Trang chủ Chuyên đề Báo ân báo hiếu

Báo ân báo hiếu

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Bất cứ ai hiện hữu trên đời, trước hết phải được mẹ mang nặng đẻ đau: “Chín tháng cưu mang, nặng nhọc như đội núi; đêm đêm như bệnh nặng, ngày ngày tợ hoàng hôn; trong khi sinh nở, gan ruột dường như xé rách, đau đớn mê man, máu huyết dầm dề” (Kinh Báo Ân). “Sinh con ra cha mẹ đã khổ nhọc, để nuôi con khôn lớn lại chịu khổ nhọc hơn, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn, thậm chí vì con mà phải làm ác. Con là vàng ngọc, là giọt máu của cha mẹ chia hai, nên dẫu con thế nào cha mẹ vẫn thương con. Tình thương đó “có dừng lại chăng, chỉ hơi thở sau cùng”. (Kinh Báo Ân). Ơn sinh thành của cha mẹ thật bao la, cao như núi và rộng như biển, cha mẹ là đôi vầng nhật nguyệt sưởi ấm và sáng soi đời con: “Mẹ còn sống gọi là mặt trời giữa trưa chói sáng, mẹ khuất bóng rồi gọi là mặt trời đã lặn” (Kinh Tâm Địa Quán). Trong cuộc sống, không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc còn cha mẹ, và không có bất hạnh nào lớn hơn bất hạnh của kẻ mồ côi. Hình ảnh người cha lao động cần mẫn sớm hôm, người mẹ dịu hiền chăm chút các con từng miếng ăn, giấc ngủ, đã từng và mãi mãi là những cung bậc êm đềm của bài hợp xướng gia đình. Căn bản đạo đức cũng bắt đầu từ sự giáo dục gia đình, vì cha mẹ là chuẩn mực của các con từ lúc còn thơ ấu. Mãi mãi về sau, dù ở lứa tuổi nào, chúng ta cũng thấy cha mẹ là chỗ dựa tinh thần vững chắc. Có thể lúc ta thành công trong sự nghiệp hay hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi thì ta không cảm nhận rõ điều này, nhưng khi gặp cảnh ngộ không may, khi bị sống đời vùi dập tơi tả, khi hoàn toàn mất hết niềm tin đối với người chung quanh, ta mới chợt hiểu rằng, nơi một góc trời xa yêu dấu, cha mẹ vẫn là chiếc nôi ấm cho mình ru giấc ngủ sâu, là vòng tay êm xóa tan hết nơi mình mọi buồn đau hận tủi. Ân sủng thiêng liêng ấy, tình cảm bao la bất tận ấy, ta có thể tìm được nơi đâu, ngoài cha mẹ của mình?

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2019 Bao an bao hieu 1

Nói về đạo hiếu, kinh điển Phật giáo đề cập đến rất nhiều, ngoài kinh Vu Lan Bồn ra, còn có một số kinh khác như kinh Nhẫn Nhục, Đại Tập, Tứ Thập Nhị Chương, A Hàm, Tăng Chi… lời lẽ rất thống thiết, sinh động, để lại dấu ấn tâm linh cho người đọc thực thi đạo sống làm người. Ngay trong bản kinh Tứ Thập Nhị Chương đã trình bày rõ quan điểm: “Phàm làm người phụng thờ qủy thần, không bằng phụng thờ cha mẹ, cha mẹ là vị thần tối thượng”. Còn kinh Đại Tập nói rằng: “Nếu ở đời không gặp Phật thì hãy theo phụng thờ cha mẹ cũng như phụng thờ Phật”. Phụng dưỡng cha mẹ là một sứ mệnh thiêng liêng, vượt lên trách nhiệm và bổn phận. Hiếu dưỡng cha mẹ bằng cách kính thuận năm điều: “Nuôi dưỡng cha mẹ; làm đủ bổn phận con cái đối với cha mẹ; giữ gìn gia đình và truyền thống; bảo vệ tài sản thừa tự; làm tang lễ khi cha mẹ qua đời” (Kinh Giáo Thọ Thi La Ca Việt). Kính thờ cha mẹ, con cái phải làm tròn năm việc: “Phải lo sinh kế; dậy sớm lo cơm nước cho cha mẹ kịp thời; không nên làm cha mẹ thêm lo; phải nhớ ơn cha mẹ; khi cha mẹ có bệnh phải lo sợ chạy chữa kịp thời” (Kinh Lục Phương Lễ). Dù nỗ lực để tận hiếu nhưng công ơn cha mẹ vô thượng thậm thâm thật khó đáp đền. Trong kinh Tăng Chi I, đức Phật dạy: “Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt 100 năm cho đến khi các người 100 tuổi. Nếu đấm bóp, tắm rửa, và dầu tại đấy họ có vãi đại tiểu tiện, như vậy cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha”. Những cách báo hiếu trên tuy xem ra cũng cao cả và không phải người con nào cũng hiểu và làm được trọn vẹn. Thế nhưng theo như những gì đức Phật dạy thì sự báo ân như vậy vẫn chưa trả đủ công ơn cha mẹ. Công ơn cha mẹ to lớn như thế, bổn phận con cái phải làm thế nào mới tròn câu hiếu đạo?

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2019 Bao an bao hieu 2

Hiếu đạo theo Phật giáo, nếu chỉ phụng dưỡng song thân đầy đủ vật chất cùng tất cả sự cung kính thì chưa đủ để báo ân cha mẹ. Người con hiếu, ngoài hiếu dưỡng thông thường phải hướng cha mẹ trở về an trú trong chính pháp. Kinh Tăng Chi, Phật dạy: “Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với các của cải, đồ ăn, tiền bạc thì không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Này các Tỳ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ san tham, khuyến khích, hướng dẫn an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác tuệ, khuyến khích, hướng dẫn an trú vào trí tuệ. Như vậy là làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cha, là chân thật báo ân”. Khuyến hóa cha mẹ trở về chính pháp để tránh đọa lạc là cách báo hiếu trọn vẹn, bởi “Cúng dường cha mẹ không bằng khuyên cha mẹ làm việc lành, bỏ việc ác. Nếu không thể cải hóa cha mẹ phụng trì Tam bảo thời tuy có hiếu dưỡng cha mẹ cũng gọi là bất hiếu. Cha mẹ hung ngược, dâm dật, tà ngụy, trái đạo… người con phải hết sức ngăn cản mới gọi là hiếu” (Kinh Hiếu Tử). Khi cha mẹ quá vãng, Kinh Vu Lan Bồn viết: “Mỗi năm đến ngày Rằm tháng Bảy, ngày Tăng Tự Tứ, thiết lễ cúng dường mười phương chúng Tăng, nguyện cho cha mẹ hiện đời phước thọ tăng long, cha mẹ bảy đời thoát khổ ngạ qủy, được sinh vào trời người hưởng phước lạc vô cùng”. Như vậy, bổn phận con cái đối với cha mẹ thì ngoài việc dâng cúng những điều kiện về mặt vật chất là lẽ tất nhiên, thế nhưng sẽ có ý nghĩa hơn nếu như con cái biết hướng cha mẹ quy ngưỡng Tam Bảo, biết bố thí cúng dường, bỏ việc ác, làm các điều thiện. Mặt khác vì do công lao sinh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái như trời như biển cho nên không thể lấy của cải vật chất bù đắp được. Vả lại, mọi của cải vật chất trên thế gian này đều tạm bợ, vô thường, biến hoại, không có giá trị trường cửu, do đó, nếu như khuyến khích cha mẹ có lòng tin, làm điều lành, sống theo chính kiến, đó là hành động báo hiếu có ý nghĩa nhất. Bởi vì nếu ai thực hiện được như vậy thì cha mẹ của họ sẽ tăng phúc, tăng thọ, an vui trong cuộc sống hiện tại mà đời sau cũng được thọ hưởng các quả báo tốt đẹp.

Tác giả: TT.Thích Thiện Hạnh

Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 7/2019

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường