Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Đạo đức sinh thái theo quan điểm của Phật giáo

Đạo đức sinh thái theo quan điểm của Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tóm tắt: Dựa trên các học thuyết triết học căn bản như: Thuyết Duyên khởi, Thuyết Vạn vật bình đẳng, Thuyết Nhân quả báo ứng, v.v.. mà Phật giáo đã xây dựng nên các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức sinh thái căn bản như thực hiện lối sống thân thiện với môi trường, khơi dậy Phật tính, tránh xa sân hận, tạo dựng nghiệp thiện, tránh xa nghiệp ác và nhận thức cuộc đời là vô ngã, vô thường, v.v.. đã có một ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với bản thân Phật giáo mà còn đối với sự nghiệp giáo dục đạo đức sinh thái của nhân loại.

1. Đặt vấn đề.

Đạo đức sinh thái tưởng chừng như đó là vấn đề của đời sống xã hội hiện đại nhưng thực ra nó lại có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử phát triển trong các học thuyết tư tưởng, các tôn giáo. Cũng giống như nhiều tôn giáo lớn trên thế giới, Phật giáo quan tâm đến đạo đức sinh thái không phải là một nhận thức tiên tri đi trước thời đại mà nó thực chất là một phần giáo lý của tôn giáo này trong quan niệm về thế giới, về nhân sinh mà ở đó việc đặt ra và tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực của đạo đức sinh thái như là một trong những giải pháp nhằm giúp mỗi chúng sinh tự tìm thấy con đường đi đến “giải thoát”.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 3.2017 Dao duc sinh thai theo quan diem Phat giao 1

2. Những cơ sở triết học hình thành đạo đức sinh thái của Phật giáo

Những tư tưởng đạo đức sinh thái Phật giáo đó được hình thành trên các luận thuyết chủ yếu của Phật giáo, như: Thuyết Duyên khởi, thuyết Vạn vật bình đẳng và Thuyết Nhân quả – Báo ứng…

Thuyết Duyên khởi (pratītyasamutpāda), quan niệm về Duyên khởi xuất phát từ quan điểm của đức Phật cho rằng: toàn thế giới là một chỉnh thể thống nhất chặt chẽ bởi các mối quan hệ chồng chéo, khắng khít không thể chia cắt. Cái này là duyên để cái kia tồn tại, vạn vật trong thế giới này vì thế mà tồn tại đa dạng và sống động. Nếu chẳng may một cái mất đi sẽ kéo theo sự mất đi hoặc biến đổi hoặc xáo trộn của cái khác..Như vậy, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là mối quan hệ cộng sinh, cùng sinh tồn và phát triển.

Trong kinh Tạp A hàm (Samyuktāgama), quyển 10 của Phật giáo đã thuyết minh điển hình tư tưởng Duyên khởi nói: “Nếu cái này có, cái kia có, do cái này sinh, cái kia sinh, nếu cái này không có, cái kia không có, do cái này diệt, cái kia diệt…” . Vạn vật đều do Duyên khởi mà thành. Duyên khởi vừa là điểm bắt đầu nhưng cũng là điểm cuối cùng của hành trình đi đến “Giải thoát”. Nhưng điều quan trọng bậc nhất trong Duyên khởi là nói lên sự tồn tại trong mối liên hệ phụ thuộc giữa con người với xã hội và tự nhiên. Từ học thuyết Duyên khởi có thể thấy cá nhân, nhân loại, xã hội đều không thể tồn tại độc lập mà là tồn tại trong mối quan hệ tương quan chặt chẽ với thiên nhiên. Làm tổn hại thiên nhiên chính là làm tổn hại bản thân nhân loại; phá hoại thiên nhiên chính là phá hoại sự tồn tại của bản thân nhân loại. Từ đó Phật giáo rút ra những chỉ giáo cần thiết đối với chúng sinh: “làm sao ngăn ngừa sự phá hoại sinh thái do con người gây ra, làm sao duy trì, bảo vệ sự cân bằng sinh thái bình thường, làm sao hoàn thiện điều kiện tương quan, nhân tố có lợi nâng cao sinh thái, là trách nhiệm quan trọng nhất của con người, cũng chính là trách nhiệm quan trọng nhất để nhân loại bảo hộ bản thân” .

Thuyết vạn vật bình đẳng. Trong vòng xoay của tạo hóa, vạn vật vận động chuyển hóa vừa là nguyên nhân của nhau, vừa là kết quả của nhau theo các quy luật của luân hồi “Sinh – trụ – dị – diệt” hoặc: “Thành – trụ – hoại – không” nên vạn vật dù cao hay thấp đều trở nên cần thiết cho nhau. Vai trò, vị trí của mỗi một vật, một kiếp trong thế giới này do đó trở nên bình đẳng với nhau, không cao, không thấp, không sang, không hèn. Do đó đức Phật mới nói: “Tất cả mọi người trong trăm chủng tộc khác nhau ấy đều có thể mang bột tắm đến nước và tắm rửa, trừ khử các cấu bẩn cho thật sạch. . . tất cả những người trong trăm chủng tộc khác nhau kia đều có thể dùng bất cứ loại gỗ nào làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên”. Từ đó, Phật giáo khuyên chúng sinh thực hành lối sống từ bi, không tranh đoạt và làm tổn hại đến môi trường xung quanh, lối sống thiện lương, không sát sinh (bất sát) cũng là xuất phát từ triết lý vạn vật bình đẳng như đã phân tích ở trên.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 3.2017 Dao duc sinh thai theo quan diem Phat giao 2

Thuyết nhân quả báo ứng. Đây là một trong những lý thuyết căn bản của triết học Phật giáo về nhân sinh quan. Nhân duyên đó không phải là sự ngẫu nhiên mà là kết quả tất yếu của những tác động từ luật nhân quả (còn gọi là Nghiệp). Nghiệp của mỗi người gặp phải trong đời có thể là “nghiệp xấu” (cuộc đời gặp nhiều bất trắc, kém an toàn) hoặc “nghiệp tốt” (cuộc sống gặp nhiều thuận lợi, hanh thông). Con người tạo ra “nghiệp” của chính mình nhưng những tác động của nghiệp (báo hoặc quả báo) đến cuộc đời thực của mỗi người lại khá phức tạp, có khi trực tiếp có khi lại gián tiếp. Chẳng hạn như đời này tạo ra “nghiệp” nhưng rất có thể “nghiệp” đó lại thể hiện ra kết quả và tác động đến con cháu đời sau. Nói một cách đơn giản, “nhân quả báo ứng” chính là làm thiện được quả báo thiện, còn làm các điều ác bị quả báo ác. “Luật nhân quả” chính là phương thức, qui tắc cùng định luật cố định của nhân quả báo ứng, nó ứng nghiệm cho bất kỳ ai không kể thân sơ, sang giàu hay hèn kém.

3. Các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức sinh thái của Phật giáo

Từ các cơ sở lý luận triết học như đã phân tích trên đây, Phật giáo là một trong số ít các tôn giáo trên thế giới ngay từ khi mới xuất hiện đã đặc biệt quan tâm đến các vấn đề về đạo đức sinh thái. Đạo đức sinh thái Phật giáo là hệ thống các quan niệm và nhận thức được hình thành trên cơ sở giác ngộ về những chân lý của Phật giáo về các thuyết nhân khởi, Nhân quả – Báo ứng và sự tồn tại bình đẳng để từ đó định ra các nguyên tắc ứng xử, các chuẩn mực về hành vi trong lối sống hài hòa, cân bằng giữa con người với con người và giữa con người với tự nhiên. Như vậy, khi nói tới đạo đức sinh thái Phật giáo chúng ta thường đề cập tới một số nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức cơ bản sau đây:

Một là, nguyên tắc thực hiện lối sống thân thiện với môi trường và đề cao chuẩn mực đạo đức hiếu sinh, không sát sinh (bất sát). Như đã phân tích Phật giáo cho rằng vạn vật dù nhỏ bé hay to lớn nhưng một khi đã sinh ra và tồn tại trong thế gian đều có vai trò, vị trí bình đẳng như nhau. Cuộc sống của muôn loài là một sinh thái đa dạng, vừa mang tính độc lập, cá biệt nhưng cũng vừa phụ thuộc lẫn nhau. Đó cũng là lý do Phật giáo đề ra nguyên tắc thực hiện lối sống thân thiện với môi trường, phải đặt cuộc sống của mỗi cá nhân nằm trong mối liên hệ với các cá nhân khác. Do đó, phải lấy lối sống hiếu sinh, thân thiện với muôn loài thay cho lối sống ích kỷ, hiếu sát hủy diệt môi trường như đức Phật thường dạy: “Người phật tử không được hoặc tự mình giết, hoặc bảo người giết, dùng phương tiện giết, khen tặng sự giết, thấy giết mà tùy hỷ, nhẫn đến dùng bùa chú để giết, vân vân, phàm tất cả các loài hữu tình có mạng sống, đều không được cố ý giết chúng”. Hoặc: “Người thường sinh tâm sát hại, càng tăng trưởng nghiệp khổ, mãi xoay vần trong sinh tử, không có ngày ra khỏi” (Kinh Lăng Già).

Nhân loại đã và đang chứng kiến sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định từ tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm. Trong những năm gần đây, sự thay đổi khí hậu đã và đang diễn ra hết sức gay gắt với hiện tượng nóng lên toàn cầu. Chưa bao giờ loài người lại đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách đặc biệt là những khó khăn và thử thách từ sự thay đổi dẫn đến khủng hoảng môi trường và những tác động tiêu cực của nó đến cuộc sống của chính con người. Tất cả đang đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe và sự an toàn của cả nhân loại.

Hai là, khơi dậy Phật tính, tránh xa sân hận. Khái niệm “Phật tính” ở đây cần được hiểu là tính thiện lương hay lòng trắc ẩn, thái độ khoan dung vốn có của con người. Theo Phật giáo, vạn vật sinh ravà tồn tại trong thế giới vốn nằm trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Nhìn bề ngoài, mỗi người mỗi kiếp tuy có khác nhau nhưng về cơ bản giữa chúng đều có những đặc điểm chung ẩn chứa bên trong là tính thiện lương hay còn gọi là Phật tính. Chính yếu tố Phật tính, cái tàng chất ở bên trong mỗi một con người, mỗi một sự vật đã làm cho vạn vật tuy khác nhau nhưng lại gần gũi và bình đẳng với nhau. Do đó, Phật tính chính là sợi dây gắn kết cuộc sống giữa con người với con người, giữa con người với vạn vật. Phật tính chính là mục tiêu để con người hướng đến một lối sống nhân ái và từ bi như đức Phật vẫn thường dạy: “Chúng ta mỗi loài tuy thân hình khác nhau, mà vẫn đồng một Phật tính. Phật tính đã bình đẳng thì không thể viện lý do gì để nói rằng Phật tính ở người giá trị hơn ở vật, ở giai cấp này màu da này giá trị hơn giai cấp kia màu da kia”. Tuy nhiên, cũng theo Phật giáo, Phật tính vốn là tiềm năng sẵn có trong mỗi người nhưng để khơi dậy được tiềm năng đó cũng không hề dễ dàng. Lý do là dù mỗi người đều mang tiềm năng Phật tính nhưng trong cuộc sống trần tục con người đôi khi còn chịu sự ràng buộc bởi những sân hận (sự tác động qua lại giữa danh và sắc nên dẫn tới tham, sân, si…). Chính yếu tố sân hận này khi phát triển đến mức thái quá có thể trở thành vật cản, che lấp tính thiện lương, lòng trắc ẩn của mỗi người đã làm cho cái xấu, cái ác cũng từ đó mà ra. Cũng từ quan niệm đó, Phật giáo cho rằng để khơi dậy được Phật tính, đồng thời tránh xa được sân hận thì mỗi người không có cách nào khác là phải lấy sự khoan dung cùng với tình yêu thương vô điều kiện giữa bản thân với muôn loài làm cứu cánh như đức Phật thường nói với đệ tử của mình: “Không có lý do gì để thân thiện với người này và thù địch với kẻ khác. Tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau, vì ai cũng đều muốn hưởng hạnh phúc an lạc và không ai thích bệnh tật khổ đau. Do đó, chúng ta phải đối xử với mọi người bằng tình thương không phân biệt” .

Ba là, tạo dựng nghiệp thiện, tránh xa nghiệp ác. Luật Nhân quả theo Phật giáo thể hiện thành quy luật thiện, ác theo nguyên tắc: “Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai!”. Khi Nhân quả được hình thành sẽ tạo ra một kết quả chung gắn với cuộc đời của mỗi người hay sự vật gọi là “Nghiệp”. Nghiệp là kết quả của một xâu chuỗi của sự tác động nhân – quả nhưng nghiệp cũng tạo ra quả báo trong tương lai. Quả báo khi đủ nhân duyên sẽ làm chúng sinh tái sinh vào một cuộc đời, một hoàn cảnh nhất định, một điều kiện sống cụ thể, nhưng hành động của chúng sinh trong cuộc đời đó vẫn có sự tự do và dựa theo nhận thức của chúng sinh đó. Hành động do chúng sinh lựa chọn thực hiện sẽ tạo ra nghiệp mới và quả báo mới như đức Phật thường nói: “Ác nghiệp chính do mình tạo, tự mình sinh ra. Ác nghiệp làm hại kẻ ngu dễ dàng như kim cương phá hoại bảo thạch… Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được”. Nghiệp theo Phật giáo có hai loại: gồm nghiệp tốt (hay nghiệp thiện) và nghiệp xấu (hay nghiệp ác hay nghiệp khổ). Một nghiệp tốt có thể mang lại kết quả tốt trong một sự tái sinh, là cơ hội để thoát khỏi vòng luân hồi. Trái lại nếu gặp phải nghiệp xấu (theo Phật giáo: dù nghiệp tốt hay nghiệp xấu cũng đều do con người tự tạo ra) có thể mang lại kết quả xấu trong một sự tái sinh, cuộc đời còn bế tắc trong kiếp luân hồi như lời dạy của đức Phật: “Người thường sinh tâm sát hại, càng tăng trưởng nghiệp khổ, mãi xoay vần trong sinh tử, không có ngày ra khỏi”.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 3.2017 Dao duc sinh thai theo quan diem Phat giao 3

Từ những sự phân tích trên đây cho thấy tư tưởng “Tạo nghiệp tốt, tránh xa nghiệp ác” do đó trở thành một trong những nguyên tắc đạo đức sinh thái phổ biến của Phật giáo để thực hành một lối sống thân thiện của chúng sinh trên con đường diệt khổ. Có nhiều cách để “tạo nghiệp tốt, tránh xa nghiệp ác” nhưng theo Phật giáo cách tốt nhất là thực hiện “Thập thiện” và “Ngũ giới”.

Bốn là, nhận thức cuộc đời là vô ngã, vô thường. Nếu loại bỏ được sự ham muốn (tham, sân, si) thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy đời người là “vô ngã, vô thường” (tạm thời và luôn thay đổi, “chư hành vô thường, chư thức vô ngã”). Từ đó, Phật giáo tin rằng: một khi chúng ta nhận thức được cuộc đời là vô ngã, vô thường thì nó cũng giúp chúng ta thay đổi về mục đích, lối sống và các chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống. Thay vì việc đeo đuổi một mục đích và lối sống tranh đoạt, ích kỷ cho cá nhân, cho bản thân mỗi người chúng ta sẽ tự nguyện lựa chọn một cuộc sống xả thân, dâng hiến cho cộng đồng, cho đồng loại. Trong lối sống này mọi nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức ích kỷ truyền thống sẽ bị lên án và thay vào đó bằng các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức mới – đạo đức của lối sống cộng đồng bền vững hay đạo đức sinh thái.

4. Kết luận

Là một trong những tôn giáo lớn vào bậc nhất trên thế giới nên những di sản tư tưởng mà Phật giáo để lại cho nhân loại có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong đó có tư tưởng về đạo đức học sinh thái. Đạo đức học sinh thái của Phật giáo ra đời dựa trên các học thuyết triết học căn bản của Phật giáo như: Thuyết duyên khởi, Thuyết vạn vật bình đẳng, Thuyết nhân nhân quả báo ứng, v.v.. với các nguyên tắc căn bản như: thực hiện lối sống thân thiện với môi trường và đề cao chuẩn mực đạo đức hiếu sinh, không sát sinh (bất sát); Khơi dậy Phật tính, tránh xa sân hận; Tạo dựng nghiệp thiện, tránh xa nghiệp ác; và nhận thức cuộc đời là vô ngã, vô thường, v.v.. không chỉ phản ánh trung thực mục tiêu, tôn chỉ cũng như những triết lý căn bản về thế giới quan và nhân sinh quan của tôn giáo này trong suốt tiến trình hình thành và phát triển mà nó còn có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với việc nghiên cứu và giáo dục đạo đức sinh thái trong giai đoạn hiện nay.

PGS.TS.Phạm Công Nhất – Phó Giáo sư, Tiến sĩ triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 3/2017

———————

Chú thích:
1. Lý Duyên khởi (Trung Bộ Kinh, Kinh 115, Bahudhatuka Sutta) – Bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu
2. Phương Lập Thiên (2005),“Triết học sinh thái Phật giáo và ý thức sinh thái hiện đại”, Tạp chí Huyền Trang Phật học nghiên cứu (Đài Loan), kỳ 2, trang 135 – 172, Nguồn: http://www. lieuquanhue.vn, ngày 13/5/2015
3. Kinh Trung A Hàm, Kinh Phạm Chí A Nhiếp Hòa, Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch. VNCPHVN ấn hành, 1992, tr 447
4. Chương trình phát thanh Phật giáo, Bài 20: Giới không sát sinh. Thư viện Hoa sen ( www.thuvienhoasen.org http:// thuvienhoasen.org/a11554/20-gioi-khong-sat-sinh)
5. Joanthan Landaw, Lược truyện đức Phật Thích Ca (Thích Chân Tính dịch). Nhà xuất bản Tôn giáo, 2006, tr. 167.
6. https://vi.wikipedia.org/wiki/Nghi%E 1%BB%87 p_ (Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o)
7. Kinh Lăng già

Tài liệu tham khảo chính:
1. C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 42. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Kinh Trung A Hàm, Kinh Phạm Chí A Nhiếp Hòa, Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch. VNCPHVN ấn hành, 1992.
3. Joanthan Landaw: Lược truyện đức Phật Thích Ca (Thích Chân Tính dịch). Nhà xuất bản Tôn giáo, 2006.
4. Phương Lập Thiên (2005),“Triết học sinh thái Phật giáo và ý thức sinh thái hiện đại”, Tạp chí Huyền Trang Phật học nghiên cứu (Đài Loan), kỳ 2
5. Thanh Vân – Nguyên Duy Nhường: Từ điển danh ngôn Đông Tây. NXB Văn Hóa, Hà Nội 1993.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường