Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Chữ Hiếu trong đạo Phật

Chữ Hiếu trong đạo Phật

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

“Vui thay, hiếu kính mẹ!
Vui thay, hiếu kính cha!” [1]

Về cơ bản phạm trù hiếu mang một ý nghĩa tích cực. Làm người, ai cũng mang ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đây cũng là tình cảm và nhu cầu đạo đức phổ biến phù hợp với mọi dân tộc, trước hết là các dân tộc phương Đông. Vào tháng Bảy, mùa Vu Lan thắng hội, mùa mưa ngâu làm cho những người con xa xứ bồi hồi nhớ về hình bóng cha già lam lũ, bên ruộng lúa nương khoai, dáng mẹ hiền nắm tay con đi trên đường làng, dưới khóm trúc thơm mùi quê đất tổ, cho ta tìm lại con đường ngày xưa mẹ đã dẫn đến trường, cho bờ cỏ thêm xanh, cho lá vàng thêm sắc, nghe tiếng ve lưng đồi, mẹ ơi bóng mẹ là quê, để khi mỏi mệt con về náu thân. Do vậy, Vu Lan báo hiếu không chỉ dành riêng trong giới phật tử mà cho tất cả những ai là con hiếu muốn báo đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha. Tháng Bảy, mọi người cho rằng đây là mùa hiếu hạnh, ngày mà đức Mục Kiền Liên cứu mẹ nhờ vào sức chú nguyện của chư tăng sau mùa an cư kiết hạ. Nhưng đối với Kinh tạng Pāli cho rằng ngày nào cũng là ngày báo hiếu, mùa nào cũng là mùa hiếu hạnh. Vì trong kiếp sống vô thường mong manh này, chúng ta nên ý thức niềm hạnh phúc khi đấng sanh thành còn tại thế.

Cha muôn thuở vầng dương soi sáng
Độ lượng gian nan không ngại khó khăn.
Mẹ nghìn đời dòng suối ngọt ngào
Bao dung tận tụy chẳng hề than. [1]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chu Hieu trong dao Phat 1

Vì lí do đó, Kinh Tăng Chi, đức Phật dạy có hai điều con người phải thực hành đó là biết ơn và nhớ ơn. “Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy mẹ cha có vãi tiểu tiện, đại tiện, như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỳ kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha.”[2] Theo Phật giáo, cha mẹ luôn hoàn thiện trách nhiệm thi ân, con cái có bổn phận báo ân, như vậy sẽ tạo nên mối quan hệ chuẩn mực giữa cha mẹ và con cái theo kinh điển Phật giáo [3].

Nuôi dưỡng cha mẹ

Ngoài những bổn phận cần phải đáp ứng cho những mối quan hệ thì người con phải có bổn phận chăm lo các điều kiện vật chất cũng như tinh thần cho cha mẹ. Theo Kinh Tăng Chi đức Phật dạy rất rõ cho người cư sĩ, đó là tạo dựng tài sản một cách chân chính, “này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, …; làm cho mẹ cha an lạc, hoan hỷ và chân chính duy trì sự an lạc… Đây là lý do thứ nhất để gây dựng tài sản” [4].

Ngoài ra, có bổn phận chăm sóc đối với cha mẹ được các bậc hiền trí khen ngợi. “Hầu hạ cha mẹ, này các Tỳ kheo, được người Hiền trí tuyên bố, được bậc Chân nhân tuyên bố” [5]. Ngay như người xuất gia nếu không có anh em phụng dưỡng cha mẹ thì vẫn được Phật cho phép phụng dưỡng cha mẹ trong điều kiện mình có thể làm [6].

Điều đáng lưu ý là tạo ra tài sản là do “với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp” [7]. Nói tóm lại, đức Phật dạy phải phụng dưỡng cha mẹ bằng tài sản, của cải trong sạch thiện lương. Kinh Tập khuyên: “Hãy nuôi dưỡng cha mẹ, hợp pháp và đúng pháp” [8].

Theo Khổng tử trong Hiếu Kinh ghi: “Hiếu đức chi bổn dã, giáo chi sở do sanh dã” [9]. Nghĩa là, hiếu là cái gốc của đạo đức, từ đó mà phát sanh ra mọi sự giáo hóa. “Thân thể, tóc da nhận từ cha mẹ, không dám hủy hoại” [10]. Theo Kinh Đại Tập “hiếu đạo là đôn hậu gắng giỏi” [11]. Theo Nhị Thập Tứ Hiếu thì đạo hiếu là lửa thiêng đã hung đúc tinh thần gia tộc. “Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, thời suy ra trăm nết đều nên” [12]. Như thế người có hiếu thảo thương kính cha mẹ thì mới có thiện tâm tiếp xử tốt với người khác được.

Thay thế cha mẹ gánh vác công việc

Phước lành lớn nhất trong đời người là thế hệ con cháu có thể tiếp nối nghề nghiệp truyền thống của cha ông, dù bất cứ ngành nghề nào. Như Kinh Phật dạy: “Dù đó là nghề nông hoặc đi buôn, hoặc nuôi bò, hoặc làm người bắn cung, hoặc làm việc cho vua, hoặc bất cứ nghề gì, trong các nghề ấy, người ấy thiện xảo” [13] là được. Theo truyền thống Ấn Độ xưa hay muốn có con trai vì “giúp đỡ chúng ta; hay sẽ làm công việc cho chúng ta” [14]. Do vậy, trong bổn phận này, ngoài kế mưu sinh mỗi người cần có nghề nghiệp ổn định để tạo thu nhập cho bản thân và gia đình thì việc thay thế gánh vác công việc cho cha mẹ cũng là một có ý nghĩa to lớn trong việc duy trì và phát huy truyền thống bản sắc dân tộc.

Bảo vệ tài sản thừa tự

Tất cả tài sản cha mẹ để lại cho con bao gồm cả tài sản vật chất và tinh thần. Việc giữ gìn, quản lí tài sản ấy cũng là một bổn phận của người con. Bằng mồ hôi, đôi khi có máu và nước mắt, cha mẹ đã tạo nên tài sản và giao lại cho con cái. Do đó người con phải nhận biết điều này, tạo ra được tài sản đã vô cùng khó nhọc nhưng để giữ gìn, bảo vệ được tài sản cũng không phải là chuyện dễ. Vì lẽ, trong Kinh có dạy lý do làm cho tài sản hao hụt nên người thừa tự không khả ái [15].

Phật giáo quan niệm người có tâm hiếu là người có tâm thiện, giúp ta thành tựu những phẩm chất tốt của một con người. Vì người này nghĩ nhớ được công đức cao dày và sự hi sinh vô bờ bến nên đức Thế Tôn dạy: “Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sanh lang thang trong nẻo luân hồi, bỏ thân này nhận thân khác, sinh đi sinh lại bao lần, sữa mẹ mà chúng ta đã uống còn nhiều hơn nước trong bốn biển” [16]. Do đó, đức Phật đã dạy cách thức phụng thờ cha mẹ. “Này gia chủ tử, có bốn trường hợp, người con phải phụng dưỡng cha mẹ như phương Đông: “Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời” [17].

Như vậy, việc giữ gìn tài sản theo ý nghĩa tích cực là tài sản không những không hao hụt mà còn làm cho sinh sôi nảy nở. Điều này được diễn tả trong kinh qua hình ảnh một hồ nước được che đậy kỹ càng, nhét các lỗ bội, được nước các kênh đưa vào và thỉnh thoảng trời trút những cơn mưa làm cho nước hồ thêm sung mãn [18].

Khuyến hóa cha mẹ hướng thiện và làm các thiện sự khi cha mẹ mãn phần

Khổng Tử đặt nặng trách nhiệm của người con đối với cha mẹ qua năm điều; Một, ngày thường ở với cha mẹ phải hết lòng cung kính. Hai, phụng dưỡng thì phải làm cho cha mẹ vui. Ba, lúc cha mẹ có bệnh phải tỏ lòng quan tâm lo lắng. Bốn, khi cha mẹ mất thì phải buồn rầu thương khóc. Năm, lúc tế lễ thì phải tỏ vẻ trang nghiêm. Làm tròn năm điều trên, mới gọi là thờ phụng cha mẹ vậy [19]. Đây là nét đặc thù trong trách vụ phụng dưỡng cha mẹ được các nền đạo đức phương Đông nói chung đạo Khổng nói riêng.

Nhưng theo Phật giáo là chưa đủ vì hiếu thảo không chỉ là mến yêu, cung kính, vâng lời, phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống và thờ phụng, tưởng nhớ khi cha mẹ đã qua đời, mà còn là việc hướng cha mẹ đến với điều thiện lành, xa lánh điều xấu ác, và bản thân người con cũng phải sống tốt để cha mẹ vui lòng. Đức Phật dạy muốn đáp đền công ơn cha mẹ một cách đầy đủ, trọn vẹn: “Hãy khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành, thọ Tam quy, giữ Ngũ giới. Dù cha mẹ buổi sớm mai thọ trì Tam quy Ngũ giới, chiều về cõi chết, đối với ơn nặng của cha mẹ cũng gọi là tạm đền” (Kinh Hiếu tử). “Những ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn cho cha mẹ an trú vào lòng tin. Những ai có cha mẹ theo ác giới, khuyến khích cha mẹ an trú vào thiện giới. Những ai có cha mẹ xan tham thì khuyến khích, hướng dẫn cho cha mẹ an trú vào bố thí. Những ai có cha mẹ theo ác trí tuệ thì khuyến khích, hướng dẫn cho cha mẹ an trú vào trí tuệ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, thì các người con đó đã làm đủ và đã trả ơn đủ cho cha mẹ” [20]. Đối với đạo Phật, những việc làm xuất phát từ lòng hiếu thảo mang lại lợi ích thiết thực cho cha mẹ trong hiện tại và tương lai mới chính là hiếu tối thượng.

Báo hiếu cha mẹ chỉ dừng lại ở phương diện vật chất thôi chưa đủ, theo Phật giáo phương diện tinh thần rất mực quan trọng. Vì sao? Vì cho dù chăm lo cho cha mẹ đến hết mực không bằng khuyến hóa cha mẹ kính tin Tam Bảo và an trú vào các thiện pháp [21]. Phật giáo đưa ra ba cấp độ, thứ nhất cung phụng đồ ăn ngon ngọt, cho cha mẹ khỏi đói rét thì gọi là tiểu hiếu; thứ hai, làm rạng rỡ tông môn, khiến cho cha mẹ vui vẻ, thơm lây gọi là trung hiếu; thứ ba hướng dẫn cha mẹ quy hướng chính tín, xa lìa phiền não thoát vòng sanh tử, dứt khổ trong tam đồ gọi là đại hiếu [22].

Qua đây chúng ta thấy chữ hiếu theo đạo Phật có tầm nhìn xa hơn, vì nó không chỉ dạy con người đền trả công ơn cha mẹ đầy đủ về vật chất và tinh thần mà còn hướng cha mẹ đến con đường giải thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, đoạn tận mọi khổ đau ngay trong đời sống hiện tại và mãi mãi về sau. Hãy làm tròn bổn phận của người con hiếu theo tinh thần Phật giáo. Có như thế mới mong đền đáp ân đức lớn lao của hai đấng sanh thành một cách đầy đủ và trọn vẹn.

Hiếu trong văn hóa người Việt Nam

Trong văn hóa của dân tộc Việt Nam, hiếu hạnh được xem là một di sản quí báu được mọi người yêu chuộng và giữ gìn. Là người con hiện hữu trên cuộc đời này, ai cũng có mẹ cha và sự thể hiện tình yêu thương ấy không ai giống ai, nhưng dù bất cứ ngôn ngữ và cử chỉ gì, tất cả đều xuất phát từ trái tim rung động tình người. Bởi lẽ tình yêu cha mẹ lớn dần trong ta theo năm tháng khi một ngày ta nhận ra:

“Biển Đông có lúc đầy lúc vơi
Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng.”

Hiếu đạo trong tâm khảm của người Việt Nam xưa có một mãnh lực vô cùng quan trọng khiến họ có thể xả bỏ tính mạng của mình để báo hiếu cho cha mẹ. Sau đây là một vài mẩu chuyện trong muôn ngàn chuyện hiếu tử từ tôn. Trong Việt Nam Văn Học Sử có đề cập chuyện Lãnh Tạo người làng Tuần Lễ tĩnh Nghệ An, chống đối nhà Nguyễn (triều Minh Mệnh). Lê Văn Duyệt [23] được cử làm tổng trấn Nghệ An, để dẹp Tạo, bị Tạo lừa đem quân lính giả làm đi thanh tra trong doanh trại của Duyệt, Duyệt dụ hàng cho làm quan mà Tạo không chịu chỉ lấy ít tiền rồi đi. Sau Duyệt cho bắt cha mẹ của Tạo. Vì hiếu mà Tạo ra hàng bị Duyệt giết chết cho chúng ta thấy được chữ hiếu cao cả đến nhường nào. Chữ hiếu ngày xưa được ông bà ta cho đây là một triết lí sống cao đẹp. Vì mình có hiếu với cha mẹ, thời con cháu mới noi gương hiếu thảo với mình.

Nếu mình hiếu với mẹ cha
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì
Nếu mình ăn ở vô nghì
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công.

Hiện trạng chữ hiếu trong xã hội ngày nay

Do lối sống nhanh sống vội như hiện nay mà con người gặp phải nhiều hậu quả nghiêm trọng, sự phát triển đời sống vật chất hưởng thụ ngày một thỏa mãn thì song song đó là tình trạng đạo đức xuống cấp đến mức báo động, nhất là cuộc sống trụy lạc của thanh thiếu niên đã trở thành một trong những vấn nạn của xã hội.

Thật vậy, nhiều thanh thiếu niên do mất phương hướng về đạo đức, tâm linh, nên họ đã tìm những thú vui hưởng thụ dẫn đến các tệ nạn như game bạo lực, ma túy, trộm cướp, … Khoảng 34.000 000 kết quả (0.6 giây) với từ khóa con cái giết hại cha mẹ đã dẫn bản thân nạn nhân đau khổ, hạnh phúc gia đình cũng tan vỡ và còn gây bất an cho xã hội. Ngày nay, chúng ta nghe rất nhiều thông tin về những hình ảnh cha mẹ bị con cái ngược đãi hoặc giết chết … được giới truyền thông đưa lên. Điển hình như “Nguyễn Thế Triều ở Tiền Giang, ngày 29/8/2012, trong lúc cãi vã với mẹ. Triều tức giận đã chạy xuống bếp lấy con dao chém mẹ của anh ta khiến nạn nhân tử vong tại chỗ” [24]. Hơn nữa mới đây, dư luận rất bất bình khi chứng kiến “Nguyễn Anh Hào khi xây được nhà mới, anh ta đuổi mẹ ra khỏi nhà” [25].

Ngày nay, cuộc sống tất bật, không ít người buông mình, chạy theo danh lợi để rồi ngày một xa rời trách nhiệm bổn phận làm con. Họ chẳng biết rằng dù có địa vị tột cùng trong xã hội mà không làm tròn chữ hiếu thì vẫn chưa thành người, trong khi giá trị con người chẳng phải ở nơi danh vọng tiền bạc. Do đó,

Hiếu thuận sinh ra con hiếu thuận,
Ngỗ nghịch nào con có khác chi,
Xem thử trước thềm xưa nước xối,
Giọt sau giọt trước chẳng sai gì.

Khoa học có thay đổi bất kì thứ gì trên cuộc đời này để theo kịp với thời đại thì triết lí về đạo làm người của những bậc cổ nhân mãi là giá trị đích thực trong lòng chúng ta.

Chúng ta đang sống trong thời đại mới, khoa học ngày càng phát triển thì đời sống vật chất của con người ngày càng được nâng cao. Thế nhưng vấn đề đạo đức, nhất là chữ hiếu đang bị xói mòn, thể hiện rõ nét nhất là giới trẻ. Có những kẻ thờ ơ, lãnh đạm, ích kỉ, sống chỉ biết mình không nghĩ đến cha mẹ. Thật đau lòng mỗi khi nhìn thấy những hình ảnh cha mẹ bị con cái ngược đãi. Quả thật, nói tới chữ hiếu trong xã hội ngày nay, chúng ta không khỏi băn khoăn lo lắng. Nền đạo đức bị suy đồi một cách trầm trọng, con người bị cuốn hút vào chủ nghĩa thực dụng. Vì thế vấn đề chăm sóc cha mẹ trở nên gánh nặng, thực trạng trên đang là tiếng chuông báo động về sự bất hiếu, đặc biệt đối với giới trẻ hiện nay.

Chữ Hiếu là bài học đầu tiên của “Đạo làm người”, là nền tảng đạo đức của xã hội. Mạnh Tử nói: “Không trọn đạo với cha mẹ không đáng làm người”. Song cũng có nhiều kẻ bất hiếu, vô luân, làm lương tri xã hội nhức nhối. Quả thật, không thể dung thứ cho những hành động bất hiếu ấy. Nó đồng nghĩa với việc vứt bỏ truyền thống của dân tộc, cũng là vứt bỏ chính bản thân mình.

đức Phật đã đưa ra rất nhiều lời dạy về hạnh hiếu, nhằm giáo dục con người một đức tính biết ơn, trước hết là ơn cha mẹ. Những ai là người có may mắn nghĩa là người ấy được phụng dưỡng cha và mẹ. “Phụng dưỡng cha và mẹ, là vận may tối thượng” [27]. Từ nhận thức đó, con người tự thấy trách nhiệm của mình phải như thế nào đối với cha mẹ. Trở thành người con tốt trong gia đình thì tương lai mới hứa hẹn một công dân gương mẫu của xã hội. Vì gia đình là một xã hội thu nhỏ và con người là tế bào của xã hội đó. Khi mọi xã hội thu nhỏ được tốt đẹp chắc chắn cuộc đời này sẽ hạnh phúc, phát huy truyền thống thuần phong mỹ tục của văn hóa Việt.

Thích Nữ Huệ Cảnh – Học viên Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

———————–

[1]. ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ, tập 1, Pháp Cú, VNCPHVN, Nxb.TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr.97.
[2]. NTG, Ân Nghĩa Sanh Thành, Lời giới thiệu, Nxb.Phương Đông, 2010, tr.9.
[3]. ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ,tập 1, chương 2 pháp, phẩm Tâm thăng bằng, Kinh Đất, VNCPHVN, 1996, tr.119.
[4]. ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ,tập 2, chương 2 pháp, phẩm Các hy vọng, Kinh Hy vọng, VNCPHVN, 1996, tr.160.
[5]. ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, chương 5 pháp, phẩm Vua Munda, VNCPHVN, 1996, tr.375.
[6]. ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, chương 3 pháp, phẩm Nhỏ, VNCPHVN, 1996, tr.270.
[7]. ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ, tập 10, chuyện Hiếu tử Sama, Nxb.Tôn Giáo, 2004, tr.9-16.
[8]. VNCPHVN, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, chương 5 pháp, phẩm Vua Munda, VNCPHVN, 1996, tr.375.
[9]. ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ, kinh Tập, kinh Dhammika, Nxb.TP.HCM, 1999, tr.595.
[10]. Đoàn Trung Còn, Huyền Mặc Đạo Nhơn dịch, Hiếu Kinh, website: Việt Nam thư quán http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=264288&mpage=1. Truy cập 25/07/2021.
[11]. Mâu Tử, trong Lí Hoặc Luận, tham khảo trực tuyến: https://thuvienhoasen.org/a23797/quan-diem-hieu-hanh-trong-mau-tu-ly-hoac-luan. Truy cập 25/07/2021.
[12]. Thích Tịnh Hạnh Dịch, Đại Tập137, Bộ Kinh Sớ XXIII, Số 1777, Nxb Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr.700.
[13]. Nhất Thanh, Đất Lề Quê Thói, Nxb Hồng Đức, 2020, tr.242.
[14]. ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, chương 8 pháp, phẩm Gotami, Kinh Dighajanu, Người Koliya, VNCPHVN,1996, tr.662.
[15]. ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, chương 5 pháp, phẩm Sunama, kinh Con trai, VNCPHVN, 1996, tr.727.
[16]. ĐTKVN, Kinh Tăng Chi, tập 2, chương 5 pháp, phẩm Du hành dài, kinh Tài sản, VNCPHVN, 1996, tr.727.
[17]. ĐTKVN, Tương Ưng Bộ Kinh, tập 2, VNCPHVN, Nxb.Tôn giáo, 2016, tr.314.
[18]. VNCPHVN, Trường Bộ Kinh, tập 2, Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, VNCPHVN, 1991, tr.541.
[19]. ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 3, chương 8, phẩm Gotami, Kinh Dighajanu, Người Koliya, VNCPHVN, 1996, tr.665-666.
[20]. Đức Khổng Tử dạy về chữ hiếu, xem Hiếu Kinh “hiếu tử chi sự thân, cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế tắc trí kỳ nghiêm” tham khảo tại: http://www.thegioivohinh.com/diendan/showthrea. Truy cập 25/07/2021.
[21]. Sdd, tr.98
[22]. ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, chương 2 pháp, phẩm Tâm thăng bằng, Kinh Đất, VNCPHVN, 1996, tr.199-120.
[23]. Tinh Vân, Nhân gian Phật giáo ngữ lục, quyển trung, giới nghiêm (dịch), Nxb.Hồng Đức, 2017, tr.24.
[24]. Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Sài Gòn:BGD:TB, 1968, tr.245.
[25]. Đông Hà, https://baomoi.com/, Bắt khẩn nghịch tử giết mẹ chôn xác phi tang, cập nhật ngày 15-9-2012.
[26]. Việt Tường, https://news.zing.vn/, Có nhà mới Hào Anh đuổi cha mẹ ra đường, cập nhật ngày 03-9-2014.
[26] “Mātāpitu upatthānam… Etammanglamuttama.”

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường