Trang chủ Bạn đọc Ba viên ngọc quý

Ba viên ngọc quý

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Trong thế giới vật lý, ngọc quý là vật do thiên nhiên tạo hóa, hiếm có, và vì thế có giá trị ở mặt đồng tiền, thẩm mỹ và quý hiếm. Song, những việc thuộc thế giới vật lý dù có giá trị đến đâu cũng có giới hạn của chúng ở trong vòng tương đối.

Khi khởi tâm dựng lập một điều gì thì con người chúng ta đã bị giam cầm trong tâm tham, sân, và si của chính mình, cũng như chôn vùi viên ngọc quý bên trong lòng đất tâm sâu thẳm của chính mình rồi vậy. Một khi đã chạy theo ngọc giả tức thì đánh mất ngọc thật. Mỗi người ai cũng có viên ngọc quý nơi mình. Viên ngọc quý này được Kinh Phật ẩn dụ cho Tự Tính Giác hay Tâm Thanh Tịnh Bản Nhiên nơi mỗi người, xưa nay nó không sinh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt. Viên ngọc này được Kinh Pháp Hoa đề cập đến trong câu chuyện người ăn mày có viên ngọc quý trong túi áo mà không biết, phải chịu kiếp lang thang nghèo nàng nay đây may đó. Ngọc quý ấy ở đâu? Tại sao ta không thấy nó? Thế nào là giá trị của viên ngọc quý ấy? Tại sao nhận được viên ngọc quý ấy thì hết kiếp cùng khổ? Chính mình cần phải nghiền ngẫm khám phá mới được.

Thuở xưa vào thời nhà Đường bên Trung Quốc, có ngài Huệ Hải đến cầu pháp nơi Tổ Sư Mã Tổ.

Mã Tổ hỏi: “Đến đây cầu việc gì?” Đáp: “Cầu Phật pháp”.

Mã Tổ bảo: “Kho báu nhà mình không chịu nhận, mà lo đến người cầu cái gì?”

Huệ Hải hỏi: “Thế nào là kho báu nhà mình của Huệ Hải?”

Mã Tổ dạy: “Chính cái ông hỏi ta đó là kho báu của ông, đầy đủ không thiếu sót”.

Cái mà đang hỏi Mã Tổ ấy là cái gì? Cần phải thấu triệt thì mới nhận được kho báu đầy đủ không thiếu sót vậy. Nếu như không nhận ra mà còn ở trên vọng thức tìm cầu kiến giải thì tự chôn vùi kho báu nhà mình thêm nhiều lớp nữa, mãi mãi sẽ không thể não thấu triệt và nhận được kho báu ấy, phải chịu làm người cùng khổ như Kinh Pháp Hoa đã nói.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 1.2016 Ba vien ngoc quy 1

Chính mỗi người cần phải nhận ra Viên Ngọc Quý hay Kho Báu nơi mình. Chính mỗi người cần phải nỗ lực để thấy Tự Tâm Bản Tính nơi mình. Không ai có thể thay thế mình làm việc này được. Phật là bậc đạo sư của trời người, chỉ có thể là người chỉ đường dẫn lối cho mình mà thôi. Chính mình phải nỗ lực đi thẳng (trực tâm) thì mới có ngày triệt ngộ Bản Tâm, hay thấy Mặt Trăng. Do vậy người xưa nói “nóng lạnh tự biết” và “ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng”. Cho nên muốn thấu triệt đạo phật cần phải đi bằng con đường Đạo Học chứ không phải Triết Học. Đi con đường Đạo Học là xoay vào trong mà tiến thẳng đến tận chỗ sâu thẳm của tâm, tận cùng ý thức (chỗ trước khi khởi niệm) bằng công phu miên mật tham thiền. Đi bằng con đường Triết Học là hướng ra ngoài ở trên ngôn ngữ mà sinh nhiều tri giải, càng xa rời Chân Tính, càng chôn vùi Bản Tâm, muôn kiếp ngàn đời vẫn là con kiến bò quanh miệng chén không lúc nào ra khỏi được. Do vậy cổ đức nói: “Khổ Hải Vô Biên, Hồi Đầu Thị Ngạn!”

Chư Phật, chư Tổ đều dạy mình phải quay về với Bản Tâm của chính mình. Mà Bản Tâm ấy tức là Phật, vì Phật nghĩa là Giác Ngộ. Khi mình giác ngộ được Bản Tâm của mình thì mình tức là người giác ngộ, hay Phật. Do vậy đức Thế Tôn dạy mình Quy y Phật Bảo. Quy y Phật Bảo là trở về nương tựa với tâm giác ngộ nơi chính mình. Chỉ có Tâm Giác Ngộ ấy mới là cái quý giá nhất trên cõi đời vì thoát được sự giam cầm của vọng thức, của vô minh, phiền não, sinh tử, và vì được tự do tự tại một cách tuyệt đối. Đó mới thật là Chân Quy y Phật Bảo. Do vậy Kinh Pháp Hoa ví đó là Viên Minh Châu Vô Giá, Tổ Mã Tổ gọi đó là Kho Báu.

Không chỉ Quy y Phật Bảo mà còn cả Quy y Pháp Bảo và Tăng Bảo nữa. Bởi Phật là Tâm, Tâm là Phật, thì Pháp và Tăng cũng là Tâm, Tâm cũng là Pháp, là Tăng. Tuy ba mà một tuy một mà ba. Pháp Bảo hay Diệu Pháp (trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh) cũng tức là Dụng Chiếu Soi của Chân Tâm Bản Tính mình. Tăng Bảo là Một Tâm Thể Thanh Tịnh. Chân Tâm chiếu soi cùng khắp pháp giới mà vẫn thường tịch nhiên vắng lặng, nên nó vừa chiếu soi (Pháp) vừa tịch tịnh (Tăng). Do sống với và được chiếu soi bởi Chân Tâm nên ta không mắt phải những Kiến Tư Hoặc ngược lại còn hóa giải tất cả những kiến tư hoặc phiền não ấy biến thành Tri Kiến Phật; và do sống với và được tịch tịnh hoàn toàn bởi Chân Tâm nên ta không bị những sắc tướng bên ngoài chi phối hay bị chúng làm ô nhiễm, giới thể được trong sạch tuyệt đối. Đó mới thật là Chân Quy y Pháp và Tăng Bảo. Vì vậy Tổ Huệ Năng đã truyền “Vô Tướng Tam Quy Y Giới” như sau:

“Thiện tri thức, QUY Y GIÁC, lưỡng túc tôn, QUY Y CHÍNH, ly dục tôn, QUY Y TỊNH, chúng trung tôn. Từ nay trở đi, xưng GIÁC làm Thầy, trọn chẳng quy y tà ma ngoại đạo, dùng Tự Tính Tam Bảo thường tự chứng minh. Khuyên các thiện tri thức, nên Quy Y Tự Tính Tam Bảo: Phật tức là GIÁC, Pháp tức là CHÍNH, Tăng tức là TỊNH. Tự tâm quy y GIÁC thì tà mê chẳng sinh, thiểu dục tri túc, hay lìa tài sắc, gọi là Lưỡng Túc Tôn. Tự tâm quy y CHÍNH, niệm niệm chẳng tà kiến, vì chẳng tà kiến nên chẳng có nhơn ngã, cống cao, tham ái, chấp trước, gọi là Ly Dục Tôn. Tự tâm quy y TỊNH, tự tính đối với tất cả cảnh giới trần lao ái dục đều chẳng nhiễm trước, gọi là Chúng Trung Tôn. Nếu tu hạnh này là Tự Quy Y. Phàm phu chẳng hiểu, từ sáng đến tối thọ Tam Quy Y, nếu nói quy y Phật, Phật ở chỗ nào? Nếu chẳng thấy Phật thì dựa vào đâu mà Quy Y? Nói lại thành vọng. Thiện tri thức, mọi người hãy xem xét kỹ, chớ lầm dụng tâm, trong Kinh rõ ràng nói là Quy Y Tự Tính Phật, chẳng có nói Quy Y Tha Phật. Tự tính Phật, chẳng quy y thì đâu còn chỗ nào để quy y nữa! Nay đã tự ngộ, mỗi người đều phải quy y Tự Tính Tam Bảo, bên trong tự sửa tâm tính, bên ngoài kính mến mọi người, tức là Tự Quy Y vậy.”

Tổ Huệ Năng nói: “Nào ngờ tự tính bản tự cụ túc” và Tổ Mã Tổ nói: “Chính cái ông hỏi ta đó là kho báu của ông, đầy đủ không thiếu sót”. Tự Tính đã đầy đủ Phật, Pháp, và Tăng Bảo rồi mà ta không chịu quay về nương tựa, thì ta còn quy về nương tựa với cái gì và ở đâu nữa?

Những tòa nhà, những chung cư, cho đến những thành phố đều do tâm và ý tưởng của biết bao người tạo nên như kỹ sư, kiến trúc sư, và quần chúng. Do vậy Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm như hoạ sĩ khéo, vẽ thế giới muôn màu, cảnh ngũ ấm thế gian, không pháp nào không tạo.” Tất cả những vật được nhân tạo trên thế giới này đều là sảng phẩm của ý tưởng và tâm thức của con người. Cả cuộc đời mình xoay vần và sống trong cái ý tưởng và tâm thức lầm mê không những của chính mình mà của cả những người khác nữa. Thế thì mình hướng ra ngoài mà quy y vọng tâm của người và vọng tâm nơi mình, chứ đâu phải mình quy y cái Chân Tâm Bản Tính Phật thật sự của chính mình đâu?! Những hình tượng Phật là do họa sĩ và nghệ nhân sáng tạo ra từ tâm thức của họ. Nếu không khéo và thiếu sự hiểu biết chân chính, mình có thể bị lầm, lạy và quy y hình tượng Phật bên ngoài (Tha Phật), cũng tức là mình quy y cái tâm thức hư vọng của người họa sĩ mà không hay biết. Nói thế không phải là bát bỏ việc lạy hình tượng Phật bởi đó cũng là một phương tiện tốt để tiếp người sơ học vào cửa Phật. Nhưng nếu không nhận thức đúng đắng và rõ ràng thì mình sẽ bị lệ thuộc vào những việc đó, lâu dần sẽ khiến sinh nhiều tà kiến trái nhân quả và những chấp trước sai lầm. Vì thế đức Lục Tổ dạy: “Thiện tri thức, mọi người hãy xem xét kỹ, chớ lầm dụng tâm, trong Kinh rõ ràng nói là Quy Y Tự Tính Phật, chẳng có nói Quy Y Tha Phật.” Vậy mình phải thử hỏi lại chính mình, ta quy y Phật hay ta quy y Thần?

Trong giáo pháp của đức Phật có hai loại kinh giáo, một là Bất Liễu Nghĩa và hai là Liễu Nghĩa. Kinh Bất Liễu Nghĩa là những kinh dạy về nhưng phép tương đối, thuộc về Nhân Quả, rất rõ ràng và dễ hiểu vì có thể diễn tả và nhận thức bằng ngôn ngữ thế gian. Do vậy những kinh Bất Liễu Nghĩa còn được gọi là Khế Cơ. Do nhờ thực hành những kinh giáo ấy mà hành giả có sức chính niệm tỉnh giác, thấy rõ được nguồn gốc khổ vui, thiện ác mà chuyển hóa thân tâm từ ác sang thiện, từ khổ sang vui, mang lại sự bình an và lợi lạc cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Đây gọi là người có Phàm Tuệ.

Kinh Liễu Nghĩa thì mang tính khế hợp chân lý nên còn gọi là Khế Lý. Những hệ kinh Liễu Nghĩa này chỉ bày cho người tu con đường trở về và sống thật với Tự Tính Giác xưa nay sẵn có nơi mọi chúng sinh. Khi hành giả đã thấu triệt Bản Tâm Tự Tính nơi mình thì tất cả những sinh hoạt đời sống được soi sáng bằng Trí Bát Nhã chứ không còn bằng vọng thức nữa nên không bị lầm lỗi, cũng không tạo nghiệp. Đây gọi là người có Thánh Tuệ.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 1.2016 Ba vien ngoc quy 2

Thí dụ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đã dùng câu chuyện kẻ ăn mày và gả cùng tử để chỉ cho chúng sinh có sẵn Tính Phật nơi mình nhưng đã đánh mất từ bấy lâu. Chính tựa đề Kinh cũng chứa đầy nhiều nghĩa ẩn dụ về Tri Kiến Phật nơi mình. Không riêng gì Kinh Pháp Hoa mà các Kinh Liễu Nghĩa khác như Kinh A Di Đà, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Kim Cang v.v… cũng đều như vậy. Chìa khóa để mở kho tàng kinh giáo Liễu Nghĩa là ở công phu Tham Thiền. Một khi Tâm được sáng tỏ thì tất cả những Kinh ấy đều được thông suốt một cách rõ ràng. Còn bằng không chỉ ở trên ngôn từ mà hiểu và giảng thuyết thì không đúng vào đâu tất cả. Dẫu đúng thì cũng chẳng có lợi ích gì, vì vẫn còn là việc bên bờ sinh tử, chỉ càng tỏ ra sự lanh lợi và mạnh mẽ của vọng thức mà thôi, do vậy chư tổ nói đó là “đồ ói mửa của cổ nhân”. Nay hãy dùng một vài thí dụ của người xưa mà suy xét lấy.

Một hôm Tổ Quy Sơn hỏi ngài Hương Nghiêm: “Ta nghe ngươi ở chỗ Tiên sư Bá Trượng hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm, đó là ngươi thông minh lanh lợi, ý hiểu thức tưởng là cội gốc sinh tử. Giờ đây thử nói một câu khi cha mẹ chưa sinh xem?”

Ngài Hương Nghiêm tìm khắp đại tạng cũng không thể trả lời một câu hỏi của Tổ Quy Sơn phải than rằng “bánh vẽ chẳng no bụng đói” đến cầu Tổ Quy Sơn chỉ dạy.

Tổ Quy Sơn bảo: “Nếu ta nói cho ngươi, về sau ngươi sẽ chửi ta; ta nói là việc của ta đâu can hệ gì đến ngươi?

Tổ Hương Nghiêm bèn đem những sách vở đã thu thập được đồng thời đốt hết và nói: “Đời này chẳng học Phật pháp nữa, chỉ làm Tăng thường làm việc cơm cháo, khỏi nhọc tâm thần.”

Tổ Hương Nghiêm từ giả Tổ Quy Sơn đến Nam Dương mang câu hỏi của Tổ Quy Sơn trong lòng. Một ngày nhân cuốc nhầm miếng gạch văng vào cây tre phát ra tiếng mà Triệt Ngộ Bản Tâm, liền hướng về tổ Quy Sơn mà bái tạ.

Tổ Đức Sơn làu thông Kinh Kim Cang, nghe Thiền Tông thịnh hành ở phương Nam, nên bèn đem Thanh Long Sớ Sao của ngài định đến Tổ Long Đàm Sùng Tín bài trừ Thiền Tông. Nhưng đi gần đến Long Đàm, ngài gặp một bà lão bán nước bên đường bà lão hỏi “Kinh Kim Cang nói quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc, xin hỏi Thượng tọa điểm tâm nào?”

Tổ Đức Sơn làu thông Kinh Kim Cang mà cũng không trả lời được một câu hỏi của bà lão về Kinh Kim Cang. Sau đến Tổ Long Đàm ngộ đạo mới đốt bộ Thanh Long Sớ Sao của ngài trước đại chúng và nói: “Tột cùng các biện luận siêu huyền như một sợi lông ném trong hư không; hết sạch các trọng yếu ở đời in một nhỏ nước gieo trong hồ lớn.”

Như vậy thử hỏi xem vì sao cả hai Tổ Hương Nghiêm và Đức Sơn đốt Kinh Sách? Tại sao các ngài làu thông kinh giáo mà trả lời những câu hỏi ấy không được? Và như tại sao ngài Huệ Hải đến cầu Phật Pháp với Tổ Mã Tổ thì lại bị Mã Tổ nói “Kho báu nhà mình không chịu nhận, mà lo đến người cầu cái gì?”
Tổ Huệ Năng cũng dạy mình Quy Y Tự Tính Tam Bảo.

Tổ Đức Sơn cũng dạy “Tông ta không ngữ cú, không một pháp cho người.”

Ngài Tuệ Trung Thượng sĩ cũng dạy: “Phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tùng tha đắc” (nhìn lại chính mình là bản phận, chứ không theo bên ngoài mà được).
Vua Trần Nhân Tông cũng dạy mình quay về Tâm Thanh Tịnh nơi mình: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương. Di Đà là tính sáng soi, há phải nhọc tìm về Cực lạc.”

Tất cả các ngài đều tỏ ngộ Bản Tâm nơi các ngài. Các ngài cũng cạng lời hết ý, từ bi đánh đập la hét dạy mình quay về Tự Tâm. Đó mới thật là Chân Quy Y Phật, đó mới thật là Chân Quy Y Pháp, đó mới thật là chân Quy Y Tăng. Phật Pháp Tăng Tam Bảo đều không ngoài Bản Tâm, vậy không quay về Bản Tâm mình mà nhận Tam Bảo còn tìm cầu Phật Pháp Tăng nào ở bên ngoài nữa?

Nếu không có đức Thế Tôn giác ngộ nơi cây Bồ Đề diễn thuyết Chính Pháp, và không có có chư Tổ Thánh Phàm Tăng hoằng truyền Chính Pháp thì làm sao mình biết mà quy y Tự Tính Tam Bảo? Do đó mới thấy được công ơn lớn lao của các ngài đối với nhân sinh, cũng như tầm quan trọng của thế gian Tam Bảo. Vả lại, Kinh, Luật, và Luận Tạng là do Tăng chúng hoằng truyền từ thời đức Thế Tôn còn tại thế trãi qua hơn hai mươi lăm thế kỷ vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Nếu như Tăng chúng không còn thì ai duy trì Kinh, Luật, Luận để truyền đến những đời sau nữa? Bởi phải có thế gian Tăng Bảo mới có thể truyền tam quy ngũ giới cho hàng cư sĩ tại gia, cũng như thập giới và đại giới cho hàng xuất gia, để mạng mạch của Phật pháp được phát huy và duy trì, làm lợi lạc và là chỗ nương tựa cho vô số chúng sinh khổ đau chìm đắm. Dù cư sĩ tại gia có giỏi và ngộ được Bản Tâm mình một cách triệt để đến đâu đi nữa, cũng không thể truyền tam quy ngũ giới cho người tại gia và đại giới cho hàng xuất gia.

Tổ Huệ Năng đã giác ngộ khi còn là thân cư sĩ, nhưng vì sự tiếp nói mạng mạch và truyền thừa của Phật và Tổ mà phải thọ đại giới hiện tướng Tỳ kheo Tăng.
Như vậy thử nghĩ xem, tầm quan trọng của việc duy trì Tăng Bảo lớn lao đến dường nào! Bởi một khi Tăng Bảo đã không còn thì Phật và Pháp Bảo cũng chẳng còn dù chỉ là trên ngôn từ chữ nghĩa. Trước khi đức Thế Tôn nhập Đại Niết Bàn có dạy trong Kinh Di Giáo rằng: “Hãy lấy Giới Luật làm Thầy”. Luật Tạng đã mất thì Phật Pháp làm sao tồn tại? Hơn thế nữa, thế gian Tăng Bảo là đoàn thể hòa hợp thanh tịnh tăng chúng, mình quy y thế gian Tăng Bảo là mình thân cận, nương tựa một đoàn thể hòa hợp tăng để phụng sự nghe pháp và giúp các ngài hoằng pháp lợi sinh. Tất cả các vị Tăng ấy ai cũng là Thầy dạy đạo của mình, ai mình cũng có thể thân cận học hỏi chứ đâu phải giới hạng ở một cá nhân nào. Tăng Bảo không ở một vị xuất gia mà là đoàn thể hòa hợp thanh tịnh chúng.

Chính mình vì không nhận thức rõ ràng về việc quy y Tăng Bảo nên mới có thái độ và hành vi sai lầm đối với Tăng chúng. Vả lại, chính tâm mình còn vọng động không thanh tịnh nên mới thấy người và cảnh vật xung quanh không thanh tịnh. Vậy thì chính mình mới là người cần phải kiểm điểm tâm và hành vi của chính mình mới đúng, chứ đâu phải hướng ra ngoài chê bai tăng chúng. Do vậy ngài Lục Tổ nói “Nếu là người chân tu, chẳng thấy lỗi thế gian, nếu thấy lỗi của người, trái lại thành tự quấy. Người quấy ta chẳng quấy, thấy quấy thành tự lỗi, hễ bỏ tâm chấp quấy, phiền não tự tan rã.” Thế thì mình lại dựa vào đâu mà muốn bỏ đi viên ngọc quý Tăng Bảo?

Khi mình đã tin Tự Tâm mình là Phật hay viên ngọc quý, biết được phương pháp để quay về, và quyết chí quay về nương tựa và nhận lấy Bản Tâm của chính mình, thì mình chẳng cần phải tìm cầu học thêm mớ chữ nghĩa hay kiến thức nào khác từ bên ngoài, chẳng còn bị mê hoặc bởi những tà kiến vì luôn được soi sáng bởi tâm tĩnh thức bên trong, và một mình độc bộ tiến về phía trước tới chỗ tận cùng của tâm thức mà chẳng còn sợ đi lầm đường nữa. Chỉ một ý chí mãnh liệt hướng vào tâm mà đi thẳng trọn vẹn tới Bờ Bên Kia Giác Ngộ (Bát Nhã Ba La Mật Đa). Do vậy Tổ Đạt Ma nói “Trực Chỉ Nhân Tâm, Minh Tâm Kiến Tính, Kiến Tính Thành Phật”. Ngài Duy Ma Cật cũng nói “Trực Tâm là Đạo Tràng, vì lìa các quanh co”.

Muốn Quy Y hay trở về nương tựa với Tự Tính Giác, Chính, Tịnh (Phật, Pháp, Tăng) nơi mình thì điều cần yếu bây giờ là mình phải tìm bậc minh sư có thể chỉ điểm cho mình con đường hướng thượng, đồng thời mình phải thật vì sinh tử mà ra sức dụng công tham thiền, nhắm thẳng chỗ một niệm chưa sinh mà tiến tới, tìm lại ba viên ngọc quy của mình đã bị vùi chôn trong lòng đất vọng tâm dầy đặc từ bấy lâu đến nay.

Khi tìm được rồi thì lúc đó mới có thể Quy Y Tự Tính Tam Bảo và sống thật được với chính mình một cách trọn vẹn hoàn toàn, như gã ăn mày tìm lại được viên ngọc quý trong túi áo, gã cùng tử tìm lại được cha mình và thừa hưởng cả một gia tài kho báu không thể kể xiết. Vậy, nếu là bậc anh tài thì đừng ở trên vọng thức ngôn ngữ mà suy lường nữa, hãy âm thầm nhìn vào tâm mình mà đi thẳng tới phía trước đi! Há chẳng nghe Tổ Huệ Năng bảo: “Vô niệm niệm tức chính. Hữu niệm niệm thành tà” đó hay sao?!

Nói nhiều lời cũng không thể hết, chỉ đành mượn lời dạy của Tổ Đức sơn mà kết thúc: “Nơi mình vô sự thì chớ vọng cầu, vọng cầu mà được cũng chẳng phải được. Các ông chỉ vô sự nơi tâm, vô tâm nơi sự thì hư (rỗng) mà linh (lanh lẹ), không mà diệu. Nếu có nói gốc ngọn chừng đầu mảy lông đều là tự dối. Còn có mảy may nghĩ nhớ, là nghiệp nhân tam đồ. Bất chợt sinh tình (vọng khởi) là muôn kiếp bị khóa kín (địa ngục).”

Một hôm Tổ Đức Sơn sai thị giả gọi Nghĩa Tồn, Nghĩa Tồn đến, Sư bảo: “Ta bảo kêu Nghĩa Tồn, ngươi đến làm gì?” Nghĩa Tồn không đáp được.

Tác giả: Thánh Tri
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2016

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường