Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Ba vị cao tăng tiêu biểu ở chùa Phả Lại

Ba vị cao tăng tiêu biểu ở chùa Phả Lại

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Chùa Phả Lại (tên chữ là Chúc Thánh tự) thuộc xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh từ khi khởi dựng cho đến gần đây, có nhiều chục vị thiền sư trụ trì, nhưng nổi tiếng hơn cả, theo chúng tôi, có ba vị cao tăng thời Lý. Đó là thiền sư Dương Không Lộ, thiền sư Chân Không và thiền sư Nguyễn Minh Không. Dựa vào những ghi chép của các thư tịch cổ (Đại Việt sử ký toàn thư, Thiền Uyển tập anh, Đại Nam nhất thống chí…), trong bài này, chúng tôi giới thiệu chút ít tư liệu về ba vị cao tăng đó.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 7.2017 Ba vi cao tang tieu bieu o chua Pha Lai 1

Thiền sư Dương Không Lộ (?- 1119)

Theo sách Thiền Uyển tập anh (NXB Văn học, H.1990, bản dịch của nhóm Ngô Đức Thọ), thiền sư họ Dương, người hương Hải Thanh (nay thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), nhà mấy đời làm nghề đánh cá, sau, bỏ nghề, theo tu hành đạo Phật. Niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059- 1065) đời Lý Thánh Tông, sư cùng đạo hữu là Giác Hải vân du cõi ngoài, giấu kín tông tích, đến chùa Hà Trạch ăn rau mặc lá, quên cả thân mình, dứt hết mọi điều mong muốn, một lòng chuyên chú tu tập thiền định. Rồi sư thấy, tai mắt ngày càng sáng láng thông tỏ, bay trên không, đi dưới nước, hàng long phục hổ, muôn nghìn phép lạ không lường hết được. Sau, sư về bản quận dựng chùa trụ trì.

Một hôm, người hầu đến thưa với sư: “Đệ tử từ khi đến đây chưa được Hòa thượng chỉ giáo tâm yếu. Nay có bài kệ xin trình Hòa thượng:

“Rèn luyện thâm tâm tựa nước thanh
Sân thênh cổ thụ tòa sum cành
Có người thỉnh giáo nguồn pháp
Phật Lưng dựa bình phong, bóng tựa hình”.

Sư xem xong nói: “Ngươi đem kinh đến, ta nhận; đem nước đến, ta uống, sao bảo ta không truyền tâm yếu!” Nói xong, sư hả hả cười vang, đọc bài kệ:

Kiểu đất long xà chọn được nơi
Tình quê lai láng chẳng hề vơi.
Có khi xông thẳng lên đầu núi
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.
(Theo Thơ văn Lý Trần – Kiều Thu Hoạch dịch)

Ngày 3 tháng 6 năm Kỷ Hợi niện hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 10 (1119), sư viên tịch. Môn nhân thu xá lỵ táng ở tháp trước cửa chùa. Vua Lý Nhân Tông cho sửa sang mở rộng chùa Nghiêm Quang, miễn tô thuế cho 20 hộ để đèn hương phụng thờ. (sđd, tr. 105- 107).

Sách Đại Nam nhất thống chí, (tập IV, phần tỉnh Bắc Ninh, mục Chùa quán, NXB KHXH, H. 1971), ghi chép về Dương Không Lộ ở chùa Phả Lại như sau:

“Chùa Phả Lại ở sơn phận xã Phả Lại huyện Quế Dương (nay là huyện Quế Võ – NQK), trông xuống sông Lục Đầu, cũng là một cảnh danh thắng. Tương truyền chùa này là nơi trụ trì của sư Dương Không Lộ. Nhà sư có đúc một quả chuông lớn, sau, chuông ấy rơi chìm ở bờ sông Lục Đầu. Người ta thường gọi là “Vũng rơi chuông” (sđd, tr. 110).

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 7.2017 Ba vi cao tang tieu bieu o chua Pha Lai 2

Thiền sư Chân Không (1046- 1100)

Theo sách “Thiển Uyển Tập Anh” (NXB Văn học, H.1990, bản dịch của nhóm Ngô Đức Thọ), thiền sư Chân Không tu ở chùa Chúc Thánh núi Phả Lại, người hương Phù Đổng huyện Tiên Du (nay thuộc huyện Gia Lâm, Tp.Hà Nội), họ Vương húy là Hải Thiềm, xuất thân trong gia đình quí tộc. Khi mẹ ông mang thai, cha ông mộng thấy vị sư người Ấn Độ trao cho cây tích trượng, sau đó sinh ra ông. Ông mồ côi từ nhỏ, khổ công đèn sách học tập, không chú ý đến những chuyện nhỏ. Năm 15 tuổi bác thông kinh sử. Năm 20 tuổi đi khắp nơi trong chốn tùng lâm để tìm nơi vừa ý. Sư đến chùa Tĩnh Lự trên núi Đông Cứu (nay thuộc xã Đông Cứu huyện Gia Bình) nghe thiền sư Thảo Nhất giảng kinh “Pháp hoa”, lòng bừng tỉnh ngộ. Từ đó, cơ duyên khế hợp khác nào rùa gặp hốc cây. Ngài được thầy Thảo Nhất nhận làm đệ tử thân cận, sớm tối có dịp hỏi han những điều yếu chỉ, nên sự hiểu biết về thiền học ngày một tăng tiến. Sư lĩnh thụ tâm ấn rồi đến trụ trì chùa Phả Lại, trụ trì giới luật suốt 20 năm không bước chân xuống núi, danh tiếng đồn vang khắp gần xa. Vua Lý Nhân Tông kính mộ sư, viết chiếu chỉ sai sứ mời sư về đại nội giảng kinh “Pháp hoa”. Người đến nghe sư giảng kinh đông nườm nượp như trẩy hội.

“Bấy giờ Thái úy Lý Thường Kiệt, Thứ sử Lạng Châu, Tướng quốc họ Thân đặc biệt giữ lễ tôn kính đối với sư, thường xuất của cải cúng dường rất trọng hậu. Sư đem những của cúng dường ấy dùng vào việc sửa chữa chùa, xây tháp, đúc chuông để lưu truyền muôn đời.

“Thiền sư viên tịch vào ngày mùng Một tháng 11 năm Hội Phong thứ 9 (1100), thọ 55 tuổi. Hoàng Thái hậu Linh Nhân, công chúa Thiên Thánh, ni sư Diệu Nhân làm lễ phúng viếng. Hai ngày sau, Nghĩa Hải đại sư ở chùa Đại Minh, thiền sư Pháp Thành dẫn đầu tăng chúng làm lễ an táng, xây tháp ở ngoài nhà trai; Học sĩ Nguyễn Văn Cử phụng chiếu soạn bài minh khắc trên bia tháp, Thượng thư bộ Công Đoàn Văn Khâm làm thơ truy điệu”. (sđd, tr. 227, 230).

Thiền sư Nguyễn Minh Không (1066- 1141)

Trong các thư tịch ở nước ta, tên tuổi Nguyễn Minh Không nhiều lần được nhắc đến với tình cảm tôn kính. Sách “Đại Việt sứ ký toàn thư” (NXB KHXH, H.1972, tr.271) chép:

“Tháng 3 [năm Bính Thìn – 1136], (…) vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi, nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm Quốc sư, tha phu dịch cho vài trăm hộ. (Tục truyền rằng, khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm, đem thuốc và thần chú giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không và dặn rằng: 20 năm sau nếu thấy Quốc vương bị bệnh nặng thì đến chữa ngay, tức là việc này)”.

“Mùa thu tháng 8, Quốc sư Minh Không chết (sư người xã Đàm Xá huyện Gia Viễn phủ Trường Yên), rất linh ứng, phàm có thủy hạn tai hại gì cầu đảo đều nghiệm cả. Nay hai chùa Giao Thủy và Phả Lại đều tô tượng để thờ” (sđd, tr.277).

Từ hai đoạn dẫn trên đây, chúng ta biết được rằng: Minh Không họ Nguyễn, tên là Chí Thành, người huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình, có tài chữa bệnh, được phong Quốc sư, chết năm Tân Dậu niên hiệu Đại Định năm thứ 2 (1141), sau khi chết được tô tượng thờ ở Giao Thủy và Phả Lại.

Sách “Thiền Uyển tập anh” chép về Quốc sư Minh Không như sau:

“Chùa Quốc Thanh, Trường An. Người làng Đàm Xá, Đại Hoàng, họ Nguyễn, tên Chí Thanh.

“Sư thường đi du học, gặp thiền sư Từ Đạo Hạnh, chùa Thiên Phúc. Hạnh mến sư, cho phép theo hầu. Trải qua 17 năm trời làm việc cực khổ,

Hạnh khen sư có chí, bèn sâu ấn cho và ban pháp danh là Minh Không. Đến khi sắp tạ thế, Hạnh gọi sư nói rằng: “Xưa, đức Thế Tôn ta, đạo quả đã tròn mà còn bị quả báo hùm vàng, huống ở đời mạt pháp, công hạnh nhỏ mọn, há mình có thể tự giữ gìn được sao? Ta nay còn phải ra đời, giữ ngôi nhân chủ, lai sinh mắc bệnh, chắc chắn khó tránh. Ta đối với người có duyên, xin nhờ cứu với”.

“Hạnh mất rồi, sư trở về làng cũ, cày cấy hơn 20 năm, không màng tiếng tăm. Lúc bất giờ Lý Thần Tông mới mắc bệnh lạ, tâm thần rối loạn, tiếng rên la hốt hoảng khiếp đảm. Lương y trong thiên hạ ứng chiếu đến chữa đều phải bó tay không thể làm gì được. Bỗng nghe có trẻ con hát rằng:

Muốn trị bệnh thiên tử
Phải có Nguyễn Minh Không!

“Bèn sai sứ tìm khắp dân gian mới gặp được sư.” “Khi sư đến, tôn túc, thạc đức các phương đang ở trên điện làm phép, thấy sư ăn mặc quê mùa, họ khinh khi không đáp lễ. Sư đến, đem theo một cái đinh lớn, dài hơn 5 tấc, đóng vào cột điện, lên tiếng nói: “Ai có thể nhổ cái đinh đó ra thì trước đáng được tôn trọng”. Nói thế ba lần, chẳng ai dám làm. Sư lại lấy hai ngón tay trái, cầm vào thì đinh theo chúng mà ra. Mọi người đều khiếp phục.”

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 7.2017 Ba vi cao tang tieu bieu o chua Pha Lai 3

“Khi gặp vua, sư lớn tiếng nói: “Đấng đại trượng phu, giàu sang bốn bể, há lại làm ra những điều cuồng loạn ấy ư?”

“Vua rất run sợ. Sư sai lấy một vạc lớn đựng nước nấu sôi tới cả trăm lần, dùng tay quấy lên đến khoảng bốn lần, rồi tắm vua trong đó. Bệnh vua liền bớt ngay. Sau, vua phong làm Quốc sư, cho thuế vài trăm hộ để tưởng thưởng.”

“Vào ngày tháng nào đó của năm Tân Dậu thứ 2 (1141), sư mất, thọ 76 tuổi”.

(Dẫn theo Nghiên cứu Thiền Uyển tập anh của Lê Mạnh Thát, NXB Tp.HCM, 1999, tr. 282- 283).

Sách “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên, viết vào thời Trần (thế kỷ XIV), mục “Sự tích đại thánh Từ Đạo Hạnh” (bản dịch của Đinh Gia Khánh, NXB Văn học, H. 1972) kể về sự tích Từ Đạo Hạnh sau khi định đánh Đại Điên để trả thù cho cha không thành, cùng Minh Không và Giác Hải đi sang Tây Trúc học đạo và chép:

“Năm Bính Thìn (1136), Thần Tông đã 21 tuổi bỗng phát bệnh, mình mọc đầy lông biến hình như con hổ. Các danh sư trong nước đến chữa rất nhiều, bệnh vẫn không khỏi. Minh Không và Giác Hải nghe tin biết là đúng với lời trước (trước đây, có lần Từ Đạo Hạnh – tiền thân của vua Lý Thần Tông – hoá hổ doạ Minh Không và Giác Hải – NQK), liền đặt ra câu ca dao cho trẻ con hát: “Muốn chữa Lý cửu trùng, phải tìm Nguyễn Minh Không”. Câu hát truyền đi, triều đình nghe được, mới sai sứ đến chùa Giao Thuỷ đón Minh Không về kinh đô chữa bệnh. Minh Không và Giác Hải thổi một niêu cơm rất nhỏ mời quan quân ăn. Quan quân rất đông người mà ăn mãi không sao hết. Đoạn, Minh Không và Giác Hải cùng với sứ giả xuống thuyền. Minh Không bảo quan quân hãy tạm nằm nghỉ, đợi gần sáng nước triều lên hãy cho thuyền đi. Ai nấy nằm ngủ yên giấc, hai sư dùng phép làm cho thuyền không cần chèo lái mà đi nhẹ như tên, chốc lát đã đến kinh đô. Hai sư đánh thức mọi người dậy, thì trông lên đã thấy tháp Báo Thiên rồi! Mọi người đều rất kính phục.

Hồ Nguyên Trừng có sách “Nam ông mộng lục”, trong đó có truyện “Minh Không thần dị”. Truyện này sau đó được chép lại trong “Lĩnh Nam trích quái”, một số chi tiết có khác với “Việt điện u linh”. Nội dung như sau:

“Làng Giao Thủy có chùa Không Lộ, xưa có nhà sư tên là Đạo Hạnh, trong khoảng Trị Bình (1064- 1067) xuất gia trụ trì chùa đó, nổi tiếng là đức hạnh. Một hôm, Minh Không từ ngoài đi vào, nhà sư cùng phòng, tức Đạo Hạnh, núp trong cửa nhảy ra giả tiếng hổ để dọa Minh Không. Minh Không cười nói: “Người tu hành mà muốn làm cọp sao? Ta sẽ cứu người”.

“Sau nhiều năm, nhà sư ấy bỗng chốc chết, hóa làm quốc vương, chẳng bao lâu bỗng hóa ra mọc lông, vùng vẫy gào thét, mặt giống như cọp, tìm khắp thầy thuốc, thầy bói, nhà sư, đạo sĩ, nhưng đều bó tay. Nghe Minh Không có phép thuật, sai người chèo thuyền đến mời. Minh Không lấy một chiếc om nhỏ nấu cơm để cho thủy thủ ăn. Vị sứ giá cười nói: “Sợ khó đủ hết”. Minh Không trả lời: “Không phải, để cho họ ăn mỗi người một ít, xem chút hậu tình của ta”. Rồi thủy thủ bốn năm chục người ăn mãi mà không hết. Mọi người đều lấy làm lạ. Đến chiều, họ sắp ra thuyền thì sư lại bảo thủy thủ hãy ngủ ngon một đêm, đợi sáng mai rạng đông, bần tăng gọi dậy thì mới có thể bắt đầu ra thuyền, nếu không thì ta sẽ không đi. Sứ giả nài nỉ không được, bèn nằm yên giả ngủ, thì chỉ nghe dưới thuyền tiếng gió thổi veo veo. Lúc lâu mặt trời mọc, sư gọi mời dậy thì thuyền đã cập bến ở kinh đô.

“Minh Không bay lên trời mà vào cung, đun nước tắm cho vua, lập tức lông rụng, thân thể bình phục. Vua hỏi lý do. Sư đáp: “Người tu hành nếu một niệm mê thì sám hối là xong, không khó khăn gì hết”. Vua lại hỏi: “Sư làm sao có thần thông mà làm được như vậy?” Minh Không trả lời: “Đấy chẳng phải phép thuật gì hết. Thần xưa có bệnh phong, phát ra thì không thấy, nên nhiều ít không biết thì cái gì cũng trống, mình cứ tin mà bước đi, chẳng phải thần thông gì thảy”. Bèn lại đi bằng đường không mà trở về, cho thưởng gì cũng không nhận. Vua bèn ban hiệu là Thần tăng để ngợi khen”.

Sách “Việt sử tiêu án” chép lại gần giống như “Lĩnh Nam trích quái”: “Đời truyền: Đạo Hạnh khi sắp thi giải, đem thuốc có làm phù chú, giao cho đệ tử Nguyễn Chí Thành, tức Minh Không nói rằng: “Sau 20 năm, quốc vương có bệnh thì đem mà chữa”.

Sách “Đại Nam nhất thống chí”, tập III, phần tỉnh Ninh Bình, mục “Đền miếu” (NXB KHXH, H.1971) viết về đền thờ Nguyễn Minh Không:

“Hai xã Đàm Xá và Điềm Xá cùng thờ [Nguyễn Minh Không]. Thần là người xã, họ Nguyễn, tên tự là Chí Thành. Xét “Ngoại truyện” chép Chí Thành đi học lĩnh hội được tâm ấn của Từ Đạo Hạnh lấy hiệu là Minh Không thiền sư, trụ trì chùa Quốc Thanh đời Hội Tường Đại Khánh (1110 – 1119) triều Lý Nhân Tông. Từ Đạo Hạnh sắp mất, dặn lại Minh Không rằng: “Sau này thầy ở ngôi vua, khó trốn được nợ trần, cần được đệ tử cứu chữa”. Sau Lý Nhân Tông mắc bệnh, hóa thành hình cọp. Bấy giờ đồng dao có câu rằng: “Dục y Lý cứu trùng, tu cầu Nguyễn Minh Không” (muối chữa bệnh vua nhà Lý, phải tìm Nguyễn Minh Không). Khi mới đến, sư nói về tiền thân cho nhà vua nghe. Vua tỉnh ngộ. Minh Không bèn nấu vạc dầu sôi rồi vốc dầu vào bàn tay vẩy khắp thân thể vua. Nhà vua khỏi bệnh, phong làm Quốc sư, cho ăn lộc mấy trăm hộ. Đến năm Đại Định thứ 2 triều Lý Anh Tông (1141), nhà sư mất, hưởng thọ 76 tuổi. Người địa phương lập đền thờ. Trước đền có cây đèn bằng đá, cao khoảng một thước, tương truyền đấy là cây đèn dùng để tụng kinh. Nay các chùa ở Giao Thủy và Phả Lại đều tô tựng phụng thờ” (sđd. tr. 259).

Sách “Đại Nam nhất thống chí”, tập III, phần tỉnh Nam Định, mục “Đền miếu” (NXB KHXH, H.1971) viết về đền thờ Nguyễn Minh Không:

“Đền thiền sư Minh Không ở xã Cổ Đam huyện Ý Yên. Thiền sư họ Nguyễn tự Chí Thành, người xã Đàm Xá huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình. Sự tích chép ở “Ninh Bình tỉnh chí” (sđd, tr. 338).

Sách “Đại Nam nhất thống chí”, tập III, phần tỉnh Hải Dương, mục “Đền miếu” (NXB KHXH, H.1971) viết về đền thờ Nguyễn Minh Không:

“Đền Minh Không thiền sư ở xã Hán Lý huyện Vĩnh Lại (nay thuộc Tp.Hải Phòng – NQK). Thiền sư họ Nguyễn tự Chí Thành, người huyện Gia Viễn. Lúc trẻ kết bạn với Từ Đạo Hạnh, thụ giới ở chùa Vân Mộng. Sau, làm tăng ở triều Lý Nhân Tông. Thần Tông mắc bệnh, nhà sư chữa khỏi, vua phong làm Quốc sư. Tương truyền, nhà sư siêu hóa ở núi Tam Viên xã Hán Lý, dấu cũ vẫn còn” (sđd, tr. 409).

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 7.2017 Ba vi cao tang tieu bieu o chua Pha Lai 4

Một vài suy nghĩ:

– Các vị thiền sư Dương Không Lộ, Chân Không, Nguyễn Minh Không đều là những vị cao tăng có thật trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, nhưng trải qua nhiều năm tháng, với tình cảm quí trọng và ngưỡng mộ của tín đồ phật tử và của người dân, hành trạng của các vị đã được truyền thuyết hóa và có những chi tiết đã được thần thoại hóa, khiến hành trạng của các vị càng lung linh huyền ảo, nửa hư nửa thực.

– Hiện tượng thiêng hóa theo hướng kỳ vĩ hóa các nhân vật có thật là hiện tượng tương đối phổ biến đối với các danh nhân văn hóa của nước ta (và của nhiều nền văn hóa trên thế giới, trong khu vực), trong đó có các vị cao tăng ở chùa Phả Lại khiến việc thờ tự các vị ở các cơ sở thờ tự càng như là sự đương nhiên trong tín ngưỡng thờ tự của cộng đồng làng xã. Cùng với sự hiện diện của tượng thờ, của những hoành phi câu đối, của thần tích, sắc phong…niềm tin vào sự linh ứng và kỳ vĩ của người dân đối với các vị cao tăng góp phần quan trọng vào sự trường tồn của các vị.

– Trong một vài bài viết, có người đã nghi ngờ rằng Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không có thể chỉ là một. Nhưng căn cứ những ghi chép của một số thư tịch cổ thì hai vị có quê quán khác nhau (Dương Không Lộ quê ở hương Hải Thanh – nay thuộc Xuân Trường, Nam Định, còn Nguyễn Minh Không quê ở xã Đàm Xá huyện Gia Viễn phủ Trường Yên – nay thuộc Ninh Bình); hai vị thuộc hai thiền phái khác nhau (Dương Không Lộ thuộc phái Vô Ngôn Thông, còn Nguyễn Minh Không thuộc thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi); về năm sinh, năm mất, tuổi thọ cũng khác nhau (Dương Không Lộ không rõ năm sinh, mất năm 1119, còn Nguyễn Minh Không sinh năm 1066, mất năm 1141, thọ 76 tuổi). Vì vậy, có thể khẳng định: Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là hai người khác nhau, không phải là một.

– Trọng lịch sử, chùa Phả Lại có nhiều vị cao tăng nổi tiếng trụ trì với những truyền thuyết, Phật thoại kỳ vĩ, chứng tỏ đây là ngôi chùa cổ, rất nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Tác giả: Nguyễn Quang Khải
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2017

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường