Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Con đường hạnh phúc

Con đường hạnh phúc

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Ngoài ra thì còn một cách kiểu nữa, một cách kiểu về tâm lý. Số là một đối tượng sắc nào đó, sở dĩ đối với ta nó là hiện hữu, ấy là bởi vì ta để ý đến nó, quan tâm đến nó. Một đối tượng sắc dù hoành tráng bao nhiêu, tráng lệ bao nhiêu, lộng lẫy cỡ nào, nhưng nếu kẻ đối diện là ta không hề để tâm đến nó, thì, trên một phương diện nào đó, cái đối tượng sắc ấy, có thể xem như không hiện hữu. Nghĩa là, sắc này cũng trở thành không, tức thị không, bất dị không. Trên một phương diện nào đó.

Cái kiểu sắc mà không nói trên đây, phải nói rằng rõ ràng nó có những tác dụng hữu ích của nó. Một là nó làm giảm bớt sự tham muốn, hai là nó làm giảm bớt sự phiền não cho những kẻ mà ta tạm gọi là người đối diện hay người trong cuộc.

Một cái gì có quan tâm thì (có thể xem như) nó có. Không quan tâm thì (có thể xem như) nó không có.

Với thiền giả, một khi tâm không vướng mắc chấp mê vào một đối tượng sắc tướng nào, ắt đấy là thời điểm đạt tới cảnh giới thanh tịnh vô vi vậy.

Nghĩa là, nếu xét về mặt phúc lợi – phúc lợi tâm linh – thì rõ ràng phương pháp “quán không” này nó đem lại rất nhiều thành quả cho thiền giả nói riêng và bất cứ ai hướng về nẻo thanh tâm thiểu dục nói chung.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 3.2020 Con duong hanh phu ky 7 1

Tuy nhiên như trên đã nói, đây là chỉ xét về mặt phúc lợi – mặt “duy phúc”. Còn nếu xét về mặt chân lý, mặt “duy tuệ” thì như thế nào?

Thiết nghĩ, trong chúng ta, ai cũng có thể tự tìm thấy câu trả lời.

Kết luận, chúng ta có thể thấy rằng, nếu hiểu từ sắc như một dạng sắc tướng giả hợp, thì sắc có nghĩa là vô thường, nay còn mai mất – và do đó, khi nó còn (cái sắc tướng giả hợp ấy) thì ta mệnh danh là sắc, và khi nó mất thì ta mệnh danh nó là không. Vậy sắc và không, trong trường hợp này, mang một nghĩa rất là tương đối.

Còn nếu hiểu từ sắc một cách rốt ráo – rằng sắc là tất cả vật chất tồn tại, bắt đầu bằng một hạt “lân hư trần” – thì sắc không hề là một cái gì vô thường, cũng không hề chuyển hóa thành không bao giờ. Bởi trong bản chất, nó đã là không rồi – một cái không rất sắc vậy.

Một hạt cực vi trần chẻ ra làm bảy thì có bảy hạt lân hư trần. Mà mỗi hạt lân hư trần thì đồng nghĩa với hư không. Kinh Phật nói như thế.

Còn theo khoa học thì một hạt “lân hư trần” không phải là hư không, mà nó chính là năng lượng khi vật chất được “chẻ nhỏ” tới cùng tột thì nó không phải là hạt nữa, không phải là vật chất nữa, mà nó sẽ trở thành năng lượng. Năng lượng là một dạng của vật chất, vật chất là một dạng của năng lượng. Vật chất tức thị năng lượng. Năng lượng tức thị vật chất. Vật chất bất dị năng lượng. Năng lượng bất dị vật chất.

Vũ trụ này, về mặt bản chất, là một cái gì thường hằng, đứng trên và đứng ngoài quy luật thành trụ hoại không.

Vậy “con đường hạnh phúc”, cái đề tài chính của chúng ta ngày hôm nay nó ở chỗ nào? Đâu là phương hướng? Chúng ta xét thấy rằng, sở dĩ cõi người ta là” bể khổ” là “hí trường” là “thung lũng nước mắt” là “địa ngục trần gian”… (có hàng trăm hàng ngàn từ để gọi tên cái cõi người ta thê thảm này). Ấy là vì cái kẻ chủ nhân ông của nó – cõi đời này – vướng vào những khuyết điểm sau đây:

Sự vô minh! Sao nghe giông giống như cái đầu mối đầu tiên của nhà Phật vậy?

Tuy nhiên xét cho kỹ, nó không phải là một đặc sản với quyền sở hữu trí tuệ độc nhất của nhà Phật đâu. Quý bạn đọc cứ chịu khó theo dõi dòng luận chứng trình bày sau đây thì sẽ rõ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 3.2020 Con duong hanh phu ky 7 2

Từ ngày xưa – cũng xưa như cái ngày xưa của nhà Phật vậy – trong triết lý cũng từng nhận thức – cũng như từng lập ngôn – rằng đầu mối của khổ đau là do sự Vô Minh. Nổi bật nhất có lẽ là câu nói của Pythagore rằng: “Homme, connais- toi toi-même et tu connaitras l’univers et les Dieux.” Có nghĩa là: Hỡi con người! Hãy tự hiểu rõ về chính mình và sau đó sẽ hiểu rõ về vũ trụ và các vị thần linh.

Khuyên con người nên trước hết tự hiểu rõ về chính mình. Với câu nói ấy rõ ràng là Pythagore đang thừa nhận con người là vô minh nghĩa là chưa hiểu rõ về mình. Mà chưa hiểu rõ về mình, lý đương nhiên là phải sờ soạng trong bóng tối, rên xiết trong thung lũng nước mắt vậy.

Nói về cái “gia tài của mẹ để lại cho con” là sự vô minh này, có lẽ nói cả một ngày một đêm cũng chưa cạn ý.

Rõ ràng, ngay từ lúc hình thành, (con người) chúng ta đã tỏ ra rất “vô minh” về nguồn gốc của mình. Thuở thơ bé, chúng ta chỉ ý thức được về những gì cụ thể xảy ra trong và quanh chính ta, trong lên một số tuổi, mới có khả năng ý thức về… “Cái chính mình” rằng mình là ai? Vì đâu lại có mình?

Các nhà duy tâm thường đặt câu hỏi: Con người là ai xuống cõi trần làm chi? Thông thường, các nhà duy tâm, thường quan niệm con người chúng ta là xuất thân từ “trên cao” bị đày xuống cõi đời này; và tới một lúc nào đó, lại quay về cõi “trên cao” ấy.

Hầu hết những “nhà duy tâm xưa” đều có thái độ phủ nhận giá trị của cái thực tại chuyện thực này, họ cho nó là “cõi lưu đày” – vì phạm lỗi nên phải bị lưu đày – cõi nghiệp chướng – vì mắc nợ nên phải đầu thai mà trả – cõi tạm – có lẽ để ngụ ý rằng còn một cõi khác vĩnh cửu hơn…

Tắt một lời, các nhà duy tâm (xưa) thường có thái độ phủ nhận hoặc đánh giá thấp cái “cõi người ta” mà bà con chúng ta đang có mặt đây.

Sở dĩ chúng ta nói hầu hết các nhà duy tâm chứ không nói tất cả, là vì trong số những nhà gọi là duy tâm đó, cũng có không ít nhà, ngược lại, có nhận thức lạc quan hơn về cõi hiện sinh này. Thí dụ như Khổng giáo và nhất là Phật giáo.

Với Khổng giáo cõi hiện sinh này là cõi hiện trường của Đạo lý, và con người hiện sinh là để thực hiện cái đạo lý ấy. Cái đạo lý ấy, nói tóm gọn chính là ngũ thường, là nhân, là nghĩa, là lễ, là trí, là tín. Một đời người quân tử có mặt trên cõi nhân sinh là để thực hiện ngũ thường, thực hiện Đạo làm người.

Khổng giáo viết: Người quân tử “Đạt, kiêm thiện thiên hạ; Cùng, độc thiện kỳ thân”.

Tóm lại, dù đạt dù cùng cái đức của con người (xứng đáng là người, tức người quân tử) là phải thực hiện điều thiện, đạt thì thực hiện điều thiện cho khắp thiên hạ , mà lỡ có cùng thì cũng phải tự làm điều thiện cho chính mình. (Hoàn thiện chính mình) Ôi! Lạc quan thay! Đúng là một bản tụng ca hùng vĩ về cái cõi hiện sinh này!

Bên cạnh Khổng giáo – và một số nhà duy tâm “lạc quan” khác – có Phật giáo, có thể nói Phật giáo là một nhà “duy tâm” rất đặc biệt. Thứ nhất là bởi vì Phật giáo có cái nhìn vô cùng lạc quan và trân trọng về con người. Với Phật giáo, con người không hề là một sản phẩm của Ai Đó, được Ai Đó tự ý sinh ra mà không hỏi ý kiến (người được hay bị sinh ra) bao giờ.

Tóm lại, với Phật giáo, trước hết con người không phải là sản phẩm, là tạo vật của một Ai Đó. Ít ra là sản phẩm, là tạo vật của một Con Người, với thân phận, với số kiếp, với bản lĩnh hiện hữu, là kết quả, là tổng số của những hành động – gọi là nghiệp – của chính nó, trong quá khứ và hiện tại.

Tất cả, theo nhà Phật, là do nhân duyên và nhân quả, theo Phật giáo: Thập Nhị Nhân Duyên tạo nên sự hiện hữu của thế giới này, và cả vũ trụ đã, đang và sẽ vận hành theo luật nhân quả.

Tóm lại, để nói một cách ví von mà dễ hiểu, cấu trúc vũ trụ, theo Phật Giáo, là một cấu trúc Pháp Trị: nghĩa là vũ trụ này vận hành không phải do một cơn ngẫu hứng của một Ai Đó, mà vận hành theo nhân duyên, nhân quả, chứ không phải là Nhân Trị.

Pháp Trị chứ không phải là Nhân Trị, theo một số tôn giáo khác. Một Pháp Trị tuyệt đối theo luật nhân quả, chẳng một mảy may tơ hào.

Để cực tả điều này, Nho giáo đã có câu: Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu. Sơ nhi – lại còn một câu nữa – một câu đối, một câu thơ, thiết nghĩ là rất thú vị, nên xin chép ra đây để quý bạn đồng thưởng lãm.

Thiện ác phân minh, thiên hữu nhãn Cát hung báo ứng, Phật hà Tâm.

Thiện và ác đều được thưởng phạt rõ ràng – theo tòa án của Luật Nhân Quả – Trời luôn luôn có đôi mắt sáng như vậy. Cát và hung – điều lành và điều dữ – sẽ báo ứng đúng nơi đúng lúc, đúng cân đúng lượng – Phật nào có bụng riêng tư gì.

Bên cạnh một quan niệm công bằng khách quan tuyệt đối, nhà Phật còn thể hiện một thái độ trân trọng nhất về giá trị của con người. Nhân thị tối thắng! đối với Phật giáo, con người là đáng quý hơn tất cả. Đáng quý, tối thắng, là bởi vì tự nơi con người hội đủ tiềm năng, hội đủ cái gọi là Như Lai Tạng Tính (tức là tiềm năng) để vượt lên đạt tới quả vị duy ngã độc tôn, quả vị vô thường, quả vị viên giác, quả vị Như Lai vô lượng quang vô lượng thọ vậy – Phật Giáo đánh giá con người cao như thế, đặt lòng tin nơi con người lớn như thế. Sự đánh giá ấy sự đặt lòng tin ấy đúng hay sai thì chưa biết, chỉ biết rằng sự đánh giá ấy, sự đặt lòng tin ấy quả là trân trọng nhất, vẹn vẻ nhất, tri ngộ nhất, như chưa từng thấy ở bất kỳ một tôn giáo, một học thuyết nào trong lịch sử của hành tinh này.

Có lẽ để chu đáo hơn, chúng ta cũng không nên quên một quan điểm “có vẻ khác” của đức Phật, vị Giáo chủ của Phật giáo, thể hiện qua một đoạn kệ như sau:

Bờ này đông người lắm.

Bờ kia thực vắng người

Họa hoằn mới có một

Người đạt đến bờ kia

Pháp cú 85

Trên đây là đoạn kệ thứ 85 nằm trong kinh pháp cú, một phẩm kinh có thể nói là “nguyên thủy” hay nhất, “nguyên si” hạng nhất trong ba tạng kinh Phật lưu truyền cho đến bây giờ. Qua đoạn kinh này, chúng ta có thể nhận thấy thái độ của Đức Phật đối với sự tinh tấn của các hàng hành giả (Phật giáo) là … Không lạc quan lắm. Dưới nhãn quan của “vị Giáo chủ đạo giác ngộ”, số lượng của những “hành giả vượt biển” thực là ít ỏi làm sao, khiến bày ra cái quang cảnh “bờ này” (bờ vô minh) thì đông đảo lắm, nhộn nhịp lắm, trong lúc “bờ kia” (bờ giác ngộ) thì vắng tẻo vẳng teo, có vẻ như chẳng có một bóng người.

Kể ra trong ba tạng kinh Phật, những lời nhận xét có vẻ “đi hoan” (về sự thành tựu của những người tu Phật) không phải là ít. Một ví dụ khá cụ thể, là ngay trong phẩm kinh nhật tụng dành cho phật tử để tụng đọc hàng ngày, đã có câu:

Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp.

Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ…

Lời kinh nói rằng, đạo Phật chẳng những khó tu, mà còn khó gặp. Trăm ngàn vạn kiếp chưa dễ được gặp một lần! (huống nữa là được gặp mà tu).

Kinh Phật lại có một chuyện ngụ ngôn, vì người gặp được Phật đạo chẳng khác nào con rùa cứ lặn xuống trồi lên mãi hằng hà sa số kiếp họa may mới trồi lên trúng giữa một chiếc vòng đang bập bềnh trên mặt biển. Dĩ nhiên cái chiếc vòng hiếm ơi là hiếm ấy là để ví với đạo Phật vậy. Mỗi hình dung hình ảnh này đã nghe heo hút lắm rồi!

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 3.2020 Con duong hanh phu ky 7 3

Tới bờ kia tuy rằng nói khó thì rõ là cực khó đấy. Tuy nhiên đây chỉ là nói về mặt thành quả… Còn về mặt thành tựu, tiềm năng, khả năng thì, như trên đã dẫn chứng, đạo Phật lại có một thái độ rõ ràng là rất lạc quan, không tôn giáo nào, triết thuyết nào lạc quan hơn.

Và, tuy hai mặt (thành tựu và khả năng) có vẻ rất “cách xa” nhau như thế, nhưng chúng vẫn không hề có vẻ “nghịch lý”, “nghịch chiều”. Nghĩa là, cụ thể, theo Phật Giáo con người – các chúng sinh mệnh danh là con người – một mặt vẫn có đầy đủ thừa cái khả năng – cái Như Lai Tạng Tính – để nương vào đó mà thành tựu quả vị vô thường chánh đẳng chánh giác.

Một mặt, do vì vướng mắc tam chướng dày đặc loanh quanh vướng víu mãi “bên bờ này”, khôn vượt tới “bờ kia” (“bờ kia” đương nhiên là bờ giải thoát, bờ hạnh phúc). Là con đường hạnh phúc.

Như thế, rõ ràng vẫn có một cái gì đó thuận lý, thuận chiều trong “câu chuyện chúng sinh” kia! Một mặt, vừa “dư tiềm năng”; một mặt vừa “nan đắc”…

Trở lại vấn đề khiếm khuyết của con người như trên đã nói cái khiếm khuyết lớn nhất của con người, theo Phật giáo, cũng như nhiều tôn giáo và triết thuyết khác, chính là:

Thứ nhất: sự vô minh; Thứ hai: sự chấp ngã.

Từ nguồn gốc là sự vô minh, con người do đó mà sinh ra lòng chấp ngã.

Vì sao mà sự vô minh lại sinh ra lòng chấp ngã.

Dễ hiểu thôi: vô minh là không sáng, không sáng nên không hiểu rõ mọi chuyện mà chuyện, căn cội nhất là chuyện về chính mình.

Vẫn là câu hỏi từ muôn đời đấy thôi. Chỉ có câu trả lời là tùy lúc tùy nơi tùy hoàn cảnh, tùy ảnh hưởng văn hóa mà có nhiều sai khác.

Con người là ai? Xuống cõi trần làm chi? Điệp khúc câu hỏi ấy ngân nga nhấn nhá từ nghìn đời, cái điệp khúc duy tâm cố hữu. Vì quan điểm duy tâm, như trên đã từng hơn một lần đề cập, là luôn luôn mang tính siêu hình về nhận thức, về thân phận mình như thế. Nhận thức này, nét độc đáo của nó là vừa tự tôn lại vừa tự ti. Kịch bản cố hữu là: mọi cá thể con người là từ một nguồn gốc thiêng liêng – từ trên thiên đình, ví dụ thế; và sở dĩ ngày nay hiện hữu nơi đây, một là do Đấng Tạo Hóa “khéo ra tay sắp đặt” như thế, hai là do cá thể ấy lỡ tay làm rớt chén ngọc hoặc chợt động lòng trần… Cũng còn nhiều duyên cớ khác nữa, nhưng nói đại loại nó là như thế. Mà những điều này thì thường có tác dụng đem lại cho “đương sự con người” một trạng thái tinh thần vừa tự tôn lại vừa tự ti.

Tự tôn mình là con thần cháu thánh, là nguồn gốc cao sang, tự ti là ở cái nỗi, một là mình có lỗi gì nên nay phải đọa kiếp trích tiên, hai là… La chair est faible, xác thịt là yếu đuối, không đủ sức để chống lại cám dổ cũng như không đủ sức để vá trời lấp biển nhưng đúng ra phải là như thế (vì là con thần cháu thánh mà, sao lại không đủ sức cải thiên hoán địa, làm nên những việc phi thường?)

Ấy, chính cái nông nổi vô minh không tự hiểu rõ về mình, nó đã là nguồn gốc nảy sinh ở sự chấp ngã (do tự cho mình là nguồn thần cội thánh), mọi trạng thái chấp ngã vô cùng phức tạp nhiêu khê, vừa tự tôn, lại vừa tự ti. Tự tôn những khi suôn sẻ, hiển đạt, được trớn, tự coi mình là ông khổng lồ. Tự ti, những lúc trục trặc khốn cùng, tự cảm nhận được cái tính đất sét của đôi chân (chính mình).

Một nhận thức lệch lạc về nguồn cội đem lại cho “ai đó” trong loài người chúng ta một thái độ ngã mạn, tự coi mình là cái rốn vũ trụ” “cột trụ chống trời”; Từ đó, dẫn đến bao hệ lụy do những nỗi niềm hiếu sự.

Như trên đã liệt kê, loài người chúng ta có hai khuyết điểm chính là:

– Sự vô minh

– Sự chấp ngã.

Do vô minh, người đời tăng trưởng lòng chấp ngã. Do chấp ngã, người đời tạo điều kiện cho mình tăng trưởng thêm những nỗi thất tình lục dục vốn đính kèm sẵn trong mỗi sự hiện hữu (của con người).

Bên cạnh thất tình lục dục, những đặc tính cố hữu là tham sân si mạn nghi dính liền với sự hiện hữu của con người cũng sẽ nương vào thói ngã chấp mà tăng trưởng.

Thay vì tham một, kẻ nặng ngã chấp, tham năm, tham mười. Thay vì mạn một sẽ mạn gấp năm, gấp mười…

Tóm lại, vô minh sinh ngã chấp: Ngã chấp trưởng dưỡng thất tình, lục dục… Đấy là tiến trình tất yếu vậy…

Và, ngược lại, để giảm bớt mọi thói hư tật xấu kể trên, chẳng phương pháp nào hữu hiệu hơn là bắt đầu bằng sự diệt trừ vô minh. Diệt trừ, bằng cách hiếu chiến chính mình; “ngộ ra” chính mình.

Rằng, con người chẳng là gì khác hơn chính là con người, với những gì hữu hạn nhất cũng như những gì vô hạn nhất của chính nó.

Hữu hạn về sức khỏe cũng như sức chịu đựng, nói chung về những khả năng thuộc sinh vật lý; nhưng ngược lại, lại dường như vô hạn về những khả năng thuộc tâm lý, trí tuệ.

Để cụ thể chúng ta có thể lấy vài ví dụ. Chẳng hạn về tuổi thọ, con người chúng ta chỉ có một thọ kỳ giới hạn là trên dưới một trăm năm. Người yểu mạng thì sống vài mươi năm. Người thọ mạng thì tám mươi năm. Họa hoằn lắm mới có người sống vượt ngưỡng một trăm, như thế gọi là cổ lai hy vậy. (Sự thật thì thuở xưa tuổi thọ chỉ khoảng bảy mươi năm, chẳng thế mà cách đây khoảng một ngàn năm, thi hào Đỗ Phủ đã sáng tác một câu thơ truyền tụng mãi đến ngày nay là “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”.)

Như thế về tuổi thọ, rõ ràng là con người chúng ta bị ràng buộc trong một cái giới hạn thực là hữu hạn. Còn vô số những ví dụ “thực là hữu hạn” như thế, mà thiết nghĩ bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể tự mình cảm nhận, nên chẳng cần dẫn chứng thêm cho rườm lời.

Chỉ cần biết rằng, ngược lại, về mặt tâm lý, tinh thần, thì con người chúng ta lại tỏ ra có khả năng “thực là vô hạn” hơn nhiều.

Đơn cử một ví dụ: Đa phần con người chúng ta ai cũng “bị”, “tại” trước cảnh ngộ. Chẳng thế mà đã có triết gia phán rằng: Con người là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội.

Nhưng không hẳn thế! Thực tiễn chứng minh vẫn có một thiểu số xuất chúng có đủ bản lĩnh để tự tại trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Những tấm gương sáng về sự vượt qua chính mình, tuy sánh tương đối thì còn là số ít, nhưng cũng đủ để chứng minh cái khả năng “thực là vô hạn” trong lĩnh vực tâm lý, tinh thần – và nhất là trí tuệ – của cái gọi là sinh – vật – con – người..

Tiếp theo kỳ 6 số 160…
Tác giả: Huỳnh Uy Dũng
(trích Con đường hạnh phúc)
(Còn nữa)
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2020

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường