Trang chủ Chuyên đề Bối cảnh ra đời của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử

Bối cảnh ra đời của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Cho đến nay việc tìm ra những nét đặc trưng và đánh giá vai trò của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử đối với nền văn hoá, tư tưởng, triết học và tôn giáo Việt Nam đã có khá nhiều công trình nghiên cứu, phân tích với nhiều góc nhìn, màu sắc và mức độ khác nhau. Bài viết muốn góp đôi lời với một cái nhìn bao quát về chủ đề này.

I. Vua Trần Nhân Tông với công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh

Ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tý (1288) sau hai lần quét sạch giặc Nguyên ra khỏi bờ cõi (1285 và 1288) Vua Trần Nhân Tông cho giải lũ tướng giặc bị ta bắt về phủ Long Hưng tế bàn thờ Hoàng Đế Trần Thái Tông, người ông anh hùng của mình đã lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến vệ quốc chống Mông Thát năm 1258. Trước toà lăng bị quân thù đào bới ngổn ngang, chỉ còn trơ lại mấy pho tượng ngựa đá lấm bùn, vị Hoàng Đế anh hùng Trần Nhân Tông không ngăn nổi xúc cảm đối với ngay cả những con ngựa đá vô tri đã thốt lên mấy lời thơ thể hiện tấm lòng nhân hậu và niềm tin vững chắc vào tương lai rạng rỡ của dân tộc: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điển kim âu Dịch: Đất nước đôi phen phờ ngựa đá / Non sông ngàn thuở vững âu vàng.

Sau đó Vua Trần Nhân Tông đã dành trọn năm năm, từ đầu hạ Mậu Tý (1288) đến cuối xuân Quý Tỵ (1293), tự mình trực tiếp lãnh đạo nhân dân Đại Việt trong sự nghiệp hàn gắn vết thương chiến tranh, dựng xây đất nước, đồng thời bền bỉ đấu tranh ngoại giao nhằm đè bẹp ý chí xâm lược của kẻ thù để nhân dân ta dồn sức cho công cuộc tái thiết hoà bình.

Nhờ chủ trương sáng suốt, trước sau như một, với chính sách khôn khéo của Vua, khi cứng rắn, lúc mềm dẻo, nên mặc dù gặp biết bao khó khăn, thử thách, thiên tai, địch hoạ – đất nước bị tàn phá nặng nề bởi hai cuộc chiến chống giặc Nguyên-Mông liên tiếp, hạn hán kéo dài, mưa lũ liên miên, nạn đói hoành hành, người Ai Lao bốn lần xâm phạm biên giới (1290, 1294, 1297, 1298) mà hai lần đầu vua phải thân cầm quân đánh dẹp…- nền kinh tế Đại Việt vẫn phục hồi nhanh chóng, đất nước thay da đổi thịt từng ngày và đã có được bộ mặt tươi đẹp, thanh bình; cả nước như một công trường rộng lớn và sôi nổi, khiến sứ Nguyên Trần Phu phải ghi nhận trong bài An Nam Tức Sự của y.

tap chi nghien cuu phat hoc Boi canh ra doi thien phai truc lam 1

II. Trần Nhân Tông với sự nghiệp xây dựng quá khứ thần thánh cho dân tộc

Ý thức được rằng công cuộc tiến hoá của dân tộc và sự trường tồn của đất nước không chỉ đơn thuần là việc tái thiết, xây dựng kinh tế, cải thiện đời sống vật chất mà thôi, Vua Trần Nhân Tông còn quan tâm sâu sắc đến việc mở mang một nền văn hoá-tư tưởng đậm đà chất Đại Việt trên nền khối đoàn kết toàn dân để người dân có chỗ dựa tinh thần thiêng liêng, nhưng lành mạnh và vững chắc.

“Đó là việc gây dựng một quá khứ thần thánh cho dân tộc bằng việc phong thần cho những người có công với nước, như Phù Đổng Thiên Vương, Triệu Quang Phục, Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Lý Thường Kiệt… sự kiện này đã được chép trong Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên… Việc phong thần cho 27 vị anh hùng, liệt nữ và những thần núi, thần sông, thần đất đã cho ta thấy rõ ý đồ của Vua Trần Nhân Tông gây dựng một quá khứ anh hùng và thần thánh cho dân tộc ta, dùng những tấm gương anh hùng, liệt nữ và thần thánh đó để giáo dục nhân dân ta sống xứng đáng với tổ tiên, đất nước mình. Có thể nói chủ nghĩa yêu nước và anh hùng của Việt Nam đã được phát huy cao độ vào thời đại Trần Nhân Tông… Đây chính là một đóng góp to lớn về đời sống văn hoá-tư tưởng của Vua Trần Nhân Tông đối với dân tộc ta…”. (Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Trần Nhân Tông, NXB Tp.Hồ Chí Minh, 2000; từ trang 169 đến 171).

III. Triết lý sống tích cực của thời đại Trần Nhân Tông

Không chỉ dừng ở việc hình thành một thần điện thiêng liêng, Vua Trần Nhân Tông còn dày công xây dựng một triết lý sống cho người dân Đại Việt. Triết lý sống ấy được trình bày rõ trong bài phú văn nôm mười hội Cư Trần Lạc Đạo (Ở Đời Vui Đạo) nổi tiếng của Vua.

Kế thừa và phát huy tư tưởng khoát đạt của người thày truyền pháp đáng kính của mình là Thượng Sĩ Tuệ Trung và của Vua cha là Vô Nhị Thượng Nhân Trần Thánh Tông, trong bài phú Vua Trần Nhân Tông đã công khai và nhẹ nhàng phê phán thái độ hờ hững đối với cuộc sống thực tiễn của đất nước, trong khi đó lại viển vông mong cầu một “kiếp sau” mơ hồ nào đó (?) tốt lành, sung sướng hơn, theo kiểu đứng núi này trông núi nọ. Thái độ này bắt nguồn từ lòng thiếu tự tin và là biểu hiện của thói quen ỷ lại vào một sức mạnh siêu nhiên tưởng tượng, do bị ám ảnh bởi nỗi khiếp sợ vô căn cứ vốn có của con người.

Vua khuyên mọi người hãy tự tin và gắng sức sửa mình bằng cách ngay trong đời này làm những việc tốt lành, tránh gây ra những điều xấu dữ, để có thể tự khơi mở trí tuệ sáng suốt (tính Bụt) có sẵn trong lòng mình. Tịnh Độ và Cực Lạc phải được tìm thấy ngay bây giờ và tại chỗ này bằng cách lắng lòng dẹp bỏ thói ham đắm, nỗi oán hờn và lòng mê muội ra khỏi cuộc sống để có thể vui với đạo ngay trong đời này, chứ chẳng cần phải kiếm tìm tận đâu xa và cầu mong đến tận khi nào.
Dưới đây trích dẫn một số câu trong bài phú:

…Tịnh Độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương / Di Đà là tính sáng soi, mựa (đừng) phải nhọc tìm về Cực Lạc /… Gìn tính sáng, mựa lạc tà đạo… / Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc (mức) / Sơn lâm chẳng cốc (biết), hoạ kia thực cả đồ (thật tất uổng) công/ … Biết chân như, tin bát nhã, chớ còn tìm Phật Tổ tây, đông /…Tích nhân nghì, tu đạo dức, ai hay này chẳng phải Thích Ca, cầm (giữ) giới hạnh, đoạn (ngừng) xan tham, chỉn (chính) thật ấy là Di Lặc /…Bụt ở cong (trong) nhà / Chẳng phải tìm xa / Nhân khuấy bổn (vì quên gốc) nên ta tìm Bụt / Đến cốc (biết) hay chỉn Bụt là ta /…Sạch giới lòng, giồi (trau chuốt) giới tướng, nội ngoại nên Bồ Tát trang nghiêm / Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu /…Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ / Phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cốc / Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu / … Chuộng công danh, lồng nhân ngã, thực ấy phàm phu…

Kệ rằng: “Cư trần lạc đạo thản tuỳ duyên / Cơ tắc xan hề khốn tắc miên / Gia trung hữu bảo hưu tầm mích / Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”.

Dịch: “Ở đời vui đạo cứ theo duyên / Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền / Trong mình sẵn báu thôi tìm kiếm / Gặp cảnh không vương khỏi hỏi thiền”.

Chất nhập thế-vô ngã thể hiện đậm nét trong từng câu, chữ của bài phú Cư Trần Lạc Đạo đóng. Bài phú vai trò một bản tuyên ngôn báo trước sự ra đời của dòng thiền nhập thế-vô ngã có một không hai Trúc Lâm Yên Tử của Đại Việt, mà Thượng Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập sau khi xuất gia và thành đạo, trở thành Vua Bụt (hay Thượng Hoàng Bụt).

tap chi nghien cuu phat hoc Boi canh ra doi thien phai truc lam 2

IV. Bối cảnh ra đời của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử

1. Công cuộc xây dựng và phát triển một đất nước không thể chỉ có mặt đời sống kinh tế-vật chất mà thôi, bên cạnh đó còn cần chú ý đúng mức đến mặt đời sống tinh thần nữa, đó là nền văn hoá-tư tưởng, hoặc cao hơn và sâu hơn, ấy là nền tín ngưỡng-tôn giáo. Hai mặt đời sống ấy nếu được mở rộng cân đối, đúng hướng và lành mạnh thì chúng có tác dụng bổ sung, hỗ trợ nhau một cách gắn bó, nhịp nhàng, giúp dân tộc tiến hoá, đất nước phát triển thuận lợi. Như thế gọi là “trị”. Trái lại, nếu thiếu hoặc yếu một trong hai mặt ấy, xã hội sẽ trở nên khập khiễng, dần dần dẫn đến “loạn” và mất nước. Thực hiện ý đồ này, sau khi xuất gia và thành đạo, tháng 3 năm Tân Sửu (1301) Vua Bụt đã đi thăm các vùng trong nước để tìm hiểu mặt bằng tín ngưỡng trong dân chúng, chuẩn bị cho công cuộc giáo hoá sâu rộng.
Nhìn bề ngoài nền tín ngưỡng-tôn giáo Đại Việt có vẻ như thuần nhất và phát triển, nhất là Phật giáo. Thật vậy, năm Quý Tỵ (1293) sứ nhà Nguyên là Trần Phu đã mô tả trong Trần Cương Trung Thi Tập về tín ngưỡng Đại Việt bằng những câu “chỉ có Phật là rất thịnh hành” và “hết thảy dân đều là thày tu” (dân tất tăng). Trần Phu còn nhận xét về Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn như sau: “… rất chuộng Phật nên đặt tên châu là Vạn Kiếp”. Có thể nói Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ và chiếm ưu thế trong cộng đồng người Việt thời Trần, chẳng những ở ngoài dân chúng mà ngay trong giới quan chức triều đình.

Tuy nhiên đi sâu tìm hiểu, Vua Bụt nhận thấy mặt bằng tín ngưỡng nước ta bấy giờ còn nhiều lệch lạc, đòi hỏi phải thực hiện một công cuộc giáo hoá sâu rộng, bài bản trong dân chúng, để dạy dân thực hành theo lời dạy của Bụt.

Rải rác đó đây trong các xóm làng Đại Việt tồn tại các tục lệ cúng bái mê tín dị đoan và các miếu thờ bậy bạ (dâm từ). Ngay Phật giáo Đại Việt cũng không phải là không có những vấn đề phức tạp. Trong cộng đồng người Việt từ cuối thời nhà Lý, bên cạnh ba dòng thiền truyền thống đã xuất hiện những khuynh hướng khác lạ, xa rời chính pháp. Đó là những hoạt động bùa phép để giải quyết mâu thuẫn cá nhân mà sử sách từng ghi chép không chỉ một lần, chẳng hạn như việc sư Đại Điên dùng phép thuật đánh chết và vứt xác Từ Vinh xuống sông Tô Lịch. Sau đó con trai của Từ Vinh, là Từ Lộ, ra nước ngoài học phép lạ để báo thù cho cha, học xong Từ Lộ đến nhà Đại Điên vung gậy đánh, Đại Điên phát bệnh mà chết.

Cũng không thể không kể đến khuynh hướng Tịnh Độ ở nước ta từ giữa Thế kỷ 11, nhất là trong giới bình dân hạ trí. Thượng Sĩ Tuệ Trung đã nhạy cảm phát hiện rằng bên cạnh mặt tích cực là giáo dục con người hướng về Tây Phương Cực Lạc (?) trong những đời sau mà siêng năng làm lành, lánh dữ trong đời này; còn có mặt tiêu cực rất nguy hiểm của nó. Đó là tính ỷ lại vào sự cứu độ từ bên ngoài (tha lực), làm thui chột nỗ lực tự thân, mà điều này vừa trái tinh thần tự giác của pháp Bụt, lại vừa là mối lo cho toàn dân Đại Việt, nhất là giới lãnh đạo nhà Trần trong bối cảnh đất nước luôn bị thế lực đế quốc Nguyên Mông khổng lồ rình rập từ phương Bắc. Trong xã hội Đại Việt bấy giờ trào lưu Tịnh Độ đã khá thịnh hành, khiến Tuệ Trung Thượng Sĩ với lòng từ bi vô hạn của người tỉnh thức đã phải lên tiếng khuyên bảo những ai còn nhẹ dạ cả tin vào Phật giáo Tịnh Độ bằng bài thơ Thị Tu Tây Phương Bối.

2. Về vị trí địa lý, Đại Việt nằm kề bên một đế quốc rộng lớn và có nền văn hoá phát triển lâu đời là Trung Hoa. Quá khứ nghìn năm Bắc thuộc còn để lại những vết hằn nhức nhối khó phai trong xã hội người Việt. Vào thời đại Trần Nhân Tông cái lực lượng đế quốc rộng lớn này còn được bồi thêm bằng sức mạnh vũ bão của vó ngựa Mông Thát thiện chiến và bạo tàn, đã trở thành đế quốc Nguyên- Mông khổng lồ, hung hãn, thật đáng gờm.

Đó là mối đe doạ thường trực đối với sự sống còn của nhà nước Đại Việt và thực tế nó đã thành hai cuộc xâm lăng khủng khiếp mà Vua Trần Nhân Tông cùng toàn dân Đại Việt phải đương đầu; chưa kể đến cuộc xâm lăng của quân Mông Thát thời Vua Trần Thái Tông.

Bối cảnh ngàn cân treo sợi tóc ấy cùng với những tin tức về những gì đang diễn ra sôi động trong và ngoài nước giai đoạn này đã khiến vị Hoàng Đế sáng suốt và có tầm nhìn chiến lược Trần Nhân Tông phải bận lòng trăn trở, kiếm tìm đường lối xây dựng quốc gia Đại Việt sao cho vừa hùng mạnh về quân sự, chính trị và kinh tế, lại vừa mở mang về văn hoá-tư tưởng và tôn giáo, tạo ra đời sống tinh thần phong phú, thiêng liêng nhưng lành mạnh và không bị lệ thuộc, đủ sức đương đầu với mối hoạ xâm lăng từ bên ngoài không chỉ về quân sự, chính trị mà còn cả về âm mưu nô dịch văn hoá-tư tưởng nữa.

3. Hẳn là những khi thao thức kiếm tìm đường lối và vạch ra những bước đi cụ thể thực hiện đường lối ấy, nhất là những lúc một mình ngồi dưới gốc cây thông già suy ngẫm, chiêm nghiệm, hoặc những phút giây lắng lòng sau buổi nghiên cứu nội ngoại điển, Vua đã có dịp khám phá nguyên nhân nội tại khiến cho quốc gia rộng lớn có bề dày lịch sử-văn hoá lâu đời Ấn Độ, quê hương đức Thế Tôn và đạo Phật, đã phải oằn mình thất bại thảm hại trước sự xâm lăng của quân hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ (từ Thế kỷ 8 đến Thế kỷ 13). Phật giáo Ấn Độ theo đó cũng bị phá hoại nặng nề và suy tàn đến nỗi gần như mất hẳn ở đất nước này sau hơn 1700 năm phát triển rực rỡ “từng làm bá chủ về tư tưởng toàn Ấn Độ, đoạt hẳn vị trí độc tôn của Bà La Môn giáo… Nhất là Phật giáo thời đại hai vương triều A Dục (Asoka) và Ca Nhị Sắc Ca (Kaniska) cực kỳ phồn thịnh…” (HT.Thích Thanh Kiểm; Lịch sử Phật giáo Ấn Độ; Thành Hội Phật giáo Tp.Hồ Chí Minh ấn hành; 1989; trang 199).

Nguyên nhân nội tại ấy là gì nếu không phải chủ trương xuất thế-siêu thoát, ươm mầm và nuôi dưỡng tư tưởng ỷ lại vào lực lượng siêu nhiên-thần bí, nhất là trong thời kỳ phát triển Mật giáo Ấn Độ (701 – 1200). Thêm vào đó, sự chia tách phức tạp quá nhiều tông phái trong Phật giáo Ấn Độ cũng làm cho đạo Phật nước này dần dần suy yếu và rệu rã ngay từ trước khi có sự tàn phá khốc liệt của quân Hồi giáo.

Ngoài tấm gương tầy liếp của Phật giáo Ấn Độ, còn phải kể đến hai tấm gương cũng tầy liếp không kém và cũng đáng được coi như những bài học mà Đại Việt cần tham khảo, rút kinh nghiệm. Đó là sự quá tin cầu vào một kiếp sau tốt lành sung sướng ở nơi Tây Phương Cực Lạc (?) của giáo nghĩa Tịnh Độ Trung Hoa đời Tống. Chính lòng tin viển vông, mơ hồ này đã làm suy yếu khả năng đề kháng của đất nước Trung Hoa, đưa đến sự tiêu tan triều đại nhà Tống dưới vó ngựa xâm lăng thiện chiến của Mông-Thát. Rồi nữa, liệu có gì liên quan không giữa tư tưởng quá ỷ lại vào quyền năng siêu nhiên của Mật giáo Tây Tạng với sự thất bại quá mau chóng và quá dễ dàng của đất nước rộng lớn, băng tuyết này trước sự tấn công vũ bão của quân Nguyên dưới thời Hốt Tất Liệt (Thế kỷ 11)?

4. Vua Bụt Trần Nhân Tông đã phát hiện được điểm yếu chung giữa ba nền Phật giáo của ba quốc gia rộng lớn nói trên, là ở chỗ chúng đều có chung cái vỏ ỷ lại vào sức mạnh siêu nhiên bên ngoài (tha lực). Cái vỏ nguỵ trang này khéo léo che đậy cái lõi bên trong: Cái Tôi mềm yếu, ham hố và mê muội (chấp ngã) của người tu.
Tình hình ấy cộng với kinh nghiệm xương máu rút ra từ những lần chiến đấu và chiến thắng oanh liệt giặc Nguyên- Mông đã giúp Vua Bụt vạch ra đường lối phát triển đời sống tinh thần của Đại Việt và quyết tâm xây dựng một Giáo hội Phật giáo thống nhất với chủ trương tự giải thoát, không cầu xin-dựa dẫm tha lực. Tư tưởng chủ đạo của pháp Bụt Đại Việt là nhập thế-vô ngã, nghĩa là làm thì làm hết mình nhằm tới thành công, nhưng không gắn Cái Tôi vào đó; hay như người ta quen nói là “công thành, danh tịch”. Tư tưởng chủ đạo đó của giáo hội nhằm tạo nên một sức mạnh tôn giáo tích cực và hùng hậu, giúp đỡ đắc lực cho công cuộc tiến hoá của dân tộc, mở mang và bảo vệ đất nước. Đó chính là đặc điểm nổi bật của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền thuần tuý Việt Nam.

Chất nhập thế-vô ngã này được Vua Bụt sáng tạo dựa trên sự đúc kết những tinh hoa của cả ba dòng thiền có mặt ở nước ta trước đó (Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường). Quá trình vận động thống nhất thành một dòng thiền duy nhất đã giúp cho nền văn hoá-tư tưởng Đại Việt đứng vững trước làn sóng nô dịch văn hoá từ bên ngoài tràn tới, góp phần đáng kể bảo vệ nền độc lập, tự chủ của nước nhà.

5. Có người muốn đặt câu hỏi: “Chất nhập thế-vô ngã và tính thống nhất của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử tuyệt vời như thế, vậy mà sao dòng thiền này chỉ truyền thừa được ba thế hệ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Có người còn cho rằng “phong trào Phật giáo nhập thế gọi là Trúc Lâm Yên Tử chỉ hưng thịnh đến khoảng Thế kỷ 14. Sau đó phong trào yếu dần” và “thời hưng thịnh cấm dứt”. (Nguyễn Lang; sách Việt Nam Phật giáo Sử Luận, tập I (VNPGSL I); NXB Văn Học, Hà Nội, 1994; trang 16 và 17).

Sự tồn tại của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử là cả một vấn đề lớn, cần được nghiên cứu kĩ lưỡng và đầy đủ mới có thể có câu trả lời thoả đáng. Trong số những dữ liệu lịch sử còn lại từ những thế kỉ trước đã có những ghi chép sai lạc, dẫn đến những hiểu lầm ở những thế kỉ tiếp theo, khiến hậu thế đinh ninh rằng sự hưng thịnh của dòng thiền này nói riêng và của Phật giáo Việt Nam nói chung đã chấm dứt từ sau tam Tổ (?) Huyền Quang. Ngay cả vấn đề Huyền Quang có phải là Tổ thứ ba của dòng thiền này hay chỉ là tự pháp (chỗ dựa) của dòng thiền thôi và còn nhiều điều khác nữa cũng cần được bàn giải, xem xét, đánh giá thận trọng và đúng mức. Học giả Lê Mạnh Thát trong Toàn Tập Trần Nhân Tông, từ trang 307 đến 355 đã viết những dòng sau đây: “… vì những ngộ nhận vừa nêu (dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử chỉ truyền thừa được ba thế hệ và sau đó hết thời hưng thịnh) nên phải viết sơ một ít về dòng thiền Trúc Lâm do Vua Trần Nhân Tông thành lập”, rồi ông đã dành cả một chương, gồm 48 trang sách, để gọi là “viết sơ” về vấn đề này.

tap chi nghien cuu phat hoc Boi canh ra doi thien phai truc lam 3

6. Chủ trương nhập thế-vô ngã của Phật giáo Việt Nam không phải đến tận thời Trần Nhân Tông mới được đặt ra. Trong suốt ngàn năm Bắc thuộc, thực tế đấu tranh kiên trì và gian khổ với bao cuộc nổi dậy chống ách bạo tàn, diệt chủng của thế lực thống trị phương Bắc và quá trình vận động vô hiệu hoá âm mưu nô dịch văn hoá-tư tưởng thâm độc của chúng đã hun đúc thành kinh nghiệm quý báu và kết tinh thành chất nhập thế-vô ngã tuyệt vời của Phật giáo Đại Việt, lúc nhạt nhoà, khi rành rẽ, rải rác ở tông phái này hay sơn môn nọ, không ngừng được ươm mầm, nuôi lớn trong các dòng thiền của cộng đồng người Việt.

Điểm theo dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam ta có thể dễ dàng nhận thấy chủ trương nhập thế-vô ngã đã được nhen nhóm và dấy lên từ những gương mặt sáng giá như: sư Định Không (730 – 808), trưởng lão La Quý An (825 – 936), sư Pháp Thuận (925 – 991), sư Khuông Việt (933 – 1011), sư Vạn Hạnh (? – 1025),…

Nhưng phải đợi đến Vua Bụt Trần Nhân Tông tư tưởng nhập thế-vô ngã mới được trình bầy rành mạch trong văn học Phật giáo với bài phú Cư Trần Lạc Đạo mà Vua Bụt sáng tác bằng văn nôm để dễ dàng phổ biến không chỉ riêng cho giới tăng, ni, nho sĩ, quan chức, mà còn cho rộng rãi dân chúng Đại Việt nữa.

Tuy đánh giá chưa thật thoả đáng sự ra dời, ảnh hưởng và vai trò của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đối với nền văn hoá – tư tưởng Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng, tác giả Nguyễn Lang trong tác phẩm VNPGSL I của mình cũng đã phải thừa nhận: “Chính Nhân Tông đã sử dụng được tiềm năng của Phật giáo để phục vụ cho chính trị. Sự xuất gia của Vua, cùng những năm hành đạo trong dân gian của Vua, đã khiến giáo hội Phật giáo Trúc Lâm trở nên một lực lượng tôn giáo hùng mạnh yểm trợ cho triều đại”.

Sự ra đời dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử là mốc son chói lọi, đánh dấu sự chín mùi của hệ tư tưởng chủ đạo nhập thế-vô ngã với triết lý sống tích cực của Phật giáo Đại Việt và là đỉnh cao của cuộc vận động thống nhất các dòng thiền có mặt trong cộng đồng người Việt cho đến lúc bấy giờ. Chủ trương nhập thế-vô ngã không làm phai mờ, mà trái lại càng làm nổi rõ chất tỉnh thức và giải thoát của con đường mà Bụt Thích Ca đã chỉ dạy. Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử ra đời với sức sống khoẻ khoắn và tươi mới góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đời sống văn hoá-tinh thần lành mạnh, đậm nét chất Đại Việt, giàu tính sáng tạo và tính nhân văn trong suốt diễn trình tiến hoá của dân tộc ta cho đến hôm nay và mai sau.

Tác giả: Huyền Cương

Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2019

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường