Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Con đường hạnh phúc

Con đường hạnh phúc

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Trong điều kiện sinh vật dù là sinh – vật – người, chúng ta cũng cần phải ăn – để mà sống – để mà tìm ra hạnh phúc – mà tung tăng trên con đường hạnh phúc.

Ngoài thở, ngoài ăn, con người còn cần nhiều điều kiện cần thiết khác, không nói hẳn ai trong chúng ta cũng ý niệm được rồi. Lại nói một ví dụ: con người, cũng như mọi sinh vật, cần hơi ấm nhưng lại cần hơi ấm một cách phù hợp. Cụ thể là: cần hơi ấm trong phạm vi nhiệt độ từ X độ đến tối đa là Y độ. Dưới hay trên độ ấy, con người chúng ta sẽ không chịu đựng được, tồn tại được. Trong Kinh sách, người ta có những thuật ngữ để nói về cái khả năng “chịu nóng” được của những bậc xuất chúng, ví dụ như kim cương bất hoại, hoặc: hỏa nội đắc thanh lương.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 7.2020 Con duong hanh phuc 1

Kim cương bất hoại là để chỉ cái công phu bản lĩnh của người tu luyện cao tuyệt đỉnh, thân thể cứng như thép, chịu đựng được mọi va chạm cũng như mọi sức nóng.

Hỏa nội đắc thanh lương là ở trong lửa mà như ngồi nhà mát. Hai thành tựu phi thường này dường như là để nói về mặt tâm lý thì đúng hơn nhất là câu hỏa nội đắc thanh lương: có cơ thể nào ngồi trong lửa (mà vẫn nghe như đang ở trong nhà mát) được? Họa chỉ có về mặt tâm lý, tinh thần. Dù ở trong nghịch cảnh đầy khổ nhục, bậc cao nhân đắc đạo vẫn giữ được lòng thanh thản an vui.

Chúng ta đã nói qua về điều kiện yên thân. Đặc điểm của nó là tính hữu điều kiện nhất. Là khi đem so sánh với hai “cái yên” còn lại. Chúng ta phải hết sức lưu ý điều này, nếu muốn cho con đường hạnh phúc phải là một con đường mà đôi bàn chân con người có thể đặt lên đó mà tung bước được (chứ không phải chỉ mỗi là chuyện phù phiếm huyền đàm) “Nói láo mà chơi nghe láo chơi” như câu thơ dẫn trong tác phẩm Liêu Trai Chí Dị.

Tóm lại, rõ ràng là để cho con đường hạnh phúc có thể trở thành một cái gì hiện thực, con người chúng ta không thể không lưu ý quan tâm đến vấn đề điều kiện. Một thiền giả muốn ngồi thiền có hiệu quả, ngoài việc chuẩn bị “mặt bằng tinh thần” là một quyết tâm cầu đạo, đương sự song song còn phải chuẩn bị một mặt bằng khác, mặt bằng thể chất, gồm khá lắm thứ. Nào là chỗ ngồi yên tĩnh, thoáng mát, không bị mưa nắng, thú dữ – và cả muỗi mồng nữa chứ! – quấy nhiễu, bằng không thì công phu hành thiền sẽ không thu được kết quả gì, hoặc lắm khi còn tác hại.

Chúng ta biết rằng một vị hành thiền đang thâm hành vào thiền định mà bị quấy rầy bởi một cái gì đó – một tiếng động chẳng hạn – thì rất có khả năng rơi vào cơn khủng hoảng mà nhà đạo thường gọi là tẩu hỏa nhập ma – nói nôm na là một cơn “nhồi máu cơ tim”.

Sự lưu ý về vấn đề “đủ điều kiện” này không có nghĩa là một việc bàn phiếm: nó đóng một vai tuồng cực kỳ quan trọng trong công cuộc truy tìm “con đường hạnh phúc” mà loài người chúng ta từ xưa đến nay mãi mãi và luôn luôn đặt lên mục tiêu hàng đầu.

Sở dĩ một nhận thức về “sự tình huống điều kiện” nói trên là cực kỳ quan trọng là vì chính nó chứ chẳng phải cái gì khác sự quyết định phương hướng của con đường hạnh phúc vậy. Vì nhận thức như thế, rằng cuộc sống nói chung và cuộc sống con người nói riêng, là một hiện thực hữu điều kiện nên đương nhiên trong công cuộc mưu cầu hạnh phúc. Chúng ta không thể giữ thái độ huyền hoặc không tưởng, phủ nhận các “điều kiện không thể không có” của sự hiện hữu mang tên là cuộc sống này. Một nhận thức về “hữu điều kiện” do đó dĩ nhiên sẽ góp phần cơ bản trong công trình kiến tạo mô hình của tòa lâu đài hạnh phúc của loài người chúng ta vậy.

Người ta thường bảo ca dao tục ngữ là “trí khôn của đại chúng”. Thực cảm động sự đánh giá đó, nhưng thực ra thì phải nói rằng còn hơn thế nữa, nó là trí tuệ, là minh triết của một dân tộc. Và để nói cho trọn vẹn, ca dao tục ngữ còn là trí tuệ là minh triết của loài người.

Trong số hằng hà sa số những câu phản ảnh trí tuệ, minh triết đó có câu này: “Có thực mới vực được đạo”. Trong mô hình của “tòa lâu đài hạnh phúc” thiết nghĩ không thể nào thiếu được cái tính “hữu điều kiện” nằm trong nội dung câu tục ngữ trên phải có thực chứ, để cho cái sinh vật con người chúng ta hội đủ điều kiện để tự phát huy mình trên con đường hạnh phúc – con đường đi tới Chân Thiện Mỹ.

Trong ba yếu tố “yên”, chúng ta đã lượt bàn về mục yên thân. Nay thử bàn sang mục yên tâm.

Muốn hạnh phúc, trước hết cái thân phải được yên, yên trong những điều kiện sinh vật lý ít ra là tối thiểu, không có – không được.

Trên cơ bản một cái thân đã được yên, không bị nóng lạnh, đói rét, bệnh tật… phiền nhiễu, con người hẳn nhiên có đủ thuận lợi để kết hợp cái tâm mình với những trạng thái đã lược nêu ở trên (một sự mãn nguyện, một sự bình an, một sự hòa hợp, một sự vô ngã, một sự cảm nhận mình hiện hữu, một sự tự tại…)

Một khi quy hợp được những trạng thái tâm lý như thế, có thể nói chúng ta đã đạt được cái tiêu chí của sự tâm yên rồi vậy.

Có điều là để có thể đạt tới một cảnh giới tâm linh như thế, con người của ta phải có những nỗ lực như thế nào. Phải gieo trồng mới được gặt hái.

Chứ làm gì có của trên trời tự nhiên rơi xuống bao giờ. Cái thuyết cho rằng tự nhiên có của trên trời rơi xuống – khoa học cũng như chính cuộc sống thực tiễn đều có thể chứng minh là bất khả thi. Được nhân quả cách này hay cách khác, đã thể hiện trong cuộc sống của chúng ta khắp nơi từng ngày, từng giờ.

Tóm lại, là chúng ta phải có những công phu những nỗ lực như thế nào đó mới tự thực hiện được cảnh giới yên tâm đó. Các tôn giáo, các triết thuyết đã đưa ra nhiều phương pháp để giúp con người đạt đến cảnh giới nói trên. Trong những phương pháp đó dường như có một phương pháp nổi bật trên tất cả gọi là phương pháp đức tin – cụ thể là một đức tin hướng về tha lực.

Tại sao lại nói một đức tin hướng về tha lực? Rất dễ hiểu: là bởi vì về sự đức tin nó có tất cả hai loại – một loại là đức tin ở chính mình, một loại là tin ở nơi khác. Tin ở nơi khác, người khác, tức là đức tin nơi tha lực vậy.

Và vì đức tin đóng một vai tuồng rất quan trọng trong đời sống con người (và hầu như kể cả đời sống các loài sinh vật khác nữa) nên chúng ta sẽ bỏ chút ít thì giờ để tìm hiểu cặn kẽ về nó.

Điều cần lưu ý là khi nói đến đức tin là chúng ta đang nói đến đối tượng – ít ra thì không chừng nó là như thế.

Nói như thế có nghĩa là tính chất của đức tin là: có đối tượng, nghĩa là khi ta tin là ta tin vào một điều gì đó hoặc một ai đó. Chẳng hạn ta tin vào Chúa, vào Phật, tin vào chủ nghĩa này, chủ nghĩa kia. Hoặc giả trí ít, chúng ta tin vào chính mình.

Tin vào người là niềm tin tha nhân, tha lực, tin vào mình là niềm tự tin. Và dù là tin vào người hay tin vào chính mình thì niềm tin, đức tin vẫn đương nhiên là có đối tượng.

Nét đặc biệt thứ hai là, trừ trường hợp tự tin, còn thông thường thì đối tượng của đức tin phải là một ai đó ở vào một vị trí cao cả hơn tương đối với vị trí của người mang niềm tin hay đức tin vậy. Khi ta đặt niềm tin vào Chúa, vào Phật hay vào một vị lãnh tụ nào đó – thì rõ ràng là sánh với ta, các đối tượng Chúa, Phật, hoặc lãnh tụ đều có vị trí cao cả hơn nhiều. Thông thường là như vậy. Xem thế, chúng ta có thể kết luận là con người thường có khuynh hướng đặt niềm tin, đức tin vào những đối tượng mà họ cho là cao cả hơn họ.

Điều cuối cùng mà chúng ta cần lưu ý về vấn đề niềm tin, đức tin, ấy là cái tính hiệu lực của nó trong đời sống loài người.

Thực tế cho thấy dù là cái đối tượng của một đức tin là đúng hay sai, là nhân hay quả, bản thân của đức tin cũng vẫn tạo ra hiệu ứng thực lớn lao nơi “đương sự” (tức là nơi người có niềm tin, đức tin ấy) như thường.

Với một niềm tin, một đức tin nuôi dưỡng trong lòng, một người nào đó sẽ tiếp thu được một nguồn sức mạnh có cường độ tương ứng với cường độ của niềm tin, đức tin người ấy có. Niềm tin càng lớn, sức mạnh (trong tinh thần người ấy) càng lớn đến độ có khả năng giúp “đương sự” đạt được những thành tựu khó tưởng tượng nổi, những thành tựu có thể xem như phép mầu, phép lạ.

Quả thế, đức tin đã đóng một vai tuồng rất quan trọng trong cuộc sống, giúp tạo ra sự yên tâm, vững tâm.

Các mối đạo lớn, như đạo Chúa, đạo Phật đều đề cao vai tuồng của đức tin này. Kinh Chúa có câu: “Chỉ cần một đức tin bằng hạt cải, anh em có thể nói với ngọn núi kia: Hãy dời khỏi đây! Và núi sẽ chuyển đi. Chẳng có gì mà không thể làm được”.

Nhà Phật cũng đề cập đến đức tin một cách vô vàn trân trọng. Ví như: Tín tâm thanh tịnh tức sinh thực tướng.

Nhà Nho thì đặt đức tin vào hàng ngũ thường, năm đức tính căn bản của nhân sinh: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín… Xem như vậy đủ thấy đức tin đóng vai tuồng quan trọng đến thế nào trong cuộc sống con người cũng như dưới quan điểm của tôn giáo, triết học.

Bên cạnh đức tin, một yếu tố quan trọng không hơn không kém là tình yêu – lòng bác ái, lòng từ bi, lòng nhân… Tùy theo từng cách gọi, nhưng nội dung là cũng để chỉ một trạng thái, một quá trình tương tự: Tình yêu, cái năng lực tinh thần, cái trạng thái tinh thần, nó làm cho một người nghĩ đến một người khác, muốn mở rộng vòng tay ôm ấp, chở che người khác, muốn ra tay cứu vớt người khác… Cao hơn một bậc, nếu như tới mức rốt ráo, là một thái độ quên mình hy sinh mình cho quyền lợi, cho mạng sống người khác – tha nhân – khi không chỉ nghĩ về mình, chỉ lo về mình mà còn nghĩ lo đến người khác. Điều đó được gọi là tình yêu.

Đến mức độ nghĩ đến người hơn cả đến mình, thì tình yêu ấy đã thăng hoa lên một cảnh giới siêu phàm nhập thánh.

Với tình yêu ấy. Trong tình yêu ấy, con người chúng ta sẽ đạt được cứu cánh là sự bình yên của tâm hồn.

Tất nhiên, để đạt được cứu cánh “tâm yên” này theo quan điểm của các nhà tôn giáo con người cần phải trải qua một quá trình tu luyện công phu, nhưng dù sao thì điều căn bản mang tính triết thuyết vẫn là hai điều kiện, hai yếu tố: đức tin và tình yêu.

Thực tiễn của cuộc sống, thực tiễn của tiến trình tâm lý nhân sinh đã chứng thực rằng, quả thực, đức tin và tình yêu – cũng như năng lực vĩ đại phi thường của chúng – là những gì hoàn toàn có thực. Chân lý này chúng ta có thể dùng hai cách để kiểm chứng nó: một là hướng con mắt nhìn ra ngoài – từ lịch sử đến xã hội, đến những gì xung quanh gần gũi nhất. Hai là xoay con mắt nhìn vào chính nội tâm của mình, theo dõi các diễn biến của nó. Với cách nhìn vào trong này, cam đoan chẳng chóng thì chày, chúng ta cũng có một lúc nào đó nhìn thấy tận mắt sự hiện hữu của hai “vị thần linh” mệnh danh là đức tin và tình yêu này.

Đức tin và tình yêu, đó là hai trạng thái, hai năng lực vốn tự hữu bên trong nội tâm của bất cứ sinh vật người nào. Dù là người thiện, dù là người ác. Dù là người (theo đạo) Thiên Chúa, Hồi giáo, Phật giáo…. Dù là người (tin thuyết) duy tâm, duy vật, duy linh, duy thức… Hết thảy chúng ta đều được trang bị sẵn “hai vị thần linh” này chỉ cần gọi “vừng ơi” một cách đúng điệu, là lập tức “cánh cửa kho báu” sẽ mở… cánh cửa hạnh phúc sẽ mở…

Còn nữa…
Trích sách “Con đường hạnh phúc”

Tiếp theo Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 162
Tác giả: Huỳnh Uy Dũng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2020

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường