. Nhưng mọi người luôn ca ngợi Ông như một vị Thánh quân.

Lại nữa, vào giữa thế kỷ 7 Tây Tạng được xem là một đế chế hùng mạnh, vua Tùng Tán Cang Bố của vương triều Nhã Lung là một vị vua anh minh, có tài về chính trị, kinh tế, chiến lược ngoại giao, có một quân đội tinh nhuệ, hùng dũng thống nhất các bộ tộc của Tây Tạng bấy giờ, đem quân uy hiếp đến lãnh thổ nhà Đường và đánh xuống phía Nam Ấn Độ. Ông chính là người đầu tiên tiếp nhận và truyền bá Phật giáo tại Tây Tạng, xây dựng quốc gia theo triết lý Phật giáo. Mặc dù có tài có đức, có uy quyền sức mạnh nhưng Ông muôn đời được gọi là bậc minh quân.

Cũng vậy, vào đầu thế kỷ 11, Thái tổ Lý Công Uẩn của vương triều nhà Lý tại Việt Nam hoặc Thái tông Lý Thế Dân nhà Đường, Trung Hoa vào đầu thế kỷ 7 đều gọi là bậc minh quân lấy đạo đức và giáo lý nhà Phật làm nền tảng cai trị dân, làm cho dân an lạc, thái bình, đưa đất nước lên vũ đài chính trị hùng cường, giàu mạnh.

Từ những vị vua lỗi lạc được kể trên, ta thấy bậc chuyển luân thánh vương hoàn toàn không xuất hiện, những vị vua lõi lạc ấy chỉ gọi là bậc thánh quân hay minh quân bình định đem lại sự thái bình, thịnh vượng cho đất nước và có một đường lối cai trị lý tưởng, được trợ giúp bởi nhiều nhân tài, sở hữu vô số tài sản quý báu, quân đội tinh nhuệ, trung thành. Đó là những vị vua có thật trong lịch sử khác với hình ảnh của bậc chuyển luân thánh vương trong kinh tạng Nikàya.

Trong “chuyển luân thánh vương sư tử hống”, đức Phật nêu ra hình ảnh của bậc chuyển luân thánh vương có đầy đủ phước, hưởng bảy món báu của thế gian và “vị ấy có hơn một ngàn hoàng tử, dõng kiện, hùng mạnh, nhiếp phục ngoại địch. Vị này trị vì quả đất này cho đến hải biên, dùng Chính pháp trị nước, không dùng trượng, không dùng kiếm” đặc biệt gánh vác sứ mệnh của bậc Đại nhân “chinh phục thiên hạ, thống trị các quốc độ”. Mặc dù, trong kinh nói rất rõ về chuyển luân thánh vương nhưng hình ảnh “thánh vương” chưa từng xuất hiện qua các triều đại lịch sử. Vậy tại sao Đức Thế Tôn lại đưa ra một hình mẫu lý tưởng như thế? Có phải chăng, Ngài muốn đề cập đến một đường lối chính trị đúng đắn, dạy bậc đế vương cách cai trị đất nước, trở thành một vị minh quân hay ẩn ý sâu xa dạy chúng Tỳ kheo thấy rõ và tu tập giáo nghĩa chân thật mà Ngài đã chứng để đạt giác ngộ, giải thoát, an lạc ngay trong hiện tại. Đúng như lời tuyên bố của Ngài: “Chư Tỳ kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”[19].

Trong Trường bộ, nhiều kinh nói về hình ảnh “chuyển luân thánh vương” như: kinh Chuyển luân thánh vương sư tử hống, kinh Đại Thiện Kiến Vương,.v.v… nhưng xét nội dung, những kinh này đều thuộc một phần nhỏ trong kinh “Đại Bát Niết Bàn”. Cho nên, hình ảnh “chuyển luân thánh vương” được thuyết giảng khi đức Phật sắp nhập diệt. Vậy tại sao, lúc gần Niết Bàn, Ngài mới đề cập đến vấn đề này? Trong khi đó, thời tại thế, có không ít những bậc quốc vương tìm đến tham vấn, thỉnh cầu đức Phật chỉ dạy, như vua Ba Tư Nặc (Pasenadi), Tần Bà Sa La (Bimbisara), A Xà Thế (Ajatasattu) là dịp để Ngài giảng dạy đường lối chính trị, vì họ là những tầng lớp lãnh đạo lớn, nhưng Ngài chỉ dạy các vị vua ấy hướng đạo, thực hành các thiện pháp và xem họ như những vị đại thí chủ mà không dạy bất kỳ giáo lý nào để trở thành một vị Chuyển luân Thánh vương, thống trị xã hội. Ngay cả, vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) nước Kosala khi đến yết kiến Thế Tôn đã lấy đầu đảnh lễ và hôn chân Ngài. Khi Phật hỏi nguyên nhân gì khiến nhà vua hạ mình tột bực như vậy? Vua Pasenadi đáp vì bảy nguyên nhân[20] khiến Ngài hạ mình quy kính trước Thế Tôn và ca ngợi: “Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo giảng, chư Tăng đệ tử của Thế Tôn khéo tu tập hành trì”[21]. Hoặc kinh Đại Bát Niết Bàn, kể về dân Bạt Kỳ (Vajji) ở Vesali được đức Phật dạy cho bảy pháp bất thối tại tự miếu Sarandada để đất nước hưng thịnh: “…Ta dạy cho dân Vajji bảy pháp bất thối này…khi nào bảy pháp bất thối được duy trì giữa dân Vajji…dân Vajji sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”[22].

Nếu đọc kỹ, ta thấy sau những bài kinh nói về “chuyển luân thánh vương”, đức Phật đều dạy giáo lý về “Tứ đế” mà Ngài đã từng tuyên bố, trong kinh “Đại Thiện Kiến vương” ghi rằng: “Này Ànanda, tất cả các pháp hữu vi ấy nay đã vào quá khứ, hoại diệt và biết hóa. Này Ànanda, các pháp hữu vi, vô thường là như vậy, không kiên cố là như vậy, không đáng tin tưởng là như vậy, vì rằng, Này Ànanda, các pháp hữu vi cần phải nhàm chán, cần phải thoát ly, cần phải giải thoát.”[23]. Hoặc trong “chuyển luân thánh vương sư tử hống” đức Phật dạy: “…, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo sống tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa mình, không nương tựa một ái khác, lấy Chính Pháp làm ngọn đèn, nương tựa Chính Pháp, không nương tựa một gì khác”[24] Vậy mục đích và ý nghĩa thật mà Phật thuyết giảng kinh Chuyển luân Thánh vương trong tạng Nikàya chính là nói đến giáo lý vô thường, đổi thay của hoàn cảnh, thời cuộc. Nguyên lý đó chính là lời dạy cuối cùng của đức Phật trước khi nhập Niết bàn: “Này các Tỳ kheo, đây là lời Ta nhắn nhủ các Ngươi: các hành là vô thường, hãy tinh tấn lên để tự giải thoát, không lâu Như Lai sẽ diệt độ”[25]. Đức Phật chỉ là bậc đạo sư, giáo lý của Ngài không nói gì đến học thuyết chính trị. Luận điểm này, một lần nữa đã bác bỏ quan điểm hiện nay của các học giả khi cho rằng các bộ kinh nói về “chuyển luân thánh vương” trong tạng Nikàya là học thuyết chính trị và Phật dạy về chính trị.

Qua hình ảnh “chuyển luân thánh vương” trong kinh tạng Nikàya, người viết cho rằng, một bậc minh quân hay thánh quân phải luôn lấy dân làm gốc, lấy sự hưng thịnh, thái bình, an lạc của đất nước làm ước vọng sống của chính mình, phải biết dùng phương pháp đúng đắn cai trị con dân tạo cho họ một môi trường sống với đạo đức, với cái thiện, tức cai trị bằng chính pháp, áp dụng tinh thần Bi – Trí – Dũng của Phật giáo với mục đích giúp con người thoát khỏi mọi khổ đau. Đúng như giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã nhận định: “đời Lý có thể gọi là đời thuần nhất trong lịch sử nước ta. Đó chính là nhờ ảnh hưởng của đạo Phật.”

Tóm lại, người viết nhận thấy, đức Phật muốn dùng hình ảnh của “chuyển luân thánh vương” trong kinh tạng Nikàya để tượng trương các biểu tượng về sức mạnh uy quyền, phước báu của một vị vua được cho là thánh quân hay minh quân. Vị ấy sẽ trị vì một vương quốc rộng lớn, giàu mạnh, có nhiều nước nhỏ quy thuận, giao hảo; được đông nhân tài trung thành trợ giúp về mọi mặt như chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội,…; sở hữu một quân đội tinh nhuệ, hùng dũng; quốc khố dồi dào với một người vợ tài – sắc chia sẻ, hỗ trợ. Đó chính là ý nghĩa thật của hình ảnh bậc “chuyển luân thánh vương” mà đức Thế Tôn muốn giảng dạy, đề cập đến, vượt qua lịch sử của lịch sử mà là lịch sử của tư tưởng, niềm tin,…

Lại nữa, qua giáo lý trong các bài kinh về “chuyển luân thánh vương” trong Nikàya khẳng định rằng, đức Phật không chủ trương về chính trị, không liên quan đến học thuyết chính trị. Mà ngài chỉ thuần dạy cho các đệ tử con đường tu tập để giác ngộ, để giải thoát, hướng đến sự hạnh phúc cho nhân sinh và xã hội. Điều này được minh chứng trong suốt cuộc đời hoằng truyền giáo pháp, Ngài luôn luôn có những lời dạy quý báu cho các quốc vương và triều đình để họ quản trị tốt đất nước với mục đích duy nhất hướng lợi lạc cho số đông, không cho bất kỳ cá nhân hay giai cấp nào.

Thích Chúc Hòa
Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

——————-

CHÚ THÍCH:

[1] HT.Thích Minh Châu (dịch), Trường bộ, kinh Đại Bổn, NXB Tôn Giáo. 2018, tr.236
[2] HT.Thích Minh Châu (dịch), Tăng Chi 1, chương Một Pháp, phẩm Một người, tr. 46
[3] Đại sư Thật Hiền, Văn khuyên phát Bồ Đề tâm, NXB. Phương Đông, 2012, tr. 67
[4] HT.Thích Minh Châu (dịch), Trường bộ, kinh Chuyển luân thánh vương, , NXB.Tôn Giáo, 2018, tr.726
[5] HT.Thích Minh Châu (dịch), Trường bộ, kinh Chuyển luân thánh vương sư tử hống, NXB. Tôn Giáo, 2018, tr.529
[6] HT.Thích Minh Châu (dịch), Trường bộ, kinh Chuyển luân thánh vương sư tử hống, NXB. Tôn Giáo, 2018, tr.528
[7] HT.Thích Minh Châu (dịch), Trường bộ, kinh Đại Thiện Kiến Vương, NXB. Tôn Giáo, 2018, tr. 352
[8] Sđd, tr. 353
[9] HT.Thích Minh Châu (dịch), Trường bộ, kinh Đại Thiện Kiến Vương, NXB. Tôn Giáo, 2018, tr. 354
[10] Sđd
[11] Nguyễn Trọng Khanh, Thành cát Tư Hãn, NXB. tổng hợp TP. HCM, 2018, tr. 65
[12] HT.Thích Minh Châu (dịch), Trường bộ, kinh Đại Thiện Kiến Vương, NXB. Tôn Giáo, 2018, tr. 354
[13] HT.Thích Minh Châu (dịch), Trường bộ, kinh Đại Thiện Kiến Vương, NXB. Tôn Giáo, 2018, tr. 355
[14] Cao Huy Giu (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư, NXB. thời đại, 2013, tr.197
[15] HT.Thích Minh Châu (dịch), Trường bộ, kinh Đại Thiện Kiến Vương, NXB. Tôn Giáo, 2018, tr. 355
[16] Sđd
[17] Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, viện Sử học: tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý-Trần, NXB. khoa học xã hội, Hà Nội, 1989, tr. 83
[18] TT. Thích Chơn Minh, Văn bia và khảo cổ học Phật giáo, The rummindei pillar inscription, tr. 1
[19] HT.Thích Minh Châu (dịch), Trung bộ 1, kinh ví dụ con rắn, NXB, Tôn Giáo, 2018, tr. 185.
[20] HT.Thích Minh Châu (dịch), Trung bộ 2, Kinh Pháp Trang Nghiêm, NXB, Tôn Giáo, 2018, Tr.147-151.
[21] Sđd, Tr.147
[22] HT.Thích Minh Châu (dịch), Trường bộ, kinh Đại Bát Niết Bàn, NXB. Tôn Giáo, 2018, Tr.280.
[23] HT.Thích Minh Châu (dịch), Trường bộ, kinh Đại Thiện Kiến vương, NXB. Tôn Giáo, 2018, Tr. 371
[24] Thích Minh Châu (dịch), Trường bộ, kinh chuyển luân thánh vương sư tử hống, NXB. Tôn Giáo, 2018, Tr. 541
[25] HT.Thích Minh Châu (dịch), Trường bộ, kinh Đại Bát Niết Bàn, NXB. Tôn Giáo, 2018, Tr.314.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường