Trang chủ Chuyên đề Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững môi trường sinh thái tại Việt Nam

Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững môi trường sinh thái tại Việt Nam

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tóm tắt: Bài viết đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu khái quát tư tưởng và triết lý của đức Phật về vấn đề môi trường và phát triển bền vững môi trường. Nghiên cứu vị trí, vai trò và những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường Việt Nam thời gian qua. Từ đó khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong phát triển bền vững môi trường sinh thái tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, sứ mệnh lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong phát triển bền vững môi trường sinh thái tại Việt Nam và trên thế giới.

Từ khóa: Phật giáo Việt Nam, phát triển bền vững, môi trường sinh thái

1. Đặt vấn đề

Trải qua 40 năm hình thành và phát triển (1981-2021) Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, khẳng định vị thế, vị trí, vai trò và đóng góp to lớn vào sự nghiệp “Hộ quốc an dân”, nhập thế tích cực, “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vị trí, vai trò và đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với sự phát triển bền vững của đất nước được thể hiện trên nhiều mặt, nhiều khía cạnh của đời sống xã hội; trong đó có sự tham gia, đóng góp tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hoạt động bảo vệ, phát triển bền vững môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường tại Việt Nam và trên thế giới. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm trong phương hướng, tổ chức, hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Gần đây nhất, vào ngày 22-2-2021, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký ban hành công văn về việc tham gia hưởng ứng thông điệp của Thủ tướng Chính phủ trồng 1 tỷ cây xanh vì một Việt Nam xanh với nội dung: “Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi tăng, ni các Ban, Viện Trung ương; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố; các chùa, cơ sở tự viện; các cơ sở giáo dục Phật giáo tổ chức phong trào “Tết trồng cây”, bảo vệ và trồng cây gây rừng, trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản của nhân dân, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển bền vững đất nước.”(1). Qua đó, thể hiện tầm nhìn, sứ mệnh, vị trí, vai trò và đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công tác bảo vệ, phát triển bền vững môi trường sinh thái tại Việt Nam.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Tư tưởng và triết lý của đức Phật về vấn đề bảo vệ môi trường

Phật giáo tôn giáo của trí tuệ, đạo đức, tình yêu hòa bình, tình yêu thương và chủ nghĩa nhân văn cao cả được khai sáng bởi đức Phật, bậc đại giác ngộ, đại trí tuệ, bậc chánh đẳng, chánh giác, bậc Minh Hạnh Túc (Người có đầy đủ trí huệ và đức hạnh), bậc Chính Biến Tri (Người có năng lực nhận biết và thấu hiểu chính xác tất cả các pháp), bậc Thế Gian Giải (Người thấu triệt tất cả thế giới nhân gian), bậc Vô Thượng sĩ (Người là đấng tối cao, tối thượng), bậc Điều Ngự Trượng Phu (Người có năng lực điều ngự, chế ngự chính mình và nhân loại), bậc Thiên Nhân Sư (Người thầy vĩ đại của cõi người và cõi trời), Phật Thế Tôn (Người là bậc đại giác ngộ được thế gian tôn kính), đức Như Lai (Người đến như ánh sáng mặt trời), hay “Đại Nhật Như Lai” (Người như mặt Trời hồng không bao giờ tắt)… Có thể nói, trí huệ, đức hạnh và ánh sáng đuốc tuệ, lòng từ, bi, hỷ, xả, vô ngã vị tha, thương yêu, cứu vớt con người và chúng sinh trong tư tưởng, triết lý của đức Thế Tôn đã, đang và sẽ tiếp tục soi sáng con đường đi của nhân loại trong đó có vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường sinh thái, một trong những vấn đề vô cùng cấp bách đang đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của con người và chúng sinh hiện nay.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc GHPGVN phat trien ben vung moi truong sinh thai VN 2

Trước hết, khi tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử của đức Phật, ta thấy cuộc đời của Người từ khi sinh ra, đến khi lớn lên, trưởng thành, trên hành trình tìm tòi đạo học, khai sáng chân lý, hành trình ngộ đạo, thành đạo và nhập Đại Niết bàn tịch diệt đều có sự liên hệ, gắn bó mật thiết với cỏ cây, hoa lá, chim muông và thế giới thiên nhiên.

Sự kiện đầu tiên thể hiện quan hệ tự nhiên giữa đức Phật và thế giới tự nhiên là trong giấc mơ của hoàng hậu Mada khi mang thai đức Phật. Lịch sử cho biết, đức Phật nguyên có tên là Siddhartha Gautama (tức Tất Đạt Đa Cồ Đàm), thường được biết đến với danh xưng Thái tử Tất Đạt Đa. Người là con trai của đức vua Tịnh phạn (Suddhodana) vương quốc Thích ca (Shakya) và hoàng hậu Mada (Maya). Khi hoàng hậu Mada mang thai đức Thế Tôn, trong một giấc mơ, hoàng hậu thấy xuất hiện hình ảnh voi trắng, hoa sen, những hình ảnh tôn quý, tinh khiết gắn liền với thế giới tự nhiên “Trước đó mười tháng, trong khi được vua cho phép giữ 8 giới thanh tịnh nhân dịp lễ cầu mưa (Asadh Utsav), tại thành Ca Tì La Vệ (Kapilavastu), hoàng hậu Maya nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà, vòi cuốn một hoa sen lớn màu trắng, từ trên trời bay xuống chui vào hông phải của bà, lúc đó bà cảm thấy thân tâm an lạc, sáng chói như ánh trăng rằm. Thức dậy, bà đem chuyện giấc mộng kỳ lạ kể cho nhà vua nghe. Nhà vua liền cho mời 64 nhà tiên tri Bà la môn đến giải mộng; các vị này đoán là hoàng hậu đã mang thai và hoàng tử sắp được sinh ra sẽ là một bậc chuyển luân thánh vương (vua của các vị vua) hoặc một bậc Thánh giác ngộ”(2).

Sự kiện thứ hai thể hiện quan hệ tự nhiên giữa đức Phật và thế giới tự nhiên là sự kiện đức Phật Đản sinh vào ngày trăng tròn, rằm tháng tư Âm lịch, năm 623 trước Dương lịch, tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) gần chân núi Himalaya thuộc vương quốc Ca Tỳ La Vệ, trong một khu rừng xinh đẹp với rất nhiều cỏ cây, hoa lá, chim chóc, muông thú, cách thành Ca Tỳ La Vệ khoảng 15 cây số “Hôm đó là ngày trăng tròn theo lịch Ấn Độ, gió tháng Tư hiu hiu thổi, khí trời ấm áp. Khi đoàn người đi ngang qua vườn Lâm Tỳ Ni tại vươn quốc Ca Tỳ La Vệ, ngày nay thuộc nước Nepal (thuộc thành kapilavastu) cảnh vật nơi đây rất tuyệt đẹp, mọi người ai cũng thấy dễ chịu. Hoàng hậu cho dừng kiệu để vào vườn nghỉ ngơi một chút. Lúc này là mùa xuân, hạ giao mùa, trong vườn Lâm Tỳ Ni hoa đang nở rộ, muôn chim đua hót. Hoàng hậu ngồi cạnh hồ nước chiêm ngưỡng cảnh vật thiên nhiên, rồi bà đứng dậy dạo quanh vườn hoa, đến cây hoa vô ưu có cành lá sum suê nở rộ. Hoàng hậu đưa tay lên định ngắt lấy một nhành hoa, bỗng ngay lúc ấy Thái tử chào đời. Lúc ấy nhằm ngày mồng 8 tháng 4 (Âm lịch)”(3).

Sự kiện thứ ba chứng minh quan hệ tự nhiên giữa đức Phật và thế giới tự nhiên là hành trình đức Phật tìm kiếm, khai sáng chân lý giải thoát cũng gắn liền với thế giới tự nhiên, Người thường ngủ trong hạng động hoặc dưới các gốc cây trong các cánh rừng, dùng cỏ cây làm nệm; đặc biệt là sự kiện đức Phật ngồi thiền định liên tục dưới cội cây Bồ Đề 49 ngày trên một chiếc nệm bằng cỏ sắc (kusha) mềm mại, tỏa hương thơm ngát với lời nguyện rằng: “Nếu không đạt chân lý dù thịt nát xương tan ta cũng không rời khỏi chỗ này”(4). Sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội cây Bồ Đề, Người đã hòa mình cùng giới tự nhiên, giác ngộ chân lý, trở thành bậc chánh đẳng, chánh giác, trở thành đức Phật toàn giác. Người chứng được Tam minh gồm: “Túc mệnh minh” tức đức Phật có thể thấy rõ tất cả các đời trong quá khứ; tiếp tục, Người chứng được “Thiên nhãn minh” tức Người có thể nhìn thấu được tất cả bản thể vũ trụ, biết rõ ràng và chính xác cấu tạo thế giới vũ trụ vận hành theo nguyên lý: thành, trụ, hoại, diệt. Sau cùng, đức Phật chứng được “Lậu tận minh”, tức Người có tuệ giác sáng suốt, minh triết, Người thấu hiểu về bản chất của Khổ, nguyên nhân, nguồn gốc của đau khổ là do vô minh và tìm ra được cách thức, con đường diệt trừ đau khổ là con đường Bát chánh đạo hay học thuyết Trung đạo, học thuyết Tứ Thánh Đế đầy vi diệu. Như vậy, trên hành trình khai sáng chân lý giải thoát cho chúng sinh của đức Thế Tôn có sự hiện diện và gắn bó gần gũi, trực tiếp của thế giới tự nhiên.

Sự kiện thứ tư, chứng minh quan hệ tự nhiên giữa đức Phật và thế giới tự nhiên là sự kiện đức Thế Tôn chuyển pháp luân, lựa chọn địa điểm thuyết bài pháp đầu tiên về Tứ Thánh Đế, chân lý giải thoát vi diệu mà Người đã khai sáng cho anh em Kiều Trần Như tại một địa điểm hết sức đặc biệt. Đó không phải là tại cung điện xa hoa, nguy nga, tráng lệ, cũng không phải là nơi phố thị đông đúc, ồn ào mà là tại một khu rừng, hay khu vườn bình yên, tĩnh lặng, ngập tràn cảnh sắc của thiên nhiên mang tên Sarnath (hay Mrigadava, Migadàya, Rishipattana, Isipatana,) nghĩa là Vườn Lộc Giả hay vườn Nai. Đây là một trong những thánh tích quan trọng gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của đức Thế Tôn. Tên gọi vườn Nai cho thấy sự hiện diện, gần gũi, thân thuộc của thế giới tự nhiên.

Sau đó, trong suốt hành trình hành đạo, truyền bá giáo pháp cho chúng sinh, đức Phật cũng thường xuyên lựa chọn các cánh rừng, khu vườn hoặc đạo tràng, tịnh thất, nơi có nhiều rừng cây, hoa lá, gần gũi với thiên nhiên, bình yên, tĩnh mịch để Người thuyết Pháp, giảng đạo. Từ việc lựa chọn vườn Nai làm địa điểm thuyết pháp đầu tiên cho thấy trí huệ đuốc tuệ trong tư tưởng và triết lý của đức Phật. Không chỉ thể hiện tư tưởng và triết lý coi trọng vị trí, vai trò của thế giới tự nhiên, mối liên hệ mật thiết, biện chứng, tác động qua lại giữa con người với thiên nhiên mà thông qua đó đức Phật còn truyền đi một thông điệp rằng, con đường đạt đến quả vị giải thoát chính là một hành trình trở về và khai mở bản thể, khai mở tâm tự nhiên, khải mở và giác ngộ hạt giống “Phật tính” hiện diện trong mỗi con người chúng ta. Do đó, yêu thương, tôn trọng, trân quý tự nhiên, trở về với tự nhiên cũng chính là cách chúng ta yêu thương, tôn trọng, trân quý và bảo vệ chính mình.

Sự kiện thứ năm là địa điểm đức Thế Tôn nhập Đại Niết bàn cũng gắn liền với thiên nhiên. Đó cũng không phải là cung điện, lầu son, gác tía, xa hoa, tráng lệ, cũng không phải là trong các tịnh thất, tịnh xá, đạo tràng mà Người chọn rừng cây Sala hoa trắng tinh khôi, thuần khiết (một trong 3 loài cây linh thiêng gắn liền với cuộc đời của đức Phật là: cây hoa Vô ưu, cây Bồ đề và cây hoa Sala) tại xứ Kushinagar. Trong Kinh Đại bát Niết bàn viết: “Lúc đó, đúng giữa đêm, đức Như Lai nằm trên giường thất bảo trong rừng Sa la nhập tứ thiền yên lặng mà Niết bàn. Liền đó, bốn cặp cây Sa la: cặp hướng đông, cặp hướng tây, bốn ngọn cây hợp lại thành một tàng, cặp hướng nam, cặp hướng bắc, bốn ngọn cây hợp lại thành một tàng, che giường thất bảo trùm lên thân Như Lai. Những cây Sa la đó, tất cả lá biến thành sắc trắng như bạch hạc, nhánh lá, hoa trái và thân cây thảy đều rụng rớt nứt nẻ, lần lần khô héo gãy rớt. Đồng thời, vô lượng thế giới ở mười phương đều chấn động, vang ra tiếng rằng: “Khổ thay! Khổ thay! Thế giới trống rỗng”. Lại vang ra tiếng buồn than diễn nói nghĩa vô thường, khổ, không”(5).

Như vậy, cuộc đời của đức Thế Tôn chính là hình ảnh chân thực, tươi đẹp cho mối quan hệ gần gũi, gắn bó, thân thuộc, chan hòa cùng thiên nhiên, gắn liền với các cánh rừng, khu vườn, con suối, dòng sông, núi non trùng điệp, cỏ cây, hoa lá, chim muông. Những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của đức Phật đều gắn liền với thiên nhiên tươi đẹp. Người đản sinh dưới gốc cây hoa Vô ưu tại vườn Lâm Tỳ Ni, Người thành đạo dưới cội cây Bồ đề, Người thuyết giảng bài pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển (hay vườn Nai) và Người nhập Đại Niết bàn tại rừng hoa Sala. Tất cả đều có sự đồng hành, hiện diện của thế giới thiên nhiên. Trong Kinh Tăng Chi II viết: “Ở đây, này Nagita, ta thấy một tỳ kheo ngồi thiền định tại trú xứ ở trong khu rừng. Này Nagita, ta suy nghĩ như sau “Nay vị tôn giả này, sau khi đoạn trừ ngủ nghỉ và mệt nhọc, sẽ tác ý tưởng hoặc đạt được sự nhất tâm. Do vậy Ta hoan hỷ với trú xứ tại rừng của vị Tỳ kheo ấy”(6).

Sinh thời, đức Phật rất yêu quý thiên nhiên, từng nhành hoa, ngọn cỏ, chiếc lá, giọt sương sớm mai đều đong đầy tình yêu của Người. Không những yêu quý thiên nhiên, đức Phật còn hết sức tôn trọng, coi trọng, đề cao vị trí, vai trò của thiên nhiên. Trong thuyết Duyên Khởi, đức Phật dạy rằng: “Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt”(7). Theo đó, tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong thế gian này không tự nhiên hình thành, phát triển và tiêu vong, tất cả đều có mối liên hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Và quan hệ biện chứng giữa con người và thế giới tự nhiên cũng như vậy, bản thân con người cũng là một loài sinh vật trong thế giới tự nhiên, là một tiểu vũ trụ nhỏ của thế giới tự nhiên, hoạt động sống của con người phụ thuộc, chịu sự chi phối và tác động trực tiếp từ tự nhiên, mẹ thiên nhiên cung cấp cho con người không gian để sinh tồn và phát triển, cung cấp không khí, nguồn nước, ánh sáng, năng lượng, dưỡng chất, tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho mọi nhu cầu của con người, làm cho cuộc sống của con người ngày một tốt đẹp hơn, hiện đại, văn minh hơn. Song mẹ thiên nhiên cũng lấy đi tất cả nếu con người khai thác thiên nhiên quá mức, thô bạo và cực đoan. Sự biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, sự nóng lên toàn cầu, nhiệt độ tăng, nước biển dâng, băng tan, các hiện tượng thời tiết cực đoạn, động đất, sóng thần, triều cường, xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất, ô nhiễm môi trường, nghèo đói, dịch bệnh, bất bình đẳng xã hội, chiến tranh, khủng bố…là lời cảnh tỉnh mà mẹ thiên nhiên nhắc nhở chúng ta. Điều đó cho thấy thuyết Duyên Khởi mà đức Thế Tôn thuyết giảng hơn 2500 năm đến nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Trong Kinh A Hàm có viết “Tỳ kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: Ta nương vào khu rừng để ở, chưa có chánh niệm sẽ được chánh niệm; tâm chưa định sẽ được định; nếu chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu hoặc chưa diệt tận sẽ được diệt tận; chưa chứng đắc Niết Bàn an ổn vô thượng sẽ chứng đắc Niết Bàn…Này các Tỳ kheo phải bảo vệ môi trường tự nhiên trong sạch.”(8)

Đức Thế Tôn chủ trương tôn trọng, bảo vệ sự sống của muôn loài trong vũ trụ, tất cả đều bình đẳng như nhau “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ như nhau, không có đẳng cấp trong giọt nước mắt cùng mặn”(9). Đối với đức Phật ngay cả những vật vô tri, vô giác như đất đá, cỏ cây “Loài vô tình có tính giác” cũng cần được tôn trọng, bảo vệ. Trong bài kinh Thừa tự Pháp số 3 chép như sau: “Ta sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay Ta sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy”(10). Mong muốn cao cả và nhân văn của đức Thế Tôn là chúng sinh trong vũ trụ tự nhiên sống bình đẳng, tôn trọng, thương yêu lẫn nhau “Mong tất cả những ai, Hữu tình có mạng sống, Kẻ yếu hay kẻ mạnh, Không bỏ sót một ai, Kẻ dài hay kẻ lớn, Trung, thấp, loài lớn, nhỏ. Loài được thấy, không thấy, Loài sống xa, không xa, Các loài hiện đang sống, Các loài sẽ được sanh, Mong mọi loài chúng sanh, Sống hạnh phúc an lạc”(11).

Để chung sống hòa hợp cùng thiên nhiên, đức Phật khuyên răn mọi người thực hành Bát chánh đạo (hay Bát Chính đạo, Bát Thánh đạo, tức 8 con đường chân chính là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tiến, chánh niệm và chánh định). Thực hành “Ngũ giới” (Năm giới cấm của người phật tử là không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm, không nói sai sự thật; không uống rượu). Thực hành “Thập thiện” (thực hành mười việc thiện gồm: ba điều thiện về thân là không sát sinh, không tà dâm, không trộm cắp; bốn điều thiện về khẩu là không nói dối, không nói điều ác, không nói lời thêu dệt, không nói lời hai chiều; ba điều thiện về ý là không tham lam, không giận dữ, không tà kiến). Thực hành “Lục hòa” (6 điều hòa hợp) là: Thân hòa đồng trụ, Giới hòa đồng tu, Khẩu hòa vô tranh, Ý hòa đồng duyệt, Kiến hoà đồng giải, Lợi hòa đồng quân. Đức Phật kêu gọi con người sống có đạo đức, từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha, thương yêu chúng sinh muôn loài, không tự ý sát sinh vô cớ. Trong kinh Pháp cú, kệ 129-130, đức Phật có dạy “Mọi người sợ hình phạt, Mọi người sợ tử vong. Lấy mình làm ví dụ, Không giết, không bảo giết. Mọi người sợ hình phạt, Mọi người thích sống còn; Lấy mình làm ví dụ, Không giết, không bảo giết”(12).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc GHPGVN phat trien ben vung moi truong sinh thai VN 3

Mặt khác, để duy trì, bảo vệ và phát triển bền vững môi trường tự nhiên, đức Phật kêu gọi chúng đệ tử tích cực trồng cây xanh, trồng rừng, sống hòa hợp, chan hòa cùng thiên nhiên cây cỏ. Nói về ý nghĩa của việc trồng cây, trong kinh Anguttara Sutra dạy rằng: “Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, nó còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho cả bản thân ta”. Mặt khác, đức Phật khuyên chúng đệ tử ra sức trồng và chăm sóc 3 loại cây gồm: cây cho quả, cây cho hoa và cây cho lá thì sẽ được rất nhiều ích lợi, phước báu “Một Tỳ kheo trồng ba loại cây: cây ăn trái, cây cho hoa và cây cho lá để cúng dường Tam bảo thì sẽ ân hưởng sự gia trì và sẽ không phạm tội”(13). Đồng thời, đức Phật kêu gọi chúng đệ tử không được chặt, phá hoại làm tổn thương 5 loại cây linh thiêng và có vai trò quan trọng trong tự nhiên là: cây bồ đề, cây thuốc, những cây lớn mọc bên đường, cây trong rừng xứ lạnh và cây đa. Đặc biệt, với lòng từ bi vô hạn và chủ nghĩa nhân văn cao cả, đức Phật cùng với Tăng Đoàn tổ chức thực hiện lễ an cư kiết hạ trong ba tháng mùa mưa với mục đích giúp Tỳ kheo và các thành viên trong tăng đoàn dành thời gian tĩnh tâm, tập trung tu học giáo lý, thực hành thiền định, đồng thời hạn chế việc đi lại ra bên ngoài, tránh việc vô tình giẫm đạp, sát sinh những sinh vật nhỏ bé như côn trùng, sâu bọ. Đây là một truyền thống hết sức cao đẹp, mang đậm tư tưởng nhân văn cao cả, thể hiên tình yêu thiên nhiên vô bờ bến, tôn trọng, trân quý thiên nhiên, sống chan hòa cùng thiên nhiên, có trách nhiệm và bảo vệ thiên nhiên của đức Phật và Phật giáo.

2.2. Vị trí, vai trò và đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bảo vệ môi trường sinh thái tại Việt Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, một sự kiện quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam là sự ra đời của một tổ chức Phật giáo thống nhất trên toàn quốc. Tháng 11-1981, Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc được tổ chức trọng thể, trang nghiêm, thành kính tại chùa Quán Sứ (Thành phố Hà Nội) với sự tham dự của 168 vị Thiền sư, tăng, ni, cư sĩ đại diện cho 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo trên toàn quốc gồm: Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam, Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Giáo hội Tăng già nguyên thuỷ Việt Nam, Giáo phái Khất sĩ Việt Nam, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam bộ (Phật giáo Khmer), Giáo hội Thiên Thai giáo quán tông đã cùng thống nhất thành lập một tổ chức chung của Phật giáo Việt Nam mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Với phương châm hoạt động là: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là điều hoà, hợp nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước để hộ trì hoằng dương Phật pháp và tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hoà bình, an lạc cho thế giới”(14). Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, mở ra một trang sử mới, đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo tại Việt Nam.

Kế thừa truyền thống tốt đẹp “Hộ quốc an dân”, “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc”, với tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Ngay từ khi ra đời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực tham gia đồng hành cùng đất nước và dân tộc trên nhiều lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Vị trí, vai trò và đóng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công tác bảo vệ phát triển bền vững môi trường sinh thái được thể hiện trên các khía cạnh sau:

Trước hết là về vấn đề nhận thức. Ban Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố, cộng đồng tăng, ni, phật tử luôn nêu cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của môi trường tự nhiên đối với nhân loại và ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái tự nhiên tại Việt Nam và trên thế giới. Trong phương hướng hoạt động Phật sự của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nêu rõ: “Phát huy tinh thần từ bi, kêu gọi tăng, ni, phật tử tích cực trong công tác từ thiện xã hội. Bên cạnh việc cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng do thiên tai, nghèo đói, công tác từ thiện xã hội tập trung xây dựng các công trình phúc lợi, nhà tình nghĩa, bảo hiểm y tế xã hội… và tập trung vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, văn hóa tham gia giao thông, giáo dục, y tế xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục mầm non”(15). Trong tác phẩm “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, Hòa thượng Thích Minh Châu đã có sự luận giải, phân tích làm rõ ý nghĩa, vị trí, vai trò của việc bảo vệ sự sống, bảo vệ môi trường tự nhiên như sau: “Bảo vệ sự sống ở nơi đây còn có nghĩa bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sự dinh dưỡng trong lành của đất nước, cỏ cây hoa lá, bảo vệ sự trong sạch của bầu khí quyển khỏi bị ô nhiễm, để nuôi dưỡng sự sống con người. Chỉ bằng cách bảo vệ hữu hiệu môi trường sống mới có khả năng bảo đảm sự sống của muôn loài và sự sống còn của hành tinh chúng ta”(16).

Về công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường. Trong những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp đã đẩy mạnh và làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, nâng cao nhận thức của tăng, ni, phật tử và quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của môi trường tự nhiên, về mối liên hệ mật thiết, biện chứng giữa giữa con người và thế giới tự nhiên thông qua giáo lý Duyên khởi và thuyết Trung Đạo, kêu gọi tăng, ni, phật tử và nhân dân thực hiện Bát chánh đạo, sống cuộc sống đạo đức, Từ, Bi, Hỉ, Xả, vô ngã, vị tha, yêu thương, tôn trọng, bình đẳng, bảo vệ sự sống, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên chính là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta, cùng nhau xây dựng một thế giới xanh, sạch, đẹp, thân thiện, tràn ngập tình thương yêu. Tinh thần, thông điệp bảo vệ môi trường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin như phát thanh, truyền hình, đặc biệt là trên các nền tảng truyền thông chính thức của Giáo hội như: Kênh truyền hình An Viên, các trang thông tin, truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như Phật sự Online, Giác Ngộ Online, Phatgiao.org.vn, Mạng xã hội Phật giáo Butta, Tạp chí Nghiên cứu Phật học điện tử (tapchinghiencuuphathoc.com). Ban Thông tin Truyền thông – Trung ương Giáo hội Phật giáo việt Nam đã thành lập và ra mắt chuyên mục “Phật giáo và môi trường bền vững” trở thành cầu nối chia sẻ thông tin, cung cấp kiến thức khoa học về vấn đề bảo vệ, phát triển bền vững môi trường theo quan điểm và cách nhìn của Phật giáo. Qua đó, nhận thức của tăng, ni, phật tử và quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái không ngừng được nâng lên.

Trong thực tiễn hoạt động, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo việt Nam các cấp, cộng đồng tăng, ni, phật tử tại nhiều địa phương trên cả nước đã có sự đầu tư, nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả, thiết thực trong công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của tăng, ni, phật tử và nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hâu như: tại thành phố Hà Nội, Chùa Pháp Vân đã thành lập ban điều hành Pháp Vân Xanh hoạt động bảo vệ môi trường và cộng đồng. Chùa thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông, thuyết giảng cho cho nhân dân, đặc biệt là trẻ em, học sinh, sinh viên đạo tràng phật tử sinh hoạt tại chùa, tham gia vệ sinh những nơi công cộng như công viên, bệnh viện, bến xe, trường học về chủ đề về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Giáo hội Phật giáo việt Nam thành phố Hà Nội đã phối hợp với Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, các trường đại học, học viện tổ chức thành công nhiều buổi thuyết giảng, nói chuyện, tổ chức hội thảo; tham gia hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động về chủ đề “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tăng, ni, phật tử và quần chúng nhân dân về ý nghĩa quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tính đến thời điểm hiện tại, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã phát động xây dựng 368 mô hình chùa bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu(17).

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo việt Nam thành phố Hồ Chí Minh và Quỹ Đạo Phật Ngày Nay chùa Giác Ngộ đã tổ chức thành công triển lãm văn hóa về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu do Đảng bộ, Chính quyền, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phát động như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới – đô thị văn minh”. Trọng tâm là Cuộc vận động “Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”; Cuộc vận động “Vì người nghèo” , “Vì Biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc”. Chùa Pháp Bảo, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh là một trong số mô hình điểm của Phật giáo tại khu vực phía Nam trong hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng Hải Đức của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thực hiện nhiều mô hình truyền thông về bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, tiêu biểu như: Môi hình dạy bơi cho trẻ em, mô hình các đội ứng cứu khẩn cấp, mô hình truyền thông nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ môi trường; ứng phó với rủi ro gặp phải do thiên tai. Đặc biệt, Chùa Hải Đức, thành phố Huế đã phối hợp cùng tổ chức Bắc Âu (NCA) tổ chức thực hiện dự án xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm giảm thiểu tác động và rủi ro từ ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Tính đến năm 2020, cả nước đã có hơn 1.000 mô hình điểm của các tôn giáo (trong đó có Phật giáo) về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai được triển khai(18).

Về công tác phối hợp giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tháng 12 năm 2015, tại Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia Bảo vệ môi trường và ứng phó với Biến đổi khí hậu” tổ chức tại thành phố Huế. Tại Hội nghị, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký kết Chương trình hợp tác về việc phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia Bảo vệ môi trường và ứng phó với Biến đổi khí hậu (giai đoạn 2015-2020) với lãnh đạo 39 tổ chức tôn giáo khác cùng lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thực hiện chủ trương trên, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo việt Nam các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tích cực tham gia hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương. Đến nay, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã ký kết Biên bản phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, Giáo hội đã xây dựng thành công, duy trì và phát triển 04 mô hình điểm về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên cả ba miền đất nước. Đó là mô hình chùa Pháp Vân (thành phố Hà Nội); mô hình chùa Hải Đức (thành phố Huế); mô hình chùa Pháp Bảo (thành phố Hồ Chí Minh) và Tông phong Tịnh Độ Non Bồng (tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu). Trong giai đoạn 2015 – 2020, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức thành công hơn 517 ngàn hội nghị tuyên truyền, hội thi, tọa đàm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; mở 2.360 lớp tập huấn cho 354 ngàn lượt người. Các địa phương đồng loạt ra quân mít tinh hưởng ứng Ngày môi trường thế giới tại 5.393 khu dân cư với hơn 647 ngàn lượt người tham gia; khơi thông gần 103 ngàn km dòng chảy, trồng hơn 2,8 triệu cây xanh và thu gom hơn 1.860 ngàn m3 rác thải, huy động hơn 8,2 triệu ngày công và nhân dân tham gia đóng góp vật tư quy ra tiền hơn 168 tỷ đồng(19).

Về phong trào trồng cây, gây rừng. Trong những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp đã làm tốt công tác trồng cây, gây rừng, kêu gọi tăng, ni, phật tử và quần chúng nhân dân trong và ngoài nước tích cực tham gia hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trồng, đồi trọc, ngăn chặn nạn phá rừng, chặt rừng, đốt rừng làm nương rẫy góp phần giữ gìn màu xanh, bảo vệ lá phổi xanh cho trái đất, bảo vệ môi trường thiên nhiên ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ tự nhiên như nhiệt độ trái đất nóng lên, nước biển dâng, băng tan, hạn hán, lũ lụt, động đất, sóng thần, sạt lở đất, xâm nhập mặn…Nhiều sự kiện, chương trình, hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường có sự tham gia và đóng góp tích cực của Giáo hội Việt Nam được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Tiêu biểu như sự kiện ngày 25-4-2016, Giáo hội Phật giáo việt Nam đã phối hợp cùng Trung tâm phát triển Thế giới thêm xanh, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương tổ chức thành công chương trình “Trồng cây hoa ngọc lan tại các chùa, di tích ở 9 tỉnh đồng bằng Sông Hồng và vùng phụ cận”. Chương trình đã nhận được sự quan tâm và tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo tăng, ni, phật tử và quần chúng nhân dân. Kết quả đã thực hiện trồng được 1000 cây hoa ngọc lan tại các di tích lịch sử, đền, chùa tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho các khu di tích. Năm 2019, Giáo hội Phật giáo việt Nam và Trung tâm Phát triển Thế giới thêm xanh tiếp tục phối hợp tổ chức thành công chương trình “Chung tay trồng rừng Việt Nam” và trao tặng gần 2 triệu cây giống lâm nghiệp cho hộ nghèo nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi cháy rừng tại các tỉnh miền Trung. Cũng trong chuỗi sự kiện này, tối ngày 15-9-2019, tại Hà Nội, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Trung tâm phát triển Thế giới thêm xanh tổ chức đêm hòa nhạc và bán đấu giá hơn 100 tác phẩm hội họa đặc sắc của các họa sĩ Việt Nam để gây quỹ chung tay trồng rừng. Trong những năm qua, hệ thống tự viện của Tông phong Tịnh Độ Non Bồng ở nhiều địa phương trên cả nước; đặc biệt là tại các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ đã tích cực tham gia các dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc hoang vu với diện tích phủ khoảng hơn 1.000 ha tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai…(20).

Cùng với hoạt động trồng cây gây rừng, hoạt động thả phóng sinh các loài vật như chim, cá thể hiện chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng, bình đẳng bảo vệ thế giới tự nhiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngày 04-01-2017, Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam và Tổng cục Thủy sản đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong hoạt động thả giống phóng sinh, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Đây là một trong những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa to lớn góp phần phục hồi, tái tạo các loại thuỷ sản đang bị suy giảm, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học. Thông qua đó, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tăng, ni, phật tử và quần chúng nhân dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói riêng, bảo vệ môi trường tự nhiên nói chung.

Thực hiện chủ trương trên, hàng năm vào các ngày lễ lớn và quan trọng như: lễ Ông Công, Ông Táo, lễ Vu Lan, lễ Phật Đản, đầu xuân năm mới và các ngày lễ quan trọng khác, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thực hiện thả phóng sinh các loại thủy sản vào trong môi trường tự nhiên thu hút sự quan tâm và tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo tăng, ni, phật tử và nhân dân địa phương. Năm 2018, nhân kỷ niệm Lễ Phật Đản, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp cùng Tổng cục Thuỷ sản tổ chức lễ thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tại chùa Bồ Đề (Hà Nội). Tại buổi lễ “17.000 con cá được thả phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, bao gồm các loại cá kinh tế như cá chép, cá trắm, cá trôi…(21). Năm 2019, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, Ủy ban nhân dân thành phố Lạng Sơn tổ chức lễ thả cá giống xuống lưu vực sông Kỳ Cùng với hơn 68 nghìn con cá giống (trắm, chép, mè, trôi)(22). Trong giai đoạn 2017-2020, Ban Trị Sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã phối hợp tích cực với chính quyền địa phương tổ chức thực hiện hoạt động thả phóng sinh các giống cá, tái tạo nguồn lợi thủy sản và đã thu được những kết quả hết sức tích cực.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc GHPGVN phat trien ben vung moi truong sinh thai VN 1

Bảng thống kê số lượng cá phóng sinh được thả giai đoạn 2017-2020(23)

Ngay trong năm 2021, hoạt động thả phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản tiêp tục được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp tiếp tục duy trì, phát triển và thu được nhiều kết quả tích cực tại khắp các địa phương trên cả nước. Tiêu biểu như vào sáng ngày 4-2-2021, tại thành phố Lào Cai, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lào Cai phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai tổ chức ngày hội thả cá phóng sinh với số lượng “20 vạn con cá giống cáᴄ loại như: Trôi, mè, chép, chạch, chày và hàng trăm con chim được thả phóng sinh vào môi trường tự nhiên(24). Ngày 03-4-2021, tại huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ thả phóng sinh “10.000 con cá mú đen và 20 con cá chẽm xuống vùng biển tại khu vực vịnh Gành Rái, huyện Cần Giờ, Tp.Hồ Chí Minh(25). Ngày 17-6-2021, tại Ủy ban nhân dân xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cùng với chính quyền, tăng, ni, phật tử và nhân dân địa phương đã tham gia thả hơn “11.000 con cá giống, bao gồm cá trôi và cá chép, trọng lượng từ 200-250g xuống dòng sông Hoàng Long(26).

Một hoạt động bảo vệ môi trường khác cũng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam hết sức quan tâm và có những đóng góp thiết thực trong thời gian qua là hoạt động kêu gọi tăng, ni, phật tử và nhân dân hạn chế tiến tới bỏ tục lệ đốt vàng mã trong các ngày lễ vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường và việc xả rác bừa bãi, đặc biệt là rác thải nhựa không đúng nơi quy định tại các di tích lịch sử văn hóa, đình, chùa, di tích tâm linh, nơi thờ tự, nơi công cộng và tại gia đình, khu dân cư. Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi tăng, ni, phật tử và nhân dân thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông, các vật liệu bằng nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy, tái chế như: ống hút nhựa, chai nhựa, hộp cơm, bát, đĩa, cốc, thìa bằng nhựa sang sử dụng các đồ dùng dễ tái chế, dễ phân hủy và thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải, cốc thủy tinh, cốc sứ, hoặc bình thủy tinh. Đặc biệt, trong các sự kiện và lễ hội quan trọng của Phật giáo như Lễ Phật Đản, các lễ hội hoa đăng, Giáo hội kêu gọi gọi tăng, ni, phật tử và nhân dân không sử dụng các vật liệu, chất liệu bằng nhựa nhằm giáo dục truyền thống yêu quý, tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Một hoạt động khác gắn với công tác bảo vệ môi trường cũng dành được sự quan tâm đặc biệt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời gian qua là công tác từ thiện xã hội, giúp đỡ, cứu trợ đồng bào chịu ảnh hưởng và tác động trực tiếp của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cũng đạt được những kết quả quan trọng. Trong những hoàn cảnh đất nước và nhân dân gặp khó khăn bởi thiên tai, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp đã tích cực kêu gọi, vận động sự chung tay, đóng góp công sức vật chất và tinh thần của tăng, ni, phật tử và nhân dân khuyên góp, ủng hộ, giúp đỡ cho đồng bào tại nơi bị ảnh hưởng và chịu tác động bởi thiên tai, góp phần xoa dịu nỗi đau, mất mát thiệt hại về người và của, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Trong giai đoạn 2002 – 2007, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức cứu trợ đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh và các hoạt động nhân đạo từ thiện khác với tổng số kinh phí trên 400 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2012-2017, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vận động tăng, ni, phật tử và nhân dân quyên góp, ủng hộ được số tiền “Trên 6800 tỷ đồng dành cho công tác xã hội, từ thiện, bảo vệ môi sinh, môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn khu dân cư, tham gia tích cực vào phong trào quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc(27). Trong năm 2020 Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kêu gọi khuyên góp, ủng hộ hơn 100 tỉ đồng cứu trợ, giúp đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt(28). Theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổng kinh phí huy động cho công tác từ thiện, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, ủng hộ, giúp đỡ đồng bào chịu ảnh hửng bởi thiên tai, lũ lụt, động đất, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu trong 35 năm (1985-2020) ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng(29).

2.3. Một số giải pháp phát huy hơn nữa vị trí, vai trò và đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bảo vệ môi trường sinh thái tại Việt Nam và trên thế giới.

Một là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tiếp tục làm tốt và đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu tư tưởng, triết lý của đức Phật, của hệ thống Phật giáo trên thế giới nói chung, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường. Đặc biệt là truyền thống, tư tưởng của Phật giáo Việt Nam về vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường tự nhiên. Nghiên cứu lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam nói chung, trong đó có nghiên cứu tư tưởng Phật giáo Việt Nam về vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường tự nhiên vẫn còn là một khoảng trống trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam. Đây là một hướng nghiên cứu hết sức mới mẻ, lý thú, hấp dẫn, đảm bảo tính khoa học và ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc cần được quan tâm, đầu tư nghiên cứu.

Hai là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có sự nghiên cứu, tổng kết thực tiễn hoạt động bảo vệ môi trường trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được và chưa đạt được; luận giải nguyên nhân của những kết quả đạt được và chưa đạt được. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm vận dụng vào thực tiễn trong công tác bảo vệ môi trường trong hiện tại và tương lai.

Ba là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần đẩy mạnh và phát huy hơn nữa công tác tuyên truyền thông về môi trường, giáo dục, giới thiệu, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho tăng, ni, phật tử và quần chúng nhân dân nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của môi trường tự nhiên, mối liên hệ mật thiết, biện chứng, tác động qua lại giữa con người và môi trương tự nhiên, và trách nhiệm của mỗi người trong bảo vệ môi trường sinh thái hiện nay. Thông qua tư tưởng, triết lý và giáo lý của Đức Thế Tôn về thuyết “Duyên khởi”, thuyết “Trung đạo”, con đường Bát chánh đạo, đạo đức Từ, Bi, Hỷ, Xả, vô ngã vị tha, tôn trọng, bình đẳng, thương yêu chúng sinh muôn loài, đề cao hòa bình, thực hành “Ngũ giới” (trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc cấm sát sinh), “Thập thiện”, “Lục hòa” giúp tăng, ni, phật tử và quần chúng nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên; đồng bào tại khu vực đô thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo hiểu biết sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của môi trường tự nhiên với cuộc sống của con người và mối liên hệ mật thiết giữa con người và thế giới tự nhiên.

Từ đó, hình thành nền tảng tư tưởng xã hội đạo đức đúng đắn, chuẩn mực, biết tôn trọng, thương yêu và trân quý những gì mình đang có, sống có trách nhiệm, lý tưởng với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội trong nhận thức và giải quyết các vấn đề của cuộc sống, trong đó có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái tự nhiên trên cơ sở khoa học và đạo đức “Thiên nhiên hay môi sinh thực sự là cơ thể của con người, hay một phần rất lớn của cơ thể con người, con người không thể hiện hữu và tồn tại được nếu không có môi sinh. Nếu môi sinh hay thiên nhiên bị ô nhiễm trầm trọng, thì cơ thể vật lý của con người, hay đời sống của con người, sẽ tức khắc đi đến hủy diệt. Vậy nên, nếu con người hiểu rõ sự thật Duyên khởi, hay nếu các phương tiện truyền thông của con người giới thiệu Duyên khởi, thì con người sẽ tự nguyện cật lực bảo vệ môi sinh khỏi ô nhiễm, bởi vì đó là ý nghĩa bảo vệ hạnh phúc và sự tồn tại của chính mình”(30).

Bốn là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần đẩy mạnh và phát huy hơn nữa công tác phối hợp giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp và hệ thống các cơ quan, tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội từ trung ương đến địa phương trong tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của tăng, ni, phật tử và nhân dân tích cực tham gia bảo vệ, giữ gìn và phát triển môi trường sinh thái tự nhiên xanh, sạch, đẹp, ứng phó với ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại Việt Nam và trên thế giới.

Năm là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, kêu gọi, vận động tăng, ni, phật tử và nhân dân bài trừ các hủ tục lạc hậu, các hình thức mê tín, dị đoan, đặc biệt là việc đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự, tâm linh. Việc đốt vàng mã vừa gây tốn kém, lãng phí, thiệt hại về kinh tế, vừa gây ô nhiễm môi trường và cũng không đúng với tinh thần và giáo lý của nhà Phật. Cùng với việc đốt vàng mã là việc xả, thải rác bừa bãi, đặc biệt là rác thải nhựa trong các cơ sở thờ tự, cơ sở tâm linh, cơ sở tôn giáo và trong khu dân cư làm mất mỹ quan và gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Do đó, công tác truyền thông, tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức, nâng cao cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của nhân dân, của cộng đồng trong việc hạn chế, tiến tới xóa bỏ truyền thống đốt vàng mã và xả, thải rác, đặc biệt là rác thải nhựa, túi ni long, hạn chế việc xả thải khói bụi trong sinh hoạt, sản xuất, giao thông…có đóng góp một phần rất lớn công sức, trí tuệ, vị trí, vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc GHPGVN phat trien ben vung moi truong sinh thai VN 4

Sáu là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đạo pháp đồng hành cùng dân tộc, tinh thần tích cực, chủ động trong công tác hoằng dương Phật Pháp nói chung và hoạt động bảo vệ, phát triển bền vững môi trường sinh thái tự nhiên nói riêng. Giáo hội cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vị thế, vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong sứ mệnh hoằng dương Phật Pháp, phổ độ chúng sinh, lan tỏa ánh sáng đuốc tuệ, từ bi, bình đẳng, vị tha, chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc và nhân văn cao cả của đức Thế Tôn đến với quần chúng nhân dân. Giáo hội cần phát động nhiều phong trào, chương trình, hành động, nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả hơn nữa trong hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam và trên thế giới. Từ đó, tạo giá trị, sức mạnh và hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, trong cộng đồng. Phật giáo tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 11 triệu tín đồ, trên 17.000 cơ sở thờ tự, gần 47.000 chức sắc, 04 Học viện Phật giáo, 09 lớp Cao đẳng Phật học, 31 trường Trung cấp Phật học([31]). Đây thực sự là một nguồn lực vô cùng to lớn và mạnh mẽ trong việc khợi dậy, phát huy và lan tỏa sức mạnh đoàn kết, chung tay bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên tại Việt Nam và trên thế giới theo hướng xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững.

Bảy là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tiếp tục khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống đoàn kết, sáng tạo, tương thân, tương ái, thương yêu con người, tinh thần thiện nguyện lá lành đùm lá rách của tăng, ni, phật tử và quần chúng nhân dân trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Trở thành cầu nối quan trọng kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động từ thiện xã hội, cứu trợ, giúp đỡ đồng bào trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, trong đó có đồng bào chịu ảnh hưởng và tác động trực tiếp từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và phải gánh chịu các thảm họa thiên tai từ tự nhiên như lũ lụt, động đất, sóng thần, nước biển dâng, xâm nhập mặn…

Kết luận:

Trải qua 40 năm hình thành và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng lớn mạnh và phát triển vững mạnh, khẳng định được vị thế, vị trí, vai trò và những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp hoằng dương Phật Pháp, phổ độ chúng sinh, nhập thế tích cực, đạo pháp đồng hành cùng đất nước và dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn khẳng định được vị thế, vị trí, vai trò và đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có việc duy trì, giữ gìn, bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái tại Việt Nam thông qua các phong trào, chương trình, cuộc vận động thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu như: kêu gọi tăng, ni, phật tử và nhân dân tham gia trồng cây, gây rừng phủ xanh đất trống đồi trọc; thả phóng sinh các loại động vật trở về môi trường tự nhiên; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; hạn chế, tiến tới xóa bỏ truyền thống đốt vàng mã; vứt và xử lý rác đúng nơi quy định; hạn chế sử dụng rác thải nhựa, túi ni lông…Tất cả cùng sẻ chia và chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất là bảo vệ sự sống của chính chúng ta. Những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường là động lực, tiền đề quan trọng để Giáo hội Việt Nam tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, nhập thế tích cực, đồng hành cùng dân tộc xây dựng đất nước Việt Nam ngày một phát triển bền vững, giàu đẹp, văn minh, hòa bình và an lạc như Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Phật giáo lần thứ VIII là: “Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Hoằng dương Phật pháp, phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước và ở nước ngoài, tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới”(32).

Th.s Đinh Văn Luân – Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy
Th.s Đào Văn Trưởng – Trường Đại học Tây Bắc

————————-

CHÚ THÍCH

(1) https://giacngo.vn/trung-uong-giao-hoi-keu-goi-tham-gia-hien-mau-nhan-dao-va-trong-cay-gay-rung-post55127.html
(2) https://phatgiao.org.vn/luoc-su-duc-phat-thich-ca-mau-ni-d30783.html
(3) https://phatgiao.org.vn/luoc-su-duc-phat-thich-ca-mau-ni-d30783.html
(4) https://thuvienhoasen.org/a17334/luoc-su-duc-phat-thich-ca-mau-ni
(5) https://phatgiao.org.vn/y-nghia-hoa-sala-trong-phat-giao-d42596.html
(6) http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/su-kien-van-de/30021-bao-ve-moi-truong-la-bao-ve-cuoc-song-con-nguoi.html
(7) https://thuvienhoasen.org/a32142/phat-giao-voi-van-de-bao-ve-moi-truong
(8) Thích Đồng Bổn chủ biên, Phật học Từ Quang, NXB. Phương Đông, tr. 152.
(9) http://btgcp.gov.vn/gioi-thieu-cac-to-chuc-ton-giao-da-duoc-cong-nhan/Doi_net_ve_dao_Phat_va_Giao_hoi_Phat_giao_Viet_Nam-postZrm0Gxqx.html
(10) Kinh Trung bộ, tập1(2012), kinh Thừa tự pháp, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr.32
(11) Kinh Tiểu bộ, tập 1(1999), Pháp cú, Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.HCM.
(12) Kinh Tiểu bộ, tập 1(1999), Pháp cú, Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.HCM.
(13) http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/su-kien-van-de/30021-bao-ve-moi-truong-la-bao-ve-cuoc-song-con-nguoi.html
(14) http://btgcp.gov.vn/gioi-thieu-cac-to-chuc-ton-giao-da-duoc-cong-nhan/Doi_net_ve_dao_Phat_va_Giao_hoi_Phat_giao_Viet_Nam-postZrm0Gxqx.html
(15) https://www.nhacphatgiao.com/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-tham-gia-bao-ve-moi-truong-va-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau/
(16) Thích Minh Châu (1998), Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.HCM, tr.129 -130.
(17) https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/999757/phat-giao-cung-nhan-dan-doan-ket-chung-suc-xay-dung-phat-trien-thu-do
(18) https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/phat-huy-vai-tro-cac-ton-giao-trong-bao-ve-moi-truong-ung-pho-bien-doi-khi-hau-373731
(19) http://mattran.baria-vungtau.gov.vn/tin-tuc-su kien
(20) https://www.nhacphatgiao.com/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-tham-gia-bao-ve-moi-truong-va-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau/
(21) https://vov.vn/kinh-te/tha-ca-phong-sinh-tai-tao-nguon-loi-thuy-san-767344.vov
(22) https://sonn.langson.gov.vn/tha-hon-68-nghin-con-ca-giong-xuong-song-ky-cung
(23) Báo cáo Kết quả thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị (tr.2)
(24) http://baolaocai.vn/bai-viet/11771-thanh-pho-lao-cai-to-chuc-ngay-hoi-tha-ca-phong-sinh
(25) https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/
(26)http://btgcp.gov.vn/tintrongnuoc/Ninh_Bi_nh__Tha_hon_1_van_con_ca__tai_tao_nguon_loi_thuy_san_tren_song_Hoang_Long-postLpP6rMmX.html
(27) http://www.thiduakhenthuongvn.org.vn/phong-trao-thi-dua/xay-dung-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-phat-trien-vung-manh-trong-long-dan-toc
(28) https://tuoitre.vn/tang-ni-phat-tu-quyen-gop-hon-100-ti-dong-gui-giup-dong-bao-mien-trung-20201123202013381.htm
(29) Vũ Trường Giang, Nguồn lực tôn giáo – Kinh nghiệm trên thế giới và ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2020, tr.453-454.
(30) Thích Chơn Thiện (2009), Lý thuyết Nhân tính qua Kinh tạng Pàli, Nxb TP.HCM, tr.105-106.
(31) https://asean2020.vn/web/asean/tin-nguong-ton-giao
(32) https://vbgh.vn/index.php?language=vi&nv=laws&op=detail/HIEN-CHUONG-GHPGVN-6

Danh mục tài liệu thao khảo

1. Thích Minh Châu (1998), Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.HCM.
2. Báo cáo Kết quả thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị
3. Vũ Trường Giang (2020), Nguồn lực tôn giáo – Kinh nghiệm trên thế giới và ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội,
4. Thích Đồng Bổn chủ biên, Phật học Từ Quang, NXB. Phương Đông
5. Thích Chơn Thiện (2009), Lý thuyết Nhân tính qua Kinh tạng Pàli, Nxb TP.HCM
6. Kinh Trung bộ, tập1 (2012), kinh Thừa tự pháp, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.
7. Kinh Tiểu bộ, tập 1(1999), Pháp cú, Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.HCM
8.https://giacngo.vn/trung-uong-giao-hoi-keu-goi-tham-gia-hien-mau-nhan-dao-va-trong-cay-gay-rung-post55127.html
9. https://phatgiao.org.vn/luoc-su-duc-phat-thich-ca-mau-ni-d30783.html
10. https://phatgiao.org.vn/luoc-su-duc-phat-thich-ca-mau-ni-d30783.html
11. https://thuvienhoasen.org/a17334/luoc-su-duc-phat-thich-ca-mau-ni
12.http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/su-kien-van-de/30021-bao-ve-moi-truong-la-bao-ve-cuoc-song-con-nguoi.html
13.https://thuvienhoasen.org/a32142/phat-giao-voi-van-de-bao-ve-moi-truong
14. https://asean2020.vn/web/asean/tin-nguong-ton-giao
15. http://www.thiduakhenthuongvn.org.vn/phong-trao-thi-dua/xay-dung-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-phat-trien-vung-manh-trong-long-dan-toc

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường