Trang chủ Lịch sử - Triết học Đại Tỳ kheo ni Thích Giác Viên

Đại Tỳ kheo ni Thích Giác Viên

Đăng bởi: Tâm Đạt
ISSN: 2734-9195

Bà húy là Sao, tự là Thụy Nhũ, thường gọi là bà Viên. Thân mẫu là Thuận Nhân mơ thấy nuốt sao Bắc Đẩu rồi sinh ra nên đặt tên như thế. Bà xinh đẹp, thông tuệ, thạo luật thơ, lại học được phép bí truyền trừ tà. Chúa lấy danh nghĩa bà là con thầy1 để đưa vào vương phủ làm Cung tần. Vốn không thích cảnh trần thế vẩn đục, bà xin được xuất gia. Chúa không nghe, sai làm chùa trong phủ. Bà bèn làm một bài thơ Quốc Âm, xin Chúa nếu họa được, bà sẽ ở lại, bằng không xin được vượt Tích Giang lên phía Bắc. Thơ rằng:

Chùa nho nhỏ, cảnh tiu tiu,

Luống để tay tiên bận dặt dìu.

Non nước phiêu la phiêu lửng,

Cỏ hoa rung khẳng rung khiu

Bài thơ khó họa vần, Chúa đành phải đưa bà về chùa Nhạn Tháp, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An (nay là thôn Nhạn Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Chín tòa chùa sắp một hàng, hai bên hành lang dài như dãy phố. Cộng tất cả 112 gian, tượng Phật và các Tổ đều đắp rất tinh xảo, trông như người sống, đến Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng phải công nhận là tuyệt xảo mà bảo tồn2, thực là một nơi danh lam thắng cảnh. Chùa do Chuyết Chuyết Hòa thượng, Minh Hành Thiền sư với sự giúp đỡ tích cực có hiệu quả của hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và con gái Lê Thị Ngọc Duyên trùng tu xây mới, lập nên một đệ nhất danh lam ở Kinh Bắc.

dai ty kheo ni thich giac vien 01

Cô Viên xuất gia rồi thọ Tỳ kheo ni giới tại chùa Ninh Phúc với Thiền sư trụ trì Vô Trụ Như Tùy và được bản sư ban pháp danh Thích Giác Viên, pháp hiệu Minh Minh. Từ đó việc tu đạo ngày càng sâu. Tương truyền khi qua sông Hồng, bà không chờ thuyền mà thả chiếc nón tu lờ xuống để sang.

Bà còn đi khắp vùng quê trừ tà chữa bệnh cho dân, được ngợi ca là có phép Thánh. Ngạn ngữ vùng có câu: “Thầy thuốc lang Kỷ, Phù thủy bà Viên. Hai đấy đã hèn, đố ai chữa được”. Về đạo thuật của bà, bia đá viết: “Cả tổng Tông Xá tỉnh Hải Dương đều phụng thờ tôn kính gọi bà là Tỷ Viên công chúa”.

Sau khi Thiền sư Vô Trụ Như Thùy viên tịch, sư Giác Viên kế đăng trụ trì chùa Ninh Phúc, bà đã dốc hết tâm sức để tu bổ sửa sang chùa ngày một khang trang, tráng lệ. Tháp Ni Châu thờ bà có ghi: “Con gái Nguyễn Quốc sư ở phường Đông Tác, vào chầu trong phủ chúa, về sau trụ trì tại đây. Bà đã cúng 3 mẫu ruộng ở làng Nhạn Tháp để chi dùng vào việc đèn hương”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (1795-1868) thường gọi là cụ Nghè Đông Tác3, năm Tân Mão niên hiệu Minh Mệnh thứ 4 (1831) đi thăm chùa ở phủ Thuận An, nhân tìm di tích Tổ cô ở chùa Bút Tháp, may gặp Lý trưởng ở cửa Tam quan. Ông dẫn tới xem khám để tượng thờ và tháp đá. Trên tháp có ghi: “Con gái của Đông Tác Nguyễn Quốc sư, nhập thị phủ Chúa, sau quy Thiền ở đây. Hiện có 3 mẫu ruộng kỵ ở hương Nhạn Tháp để giỗ cha mẹ là cụ Đại vương và cụ bà Thuận Nhân, với lời thề ‘ruộng không thể chuyển bán’”.

Nguyễn Văn Lý nhớ lại: “Năm Quý Tỵ (1833), Lý tôi được bổ làm Tri phủ Thuận An. Nhạn Tháp là một xã thuộc huyện Siêu Loại. Gặp ngày giỗ chạp cụ thân sinh ra bà, dân xã mổ lợn dâng cúng, thấy lòng người thờ phụng đã thành nếp. Tôi có thơ đề ở chùa như sau:

Tháp Nhạn khởi tri kim tái đáo

Nhất quan như hữu Trĩ Xuyên tâm

(Tháp Nhạn đâu ngờ nay lại đến

Làm quan nên bắt trước Cát Hồng)

Phải chăng hồn thiêng của bà Tổ cô đã khiến tôi về thăm nơi đây?

Đại vương được phong Phúc thần, con của ngài là Thần, là Thiền, là Phật. Đó chính là linh ứng của khí thiêng nơi phúc địa chăng?”4

Hiện nay ở chùa còn có tháp, trên đề ba chữ là Ni Châu tháp, xung quanh chép tường sự tích. Cả vùng dân ấy cho chí tổng Tống Xá, tỉnh Hải Dương đều phụng thờ tôn kính, cứ đến ngày 15 tháng 2 thì lại rước xách tế lễ linh đình. Một vị thiên kim tiểu thư, tài mạo song toàn, lại được chúa yêu, gác tía lầu cao, vàng kho thóc đụn, cảnh trần ai đến thế, tưởng cũng là cùng cực rồi, thế mà trút tôn vinh như rũ bụi trần, coi thoa xuyến như loài gạch ngói. Cẩm bào đổi dạng nâu sòng, cảnh vắng tìm nơi tu đạo, có cái tuệ căn tuệ lực như thế, lẽ nào mà tu chẳng thành công.

Bài ký trên tháp Ni Châu

Ba mặt tầng 1 tháp Ni Châu chạm khắc 3 văn bia ký hiệu No 2882, 2888, 2886. Chúng tôi dịch 2 văn bia

Bia tháp Ni Châu (Ni Châu tháp bi – 1737)

Khoán ước

dai ty kheo ni thich giac vien 02

Chùa Ninh Phúc – Ảnh: Minh Khang

1. Quan viên hương lão trên dưới ở xã Nhạn Tháp, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, cùng với xã, thôn trưởng là Nguyễn Danh Hiển, Nguyễn Hữu Phùng, Nguyễn Công Minh,… ngưỡng vọng ân huệ của Ni sư hiệu là Diệu Viên, là người tôn sùng đạo Phật, vẫn tại chùa Ninh Phúc, mua ruộng các xứ giao cho bản xã dùng vào việc thờ cúng, mãi mãi làm ruộng Tam bảo. Hàng năm, ngày sinh, ngày mất bản xã chuẩn bị đầy đủ hương đèn, xôi quả đặt trước bài vị hiến cúng. Nhân đó mọi người trên, dưới, lớn, nhỏ trong bản xã họp bàn lập tờ khoán ước để lưu truyền mãi mãi.

Hoặc giả sau này có người dựa vào quyền thế mà tranh đoạt ruộng đó, để đến mất cả thờ cúng, thì nguyện chư Phật cõi trời cùng với long thần thổ địa, các chư linh thần của chùa chứng giám. Làm tờ khoán ước này, tất cả thửa ruộng cùng với ngày sinh, ngày mất khai rõ dưới đây:

Sinh vào ngày 8 tháng 10, cúng 2 mâm xôi quả.

Mất vào giờ Dần ngày 15 tháng 2 năm Tân Dậu (1681), cúng 4 mâm xôi quả.

(kê khai một số thửa ruộng…)

Lập khoán ước vào ngày tốt, tiết mùa hè tháng 5 niên hiệu Lê Vĩnh Hựu năm thứ 3 (1737).

Xã trưởng là Nguyễn Danh Hiển, Nguyễn Hữu Phùng cùng toàn dân xã kí tên.

Đệ tử giữ chức Đề lại người xã Phiêu Kỵ là Nguyễn Danh Dương tên chữ là Thiện Hòa vâng mệnh viết chữ.

2. Trụ trì chùa Ninh Phúc là Tỳ kheo Tính Hài cung kính soạn văn.

Ôi! Thế giới Đại thiên rộng chứa muôn tượng bao la; mấy thước núi thiêng dựng ôm một vầng trăng tỏ, vốn trồng cây Bồ đề không cội, lại mọc ra quả thiện tốt tươi. Ngày gom tháng chứa, Thiền tông vì thế truyền trao, Nho giáo gọi là Trời sinh ra cho cái đức mà không hiểu, không gặp được vậy!

dai ty kheo ni thich giac vien 03

Chùa Ninh Phúc – Ảnh: Minh Khang

May trông, làng Đông Tác5 liền tiếp với huyện Thọ Xương, xóm phường đúng là nơi đất tốt, sẵn có cụ thân sinh làm quan trong triều, cầm thẻ ngọc đứng trong hàng văn võ, bánh ngự bọc trong lụa hồng, phù giúp Quân vương dạy giỗ thế tử, khiến kẻ bất trung biết đó làm răn. Tính cụ lại là người kính cẩn tiết kiệm, đúng là bậc trượng nhân quân tử có đức tốt.

Đến hẹn, thì mầm thiện sinh sôi, vun bồi bởi đất tốt. Mẹ hiền mơ thấy sao Đẩu hiện ra vẻ lành, liền đó có mang rồi sinh ra sư, đặt tên là Thụy Nhũ, được nuôi dưỡng trong chốn nhung gấm, giường đệm có màn rủ trướng che, như chim Hồ nhai mớm, như ong hút nhụy nhả mật.

Đến khi trưởng thành, chí khí nhu hòa, lòng luôn ngăn thẳng, mày ngài thanh tú, chất thể khác phàm. Được cha nghiêm dạy bảo, văn chương thi phú tập học theo sách đạo Nho, chưa đầy vài năm mà kinh thư thấu triệt, câu chữ uyển chuyển. Thân tuy phận gái quần hồng, nhưng trí vượt tu mi nam tử.

May gặp cơ trời cho gặp, quân vương kết tóc xe tơ, như từng cá nước duyên ưa. Sư cảm mối chung tình sâu nặng của Chúa thượng, mới than rằng: “Vua, thầy, cha, mẹ, bốn ân sâu nặng, nếu không báo đáp được ân đó ắt sẽ phải ngậm ngùi mà than là ‘Thân này không cứu, thân nào cứu? Thế gian chẳng gì hơn đức Phật’”. Đấng Đại Hùng không những cứu kẻ hèn yếu ở sông mê mà còn thương kẻ trầm luân trong biển khổ, Cái đạo phù hoa của thế gian không thể cùng ở lâu được! Sống chết như bọt sóng, phồng tan kế tiếp nhau, cái thân giả này như sắc hoa mở mắt trông đêm, sớm nở khuya tàn. Ngày tháng thoi đưa, đàn tâm6 luôn sáng suốt, bỗng chốc đã tới cửa Thiền xuống tóc, theo dòng Long Động, được trao truyền giới Học pháp nữ7, lặng lẽ rón bước mà lần thang.

Đội ơn Bản sư Vô Trụ Như Tùy Thiền sư chứng quả, dìu dắt trao quyền cho làm đệ tử, mới lãnh ý tỏ ngộ, duyên trần tháo bỏ, trân trọng một lòng, cởi áo gấm khoác áo nâu sòng, bỏ lầu son về nơi lều cỏ, tháo xoa xuyến gửi cúng bần tăng, cất lời vàng hòa cùng đại chúng, chứng quả Bồ đề ở chùa Ninh Phúc, dựng tháp đá mà cùng thành Phật đạo. Há chẳng may thay! Há chẳng vui thay! Tin là vào Trung đạo không còn mảy ngờ mà dựng nên tháp Ni Châu.

Tháp Ni Châu có nghĩa là: Ai khéo tu tập vun bồi gốc thiện, thì mới kết quả Bồ đề. Quả Bồ đề tựa viên ngọc châu Ma Ni, thể tính vốn trong sáng nhưng bị bụi ghét làm hoen ố nhiều kiếp, nếu không dùng phép phương tiện lau chùi mài dùi, thì sao sáng được như mặt trời. Mới nói là “Châu sáng” mà ai dám tin là sáng, cho nên gọi là “Tháp Ni Châu”. Sang bờ kia liền lên lầu, trên đài sen cùng ngồi xuống, đợi đến khi nào mặt trời ngậm núi thì theo đó mà rũ áo về Cực lạc, sẵn có thần lực ngầm trợ cho được vuông tròn yên lắng, thì lại ngầm trở về cõi An dưỡng. Nay đặt xá lị vào nơi muôn mãi, khiến cho Thiền tông được mãi truyền.

Nuôi dưỡng Thiền môn đệ tử gồm: Tính Triển, Hải Diệu, Hải Tường, Hải Chấn.

Lập tờ ước vào ngày lành tháng Hè năm thứ 5 niên hiệu Vĩnh Hựu (1739)

Xã trưởng là Nguyễn Danh Hiển, Nguyễn Hữu Phùng cùng toàn xã cùng ký tên.

Đệ tử người xã Kiêu Kị giữ chức Đề lại là Nguyễn Danh Dương, tự là Thiện Hòa vâng mệnh viết chữ.

Lại đến chùa Ninh Phúc thăm di tượng tổ cô, cảm xúc làm thơ:

Câu Lậu, tâm thành nhận chức quan,

Ngày xuân viếng tháp gió miên man.

Trúc tùng lay động trong sương nhạt,

Chuyện cũ lâu đài, giữa thế gian.

Tích trượng bay rồi còn tháp lẻ,

Bảo đàn khám lặng, bóng trăng tan.

Lầu hoa đâu thấy bài tâm kệ,

Tiếng Phạn đâu còn vang Ngư Sơn!

(Thơ Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Trâm dịch).

Tác giả: Nguyễn Đại Đồng

Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 11/2018


CHÚ THÍCH:
1. Cha bà là Nguyễn Hy Quang (1634-1692), thầy dạy Tấn Quang Vương Trịnh Bính (1670-1702). Trịnh Bính là cháu nội của chúa Trịnh Cương (1633-1709) và là con trai trưởng của Lương Mục vương Trịnh Vịnh (1651-1678). Tấn Quang Vương sinh được 17 người con trai, con trai trưởng là chú Hy Tổ Nhân vương Trịnh Cương; con trai thứ 11 là Trịnh Thập xuất gia theo học Chân Nguyên Đại sĩ, được ban pháp danh Như Trừng Lân Giác (1696-1733), sáng lập phái Liên Tông.
Con trai của Nguyễn Hy Quang là thượng tướng quân Nguyễn Hữu Dụng (1661-1729), đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ Võ) được phong tước Tào quận công và phối thờ trong đình Trung Tự.
Cháu ruột của Nguyễn Hy Quang là Nguyễn Trù (đời 8), đỗ Hoàng giáp năm 1697, sau làm quan đến chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
2. Viện Viễn Đông Bác Cổ đã tạc nguyên mẫu tượng Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn tại chùa Bút Tháp trưng bày tại Viện (Bảo tàng Lịch sử hiện nay ở Hà Nội).
3. Nguyễn Văn Lý là cháu 5 đời của cụ Nguyễn Hy Quang; Cụ là ông nội của Giản Thạch Nguyễn Hữu Cầu (1879-1946), sáng lập viên Đông Kinh Nghĩa Thục và là cụ nội cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902-1954), tác giả bộ Hán Việt tự điển nổi tiếng.
4. Nguyễn Văn Lý, Thọ Xương Đông Tác Nguyễn Thị thế phả. Ký hiệu A1331, Viện Hán Nôm. PGS.TS Trần Thị Băng Thanh (chủ biên) Chí Đình Nguyễn Văn Lý (1795 – 1868) Tuyển tập thơ văn. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, 2011.
5. Thuộc làng Trung Tự, phường Đông Tác, nay là phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội
6. Đàn tâm: Đàn tâm: chỉ cái chấm trang điểm hình hoa mai trên trán con gái, miêu tả ý chí hoặc tấm lòng son sắt (chú thích của Lê Quốc Việt).
7. Học pháp nữ: Nguyên văn là “Giới phẩm đề xoa”, không rõ nghĩa. Nghi là Học pháp nữ, tức là Giới bản Thức xoa ma na ni, là mọi uy nghi và giới pháp của Tỳ kheo ni. (chú thích của Lê Quốc Việt).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Viện Nghiên cứu Hán Nôm-Hội Sử học Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý và dòng họ Đông Tác, Nxb Văn hóa dân tộc, 2000.
2. Nguyễn Văn Lý, Thọ Xương Đông Tác Nguyễn Thị thế phả. Ký hiệu A1331, Viện Hán Nôm.
3. PGS.TS Trần Thị Băng Thanh (chủ biên) Chí Đình Nguyễn Văn Lý (1795 – 1868) Tuyển tập thơ văn. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, 2011.
4. Thích Thanh Sơn, Tìm hiểu văn bia chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh, Luận văn Thạc sĩ, 2017.
5. Nguyễn Đại Đồng, Những người con gái tiêu biểu của đức Phật, Nxb Tôn giáo, 2013

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường