Trang chủ Hệ pháiCác Hệ phái khác Đóng góp của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong tiến trình xây dụng và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Đóng góp của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong tiến trình xây dụng và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã đóng góp tích cực trong công cuộc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981, cũng như xuyên suốt trong quá trình lịch sử 40 năm hình thành, ổn định và phát triển GHPGVN, điều này đã được minh chứng qua dòng chảy lịch sử hình thành của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã đóng góp tích cực trong công cuộc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981, cũng như xuyên suốt trong quá trình lịch sử 40 năm hình thành, ổn định và phát triển GHPGVN, điều này đã được minh chứng qua dòng chảy lịch sử hình thành của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử

Hội nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tổ chức ngày 07 tháng 11 năm 1981 trở thành mốc son quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đánh dấu bước ngoặc thống nhất của các tổ chức Giáo hội , tổ chức Hội, Hệ phái, mở ra kỷ nguyên phát triển bền vững cho Phật giáo nước nhà thời hiện đại, với phương châm: “Đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm giáo hội”“Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật”.

Chặng đường 40 năm qua đã khẳng định thành tựu quan trọng của công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam, đó là tạo nên một khối thống nhất Phật giáo giữa các vùng miền, tích cực phát triển đạo Phật Việt Nam và không ngừng đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ dân tộc. Đó là sức mạnh từ đoàn kết, hòa hợp của 9 tổ chức: Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam; Ban liên lạc Phật giáo Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh; Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán Tông; Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam; Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước Tây Nam Bộ; Hội Phật học Nam Việt.

Sự thống nhất này là tiền đề cho mọi thành tựu to lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là yêu cầu tất yếu để Phật giáo thích nghi được với thời kì hội nhập của Đất nước và Thế giới.

Từ khoá: Phật giáo Cổ Truyền, Cổ Truyền, Giáo hội Phật giáo.

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VN

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (GHPGCTVN) là một trong chín tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội, Hệ phái thành lập nên GHPGVN, một tổ chức Giáo hội luôn gắn bó, đồng hành sắc son cùng vận mệnh chung của dân tộc và Phật giáo Việt Nam.

Về quá trình hình thành GHPGCTVN, trên phương diện lịch sử và truyền thừa trong hệ phái đã ghi nhận “Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ra đời vào đầu năm 1969 (Kỷ Dậu) là tổ chức có tiền thân từ tổ chức Lục Hòa Liên Xã (ra đời vào năm 1922), Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ (ra đời năm 1947) và là sự nối tiếp của Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng (ra đời vào năm 1952) thông qua sự hợp nhất hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử, với một Hiến Chương gồm 12 chương và 20 điều do Hòa thượng Thích Huệ Thành làm Tăng thống và Hòa thượng Thích Minh Đức làm Viện trưởng Viện Hoằng đạo, được chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ là Thủ tướng Trần Văn Hương phê chuẩn”.

Về bối cảnh ra đời của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, xin được tóm lược: “Kể từ cuối năm 1960, khi Hòa thượng Thích Thiện Hào với tư cách là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng – Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật tử, ngài đã nhân danh đồng bào miền Nam Việt Nam và Phật giáo Việt Nam tuyên bố trên Đài tiếng nói Bắc Kinh, lên án chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đã đàn áp dã man các phong trào yêu nước của đồng bào và Phật giáo miền Nam, lên án các chính sách kỳ thị, thù địch Phật giáo của chính quyền Mỹ Diệm. Từ đó, Giáo hội Lục Hòa Tăng trở thành đối nghịch với chế độ Ngô Đình Diệm nói riêng và nằm trong tầm ngắm của chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ nói chung, cho đến năm 1963, sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, đối với chính quyền Sài Gòn, tình hình thời cuộc tại miền Nam càng trở nên bi đát. Nhất là sau thất bại vào mùa xuân Mậu Thân (1968), chính quyền Sài Gòn phản kháng kịch liệt các phong trào chính trị đô thị tại Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và vùng phụ cận, cùng với việc mua chuộc, phân hóa, ám hại các lãnh tụ phong trào chống đối chính quyền, chúng tăng cường đánh phá các trung tâm Phật giáo thân kháng chiến, trong đó có Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng. Trong bối cảnh Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng bị chính quyền Sài Gòn nhận ra đây là một tổ chức Phật giáo yêu nước tham gia kháng chiến, lại đang hoạt động công khai, nên vào đầu năm 1969 (Kỷ Dậu) dưới sự chủ trì của quý Hòa thượng Minh Đức, Hòa thượng Huệ Thành, Hòa thượng Thành Đạo, Hòa thượng Bửu Ý, Chư Tôn đức hệ phái đã quy tụ về chùa Trường Thạnh, số 97 đường bác sĩ Yersin, Sài Gòn để tiến hành Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, điều này minh chứng rằng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam hình thành với sứ mệnh đấu tranh giải phóng dân tộc và sự tồn vong của đạo pháp”.

Thật vậy, ngược dòng lịch sử đã chứng minh, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng ra đời trong bối cảnh tình hình Nam Bộ đang ở trong giai đoạn gấp rút và rất căng thẳng khi chính quyền thực dân Pháp càn quét các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, do bối cảnh chính trị và an ninh xã hội thời bấy giờ như vậy, nên tổ chức Phật giáo cứu quốc Nam Bộ cần phải thay đổi phương hướng hoạt động. Theo đó vào năm 1949, để thực hiện theo yêu cầu lịch sử, phù hợp với tình hình thực tiễn, Xứ ủy Nam Kỳ đã đề nghị Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ chuyển hướng sang hoạt động công khai hợp pháp, bằng cách tuyên bố tự giải tán và thời gian sau đó, vào tháng 2 năm 1952, Chư tôn đức trong Phật giáo cứu quốc Nam Bộ đã quy tập về chùa Long An số 136 đường Cộng Hòa (Sài Gòn) mở Hội nghị thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam. Và sau khi Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam được thành lập vào ngày 9 tháng 02 năm 1952, cũng trong khoảng thời gian này, do yêu cầu của tổ chức nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn, Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam đã hình thành ra hai tổ chức trực thuộc, hoạt động theo tôn chỉ định hướng của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, đó là Hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật tử. Qua những chuyển biến này, cho thấy, trên phương diện hành chính, chúng ta sẽ khó có thể chứng minh Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật Tử là hậu thân của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, nhưng xét bối cảnh ra đời, xét quá trình hoán chuyển giữa hai tổ chức này, cũng như tham khảo ý kiến từ những nhân chứng sống là những bậc cao Tăng tiền bối vốn là người trong cuộc, thì chúng ta vẫn có đủ cơ sở để kết luận Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ chính là tiền thân của Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng.

Theo đó, chúng ta cũng có thể kết luận: Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ là hậu thân của Hội Lục Hòa Liên Xã, bởi vì Chư Tôn đức lãnh đạo Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ, cũng như lãnh đạo Hội Phật giáo cứu quốc tại các tỉnh thành ở Nam Bộ hầu hết đều là hàng hậu học xuất chúng kế thừa từ Hội Lục Hòa Liên Xã. Nếu khách quan nhìn nhận các mối liên hệ này, chúng ta có thể nhận định, ở đó không chỉ có sự ảnh hưởng mật thiết giữa các tổ chức Phật giáo yêu nước trong một thời kỳ tham gia đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà còn là kết quả của một quá trình chuyển hóa, trong đó yếu tố tác nhân chính là Chư tôn đức tiền bối trong cùng một tổ chức Phật giáo yêu nước nối tiếp nhau qua các giai đoạn lịch sử. Nói đến GHPGCTVN, người viết xin phép được sơ lược các tổ chức tiền thân, cũng như các tổ chức có mối liên hệ mật thiết với GHPGCTVN.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Giao hoi Phat giao co truyen viet nam 1

1.1 Hội Lục Hòa Liên Xã (năm 1922)

Lịch sử chứng minh Hội Lục Hòa Liên Xã có mối liên hệ chặt chẽ với các tổ chức tiền thân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam như Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ (1947), Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử (1952), nên nói rằng Hội Lục Hòa Liên Xã chính là cái nôi khởi nguồn của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam sau này cũng không có gì sai, bởi vì xuất phát từ thành phần lãnh đạo của Hội Lục Hòa Liên Xã đã sản sinh ra một thế hệ kế thừa làm nòng cốt của hai tổ chức này và cũng là thành phần lãnh đạo chủ chốt của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được thành lập sau này.

Nhìn lại lịch sử, “vào những năm 1920 – 1922 của thế kỷ trước, nhận thấy thực dân Pháp không từ bỏ âm mưu thôn tính đất nước ta, đồng thời có những chính sách thù địch đối với Phật giáo, chúng trấn áp, khủng bố và thẳng tay tiêu diệt người dân yêu nước, trong đó có cộng đồng Phật giáo, trước tình hình cấp bách, các bậc tiền bối tăng già Nam bộ lợi dụng việc tổ chức an cư kiết hạ, nhất là các dịp húy kỵ tại các Tổ đình nhằm nhóm họp các bậc chức sắc, quy tập tăng chúng để gắn kết mối liên lạc, trao đổi thông tin thời sự và khơi dậy tinh thần yêu nước và tổ chức thực hiện các hoạt động yêu nước”.

“Vào năm 1922, mùa an cư kiết hạ PL.2466 được tổ chức tại Tổ đình chùa Giác Lâm (nay thuộc quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh), lúc bấy giờ Hòa thượng Chơn Thanh – Từ Văn (trụ trì chùa Hội Khánh) làm Chánh chủ kỳ Trường hương chùa Giác Lâm, Hòa thượng Quảng Chơn (chùa Long Thạnh) làm Phó chủ kỳ, Hòa thượng Từ Phong (chùa Giác Hải) làm chứng minh, Hòa thượng Hồng Nghĩa (chùa Giác Viên) làm Truyền Giới sư cùng quý Hòa thượng trụ trì các chùa Phụng Sơn, chùa Bửu Lâm, chùa Từ Phước… đã quy tập về Tổ đình chùa Giác Lâm họp bàn chính thức thành lập Hội Lục Hòa Liên Xã, mục đích nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực tham gia các hoạt động cứu quốc.”

Tiếp đến, “vào năm 1923, cũng từ Hội Lục Hòa Liên Xã, Hòa thượng Chơn Thanh – Từ Văn đã cùng với hai sĩ phu yêu nước là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Hồ Chủ Tịch) và cụ Tú Cúc Phan Đình Viện thành lập “Hội danh dự yêu nước” tại chùa Hội Khánh, chủ trương giáo dục đồng bào sống đúng với đạo lý con người, truyền bá tư tưởng chống giặc ngoại xâm, qua đó cho thấy, Hội Lục Hòa Liên Xã là một tổ chức Phật giáo góp phần đáng kể vào các hoạt động yêu nước và chấn hưng Phật giáo thời bấy giờ. Nhân đây tôi cũng xin được trích dẫn một số tư liệu xác định về tổ chức Hội Lục Hòa Liên Xã”:

Trong số báo Phật Hóa Tân Thanh Niên có tường thuật lại một buổi hội nghị tại chùa Linh Sơn của tác giả Huệ Thanh có nội dung như sau: “Chiều ngày 16/7/1929 tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn tổ chức Hội nghị Tăng già, gồm các liệt vị Hòa thượng tại các chùa Từ Ân, Hội Khánh, Phú Long, Long Huê, Văn Thánh, Chúc Thọ, Tập Phước, Đức Sơn, Bình Long, Lý Dương Sanh…Chùa Linh Sơn có Hòa thượng Khánh Hòa – đương kim trụ trì, sư Thiện Chiếu và ông Trần Nguyên Chấn Commis giúp việc Dinh đốc lý Sài Gòn, hộ chủ chùa Linh Sơn, bàn về chấn hưng Phật giáo… Đầu tiên, Commis Chấn trình bày một số sự việc: Năm 1923, ông Chấn thỉnh sư Thiện Chiếu về chùa Linh Sơn, năm 1925, sư Thiện Chiếu đi làm giáo thụ Trường hạ tại chùa Chúc Thọ, Gò Vấp. Ở đó sư Thiện Chiếu định tổ chức “Phật Giáo Thanh Niên Học Hội”, mục đích đào tạo nhân tài ra đảm đương Phật pháp. Nhưng tiếc thay, Hội ấy không thành lập được bởi sư Thiện Chiếu lúc đó còn trẻ tuổi, chưa được Giáo hội tín nhiệm. Cuộc vận động chấn hưng do Hòa thượng Khánh Hòa chủ trương chỉ được một số ít chùa hưởng ứng, trong 3, 4 năm trường cũng lắm phen thất bại, nhưng nhờ nghị lực của các đồng chí, tuy chưa kết quả hoàn toàn, cũng lập được Phật Học Tùng Xã và Phật Học Viện. Cũng năm này, sư Thiện Chiếu giao lại chùa Linh Sơn cho Commis Chấn và khuyên ông Chấn thỉnh Hòa thượng Khánh Hòa là người đức cao vọng trọng làm trụ trì để tổ chức tùng lâm. Tới tháng 7/1929, Hòa thượng Khánh Hòa đã thường trụ tại Linh Sơn 3-4 tháng. Ông Chấn đề nghị chư vị Hòa thượng mở lòng từ bi quan tâm, chỉ bảo giúp đỡ công việc của ông ở chùa Linh Sơn. Sư Thiện Chiếu phát biểu làm rõ thêm lý do việc ông giao chùa lại cho Commis Chấn và nêu quan điểm chấn hưng Phật giáo của ông là chống các hủ tục ở bên trong và tà thuyết ở bên ngoài bấy lâu nay làm cho lu mờ cái nhân nghĩa của Phật giáo, ngăn lấp cái đường sáng suốt của chúng sinh… Tiếp theo, Sư Thiện Chiếu mời lãnh đạo Lục Hòa Liên Xã có đôi lời góp ý. Hòa thượng chùa Hội Khánh (HT. Từ Văn) thay mặt liệt vị Hòa thượng, trả lời vắn tắt: Các ngài có nhiệt tâm như thế, chúng tôi lấy làm hoan hỷ lắm, nhưng các ngài cứ lo tiến hành, còn phần chúng tôi thì xin để cho chúng tôi suy nghĩ lại”…

Nội dung bài báo này đã cung cấp cho chúng ta những tư liệu quý về hoạt động chấn hưng của Phật giáo ở Nam Kỳ thời bấy giờ, đặc biệt có liên quan đến Lục Hòa Liên Xã và Hòa thượng Từ Văn trụ trì chùa Hội Khánh, như một bằng chứng hùng hồn rằng, Hòa thượng chùa Hội Khánh là một trong các vị lãnh đạo Hội Lục Hòa Liên Xã, ngài có một vị trí cũng như tầm ảnh hưởng rất lớn đối với Tăng già thời bấy giờ. Ngoài ra nhà cầm quyền Pháp thời bấy giờ rất kính trọng đạo hạnh và trí tuệ của Hòa thượng, do đó nhà cầm quyền Pháp phong ngài làm Tăng thống Phật giáo Nam Kỳ, mà giới tăng sĩ và đồng bào lúc bấy giờ gọi ngài là Hòa thượng Cả (dù chưa có tổ chức Giáo hội cũng như chức danh trong thời đó).

Theo “Lịch sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam”[1] thì: “… Quý Hòa thượng trong hệ phái Lục Hòa Tăng nhận định, tổ chức Lục Hòa Liên Xã được thành lập vào năm 1922, hoặc sớm hơn tại chùa Giác Lâm, nhân sự kiện tổ chức Trường Hương đã tiến hành thành lập với sự tham dự và chứng minh của quý Hòa thượng Từ Phong (chùa Giác Hải), Hòa thượng Hồng Nghĩa (chùa Giác Viên), Hòa thượng Từ Văn (chùa Hội Khánh), Hòa thượng Thanh Ấn (chùa Từ Âm), Hòa thượng Quảng Viên (chùa Long Thạnh), Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tiên Linh, Bến Tre), Hòa thượng Bửu Chung (chùa Phước Long, Sa Đéc), Hòa thượng trụ trì chùa Phổ Lý tỉnh Đồng Tháp, cùng Chư Tôn đức và Tăng tín đồ tham dự”. Đáng chú ý là sau khi tổ chức Hội Lục Hòa Liên Xã ra đời, Phật giáo Nam Bộ đã phát sinh ra “Tứ Trụ Thiền Gia” là thế hệ kế thừa của Hội Lục Hòa Liên Xã, được xem là những bậc long tượng thạch trụ trong Phật pháp. Tiêu biểu như quý ngài Nhất Chiếu (Hòa thượng Tịch Chiếu, Nguyễn Văn Tài), Nhì Linh (Hòa thượng Pháp Linh, Phan Thanh Hòa), Tam Không (Hòa thượng Thái Không, Trưởng tử của sư cụ Khánh Hòa), Tứ Đạo (Hòa thượng Thành Đạo, chùa Phật Ấn)… Chư tôn đức Hòa thượng Tịch Chiếu, Hòa thượng Pháp Linh, Hòa thượng Thái Không và Hòa thượng Thành Đạo sau này đều là rường cột của Phật giáo Nam Bộ và là thành phần lãnh đạo chủ chốt của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ (1947) và Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử (1952). Đây là hai tổ chức tiền thân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được thành lập vào đầu năm 1969.

1.2 Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ (năm 1947)

Hội Lục Hòa Liên Xã gánh vác một sứ mạng cao cả, đó là đào tạo nên một thế hệ kế thừa giàu lòng yêu nước và tài năng xuất chúng. Chư tôn đức xuất thân từ Hội Lục Hòa Liên Xã về sau đều là lãnh đạo chủ chốt của các tổ chức Hội Phật giáo cứu quốc tại Nam bộ, chính vì vậy có thể nhận định rằng, Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ có mối liên hệ chặt chẽ với Hội Lục Hòa Liên Xã, hay nói một cách khác, Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ là hậu thân của Hội Lục Hòa Liên Xã.

Sau Cách mạng tháng 8, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn – Gia Định, sau đó lan ra khắp các tỉnh thành miền Nam, nhân dân Nam bộ một lần nữa bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai. Trong bối cảnh như vậy, các tổ chức cứu quốc ở miền Nam đã ra đời, như Thanh niên tiền phong, Thiếu niên tiền phong, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, đặc biệt trong đó có tổ chức Phật giáo cứu quốc Nam Bộ. Khởi đầu vào măm 1946, tại các địa phương như Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Mỹ Tho, Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Long Xuyên, Bạc Liêu, Rạch Giá… các Hội Phật giáo cứu quốc lần lượt ra đời với phương châm hoạt động: “Cải cách Tăng đồ, đề xướng tự do, tuyên dương chính pháp/Duy tân Phật học, thực hành bình đẳng, độ quần sinh”. Trong khoảng thời gian này, hầu như chùa nào cũng có người tham gia Hội Phật giáo cứu quốc, quá trình tham gia hoạt động yêu nước, Phật giáo Nam Bộ đã có nhiều vị tăng, ni và phật tử bị bắt giam hoặc bị sát hại.

Sau một năm hoạt động sôi nổi đều khắp, mang lại nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên do yêu cầu thực tế cần phải thống nhất lãnh đạo trong các tổ chức Phật giáo cứu quốc, nên vào năm Đinh Hợi (1947), Chư tôn đức lãnh đạo các tổ chức Phật giáo cứu quốc tại các tỉnh, thành Nam Bộ đã tập hợp tại chùa Thiền Kim (Đồng Tháp Mười) tiến hành thành lập Ban chấp hành Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ. Lần bấy giờ, Hòa thượng Minh Nguyệt (bí danh Tam Không) được bầu làm Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ; Hòa thượng Thích Huệ Thành, Chủ tịch Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa làm Phó Hội trưởng, kiêm Ủy viên Mặt trận Liên Việt Nam Bộ; Ông Commis Hai cũng đồng là Phó Hội trưởng; Ông Đào Minh Không làm Tổng Thư ký; Hòa thượng Bửu Ý với tư cách là Ủy viên mặt trận Việt Minh xã Tân Tạo (Bình Chánh – Sài Gòn) được cử làm Ủy viên ban chấp hành phụ trách tăng, ni thiện tín Sài Gòn – Chợ Lớn; Hòa thượng Huệ Phương hiệu Bạch Vân làm Ủy viên kiểm soát; ngoài ra, lãnh đạo Hội Phật giáo cứu quốc 21 tỉnh thành cũng được bầu làm Ủy viên Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, trong đó có Hòa thượng Thích Pháp Dõng, Thích Pháp Long, Thích Pháp Tràng, Thích Minh Tịnh, Thiện Hương, Trí Tấn… Trụ sở Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ đặt tại chùa Thiền Kim trong chiến khu Đồng Tháp Mười[2]. Trong thời gian này, Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ đã xuất bản tờ báo Tinh Tấn, do Hòa thượng Minh Nguyệt làm chủ nhiệm, Giáo sư Lê Văn Đông (bút hiệu Trong Thư – La Kim Trọng) làm chủ bút, báo được in ấn tại chùa Tổ, xã Mỹ Tho, tỉnh Đồng Tháp, tạp chí Tinh Tấn hoạt động hiệu quả, nổi tiếng trong phong trào chống Pháp, đây là cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ.

Dòng chảy lịch sử đấu tranh hào hùng của Phật giáo Nam bộ trong những ngày đầu kháng chiến đã trôi qua gần hai phần ba thế kỷ, nhưng nó vẫn sống mãi trong lòng dân tộc và trong tâm khảm của những người phật tử Nam bộ. Các hoạt động tích cực của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ thể hiện tinh thần yêu nước và ý chí quật khởi kiên cường của Phật giáo Nam Bộ, là tiêu biểu cho quá trình Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

1.3 Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam (năm 1952)

Sau Cách mạng tháng Tám là một giai đoạn lịch sử hào hùng bất khuất của dân tộc, chính quyền thực dân tăng cường càn quét phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Để phù hợp với tình hình thực tiễn, vào năm 1949, xứ ủy Nam Kỳ chỉ đạo cho giải tán Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ và chuyển hướng sang hoạt động công khai hợp pháp.

Sau khi Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ tuyên bố tự giải tán, Chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ và Phật giáo cứu quốc các tỉnh thành vẫn tiếp tục gắn kết trong các hoạt động yêu nước vì sự tồn vong của đạo pháp và lợi ích của dân tộc, đặc biệt giai đoạn này là khoảng thời gian Chư tôn đức củng cố nhân sự và hoàn thiện chương trình hành động tiến đến thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng.

Sau một thời gian chuẩn bị chu đáo trên các phương diện, vào ngày 9 tháng 02 năm 1952, Chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo cứu quốc ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định phối hợp cùng Phật giáo cứu quốc các địa phương như Tiền Giang, Biên Hòa, Thủ Dầu Một và khu vực lân cận đã quy tập về chùa Long An (Hòa thượng Pháp Nhạc làm trụ trì), số 136 đường Cộng Hòa (Sài Gòn) mở hội nghị thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam với một bản Điều lệ Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam gồm có 9 Chương và 44 Điều được Tham lý Nội An Vũ Tiến Huân ký ngày 01/10/1957 thay Bộ trưởng Nội Vụ kiểm tra xác nhận Nghị định Điều lệ này[3]. Đại hội đã bầu Hòa thượng Thích Thiện Tòng (Nguyễn Thiện Tòng) trụ trì chùa Trường Thạnh (đệ tử Hòa thượng Thích Từ Văn) làm Đại Tăng trưởng; Hòa thượng Thích Pháp Nhạc (chùa Long An) làm Phó Tăng trưởng; Hòa thượng Thích Thành Đạo (Trần Văn Đước), trụ trì chùa Phật Ấn làm Tăng giám (Hội trưởng) kiêm Hoằng pháp Lục Hòa Tăng; Hòa thượng Thích Minh Đức (Lê Minh Chánh) trụ trì chùa Thiên Tôn làm Phó Tăng giám (Phó Hội trưởng); Yết ma Thích Huệ Chí (Ngô Đơn Quế), chùa Giác Viên làm Tổng Thơ ký; đạo hữu Đoàn Trung Còn làm Thủ quỹ; Hòa thượng Thích Pháp Lan (chùa Khánh Hưng) và Hòa thượng Thích Huệ Thành (chùa Long Thiền) cùng phụ trách công tác hoằng pháp… Văn phòng Trung ương Hội đặt tại chùa Trường Thạnh, số 97 đường Bác sĩ Yersin, Sài Gòn, sau một thời gian trụ sở Văn phòng Trung ương Hội dời về chùa Giác Lâm. Hội đã cho mở Trường Phật Học Lục Hòa nằm cạnh chùa Giác Viên (Gia Định) và cho xuất bản Tạp chí Phật học. Song song đó, Giáo hội Lục Hòa Tăng tại các địa phương cũng được thành lập: Tỉnh Hội Lục Hòa Tăng Tiền Giang đặt tại chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho); Tỉnh Hội Lục Hòa Tăng Thủ Dầu Một đặt tại chùa Hội Khánh do Hòa thượng Thiện Hương làm Tăng trưởng; Tỉnh Hội Lục Hòa Tăng Long An đặt tại chùa Long An do Hòa thượng Thiện Duyên làm Tăng trưởng; Tỉnh Hội Lục Hòa Tăng Tây Ninh đặt tại chùa Phước Lưu huyện Trảng Bàng; Tỉnh Hội Lục Hòa Tăng Bình Định đặt tại chùa Minh Tịnh ở Qui Nhơn; Tỉnh Hội Lục Hòa Tăng Trà Vinh đặt tại chùa Từ Lâm do Hòa thượng Chơn Lý làm Tăng trưởng; Tỉnh Hội Lục Hòa Tăng Kiến Phong đặt tại chùa Tỉnh Hội do Hòa thượng Trí Thông làm Tăng trưởng.

Sau khi Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam được thành lập, phong trào đấu tranh của Phật giáo ở nội thành hoạt động mạnh, nhằm tăng cường các hoạt động đấu tranh và đáp ứng yêu cầu trước tình hình thực tế, lúc bấy giờ, Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam đã phát sinh ra hai tổ chức trực thuộc hoạt động theo tôn chỉ định hướng của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, đó là và Hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật tử. Theo đó, Giáo hội Lục Hòa Tăng do Hòa thượng Thành Đạo (Tổ đình Phật Ân) làm Tăng trưởng, Hòa thượng Huệ Thành (Tổ đình Long Thiền) làm Tăng giám, Hòa thượng Thiện Hương (Tổ đình Hội Khánh) làm Đệ nhất Phó Tăng giám Trung ương, trụ sở đặt tại chùa Phật Ân, sau dời về chùa Giác Lâm.

Ban Trị sự “Hội Lục Hòa Phật Tử” do Hòa thượng Thích Minh Thành làm Chánh Hội trưởng, Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Phó Hội trưởng, Thượng tọa Thích Minh Giác làm Tổng Thư ký; trụ sở Hội Lục Hòa Phật tử, đặt tại chùa Long Vân (Bình Thạnh – Gia Định).

Đến cuối năm 1953, Hòa thượng Huệ Thành, trên cương vị Trưởng ban Hoằng pháp đã có công rất lớn trong việc mở rộng tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng, nhờ đó ảnh hưởng của Giáo hội Lục Hòa Tăng càng được nâng cao và phát triển đều khắp các tỉnh thành Nam Bộ.

Về lịch sử thành lập, “tuy Giáo hội Lục Hòa Tăng ra đời vào ngày 09 tháng 02 năm 1952, nhưng đến năm 1957, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng mới chính thức được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa công nhận, hợp thức hóa tại Quyết định số 93/BNV/NA/P5, Bộ Nội Vụ ký ngày 01/10/1957 (do Hòa thượng Thích Thiện Tòng đại diện xin phép thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam). Hội có điều lệ gồm 9 chương 44 điều. Ban chức sự lâm thời lúc bấy giờ gồm có: Hòa thượng Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh) làm Đại Tăng trưởng, Hòa thượng Thành Đạo (chùa Phật Ấn) làm Tăng giám, Hòa thượng Thiện Đức (chùa Thiên Tôn) làm Phó Tăng giám”.

Sau ngày Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam ra đời, nhất là sau khi hình thành hai tổ chức Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử, ảnh hưởng của hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng mang tinh thần cứu quốc ngày càng được nâng cao và mở rộng phạm vi hoạt động khắp các tỉnh thành tại Nam Bộ. Trong giai đoạn này, thực dân Pháp thất bại trên chiến trường Điện Biên Phủ dẫn đến việc ký kết Hiệp định Giơnever, theo đó, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, đã ra sức phá hoại tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đặc biệt là thực thi Đạo dụ số 10 nhằm cô lập hoàn toàn mọi hoạt động của Phật giáo. Trong bối cảnh như vậy, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng một tổ chức tập hợp những công dân yêu nước khoác áo nâu sồng đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh vì hòa bình, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, góp phần đáng kể vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đặc biệt, trong những ngày đấu tranh gay go quyết liệt nhất của các phong trào và tổ chức Phật giáo yêu nước chống lại sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm, thì vào ngày 5/7/1963, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã gửi một bức thư đến vấn an Hòa thượng Thích Huệ Thành, Tăng giám Giáo hội Lục Hòa Tăng[4], bức tâm thư có đoạn: “Từ lâu tôi có ý nguyện thăm viếng chư Hòa Thượng và chiêm bái các Tổ đình miền Nam, nhưng từ hôm vào trên hai mươi hôm rồi, tôi chưa đi đâu được cả, vì phần tuổi già sức yếu, phần khổ bệnh đeo mang. Tuy nhiên dầu nằm một chỗ, tôi rất thấu hiểu thái độ cao quý và nỗi khổ tâm của Hòa Thượng, vì vậy tôi lấy làm thâm cảm và hết sức tán thán “đơn thân vị pháp” của Hòa Thượng. Nhân bệnh tình tôi có phần thuyên giảm, tôi vội vã viết thư này kính thỉnh Hòa Thượng thừa nhàn quang lâm chùa Xá Lợi để huynh đệ chúng ta cùng bàn phật sự cho phỉ tình hoài vọng của tôi…”. Nội dung bức thư của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết gởi đến Hòa thượng Thích Huệ Thành đã cho thấy rất rõ vai trò và vị trí đặc biệt của Hòa thượng Thích Huệ Thành nói riêng và Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng nói chung là rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đạo pháp, bảo vệ chính nghĩa, chống lại sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ.

Toàn cảnh bức tranh hoạt động yêu nước và những đóng góp to lớn của Chư tôn giáo phẩm trong tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng đã khẳng định vai trò và vị trí của Giáo hội Lục Hòa Tăng trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, qua đó cho thấy Giáo hội Lục Hòa Tăng đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng của mình từ sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh cho đến trách nhiệm hộ quốc an dân trong quá trình đồng hành cùng dân tộc.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Giao hoi Phat giao co truyen viet nam 2

Ảnh: St

1.4 Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

Sau khi được Mỹ hậu thuẫn lên nắm chính quyền, Ngô Đình Diệm đã ra sức phá hoại tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đặc biệt là thực thi Đạo dụ số 10 nhằm cô lập hoàn toàn mọi hoạt động của Phật giáo. Trong bối cảnh như vậy, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng lại được chính quyền lúc bấy giờ chú ý vì sớm nhận ra đây là một tổ chức tập hợp những công dân yêu nước khoác áo nâu sồng. Do Phật giáo Lục Hòa Tăng là một tổ chức công khai hoạt động yêu nước, nên chế độ Ngô Đình Diệm đã ra sức ngăn cản, ráo riết truy bắt, nhiều vị lãnh đạo Lục Hòa Tăng bị chính quyền đương thời bắt giữ, lưu đày, các vị chưa bị bắt thì phải sống trong cảnh thường xuyên bị theo dõi, khủng bố, trấn áp. Bên cạnh đó, một chính sách bắt bớ khủng bố trá hình đã ra đời, đó là đối với những tu sĩ thuộc tổ chức Lục Hòa Tăng thì không được hoãn quân dịch, có nghĩa là toàn bộ Tăng sĩ Lục Hòa Tăng trong độ tuổi quân dịch đều bị bắt lính sung vào quân ngũ.

Trong khi cuộc đấu tranh đang lên cao với khí thế ngút trời thì vào giữa năm 1960, cơ quan Xứ ủy và Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định bị bể, bị bố ráp nên cán bộ bị bắt khá nhiều, lúc bấy giờ Hòa thượng Minh Nguyệt cũng bị bắt, rồi sau đó lần lượt Hòa thượng Thành Đạo, Huệ Chí, Minh Giác và một số vị bên dân chính khác cũng bị bắt giam từ 10 đến 20 năm, một số bị đày ra Côn Đảo. Do chính quyền ráo riết săn lùng nên Hòa thượng Thiện Hào phải vào chiến khu và tham gia Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Cũng trong năm 1960, cuộc đồng khởi của nhân dân toàn miền Nam bùng nổ làm sụp đổ chiến lược chiến tranh kiểu mới và làm cho chính quyền thời ấy giờ trở nên bị động, tình hình này đã tác động mạnh mẽ đến tình hình đấu tranh tại Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và các địa phương khác. Đến ngày 20 tháng 12 năm 1960, tại một vùng giải phóng thuộc tỉnh Tây Ninh, đại biểu các đoàn thể, tôn giáo, đảng phái và các dân tộc ở miền Nam Việt Nam, họp Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Hào lúc bấy giờ là đại diện của Giáo hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật Tử đã được Đại hội bầu vào Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại hội thông qua chương trình 10 điểm với nội dung cơ bản là đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của Mỹ và gia đình trị Ngô Đình Diệm, nhằm xây dựng một miền Nam Việt Nam hòa bình, trung lập, dân chủ và phồn vinh, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Một sự kiện chính trị nổi bật mang tính lịch sử quan trọng nữa, đó là vào cuối năm 1960, Hòa thượng Thích Thiện Hào đã tuyên bố trên Đài Tiếng nói Bắc Kinh, với tư cách là Uỷ viên đoàn Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng – Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật tử, ngài đã nhân danh đồng bào miền Nam Việt Nam và Phật giáo Việt Nam lên án chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đã đàn áp dã man các phong trào yêu nước của đồng bào và Phật giáo miền Nam, lên án các chính sách kỳ thị, thù địch Phật giáo của chính quyền Mỹ Diệm. Và từ đây tổ chức Lục Hòa Tăng trở thành đối nghịch với chế độ Ngô Đình Diệm, ngay sau khi Hòa thượng Thiện Hào phát biểu thì tất cả bảng hiệu của hệ phái Lục Hòa Tăng tại các cơ sở tự viện thuộc Giáo hội Lục Hòa Tăng đều bị chính quyền Ngô Đình Diệm cho công an mật vụ tháo gỡ xuống hết vì chúng cho rằng Phật giáo Lục Hòa Tăng là cộng sản. Do phải đối diện trước tình hình khó khăn với những diễn biến hết sức phức tạp và cũng nhằm để tránh danh xưng Lục Hòa Tăng, một tổ chức Phật giáo yêu nước đã bị chế độ Ngô Đình Diệm theo dõi, nên từ ngày 02 đến ngày 09 tháng 07 năm 1968 (Mậu Thân), dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, nhị vị Hòa thượng Huệ Thành và Hòa thượng Bửu Ý, đã đứng ra triệu tập Chư Tôn đức của hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử về chùa Trường Thạnh (Sài Gòn) để tiến hành đại hội khoáng đại hợp nhất hai tổ chức Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Sau khi hiến chương đã được soạn thảo và sau mấy tháng vận động, vào đầu năm 1969 (Kỷ Dậu) dưới sự chủ trì của các Hòa thượng Minh Đức, Hòa thượng Huệ Thành, Hòa thượng Thành Đạo, Hòa thượng Bửu Ý… Đại hội chính thức tiến hành hiệp nhất hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử, kết quả cho ra đời Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, với một bản Hiến chương[5] Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử) được chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ là Thủ tướng Trần Văn Hương phê chuẩn gồm 12 Chương, 20 Điều thể hiện cương lĩnh đường lối hoạt động rất cụ thể.

Theo đó, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam gồm có hai Viện: Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo. Viện Tăng thống Đại hội cung thỉnh Hòa thượng Huệ Thành (Tổ đình Long Thiền) làm Tăng thống, Hòa thượng Minh Thành (chùa Long Vân) làm Phó Tăng thống, Hòa thượng Trí Tấn (Tân Uyên) làm Tổng Thư ký Viện Tăng thống. Hội đồng Viện Tăng thống gồm quý Hòa thượng Hoằng Thông (chùa Long Hội, Mỹ Tho), Hòa thượng Pháp Tràng (Tiền Giang), Hòa thượng Trí Hiền (Đồng Nai), Hòa thượng Thiện Hương (Thủ Dầu Một)…

Viện Hoằng đạo, Hòa thượng Minh Đức (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Trung ương) được bầu làm Viện trưởng; Hòa thượng Thiện Thuận làm Viện phó và Hòa thượng Bửu Ý làm Tổng Thư ký; Hòa thượng Phật Ấn sau khi ra tù được Giáo hội suy cử làm Trưởng Ban hoằng pháp thuộc Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Lúc bấy giờ, Hòa thượng Bửu Ý với tư cách là Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyển Lục Hòa Tăng, đã cùng chư tôn túc trong Tổng vụ giáo dục của Giáo hội đã thành lập các Trường Phật học Lục Hòa tại các chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm, chùa Thiên Tôn và mở Trường Tiểu học ở chùa Lộc Uyển, Thiên Trường (quận 8) để đào tạo Tăng tài, truyền thừa mạng mạch Phật pháp và phát triển tổ chức hệ phái, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức.

Sau một thời gian nỗ lực hoạt động, không lâu sau đó, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và Lục Hoà Phật tử đã thành lập được 37 tỉnh thành hội và 81 quận huyện hội với trên 2000 ngôi chùa, tự viện thuộc hệ phái; có khoảng hơn mười ngàn Tăng, ni và trên hai trăm nghìn tín đồ Phật tử. Ngoài hệ thống giáo dục đào tạo Tăng tài, Giáo hội còn ra tạp chí Phật Học Lục Hòa do Hòa thượng Thành Đạo làm chủ nhiệm…

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam với các tên gọi khác nhau, như Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng, Hội Lục Hòa Tăng, Hội Lục Hòa Phật tử và dù với danh xưng nào đi chăng nữa thì Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam vẫn luôn là một tổ chức Phật giáo yêu nước, Chư Tôn đức trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam vẫn luôn là “những tấm gương sáng ngời về sứ mạng xương minh Phật pháp, phát triển Phật giáo nước nhà, nhất là ý chí bất khuất và tinh thần bền bỉ tích cực trong các phong trào đấu tranh của Phật giáo chống lại các thế lực ngoại xâm, góp phần đáng kể vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, mang lại hòa bình, thống nhất đất nước, đặc biệt là góp phần to lớn cho sự nghiệp thống nhất Phật giáo nước nhà”.

II. BẢN CHẤT CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

Do vì Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam có mối liên hệ sâu xa và mật thiết với các Hội Lục Hòa Liên Xã (1922) và Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ (1947), Giáo hội Lục hoà Tăng, hay nói thực tế hơn, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam vốn lưu xuất từ hai tổ chức tiền thân này, cho nên khi nói đến bản chất của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam chúng ta cần phải đề cập đến bản chất của Hội Lục Hòa Liên Xã và Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, Lục Hoà Tăng Việt Nam trước khi liên hệ đến bản chất của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Về bản chất của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, theo Hòa thượng Thích Huệ Thông, nổi bật có 2 bản chất cơ bản, đó là: Bản chất yêu nước, bản chất duy trì lối tu hành cổ truyền.

2.1 Bản chất yêu nước

Như chúng ta đã biết, “Hội Lục Hòa Liên Xã do các bậc cao Tăng tiền bối giàu lòng yêu nước thành lập vào khoảng năm 1922 hoặc sớm hơn nhằm đẩy mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo và cũng nhằm đối phó trước âm mưu thôn tính lâu dài của thực dân Pháp, cùng với những chính sách thù địch ra mặt đối với Phật giáo mà chính quyền thực dân đã công khai trấn áp, khủng bố, thẳng tay tiêu diệt những thành phần yêu nước”.

“Thời bấy giờ các bậc tiền bối Tăng già ở Nam Bộ đã thao thức lo nghĩ tìm ra phương cách để duy trì đạo pháp. Một trong những phương cách duy trì giềng mối đạo pháp vừa thuận lợi cho việc chấn hưng Phật pháp, vừa dấy khởi lòng yêu nước của chư Tăng và quần chúng, đó là duy trì quy chế tòng lâm bằng việc làm cụ thể là tổ chức an cư kiết hạ, khai mở các Trường kỳ, Trường hương, nhằm giúp Tăng chúng cùng nhau tu học, được nghe các bậc giáo thọ, giảng sư truyền đạt kiến thức Phật pháp, đặc biệt là những bài giảng về tứ trọng ân có lồng nội dung yêu nước cũng được Chư Tôn tiển bối khéo léo truyền đạt”.

“Đương thời việc tổ chức an cư, truyền giới và mở rộng các lớp giáo lý của Phật giáo Nam bộ nói chung và tại miền Đông Nam Bộ nói riêng do Hòa thượng Từ Văn (chùa Hội Khánh) khởi xướng. Vào năm 1922, Hòa thượng Từ Văn làm Chánh chủ kỳ Trường hương chùa Giác Lâm, đã cùng quý Hòa thượng Quảng Chơn (chùa Long Thạnh) làm Phó chủ kỳ, Hòa thượng Từ Phong (chùa Giác Hải) làm Chứng minh, Hòa thượng Hoằng Nghĩa (chùa Giác Viên) làm Truyền giới sư đã cùng Chư Tăng trong Trường hương đứng ra thành lập Hội Lục Hòa Liên Xã”.

“Có thể nói rằng tinh thần yêu nước là một bản chất cao quý rất đặc thù của Hội Lục Hòa Liên Xã và tinh thần yêu nước cũng chính là bản chất đặc trưng của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ ra đời vào năm 1947 – một hậu thân của Hội Lục Hòa Liên Xã – điều này sẽ được minh chứng trên phương diện truyền thừa nhân sự và đã minh chứng qua suốt chặng đường cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, kể từ năm 1947 thành lập Hội, cho đến năm 1952, khi Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ giải thể, để hình thành nên Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng. Với bản chất của cội nguồn sâu xa như vậy, nên Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cũng mang trong mình bản chất nồng nàn yêu nước và điều này đã được lịch sử chứng minh qua hai cuộc kháng chiến mà Chư Tôn đức tiền bối cũng như Tăng tín đồ trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã cống hiến máu xương và công sức cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong một thời kỳ lịch sử”[6].

2.2 Bản chất duy trì giềng mối tu hành Cổ truyền

“Chim có tổ, người có tông, hơn nữa, bất cứ tổ chức hệ phái nào cũng đều có cội nguồn, mà nguồn gốc sâu xa của tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam xuất phát từ các bậc thiền sư thuộc Thiền phái Lâm Tế. Tất cả quý Ngài đều là hàng hậu bối của các vị thiền sư và điều đáng nói là ngoài sứ mạng nhập thế độ sinh, đồng hành cùng dân tộc, thì các bậc tiền bối Tăng già trong hệ phái Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đều là những hành giả tỏ thông lý tính, liễu đạt pháp không. Bản thân các ngài cống hiến cho đạo pháp và đất nước không tiếc gì hy sinh xương máu, chịu đựng sự kèm kẹp tra tấn và gian khổ tù đày, nhưng các ngài xem mạng sống nhẹ tựa lông hồng, xem lợi danh như phù du sớm còn tối mất, chính vì vậy mà các ngài luôn thể hiện một đời sống bình dị, thanh thản, ung dung tự tại trước quyền chức lợi danh, đó chính là nhờ xuất phát từ sự chân thật trong công phu tu hành mới có thể liễu ngộ vạn pháp giai không. Có thể nói đây chính là căn cơ duy trì giềng mối tu hành “hòa quang đồng trần” do Tổ Tổ tương tuyền mạng mạch Phật pháp, vốn là truyền thống của Phật giáo từ ngàn đời cho đến thời đại ngày nay”.

Mặt khác, “sự hành đạo của Tăng tín đồ trong tổ chức hệ phái Phật giáo cổ truyền, tuy không mang màu sắc bác học với phong thái khoa trương hình thức, nhưng lại rất sâu xa và căn bản, đó là tất cả bất kỳ vị Tăng nào của hệ phái Phật giáo cổ truyền Lục Hòa Tăng hay bất cứ giới tử nào tham dự các giới đàn do hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng tổ chức, cũng đều phải thuộc nằm lòng Bốn bộ Trường Hàng Luật, (Tỳ Ni, Sa di, Oai nghi, Cảnh sách), điều này minh chứng rằng, hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam rất chú trọng đến căn bản giới luật Phật môn, luôn xem giới luật là nền tảng kỷ cương duy trì mạng mạch Phật pháp”.

Ngoài ra, “để tăng sự ảnh hưởng cũng như tầm quan trọng cho nghi lễ Phật giáo, lấy đó làm phương tiện chiêu cảm và nhiếp hóa quần sinh, Chư Tôn đức trong hệ phái Phật giáo cổ truyền Lục Hòa Tăng rất chú trọng đến khoa nghi Thiền đường, chính vì vậy, trong khoảng cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, từ các Tổ đình thuộc hệ phái Phật giáo cổ truyền Lục Hòa Tăng đã lần lượt ra đời các nghi thức Tòng lâm, Thiền môn quy cũ, từ đây nhân rộng và phát triển mạnh tại nhiều tỉnh thành Nam Bộ. Nghi thức Thiền đường và “Ứng phú đạo tràng” sau này ở Nam Bộ chịu ảnh hưởng của Thiền sư Tiên Giác – Hải Tịnh ngài có công rất lớn trong việc hệ thống khoa nghi để phù hợp với Thiền lâm qui củ để làm phương tiện truyền bá Phật pháp. Do vậy, trong nghi lễ Phật giáo của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, khoa nghi Thiền đường vốn không thể thiếu và nó trở thành phương tiện thù thắng để hoằng pháp lợi sinh”.

“Nếu như các tổ chức hay hệ phái khác trong ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam đều có cội nguồn xuất phát, thì cội nguồn của hệ phái Cổ truyền Lục Hòa Tăng cũng được bắt nguồn từ nhiều vị Tổ sư kiệt xuất, giàu lòng yêu nước, có quá trình tham gia chống giặc ngoại xâm và rất nhiệt tình trong công cuộc chấn hưng Phật giáo cũng như hoằng pháp độ sinh”[7].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Giao hoi Phat giao co truyen viet nam 3

Chùa Hội Khánh, Bình Dương. Ảnh: St

III. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM CHO ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC

3.1 Những đóng góp của các tổ chức tiền thân

Nói đến những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cho đạo pháp và dân tộc, tất nhiên chúng ta không thể bỏ qua những đóng góp của các tổ chức tiền thân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, vì đây chính là cội nguồn và là điểm phát khởi mà Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã kế thừa trên dòng chảy lịch hình thành và hoạt động của mình trong một giai đoạn lịch sử.

Do vậy, trước hết chúng tôi xin nêu tóm tắc những đóng góp của các tổ chức tiền thân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cho đạo pháp và dân tộc.

Từ những năm 1920 của thế kỷ trước, thời kỳ mà Phật giáo tại nước ta chưa có hệ phái hay bất cứ tổ chức Giáo hội, thì tại tại Tổ đình Giác Lâm, Hòa thượng Chơn Thanh – Từ Văn và Chư Tôn đức đã tiến hành thành lập Hội Lục Hòa Liên Xã. Và ngay từ ban đầu, tổ chức Phật giáo yêu nước này đã tạo sức ảnh hưởng với tầm hoạt động lan rộng cả một khu vực rộng lớn bao gồm nhiều địa phương Nam Bộ như Sài Gòn, Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một và các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Có thể nói Lục Hòa Liên Xã là tổ chức đi tiên phong trong thời kỳ Phật giáo nước ta đang bắt đầu hình thành các tổ chức Hội, Đoàn. Điều này chứng minh cho sự phát triển mang tính khoa học và đã đào tạo nhiều thế hệ Tăng tài và tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa các bậc cao Tăng tại các tổ đình, già lam, nhất là sự gắn kết giữa các tông môn, hệ phái, nhờ đó mà đẩy mạnh công cuộc chấn hưng Phật giáo và tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước tại các tỉnh thành ở Nam Bộ. Đặc biệt, Chư Tôn đức trong tổ chức Hội Lục Hòa Liên Xã đã thành lập Hội Danh dự Yêu nước tại chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một) do HT. Từ Văn, cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc và Tú cúc Phan Đình Viện, để thực hiện công việc truyền bá tinh thần yêu nước trong đời sống xã hội tại Thủ Dầu Một và các vùng lân cận, đây là một trong những đóng góp quan trọng của Hội Lục Hòa Liên Xã cho dân tộc trong một giai đoạn lịch sử. Chư tôn đức trong tổ chức Hội Lục Hòa Liên Xã đã đào tạo nên một đội ngũ Tăng tài kế thừa và sau này các ngài đều là thành phần nhân sự chủ chốt làm lãnh đạo các Hội Phật giáo cứu quốc tại các tỉnh thành ở Nam bộ.

Phật giáo cứu quốc Nam Bộ ra đời trong bối cảnh chiến sự diễn ra khắp mọi nơi trên đất nước và ngày càng khốc liệt, nhằm hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, Phật giáo cứu quốc Nam Bộ đã có những đóng góp hiệu quả trong quá trình tham gia kháng chiến, như tổ chức đấu tranh chống thực dân Pháp, bảo vệ đạo Phật, vận động quyên góp tài chính, thuốc men, lương thực, giấy mực và các nhu yếu phẩm phục vụ các phong trào thi đua yêu nước, trong tổ chức Phật giáo cứu quốc Nam bộ đã có nhiều vị tăng, ni và phật tử đã bị bắt giam hoặc bị sát hại. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thông qua những hoạt động tích cực của Phật giáo cứu quốc Nam bộ, vai trò hộ quốc an dân của Phật giáo đã được thể hiện một cách mạnh mẽ, góp phần to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, điều này càng khẳng định vị thế của Phật giáo giữa lòng dân tộc.

Giáo hội Lục Hòa Tăng ra đời trong bối cảnh tình hình đất nước ngày càng căng thẳng khi thực dân Pháp tăng cường càn quét vào các phong trào kháng chiến, trước những yêu cầu thực tế của tình hình thời cuộc, nên Giáo hội Lục Hòa Tăng đã tích cực thể hiện vai trò hộ quốc an dân và đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cụ thể là sau khi ký Hiệp định Giơ ne vơ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã ra sức phá hoại tổng tuyển cử thống nhất đất nước, thực thi Đạo dụ số 10 nhằm cô lập mọi hoạt động của Phật giáo, trong bối cảnh như vậy, Giáo hội Lục Hòa Tăng đã phát động tăng, ni và tín đồ phật tử tham gia vào các phong trào đấu tranh chống lại sự đàn áp Phật giáo, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nhiều vị lãnh đạo Giáo hội Lục Hòa Tăng bị chính quyền đương thời trấn áp, bắt giữ, lưu đày…

3.2 Những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cho đạo pháp và dân tộc

Những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cho đạo pháp có thể tạm chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn đầu tính từ ngày thành lập cho đến ngày giải phóng miền Nam. Trong giai đoạn này, Chư tôn đức trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã cùng chia sẻ trách nhiệm với các tổ chức Giáo hội Phật giáo đương thời trong công tác đào tạo tăng tài theo tình hình và đặc điểm riêng của tổ chức mình, từ đó đào tạo nên một thế hệ kế thừa xuất sắc cống hiến cho sự nghiệp xương minh Phật pháp và phát triển Phật giáo nước nhà. Bên cạnh đó, Chư tôn đức trong tổ chức Giáo hội Cổ truyền Lục Hòa Tăng đã khôn khéo trong các hoạt động Phật sự, nhất là đã tùy duyên hòa nhập vào đời sống nhằm mục đích giữ gìn giềng mối đạo pháp, vừa thuận lợi cho các hoạt động đấu tranh yêu nước, nên đã góp phần ổn định sinh hoạt đạo pháp trong thời kỳ đất nước bị chiến tranh ly loạn.

Giai đoạn hai, tính từ sau ngày đất nước hòa bình cho đến ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981, trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến năm 1980, Chư tôn đức trong tổ chức Giáo hội Cổ truyền Phật giáo Việt Nam đã tích cực tham gia vào Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước, Ban Vận động và các công tác vận động để đi đến thống nhất, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981. Nhìn vào các hoạt động đầy tâm huyết, kiên trì và hiệu quả của Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong suốt quá trình tham gia thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1975 cho đến ngày Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời vào năm 1980, mới thấy hết được những đóng góp vô cùng to lớn của các ngài trong sự nghiệp thống nhất Phật giáo nước nhà.

Về những đóng góp cho dân tộc, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ra đời sau cuộc tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968, trong bối cảnh đất nước đang ở cao trào đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, với sứ mạng hộ quốc an dân, Chư Tôn đức trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã tích cực trực tiếp tham gia các hoạt động đấu tranh vì hòa bình thống nhất đất nước trong suốt khoảng thời gian dài từ năm 1968 đến ngày đất nước hòan toàn giải phóng. Qua đó có thể nói rằng, “Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là một tổ chức Phật giáo giàu lòng yêu nước, có truyền thống đồng hành sắt son với dân tộc, đã có những đóng góp nhất định vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong những giai đoạn gay cấn khắc nghiệt của lịch sử dân tộc”[8]. Những cống hiến vô cùng ý nghĩa của Chư tôn đức tăng, ni và quần chúng phật tử trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam khẳng định vai trò phụng sự đạo pháp và đồng hành sắc son cùng dân tộc một cách đầy trách nhiệm trước vận mệnh đất nước.

3.3 Những đóng góp của Phật giáo Cổ truyền cho công cuộc thống nhất hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bước khởi đầu công cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam

Bước khởi đầu công cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đó chính là công tác vận động hiệp thương, đi đến Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam, nhằm mục đích hưng thịnh Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới và góp phần xây dựng phát triển đất nước Việt Nam thân yêu. Có thể nói, đây là điều mà chư tôn đức vốn nặng lòng vì đạo pháp và dân tộc luôn canh cánh trong lòng, cũng là điều mà toàn thể tăng, ni và Phật giáo đồ Việt Nam hằng mơ ước, hơn nữa, đây không chỉ là điều băn khoăn, trăn trở của hầu hết các bậc tôn túc trong các Giáo hội, tổ chức Hội, các hệ phái Phật giáo thời bấy giờ, mà đây còn là tầm nhìn chiến lược, là trách nhiệm thiêng liêng của Phật giáo Việt Nam trước đạo pháp và dân tộc trong thời đại. Và điều kỳ diệu là hoài bão, ước mơ này đã được trở thành hiện thực khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức ra đời tại Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội, vào ngày 07 tháng 11 năm 1981.

Tuy nhiên, sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào ngày 07 tháng 11 năm 1981, là cả một quá trình tích cực dấn thân trong chuỗi hoạt động vận động hiệp thương rất trí tuệ và nhiều công sức của chư tôn đức giáo phẩm trong các Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước.

3.3.1 Sự ra đời của Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM

Để chuẩn bị cho công tác vận động hiệp thương nhằm mục đích thống nhất Phật giáo Việt Nam, chư tôn đức trong hàng giáo phẩm Tăng già đã bàn bạc đi đến nhất trí thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM.

Diễn biến quá trình thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM.

“Khởi sự, vào ngày 07/08/1975, tại chùa Xá Lợi, một Hội nghị Phật giáo với sự tham gia của chư tôn đức từ 10 Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái đã tiến hành thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Chủ tịch; Hòa thượng Thích Thiện Hào và Hòa thượng Bửu Ý đồng làm Phó Chủ tịch; Hòa thượng Thích Hiển Pháp làm Tổng Thư ký Ban Liên lạc; thành phần trong Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM lúc bấy giờ gồm có quý ngài như Hòa thượng Pháp Dõng, Thượng tọa Từ Thông, Đại đức Huệ Xướng, Đại đức Thiện Đức, Đại đức Thiện Xuân… Trụ sở ban đầu đặt tại chùa Xá Lợi, một năm sau được dời về chùa Vĩnh Nghiêm”.

Gánh trên vai sứ mạng lịch sử giai đoạn đầu miền Nam vừa mới giải phóng, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM ra đời nhằm mục đích “đoàn kết rộng rãi các tổ chức Phật giáo để tiến đến một chương trình hành động thống nhất Phật giáo thành một mối duy nhất, ngoài ra do yêu cầu thực tế, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM còn tập trung vào nhiệm vụ phát huy truyền thống yêu nước của phật tử Việt Nam, xóa bỏ tàn tích văn hóa độc hại, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân”. Tuy nhiên nhiệm vụ tập trung và trước mắt của Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM vẫn là “tạo mối liên lạc, siết chặt tình đoàn kết trong các Giáo hội Phật giáo và giữa các Giáo hội, tổ chức Hội, hệ phái với chính quyền cách mạng, từ đó đi đến những nhiệm vụ cụ thể hơn trong công tác vận động hiệp thương thống nhất Phật giáo”.

Nhờ tâm huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ, sau 5 năm hình thành và hoạt động, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM đã làm tròn vai trò lịch sử của mình khi tạo được mối liên thông đồng cảm sâu sắc giữa chư tôn đức các Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước và nhất là kết nối được những tư tưởng lớn của chư vị tôn túc có vai trò lãnh đạo cao nhất thời bấy giờ, như “Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (miền Bắc). Đây được xem là 3 vị Hòa thượng giáo phẩm tôn túc đầu tiên trong số các Hòa thượng đại diện các hệ phái đặt nền móng cho công cuộc thống nhất Phật giáo cả nước, bên cạnh đó phải kể đến quý Hòa thượng Thích Trí Độ, Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Bửu Ý…” cũng chính nhờ vậy mà trong hai ngày 12 và 13 tháng 02 năm 1980, đã diễn ra một cuộc họp mặt lịch sử của Phật giáo Việt Nam tính từ sau ngày miền Nam giải phóng đến thời điểm đó.

3.3.2 Sự ra đời của Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam

Diễn biến quá trình thành lập Ban Vận động được tóm lược với các sự kiện như sau:

“Vào ngày 12/02/1980, chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước đã có cuộc gặp gỡ tại TP.HCM, tham dự vao cuộc gặp lịch sử này có các vị cao Tăng như Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Hòa thượng Thích Giác Tánh, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM; Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Bửu Ý, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam; Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh; Thượng tọa Thích Từ Hạnh, Tổng Thư ký Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Thượng tọa Thích Giác Toàn, Thường trực Trung ương Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam; Ni sư Huỳnh Liên, Ni trưởng Ni giới Khất sĩ Việt Nam; Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, Cư sĩ Võ Đình Cường và Cư sĩ Tống Hồ Cầm”.

“Vào lúc 8 giờ sáng, ngày 12/02/1980, trước lúc khai mạc phiên họp, các ông Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; ông Trần Bạch Đằng, Phó Trưởng ban Dân vận Mặt trận Trung ương và ông Phạm Quang Hiệu, Ban Tôn giáo Chính phủ đến thăm và nói chuyện. Trong cuộc trao đổi, ông Nguyễn Văn Linh đã dành phần lớn thời gian để trình bày về quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Phật giáo và nói về nhiệm vụ của Phật giáo đối với dân tộc”. Tại cuộc họp, ông đã trình bày:

“Người cộng sản Việt Nam, người đầu tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì lòng yêu nước, vì mục đích giải phóng dân tộc đã tìm ra con đường cộng sản chủ nghĩa. Người cộng sản Việt Nam quan niệm đạo Phật cũng là con đường cứu khổ cứu nạn dân tộc. Tuy đường lối và phương tiện có khác, nhưng vẫn có mục đích chung là mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Đạo Phật hiện diện trên đất nước ta gần 2.000 năm, lớn lên trong lòng dân tộc, gắn bó với sự tồn vong của dân tộc. Người cộng sản Việt Nam xem đạo Phật là một tôn giáo của dân tộc, và trong khi đấu tranh cho hạnh phúc của dân tộc, người cộng sản Việt Nam xem người Phật tử Việt Nam như là những người bạn đường, đồng chí trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước”.

Tiếp đó, phát biểu về nhiệm vụ của người Phật tử đối với dân tộc, ông trình bày: “Lịch sử giao phó cho Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo dân tộc, với sứ mạng đó, chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng các vị lãnh đạo Phật giáo Việt Nam và đồng bào Phật tử sẽ phát huy truyền thống yêu nước của mình, tiếp tục đi theo con đường cách mạng, để góp phần vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”. Tại buổi nói chuyện, ông nhấn mạnh: “Đây là buổi gặp mặt đầu tiên của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với giới lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, cùng hướng đến một tương lại tươi sáng của Tổ quốc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam”[9].

Sau đó, “Hòa thượng Thích Trí Thủ thay mặt toàn thể các vị trong buổi họp mặt có lời phát biểu cảm ơn, bày tỏ niềm xúc động trước quan điểm và thái độ chân thành của các vị đại diện Đảng và Nhà nước”, Hòa thượng nói: “Đạo Phật và dân tộc gắn liền nhau trong lịch sử. Từ khi du nhập đến nay, đạo Phật xem dân tộc Việt Nam là quê hương. Tôi rất xúc động trước những lời phát biểu các vị đại diện Đảng và Chính phủ, và hy vọng những điều đó sẽ được thực hiện tốt đẹp.”[10]

Sau lời đáp từ cảm ơn, tập trung vào vấn đề quan trọng của buổi họp mặt, Hòa thượng Thích Trí Thủ khẳng định: “Hôm nay nước nhà đã độc lập thống nhất, Phật giáo không có lý do gì lại duy trì sự phân hóa về mặt tổ chức và sự chia cắt Bắc Nam”[11]. Tiếp đó, Hòa thượng Thích Đôn Hậu phát biểu quan điểm: “Thực hiện đại đoàn kết là việc cần thiết đối với Phật giáo cũng như đối với dân tộc. Nguyện vọng của tôi trước sau như một là cần thực hiện thống nhất Phật giáo”. Trước nguyện vọng thống nhất của Phật giáo Việt Nam thời đại mới, ông Trần Bạch Đằng đã phát biểu quan điểm của Đảng và Nhà nước, ông nói: “Việc thống nhất Phật giáo nên hay không nên trong lúc này, và cần phải thống nhất như thế nào, quý vị hoàn toàn tự định đoạt lấy. Đảng và Nhà nước sẵn sàng quan tâm giúp đỡ khi được yêu cầu”[12].

Vào ngày 12/02/1980, “phiên họp diễn ra hoàn toàn có tính cách nội bộ Phật giáo, toàn thể buổi họp đồng tâm suy cử Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận và Hòa thượng Thích Đôn Hậu, chứng minh buổi họp; Hòa thượng Thích Trí Thủ và Hòa thượng Thích Minh Nguyệt chủ tọa điều hành buổi họp. Thượng tọa Thích Minh Châu, Thượng tọa Thích Từ Hạnh và Thượng tọa Thích Thanh Tứ làm Thư ký phiên họp. Nội dung phiên họp đã đưa ra một quyết định quan trọng, đó là thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam”. Sau cuộc họp lịch sử này, Ban Vận động sẽ chính thức ra mắt tại thủ đô Hà Nội, Tp.HCM và cố đô Huế.

Nhân đây chúng tôi xin được trình bày thêm: “Trong công cuộc vận động thống nhất Phật giáo thời bấy giờ, ngoài hai tổ chức là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất do Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo đứng đầu, và Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức được thành lập sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt đứng đầu, thì Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam do đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận là người tiêu biểu cao nhất cho Phật giáo cả nước, nhất là có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo miền Bắc, đây là tổ chức Phật giáo đóng góp công sức rất lớn cho công cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, nhất là sự hiện diện của Hòa thượng Thích Thế Long, đương nhiệm Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam là rất quan trọng, lúc ấy Hòa thượng Thích Thế Long đang giữ chức Phó Chủ tịch Tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP) nên uy tín của Hòa thượng rất lớn, là người có khả năng đại diện cho Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam giữ vai trò chủ chốt tham gia trong cuộc vận động thống nhất này, chính vì vậy, khi thành lập Ban Vận động thống nhất, Hòa thượng Thích Thế Long được bầu làm Phó Trưởng ban thứ nhất của Ban Vận động. Trong gần 2 năm (tháng 2 năm 1980 đến tháng 11 năm 1981) xúc tiến cuộc vận động trải qua nhiều cam go thử thách, nhưng bằng tâm huyết và ý chí nỗ lực của chư tôn đức, nhất là tinh thần tích cực dấn thân của Hòa thượng Thích Thế Long, bởi ngài luôn tâm nguyện canh cánh trong lòng vì một Giáo hội thống nhất và duy nhất của cả ba miền sẽ ra đời, nhằm phục vụ hiệu quả thiết thực hơn nữa cho đạo pháp và dân tộc trong bối cảnh đất nước hòa bình thống nhất”.

Trong vai trò lãnh đạo Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt đã nhiều lần phát biểu: “Phật giáo có thống nhất thì Phật giáo mới hưng thịnh. Phật giáo có thống nhất thì Phật giáo mới có cơ hội và điều kiện để đồng lòng chung sức đóng góp cho dân tộc, xây dựng đất nước, cho nên thống nhất Phật giáo trong giai đoạn này mới là biểu hiện của lòng yêu nước. Tôi cho rằng, yêu nước là động cơ thúc đẩy cho sự thống nhất Phật giáo, tôi nghĩ ngày nay cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam cũng phải xây dựng trên cơ sở đó. Chính vì vậy mà Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã ra đời”[13]…

Trong bài diễn văn góp ý về cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Bửu Ý đã thay mặt Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử bày tỏ sự vui mừng phấn khởi trước sự kiện lịch sử Phật giáo Việt Nam đang bước đi trên con đường thống nhất, trong bài phát biểu có đoạn: “Tôi quan niệm Phật giáo chỉ có một, nhưng từ lâu phân ra nhiều hệ phái, vì thời cuộc, vì chế độ thực dân cũ và với âm mưu chia rẽ để lợi dụng bằng cách này cách nọ nhằm phục vụ ý đồ thống trị của chúng. Nay đất nước hoàn toàn giải phóng và thống nhất là một cơ duyên thuận lợi rất tốt để thống nhất Phật giáo thành một mối trên tinh thần hòa hợp Tăng già, chung sức chung lòng vì đạo pháp và dân tộc”[14]…

Ban Vận động được thành lập gồm các giáo phẩm chức sắc như: “Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban; Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Mật Hiển, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thế Long đồng Phó Trưởng ban; Hòa thượng Thích Thiện Hào là Ủy viên Thường trực; Thượng tọa Thích Minh Châu làm Chánh Thư ký; Thượng tọa Thích Từ Hạnh và Thích Thanh Tứ đồng Phó Thư ký; cùng với các Ủy viên như: Hòa thượng Thích Giác Tánh, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, Hòa thượng Thích Đạt Hảo, Hòa thượng Châu Mum, Thượng tọa Thích Thanh Trí, Thượng tọa Thích Chánh Trực, Thượng tọa Thích Giác Toàn, Ni sư Huỳnh Liên, Cư sĩ Nguyễn Văn Chế, Cư sĩ Võ Đình Cường và Cư sĩ Tống Hồ Cầm”.

Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam đã hoàn thành vai trò sứ mệnh lịch sử của mình sau khi Đại hội thành lập GHPGVN từ ngày 04 đến ngày 07 tháng 11 năm 1981, một tổ chức Giáo hội được thành lập trên tinh thần đoàn kết, hoà hợp, thống nhất cao của 165 đại biểu của 09 tổ chứ Hệ phái Phật giáo.

Từ khi được thành lập đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua 08 nhiệm kỳ, với ba giai đoạn lịch sử với những trọng trách lãnh đạo điều hành của Hội đồng Trị sự với sự chứng minh tối cao của Hội đồng Chứng minh[15]. Theo dòng thời gian, sự ổn định và phát triển của Giáo hội ngày càng vững chắc, thể hiện qua những thành tựu Phật sự trong mỗi nhiệm kỳ, điều này minh chứng cho chủ chương đúng đắn của Giáo hội, tinh thần hòa hợp đoàn kết của chư tôn đức Tăng, Ni và tinh thần phát huy sáng tạo, sâu sát thực tiễn và đổi mới phù hợp trong điều hành Phật sự của chư tôn đức lãnh đạo Hội đồng Trị sự qua từng nhiệm kỳ và qua từng giai đoạn lịch sử.

TẠM KẾT

Chặng đường 40 năm qua minh chứng cho tinh thần hòa hợp, đoàn kết của Giáo hội đã giúp Phật giáo Việt Nam vượt qua không ít những thử thách, để thật sự lớn mạnh, gặt hái được kết quả khả quan trong nhiều phương diện: tăng sự, giáo dục, hoằng pháp, văn hóa, từ thiện xã hội, thông tin truyền thông, quan hệ quốc tế…

Đồng hành cùng xu thế phát triển chung của Đất nước, trong chặng dường 40 năm, đời sống sinh hoạt của tăng, ni, phật tử từng bước được nâng cao, cơ sở thờ tự và hệ thống giáo dục Phật giáo ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với xu thế chung của xã hội. Tăng, ni, phật tử có nhiều điều kiện thuận lợi để tu nghiệp tại nước ngoài. Các đạo tràng tu học Phật pháp được hình thành và phát triển trên khắp mọi vùng miền đất nước, từ thành thị cho đến những vùng sâu vùng xa, nơi đâu cũng ghi dấu sứ mệnh hoằng hóa của tăng sĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần đóng góp thiết thực vào công cuộc nâng đời sống an sinh xã hội; không chỉ vậy, trên phương diện giáo dục, đối ngoại, Phật giáo Việt Nam cũng đã từng bước nâng cao vị thế trên trường quốc tế thông qua các hội thảo, sự hợp tác đào tạo, và thành công tổ chức những sự kiện Phật giáo mang tầm cỡ Quốc tế, từ đó càng khẳng định niềm tin vững chắc vào hàng ngũ tăng, ni trong và ngoài nước, vào vai trò của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Với vai trò là một trong 09 tổ chức hợp thành, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã đóng góp tích cực trong công cuộc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981, cũng như xuyên suốt trong quá trình lịch sử 40 năm hình thành, ổn định và phát triển GHPGVN, điều này đã được minh chứng qua dòng chảy lịch sử hình thành của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử mà chúng tôi đã trình bày trong bài tham luận của mình. Chúng tôi tin tưởng rằng tăng, ni, phật tử trong Tông phong Hệ phái Phật giáo Cổ truyền Việt Nam sẽ tiếp tục cống hiến trí lực, tài lực để ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển ngày càng vững mạnh hơn nữa, đồng hành cùng sự phát triển dân tộc, của đất nước.

Đại đức Thích Huệ Nghiêm
Uỷ viên Ban Trị sự, Phó ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Bình Dương

———————-

CHÚ THÍCH:

[1] . Thích Huệ Thông (2019), Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa – Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh.
[2] . Theo tư liệu trong bài “Tưởng nhớ Hòa thượng Thích Bửu Ý” của Lê Quốc Sử – nguyên cán bộ tôn giáo vận.
[3] . Tham khảo toàn văn Bản Điều lệ Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam trong phần phụ lục của Kỷ yếu và Hồ sơ lưu trữ tại Tổ đình Hội Khánh, Tổ đình Giác Lâm
[4] . Bức thư này hiện được lưu trữ tại Tổ đình chùa Hội Khánh.
[5] . Tham khảo toàn văn Bản Hiến chương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong phần phụ lục của Kỷ yếu
[6] Theo Hòa thượng THÍCH HUỆ THÔNG, LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ BẢN CHẤT CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM.
[7] Theo Hòa thượng THÍCH HUỆ THÔNG, LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ BẢN CHẤT CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM.
[8] Theo Hòa thượng THÍCH HUỆ THÔNG, LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ BẢN CHẤT CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM.
[9] Trích từ bài viết “Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam” trong chuỗi hoạt động của báo chí Phật giáo Hướng tới kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN, đăng trên Giác Ngộ Online số ra ngày 22/09/2016, do tác giả Hoàng Hạ tổng hợp.
Nguồn: https://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/2016/09/22/7E5293/
[10] Trích nguồn: https://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/2016/09/22/7E5293/
[11]Trích nguồn: https://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/2016/09/22/7E5293/
[12] Trích nguồn: https://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/2016/09/22/7E5293/
[13] Trích nguồn: https://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/2016/09/22/7E5293/
[14] Trích từ diễn văn góp ý về cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam của Hòa thượng Thích Bửu Ý, đăng trong tập “Kỷ yếu Hòa thượng Thích Bửu Ý” lưu hành nội bộ, năm 1998
[15] HĐCM: Đệ Nhất Pháp chủ Trưởng lão HT. Thích Đức Nhuận; Đệ Nhị HT. Thích Tâm Tịch; Đệ Tam HT. Thích Phổ Tuệ. HĐTS: Đệ nhất Chủ tịch Trưởng lão HT. Thích Trí Thủ; Đệ Nhị HT. Thích Trí Tịnh; Đệ Tam HT Thích Thiện Nhơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kỷ yếu Hội thảo: Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, 2020.
2. Thích Huệ Thông (2020), 40 năm một chặng đường hình thành, ổn định và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nxb. Đồng Nai.
3. Thích Huệ Thông (2019), Lịch sử Phật giáo Cổ truyền Lục Hoà Tăng, Nxb. Văn hoá Văn nghệ Tp. HCM.
4. Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb Văn hoá văn nghệ Tp. HCM.
5. Thích Đồng Bổn (Chủ biên), (2017), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, Tôn giáo.
6. Trần Hồng Liên (2016), Phật giáo Bình Dương – Lịch sử và hiện trạng, Nxb Phương Đông.
7. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2001), Biên niên sử Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh, Nxb Tp. HCM.
8. Nguyễn Lang (1979), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb văn học, Hà Nội.
9. Nguyễn Đại Đồng (2018), Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb Tôn giáo.
10. Kỷ yếu: Hòa thượng Thích Bửu Ý.
11. Kỷ yếu: Hoà thượng Thích Thiện Hào.
12. Tạp chí Lục Hoà.
13. Các tư liệu, tài liệu được lưu trữ tại Tổ đình Giác Lâm, Tổ đình Hội Khánh.

GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ TÁC GIẢ

Đại đức Thích Huệ Nghiêm, Uỷ viên Ban Trị sự tỉnh, Phó Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Bình Dương, học viên Thạc sĩ khoá III Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành Lịch sử Phật giáo. Nghiên cứu về nghệ thuật Ứng phú đạo tràng tại Nam Bộ và nghi lễ Thiền môn hệ phái GHPG Cổ Truyền Việt Nam.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường